Các
kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong
ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. (Lc 6, 7)
Người Do
thái rất coi trọng ngày sa-bát, đặc biệt là các kinh sư và người pharisêu. Họ giữ
luật sa-bát rất cặn kẽ đến nỗi không còn quan tâm đến đức bác ái và thiếu hẳn
lòng thương xót những người anh em bệnh tật đau khổ. Còn đối với Đức Giêsu,
tình yêu thương và lòng thương xót lại vượt trên tất cả, ngay cả luật của ngày
sa-bát. Chính Ngài đã xác định: ngày sa-bát được lập ra vì con người, thế nên
phải dành mọi điều tốt lành nhất cho con người trong chính ngày sa-bát.
Bài Tin
Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy trong ngày sabát,
có cả các kinh sư và những người Pharisiêu. Ở đó cũng có một người bị
khô bại tay phải. Trước nỗi đau của người khô bại tay và việc giữ luật
ngày sabát, chúng ta thấy có hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau:
.Thái
độ của những kinh sư và những người Pharisiêu, không quan tâm gì đến người khô bại
tay đang cần được cứu chữa và giúp đỡ, nhưng lại rình xem Chúa Giêsu có
chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Ngài. Những người
này, đang âm mưu hãm hại Chúa Giêsu, vì Ngài đã phá vỡ lề luật khô cứng và khắc
nghiệt của họ. Họ không hề nghĩ gì đến người bại tay khốn khổ là đồng loại của
mình, hơn nữa họ còn xem anh ta như “cái bẫy” để gài Chúa Giêsu. Thái độ muốn
hãm hại của những người này hoàn toàn đi ngược với tinh thần của Chúa. Đây là
thái độ giữ luật vì luật, dùng luật để soi xét để lên án và tố cáo người khác.
.Chúa
Giêsu có thái độ hoàn toàn ngược lại, đối với Ngài tuân giữ lề luật trước hết
và trên hết phải là luật của tình yêu, luật làm cho sống ; luật không phải
vì luật mà luật vì con người. Ngài biết những kinh sư và Pharisêu
đang tìm cách hãm hại Ngài. Nhưng, không vì thế mà Ngài từ chối cứu giúp người
bại tay. Chúa nói với họ trong tư thế tự tin của lời thách thức : "Tôi
xin hỏi các ông : ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người
hay huỷ diệt ?". Họ im lặng trước câu hỏi của Ngài, vì lòng họ
đang dấy lên sự thù hằn, và lương tâm đã hóa chai lì trước sự khốn khổ của đồng
loại. Chúa Giêsu đã không làm ngơ trước sự khốn khổ của người bại tay, Ngài đã
cứu chữa anh ta dù biết rằng những bắt bớ và hãm hại sẽ đến.
Tóm lại,
thái độ sống vụ luật của kinh sư và Pharisêu làm cho họ bất an, luôn tức giận
và tìm cách thù hằn ; còn thái độ thẳng thắn, mạnh mẽ và ngập tràn yêu thương của
Chúa Giêsu sẽ chiến thắng những mưu mô thâm độc của con người. Thật vậy, tình
yêu thương của Chúa đã vượt trên mọi lề luật. Làm cho sống và sống yêu thương mới
là chu toàn mọi lề luật và giữ luật cách thực sự. Bám chặt vào những lề luật
khô cứng, những lề luật trói buộc sự sống của con người, làm cản trở sự hàn gắn
và chữa lành, đó không phải là thái độ sống của những người làm con Chúa. Thái
độ thiếu đức ái của những kinh sư và Pharisêu gây nên những tổn thương ; thái độ
thương xót của Chúa Giêsu đem đến sự chữa lành. Thái độ rình hãm hại, tìm cớ tố
cáo, dùng luật để bắt bẻ của kinh sư và Pharisêu mang đến hậu quả chia rẽ ;
thái độ thanh thản trước lề luật, yêu thương và cứu giúp của Chúa Giêsu mang lại
hiệu quả của đức ái hoàn hảo, sống trọn vẹn và sung mãn. Ước gì mỗi người
chúng ta cũng tự do trước lề luật, ước gì chúng ta cũng học nơi Chúa, biết lấy
luật yêu thương làm thước đo cho mọi lề luật.
********
Lạy
Chúa, thế giới này đang chìm ngập trong mê lầm tội lỗi mà con người không nhận
ra; họ tưởng là mình đang giữ luật tự do, đang bảo vệ nhân quyền. Xin cho chúng
con biết lấy Chúa làm cùng đích cuộc đời, chứ không phải tôn vinh cái tôi,
cái “tự do muốn làm gì thì làm” mà loại trừ, giết chết người anh em
đồng loại. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét