Thầy ra đi thì có lợi cho anh em.
Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em: nhưng nếu
Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. (Ga 16, 7)
Tâm trạng
của con người trước sự ra đi nào cũng có những bùi ngùi xúc động, nhất là những
cuộc ra đi thật xa. Sự ra đi của Chúa Giê-su xa chắc chắn sẽ để lại sự trống vắng,
xao động và mất đi sức mạnh cho các tông đồ. Ngay cả tâm trạng của Chúa Giê-su
trước khi ra đi trở về cùng Cha cũng không tránh khỏi những lo lắng ưu tư cho
các môn đệ của Ngài còn ở lại trần gian: các tông đồ sẽ bơ vơ, sẽ bị chống đối,
sẽ bị bắt bớ, sẽ bị chao đảo….Vì thế, Chúa Giê-su đã hứa với họ, Ngài sẽ ban
Chúa Thánh Thần đồng hành với các môn đệ, khi Ngài không còn sự hiện diện hữu
hình, nhưng Ngài sẽ không để các ông bơ vơ một mình: “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chính Chúa Thánh Thần
sẽ làm chứng cho Đức Kitô. Như thế, sự ra đi của Đức Giê-su chứa đựng một điều
bí ẩn; và điều bí ẩn này là một sự hiện diện, một sự hiện diện viên mãn. Bởi lẽ,
Thánh Thần, được Chúa Con gởi tới từ cung lòng của Chúa Cha, sẽ đến cư ngụ
trong lòng của từng người môn đệ để thông truyền phẩm giá Người Con duy nhất của
Thiên Chúa.
Ngoài
ra, Thánh Thần còn được gọi là “Đấng Bảo Trợ” (Paraclet), bảo trợ các môn đệ chống
lại sự tấn công của Sự Dữ, của Satan, của “Thủ Lãnh Thế Gian”. Một trong những
cách tấn công rất nguy hiểm của Satan là làm cho chúng ta nghi ngờ tình yêu và
lòng thương xót của Thiên Chúa, để giam hãm chúng ta trong tù ngục mặc cảm, sợ
hãi, kêu trách, ham muốn, ghen tị. Vì thế, Thánh Thần sẽ bảo trợ các môn đệ bằng
cách chứng minh Satan sai lầm, đối với Đức Giê-su, và ngang qua Người, đối với
tất cả những ai thuộc về Người. Như thế, trong viễn tượng của mầu nhiệm Đức
Ki-tô lên trời và mầu nhiệm Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi đặt
mình trong niềm vui của Con Thiên Chúa và của Thiên Chúa, khi sai Thánh Thần đến
với chúng ta, và nhờ hồng ân Thánh Tẩy, chúng ta được gọi là môn đệ Chúa Giêsu,
được mang tên Kitô hữu, được Chúa Giêsu xem như những môn đệ và được chính Ngài
chuẩn nhận: ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Vậy mà đàng khác, hiếm
ai trong chúng ta đủ tự tin để khẳng định mình không sai lầm, không mang tội lỗi.
Do đó, không là thế gian, nhưng ta đã ít nhiều nhuốm mùi thế gian mất rồi. Hai
tình trạng này gây ra cuộc giằng xé nơi nội tâm mỗi người, và có thể nói, đó là
lý do của cái giật mình ban đầu khi ta mới tiếp xúc với bản văn Tin Mừng hôm
nay. Hy vọng đến đây, ta đã đủ bình tĩnh để chấp nhận sự thật rằng Thiên Chúa sẽ
hành động, sẽ cho thế gian thấy sự sai lầm của nó ; đủ khiêm tốn để thừa nhận
mình đã sai lầm và cần đến ánh sáng công chính của Chúa ; nhất là đủ tín thác
vào lòng xót thương của Chúa mà hân hoan đón tiếp Chúa Thánh Thần vào cuộc đời
mình, sẵn sàng để Ngài biến đổi, dẫn dắt, sáng soi, nâng đỡ và thúc bách trong
hành trình loan báo Tin Mừng. Thành ra, có thể nói Thánh Thần được sai đến với
các môn đệ Chúa Giêsu và thế gian năm xưa, cũng chính là Thánh Thần mà Mẹ Giáo
Hội đang muốn chuẩn bị cho con cái mình lãnh nhận trong lộ trình phụng vụ mùa
phục sinh năm nay. Đấng Ấy sẽ đến với bộ mặt của tình yêu, với tiếng nói của
tình yêu ; sẽ đưa những sai lầm của chúng ta đến với ánh sáng của tình yêu và sẽ
đốt cháy những sai lầm ấy bằng ngọn lửa của lòng xót thương vô bờ nơi Trái Tim
Thiên Chúa. Đó là cung cách hành động của Tình Yêu. Và khi Tình Yêu hành động,
ta sẽ được biến đổi, được sống, được an bình trong Ánh Sáng Vĩnh Cửu của Đấng
Phục Sinh.
HÃY ĐỂ CHO TÌNH
YÊU HÀNH ĐỘNG ĐỂ TA ĐƯỢC GIẢI THOÁT, ĐỂ ĐƯỢC SỐNG TRONG ÁNH SÁNG.
******
Lạy Chúa
Thánh Thần, xin đến với con. Con muốn gọi Ngài là Tình Yêu. Con muốn xem cuộc
minh chứng (có thể là rất khó khăn) của Ngài về những sai lầm nơi con là những
hành động của Tình Yêu. Xin thanh tẩy, thanh luyện con dưới ngọn lửa Tình Yêu của
Ngài. Để khi đã được đổi mới, con hân hoan loan báo và làm chứng cho anh chị em
con về Tình Yêu. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét