Translate

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN


Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1, 41)

Bệnh tật là một thử thách đến với con người, muốn vượt qua được bệnh tật bệnh nhân cần phải được điều trị tích cực, bệnh nặng thì bệnh nhân phải nhập viện để bác sĩ tiện theo dõi để điều trị, nhẹ thì cần phải uống thuốc để ngăn chặn. Hiểu theo người kitô hữu đó là thánh giá Chúa gửi đến cho con người: "ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Thầy"(Lc 9, 23). Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện của một người bị bệnh phong cùi đã được Chúa Giêsu chữa lành và giải thoát anh khỏi mọi nỗi tủi nhục. Thời Cựu ước phong cùi bị xem là căn bệnh nan y, bệnh thời đại. Từ thời ông Môsê đã có những điều luật chi tiết đối với người bệnh phong được ghi thành một chương trong sách Lêvi. “Khi một người nào đó bị vết thương phong, thì phải đưa nó đến với tư tế. Tư tế sẽ khám nếu ở trên da có nhọt trắng, và nhọt ấy làm cho lông chuyển sang màu trắng, và trong nhọt có thịt đỏ lòm sùi ra, thì đó là bệnh phong kinh niên ở da thịt nó. Tư tế sẽ tuyên bố nó là ô uế...Người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên ‘Ô uế ! Ô uế !’ Bao lâu còn mắc bệnh thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13, 9-11.45-46). Thời Tân ước, tức là thời Chúa Giêsu, những người mắc bệnh phong vẫn bị xã hội loại trừ một cách nghiệt ngã. Họ bị thứ vi trùng gặm nhấm thân xác tứ chi, tinh thần còn bị đè nặng bởi sự khinh miệt ghẻ lạnh của xã hội và phải sống cách ly với mọi người.

Vượt lên trên tất cả nỗi đau đó, người phong hủi trong trình thuật Tin mừng hôm nay đã đích thân tìm đến với Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin Người rằng : Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1, 40b). Có lẽ anh ta chưa được nghe nói đến lòng thương yêu của Người nên anh ta đã khẩn thiết quỳ xuống van xin Người. Hành động của anh ta biểu lộ thái độ sẵn sàng để Chúa tác động đến thân xác và tâm hồn của mình. Đó cũng là thái độ sẵn sàng đón Chúa vào trong cuộc đời của mình và khi được Chúa chữa lành thì cũng sẵn sàng để Chúa chi phối cuộc sống của mình, biến đổi cuộc sống của mình trong một tương quan mới với Chúa. Sự thành khẩn của anh đã khiến Chúa Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh hãy được sạch” (Mc 1, 41b), và một phép lạ kỳ diệu đã xảy ra. Hành động ‘đụng tay’ diễn tả cực độ lòng thương xót của Chúa Giêsu. Vì tình thương, Chúa Giêsu đã không sợ vi phạm luật Môsê đụng chạm đến kẻ ô uế. Chúa Giêsu vừa chữa bệnh cho người phong cùi vừa chữa bệnh ‘thành kiến’ cho dân chúng và các tư tế Do Thái. Với trái tim đầy nhân ái, Chúa Giêsu thực sự là vị lương y luôn thấu hiểu mọi nỗi khổ đau của thân phận loài người nên đã tự nguyện mang lấy gánh nặng của tội lỗi và bệnh tật. Người nâng đỡ, an ủi giúp họ thoát khỏi tình trạng đau khổ đang đè nặng, trao cho họ ơn tha thứ và sự bình an. Người không chỉ chữa bệnh nhưng là phục sinh số phận.

Có thể nói, khi con người dửng dưng với nỗi thống khổ của người khác thì đó không chỉ là việc làm thiếu đức bác ái mà còn là việc làm thiếu cả đức công bằng, vì người đó không trả lại được cho con người quyền được hưởng những nhu cầu căn bản của họ. Con người thường dửng dưng  trước nỗi thống khổ của anh chị em mình. Thế nhưng khi Đức Kitô đối diện với nỗi thống khổ của con người, Ngài không thể biểu lộ sự dửng dưng đó mà Ngài tỏ lòng thương xót đối với họ. Người bình thường tỏ thái độ tránh xa người phong cùi nhưng Đức Giêsu lại đến gần, đưa tay đụng chạm đến người phong cùi và nói : Tôi muốn, anh sạch đi !” (Mc 1, 41b). Khi chữa lành cho người phong cùi, Đức Giêsu biểu lộ một tình yêu nhiều quan tâm và đầy lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người, Ngài cứu chữa con người không chỉ khỏi bệnh tật phần xác mà Ngài còn cứu chữa con người khỏi cả bệnh phong cùi về đời sống tâm linh, đời sống thiêng liêng, đời sống tinh thần của mình. Cuộc sống xã hội hôm nay còn rất nhiều người mang những chứng bệnh nan y cả thể xác lẫn tâm hồn, họ đang cần được chữa lành, cần được lắng nghe và cảm thông. Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi thăm viếng, an ủi và nâng đỡ những người đau yếu, bệnh tật, tội lỗi. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải có trái tim nhân ái như Chúa Giêsu, biết rung cảm trước nỗi đau của người khác, giúp họ đón nhận mọi nghịch cảnh trong niềm tin tưởng phó thác.

******

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên loài người giống hình ảnh Chúa, mang bản tính thiện toàn tốt đẹp, nhưng vì tội lỗi chúng con đã làm cho hình ảnh ấy hoen mờ và méo mó, xin cho chúng con biết sám hối ăn năn, khiêm tốn chạy đến với lòng thương xót của Chúa để được chữa lành mọi thương tích nơi thân thể và tâm hồn. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét