Muôn
lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra
đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. (Lc 2, 29-30)
Tin mừng
hôm nay trình bày về biến cố Mẹ Maria và thánh Giuse đem Đức Giêsu vào đền
thánh để dâng cho Thiên Chúa. Tin Mừng Thánh sử Luca đã lồng ghép hai nghi thức
thánh tẩy cho Mẹ sau khi sinh và dâng Đức Giêsu (Con đầu lòng) cho Thiên Chúa
thành một. Có người cho rằng đây là một cách Luca dùng để ngầm ý làm nổi bật sự
kết hợp giữa Đức Giêsu và Mẹ Người trong việc tiến dâng cho Thiên Chúa Cha.
Luca muốn diễn tả biến cố này là một sự thánh tẩy đền thờ hơn là Mẹ được thanh
tẩy. Thật vậy, cách trích dẫn Cựu Ước ở đây, cho thấy Luca chú ý đến tính thần
học hơn là về phương diện lịch sử. Có lẽ thánh sử Luca không quan tâm lắm đến
việc Mẹ cần tẩy uế, vì Người không thể bị ô uế khi sinh ra Đức Giêsu là Thiên
Chúa, Đấng Chí Thánh và thanh sạch, cũng như Mẹ là Đấng thanh sạch vì được tràn
đầy ân sủng, nên lễ thanh tẩy ở đây có lẽ Luca muốn ám chỉ đền thờ Giêrusalem.
Vì từ khi Hòm Bia bị mất (vào 587 TCN), đền thờ đã trở nên trống rỗng và xem
như Thiên Chúa không còn hiện diện nữa. Nay Đức Giêsu Cứu Thế đến, đền thờ lại
được tràn đầy, Thiên Chúa lại hiện diện, và như thế, đền thờ được tẩy uế. Cách
kể chuyện của Luca còn cho thấy việc dâng Chúa Giêsu trong đến thánh như là một
cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước (giữa Simêon và Anna đại diện cho Cựu ước với
Đức Giêsu là Đấng khai mở Tân Ước).
Vốn là
người công chính và sùng đạo, ông Simêon được ơn linh hứng sẽ gặp Đấng Kitô trước
khi chết. Dù đã ở độ tuổi gần đất xa trời, trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông
Simêon cảm thấy không yên lòng nếu chưa nhìn thấy Đấng Cứu Độ. Được Thần Khí
thúc đẩy, ông Simêon náo nức lên đền thờ để cầu nguyện và khiêm cung chờ đợi.
Niềm vui vỡ òa khi ông được bồng ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay. Bằng đôi mắt đức
tin, ông Simêon đã nhận ra Hài Nhi Giêsu chính là ánh sáng soi đường cho dân
ngoại và là vinh quang của Israel. Ông Simêon đang đối diện với sự già nua của
tuổi tác, những giới hạn của phận người, thế nhưng sau khi gặp Hài Nhi Giêsu, ông
đã có một niềm vui tròn đầy viên mãn và cuộc sống mới tươi đẹp được mở ra thay
cho những gì là già nua chết chóc. Cuộc gặp gỡ đã lưu lại nhiều kỷ niệm, niềm
vui linh thánh chan hòa khiến họ cất cao tiếng hát chúc tụng tình thương Thiên
Chúa. Còn với gia đình Nagiaret, sau khi làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền,
họ trở về quê hương bắt đầu cuộc sống đầy ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Mặt
khác, lời tiên báo của ông Simêon: “Một
lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn hồn Bà” (Lc 2, 35) là một mặc khải về viễn
tượng đau khổ của Đức Giêsu cũng như của chính Mẹ Maria, và từ đó cùng với Con
mình, Mẹ Maria bước vào cách mãnh liệt sự hiệp thông cứu chuộc, để tâm hồn nhiều
người được tỏ lộ, Mẹ đồng hành với công cuộc truyền giáo của Con và kết hiệp với
hy tế của Con (sosio passionis) hầu mưu cầu sự cứu rỗi cho con người. Lời của
ông Simeon như một cuộc truyền tin thứ hai cho Mẹ; vì đã cho Mẹ thấy chiều kích
cụ thể trong lịch sử, trong đó Con của Mẹ sẽ thực hiện sứ vụ của mình: giữa sự
cứng tin và trong đau khổ. Một mặt, nếu lời loan báo này xác nhận niềm tin của
Mẹ vào việc Thiên Chúa sẽ thực hiện các lời hứa, thì mặt khác cũng cho thấy Mẹ
phải sống sự vâng phục đức tin trong đau khổ, bên cạnh Đấng Cứu Độ khổ đau; chức
năng Từ Mẫu của Mẹ sẽ nằm trong bóng tối và sự đau xót. Đặc biệt, dưới chân
thánh giá, nhờ lòng tin, Mẹ chia sẻ vào mầu nhiệm kinh hoàng của sự tự hạ. Có lẽ
đó là sự tự hạ (kénosis) sâu xa nhất của đức tin trong lịch sử loài người. Nhờ
đức tin, Mẹ Maria tham dự vào cái chết cứu độ của Con mình; nhưng khác với đức
tin của các môn đệ đang chạy trốn, đức tin của Mẹ thật chói ngời. Qua thập giá,
Đức Giêsu đã chứng thực cách dứt khoát trên đồi Calvê rằng Người là “dấu hiệu bị người đời chống báng”(Lc 2,
34b) như ông Simeon đã báo trước. Đồng thời, ở nơi đó những lời nói về Mẹ
cũng thành tựu: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ
đâm thấu lòng Bà”.(Lc 2, 35.) Cũng như Đức Kitô đã chấp nhận chịu thử thách
đau khổ không phải do tội của Người, mà là vì gánh lấy tội thế gian, Mẹ thánh
thiện đã chịu đau khổ nhiều khi dâng lên Chúa Cha sự đau khổ của Đức Kitô và sự
đau khổ của chính mình như Mẹ của Đấng Cứu Thế. Mẹ thông hiệp đầy đủ vào hy tế
của Con trong giai đoạn có tính cách lịch sử của nó. Sự đau khổ của Con Thiên
Chúa thì vô cùng và sự đau khổ của Mẹ cũng thật lớn lao.
*******
Lạy
Chúa Giê-su, Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã
cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng
tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ thơ vô tội. Xin cũng giúp
chúng con biết noi gương Mẹ Maria mà cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân
trần. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét