Bởi
đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (Lc 1, 43)
Con
Thiên Chúa, từ ngày truyền tin, lại còn là con Đức Maria. Hồng ân ấy, Đức Maria
không giữ cho riêng mình, Người đã vội vã lên đường, đi thăm người bà con để
chia sẻ cho nhau. Mở đầu bài Tin Mừng với từ “Hồi ấy”, nghĩa
là ngay sau biến cố Truyền Tin, ngay sau khi đón nhận Chúa Giêsu vào
cung lòng, Đức Maria đã lên đường ngay. Mẹ vội vã lên đường
như đây là một công việc gấp rút, cần phải thực hiện càng sớm, càng tốt.
Đó là hình ảnh của một con người "đầy Chúa", sẵn sàng ra đi loan
báo Tin Mừng, loan báo về Tình Yêu Thiên Chúa thực hiện trong Đức
Kitô. Đúng thế, Mẹ đang cưu mang Đấng Cứu Tinh- một niềm vui lớn cho
dân Israel đang trông chờ, nên Mẹ không chần chừ, không lưỡng lự mà đon đả lên
đường đem Tin Mừng cho người chị họ của mình. Động lực thúc đẩy Mẹ không phải
vì Mẹ tò mò xem Lời Thiên sứ nói về Êlisabét có đúng không? Cũng không phải mau
mắn đến giúp bà chị, nhưng vì Mẹ tràn đầy niềm vui Tin Mừng, nên tức khắc cần
chia sẻ ngay cho những người thân cận của Mẹ. Đây là một cách truyền giáo mà
người Kitô hữu chúng ta cần học.
Sự xuất hiện của Mẹ sau tiếng chào đã làm cho bà Elisabeth được
tràn đầy Thánh Thần và Gioan Tẩy Giả được cứu độ. Chúng ta hình dung ra ngay lúc này đây qua bài
Tin Mừng, cảnh hai con người tràn ngập niềm vui: Niềm vui Mẹ đem Chúa đến cho
nhà Giacaria, niềm vui của bà Eliazabeth phải kêu lên, niềm vui của Gioan trong
bụng mẹ phải nhảy lên vui sướng, niềm vui của hai bà mẹ hạnh phúc vì đều đang được
mang trong mình một mầm sống mới. Tuy nhiên, niềm vui chỉ thật sự viên mãn khi
biết chia sẻ niềm vui, và khi chia sẻ thì cũng được nhận lại niềm vui để nên
phong phú và trọn vẹn. Mẹ Maria đem niềm vui đến chia sẻ cho bà Elizabeth, thì
cùng lúc mẹ đón nhận niềm vui vì Chúa đã thương cất đi nỗi nhục nhằn son sẻ của
bà chị họ. Niềm vui càng nên trọn vẹn khi được cụ thể hóa bằng lời ca ngợi Chúa
và phục vụ nhau. Mẹ Maria đã thốt lên bài ca Magnificat bất hủ và tận tình phục
vụ bà chị họ Elizabeth trong thời kỳ thai nghén. Một tấm gương tuyệt diệu của
“Bà Chúa” đối với con người. Quả thế, dù được diễm phúc hơn mọi người phụ nữ vì
đã cưu mang Con Thiên Chúa, cưu mang Đấng Cứu Thế mà cả dân Israel và muôn dân
trông đợi, nhưng Đức Maria đã không tự coi mình cao trọng trong phẩm vị “Hoàng
Thái Hậu” mà hạ mình để phục vụ, mà người đầu tiên được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa
đến phục vụ là bà Elisabeth. Nếu Đức Giêsu là Chúa và là Thầy mà đã quì xuống
rửa chân cho các môn đệ, thì trước đó chính Mẹ Người là Mẹ Thiên Chúa đã hạ
mình phục vụ một thụ tạo, và với một công việc rất thấp hèn suốt một thời gian
ba tháng theo lời kể của Thánh sử Luca (x. Lc 1, 56).
Ngoài
ra, biến cố gặp gỡ giữa Maria và Elisabeth đã làm nổi bật lên tầm quan trọng của
đức tin trong việc đón nhận, gặp gỡ và trao ban. Quả thế, sự gặp gỡ là khởi đầu
cho những giao ước và nối kết các mối liên hệ trong cuộc sống. Muốn gặp gỡ đòi
hỏi phải ra khỏi mình, ra khỏi chính nơi yên ổn của mình, ra khỏi những vướng bận
ràng buộc mình để đến với tha nhân. Chính vì vậy, mà với khoảng cách giữa
Nazareth và Ain Carem cả trăm cây số, nhưng vì tình yêu và muốn đem Chúa đến
cho người chị họ, nên Mẹ Maria đã không quản ngại ra đi để gặp gỡ bà chị, dù
khi đi phải chấp nhận nhiều từ bỏ đầy rủi ro. Nhưng theo Tin Mừng, để có được
cuộc gặp gỡ này, đòi hỏi một sự tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, từ đó mới
dám ra đi, mới dám dấn thân không ngại rủi ro đường xa nguy hiểm. Tin rằng Chúa
đã thực hiện cho mình và tin rằng Chúa cũng đã rất thương đối tượng mình gặp gỡ.
Thật vậy, lúc nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Maria cũng chưa biết Thiên
Chúa sẽ đưa mình tới đâu, nhưng Đức Maria chắc chắn tin vào Thiên Chúa và
chương trình của Người. Chính lòng tin sắt đá ấy đã làm cho Đức Maria xứng đáng
được đón nhận Chúa Giêsu Kitô vào trong dạ mình, thông chia cho Người bản tính
nhân loại để Người trở nên một phần tử loài người mới, và bắt đầu từ đó, một
nhân loại mới đã được thai sinh. Chức vụ làm mẹ này là kết quả của lòng tin nơi
Đức Maria vào Thiên Chúa. Đức Maria không những được tôn vinh về chức vụ làm Mẹ
Đấng Cứu Thế về mặt thể xác, nhưng Mẹ còn cao trọng hơn mọi người về mặt đức
tin. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Đức Maria là người môn đệ đầu tiên trọn hảo
nhất của Đức Kitô và trọn hảo nhất về mặt đức tin”. Nếu Abraham là “tổ phụ những
kẻ tin” (x. Rm 4, 12), thì Đức Maria là hiện thân sự hoàn hảo của đức tin.
Abraham ra đi còn có một lời hứa “đất và dân”; Đức Maria đón nhận trách nhiệm
trong một niềm tin phó thác mạng sống mình vào tay Thiên Chúa. Dù không có bất
cứ một lời hứa nào, Đức Maria vẫn phó thác và đi hết con đường vâng phục của
mình trên trần gian. Thiên Chúa còn sai sứ thần nắm bàn tay sát tế của Abraham
để khỏi hạ gươm giết con một mình, còn Đức Maria không thấy bàn tay nào ngăn cản
các lý hình giết chết Người Con yêu dấu.
*******
Lạy
Chúa, như Mẹ Maria đã chia sẻ vào mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô trong tất cả chiều
kích cuộc đời trần thế của Người, đặc biệt trong sự gặp gỡ và phục vụ. Xin cho
chúng con trong cuộc lữ hành đức tin cũng biết noi gương Mẹ Maria, là sẵn sàng
ra khỏi mình để đến gặp gỡ tha nhân, để phục vụ và trao ban Chúa cho họ. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét