Translate

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

THỨ NĂM TUẦN 7 PHỤC SINH


Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con (Ga 17, 20)

Phần cuối của Lời Nguyện Hiến Tế là lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha nhắm tới tất cả những ai nhờ lời rao giảng của các môn đệ mà tin vào Chúa Giêsu. Nội dung của lời cầu xin là cho các kitô hữu được hiệp nhất nên một với nhau.

Thời nào cũng thế, đời sống chứng nhân luôn có tính thuyết phục hơn những bài giảng uyên thâm và hùng hồn: “lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Mọi người dễ nhận ra Chúa Kitô hiện diện và tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa qua đời sống tốt lành của Kitô hữu, mà điều có sức thuyết phục hơn cả chính là các kitô hữu sống đoàn kết yêu thương nhau và hiệp một lòng một ý với nhau. Điều này luôn luôn đúng khi hầu hết những người trở lại đạo luôn làm chứng rằng họ bị thuyết phục vì đời sống chứng tá của Kitô hữu nơi học đường, xí nghiệp và đặc biệt nơi các xóm đạo.

Chính sự nối kết hiệp nhất với nhau tạo nên sức mạnh chống lại kẻ thù, mà kẻ thù lớn nhất của Kitô hữu chính là ma quỷ đang tìm mọi cách chia rẽ con cái Giáo Hội. Hiện nay, trên mọi ngõ ngách của cuộc sống và đặc biệt trong lãnh vực truyền thông xã hội, kẻ thù luôn tìm cách gieo rắc những thông tin trái chiều, cắt xén và bịa đặt để chia rẽ các thành phần trong Giáo Hội; nhiều kẻ lợi dụng các trang mạng, lập nhóm này trang nọ hay phòng chat kia để truyền bá những điều sai lạc với Giáo Lý Thánh Kinh, cào bằng và lên án các mục tử, lôi kéo nhiều người Công Giáo đặc biệt là các bạn trẻ theo chúng mà xa lìa chân lý của đạo Công Giáo. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi mọi người hãy cùng đoàn kết nên một trong một đức tin được thông truyền từ Chúa Giêsu qua các Tông Đồ đến cho Giáo Hội. Đức tin tông truyền là bất biến, đức tin đó đòi hỏi các Kitô hữu hiệp nhất với các Đấng đại diện Chúa để làm cho nước Chúa ngày một lan rộng trên thế giới này.

********

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

LỄ ĐỨC MA-RI-A THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BET


Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần. (Lc 1, 41)

Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vui, trao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.

Niềm vui trước hết và trên hết mà Đức Maria muốn chia sẻ chính là niềm vui được Thiên Chúa cứu độ. Được cứu độ là niềm vui lớn nhất mà bao thế hệ đợi chờ, chính vì thế mà Đức Maria, người được cứu độ đầu tiên, tràn ngập niềm vui, vừa cất tiếng chào thì Gioan trong dạ bà Elisabeth cũng nhảy lên vui sướng vì ơn cứu độ đã đến. Đức Maria mang đến cho gia đình bà Elisabeth ân sủng của Thiên Chúa, vì Mẹ tràn ngập ân sủng, nên ân sủng đó trào tràn trên bà Elisabeth làm cho bà cất lớn tiếng và ca ngợi Mẹ Thiên Chúa.

Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng, và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương. Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng.

TÓM LẠI: qua biến cố Đức Maria thăm viếng bà Êlizabeth, Chúa muốn dạy chúng ta sống tinh thần của Mẹ Maria là sống trong ơn nghĩa của một tâm hồn đầy Chúa, cưu mang Chúa trong trái tim mình, để rồi mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân. Đặc biệt, cụ thể hoá việc làm chứng cho Chúa qua chính đời sống phục vụ.

 ********

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm tin phó thác, để chúng con biết xin vâng như Mẹ; xin cũng tăng thêm cho chúng con đức ái, để chúng con biết sống trao ban và phục vụ như Mẹ. Nhờ đó, cùng với Mẹ Maria, chúng con xứng đáng là những người con thảo của Cha trên trời. Amen.

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

THỨ BA TUẦN 7 PHỤC SINH


Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. (Ga 17, 1b)

Các Tin Mừng Nhất Lãm, nghĩa là các Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô và thánh Lu-ca, hay nói về sự kiện Đức Giê-su cầu nguyện và có nhiều lúc Ngài cầu nguyện suốt đêm. Nhưng các Tin Mừng này không bao giờ kể cho chúng ta biết nội dung lời nguyện của Đức Giê-su: Ngài đã nói gì với Thiên Chúa Cha và Ngài nói như thế nào ? Ngài nói với Thiên Chúa về những ai và với tâm tình nào ? Chúng ta hãy khao khát được hiểu biết sâu xa lời nguyện của Đức Giê-su, bởi vì, nếu hành động và lời nói công khai của Ngài mặc khải cho chúng ta về ngôi vị của Ngài, về tương quan của Ngài với Thiên Chúa và với con người, thì chắc chắn, lời nguyện của Ngài còn nói cho chúng ta nhiều hơn nữa. Cũng giống như lời nguyện riêng tư của mỗi người chúng ta diễn tả con người thật của chúng ta ở chiều sâu, với Chúa và với nhau. Vậy chúng ta hãy ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm, những khó khăn, những yếu đuối và giới hạn của chúng ta để đi vào chốn riêng tư của lời nguyện Đức Giê-su ngỏ với Thiên Chúa Cha. Bởi vì, chúng ta sẽ không chỉ hiểu biết Ngài sâu xa hơn (như thánh I-nhã mời gọi chúng ta xin với Chúa trong Linh Thao), nhưng còn học được cách thức Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa, và ngang qua cầu nguyện, học được cách Ngài sống với Thiên Chúa Cha.

Chính vì thế, chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe hôm nay và những ngày sớm tới, là quà tặng tuyệt vời mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm cầu nguyện của Đức Giê-su, là phần không thể thiếu của ‘Sự Thật toàn vẹn’. Chương 17 của Tin Mừng Gioan còn được gọi là “lời nguyện hiến tế” của Chúa Giêsu.  Được gọi là lời nguyện hiến tế vì là lời cầu xin của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc khổ nạn, chịu sát tế, hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha để chuộc tội nhân loại. Bài Tin Mừng hôm nay là phần đầu của lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha là Người sẽ ban cho các môn đệ sự sống đời đời: đó là nhận biết Chúa Cha và tin vào người là Đấng được Chúa Cha sai đến. Chúa Giêsu muốn hễ ai thuộc về Người thì nhận biết Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi phải năng suy gẫm Lời Chúa, kiên trì cầu nguyện, tham dự phụng tự, để nhận được ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng trao ban các ơn hiểu biết và khôn ngoan (x.Cl 1,9). Từ ơn hiểu biết sẽ phát sinh tình yêu và các việc lành: Đây là khởi điểm của sự sống đời đời, trước khi tín hữu được thấy tỏ tường dung nhan Thiên Chúa viên mãn mai sau. Lời khẳng định của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,2-3). Mọi tín hữu khi nghe lời này của Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc khi được biết Thiên Chúa là Cha và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình.

*******

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người đã tin Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ chúng con; chúng con cũng được Chúa mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha sáng tạo và yêu thương săn sóc chúng con. Xin cho chúng con cũng biết dâng hiến cuộc đời mình để tôn vinh Cha trên trời như Chúa đã tôn vinh Chúa Cha khi hoàn tất công trình mà Cha giao phó là cứu độ chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

THỨ HAI TUẦN 7 PHỤC SINH


Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian. (Ga 16, 33)

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời của các môn đệ thưa với Chúa Giêsu, rằng các ngài đã tin Người là Đấng từ Thiên Chúa mà đến. Chúa Giêsu ghi nhận niềm tin đơn sơ đó, nhưng Người cũng hiểu rõ các môn đệ chưa thực sự hiểu đúng về sứ mạng Thiên Sai của Người. Bởi cho đến lúc này, các môn đệ tin Chúa Giêsu được sai đến và chỉ chờ cho Người giải phóng dân Do-thái khỏi ách thống trị của Rôma và lên ngôi hiển trị, lúc đó các môn đệ sẽ được chia sẻ danh vọng và quyền lực với Thầy.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã tiên báo cho các tông đồ về những gian nan khốn khó mà các ông sẽ phải đương đầu, nhưng liền sau đó, Chúa cũng khích lệ các ông là: “Hãy can đảm lên, đừng sợ”. Lý do để các ông can đảm, và không sợ hãi chính là vì “Thầy đã thắng thế gian”. Chúa Giêsu đã thắng thế gian bởi Ngài đã đáp trả lại gian ác bằng tình thương, hận thù bằng tha thứ. Người không chủ trương thắng bằng những lối hống hách, những thói kiêu căng “thừa thắng xông lên” để chà đạp những người yếu hèn hơn mình, Ngài không chiến thắng bằng tiền của hay khoa học, mà bằng tình thương chân thật, dám chết cho người mình yêu. Cho nên, tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta: mỗi khi gặp những thử thách như bệnh tật, thất bại, cám dỗ trong cuộc sống, thì đừng sợ, nhưng hãy can đảm lên, vì chúng ta luôn có Chúa ở bên. Hãy chạy đến Chúa Giêsu, kết hợp với Chúa, để được an ủi và mạnh sức. Hãy can đảm lên, vì Thiên Chúa Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài đã yêu thương ta hết lòng, nên không bao giờ Ngài để cho những đau khổ thử thách xảy đến quá sức chúng ta chịu đựng. Hãy can đảm và trung thành giữ vững niềm tin vào Chúa Phục Sinh, vì khi chúng ta cùng chết với Người, thì sẽ được cùng sống lại với Người.

Như vậy, sứ điệp chính của bài Tin Mừng vẫn là chân lý xuyên suốt toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước và cũng là căn bản của Giáo Lý Kitô Giáo: “qua thập giá tới vinh quang”. Phải chiến đấu mới có chiến thắng. Những ai theo Chúa phải dám đối diện với đau khổ trong khi chống lại thế gian xác thịt, phải can đảm và trung kiên mới đạt đến chiến thắng cuối cùng. Chúa Giêsu, Đấng đã chiến đấu và đã chiến thắng vinh quang, đó là niềm hy vọng chắc chắn để Kitô hữu can đảm chiến đấu và đạt tới chiến thắng như Thầy Giêsu.

******

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã kinh qua đau khổ thập giá rồi chiến thắng ma quỷ, thế gian và tội lỗi để bước vào trong vinh quang vĩnh hằng của Thiên Chúa. Xin cho chúng con can đảm chấp nhận những đau thương của cuộc đời trong thân phận làm con Chúa, để chúng con cũng đạt tới vinh phúc nước trời như Chúa đã hứa ban cho người chiến thắng. Amen.

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN NĂM A


Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi người cho đến tận thế. (Mt 28, 20b)

Chúa về trời sau khi đã hoàn tất sứ mạng Thiên Chúa Cha trao phó. Chúa về trời không có nghĩa là Ngài không còn hiện diện trên trần gian này nữa, nhưng chỉ là thay đổi cách thức hiện diện mà thôi. Ngài thay đổi từ việc hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt đến hiện diện thiêng liêng bằng tình yêu và quyền năng. Sách Công Vụ đã diễn tả khẳng định này khi nói: Người được cất lên ngay trước mặt các ông và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Thánh Kinh vẫn dùng hình ảnh mây bao phủ để diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa, nay sách Công Vụ cũng dùng hình ảnh đám mây quyện lấy Ngài để diễn tả Chúa Giêsu trở về với thế giới thần linh của Ngài. Chúa Giêsu vẫn hiện diện trước mắt chúng ta, chúng ta không nhìn thấy Ngài bằng mắt thịt, nhưng vẫn có thể thấy Ngài bằng con mắt đức tin. Trong giây phút long trọng này, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ cũng là Giáo Hội, một sứ mạng hết sức quan trọng và cấp bách: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28, 19). Mệnh lệnh này, Giáo Hội đón nhận trực tiếp từ Chúa Giêsu, để bắt đầu ra đi đến với muôn dân. Giáo Hội có trách nhiệm phải nói cho muôn dân về Chúa Giêsu để họ cũng tin nhận Người là Thiên Chúa, Đấng nắm giữ toàn quyền trên trời dưới đất. Giáo Hội cũng có trách nhiệm làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa qua việc lãnh nhận phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, sống theo đường lối và giáo huấn của Người. Giáo Hội luôn tin tưởng, thi hành sứ mạng cao cả mà Chúa Giêsu trao phó, trong niềm xác tín rằng, Giáo Hội không làm việc một mình, nhưng trong sự hiện diện và trợ giúp của Chúa Giêsu như lời Ngài hứa: Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20). Quả thật, Chúa Giêsu vẫn ở với Giáo Hội qua Lời của Ngài, qua Bí tích Thánh Thể. Nơi Bí tích này, Chúa Giêsu ở lại một cách sống động và cụ thể để nâng đỡ, thông ban sức sống và tăng cường sức mạnh cho Giáo Hội trên hành trình loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu còn hiện diện trong và qua chính con người của các tông đồ và các thừa tác viên của Giáo Hội, đồng thời trợ giúp các ngài chu toàn sứ mạng Chúa trao phó. Đặc biệt hơn nữa, Chúa Giêsu còn liên tục ở lại với Giáo Hội qua Thánh Thần được ban tặng cho các tông đồ và cho toàn Giáo Hội để soi sáng và hướng dẫn mọi hoạt động của Giáo Hội.

Lễ Chúa Giêsu lên trời còn được chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội phát triển mạnh nhờ mạng lưới Internet. Chúng ta được mời gọi sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để phục vụ cho Tin Mừng, loan báo về Chúa Giêsu cho mọi người. Vì thế, dù làm chủ một địa chỉ facebook hay một trang báo, trang mạng, chúng ta cũng phải sử dụng với một lương tâm ngay thẳng, trong sáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và nhu cầu thông tin chính đáng của con người, qua đó giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người. Chúng ta cũng phải mạnh mẽ lên án và tẩy chay những trang mạng bẩn, những báo đài nói dối, nói láo, xuyên tạc, vu khống người khác. Nhiều người dễ dàng tin vào các đài, các trang mạng này hơn là tin vào sự giải thích trình bày của Giáo Hội. Giữa một rừng thông tin ngược xuôi, tốt xấu, mỗi người cũng cần biết gạn lọc và phân định, tìm hiểu thông tin mặt phải, mặt trái, nhiều chiều để rút ra sự thật. Nhiều trang báo đài ngày nay phục cho mục tiêu chính trị, đảng phái, chứ không nhằm cung cấp thông tin khách quan. Có những kênh truyền hình nhắm điều khiển dư luận, lái sự quan tâm của dư luận, khiến cho nhiều người hiểu sai lệch vấn đề, vì thế, hãy hết sức cẩn thận cân nhắc trước các thông tin của các kênh, các trang mạng báo đài này.

******

Mỗi người chúng ta mang trên mình sứ mạng loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Xin cho chúng ta nhiệt thành và trung thành với sứ mạng Chúa trao dù lúc thuận hay lúc nghịch, dù người ta có muốn nghe hay không muốn, chúng ta vẫn trung thành nói về Chúa Kitô cho thế giới. Amen

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

THỨ BẢY TUẦN 6 PHỤC SINH

Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. (Ga 16, 27)

Con người là một hữu thể luôn khao khát một cuộc sống hạnh phúc và tràn ngập niềm vui. Có người tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc trong vinh hoa phú quý, công danh chức quyền hay trong khoái lạc trần gian. Đó là những niềm vui của thế gian qua mau chóng tàn, những thứ hạnh phúc mong manh dễ vỡ. Mỗi người chúng ta bị ràng buộc và nô lệ bởi nhiều thứ đến từ thế gian nên không có được niềm vui tròn đầy và hạnh phúc đích thực. Và để có được niềm vui đích thực, người Kitô hữu phải có cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Thật vậy, niềm vui của người Kitô hữu là một cảm nghiệm chân thực khi đáp lại lời mời gọi ở lại trong tình thương của Chúa. Ở lại là gắn kết, là lắng nghe và thấu hiểu. Ở lại để chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn. Ở lại trong Chúa cũng chính là để sống mãi trong tình yêu thương. Đức Giêsu ở lại trong Chúa Cha là thi hành trọn vẹn ý muốn của Cha, là đón nhận mọi khổ đau để đưa nhân loại tiến về miền đất hoan lạc hạnh phúc.

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả niềm vui phát xuất từ Thiên Chúa. Sau khi Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết Người sẽ chịu khổ hình, còn các ông sẽ bị thế gian tấn công và phải chịu chung một số phận với Thầy, các môn đệ tỏ ra hoang mang lo lắng, Đức Giêsu liền trấn an các ông đừng sợ hãi vì có Đấng Bảo Trợ sẽ đến giúp đỡ. Đức Giêsu khuyên các ông hãy cầu xin Chúa Cha ban cho những ơn cần thiết để vượt qua cơn gian nan thử thách và tìm thấy niềm vui đích thực: “Anh em xin Chúa Cha điều gì, Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 23-24). Lời khẳng định của Đức Giêsu là niềm an ủi lớn cho mỗi người chúng ta,Thiên Chúa là Cha nhân từ sẵn sàng ban nhiều ân sủng nếu cho chúng ta thực tâm cầu xin. Chính Đức Giêsu cũng phải đối mặt với nỗi sợ hãi, nhưng Người đã tìm được sự an ủi nhờ liên kết mật thiết với Chúa Cha. Hành trình lên Giêrusalem và tiến về núi Sọ là nỗi ám ảnh đè nặng trên Đức Giêsu, nhưng Người đã vượt qua tất cả nhờ sức mạnh của Thánh Thần trong Chúa Cha yêu dấu.

Quả thật, chỉ có Chúa mới giải thoát chúng ta khỏi mọi lo lắng trần gian, khỏi mọi nỗi sợ hãi để tận hưởng niềm vui linh thánh ngọt ngào. Niềm vui ấy không phải chỉ biểu hiện qua tiếng cười nhưng còn âm vang trong giọt nước mắt, xuyên qua những thất bại. Niềm vui của Chúa không đọng lại trên những thành công nhưng chan chứa trong cả nỗi mất mát đớn đau. Có một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta cũng phải đối mặt với gánh nặng của thân phận con người, của gia đình vợ chồng con cái làm chúng ta thất vọng chùn bước, hãy tựa nương vào sức mạnh của tình thương và ân sủng Chúa, Người sẽ không lìa bỏ mà còn nâng đỡ để chúng ta tìm thấy niềm ủi an. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta đến tận hưởng hạnh phúc, đến để sống và sống dồi dào. Để có được niềm vui trọn vẹn, chúng ta phải sống gắn kết mật thiết với Thiên Chúa như cành nho liền với cây nho. Đi vào chiều sâu của tình yêu chúng ta mới hiểu được giá trị của đau khổ, mới dám dấn thân phục vụ và sống trọn nghĩa yêu thương.

********

Lạy Chúa, mỗi khi sống xa cách Chúa, tâm hồn chúng con cảm thấy trống vắng cô đơn u buồn, xin đổ tràn ân phúc của Chúa trên mọi tạo vật, giúp chúng con lãnh nhận niềm vui tuyệt đỉnh của ơn cứu độ, và một khi có sự hiện diện của Chúa, tâm hồn chúng con tìm được sự bình an đích thực. Chúa đã chết để đem lại cho nhân loại sự sống mới, xin thánh hóa biến đổi chúng con thành những chứng nhân của Tin Mừng, luôn hăng say ra đi loan báo tình thương và niềm vui của Chúa cho mọi người xung quanh. Amen.

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

THỨ SÁU TUẦN 6 PHỤC SINH


Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. (Ga 16, 22)

Lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay vừa là một lời cảnh báo, nhưng cũng vừa là một lời khích lệ: Chúa Giêsu cảnh báo những ai theo Chúa phải đối diện với những đau buồn giữa thế gian vô đạo:“Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Mặc dù vậy, Chúa Giêsu cũng khích lệ, vì niềm vui sẽ trọn vẹn và vĩnh cửu sau khi các môn đệ đã kinh qua những thử thách đời sống đức tin: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22). Chúa Giêsu ví Cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài như một sản phụ sắp sinh con. Đối với Chúa, đau khổ ở đời này không phải là những đau khổ khi hấp hối (đau khổ dẫn đến sự chết)... đó là đau khổ lúc sinh con (đau khổ dẫn đến sự sống)...  Các môn đệ sẽ lo sợ và buồn phiền vì những đau khổ xảy ra cho Ngài và cho các ông; nhưng Ngài muốn các ông nhìn tới niềm vui trọn vẹn mà không ai có thể tước đoạt khỏi các ông, khi các ông chứng kiến Ngài sống lại vinh quang.  

Thật vậy, niềm vui lớn nhất của môn đệ là được hẹn gặp Thầy Chí Thánh khi Thầy sống lại, và đặc biệt gặp nhau vĩnh viễn trên thiên đàng. Niềm vui của người môn đệ Chúa Giêsu mang tính vĩnh cửu là vì đối tượng của niềm vui là chính Thầy Giêsu, Đấng đã phục sinh và không còn chết nữa. Đặc biệt, niềm vui đạt đến trọn vẹn khi Kitô hữu được Chúa Giêsu đem vào cõi vĩnh hằng. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quý nhất dành cho những ai theo Chúa Giêsu chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Chúa Giêsu và hưởng niềm vui Phục Sinh trong Nước Trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được, niềm vui mà thánh Phaolô từng nói: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Phụng vụ hôm nay củng cố thêm niềm tin cho chúng ta, trên hành trình rao giảng Tin mừng và sống đạo, không thể nào tránh được những ngày tháng tâm hồn chúng ta cảm thấy như lạc lõng, thất vọng. Nhưng hãy tin rằng, Chúa luôn đồng hành và thêm sức cho mỗi người chúng ta, và hơn hết, như Chúa Giêsu đã hứa: “Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”, đó là động lực cho chúng ta tiến bước trên hành trình đức tin.

*****

Lạy Chúa, chúng con đang sống giữa cuộc đời này với biết bao vui buồn đắp đổi. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa, để mai sau chúng con cũng được gặp Ngài trong vinh quang, khi đó niềm vui chúng con sẽ trọn vẹn và vĩnh hằng. Amen

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

THỨ NĂM TUẦN 6 PHỤC SINH


 Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. (Ga 16, 20)

Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong khung cảnh tranh tối, tranh sáng giữa những người thuộc về thế gian và các môn đệ của Đức Giê-su. Thế gian đại diện cho quyền lực tối tăm, sự chết và ma quỷ. Còn Đức Giê-su – Đấng là ánh sáng, là sự sống và là Thiên Chúa.. Vì thế luôn có sự đối lập giữa hai thế lực này, đến nỗi : nơi nào có ánh sáng, bóng tối phải lùi xa. Nơi nào có sự sống, sự chết bị thống trị. Nơi nào có Thiên Chúa, chắc chắn nơi đó ma quỷ phải chạy trốn, phải quy phục và đầu hàng. Môn đệ Chúa Giê-su chắc chắn không thoát khỏi ảnh hưởng đó. Chúng ta sẽ thấy Chúa Giê-su đã biết trước và Ngài tiên báo về điều này trong chương 16 của Thánh sử Gio-an. Đây không chỉ là lời tiên báo mà còn là một lời khẳng định thực tế cho phận người theo Chúa Giêsu: Lời này của Chúa Giêsu vừa ám chỉ tương lai gần khi nói đến cuộc tử nạn của Người và Người sẽ sống lại, nhưng cũng vừa ám chỉ cuộc lữ hành đức tin của Kitô hữu chờ đợi gặp Chúa Giêsu trên cõi trời. Đồng thời cũng nói đến thực tế của mỗi một con người trong cảm nghiệm cuộc đời, khi thơ thới hân hoan, lúc buồn đau thất vọng. Điều này ứng nghiệm tỏ tường vào ngày tận thế, khi các tín hữu khám phá ra Chúa Kitô vinh hiển mà họ đã từng chờ đợi trong đức tin.

Vì lẽ đó, không nên quá tự tin khi Chúa cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Người, chẳng hạn khi mới theo đạo, hoặc khi chúng ta đón nhận được những ân huệ nào đó, hay khi đời sống đạo gặp lúc thịnh vượng êm xuôi… Khi mọi sự có vẻ dễ dàng, chúng ta đừng coi khinh những ai có vẻ không được Chúa chiều chuộng như chúng ta. Biết đâu “ít lâu nữa” Chúa sẽ để chúng ta sống trong tăm tối. Trong cuộc lữ hành trần thế có những lúc như phải bước đi trong đêm tối, nhưng đó lại là một sự tinh luyện con người, để đạt tới sự trưởng thành đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa. Vậy, muốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta phải chấp nhận bước vào cuộc vượt qua như Ngài. Trong cuộc sống, chúng ta gặp biết bao gian nan thử thách, đôi lúc khiến chúng ta ngã lòng muốn buông xuôi, muốn lìa bỏ Ngài. Những lúc ấy, chúng ta không tìm thấy sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống. Ngài hầu như ngủ quên trên thuyền, như vắng bóng trong cuộc đời và chúng ta cảm thấy như độc hành bước trong bóng tối của niềm tin. Đôi lúc chúng ta được Ngài an ủi, cho gặp may lành trong cuộc đời theo Ngài, nhưng cũng có lúc chúng ta phải mang vác thập giá nặng nề trên con đường ấy. Điều quan trọng là mỗi người cần biết kiên nhẫn và hy vọng : không chạy theo những niềm vui chóng qua vô bổ, cũng đừng né tránh những nỗi buồn, đau khổ thập giá.. Vì cho dù hòan cảnh có tồi tệ đến đâu đi nữa, thì cuộc sống của người Ki-tô hữu luôn tìm được niềm vui nơi Thánh Thể, ở đó, Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta. Chúng ta hãy dùng những lời đó mà an ủi nhau, nhất là đối với anh chị em mới gia nhập Hội Thánh, cùng giúp nhau hiểu và đón nhận và vác thánh giá cuộc đời theo gương Thày Chí Thánh, để sau cuộc đời dương thế chúng ta được cùng Ngài phục sinh vinh hiển, và chỉ có ai kiên trì trong đường lối Chúa mới hưởng được niềm vui trọn vẹn khi Chúa xuất hiện.

******

Lạy Chúa, cuộc đời chúng con có những lúc hạnh phúc bình an, nhưng cũng không thiếu những lần chúng con cảm thấy cô đơn thất bại như vắng bóng Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ đến lời Chúa đã nói trong Tin Mừng hôm nay, mà vững niềm trông cậy vào Chúa, hầu mai ngày chúng con xứng đáng sẽ lại được gặp Chúa nhãn tiền trong nước Chúa, nơi có niềm vui trọn vẹn và vĩnh hằng. Amen

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

THỨ TƯ TUẦN 6 PHỤC SINH


Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. (Ga 16, 12-13)

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi(Ga 16, 12)”, nghĩa là, dù tình thương của Chúa Giê-su muốn trao ban tất cả những gì Ngài có cho các môn đệ, nhưng với khả năng, sức lực, tâm hồn và trí khôn của các môn đệ còn giới hạn trước những thực tại thiêng liêng. Khi Đức Giê-su nói những lời trên với các môn đệ, Ngài biết rằng họ đang lo lắng về tương lai của họ; bởi vì Người đã nói với họ rằng Người sẽ ra đi, mà không phải là đi lên vinh quang, nhưng là đi để chịu khổ nhục, chịu bắt bớ, lên án và bị giết chết - còn nỗi buồn phiền nào hơn! Tuy nhiên điều tệ hơn nữa, Người còn loan báo cho họ biết rằng sau khi Người ra đi, chính họ sẽ phải trải nghiệm nhiều sự chống đối và bách hại…. Tất cả những gì họ học được từ Chúa Giê-su trong ba năm theo Người, và những kinh nghiệm từ chính bản thân họ dường như không đủ để họ đối mặt với viễn cảnh của một cuộc sống mà không có Người. Vì vậy, những lời của Đức Giêsu ở đây có tác dụng động viên khích lệ các môn đệ để các ông vững tin vào người.

Chẳng phải đôi lúc bạn và tôi cũng cảm thấy như vậy trong cuộc sống sao? Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những lần, khi mà chúng ta muốn Chúa Giê-su hiện diện ở đây với chúng ta, hướng dẫn chúng ta như Người đã từng hướng dẫn các tông đồ. Do đó, lời hứa của Ngài cũng là sự động viên, khích lệ, và là niềm hy vọng của chúng ta, rằng: Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta trong sự thật! Nếu bạn đã và đang cảm thấy như các môn đệ, lo sợ vì không thấy Chúa hoặc về một cuộc sống mà không có Người, hãy nhắm mắt lại và lắng nghe như Chúa Giê-su đang nói với bạn: “Ta có thể không ở bên cạnh con về thể chất, nhưng đây là ‘người’ sẽ tiếp tục nói những lời của ta và bày tỏ tình yêu của Ta cho con. Hãy nghe người ấy.…” Vâng, tất nhiên, rất ít người trong chúng ta có thể nghe thấy một cái gì đó rõ ràng như một giọng nói vang lên trong tai mình. Nhưng chúng ta sẽ có thể có nhiều kinh nghiệm về sự thì thầm của Chúa Thánh Linh trong những ý nghĩ riêng tư của ta, trong tâm hồn ta cũng như những sự hướng dẫn của Người thông qua những con người, những biến cố, hoàn cảnh trong cuộc đời ta. Thật thế, trong cuộc sống hằng ngày có nhiều điều xảy ra như: Có lẽ hôm nay bạn sẽ cảm thấy an tâm về quyết định của mình chẳng hạn - đó có thể là sự hướng dẫn của Thần Khí giúp bạn quyết định đúng đắn. Hay khi bạn phải xem xét một tình huống khó khăn, hoặc có một cuộc trò chuyện căng thẳng, mà  có một câu hát, dòng nhạc từ bài thánh ca nào đó làm sáng lòng bạn, soi dẫn những tâm tư suy nghĩ của bạn, thì đó cũng có thể là do Thần Khí. Hoặc có một câu Kinh thánh tác động đến bạn như một phương thế để bạn có thể giúp một trong những đứa con của bạn, hoặc những đứa trẻ mà bạn có trách nhiệm; đó cũng là nhờ bởi Thần Khí. Hay khi có một người bạn trao tặng một lời khuyên làm xuyên thấu tâm tư, rung động trái tim của bạn - một lần nữa, đó có thể là nhờ Chúa Thánh Thần… Như vậy, trong cuộc sống của chúng ta luôn có Chúa Thánh Thần làm bạn đồng hành mà chúng ta có thể cậy dựa, cầu xin bất cứ lúc nào như lời Chúa Giê-su đã hứa “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (c. 13b) - CHÚA THÁNH THẦN LÀ “ĐẤNG ĐA NĂNG” TUYỆT VỜI!

*****

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến ban cho chúng con trí khôn ngoan và sức mạnh, để chúng con đủ sức đón nhận và thông hiểu mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa, hầu chúng con thêm lòng mộ mến Chúa và rao giảng cho những ai chưa nhận biết Người. Amen

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

THỨ BA TUẦN 6 PHỤC SINH


Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em: nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. (Ga 16, 7)

Tâm trạng của con người trước sự ra đi nào cũng có những bùi ngùi xúc động, nhất là những cuộc ra đi thật xa. Sự ra đi của Chúa Giê-su xa chắc chắn sẽ để lại sự trống vắng, xao động và mất đi sức mạnh cho các tông đồ. Ngay cả tâm trạng của Chúa Giê-su trước khi ra đi trở về cùng Cha cũng không tránh khỏi những lo lắng ưu tư cho các môn đệ của Ngài còn ở lại trần gian: các tông đồ sẽ bơ vơ, sẽ bị chống đối, sẽ bị bắt bớ, sẽ bị chao đảo….Vì thế, Chúa Giê-su đã hứa với họ, Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần đồng hành với các môn đệ, khi Ngài không còn sự hiện diện hữu hình, nhưng Ngài sẽ không để các ông bơ vơ một mình: “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm chứng cho Đức Kitô. Như thế, sự ra đi của Đức Giê-su chứa đựng một điều bí ẩn; và điều bí ẩn này là một sự hiện diện, một sự hiện diện viên mãn. Bởi lẽ, Thánh Thần, được Chúa Con gởi tới từ cung lòng của Chúa Cha, sẽ đến cư ngụ trong lòng của từng người môn đệ để thông truyền phẩm giá Người Con duy nhất của Thiên Chúa.

Ngoài ra, Thánh Thần còn được gọi là “Đấng Bảo Trợ” (Paraclet), bảo trợ các môn đệ chống lại sự tấn công của Sự Dữ, của Satan, của “Thủ Lãnh Thế Gian”. Một trong những cách tấn công rất nguy hiểm của Satan là làm cho chúng ta nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, để giam hãm chúng ta trong tù ngục mặc cảm, sợ hãi, kêu trách, ham muốn, ghen tị. Vì thế, Thánh Thần sẽ bảo trợ các môn đệ bằng cách chứng minh Satan sai lầm, đối với Đức Giê-su, và ngang qua Người, đối với tất cả những ai thuộc về Người. Như thế, trong viễn tượng của mầu nhiệm Đức Ki-tô lên trời và mầu nhiệm Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi đặt mình trong niềm vui của Con Thiên Chúa và của Thiên Chúa, khi sai Thánh Thần đến với chúng ta, và nhờ hồng ân Thánh Tẩy, chúng ta được gọi là môn đệ Chúa Giêsu, được mang tên Kitô hữu, được Chúa Giêsu xem như những môn đệ và được chính Ngài chuẩn nhận: ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Vậy mà đàng khác, hiếm ai trong chúng ta đủ tự tin để khẳng định mình không sai lầm, không mang tội lỗi. Do đó, không là thế gian, nhưng ta đã ít nhiều nhuốm mùi thế gian mất rồi. Hai tình trạng này gây ra cuộc giằng xé nơi nội tâm mỗi người, và có thể nói, đó là lý do của cái giật mình ban đầu khi ta mới tiếp xúc với bản văn Tin Mừng hôm nay. Hy vọng đến đây, ta đã đủ bình tĩnh để chấp nhận sự thật rằng Thiên Chúa sẽ hành động, sẽ cho thế gian thấy sự sai lầm của nó ; đủ khiêm tốn để thừa nhận mình đã sai lầm và cần đến ánh sáng công chính của Chúa ; nhất là đủ tín thác vào lòng xót thương của Chúa mà hân hoan đón tiếp Chúa Thánh Thần vào cuộc đời mình, sẵn sàng để Ngài biến đổi, dẫn dắt, sáng soi, nâng đỡ và thúc bách trong hành trình loan báo Tin Mừng. Thành ra, có thể nói Thánh Thần được sai đến với các môn đệ Chúa Giêsu và thế gian năm xưa, cũng chính là Thánh Thần mà Mẹ Giáo Hội đang muốn chuẩn bị cho con cái mình lãnh nhận trong lộ trình phụng vụ mùa phục sinh năm nay. Đấng Ấy sẽ đến với bộ mặt của tình yêu, với tiếng nói của tình yêu ; sẽ đưa những sai lầm của chúng ta đến với ánh sáng của tình yêu và sẽ đốt cháy những sai lầm ấy bằng ngọn lửa của lòng xót thương vô bờ nơi Trái Tim Thiên Chúa. Đó là cung cách hành động của Tình Yêu. Và khi Tình Yêu hành động, ta sẽ được biến đổi, được sống, được an bình trong Ánh Sáng Vĩnh Cửu của Đấng Phục Sinh.

HÃY ĐỂ CHO TÌNH YÊU HÀNH ĐỘNG ĐỂ TA ĐƯỢC GIẢI THOÁT, ĐỂ ĐƯỢC SỐNG TRONG ÁNH SÁNG.

******

Lạy Chúa Thánh Thần, xin đến với con. Con muốn gọi Ngài là Tình Yêu. Con muốn xem cuộc minh chứng (có thể là rất khó khăn) của Ngài về những sai lầm nơi con là những hành động của Tình Yêu. Xin thanh tẩy, thanh luyện con dưới ngọn lửa Tình Yêu của Ngài. Để khi đã được đổi mới, con hân hoan loan báo và làm chứng cho anh chị em con về Tình Yêu. Amen.

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

THỨ HAI TUẦN 6 PHỤC SINH


Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. (Ga 15, 26) 

Sau khi tiên báo về cuộc thương khó khốc liệt sắp xảy đến, bấy giờ các quyền lực thế gian sẽ nổi lên chống đối Chúa Giêsu và số phận các môn đệ cũng bị đe dọa.Các ông tỏ ra hết sức hoang mang sợ hãi không biết phải đối phó ra sao. Để củng cố niềm tin cho các môn đệ, Chúa Giêsu mặc khải cho biết sẽ có Đấng Bảo Trợ đến giúp các ông hiểu được kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đấng Bảo Trợ đó là Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa Cha sẽ đến để hoàn trọn kế hoạch cứu độ của Người. Ngay từ khởi đầu cuộc Sáng Thế kỳ diệu, Chúa Thánh Thần đã xuất hiện như sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần, vũ trụ vạn vật đã được tạo thành.Kìa muôn trăng sao tinh tú trên trời, kìa núi non hùng vĩ, biển rộng sông dài…địa cầu ăm ắp sự hiện diện của Thánh Thần. Ngài là ánh sáng đẩy lui bóng tối hỗn độn u huyền, Ngài là lửa nồng làm tan chảy mọi giá băng do tội lỗi phủ đầy. Ngài là tình yêu nguyên tuyền của Thiên Chúa Cha. Trong nhiệm cục cứu độ nhiệm mầu, Thánh Thần tham dự vào cuộc sáng tạo trời đất, nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria để thực hiện công trình cứu chuộc loài người và Thánh Thần còn hiện diện để kiện toàn những điều dang dở trong Hội Thánh. Thánh Thần còn hiện diện trong suốt dòng lịch sử cứu độ. Cuộc sống hôm nay chính là thời đại của Chúa Thánh Thần. Có những lúc Hội Thánh bị bách hại tận diệt đến hoang tàn, nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chính Người duy trì toàn thể Hội Thánh trong sự thật và thổi vào đó luồng sinh khí mới. Thánh Thần dẫn chúng ta đi vào mối hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa Cha và giúp chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu đến tận cùng thế giới.

Biết bao lần trong đời sống, đức tin chúng ta bị chao đảo vì những đau khổ, lòng mến nhạt phai vì sự ươn lười yếu đuối, hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần giúp sức để dù có gặp gian nan thử thách, chúng ta vẫn giữ trọn ơn gọi làm con cái Chúa. Thánh Thần là tình yêu, là ơn soi sáng giúp chúng ta nhận ra những ân huệ của Thiên Chúa. Thánh Thần là ngọn lửa nóng thiêu đốt mọi nỗi tăm tối ngờ vực trong tâm trí giúp chúng ta nhận ra cuộc sống đầy những điều huyền diệu, chan chứa những ân ban. Chính Chúa Thánh Thần đưa chúng ta vào trong mối hiệp thông sâu xa với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở đó chúng ta mới cảm nghiệm được sự giàu có khôn lường của Thiên Chúa. Nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần chúng ta mới đủ sức mạnh để đảm trách vận mệnh của cuộc đời mình, mới khám phá được ý nghĩa cao sâu của cuộc sống.

******

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa xuống tiếp tục canh tân địa cầu, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện vận mệnh con người. Xin cứ rọi chiếu những tia nắng cho phố phường trong xanh, cho lòng người ấm áp. Xin tình yêu của Chúa Thánh Thần thấm vào cõi lòng của chúng con, chan tưới trên mọi nỗi niềm, vui buồn lo toan vất vả của phận người, để cuộc đời chúng con được thánh hiến và được hiệp nhất trọn vẹn trong Thiên Chúa và chỉ nơi Thiên Chúa chúng con mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình. Amen.  

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG BẢO TRỢ SẼ ĐẾN


Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. (Ga 14, 16)

Sống đức tin trong một thế giới tục hóa hiện nay không hề dễ dàng. Người Kitô hữu bị tấn công từ nhiều phía, khiến họ nhiều khi không biết phải chống đỡ như thế nào. Nhiều khó khăn khiến chúng ta nản lòng và muốn bỏ cuộc. Chúng ta có cảm tưởng mình đơn độc đi ngược giòng con nước lớn đang muốn cuốn trôi và nhận chìm tất cả. Bài tin mừng hôm nay là một lời đáp trả cho tất cả các băn khoăn lo lắng đó. Chúa Giê su đến với chúng ta. Ngài hiện diện ngay giữa cuộc đời chúng ta. Trước lúc “vượt qua khỏi thế gian này để về cùng Cha”, Ngài hứa với chúng ta “Một đấng Bào Chữa khác”. Đó là Thánh Thần chân lý mà Cha gởi đến cho chúng ta. Vì thế, đây là một lời mời gọi cho từng người trong chúng ta, hãy cầu nguyện với Thánh Thần. Có lẽ chúng ta không có thói quen đó, thế nhưng, Chúa Giê su nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện kỳ diệu ấy trong cuộc đời chúng ta. Ngài là Thánh Thần bảo vệ. Đó là một sứ điệp hy vọng vô cùng to lớn mà Chúa Giê su đã để lại cho chúng ta. Thánh Thần Thiên Chúa ở trong chúng ta để giúp đỡ chúng ta đứng vững trước mọi thử thách. Người ban sức mạnh và can đảm giúp chúng ta làm trọn chứng tá đã được giao phó. Thánh Thần ấy đã được ban xuống để đến lượt mình, chúng ta cũng trở thành những người bảo vệ anh em chúng ta. Họ rất nhiều chung quanh chúng ta và trên thế giới cần được bảo vệ trong cuộc sống, phẩm giá và danh dự của họ. Theo Đức Kitô và cùng với Ngài, chúng ta được mời gọi đứng về phía những người đau khổ, nạn nhân của bất công, những người không được bảo vệ. Điều đó có nghĩa là chúng ta làm mọi sự trong khả năng để bảo vệ sự sống. Chúng ta cứu giúp người bị áp chế, kẻ yếu đuối, kẻ bị mọi người bỏ rơi. Thánh Thần đến nhắc cho chúng ta điều răn yêu thương, để chúng ta không quên những nạn nhân bị vu khống, gian ác, bạo lực và ghen ghét. Cuối cùng, có một phương thế khác giúp đỡ những người được giao phó cho chúng ta, đó là cầu nguyện. Chính trong sự gặp gỡ, trò chuyện thân mật với Chúa mà chúng ta khám phá ra rằng mọi người đều liên đới và ràng buộc để giúp đỡ lẫn nhau.

Mặt khác, Chúa Thánh Thần còn là Đấng Bảo Trợ. Vai trò của Đấng Bảo Trợ là ban cho các môn đệ sự khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, khéo liệu và can đảm để làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt quan toà thế gian, Đấng Bảo Trợ  còn ban trí thông minh để các môn đệ am hiểu mọi mầu nhiệm cao sâu về Thiên Chúa được tiên báo và ứng nghiệm trong Thánh Kinh, khôn ngoan đối đáp lại mọi chất vấn của người đời, nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói trước với các ông… Đấng Bảo Trợ ban sức mạnh và lòng đạo đức, để các môn đệ chỉ chọn Chúa, can đảm làm chứng cho Chúa trước mặt muôn dân và băng ngàn vượt suối để rao giảng Tin Mừng. Đấng Bảo Trợ cũng tức là Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí thông ban sự thật và cũng là chính sự thật, sẽ giúp các môn đệ ở lại trong sự thật mà Đức Giêsu đã truyền đạt và bảo vệ họ khỏi những thầy xấu và những chọn lựa sai lạc. Nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, các môn đệ làm chứng cho Sự Thật, làm chứng cho Chúa Giêsu là sự thật toàn vẹn, làm chứng cho thế gian thấy họ sai lầm… Chỉ nhờ Chúa Thánh Thần mà các môn đệ Chúa Kitô không thể sai lạc chân lý. Tóm lại, nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, những môn đệ Chúa Kitô là mỗi tín hữu chúng ta được hưởng dồi dào bảy ơn thánh (quen gọi là bảy ơn cả): Khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, khéo liệu, mạnh bạo, đạo đức và kính sợ Chúa; để chúng ta chu toàn nhiệm vụ làm chứng cho Chúa giữa đời, mà không lo sợ thế lực nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa là Chúa của chúng ta được.

*******

Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con sự sống của Chúa, sự sống làm cho cuộc đời chúng con mãi mãi xanh tươi. Xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa, bình an làm cho chúng con vững tâm khi gặp phải các cơn sóng gió giữa biển đời. Xin ban cho chúng con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần sẽ biến đổi cuộc đời chúng con, nhờ đó, chúng con sẽ chứng tỏ lòng mến Chúa thực sự và xứng đáng được liệt vào số các môn đệ trung thành với Chúa đến cùng. Amen!

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

THỨ BẢY TUẦN 5 PHỤC SINH


Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. (Ga 15, 18)

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra một lời tiên báo: Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. (Ga 15, 18). Điều này cho thấy, môn đệ cùng chung một số mệnh như Thầy Giêsu, khi môn đệ sống và thực hiện những gì Thầy Giêsu đã làm. Chính Chúa Giêsu đã đến thế gian, Người đã bị thế gian lên án và giết chết. Do đó, tất cả những ai là môn đệ của Người cũng phải chịu đồng số phận một sự bách hại và đối xử bất công. Điều này dễ hiểu, vì Chúa Giêsu là ánh sáng đã làm lộ ra những sự mờ ám của con người, là Sự Thật đã phơi bày ra sự giả dối của con người, là lối đi Tin Mừng vạch trần những hướng đi lầm lạc của con người…Và cũng bởi vì, thế gian chỉ yêu thích những gì thuộc về chúng. Đây quả là một thách đố cho các môn đệ, vì để làm chứng cho tình yêu, cho chân lý và sự thật giữa thế gian, thì các ông phải chấp nhận bị ngược đãi, bách hại. Và sứ mệnh mà các môn đệ mang trên mình, không phải là sứ mệnh của chính họ nhưng là sự tiếp nối sứ mệnh của Đức Kitô. Do đó, họ ra đi trong ân sủng, họ đến giữa thế gian để mang ân sủng ấy thánh hóa những ai đang khao khát ơn cứu độ, và họ dám chết vì ân sủng mình đã nhận lãnh để sinh ích cho kẻ khác, như hạt lúa mì chết đi để sinh nhiều bông hạt vậy. Đời sống người ki-tô hữu chúng ta ngày nay cũng vậy, cần phải tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, của các tông đồ, là đem sự thật, sự bình an và ơn cứu độ vào xã hội mà chúng ta đang sống, một xã hội đang thiếu vắng sự thiện và dư tràn sự tàn bạo ác tâm. Sự lương thiện nơi người tín hữu có thể là mối nguy hại cho chính mình, như một giáo viên chân chính luôn có nguy cơ bị đẩy ra khỏi guồng máy của nền thương mại hóa giáo dục chỉ cần có tiền; như một vị quan thanh liêm luôn bị guồng máy của sự cửa quyền, bất công nhiều tham nhũng tìm cách khử trừ; như một người công nhân lương thiện luôn bị bóc lột sức lao động cách bất công; như một nhóm người yêu chuộng công lý luôn bị các thể chế bất công tìm cách triệt hạ…. Thế gian là thế, luôn tìm cách loại trừ những ai không giống mình.

Thật vậy, thế gian chống lại Thầy Giêsu thì cũng chống lại những ai bước theo Người, vì thế gian thích ở trong bóng tối để mờ ám và giả dối. Ðiều này không chỉ xảy ra trong Giáo Hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị bách hại.  Như thế, bị thế gian thù ghét không phải là điều bất thường đối với kitô hữu; cái bất thường của kitô hữu chính là cuộc sống dễ dãi, thỏa hiệp, buông theo dòng thác của thế tục. Nhưng trong mọi sự, chính việc chịu thù ghét bất công lại làm cho tín hữu nên giống Thầy Giêsu hơn vì được đồng số phận với Người. Là một ki-tô hữu thực sự, đòi hỏi căn bản là phải có can đảm sống khác người khác trong xã hội hội đầy “ô nhiễm” này. Sống khác người thật nguy hiểm, nhưng để trở thành người Ki-tô hữu cần phải chấp nhận nguy cơ ấy. Bởi họ thuộc về Đức Kitô, tức là xem Chúa là thực tại duy nhất và tối hậu; chứ không thuộc về thế gian, nghĩa là xem Chúa hoàn toàn không cần thiết cho đời sống con người.

*****

Lạy Chúa, giữa một trần thế mà sự ác, sự tàn bạo bất công gần như đang thắng thế, xin hãy giúp chúng con là những Ki-tô hữu, những môn đệ của Chúa, dám luôn can đảm sống đúng căn tính của mình, để qua đó muôn dân nước nhận biết tình yêu thương vô bờ của Chúa. Amen!

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

THỨ SÁU TUẦN 5 PHỤC SINH


Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau. (Ga 15, 17)

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” là điều răn mới mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ sau khi rửa chân cho các ông trong bữa tiệc ly. Giờ đây, trước khi rời bỏ thế gian mà về cùng Cha, Người nhắc lại cho các môn đệ về điều răn ấy: Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau (Ga 15,17). Nhưng yêu thương nhau ở đây không phải theo cách của con người, một thứ tình yêu vị kỷ, quy hướng về lợi ích cá nhân, nhưng là “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, một tình yêu thương luôn quy hướng về nhau trong Chúa, như Đức Giêsu đã yêu thương Chúa Cha và Chúa Cha yêu thương Người; và Chúa Giêsu muốn mọi người hãy yêu thương nhau trong tình yêu mật thiết ấy.

Quả thế, Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ bằng một tình yêu huyền nhiệm nhất, một tình yêu hy sinh tính mạng “vì bạn hữu của mình”, và Người mong muốn các môn đệ cũng hãy thể hiện tình yêu ấy với nhau, nó như là dấu chỉ để minh chứng rằng các ông là “bạn hữu” đích thực của Người, của Thiên Chúa. Và Người cũng nhắc nhở các ông rằng: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16a), những con người thật bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường trong thế giới. Điều này thật khác các kinh sư, những vị thầy lỗi lạc thường ngồi ở nhà và những người học trò tìm đến “tầm sư học đạo”. Do vậy, đừng bao giờ nghĩ rằng, khi tôi thực hiện lời di chúc “yêu thương nhau” ấy là bằng sức mình, để rồi tự hào tự phụ. 

Ngày nay, trước một thế giới xô bồ, nhiều biến loạn, người ta dễ thờ ơ với nhau, dễ đi vút qua cuộc đời nhau với sự hững hờ vô cảm...nhất là sự vô cảm mặc kệ trước cái ác, và tự đông lạnh mình trước cái thiện, trước sự thật cần lên tiếng. Hơn bao giờ hết, lời mời gọi “Anh em hãy yêu thương nhau” là điều răn càng khẩn thiết phải thực thi.

TÓM LẠI: tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thực là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán thiệt hơn, mà là YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu.

******

Lạy Chúa, chúng con là những kẻ thích tìm lợi ích cho bản thân, thích sự hào nhoáng của danh vọng, và để có những thứ ấy, chúng con thường vun vén cho riêng mình, ích kỷ với tha nhân và thậm chí là ghen ghét họ. Xin cho mỗi chúng con thêm can đảm, để nhờ Chúa, Đấng đã mời gọi và chọn lựa chúng con và Hội Thánh của Người, biết quên mình để yêu thương tha nhân, như chính Chúa đã yêu thương chúng con. Amen!

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

THỨ NĂM TUẦN 5 PHỤC SINH


Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.  (Ga 15, 9)

Như thế nào là một niềm vui trọn vẹn? Thông thường trong cuộc sống, người ta thường nghe nói: cuộc vui nào cũng đến lúc phải ngừng; đó là người ta muốn nói đến những cuộc vui chơi giải trí, những bữa họp mặt liên hoan vốn thường có trong tương quan bạn hữu, người thân. Thực sự, những niềm vui đó cũng chóng qua: Nếu nó mang lại niềm vui lành mạnh, thì cũng ít nhiều để lại sự luyến tiếc, nhớ thương; nếu không, thì cũng mang lại cho người ta một sự trống vắng, một khát vọng gì đó chưa được lấp đầy. Nhưng có một niềm vui mà người môn đệ của Đức Giêsu Kitô có được, một niềm vui phát xuất từ thẳm sâu của tâm hồn họ, một niềm vui nội tại vốn có thể ảnh hưởng trên những công việc họ làm, cũng như trong đời sống của chính họ, đó là: niềm vui được Tình Yêu Thiên Chúa đong đầy trong tâm hồn họ.

Bài Tin Mừng hôm nay nói lên tương quan tình yêu, trào tràn từ tình yêu Ba Ngôi đến cho con người, qua lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (Ga 15, 9). Ở lại trong tình yêu là luôn hướng về nhau: nghĩa là dù phải “xa mặt nhưng không cách lòng”, không gian địa lý hay thời gian cách biệt cũng không thể tách rời hai con tim đang hướng về nhau. Hơn thế nữa, ở lại trong tình yêu là giữ lời nhau: khi yêu nhau thật lòng, người ta không quản ngại thực hiện những gì đòi hỏi phải có dành cho nhau; cam kết những ràng buộc với nhau; ao ước và muốn làm những gì người yêu thích và làm hết sức để vui lòng người yêu. Thật vậy, ở lại trong tình yêu con người sẽ được tình yêu tắm gội và biến đổi. Nhưng muốn ở lại trong tình yêu, con người phải tuân giữ lệnh truyền yêu thương của Ngài, một tình yêu hướng về người khác và trao ban điều tốt lành cho người khác. Thật vậy, tình yêu là con đường một chiều, khởi đi từ bản thân chúng ta để tiến tới người mình thương mến. Tiến tới không phải để chiếm đoạt, nhưng để cho đi, để trao ban. Nếu chúng ta chỉ chiếm đoạt người yêu cho riêng mình, không bao giờ biết cho đi, không bao giờ biết trao ban, thì chắc hẳn tỉnh tình yêu sẽ chết. Hay nói một cách khác : hành động như thế là chúng ta đi ngược với con đường vào tình yêu… Đừng hỏi rằng người yêu đã làm gì cho tôi, nhưng hãy xét xem : tôi đã làm gì cho người tôi thương. Để yêu cho đúng nghĩa thì hãy dám từ bỏ để dấn thân phục vụ, càng cho đi nhiều thì càng yêu mến nhiều, như Chúa Giêsu đã nói : “Không ai yêu hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu”. Nếu chúng ta cho đi để đòi lại theo kiểu hòn đất ném đi, hòn chì ném lại thì chúng ta chẳng được gì hết. Trái lại, chính lúc cho đi một cách quảng đại, thì chúng ta sẽ được nhiều nhất, sẽ được tất cả…

*******

Ước gì lời Chúa hôm nay đưa chúng ta vào sâu hơn trong tình yêu của Chúa, và giúp chúng ta biết yêu thương người khác bằng tình yêu chân thành. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết giữ điều răn Chúa dạy là “phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu”, để chúng con được ở lại trong Chúa, như Chúa ở lại trong tình yêu Chúa Cha. Amen.

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

THỨ TƯ TUẦN 5 PHỤC SINH


Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. (Ga 15, 8)

Vườn nho hay cây nho là hình ảnh rất quen thuộc của người Do-thái. Cây nho cho họ thứ rượu uống hằng ngày và trở thành thức uống không thể thiếu trong các buổi tiệc. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tương quan của Người với các môn đệ. Như cành lìa cây sẽ bị héo khô và chết vì mất nguồn sống, thì những ai tách lìa khỏi sự sống duy nhất là Đức Kitô sẽ hư mất đời đời. Vậy để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, như cành nho gắn liền với thân nho, cũng như Đức Giê-su ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài.

Tuy nhiên, có thứ cành nho vẫn hút nhựa sống từ cây, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo. Có loại cành nho lại sinh hoa trái xấu, có thể vì không hút được đủ dinh dưỡng từ cây, cũng có thể do bị sâu bọ cắn phá. Đó là những ai hời hợt với ơn Chúa, hoặc để cho những thứ tác động bên ngoài xâm nhập đục khoét tâm hồn, nên đời sống họ không thể sinh hoa trái công phúc việc lành cho Giáo Hội. Tóm lại, chức năng của cành nho là hút nhựa sống từ cây nho để sống và sinh hoa thơm trái tốt, thì chức năng của Kitô hữu là kết hợp với Đức Kitô để kín múc sự sống tự nơi Người, hầu sinh hoa kết trái dồi dào cho Giáo Hội. Vậy, để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giê-su; và để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Trong những lời này, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta xin. Nhưng chúng ta xin gì, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ sinh nhiều hoa trái cho Vinh Danh Thiên Chúa Cha. Thật vậy, việc yêu mến Thiên Chúa tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.

TÓM LẠI: qua hình ảnh về sự sinh trưởng của cây nho, sự tương quan gắn bó chặt chẽ giữa cây nho và cành nho, chúng ta suy niệm để khám phá ra mối tương quan cần thiết giữa chúng ta với Chúa Kitô trong cuộc sống hằng ngày, để chúng ta biết tin vào Chúa Kitô và biết kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô, làm mọi việc với Chúa, vì Chúa, để có kết quả thiêng liêng đời đời trong ngày cánh chung. Chúng ta siêng năng chịu các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể để chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu hơn, mới có thể sống đời sống thiêng liêng dồi dào và sản sinh hoa trái. Nhưng muốn cho đời sống chúng ta có kết quả phong phú, chúng ta còn cần sống lời Chúa và để lời Chúa thanh luyện chúng ta, tẩy sạch chúng ta khỏi các tính mê tật xấu. Mỗi lần lời Chúa tiêu diệt một tính xấu, là một lần chúng ta sinh thêm hoa trái thiêng liêng. Càng tin vào Thiên Chúa càng sống bác ái với tha nhân và càng trở nên hoàn thiện cho bản thân, càng làm cho Thiên Chúa được vinh quang. Chúng ta luôn kết hợp với Chúa Kitô và để cho lời Chúa cắt tỉa chúng ta, dù phải hi sinh chịu đau khổ cách nào, thì đời sống đạo chúng ta mới thăng tiến được.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết kết hiệp mật thiết với Chúa, xin cho chúng con biết tin vào Chúa Kitô, sống gắn bó với Chúa Kitô luôn mãi, và can đảm chịu mọi thử thách, sẵn sàng hi sinh chính mình để sống hoàn thiện, để được thông truyền sự sống thần linh, hầu chúng con được sống, được hiện hữu và sinh hoa trái cho Chúa là các linh hồn. Amen.

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

THỨ BA TUẦN 5 PHỤC SINH


Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi (Ga 14, 27).

Cuộc sống xã hội hôm nay là một chuỗi những bất an lo sợ. Có người sợ già, sợ xấu, có người sợ chiến tranh thiên tai, sợ thất nghiệp nghèo đói, sợ cô đơn và sợ bị bỏ. Nỗi sợ nào cũng đáng sợ, nhưng nỗi sợ lớn nhất là sợ chết. Vì thế con người cố tìm cho mình một thế lực nào đó để khỏa lấp nỗi sợ và để tìm sự bình an. Có người tìm kiếm sự bình an nơi của cải vật chất, nơi danh vọng và quyền lực nhưng vẫn cảm thấy bất an. Có người tìm kiếm bình an trong phục vụ và các việc đạo đức nhưng họ vẫn không đạt được do bản tính yếu đuối. Vậy đâu là sự bình an đích thực?

Người ta có thể có được sự bình an khi cuộc sống không có chiến tranh hận thù ghen ghét. Sự bình an của thế gian ban có thể được bảo đảm bằng của cải vật chất, bằng những tiện nghi khoa học tối tân đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Sự bảo đảm này có giá trị nhất định, nhưng Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta tiến xa hơn trong niềm tin Kitô giáo, đó là sự bình an đích thực nơi Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã đón nhận mọi đau khổ, đã uống trọn chén đắng Cha trao để nên một trong thánh ý Cha, Người đã đánh đổi cả mạng sống để cho nhân loại được bình an. Thứ bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là bình an đích thực, nghĩa là đặt niềm tin vào Chúa quan phòng, không lo sợ bất cứ điều gì từ bên ngoài tác động vì luôn có Chúa trong mình. Cũng như Chúa Giêsu luôn bình an, dù đứng trước mọi khó khăn chống đối, trước cuồng phong bão táp hay trước sự bách hại của vua chúa quan quyền; thì đây Chúa Giêsu cũng ban cho những ai buớc theo Người được sự bình an đích thực trong tâm hồn, khi luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay là niềm an ủi lớn cho chúng ta. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa vẫn chở che và gìn giữ chúng ta khỏi rơi vào nỗi khốn khổ bất hạnh. Nhưng điều kiện để được bình an là thi hành ý muốn của Chúa Cha. Như Chúa Giêsu luôn hướng về Chúa Cha, chúng ta cũng được mời gọi khám phá ra dự phóng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Chúng ta sẽ gặp những trắc trở khó khăn, những nghi kỵ bắt bớ, những tù ngục đòn roi, nhưng có thể đó là lúc chúng ta được tôi luyện để kiên vững trong đức tin, nhẫn nại trong đức cậy và sắt son trong lòng mến. Một khi đã tin tưởng tuyệt đối và thi hành trọn vẹn ý Chúa, chúng ta sẽ đạt đến nguồn bình an.

******

Lạy Chúa Giêsu, như trong thánh lễ mỗi ngày, chúng con nhắc lại lời Ngài phán với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin đoái thương ban cho gia đình chúng con, giáo xứ chúng con, hội thánh của Chúa, và quê hương đất nước chúng con được bình an. Amen.