Cha
đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại
mặc khải cho những người bé mọn. (Lc 10, 21a)
Đức tin
thiết yếu là một ân ban nhưng không của Chúa. Điều đó có nghĩa là người ta
không thể đạt đến đức tin bằng sự lý luận uyên bác của mình; và điều đó cũng có
nghĩa là không phải kẻ thông thái đương nhiên là những người có đức tin hoặc đức
tin sâu sắc hơn những người quê mùa dốt nát. Hôm nay Chúa Giêsu vui mừng tạ ơn
Chúa Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn bé mọn, là hết những
ai đón nhận và tin vào Người. Lời tán tụng của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm
nay xác quyết tính cách nhưng không của đức tin. Chúa Giêsu cảm tạ Chúa Cha vì
đã giấu không cho những hạng khôn ngoan thông thái biết những điều đó, tức
là ơn đức tin, mà Ngài lại mạc khải cho những kẻ bé mọn, khiêm nhu. Đây là lời
cầu nguyện thật đẹp mà Đức Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha, lời cầu nguyện diễn
tả một sự kết hiệp sâu xa của Người Con và Thân Phụ của mình. Lời cầu nguyện được
Thánh Thần tác động ấy, phát xuất từ một biến cố rất thực, đó là thái độ hân
hoan vui mừng của bảy mươi hai môn đệ khi đi rao giảng trở về (x. Lc 10,
17-20). Có thể nói rằng, lời thổn thức xúc động của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha
là bởi niềm hân hoan của các môn đệ, bởi thành quả của những người bé mọn mà Đức
Giêsu đã sai họ đến với muôn dân, mang niềm tin ơn cứu độ cho anh chị em khác.
Họ là những người bé mọn, những tâm hồn đơn sơ chân thành, dễ chấp nhận giáo huấn
bởi sự tin tưởng thuần khiết của lòng khát khao ơn cứu độ với tâm hồn của trẻ
thơ chân thành. Chính thái độ đơn sơ, chân thành và tín thác của các môn đệ,
hay nói cách khác, những kẻ bé mọn ấy tin vào Đức Giêsu cách không nghi ngại đã
làm nên một kỳ tích “Thưa Thầy, nghe đến
Danh thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”.
Chúa Cha
đã không mạc khải cho những người khôn ngoan thông thái, không phải vì Cha ghét
bỏ họ, nhưng đúng hơn là vì họ quá tự mãn, quá tự hào bởi sự khôn ngoan của
mình đến nỗi không thể đón nhận Lời Chân Lý từ miệng Đức Giêsu, một anh chàng
thợ mộc mà họ nghĩ mình biết rõ gia cảnh, thân thế. Còn những kẻ bé mọn thì có
tâm hồn trẻ thơ, luôn sẵn sàng đón nhận điều lòng mình hằng khát khao mong đợi,
ấy là lòng trông mong về Đấng Mê-si-a. Như vậy, hóa ra những kẻ bé mọn đơn sơ ấy
mới thực sự là những người khôn ngoan. Bởi nhờ thế, mà họ được nghe, được thấy,
được đụng chạm vào Đấng mà các ngôn sứ xưa hằng mong mỏi đợi trông mà không được.
(x. Lc 10, 23-24). Nói đến hạng khôn ngoan thông thái hẳn Chúa Giêsu muốn ám chỉ
đến những Biệt phái và Luật sĩ, những người có học cao hiểu rộng. Chính cái mớ
kiến thức về luật pháp và đạo giáo ấy khiến họ cho mình là người nắm giữ chân
lý, là người đạo đức và có đức tin sâu sắc hơn người khác, và Chúa Giêsu
đã không ngừng lên án thái độ huênh hoang tự đắc ấy. Mặt khác, Chúa Giêsu so
sánh giữa những người khôn ngoan thông thái với kẻ bé mọn để dạy mọi người cần
có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Người chuyển
thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Bởi vì, thái độ kiêu hãnh và nghi
ngờ sẽ ngăn cản người ta nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mặc khải cho. Thật vậy,
để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, con người cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy
hoàn toàn vào Thiên Chúa chứ không phải ỷ vào sức mình, vì đức tin ở một cấp độ
cao hơn lý trí, không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức
tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp;
con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn
ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Chứ không phải biết được chút gì thì đã kiêu ngạo
nhân danh khoa học để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc không hiểu được một
vấn đề thì lại cho là vô lý mà không nhận ra cái giới hạn của mình. Cuộc hành
trình đức tin của chúng ta cũng vậy, rất nhiều lần chúng ta cậy dựa vào sự hiểu
biết, cậy dựa vào những tri thức mà ta thủ đắc được, cậy dựa vào uy thế của cái
gọi là khoa học và dùng những sự khôn ngoan trần thế ấy để cân, đo, đong, đếm
niềm tin của mình mà quên mất ân sủng thánh thiêng của Chúa. Mọi ơn lành đều từ
Thiên Chúa, mọi thiện hảo đều bởi nơi Ngài và mọi sự dưới gầm trời này chẳng có
chi là mới mẻ; thế nhưng, đôi khi chúng ta chuộng lợi tức hơn ơn thánh, chuộng
điều tàn bạo hơn thiện tâm trong những chọn lựa căn bản của đời cuộc sống mình.
******
Lạy
Chúa, xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn yếu đuối với
mình, mà năng đến với Thánh Thể mỗi ngày, để tâm hồn chúng con được bổ dưỡng sức
thần thiêng mà vượt thắng mọi khó khăn trên đường lữ thứ trần gian. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét