Rồi
Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra !(Mc
7, 34)
Bệnh câm
và điếc thường đi đôi với nhau, vì khi không nghe được gì thì cũng chẳng biết
gì để nói. Bệnh câm hay ngọng và điếc tuy không bị tách lìa khỏi đời sống xã hội,
nhưng lại bị ngăn cách khỏi sự giao tiếp đối thoại với nhau. Người điếc hoàn
toàn thiệt thòi về mọi âm thanh diễn ra xung quanh mình và đặc biệt không hiểu
được người khác nói gì dù lời nói của họ có liên hệ đến mình. Còn người câm hay
ngọng thì lại rất thiệt thòi về những tâm tư tình cảm ước muốn mình muốn diễn tả,
đôi khi còn bị chê trách, hiểu lầm và chế nhạo. Chính sự câm điếc tuy không lấy
đi hoàn toàn sự liên đới với tha nhân, nhưng vì bị hạn chế hai giác quan cần
thiết này đã dần dần đẩy họ ra khỏi mọi sinh hoạt cộng đồng, phần chỉ vì không
nghe không hiểu và không diễn tả được, phần vì mặc cảm và sự khinh khi… cuối
cùng dẫn đến tình trạng bơ vơ bất hạnh ngay giữa người thân và cộng đồng.
Bài Tin
Mừng hôm nay Marcô trình thuật lại câu chuyện Chúa đã chữa lành cho một người bị
điếc và câm. Chúa chữa bệnh cho anh ta bằng uy quyền của Người qua một lời
phán: “Ephata!” nghĩa là hãy mở ra. Quyền năng của Chúa
đã tháo gỡ sợi dây ràng buộc miệng và tai anh ta bấy lâu nay, Chúa đã tháo cởi
cho anh qua căn bệnh về thể lý nhằm để tỏ uy quyền của Người trên tất cả mọi tạo
vật. Người đã không dùng một phương pháp khoa học kỹ thuật nào hoặc thuốc men
gì như các thầy thuốc đã từng dùng, nhưng Người đã dùng uy quyền để chữa lành bệnh
tật. Chúa Giêsu kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh,
và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh, ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói
“Epphatha” nghĩa là hãy “mở ra”. Nếu tội lỗi, sa ngã có từ thời kỳ đầu của công
trình sáng tạo, thì giờ đây, Chúa Giêsu muốn khôi phục lại công trình sáng tạo.
Trong ngày tạo dựng Thiên Chúa dùng Lời, bàn tay của Ngài và hơi thở của Ngài để
tạo dựng con người, thì Chúa Giêsu Con Ngài cũng dùng như vậy để tái tạo con
người.
Hành động
chữa lành của Chúa Giêsu hôm nay xem ra phức tạp hơn nhiều so với những lần trước
đó: Thay vì một lời ra lệnh hoặc một cử chỉ đặt tay như cách Người thường làm,
thì với người điếc - ngọng này, Chúa Giêsu phải dùng ngón tay xỏ vào tai, dùng
nước miếng của mình bôi lên lưỡi bệnh nhân, rồi thở dài không nhìn vào anh mà
nhìn lên trời mà nói: Hãy mở ra… Phải chăng, cách thức chữa bệnh này mang một ý
nghĩa đặc biệt nào đó? Có lẽ cách thức chữa trị này mang tính biểu tượng vì
tình trạng của con người lúc bấy giờ đã ra nặng nề làm ngơ giả điếc trước Tin Mừng
và mọi miệng lưỡi không còn ca ngợi Thiên Chúa nữa. Tâm trạng Chúa Giêsu “rên”
- “thở dài” và hô lên: Ép-pha-tha! Điều này vừa diễn tả sự rên siết của Người vừa
như là một tiếng hét thấu trời xanh để mở đôi tai còn đóng lại của nhân loại:
HÃY MỞ RA. Đó cũng là thực trạng của nhân loại hôm nay, cách riêng với nhiều
người trong chúng ta, khi làm ngơ trước Lời Chúa và điều hay lẽ phải, bịt tai
trước những lời góp ý xây dựng; miệng lưỡi không còn dùng để đọc kinh, ca ngợi
và rao truyền chân lý của Chúa, cũng như im lặng trước những bất công và không
dám nói lên sự thật. Tóm lại, qua phép lạ này, Chúa muốn dạy chúng ta :
-Tin
Mừng của Chúa cần được phải phổ biến sang đất Dân ngoại, đến với những nơi xa
xôi. Các môn đệ của Chúa cũng cần phải có tâm tình của Chúa, đó là mang ánh
sáng cứu độ đến với muôn dân.
-Khi mở
tai cho người bệnh này, Chúa cho hiểu rằng Ngài muốn ban cho người ta nghe và
hiểu biết Lời của Chúa, để sống đức tin. Và chính các môn đệ cũng cần được Ngài
mở tai cho, hầu nghe được và hiểu được lời dạy của Chúa, ý của Chúa, và nghe ra
tiếng kêu cứu của những người đau khổ.
-Khi
tháo cởi miệng lưỡi cho người bệnh được khỏi ngọng, Chúa Giêsu muốn cho người
này có khả năng nói với Chúa, nói về Chúa cho anh chị em của mình biết “mọi sự
tốt đẹp” của Chúa đã làm cho con người, và cùng với mọi người biết ca ngợi tình
thương của Thiên Chúa.
Nghe bài
Tin Mừng hôm nay, chắc hẳn chúng ta không quên điệp khúc bài thánh ca của Linh
mục Thành Tâm: “Ephata! hãy mở! mở ra! Ephata! Hãy mở ra! Ephata! Ephata!” nhắc
nhở chúng ta luôn biết đến với Chúa để xin Người Ephata chính con người của mỗi
chúng ta. Tuy là những người hoàn chỉnh về thể lý, nhưng nhiều khi chúng ta
không để ý đến phần tâm linh xem có được hoàn hảo như phần thể lý chăng? Xin
Chúa Ephata cho chúng ta:
-Như
đôi mắt sáng thể lý quan sát nhìn được tất cả mọi hình ảnh chung
quanh, xin cho con mắt tâm linh không bị mù lòa tăm tối nhưng biết
chiêm ngưỡng kỳ công của Chúa và không nhận ra Chúa là tác giả và đang muốn
mình làm gì?
-Như đôi
tai hoàn hảo nghe biết được tất cả những âm thanh trên đời, xin cho đôi tai tâm
hồn không lãng, điếc nhưng biết lắng nghe Lời Chúa đang muốn nói với ta.
-Như
đôi môi trong giao tiếp hằng ngày không biết bao nhiêu câu chuyện, mỹ từ đã
nói ra, xin cho chúng ta biết nói về
Chúa với người khác.
-Như đôi
chân đã mạnh bước khắp chốn, từ vũ trường đến quán xá tận hang cùng ngõ hẻm cũng
biết bước chân đến nhà thờ không khập khiễng nặng nề.
-Như
đôi tay đã cầm đọc ngấu nghiến những trang tiểu thuyết hết cuốn này đến cuốn
khác, di chuyển chuột (mouse) từ link này đến link kia, biết một lần cầm hoặc dừng
lại nơi cuốn Thánh Kinh đọc một đoạn cho ra hồn.
-Như lý
trí chúng ta vẫn minh mẫn tinh tường, không u mê trong đam mê dục vọng, tiền tài, danh vọng.
******
ÉP-PHA-THA
– HÃY MỞ RA, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến mở tai lòng chúng con để chúng con
nghe lời Chúa dạy và mở miệng chúng con để chúng con ca ngợi danh và rao truyền
danh Chúa. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét