Đức Giê-su liền nói: Xa-tan kia,
xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của
ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi. (Mt 4, 10)
Mang phận người, Chúa Giêsu chấp nhận đi vào một cuộc thử
thách, như mọi người chúng ta phải đối diện mỗi ngày trong kiếp lữ hành trần thế.
Bởi làm người ai lại
không bị cám dỗ về vật chất, cá tính và danh vọng quyền lực. Bài Tin Mừng hôm
nay kể lại việc Chúa Giêsu đi vào sa mạc để chịu cám dỗ, bắt đầu cho sứ vụ đi
loan giảng Tin Mừng, một sự khởi đầu như Môisê hay Êlia xưa lên núi của Đức
Chúa 40 ngày đêm (x.Xh 24,18; 1V 19,8). Con số 40 ngày chay tịnh là thời gian
có giá trị tượng trưng cho 40 tuần thai nghén, thời gian chuẩn bị cho một cuộc
sinh nở mới, mà đối với Đức Giêsu đang chuẩn bị sinh ra một nhân loại mới, một
cuộc tân sáng tạo. Con số 40 còn gợi lại 40 năm trong sa mạc mà dân Israel đã
ngã gục muốn quay lại với nồi thịt dưa hành, thờ bò vàng và bao lần kêu trách
Thiên Chúa. Có điều khác với Ít-ra-en xưa, Người đã qua các cơn cám
dỗ thử thách mà vẫn trung thành với ơn gọi của mình. Người muốn nêu
gương cho các tín hữu hôm nay về cách chống trả các cơn cám dỗ của
ma quỷ.
Mở đầu
“tên cám dỗ” nhằm vào hoàn cảnh Đức Giêsu đang đói để gợi ý Người dùng tư cách
Mêsia để “hô biến” đá trở nên bánh: “Nếu
ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”. Tự
thân, Chúa Giêsu làm được chuyện biến đá thành bánh như sau này Người từng hóa
bánh ra nhiều để nuôi dân, tuy nhiên Người đã không mắc mưu lừa gạt của tên “dối
trá” mà thỏa mãn yêu cầu của nó, bởi Thiên Chúa làm gì là do ý Người muốn chứ
không phải nghe lời satan. Đặc biệt, Chúa Giêsu không vì sự khích tướng của
satan cũng như thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà làm sai với sứ vụ Mêsia và ý của
Cha Người. Cách đối lại với cám dỗ, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc quân bình
giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa thể xác với linh hồn: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng
còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Đứng trước cám dỗ, Đức Giêsu dùng tới sức mạnh
của lời Thiên Chúa, xác định mục đích Người đã chọn và khẳng định không vì chút
thỏa mãn thể xác mau qua mà đánh mất sự sống đời đời. Đây cũng là cám dỗ trường
kỳ cho mọi người chúng ta, cám dỗ về chuyện ăn uống đứng đầu trong bảy mối tội
đầu. Cái đói có thể đẩy chúng ta đến việc tìm mọi cách thậm chí rất thấp hèn, kể
cả phạm tội để thỏa mãn cái bụng. Chúng ta còn bị cám dỗ sử dụng những ân huệ
Chúa ban chỉ để mưu cầu ích lợi cho riêng mình và những lợi ích chóng qua.
Chúng ta nhiều khi chỉ lo lắng của cải vật chất no đầy nhưng linh hồn èo ọt vì
đói ân sủng, đói Lời Chúa và đói Thánh Thể. Chúa không chủ trương đói nghèo, nhưng dạy chúng
ta trong khi làm lụng để có của ăn thể xác, thì cũng cần chăm lo đến sức sống
cho linh hồn.
Lại nữa,
tên cám dỗ khôn khéo cài Đức Giêsu vào trong ý nghĩ của dân Israel về Mêsia
theo ý họ, là dựng cờ khởi nghĩa, tiêu diệt quân thù, lên ngôi hoàng đế và đưa
Israel lên đỉnh vinh quang. Nó gợi ý cho Đức Giêsu muốn dùng bạo lực để giải
quyết vấn đề, dùng quyền năng Mêsia theo cách của nhân loại, để chứng tỏ bản
lãnh, chứng tỏ cái tôi và sự tôn vinh chính mình. cám dỗ khôn khéo cài Đức
Giêsu vào trong ý nghĩ của dân Israel về Mêsia theo ý họ, là dựng cờ khởi
nghĩa, tiêu diệt quân thù, lên ngôi hoàng đế và đưa Israel lên đỉnh vinh quang.
Nó gợi ý cho Đức Giêsu muốn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, dùng quyền năng
Mêsia theo cách của nhân loại, để chứng tỏ bản lãnh, chứng tỏ cái tôi và sự tôn
vinh chính mình.
Cám dỗ
thứ ba là “tên cám dỗ” tìm cách đặt Đức Giêsu vào một sự lựa chọn căn bản về sứ
vụ cứu độ và một tranh chấp chủ quyền làm chủ nhân loại: “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất
cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng:
"Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”. Đây
là cám dỗ mà mọi người chúng ta phải đối diện mỗi ngày. Chúng ta luôn phải đối
diện với một thách đố và một lựa chọn sống còn: Chọn Chúa hay chọn satan cùng với
những lợi lộc vinh hoa thế gian? Sự thật là để được vinh thân phì gia đã có người không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo
để bán mình cho thần tài. Nhẹ hơn, để có được việc làm nơi công sở, giữ được
“ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… họ đã giấu
diếm nguồn gốc Công Giáo của mình. Muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không
dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm,
vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…
TÓM LẠI: ba sự cám dỗ mà Chúa Giêsu đã trải
qua trong sa mạc, cũng là ba cám dỗ trường kỳ mà Hội Thánh lữ hành đang phải đối
diện ngày hôm nay, cách riêng từng người trong chúng ta. Satan vẫn tìm cách mê
hoặc chúng ta chạy theo sự ích kỷ lo cho thân xác mình mà quên đi ích chung và
phần rỗi linh hồn; chúng ta vẫn mong Thiên Chúa uy quyền giải quyết mọi sự bằng
sự trừng phạt kiểu bạo lực; chúng ta vẫn cách nào đó đang muốn thỏa hiệp với thế
gian tội lỗi để vinh thân phì gia, danh vọng chức quyền…
*******
Lạy Chúa,
Mùa Chay thánh giúp chúng con trở về với sa mạc nội tâm, để thấy mình đang ở
đâu trong đường lối Chúa. Xin cho chúng con từ bỏ những đam mê thể xác, từ bỏ
cái tôi và quyết tâm chọn Chúa là gia nghiệp cuộc đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét