Đứng
gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với
bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh,
Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với
môn đệ: “Đây là mẹ anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19, 25- 27).
Bài Tin
Mừng hôm nay xác nhận vai trò làm Mẹ nhân loại của Đức Maria trong bình diện cứu
độ của ân sủng đạt tới đỉnh cao, đó là lúc hy tế thập giá của Đức Kitô, cũng là
mầu nhiệm vượt qua của Người, được hoàn tất. Đức Giêsu đã trao cho Đức Maria một
sứ mệnh là làm mẹ “môn đệ thương mến” đại diện cho các tín hữu, nghĩa là Đức
Maria sẽ là Mẹ của chúng ta, và bản văn Ga 19, 26 là bản văn nền tảng cho tín
điều ấy. “Vai trò làm mẹ thật mới mẻ này” của Đức Maria, được thiết lập trong đức
tin, là hoa trái của tình yêu “mới mẻ”, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân
thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô .
Đức
Maria trong Tin Mừng Gioan nhắc đến chỉ vỏn vẹn có hai lần trong hai hoàn cảnh:
tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá trên đồi Calvê, Cana và Calvê được nối kết
bằng “giờ” hiến tế, giờ tử nạn và giờ được “tôn vinh”. Đức Maria hiện diện
trong giây phút khai mạc cuộc đời rao giảng và tỏ lộ vinh quang của Đức Giêsu
cũng như hiện diện trong giây phút Đức Giêsu đưa cuộc đời trần thế đến đỉnh cao
bằng việc hiến tế chính mạng sống mình, dâng lên Thiên Chúa vì loài người. Hôm
nay, giờ Đức Giêsu đã đến, đó là “giờ” Người được tôn vinh vì Người đã vâng ý
Cha mà chịu hiến tế hy sinh. Đức Maria được liên kết với giờ hiến tế này và
trái tim Mẹ cũng chịu hiến tế như lời tiên báo của Simêon là “Một lưỡi
gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ” (x. Lc 2, 35). Điều này cũng cho thấy, vì
là Mẹ Đấng Messia, Đức Maria nằm trong cuộc chiến, chia sẻ mọi đau khổ với con
mình. Có thể nói rằng: nhân loại được cứu độ trước hết và chính là bởi Đức Kitô
và thứ đến là nhờ sự cộng tác của Đức Maria trong sự tuỳ thuộc vào công việc của
Đức Kitô, Đức Maria rõ ràng đã đóng vai trò trổi vượt trên bất cứ phàm nhân nào
trong sự hiệp thông với Đức Giêsu cứu chuộc. Thật vậy, chỉ có một mình Đức
Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, nhưng khi sinh hạ Hội Thánh trên thập giá, Đức
Giêsu không chỉ có một mình, mà Người còn có Đức Maria đứng dưới chân thập giá,
để cùng chia sẻ sự đau khổ và giúp Người chấp nhận hiến dâng. Và tiếp đến là
“hiệp thông cứu chuộc” vì Đức Maria đã tham gia vào công trình sinh hạ Hội
Thánh.
Sau
cùng, trên thập giá, lúc Đức Giêsu tưởng chừng như đã bị bỏ rơi hoàn toàn, thậm
chí Chúa Cha dường như vắng bóng, thì còn đó Mẹ Ngài đứng dưới chân thập giá
như là một động lực cuối cùng nâng đỡ Ngài – Thiên Chúa Cha giờ này đang ở
trong sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Thần vẫn phủ bóng trên Đức Maria để
trợ lực Ngài trong giờ hiến tế… Thật vậy, khi Chúa Giêsu tắt thở và bóng đêm
bao trùm vạn vật (x. Lc 23, 44-46) thì Đức Maria vẫn hiện diện dưới chân thập
giá, những khi thế giới tưởng chừng như vắng bóng Thiên Chúa, thì vẫn còn đó những
môn đệ của Ngài hiện diện làm chứng Thiên Chúa vẫn sống trong họ, sống trong những
hoạt động đức ái và tinh thần dâng hiến của họ.
*******
Lạy
Chúa Giêsu, dưới chân thập giá, Chúa đã trao chúng con cho sự chăm sóc từ mẫu của
Mẹ Maria, xin cho chúng con luôn biết nhận Người là Mẹ và sống tình con thảo với
Người, hầu cùng với Người, chúng con cộng tác với Chúa trong công cuộc cứu độ
thế giới. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét