Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến
lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không? (Lc 9, 54).
Vì gần tới
thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi
Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường
vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không
đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai vị tông đồ Giacôbê
và Gioan (mệnh danh là con của sấm sét) đã nổi nóng đòi Thầy hô biến cho lửa từ
trời xuống thiêu huỷ dân Samari như lửa đã từng thiêu đốt làng Sôđôm và Gômôra
xưa. Và khi chưa được thấu hiểu về mầu nhiệm cứu độ, thì Giacôbê và Gioan cũng
như bao nhiêu người Do-thái lúc bấy giờ vẫn mang trong mình tư tưởng có một Đấng
Cứu Thế theo kiểu con người, dùng vũ lực để chinh phạt và dùng sức mạnh từ trời
để huỷ diệt kẻ ‘vô đạo’. Các ông tin rằng mình đã làm việc đúng
và đáng khen ngợi khi xin lửa từ trời xuống thiêu rụi những kẻ đã
thiếu sự hiếu hòa và thiện chí của Đức Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã
không cho phép và còn quay lại quở mắng các ông. Rồi thầy trò lại
tìm con đường khác để lên Giê-ru-sa-lem.
Hai ông
Gioan và Giacobê, có thể buồn vì lời quở trách ấy, bởi lời đề nghị
của mình đã không được đón nhận. Nhưng, qua lời quở mắng ấy của Đức
Giêsu, gợi lên cho các môn đệ và cả chúng ta nữa một bài học đắt
giá “Hãy biết khoan dung”. Đây là điều tối quan trọng, lòng khoan dung
phải luôn đặt lên hàng đầu trong mọi cảnh huống xử thế. Ai cũng muốn
được yêu thương, ta thường có xu hướng xử tốt với người tốt với mình
và xử tệ với kẻ đã xúc phạm hay làm ta phật ý, đó là thể hiện
tính phe phái. Sự khác biệt trong tư tưởng, trong hành động không phải
là nền tảng của sự chia rẻ hay xung đột, nhưng đơn giản đó chỉ là
sự khác biệt mà Thiên Chúa đã sáng tạo cách đặc biệt nơi mỗi
người. Lòng khoan dung của Đức Giêsu muốn dạy, không phải đặt trên sự
khác biệt, song trên tình yêu. Chúng ta khoan dung không phải là chúng
ta không thể làm gì khác, nhưng chúng ta không nhìn kẻ khác bằng con
mắt chỉ trích, song bằng con mắt yêu thương. Giá trị khoan dung là ở
đó, người dân làng Samari họ đã không muốn tiếp đón, bởi lẽ họ chưa
sẵn sàng để thiết lập tình thân hữu, và chúng ta cần tôn trọng họ.
Chính thế mà Đức Giêsu và các môn đệ đã tìm lối đi khác để lên
Giê-ru-sa-lem. Trong cuộc sống chúng ta cũng vậy, hãy học hiểu và
sống kinh nghiệm này của các môn đệ, khi bị dân làng tại Samari từ
chối.
Thật vậy,
các môn đệ ngăn cản Chúa Giêsu lên Giêrusalem chịu chết, muốn Chúa Giêsu khiến
lửa xuống đốt kẻ ngỗ nghịch … nhưng Chúa Giêsu thực hiện ý Chúa Cha là đến để cứu
chứ không phải để diệt. Con đường chết đi để cứu độ mới là con đường của Thiên
Chúa, vì nếu Thiên Chúa cứu độ con người mà dùng tới vũ lực thì hỏi còn ai có
thể xứng đáng để được cứu độ? Nếu Thiên Chúa cứu độ mà không vì Yêu Thương thì
không cần phải Nhập Thể và Tử Nạn? Thế nhưng, ít nhiều người Công Giáo chúng ta
ngày hôm nay vẫn còn tư tưởng muốn một Thiên Chúa ra tay đánh phạt kẻ ác chứ
không phải nhẫn nại chờ đợi họ hoán cải, muốn Đức Mẹ phạt kẻ phá tượng hơn là
nhẫn nhục hy sinh cầu nguyện cho họ. Người ta cảm phục và hoán cải nhờ tinh thần
hy sinh và lòng yêu thương của chúng ta, chứ không phải bất đắc gì mà tin chúng
ta. Máu các thánh tử đạo làm phát sinh các tín hữu, chứ không phải tài phép của
các ngài.
*******
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian để cứu độ chứ không phải phá huỷ, đến để dẫn tội
nhân trở về chứ không phải để họ hư đi đời; xin cho chúng con cũng biết nên giống
Chúa, là đem ơn cứu độ đến cho lương dân không bằng uy thế quyền lực, nhưng bằng
sự nhịn nhục hy sinh, bao dung tôn trọng tự do của mọi người. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét