Translate

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

THỨ SÁU TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN


Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu (Lc 21, 33)

Biết tiên liệu những hiện tượng hiện tại để tránh những điều đáng tiếc xảy ra cho tương lai đó là thái độ và cách hành sử của người không ngoan. Hơn hết, biết tiên liệu để chuẩn bị cho cuộc sống đích thực mai sau là điều mà Chúa Giê-su muốn dùng những hình ảnh đời thường để nhắc nhở những người theo Chúa luôn phải luôn cảnh giác và có những chọn lựa và hành xử một cách khôn ngoan và sáng suốt. Chương 21 trong Tin Mừng Luca đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất ‘khải huyền’, nói về những điềm báo xảy đến trên trời dưới đất, về Giêrusalem sắp đến ngày tàn, và đặc biệt là sự kiện Con Người quang lâm. Nghe thật đáng sợ, nhưng lại là lời mời gọi con người hướng đến Nước Thiên Chúa sắp đến gần. Nhìn sự thay đổi của cây cối và cụ thể là cây vả- là cây được đề cập trong bài Tin mừng hôm nay để biết được thời khắc diễn biến của trật tự vũ trụ và thời gian. Cây vả là một loại cây rất thường thấy khắp nơi tại Thánh Ðịa, là một loại cây có tàn che mát, sai trái. Cũng giống như một số cây ở nơi khí hậu lạnh, khi trời chuyển sang thu đông, cây vả bắt đầu rụng hết lá, thân cây chỉ còn lại những cành khô cứng trơ cọng. Nhìn chúng ta cứ tưởng là chúng đã chết khô và không còn dấu hiệu của sự sống. Ấy thế, nhưng bắt đầu mùa xuân đến, từng ngày những cành cây khô héo trơ trọi kia đâm chồi, nẩy lộc, cành lá xum suê, những chùm hoa khoe hương sắc và kết trái… tràn trề sức sống. Đó là dấu hiệu báo rằng đang xuân, thì cũng vậy, triều đại Nước Thiên Chúa xuất hiện, là dấu chỉ báo hiệu cho chúng ta biết ngày Chúa đến, nghĩa là ngày Chúa quang lâm. Ngày Chúa đến là ngày Chúa trở lại nhằm xét xử kẻ sống và kẻ chết. Đó là ngày đáng sợ cho những tâm hồn còn nhiều điều bất xứng, tội lỗi. Nhưng đó là niềm vui cho những tâm hồn ngay chính, những ai đã chuẩn bị sẵn sàng hãy ngẩng đầu lên để đón mừng ngày vinh quang đã tới. Nếu vậy, đây quả là lời cảnh tỉnh con người chúng ta hôm nay. Trong ngày tận thế, Chúa Giêsu sẽ ngự đến trong vinh quang và quyền năng, nhưng chưa biết Ngài sẽ đến lúc nào. Do đó, cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Mặc dù chưa đến ngày cuối cùng của thế giới, nhưng Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện trong thế giới hôm nay. Ngài vẫn đến với chúng ta qua những người nghèo khổ, cần sự giúp đỡ. Ngài vẫn đến với chúng ta qua các trẻ em mồ côi, bệnh tật. Ngài vẫn đến qua những người già neo đơn, qua những người hành khất bên vệ đường…

Thử hỏi tôi đã chuẩn bị hành trang đầy đủ, tôi có sẵn sàng ra đi về đời sau hay không? Đâu là hành trang của mỗi người chúng ta cần chuẩn bị? Hành trang của chúng ta là thái độ dứt khoát từ bỏ những đam mê sắc dục, tích trữ tiền bạc, của cải cho thật nhiều, nhưng là tích trữ những kho tàng thiêng liêng, là đời sống đạo đức, chuyên chăm tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, sống cầu nguyện, kết hợp với Chúa trong kinh nguyện. Hành trang của chúng ta là sống theo Lời Chúa dạy trong Tin mừng, được diễn tả ra bằng đời sống khiêm nhường, sự hy sinh quên mình và lòng bác ái vị tha mà chúng ta đã làm cho anh chị em xung quanh. Chắc chắn chúng ta sẽ đạt được niềm vui, hạnh phúc trong vinh quang Nước Thiên Chúa, nếu chúng ta tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa là Đấng thương xót và thứ tha mọi lỗi lầm của chúng ta. Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra Chúa nơi những người thân cận của chúng ta. Là người Kitô hữu, chúng ta hãy đến với những cảnh đời bất hạnh và biết sống cảm thông, chia sẻ. Có như thế, chúng ta mới có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu để lãnh nhận ơn cứu chuộc trong ngày Chúa quang lâm vinh hiển. Cuộc sống tương lai của chúng ta sẽ tùy thuộc rất nhiều vào cuộc sống trong hiện tại. Chúng ta hãy cố gắng chuẩn bị hành trang của mình để có thể trở nên hoàn thiện hơn, để có thể đứng vững trước mặt Con Người. Ngày nay, những điềm lạ tự nhiên ở trên trời chưa xảy đến. Thế nhưng, người ta đang phải sợ hãi bởi nhiều điều : Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt ở nhiều nơi, tai nạn giao thông, bạo lực trong gia đình, sự chia rẽ trong gia đình, tệ nạn trong giới trẻ…Để thoát khỏi những nỗi sợ hãi, con người cần phải hướng về ngày tận thế với niềm tin vào cuộc quang lâm của Đức Kitô.

TÓM LẠI: Ngày Chúa quang lâm, hay còn gọi là ngày cánh chung, ngày tận thế chưa biết sẽ xảy ra khi nào, lúc nào. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy biết chuẩn bị, sẵn sàng. Trước hết, chúng ta hãy biết chuẩn bị bằng đời sống đức tin và trung thành với Chúa trong cuộc sống của mình, để phấn khởi đón nhận ơn Chúa đến trong hiện tại và vui mừng đón Chúa đến trong tương lai, đặc biệt vào giờ chết của mình. Hơn nữa, chúng ta còn phải đẩy lùi tội lỗi, tránh xa những thế lực của sự dữ, satan, ma quỉ, triệt hạ những ngẫu tượng, đẩy lùi những tính hư nết xấu, ích kỷ, tham lam,… trong chúng ta, trong gia đình chúng ta và trong môi trường xung quanh chúng ta. Tốt nhất là chúng ta quyết góp tay xây dựng một thế giới đầy tình người trong đó hận thù, chia rẽ sẽ nhường chỗ cho yêu thương, quảng đại, cảm thông và chia sẻ.

******

Lạy Chúa, cuộc sống trần gian này là thời gian Chúa dành cho chúng con để chuẩn bị cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Xin cho mỗi người chúng con biết chuẩn bị hành trang thật xứng đáng, bước vào cõi hạnh phúc đích thực, là ơn cứu độ Chúa hứa ban, là vinh quang và là niềm vui bất tận của chúng con. Amen.

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

LỄ THÁNH AN-RÊ TÔNG ĐỒ

Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá (Mt 4, 19)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên, trong đó có thánh An-rê là Tông Đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay. Bốn Tông Đồ này là hai cặp đôi anh em ruột và cùng làm nghề đánh cá. Phêrô – Anrê và Giacôbê – Gioan. Qua cách thức gọi của Chúa Giêsu và lời đáp trả của các Tông Đồ, chúng ta cùng suy tư một số điểm sau đây:

1. Chúa gọi các Tông Đồ ở đâu và trong hoàn cảnh nào?: Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người.

 2. Chúa gọi như thế nào và gọi để làm gì?: Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.

3. Sứ vụ của người được gọi: “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người”: nghĩa là, theo Chúa không phải để trốn tránh việc đời, để an thân và lẩn tránh trách nhiệm, nhưng là phải ra đi đem Tin Mừng cho thế giới và đem về cho Chúa các linh hồn.

 4. Sự đáp trả và tinh thần từ bỏ: Ngay lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà theo Chúa. Hành động ngay lập tức (chứ không phải để từ từ và so đo tính toán nữa) nói lên một sự tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đi sau sự đáp trả là từ bỏ tất cả, vật dụng làm nghề, bỏ cơ nghiệp, bỏ nghề nghiệp và bỏ cả liên hệ gia đình để đi theo Chúa. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoát, không vương vấn và không để điều gì vướng bận cho sứ vụ mới. theo Chúa là phải bỏ con người cũ để sống con người mới.

TÓM LẠI: Chúa Giêsu gọi ai thì Người không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không? Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ ta là ai, nhưng chỉ thấy ta từ lúc ta bắt đầu bước theo. Chúa gọi ta và mời gọi ta làm chứng cho Người ngay chính nơi ta sống và làm việc. Cùng với ơn soi sáng cho ta nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là ta không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

NGÀY HÔM NAY, CHÚA CŨNG ĐANG MỜI GỌI BẠN LÀM TÔNG ĐỒ CHO CHÚA. THẾ NHƯNG, BẠN CÓ ĐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI CỦA CHÚA CÁCH THÀNH TÂM, THIỆN CHÍ HAY KHÔNG, DÁM TỪ BỎ KHÔNG, HAY CÒN ĐANG VƯỚNG VÍU BỞI NHỮNG CỦA CẢI VẬT CHẤT LÀM CHO TÂM HỒN TÔI TRỞ NÊN NẶNG TRĨU TRƯỚC LỜI KÊU GỌI?

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, bản chất của Ki-tô hữu là truyền giáo, để chúng con hăng say tiếp nối các Tông Đồ làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng, nhờ đời sống đạo gương mẫu và việc thực thi bác ái khắp những nơi mà chúng con được sai đến. Amen.

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

THỨ TƯ TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN


Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.  Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình. (Lc 21, 17-19)

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước sự bách hại sẽ xảy đến cho các Kitô hữu, đồng thời Chúa cũng hứa ban Thánh Thần cho những ai can đảm tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Bách hại như là một điều đương nhiên xảy ra, đó là số phận của Giáo Hội. Vì thế, Chúa Giêsu cảnh báo và khuyến khích các Ki-tô hữu đương đầu với thử thách, cần vững tin, đừng nao núng. Đây cũng là âm vang của bài giáo huấn đã nói trước đây (Lc 12,11-12): “Anh em sẽ bị điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền...”

Chúa Giêsu tiên báo điều này đã ứng nghiệm từng câu chữ trong những thời kỳ bách hại. Biết bao người mang danh Kitô hữu đã phải chịu bắt bớ, ngược đãi, loại bỏ, tù đày, tra tấn và bị giết chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Nhưng lúc này lại là cơ hội tất để các môn đệ làm chứng về Thầy mình (Lc 12, 13). Như Chúa Giêsu đã làm chứng khi ra trước tòa Phi-la-tô, như Phao lô xuất hiện trước tòa án tại Roma (x.Cv 23-26), các môn đệ cũng sẽ bước vào con đường ấy. Tuy nhiên, trong mọi cơn gian lao quẫn bách, khi đứng trước tòa án người đời, thì Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ một điều cần nhớ rõ, đó là: đừng lo phải bào chữa thế nào (x. Lc 12,14), vì “chính Thầy sẽ giúp anh em ăn nói khôn ngoan, khiến địch thủ không chống chọi hay cãi lại được” (Lc 12,15). Vì danh Đức Ki-tô, chúng ta chịu đau khổ, thì chính Đức Ki-tô sẽ lên tiếng bênh vực, bảo vệ chúng ta, chính Thần Khí của Đức Ki-tô sẽ dạy chúng ta biết phải nói thế nào (x. :c 12,12). Đây là một bằng chứng có Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong những gian lao khốn khó. Ngài luôn nâng đỡ phù trì chúng ta trong mọi cơn quẫn bách. Chỉ cần một điều: Hãy tin tưởng và trung kiên đến cùng.

TÓM LẠI: Bị bách hại là số phận thường tình của người tông đồ, người tông đồ của Đức Kitô cần ý thức rõ ràng và nắm bắt điều đó một cách chắc chắn, vì nhờ đó mà Nước Trời mới đến được trong hoàn vũ, cũng như Chúa Giêsu phải chịu đau khổ mới bước vào vinh quang. Như vậy người tông đồ bao giờ cũng sẵn sàng đón nhận đau khổ, thử thách và bách hại, một cách can đảm, trung thành với đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa, không những vậy còn đón nhận trong niềm vui và hãnh diện vì được chịu đau khổ vì Đức Kitô. Điều này thúc bách chúng ta can đảm trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của đời sống, để giữ vững đức tin trong đời sống thường ngày để được sự sống đời đời. Chúng ta phải luôn cảnh giác các giáo phái khác trên thế giới, những quyến rũ xấu xa của thời đại văn minh, hưởng thụ, trọng vật chất, những thứ đó làm sa sút đức tin của chúng ta đối với Thiên Chúa đầy quyền năng, yêu thương quan phòng và cuộc sống hạnh phúc mai sau trên Nước Trời. Nhưng giữa cơn bách hại người tông đồ vẫn cảm thấy được an ủi vui sướng, hạnh phúc và hãnh diện, vì được tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu, và được có cơ hội  để là chứng cho Chúa Giêsu bằng những lời lẽ  hùng hồn, bằng những cực hình đau khổ, và cả cái chết. Chúa Giêsu còn nói: vì danh Thầy anh em sẽ  bị  mọi người ghen ghét”, như vậy, cuộc bách hại có thể xảy ra ở mọi nơi mọi lúc, vì thế gian từ chối sứ điệp của Tin Mừng Chúa Kitô, cuộc bách hại còn xảy ra trong bầu khí thân thương là gia đình, đó là trường hợp người thân cản trở, chống đối nhau trong việc đón nhận và sống Tin Mừng Chúa Kitô. Vì thế, người tông đồ khó tránh được sự bách hại và rất dễ sa ngã, nên cần phải kiên trì, can đảm, giữ vững tinh thần và đức tin, trung thành với Chúa đến cùng, với lòng tin tưởng phó thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu an ủi “ anh em đừng lo lắng sợ hãi chi, vì có Thánh Thần của Chúa Cha hỗ trợ”, và Chúa Giêsu cũng nói  chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”(Lc 21,15), Chúa Giêsu lại còn bảo đảm một cách chắc chắn rằng; Thiên Chúa sẽ săn sóc các chứng nhân của Người cách tận tình, cho đến một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”(Lc 21, 18). Như thế, các môn đệ, các tông đồ, các chứng nhân của Thiên Chúa, của Đức Kitô hãy vững dạ an tâm, can đảm trong sứ mạng và trung thành với Thiên Chúa trong đức tin và lòng yêu mến của mình.

Ngày nay, sự bách hại vẫn diễn ra, nhưng mang tính tinh vi và trường kỳ. Vì danh Chúa, người môn đệ phải đối diện với những thử thách do nội tâm, do xác thịt, do cuộc sống và do xã hội gây nên. Để được vinh thân phì gia và được ca tụng, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa.

******

Lạy Chúa, theo Chúa là bước vào con đường hẹp, là vai mang Thập Giá đời mình cùng với bao đau khổ, bao thử thách cần chiến đấu để vượt qua. Xin thêm sức mạnh và nâng đỡ chúng con, để chúng con có sức tiếp bước cuộc hành trình dương thế này, hầu mai ngày chúng con đạt tới đích là quê hương vĩnh phúc trên trời, như các thánh.... là những người đã đi trước chúng con trên con đường đức tin. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN


Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. (Lc 21,6)

Trong ý thức tôn giáo của người Do Thái, họ rất quý trọng và hãnh diện về đền thờ Giêrusalem của mình. Sự nguy nga tráng lệ mà họ đã trầm trồ khen ngợi, hãnh diện, tưởng sẽ vững chãi qua thời gian, kết cục cũng đã trở nên tan hoang đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu “"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” ( Lc 21,6). Cái mà con người tưởng có thể vững chắc lại chẳng có một bảo đảm nào, và cuối cùng rồi tan biến mất. Vậy mới hiểu được cái phù hoa tạm bợ của mọi thứ trần gian. Chỉ có một điều vĩnh cửu không bao giờ tan biến mà con người cần kiếm tìm và hướng về : Nước Trời mai sau. Sống trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội nhắc nhớ chúng ta về ngày chung cục bằng những bài đọc nói đến sự tận cùng của thế giới - Không phải để làm cho chúng ta lo âu, nhưng là để chúng ta ý thức sự chóng qua của vũ trụ vật chất mà biết xây dựng cho mình một đền thờ tâm linh vững chắc trường tồn trong Đức Ki-tô Giê-su. Mặt khác, đoạn Tin mừng cũng nhắc nhớ chúng ta về ngày chung cục của đời mình. Thế giới qua đi! Cuộc đời của chúng ta cũng sẽ qua đi! Sự khôn ngoan mách bảo chúng ta phải biết tìm cho mình những giá trị vĩnh cửu hơn là bám vào đời sống tạm bợ này; phải biết dùng những phương tiện chóng hư nát để tích lũy những giá trị, của cải không bao giờ hư nát là sự sống hạnh phúc bất diệt đời sau. Vâng, con người sinh ra không phải để tìm kiếm vật chất, hưởng thụ vật chất, chịu biết bao nỗi khổ và kết thúc cuộc đời ngắn ngủi ở chốn hồng trần; nhưng nó được sinh ra với một mục đích cao cả và tuyệt diệu hơn nhiều – đó là được tham dự cuộc sống vĩnh cửu đời đời. Và mỗi việc làm của con người nơi trần gian này đều có hệ quả và giá trị trong cuộc sống đời đời đó. Trần gian như một chốn thao trường, một trận chiến mà người ta phải ra sức luyện tập và chiến đấu để giành phần thắng là phần thưởng hạnh phúc cho cuộc sống bất diệt của họ. Thời giờ, sức khỏe, tài năng, vật chất… là những phương tiện mà Thiên Chúa ban cho con người để họ thực hiện việc xây dựng hạnh phúc đời đời ấy. Khi họ dùng hết khả năng chung tay dựng xây, làm cho cuộc sống trần thế được tốt đẹp chính là họ đang xây dựng cho mình một thành trì, một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu mai hậu. Vì vậy hãy làm cho đời mình với biết bao lắng lo cơm, áo, gạo, tiền và những bổn phận, trách nhiệm, công việc được thăng hoa bằng một tâm hồn đẹp, bằng con tim yêu thương chân thành được sinh ra từ Đấng là tình yêu bất diệt. 

Kế đến, Chúa Giêsu còn cảnh báo về sự xuất hiện của các tiên tri giả: Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng : ‘Chính ta đây’, và : ‘Thời kỳ đã đến gần’ ; anh em chớ có theo họ. (Lc 21, 8). Thật vậy, trải qua hơn 2000 năm, Giáo Hội bao phen đương đầu với biết bao bè phái tự xưng mình là tiên tri, thậm chí mạo danh là Đấng Cứu Thế, để mê hoặc một số người và gây hoang mang cho con cái Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội là Tông Truyền vẫn đứng vững trên nền Đá vững chắc, và những sức mạnh Satan kia tự nó dần dần tan rã và diệt vong. Chiến tranh, loạn lạc, thiên tai như là một sự tất yếu không thể không có trên trái đất này, và nhiều người đã lợi dụng vào những biến cố đó để lừa gạt những ai nhẹ dạ cả tin, nhưng, hãy nhớ lời Chúa Giêsu dặn, những biến cố đó phải xảy ra, nhưng chưa phải hết đời đâu. Theo bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói đừng tin ai dám mạo danh Thầy để nói thời gian đã đến gần (Nhóm này tiên báo ngày này ngày kia, rồi còn nói thời gian đã đến cùng tận). Cần nhớ rằng, ngoài Thiên Chúa ra, từ thiên thần đến loài người không ai được biết thời gian ngày chung thẩm, chính Chúa Giêsu đã nói như vậy. Thậm chí họ từng tiên đoán sau ngày 31/5/2011 khoảng vài tháng thì xảy ra biến cố “cảnh cáo”, nhưng nhiều người đã ăn hết mì tôm, thắp hết nến và tán gia bại sản mà đến nay bao nhiêu năm rồi chưa xảy ra. Họ tin vào nghĩa đen trong sách Khải Huyền về các con số theo thuyết Millenarianism để tiên báo thời gian. Là con cái Giáo Hội, chúng ta luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng, lắng nghe lời các chủ chăn của Giáo Hội, chứ đừng dễ tin theo những trò bịp ấy của Satan.

********

Lạy Chúa, sống giữa một thế giới nhiễu nhương tốt xấu lẫn lộn, xin cho chúng con biết cầu xin ơn Thánh Thần soi sáng, biết biện phân và vâng phục những Đấng bản quyền mà Chúa đã đặt lên để hướng dẫn chúng con, hầu chúng con biết sống thế nào cho hợp ý Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN


Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. (Lc 21, 4)

Lá lành đùm lá rách, đây là một nét văn hóa cao đẹp mà con người dành cho nhau. Sự tương trợ, giúp đỡ, chia sẻ khi đồng bào mình gặp hoạn nạn, thiên tai... là rất cần thiết và đáng trân trọng. Cao hơn nữa, nét văn hóa ấy, tinh thần ấy ngày nay được gọi mời biểu lộ bằng tấm lòng, cung cách khiêm tốn và thầm kín. Của cho không bằng cách cho là vậy. Điều này muốn nói lên rằng, dù chia sẻ hay giúp đỡ bất kỳ ai từ những việc nhỏ bé như là cây kim, ký gạo hay những việc lớn cả thể như xây nhà tình thương hoặc trường học cho học sinh nghèo; chúng ta làm bằng với cả tâm hồn, tấm lòng, tình người đến với nhau, không bị bất cứ một động thái nào của thế giới bên ngoài tác động đến việc làm của ta. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc dâng cúng của người Do-thái. Trong khi các quan chức và những người trưởng giả khệ nệ đổ xoang xoảng số tiền của mình vào hòm công đức, thì một bà goá nghèo chỉ có hai đồng xu kính cẩn và nhẹ nhàng bỏ vào. Thế mà dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, chính bà góa này mới là người dâng cúng nhiều nhất, vì đã dâng cho Thiên Chúa cả lòng yêu mến và đó là điều Thiên Chúa cần. Còn những trưởng giả kia mặc dù số bạc của họ gấp ngàn lần số bạc của bà góa, nhưng lòng yêu mến của họ không bằng một phần trăm của bà, vì họ chỉ dâng số dư thừa, hoặc dâng để phô trương và để được người đời khen tặng mà thôi.  Đức Giêsu khẳng định : Những người giàu đều bỏ những đồng bạc dư thừa trong két bạc của họ, để dâng cúng. Còn bà góa thì bỏ vào tất cả những gì có thể nuôi sống bà ( x. Lc 21, 4). Một nhận xét nói lên sự thấu hiểu tâm can con người. Đúng vậy, số lượng bạc lớn từ tay người giàu đổ trút vào thùng tiền, chỉ là những đồng bạc dư thừa của họ. Họ có bỏ số tiền ấy vào thùng, thì họ lại kiếm được những món bạc khác nhiều hơn, lớn hơn để bỏ vào két sắt của họ. Còn bà góa 2 đồng xu hôm nay đã khiến cho bữa ăn của bà thiếu bánh, thiếu cá hoặc chỉ là bữa ăn chay. Chúa Giêsu không khen những ông nhà giàu đổ thật nhiều tiền vào thùng, để sửa sang trùng tu nhà Chúa, nơi dành riêng cho việc thờ phượng; nhưng Ngài khen tấm lòng bà góa với trọn vẹn vốn sống của mình, đã dâng cho Chúa những gì liên quan đến sinh mệnh, sự sống của bà, để góp phần xây dựng cho ngôi thánh đường thêm trang nghiêm hơn, thêm tình người. Tóm lại, dù có làm điều gì to lớn mà không xuất phát từ tình yêu và lòng bác ái đích thực thì cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh trước mặt Thiên Chúa. Phải, khi nghe Bài Tin Mừng này, xin mọi người hãy tự vấn xem, những lần mình làm phúc cho ai, cho giáo xứ hay cho các hội đoàn cái gì, chúng ta đã làm điều đó theo thái độ nào?

Trong xã hội ngày nay, lối sống bề ngoài, ưa chuộng hình thức, sùng bái của cải... dường như đang ăn ngấm vào não trạng một số người. Từ tư tưởng sống như thế, việc thực hành của họ cũng đem ra áp dụng trong cách cư xử, giao tế như vậy. Thích khoe trương, hãnh tiến với những người ngang hàng. Coi thường, khinh bỉ và không đón nhận người nghèo, người kém may mắn. Trái lại, những kẻ “khố rách áo ôm” ấy tuy nghèo về vật chất nhưng lại giàu về nhân cách và thái độ cư xử. Họ không có nhiều của lắm tiền để ban phát, nhưng họ có tinh thần quan tâm, đùm bọc, lặng lẽ, sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh bằng cái nhìn cảm thông, ánh mắt nâng đỡ tha nhân trong mọi hoàn cảnh sống. Lời Chúa hôm nay cũng gọi mời người Ki-tô hữu chúng ta hãy sống khiêm cung, tận tình, hết lòng vì tha nhân. Chúa không đòi chúng ta phải chia sẻ hết của cải, vật chất cho người khác nhưng Chúa đòi chúng ta phải có tấm lòng trắc ẩn, từ tâm. Chúa không đòi chúng ta phải ngày ngày ở nhà thờ nhưng Chúa đòi chúng ta phải hy sinh, xả thân hết ý riêng, từ bỏ cái tôi, tài năng, sức khỏe cho Chúa, cho Giáo hội và cho hết mọi người. Như người phụ nữ nghèo hèn trong Tin mừng, bà không quản ngại, mặc cảm về vật chất của mình, nhưng bà âm thầm, sẵn sàng chia sẻ ngay cả tấm lòng, tâm huyết và nhân cách sống của mình. Chúng ta đang đi vào những ngày cuối cùng của năm thánh lòng thương xót, “cánh cửa đền thờ trần thế” đang khép lại, nhưng Chúa luôn thúc bách chúng ta mở toang cánh cửa trái tim, để cùng với hết thảy anh chị em của mình, chúng ta luôn được cảm nếm vị ngọt, hơi thở nhân hậu của Chúa, của Hội thánh và của thế giới an bình ngày hôm nay.

********

Lạy Chúa, loài người chúng con vốn thích phô trương và làm việc gì cũng muốn cho thiên hạ biết để được ca ngợi. Xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn và quảng đại đóng góp cho công việc nhà Chúa và giúp đỡ tha nhân, mà không mong gì hơn là được biết rằng chúng con đang thi hành ý Chúa. Amen

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

CHÚA NHẬT KI-TÔ VUA – NĂM A

Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, (Mt 25, 32)

Hàng năm, Giáo Hội dành ngày Chúa nhật cuối cùng của Năm phụng vụ để mừng lễ Chúa Giêsu là Vua vũ trụ. Đặt lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ vào những ngày cuối năm này, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa Giêsu là khởi đầu và là cùng đích của vũ trụ. Ngài làm chủ cả không gian và thời gian. Ngài nắm giữ vương quyền trên hết mọi vật, mọi loài. Lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ còn nhắc cho chúng ta nhớ rằng, vũ trụ này không phải là vĩnh viễn mà sẽ có ngày kết thúc và mỗi người sẽ phải chịu sự phán xét của Chúa. Mọi vật mọi loài sẽ phải quy phục dưới vương quyền của Chúa Kitô, và chính Chúa Kitô sẽ là cùng đích của mọi vật mọi loài. Tuyên xưng Chúa Giêsu là cùng đích và là Đấng cầm quyền xét xử là một niềm tin hết sức quan trọng. Vì chỉ khi chúng ta nhận Chúa Kitô là cùng đích, thì chúng ta mới có thể đi đến đích. Trái lại, nếu chúng ta đặt việc kinh doanh buôn bán, tiền bạc của cải làm cùng đích, thì chắc chắn chúng ta không thể đạt tới đích là Chúa Giêsu Kitô được. Cũng vậy, chỉ khi tôn vinh Chúa Kitô là vua cầm quyền xét xử thì chúng ta mới biết phải đặt Chúa làm chủ cuộc đời và biết phải sống và hành xử như thế nào cho phù hợp với đòi hỏi của Chúa Kitô. Trái lại, nếu chúng ta đặt những thứ khác như tiền tài, danh vọng làm chủ cuộc đời, chúng ta sẽ biến nó thành thần linh của mình.

Với chúa nhật cuối năm phụng vụ, Giáo Hội có ý nhắc nhở chúng ta hướng về ngày cánh chung, ngày đó mọi người sẽ được phân loại là người được chúc phúc hay người bị nguyền rủa, người được vào vương quốc của Vua Giêsu để được hưởng hạnh phúc đời đời hay người bị loại ra ngoài. Kết quả sẽ ra sao, tùy mỗi người quyết định làm điều thiện hay không làm điều thiện cho những người cần được giúp đỡ. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải sống tình liên đới với tha nhân, không chỉ vì có chung một Cha trên trời nên “tứ hải giai huynh đệ”, mà còn vì con người là “hình ảnh Thiên Chúa”. Chính Chúa đã tự đồng hoá mình với những mảnh đời bất hạnh lầm than. Chúa mời gọi chúng ta: ai tiếp rước họ là tiếp rước chính Chúa. Ai giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa. Ngược lại, Chúa cũng sẽ luận phạt vì chúng ta đã từng khước từ thi ân cho những con người cùng khổ đó. Thực vậy, trong ngày phán xét, Chúa không hỏi về bằng cấp của chúng ta cao hay thấp. Chúa không xét duyệt chúng ta dựa trên địa vị trần thế của chúng ta. Chúa phán xét theo tinh thần bác ái mà chúng ta đã dành cho tha nhân. Vâng, chúng ta đều phải trả lẽ trước mặt Chúa về tất cả những hành vi của mình. Nhưng công hay tội tuỳ thuộc vào lòng bác ái chúng ta có hay không trong những lời nói và việc làm của mình. Chúa đã từng chê trách thái độ vô cảm của những biệt phái, và của những thầy tư tế khi để mặc người bị nạn trên đường đến Giê-ri-cô. Chúa cũng từng dùng dụ ngôn để răn dạy thái độ dửng dưng trước bất hạnh của đồng loại qua dụ ngôn “người phú hộ và Lazaro”. Chúa cũng sẽ luận tội nếu chúng ta cũng thiếu trách nhiệm và sống thiếu tình liên đới qua đời sống yêu thương và phục vụ tha nhân. Vì thế thật là khẩn cấp lời mới gọi thể hiện lòng xót thương, xây dựng Nước công bình và bình an mà Chúa Giê su mong muốn. Tiêu chuẩn của chúng ta không phải là “mỗi người vì mình”, mà là “mình vì tất cả”, là chia sẻ và liên đới.

Ngày nay, nhiều người, nhiều bạn trẻ đã để cho những thần tượng, những đam mê, dục vọng hoặc lối sống buông thả thống trị mình. Nhiều người khác đã để cho rượu chè, nhậu nhẹt, bài bạc làm vua, làm chủ cuộc đời mình. Hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, hãy đón Vua Giêsu vào tâm hồn qua việc xưng tội rước lễ và chầu Chúa mỗi ngày để xin vua Giêsu xua trừ khỏi chúng ta khỏi ma quỷ, dục vọng và những sự dữ, sự xấu trong tâm hồn. Vì thế, Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua hôm nay, là dịp để mỗi người, mỗi gia đình xác định lại mục đích cuộc đời của mình và của gia đình mình. Nếu chúng ta lấy Chúa Giêsu Kitô là mục đích của gia đình, của bản thân, Chúa sẽ giúp mỗi thành viên biết đặt Chúa làm trung tâm của cuộc sống, biết để cho Chúa điều khiển và chi phối công việc của từng thành viên, chi phối lời ăn tiếng nói của mỗi người. Đồng thời, Chúa sẽ giúp chúng ta biết sống và chuẩn bị cho ngày ra trình diện trước mặt Chúa. Chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về trách nhiệm làm cha mẹ, làm con cái. Chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa khi chúa hỏi chúng ta đã sống với nhau hết mình và đã thương yêu nhau hết tình hay chưa ? Ra trình diện Vua Giêsu, Chúa sẽ không hỏi chúng ta có bao nhiêu tài sản, bao nhiêu ngôi nhà. Chúa cũng không hỏi chúng ta có bằng cấp hay địa vị nào trong xã hội, nhưng Chúa sẽ hỏi chúng ta về sự quan tâm, về lòng yêu thương trắc ẩn chúng ta dành cho anh em. Vì thế, đừng bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể chia sẻ, có thể thông cảm và giúp đỡ anh em, vì Thiên Chúa sẽ kể những việc làm nhỏ bé thường ngày chúng ta làm cho anh em là làm cho chính Chúa.

********

Lạy Chúa! Xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống cao đẹp cho dẫu có thiệt thòi vì đi ngược lại với lối sống của thế gian. Xin cho chúng con luôn can đảm làm chứng cho tình yêu bất diệt của Chúa là dám “thí mạng sống mình vì người mình yêu” và biết yêu thương tha nhân như chính mình. Amen

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN


Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống (Lc 20,38a)

Niềm tin linh hồn bất tử và sự sống đời sau là niềm tin chung của rất nhiều dân tộc và nhiều tôn giáo. Tuy nhiên cuộc sống đời sau như thế nào thì lại được hiểu và được tin theo nhiều cách khác nhau. Có những tôn giáo cho rằng cuộc sống sau khi chết là cuộc sống của tình trạng hồn vật vờ lang thang đây đó; anh em Phật Giáo cho rằng con người sẽ phải trải qua kiếp Luân Hồi, tức là nếu ở đời này sống tốt thì sau này sẽ thành tiên thành phật, nếu sống ác thì sau này sẽ phải đầu thai làm súc sinh ma quỷ. Chỉ riêng Kitô giáo chúng ta tin rằng sau khi chết linh hồn con người phải trải qua những tình trạng khác nhau và đến ngày tận thế, tất cả kẻ lành người dữ đều sẽ sống lại hồn nào vào xác nấy. Kẻ lành được hưởng hạnh phúc đời đời, còn kẻ dữ cũng sống lại nhưng để bị phạt đời đời. Đây là niềm tin mà Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta. Chính Ngài đã là người đầu tiên từ cõi chết sống lại là một bảo đảm chắc chắn cho chúng ta về niềm tin này.

Tuy nhiên niềm tin vào sự phục sinh của thân xác vẫn là một niềm tin khó chấp nhận cho nhiều người. Ngay cả những người Do Thái thời Chúa Giêsu, không phải ai cũng chấp nhận niềm tin này. Niềm tin vào sự sống lại của thân xác đã được Cựu Ước nhiều lần nói đến. Ví dụ như ông Gióp đã từng nói: Tôi biết rằng Đấng cứu độ tôi hằng sống, và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, chính da tôi sẽ bọc lại xương tôi, chính mắt tôi sẽ nhìn thấy Ngài chứ không ai khác. Tiên tri Ezekiel trong một thị kiến, ông đi ngang qua một cánh đồng đầy xương khô, ông thấy Thần Khí của Thiên Chúa đã làm cho các bộ xương khô đó sống lại... Tuy nhiên hôm nay tin Mừng cho thấy những người thuộc phái Xađốc không tin vào sự sống lại của thân xác, họ đã đến để như muốn bắt bí Chúa Giêsu. Những người này nghĩ rằng, họ đưa ra một trường hợp mà Chúa Giêsu sẽ không thể giải quyết nổi, đó là: Một người có tới bảy đời chồng, và như vậy khi sống lại, người vợ này sẽ là vợ của người nào, vì tất cả họ đều có hôn nhân hợp pháp. Câu trả lời của Chúa Giêsu đã chỉ ra cho thấy nhiều điểm giáo lý quan trọng. Trước hết Chúa Giêsu đã trích một đoạn Kinh Thánh thuộc bộ Ngũ Kinh (Sách Xuất Hành) là bộ sách quan trọng nhất đối với người Do Thái và cũng là bộ sách được nhiều nhóm khác nhau cùng chấp nhận: “Từ bụi gai bốc chày Thiên Chúa đã trả lời cho ông Môsê khi ông hỏi Chúa: Khi dân chúng hỏi tôi, ai sai ông đi, thì tôi sẽ nói với họ thế nào? Thiên Chúa đã trả lời: Ta là Chúa của Apbraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp  Vì vậy khi Thiên Chúa nhắc đến danh hiệu của Ngài là Thiên Chúa của các tổ phụ Apbraham, Isaac và Giacóp, thì có nghĩa là các tổ phụ hiện vẫn đang sống, và các Ngài vẫn đang tôn thờ Thiên Chúa theo cách thức của các Ngài. Điểm giáo lý thứ hai Chúa giải thích thêm: khi con người sống lại, họ sẽ không dựng vợ gả chồng, họ sẽ giống như thiên thần. Có nghĩa là họ không cần và không còn thú vui của xác thịt nữa mà Thiên Chúa là hạnh Phúc và là Đấng thoả mãn dư tràn mọi khát khao của con người. Vì thế khi sống lại họ sẽ sống như các Thiên Thần. Sống như các Thiên Thần, tức là mặc dù có thân xác, và vẫn mang thân xác này, nhưng thân xác đã được biến đổi và thanh luyện để trở nên tinh tuyền và “trong suốt” không còn bị dục vọng cùng những hỉ nộ ái ố chi phối nữa, họ sống trong sự kết hợp và nên một với Thiên Chúa. Thân xác sau khi sống lại chắc chắn là thân xác đã được biến đổi hoàn toàn giống như thân xác của Chúa Giêsu, không còn bị ngăn cản bởi thời gian và không gian cùng những cản trở thể lý khác. Nói như thế không có nghĩa là khi sống lại chúng ta sẽ trở thành những con số trong muôn vàn con số, hoặc như một người vô danh trong biển người, nhưng chúng ta vẫn có những mối liên hệ trước đây của trần gian, những liên hệ này sẽ làm cho các liên hệ của trần gian trước đây trở nên phong phú và đầy tràn, vì họ không còn phải chiếm hữu nhau nữa, mà tất cả đều thông truyền cho nhau niềm vui và hạnh phúc của Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa.

Trong xã hội chạy theo vật chất và hưởng thụ ngày nay, niềm tin vào sự sống lại vẫn là một điều không dễ chấp nhận, ngay cả những người Kitô hữu vẫn tuyên xưng trong Kinh tin kính: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Do đó, nhiều người vẫn sống như thể không có sự sống lại, như thể không có đời sau, như thể chết là hết. Vì thế người ta sống chộp giật để chỉ tìm kiếm phần lời phần lợi về cho mình ở đời này và chà đạp lên lề luật của Thiên Chúa và chà đạp lên phẩm giá của con người và của con Chúa. Tin xác loài người ngày sau sống lại, tức là phải chuẩn bị cho mình sống lại trong tình trạng nào mới là điều quan trọng. Sống lại để được gặp Thiên Chúa, để gặp lại nhau trong hạnh phúc hay sống lại để bị án phạt, bị xa lìa Thiên Chúa vĩnh viễn, điều tùy thuộc vào mỗi chúng ta hôm nay. Sự sống lại mai sau sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại hôm nay: Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, nếu ngay từ bây giờ chúng ta trung thành tôn thờ Thiên Chúa và yêu mến Ngài, chọn Ngài làm Chúa của mình, chúng ta sẽ được sống ngay hôm nay, và đã được nếm hương hạnh phúc của sự sống lại ngay tại trần gian này. Hãy bắt đầu sống sự sống lại với một con người mới, quyết tâm mới, nếp sống mới và tương quan mới. Còn ngược lại, nếu chúng ta từ chối Thiên Chúa thì chúng ta tuy còn thở nhưng thực ra tâm hồn đã chết và sự sống lại mai sau sẽ không có ý nghĩa gì cho chúng ta, mà chỉ còn là sự bất hạnh đời đời cho chúng ta.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con khao khát đời sống vĩnh cửu, để chúng con biết lo giữ mình trong sạch, sống phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, ngày đêm ca ngợi Chúa và sống dưới sự hiện diện của Chúa như các thiên thần. Nhờ đó, chúng con đã nếm hưởng niềm vui thiên quốc ngay ở cuộc sống trần gian này. Amen!

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM


Suốt ba trăm năm, Giáo Hội Việt Nam đã chịu những cuộc bách hại và cấm cách đẫm máu, khiến cho hàng vạn người đã bị mất mát tài sản, hàng ngàn người đã ngã gục ngoài pháp trường, biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ làng mạc thân yêu trốn chạy vào những nơi rừng thiêng nước độc. Hơn 130 ngàn người đã ngã gục dưới những cực hình dã man để trở thành những chứng nhân bất khuất cho Đức Kitô. Các ngài đã thấm nhuần Lời Đức Giêsu“Không có tình yêu nào cao quý hơn người thí mạng sống mình vì bạn hữu”, nên các ngài đã trở nên chứng nhân lòng thương xót, trong đời sống gia đình, xã hội và Nước Trời. Hôm nay lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam, một bầu khí đại lễ thật hào hùng. Phụng vụ trổi lên lời hoan ca chúc tụng: “Đây bài ca ngàn trùng. Dâng về Thiên Chúa. Bài ca thắm đượm máu hồng. Từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu”. Vâng, cuộc đời các thánh tử đạo là một bài ca dâng về Thiên Chúa. Các ngài ca ngợi Thiên Chúa khi bình an, khi gian nan, khi dòng đời êm trôi và cả khi sóng gió ba đào. Các ngài ca ngợi Chúa trong bổn phận thường ngày, khi đầu hôm sớm mai nơi ruộng vườn, nơi phố xá chợ thị. Các ngài còn ca ngợi Chúa khi đối đầu với sự bách hại vì tin mừng. Các ngài ca ngợi Chúa trong mọi nơi, trong mọi lúc. Đỉnh cao của lời ca ngợi là bài ca vinh thắng thắm đượm máu đào. Các ngài đã chiến thắng gian nan, cùm gông, tù đầy. Các ngài đã vượt lên trên sự sợ hãi của đe doạ đến cả tính mạng để tôn vinh Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ. Các ngài đã dùng cả cuộc đời để ca ngợi Chúa. Cho dù cuộc sống có nổi trôi, bất định, các ngài vẫn trung kiên tin thờ Thiên Chúa.

Đọc lịch sử Hội Thánh toàn cầu, đặc biệt Hội Thánh Việt Nam, những câu chuyện về các vị thánh tử đạo khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên lẫn hâm mộ. Dù mang thân phận yếu hèn, các ngài vẫn dám tuyên xưng , dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu. Trong cảnh bắt bớ, nguy hiểm, các ngài đã can đảm chấp nhận bị bách hại, tù đày, mất hết của cải, gia đình ly tán… “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thấy các con sẽ bị mọi người ghen ghét”: Lời tiên đoán của Chúa Giêsu nghe thật khó tin đến độ chói tai nhưng lại diễn tả một sự thật hết sức logic vì khi yêu sự công chính, ghét sự bất công, muốn sống triệt để tinh thần của tin mừng, người Kitô hữu sẽ là cái gai trước mắt của quyền lực. Và kết quả là con đường mà Đức Giêsu đã đi các ngài cũng sẽ phải đi, thánh giá Đức Giêsu vác các ngài cũng sẽ phải vác. Theo gương Đức Giêsu, các ngài không nổi dậy hay bạo động mà chỉ hòa nhã kiên trung tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa và hạnh phúc vĩnh hằng mai sau, vì các ngài tin rằng “Ai bền đỗ đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu độ”. Cho dù khi theo Đức Giêsu vào con đường khổ nạn, các ngài là những ngừơi tin mà không thấy, chiến đấu và hi vọng dù không có kết quả trước mắt. Thế nhưng cái chết anh dũng của các ngài không chỉ là bằng chứng hùng hồn cho niềm tin vào Thiên Chúa mà còn cho chúng ta thấy chết là cửa ngõ đi vào cõi sống bất diệt, bởi máu của các ngài đã và đang làm trổ sinh hạt giống cho Hội Thánh Việt Nam.

Thật ra, bị bách hại là số phận thường tình của người Kitô hữu. Thời đại nào cũng xảy ra cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa khờ dại và khôn ngoan. Sau lưng xã hội phồn hoa ngày nay có rất nhiều quy tắc ngầm không mấy ai biết, sự tối đa hóa lợi ích khiến cho tính hám lợi trước mắt của chúng ta ngày càng thêm trầm trọng. Cuộc chiến “chọn lựa này” còn xảy ra ngày ngày, từng giây, từng phút trong bản thân mỗi người, ngay trong gia đình, trong môi trường chúng ta sống. Sự ác chống lại sự thiện, bóng tối không chấp nhận ánh sáng và Tin Mừng trở thành cái gai cho thế giới. Vì thế, trong đời sống “tử đạo” là điều không thể tránh khỏi, thế nên có những lúc chúng ta sẽ phải công khai đứng về phía Thiên Chúa dù không quyết liệt kiên trung như cha ông ta, thì ít ra chúng ta cũng phải dám tuyên xưng lòng tin một cách chân thành như các vệ binh hay ít nữa cũng bênh vực Chúa như ông Nicôđêmô. Thật chẳng dễ dàng gì cho chúng ta khi phải đối mặt với hậu quả của việc chọn lựa nhưng khi nhìn gương các Thánh tử đạo, chúng ta có lý do để mở lòng nhận lấy Thánh giá để cùng các ngài “tử đạo” trong cuộc sống hiện tại. Hằng ngày phải bon chen vật lộn giữa những vô số khổ đau, bên cạnh những bệnh tật và hoàn cảnh sống khốn cùng tâm hồn chúng ta bị chao đảo giữa những thử thách, đôi lúc còn như không tin vào quyền năng và tình thương của Chúa. Chúng ta quên rằng những đớn đau, thất bại, bị ngược đãi… chính là dịp để chúng ta được hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa, tuyên xưng niềm tin vào Chúa và đau khổ của đời người sẽ làm trổ sinh hoa trái cho Hội Thánh. Đây chẳng phải là “tử đạo” sao, những giọt máu rỉ ra từ trái tim mỗi ngày do kiên cường sống theo tinh thần phúc âm chẳng lẽ lại không đáng quý sao?

Vậy, ước gì trong khí thế hân hoan mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam, những bậc tiền bối đã lấy cái chết và máu đào làm chứng cho Đức Kitô và viết nên trang sử oai hùng cho Giáo Hội Việt Nam, chúng ta cũng hãy noi gương các ngài viết tiếp trang sử mà các ngài còn đang viết dở dang: “Hãy để cho mình bị bách hại, nhưng đừng bách hại ai. Hãy để cho mình bị đóng đinh, nhưng đừng đóng đinh ai. Hãy để cho mình bị vu khống, nhưng đừng vu khống ai”. Có như thế chúng ta mới xứng đáng là bậc hậu sinh khả uý; có như thế chúng ta mới xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp đức tin các ngài để lại; và có như thế mai sau chúng ta mới xứng đáng được lãnh vòng hoa chiến thắng và chung hưởng vinh quang với các ngài trên thiên quốc.

*******

Lạy Chúa! Cuộc đời theo Chúa là một cuộc tử đạo trường kỳ với bao thử thách gian nan và bách hại, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen.

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

THỨ 5 TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm. (Lc 19, 44b)

Chúng ta đi gần đến ngày lễ Chúa Giêsu vua vũ trụ, vì thế phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy dung mạo vị vua của chúng ta, Ngài chính là vị vua giàu lòng xót thương và uy quyền trên hết vạn vật. Những người Do thái họ tưởng rằng niềm tin vào Thiên Chúa là họ có thành thánh Giêrusalem nguy nga đồ sộ, trong khi đó họ không sống theo giáo huấn của các tiên tri, các ngôn sứ. Hệ thống tôn giáo suy đồi, họ bị Chúa Giêsu lên án là giả hình, vụ lợi. Họ biến đền thờ thành nơi buôn bán, trộm cướp, thành nơi khoe khoang và trục lợi. Chúa Giêsu với cái nhìn xuyên thời gian, Ngài đã thấy được hậu quả nơi dân thành Giêrusalem, lối sống mù lòa về phương diện thuộc linh, họ đã khước từ những lời khôn ngoan của các tiên tri và của chính Chúa Giêsu. Ngài đã khóc vì tội nghiệp cho dân Thành Giêrusalem, vì họ không nhận ra ý nghĩa và mục đích sự thăm viếng của Ngài. Chúa cũng khóc vì Ngài biết Thành sẽ bị phá hủy bình địa (70 AD), và dân Thành sẽ tan tác như chiên không người chăn. Chúa Giêsu đã khóc, vì dường như bất lực trước sự cứng lòng của dân Do Thái thành Giêrusalem, Người làm được mọi sự, nhưng đối với sự cứng lòng của người Do Thái, Người không thể làm gì trước tự do của họ. Có thể nói, Thiên Chúa dường như bất lực trước sự tự do mà Người đã ban cho con người. Người Do Thái là dân Chúa chọn nên họ đáng hưởng nhiều đặc ân, nhưng thực tế họ không được gì. Bởi Chúa đã giáng sinh nơi quê hương họ để cứu chuộc họ, nhưng họ đã không đón nhận.

Lịch sử dân Do Thái được ghi lại trong toàn bộ Thánh Kinh là: Khi họ trung thành tin tưởng vào Chúa thì họ được an cư lạc nghiệp, và ngược lại, lúc họ bỏ Chúa thì tai ương ập đến và phải làm nô lệ cho ngoại bang. Những lần dân Do Thái biết nghe lời các ngôn sứ mà quay trở về với Chúa thì Chúa sẽ gửi một vị lãnh đạo đến giải thoát họ khỏi quân thù. Thế nhưng, giờ này họ đang bị áp bức bởi đế quốc Rôma, Chúa Giêsu đến kêu gọi họ ăn năn sám hối và tin vào sứ điệp Tin Mừng của Người, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào thập giá. Chính vì sự khước từ của họ, nên vào năm 70 thành thánh Giêrusalem đã bị Rôma phá hủy bình địa và dân Do Thái tản mác khắp địa cầu. Ðiều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Người thực hiện lòng nhân từ. Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Người viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người sẽ mãi mãi mất đi cơ hội được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa. Giờ Chúa viếng thăm bất kỳ lúc nào trong mọi biến cố xảy đến cho từng người, nên cần sự tỉnh thức để nhận ra ý Chúa. Đặc biệt, như lần cuối cùng Chúa Giêsu lên Giêrusalem xưa và dân Do Thái đã mất đi cơ hội cuối cùng, thì này  giờ Chúa viếng thăm cuối cùng trong cuộc đời dương thế của mỗi người, nếu không đón nhận Người thì sẽ vĩnh viễn đi vào cõi diệt vong.

Thế giới hôm nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Họ nhân danh tự do tôn giáo để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng thử hỏi không có Thiên Chúa thì ai ở được với ai ! Nhân loại sẽ bị kéo vào những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát. VẬY, chúng ta có dám tin Thiên Chúa điều khiển cuộc đời chúng ta không? chúng ta có dám tin Thiên Chúa đem lại suối nguồn bình an cho cuộc đời chúng ta không? Chúa vẫn viếng thăm và hiện diện nơi mỗi hoàn cảnh sống, nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ nhưng chúng ta có nhận ra Ngài hay không? Chúng ta có sẵn sàng mở lòng đón nhận thời giờ ân sủng mà Thiên Chúa vẫn hằng tuôn đổ trên cuộc đời mỗi người chúng ta hay không? Làm sao mỗi chúng ta nhận ra thời điểm Thiên Chúa đến thăm mình? Hãy để Thiên Chúa đi vào đời chúng ta và Ngài sẽ chi phối những chọn lựa của chúng ta. Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững bền. Nếu không, như Giêrusalem, chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc. Nếu không thì nước mắt của Chúa Giêsu vẫn còn rơi trước sự cứng lòng tin của nhân loại hôm nay. Và nước mắt tình yêu, tha thứ của Chúa vẫn còn nhỏ xuống trên sự phản bội, bất trung của con người.

******

Lạy Chúa! Đã biết bao lần tâm hồn chúng con đã hóa chai đá không còn biết khóc than cho những tội lỗi của chính mình và của nhân loại này đã xúc phạm đến Chúa. Bao lần chúng con không nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa thế giới hôm nay. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin ban cho con một quả tim mới, quả tim của người biết sợ hãi, khóc than trước những tội lỗi, quả tim của người biết nhạy bén trước những dấu chỉ linh thánh. Nhờ đó chúng con mới có khả năng đón nhận Chúa đến trong cuộc đời của mình, bởi Ngài vẫn luôn chờ đợi để bước vào tận sâu trong tâm hồn của mỗi người chúng con. Amen

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi (Lc 19, 26)

Đồng tiền có đầu tư mới sinh lợi. Nhưng cuộc đầu tư nào cũng mang tính bấp bênh. Càng muốn làm giàu, thì càng phải chấp nhận tính rủi ro của cuộc đầu tư. Đó là quy luật kinh doanh trên thương trường. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của việc đầu tư để nói về sự dấn thân của người có niềm tin. Mỗi người khi sinh ra ở đời – có thể không ai giống ai - nhưng đều có một số vốn liếng Thiên Chúa ân cần trao phó cho riêng mình. Đó là thời giờ, sự sống, là các tài năng, và nhất là Đức tin. Đức tin không là nén bạc để được cất giữ, nhưng phải được đầu tư để phát triển, sinh lợi. Nếu chúng ta chỉ đóng khung cuộc sống đạo trong bốn bức tường nhà thờ, nếu chúng ta chỉ giản lược đức tin vào những biểu dương bên ngoài, nếu đức tin chỉ là một mớ những giáo điều phải tin, những điều răn phải giữ, thì quả thực chúng ta đang chôn chặt đứt tin như gia nhân đã chôn nén bạc mà chủ đã trao. Không, Chúa không chấp nhận chúng ta là một người như thế, mà trái lại, Ngài muốn chúng ta đem số vốn mà Ngài đã cấp cho để đầu tư, để phát triển, hầu sinh lời.

Dụ ngôn hôm nay nhằm mục đích tiên báo về ngày phán xét chung, ngày Chúa quang lâm Chúa sẽ trở lại trần gian để phán xét tất cả mọi người. Thiên Chúa sẽ phán xét mỗi người, mỗi hành vi tùy theo ân huệ Người ban và người đó đã sử dụng sinh lợi cho Chúa như thế nào trong cuộc đời. Vậy, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi:

- Với bản thân, tôi là Kitô hữu, là con cái của Chúa, tôi được Chúa ban cho nhiều ơn lành hồn xác, cuộc sống bản thân. Tôi đã sống xứng đáng bổn phận của tôi đối với Chúa, qua việc thờ phượng Chúa trên hết mọi sự? Tôi đã được Chúa ban tràn đầy ân sủng qua các bí tích: rửa tội, thêm sức, Thánh Thể, Giải tội,…tôi có biết đón nhận hay từ chối những ân sủng để giúp tôi sống và gia tăng ơn thánh Chúa? Tôi có cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, hay tôi lười biếng, bỏ quên việc đọc kinh cầu nguyện, đến độ sống khô khan, nguội lạnh, vô cảm trước tình thương của Chúa? Chúa ban cho tôi Lời của Chúa, dạy dỗ, hướng dẫn ta đi trên con đường công chính, sống đức tin và đức mến, tôi đã siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa hay không? Tôi đang sống trong tình trạng ân sủng, hay trong tình trạng tội lỗi bất xứng, vì chạy theo những đam mê thế tục? Tôi có biết thay đổi, canh tân cuộc sống của tôi?
- Với gia đình, tôi đã chu toàn bổn phận làm cho gia đình tôi được an vui, hạnh phúc, qua cách đối xử, yêu thương và tôn trọng mọi người trong gia đình tôi, họ hàng, lối xóm của tôi hay chưa?
- Với xã hội và thế giới, như ngôi nhà chung của mọi người, tôi có ý thức trách nhiệm của tôi với xã hội, thế giới không?
TÓM LẠI: Như những người trong dụ ngôn được ông chủ trao cho nén bạc để sinh lời, mỗi chúng ta đều là một quản lý của Chúa về món quà trong cuộc sống mà Ngài đã trao ban. Ðó là cái vốn chúng ta có bổn phận phải làm lời cho Chúa. Vậy, ngay ở đời này, chúng ta cần nỗ lực không ngừng để sinh lời cho Chúa:

- Với Chúa, chúng ta hãy biểu lộ lòng tin, cậy, mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Chúng ta biết lắng nghe và thực hành các lời Chúa dạy. Chúng ta hãy sống đức tin, nuôi dưỡng đức tin và chia sẻ đức tin của chúng ta cho người khác, đó là bổn phận truyền giáo của mỗi người. Đặc biệt, để sống đạo tốt, chúng ta cần có lòng yêu mến Chúa chân thành, hy sinh, đơn sơ. Đừng vì cuộc sống lam lũ, vất vả ngược xuôi mà quên đi nguồn ân sủng là đón nhận bí tích Thánh Thể, để chúng ta luôn hiệp thông sự sống của Chúa Giêsu, để chúng ta được sống và sống dồi dào.
- Với gia đình và với tha nhân, chúng ta hãy sống bác ái, yêu thương và phục vụ mọi người, đó là điều đẹp lòng Chúa, là điều Chúa muốn chúng ta từng ngày, nơi gia đình và với mọi người xung quanh.
- Với bản thân, sống khiêm tốn và phục vụ là những nhân đức nền tảng giúp ta sống hiệp thông, chia sẻ với mọi người. Đừng vì lý do gì mà làm cho món quà cuộc sống bị chôn vùi, không tiến triển, mà ì ạch; trái lại, chúng ta hãy nỗ lực để nén bạc cuộc đời của chúng ta được gia tăng, làm lợi cho Chúa, cho Giáo Hội và cho mọi người.

*******

Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con khả năng và thời giờ để tiếp nối công trình tạo thành và cứu chuộc của Chúa, xin cho chúng con biết dùng ân huệ đó mà phụng sự Chúa và phục vụ anh em, chứ không phải giữ lại cho riêng mình và không làm sinh lợi gì cho nước Chúa và phần rỗi đời đời của chúng con. Amen.

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH VÀO ĐỀN THỜ


Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. (Mt 12, 50)

Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ bắt nguồn từ bên Giáo Hội Đông Phương, tưởng niệm ngày thánh hiến thánh đường Đức Maria ngày 21 tháng 11 năm 543 tại Giêrusalem. Họ mừng lễ này dựa vào Ngụy thư Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê được soạn vào giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện Đức Trinh nữ lúc còn nhỏ đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến 12 tuổi. Còn bên Tây Phương từ thế kỷ thứ IX Lễ này được cử hành tại các đan viện bên Ý, rồi sau đó lan tràn tới bên Anh. Vào năm 1373, Đức Giáo Hoàng Grégoire XI sống tại thành Avignon (Pháp) bắt đầu cho cử hành lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ. Đức Giáo Hoàng Sixte IV ghi vào lịch phụng vụ vào năm 1472.

Có người khi đọc đoạn Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay ít nhiều sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).

Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa. Thật vậy, chúng ta trở thành “mẹ” của Chúa - bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4:15). Tuy nhiên, muốn làm mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình. Tuy nhiên, muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bằng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông; Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Và khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.

Ngoài ra, chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ. Chúng ta cũng vậy, sau khi nhận ra Chúa - cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.

*******

Lạy Chúa! Chúng con là những người được phúc nghe Lời Chúa mỗi ngày, đặc biệt trong Thánh Lễ mà chúng con tham dự mỗi buổi sớm mai khi vừa thức dậy. Xin cho chúng con biết sốt sắng lắng nghe, làm cho Lời Chúa tiêu hóa và lớn lên trong tâm hồn, để nhờ đó chúng con trở nên chứng tá đem Lời Chúa đến với tha nhân. Amen.

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN


Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh ta đáp: Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.(Lc 18, 41)

Tin Mừng của ngày thứ hai tuần Chúa Nhật 33 Thường niên hôm nay nói  về việc Chúa Giê-su chữa lành người mù tại Giê-ri-khô khi Ngài đến gần nơi đó. Mat-thêu và Mác-cô lại đặt phép lạ này xảy ra khi Chúa ra khỏi thành ấy. Có thể đây là dụng ý của Thánh sử Luca khi đặt phép lạ này ngay bên cạnh ơn trở lại của Gia-kêu.

Năm phụng vụ sắp kết thúc. Hôm nay, chúng ta cùng “ soi mình” dưới hình ảnh của các nhân vật trong Luca 18,35-43, như là một cách xét mình, “ tính sổ” cuối năm vậy. Thánh sử giới thiệu “…gần Giê-ri-khô, có một người mù ăn xin đang ngồi bên vệ đường” ( Lc 18, 35). Một cảnh vật rất bình thường trong xã hội mà thời nào cũng có. Anh ta bị khiếm thị nên phải sinh sống bằng cách “ ăn xin”, dựa vào lòng thương và đồng tiền bố thí của kẻ khác. Bây giờ chúng ta cùng chiêm ngắm hình ảnh của các nhân vật:

1/ Đám đông quần chúng: Một đám rất đông người đi ngang qua anh. Anh mù, nhưng lại biết, vì tai anh rất thính. Anh bèn cất tiếng hỏi họ có chuyện gì vậy. Khi Thánh sử dùng chữ “ đám đông đi qua” như muốn nói thiên hạ chẳng quan tâm đến người ăn xin vệ đường và chuyện của họ như chẳng ăn nhập gì đến anh cả. Họ cho rằng anh biết để làm gì, vì anh chẳng thấy gì cả. Khi nghe anh hỏi, có một người nào đó trả lời cho anh. Họ trả lời cho xong hoặc để khỏi nghe anh lải nhải hỏi mãi. Họ nói : Có Giê-su Na-da-rét đi qua (x. Lc 18, 37). Nghe thấy thế, anh liền kêu gọi Giê-su, nhưng đám đông lại quát nạt, ra lệnh cho anh im lặng. Hành động “ quát nạt, ra lệnh” chứng tỏ họ có uy quyền để ngăn cản anh. Họ không muốn anh gia nhập vào xã hội loài người ( vì cho rằng anh bệnh mù là do tội lỗi mà ra) và cả một đám đông không ai muốn giúp anh gặp Chúa Giê-su . Đây cũng là thái độ thường gặp nơi chúng ta. Nhiều lần chúng ta đã chẳng quan tâm đến đau khổ của người anh em, còn quát nạt và ngăn cản họ đến với Chúa để được chữa lành. Chúng ta ngăn cản bằng chính lời nói, hành vi thiếu bác ái hay gây gương mù, gương xấu làm méo nó khuôn mặt của Chúa Giê-su trong cuộc đời ta.

2/ Anh mù: Anh bị mù về thể xác nhưng con mắt tâm hồn rất sáng. Anh nhạy bén và khao khát đi tìm chân lý. Nghe tiếng ồn ào lạ thường của đám đông hôm nay, anh đoán có chuyện lạ xảy ra. Lòng ước muốn của anh được đáp trả bằng lời của một người nào đó về con người Giê-su, một vị Thầy mà có lẽ anh đã nghe nói tới hơn một lần. Khi vừa nghe tin đó, anh liền kêu lên : “ Lạy Ông Giê-su, con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi” ( Lc 18, 38). Một lời cầu xin hòa trong lời tuyên xưng về danh phận Mê-si-a của Chúa Giê-su “ Con Vua Đa-vít”. Mặc dầu bị quát nạt, bị che lấp bởi tiếng ồn của quần chúng, anh cố kêu to hơn. Tiếng kêu của anh nói lên lòng xác tín và đụng chạm tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng, lòng tin của anh đã được tưởng thưởng, được sáng con mắt thân xác,  nhờ ánh sáng của con mắt đức tin. Anh bị xã hội con người loại bỏ, nhưng Thiên Chúa đã giơ tay cứu vớt anh và đưa anh trở về với xã hội của con Thiên Chúa “ Anh nhìn thấy, theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa ( Lc 18, 43). Anh là chứng nhân của Tình Yêu Thiên Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Tình Yêu ấy bằng chính đời sống của mình. Có lẽ trong đời sống Ki-tô hữu, chúng ta cần học đòi gương này nơi anh. Anh đã khao khát, thao thức chạy kiếm Thiên Chúa trong đức tin, là hình ảnh mà ngày nay con người đang chối từ, loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ. Còn tôi, thì sao?

3/ Đức Giê-su : Nhân vật chính trong trình thuật phép lạ này. Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, cúi xuống xoa dịu những đau khổ của con người nghèo hèn. Tuy vậy, khi thực hiên phép lạ, Ngài vẫn đòi hỏi lời tuyên tín của anh mù vào Thiên Chúa, nghĩa là anh mù có xem Ngài như một nhà phép thuật, có tài biến hoá, hay là một Thiên Chúa đầy quyền năng trên sự dữ, bệnh tật ? Ngài cứu vớt con người vì Tình Yêu. Ngài đến để cho họ được sống và sống sung mãn trong sự hiệp thông với Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

*******

Lạy Chúa, trước mặt Chúa chúng con là những người nghèo nhất, khốn khổ nhất, mặc dầu không bị khiếm khuyết về thân xác, nhưng tâm hồn chúng con đã bị hoen úa, hoặc chai lì, cứng cỏi. Ngọn đèn đức tin của chúng con còn yếu ớt như chợt tắt giữa bao phong ba giông tố cuộc đời. Chúng con chỉ biết giơ đôi tay cầu khẩn lòng nhân từ của Chúa như anh mù xưa kia : “ Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con”. Amen.