Translate

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

THỨ TƯ LỄ TRO


Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. (Mt 6, 16)

Bắt ðầu vào Mùa Chay, Giáo Hội cho nghe ðoạn Tin Mừng kể lời huấn dụ của Chúa Giêsu về việc lành phúc ðức trong Mùa Chay là: Bố thí, cầu nguyện và giữ chay. Tuy nhiên, ðối với Chúa Giêsu, việc giữ những ðiều luật này không hệ tại ở số lượng mà là ở tinh thần, làm vì ai và vì mục ðích nào. Cả ba việc mà Chúa Giêsu dạy hôm nay đều có hai vế rõ ràng: “đừng và nên” Đừng như bọn giả hình khoe khoang và nên kín đáo không cho tay trái biết việc tay phải làm:

1. Khi làm phúc bố thí:
Có lẽ Chúa Giêsu cũng đã chứng kiến quá nhiều cảnh các người biệt phái Pharisiêu làm phúc hay dâng cúng chỉ nhằm để thiên hạ thấy mà ngợi khen họ, chẳng hạn việc các ông khệ nệ trịnh trọng giơ cao thả những quan tiền vào thùng bên cạnh một bà goá nghèo nhẹ nhàng bỏ vào thùng ba đồng kẽm nhỏ. Những cách làm như thế, thì Chúa Giêsu bảo rằng họ đã được phần thưởng rồi, phần thưởng đó là lời ca tụng của người đời, chứ chẳng có ký lô nào trước mặt Thiên Chúa. Vì trong mắt Chúa Giêsu, của cho không bằng cách cho, hàng trăm quan tiền của trọc phú chưa chắc đáng giá bằng ba đồng kẽm của bà goá, gánh cỏ của bác nông dân để nuôi ngựa kéo xe chở gạch xây dựng nhà thờ đáng giá hơn vạn lần hàng tỉ đồng của người phú hộ được khắc tên trên cột nhà thờ. Chúa bảo rằng, khi làm phúc đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm, nghĩa là không nhằm tìm vinh quang nơi sự ca tụng của người đời, nhưng có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Người chuẩn nhận lòng thành của chúng ta.

2. Khi cầu nguyện:
Điều cần tránh: “khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6, 5). Vấn đề ở đây cũng cần xác định, không phải Chúa Giêsu hạ thấp việc cầu nguyện có tính cộng đồng nơi công cộng, để rồi có nhiều người biện minh “giữ đạo tại tâm” mà không bao giờ đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, kinh nguyện chung và các bí tích. Nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến thái độ cầu nguyện, nghĩa là không phải để được mọi người ca tụng mình đạo đức, mà là để Thiên Chúa thấu suốt mọi bí ẩn mà chuẩn nhận cho lòng thành của chúng ta.

3. Khi ăn chay:
Chúa Giêsu dạy: “Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6, 16). Dĩ nhiên là không phải cứ hễ giữ chay là phải xức nước hoa hay bận đồ đẹp hoặc giả bộ vui vẻ, mà là sự kín đáo âm thầm chỉ mình ta với Chúa. Không tìm vinh danh nơi lời ca tụng người đời, mà là để Thiên Chúa được vinh danh nơi sự hi sinh hãm mình của chúng ta.

TÓM LẠI: làm phúc bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức và là tinh thần của việc giữ mùa chay thánh, nhưng để trở thành phương thế đền tội và có công phúc trước mặt Chúa không hệ tại ở số lượng hay được ghi nhận từ người đời, mà là xuất phát từ tấm lòng chân thành cùng với tâm tình riêng tư giữa ta với Chúa.

*******

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng vào sa mạc để ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày đêm, xin cho chúng con cũng biết dùng mùa chay thánh này, để sống thật tốt với việc làm phúc, cầu nguyện và ăn chay theo tinh thần Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

PHẦN THƯỞNG CHO NHỮNG NGƯỜI BỎ MỌI SỰ THEO CHÚA


Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu. (Mc 10, 31)

Đoạn Tin Mừng hôm nay nối tiếp truyện người giàu có đến xin Đức Giêsu dạy phải làm gì để được sống đời đời, nhưng khi anh ta nghe Đức Giêsu bảo phải chia sẻ và đi theo Ngài, thì anh liền sụ nét mặt bỏ đi, Ngài lấy làm tiếc phải nói về anh: Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 25). Thế là ông Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai lên tiếng hỏi: “Này chúng con đã bỏ mọi sự mà đi theo Thầy.” Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cộng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày. Cách trả lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta hiểu và nhất là kinh nghiệm một cách thật cụ thể điều mà Đức Giêsu hứa: “bây giờ, trong thời này, anh em sẽ nhận được ở mức độ gấp trăm nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con cái, ruộng đất”. Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những anh em cùng chia sẻ một đức tin và nhất là cùng một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời là hiệp thông và chia sẻ. Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần. Phần thưởng sự sống đời đời mai sau là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của sự sống hạnh phúc đời sau.

Tuy nhiên lời hứa đó còn hàm chứa một thực tại hy sinh khác: đó là sự bách hại, ngược đãi mà người môn đệ phải chịu vì danh Đức Ki-tô. Quả vậy, lịch sử cho chúng ta thấy những người môn đệ của Chúa Ki-tô trong mọi thời đại đã phải chịu nhiều sự hiểu lầm, ganh ghét, thù hận, bách hại và có khi phải hy sinh ngay cả tính mạng của mình. Ngày nay nhiều nơi trên thế giới vẫn còn tình trạng kỳ thị và bách hại các Ki-tô hữu. Ở nước Việt Nam chúng ta có lẽ sự bách hại các Ki-tô hữu không còn. Tuy nhiên, ngấm ngầm họ vẫn còn chịu nhiều kỳ thị và thiệt thòi. Hơn thế nữa, khi dám sống vì Đức Ki-tô và vì tin mừng của Người là bản thân họ chấp nhận phải hy sinh, khước từ những gì không chính đáng về quyền lực, danh vọng, tiền tài và nhiều thú vui khác nữa. Chúa Giêsu còn nói: kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu. (Mc 10, 31). Đó là sự nghịch lý của Thiên Chúa, bởi tư tưởng của Người không giống những tư tưởng của chúng ta. Thiên Chúa yêu thích những kẻ khiêm nhường và Người hạ bệ những kẻ kiêu căng cậy quyền ỷ mạnh. Đây cũng là câu châm ngôn thường xuyên được nhắc lại trong Tin Mừng,vì chúng ta được mời gọi để phục vụ mọi người, và đó cũng là cách thức để chúng ta thi hành sứ vụ Chúa trao ban. Người muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa.

*******

Lạy Chúa, trong hành trình bước theo Chúa, chúng con chấp nhận những mất mát đau thương vì sự từ bỏ. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng, chỉ có Chúa là trên hết và là gia nghiệp đời đời cho chúng con, để dù sống giữa thế sự thăng trầm chúng con vẫn luôn vững bước. Amen

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

HÃY ĐÁP TRẢ TIẾNG CHÚA MỜI GỌI


Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa (Mc 10, 25)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi khuyên anh thanh niên bán hết tài sản mà cho người nghèo rồi đến theo mình nhưng bị từ chối, Đức Giê-su đã nói: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” (Mc 10, 25). Xét một cách tổng quát thì không một con lạc đà nào có thể chui qua lỗ kim được. Điều này có nghĩa là không một người giàu nào có thể vào được Thiên Đàng. Nhưng trên thực tế, nhiều nhà quý tộc và ngay cả một số vị vua, hoàng tử… cũng được Giáo Hội là Thân Mình Đức Kitô suy tôn lên bậc hiển thánh.Như vậy, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì khi tuyên bố điều đó?

Thật ra, sự giàu có mà Chúa Giêsu nói tới ở đây không chỉ căn cứ trên tổng số tài sản của một người nhưng còn dựa trên thái độ sống của người đó nữa. Khi nghe câu Lời Chúa: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 25), lắm lúc ta cảm thấy dường như Chúa đang nói đến người khác vì mình vẫn là một người nghèo. Đôi khi ta lại cảm thấy an toàn hơn một số người khác vì ta chưa phải là một người giàu có. Nhưng không chừng, những người mà ta nghĩ là họ ít cơ hội vào Thiên Đàng hơn chúng ta lại có thể vào Nước Thiên Đàng trước chúng ta. Bởi số tài sản mà ta có cũng không nguy hiểm cho bằng thái độ giàu có của mỗi chúng ta. Có thể chúng ta không có nhiều tài sản nhưng vẫn là những người giàu có khi sống với một thái độ tự mãn, tự kiêu, tự coi mình là trên hết mà không cần biết đến ai kể cả Thiên Chúa.Sự giàu có này thật là nguy hiểm vì nó làm ta cảm thấy mình quá đầy đủ đến nỗi không cần dựa vào một ai kể cả Thiên Chúa. Và như thế, ta khước từ lòng nhân hậu, tình thương và ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho ta. Như vậy, với thái độ sống giàu có, ta tự đóng cửa Nước Trời và tự loại mình ra khỏi những người được Chúa kêu gọi.

TÓM LẠI: Tiền bạc tự nó không xấu mà cũng chẳng tốt. Điều quan trọng là chúng ta cần sống với một thái độ thanh thoát và làm chủ được chúng. Nếu không, chúng sẽ trở nên nguồn tai hại và là những sợi dây vô hình trói buộc ta. Nó khiến ta không thể đáp trả tiếng Chúa mời gọi và lôi kéo chúng ta ngày một xa Ngài hơn.

*******
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết lắng nghe và ưu tiên thực thi lời mời gọi của Chúa trong những chọn lựa của cuộc sống hằng ngày. Xin Chúa giúp chúng con luôn nhận ra Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực và là nguồn ủi an duy nhất của chúng con. Để nhờ đó, chúng con luôn sống với tâm tình đơn sơ, nghèo khó và cậy trông phó thác vào một mình Chúa chứ không phải nơi bất cứ một thụ tạo nào khác. Amen.

TÌM KIẾM NƯỚC THIÊN CHÚA VÀ SỰ CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI


Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho (Mt 6, 33)

Bài Tin Mừng hôm nay làm rõ lên ý nghĩa về sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, làm chủ vận mệnh của vũ trụ và thế giới, làm chủ cuộc đời của mọi người chúng ta. Bởi thế, tin vào Chúa quan phòng là nhận Thiên Chúa làm chủ đời mình chứ không phải nô lệ cho tiền bạc; tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa là lo tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng không mang tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi, và tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người. Quả thế, “đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa; biết xây dựng trần thế tốt đẹp như khi Người dựng nên mọi sự tốt đẹp; biết xây dựng Nước Trời cho tình thương của Thiên Chúa trải rộng khắp mọi nơi.

Thật vậy, Chúa Giêsu không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại, mà là muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần đến sự tin tưởng phó thác với sự quan phòng của Thiên Chúa, Người đưa ra một bằng chứng cụ thể để nâng đỡ đức tin của chúng ta vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với thụ tạo thượng đẳng của Người: “Chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến”, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu của Người.

Tóm lại, đời sống con người chỉ có ý nghĩa khi biết quy hướng về Nước Chúa và sự công chính của Ngài nên Chúa dạy chúng ta phải biết xếp đặt thứ tự ưu tiên trong chọn lựa mục tiêu đời mình, phải biết biện phân đâu là cái chính yếu, tuỳ phụ, dù cuộc sống có bận rộn thì cũng biết đặt ưu tiên tuyệt đối cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Vì hạnh phúc Nước trời mới là hạnh phúc cuối cùng của mỗi người. Nếu thiếu của cải vật chất, không tìm được công danh, sự nghiệp…con người vẫn có thể sống nhưng nếu không đạt được Nước Trời thì đó là một thất bại, và là bất hạnh lớn nhất vì lời lãi cả thế gian mà thiệt mất phần linh hồn nào có ích gì”. (Mt 16,26). Bởi vậy, Chúa nhắc nhở chúng ta, tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời, còn sự khác Người sẽ ban thêm cho.  Và chỉ khi ta biết quy hướng, tin tưởng, tín thác vào sự quan phòng yêu thương của Người, chúng ta mới thấy cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống; có thể an tâm vững tin để đối diện với cuộc sống mà không mất đi lòng trông cậy và vẫn một lòng hy vọng tin tưởng vào tương lai tốt đẹp giữa muôn vàn gánh lo cuộc đời.

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phân định giữa việc chọn Chúa hay chọn tiền bạc, quá lo lắng đến vật chất hay luôn tín nhiệm vào sự quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con biết ưu tiên tìm kiếm Nước Chúa và sự thánh thiện, để mọi thứ khác Chúa sẽ ban cho chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

HÃY CÓ TÂM HỒN GIỐNG TRẺ THƠ


Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào (Mc 10, 14-15)

Văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa tới bây giờ vốn không xem trọng vai trò, vị trí của trẻ em, dẫu lắm sách vở, báo đài, ti vi, áp- phích, băng rôn vẫn  đau đáu lời kêu gọi “ Hãy chăm sóc trẻ em; trẻ em như búp trên cành; trẻ em là tương lai của đất nước...”, song trong lối hành xử gia đình, hay trong tương quan giao tiếp ở học đường, xã hội thì vai trò, tiếng nói của trẻ em vẫn luôn bị vùi dập theo kiểu “ con nít ranh; trẻ con biết gì; hỗn xược...”. Không chỉ có Việt Nam trong nền văn hóa Á Đông trọng nam khinh nữ coi thường con nít  mà  còn rất nhiều quốc gia khác chưa làm đúng quyền và nghĩa vụ chăm sóc cho những chủ nhân của nhân loại.  Vấn nạn ấy cũng được đề cập trong Tin Mừng ngày hôm nay khi thánh sử Máccô đưa chúng ta trở về bối cảnh văn hóa của Do Thái vào thời Chúa Giêsu, họ cũng trọng nam khinh nữ coi thường con nít, (không kể đàn bà và con nít - Mc 6, 30-44).Trẻ em luôn là thành phần không đáng kể đến.Những tưởng điều này chỉ tồn đọng trong lối hành xử hách dịch của giới tri thức, thông luật hay Pharisêu, song ngay cả những bình dân lao động như các môn đệ cũng  mặc lấy quan niệm phân biệt này,  khi mà các ông ngăn cấm trẻ em, không cho chúng đến với Chúa Giêsu. Song với Chúa Giêsu điều này lại khác, chúng  ta dễ dàng nhận ra rằng, Ngài yêu mến trẻ em cách đặc biệt khi Người nói: cứ để trẻ nhỏ đến với thầy, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. (Mc 10, 14b). Điều này xem ra có sự phi lý  khi chúng ta suy luận rằng: nước trời là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình  mỗi ngày; là phải qua cửa hẹp mà vào; phải từ bỏ cha mẹ, vợ con… tức là phải hy sinh, hãm mình, phải chiến đấu, chinh phục một cách kiên trì và kiên cường thì mới mong đạt được. Điều này chẳng phải chỉ phù hợp với những người lưng dài vai rộng, ý chí sắt đá hoặc những người học rộng tài cao, mưu lược mới mong thành tựu sao, chứ những đứa trẻ suốt ngày chỉ biết thích ăn hơn thích làm, thích ngủ hơn thích học, chỉ biết ru rú ở nhà, bám lấy cha mẹ, hay khóc nhè, làm nũng thì sao có thể nước trời thuộc về chúng được.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói Nước Trời thuộc về những người mặc lấy tâm hồn trẻ thơ cũng bởi lẽ: trẻ thơ rất đáng yêu, các em chân thật, đơn sơ, không toan tính; không cậy dựa vào sức mình  mà biết nương vào sự trợ giúp của cha mẹ; các em nào có sự ganh đua, mưu kế, nghĩ gì nói thế chứ chẳng biết xu nịnh, xỉa xói hay ám chỉ ai bao giờ; các em có tâm  hồn bao dung, vị tha, sẵn sàng bỏ qua tất cả những lầm lỗi một cách vô điều kiện. Đó là tất cả những thứ mà người lớn chúng ta đã mặc lấy khi còn là trẻ thơ, nhưng nó đã nhạt mờ, tan biến khi ta đã để dòng đời vùi lấp đi những phẩm chất tốt đẹp đó. Chúa Giêsu nói nước trời thuộc về những người  có tâm hồn giống trẻ thơ, vì Ngài muốn chúng ta cũng phải đơn sơ, chân thành, có tâm hồn trong sáng, không tính toán, thanh thoát, và đặc biệt là luôn biết khiêm nhường mà cậy trông vào Thiên Chúa là Cha nhân lành.

******

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con có tâm hồn đơn sơ trong trắng, để như những trẻ thơ vô tội, chúng con xứng đáng là những công dân Nước Trời, là nơi chỉ dành cho những ai đơn sơ bé mọn. Amen.

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

BÍ TÍCH HÔN PHỐI LÀ VỮNG BỀN


Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.(Mc 10, 9)

Xã hội loài người thời đại nào và bất cứ nơi đâu, từ những tộc người sơ khai cho đến những xã hội văn minh, cũng đều có luật về hôn nhân gia đình. Đặc biệt nơi nhiều tôn giáo còn tâm linh hóa hôn nhân thành một định chế của niềm tin và nghi lễ. Bộ luật Do-thái cũng đưa ra quy định về hôn nhân cách chi tiết, trong đó có cả việc cho phép ly dị (Đnl 24). Tuy nhiên, việc đặt ra quy định về ly dị của Do-thái Giáo đã để lại một sự bất công và hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ, và qua đó xem nhẹ tình yêu và sự trung tín trong hôn nhân. Chế độ trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử không chỉ có nơi Do-thái, mà là cả vùng Trung Đông, đặc biệt nơi các nước Hồi Giáo vẫn tồn tại việc bất bình đẳng này cho đến hôm nay. Người Do-thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ. Không có hôn nhân đích thực vì không có được sự cao cả của tình yêu và lòng trung tín.

Hôm nay khi người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không” - vì Chúa Giêsu biết họ có ý gài bẫy Người sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê - thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”. “Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Chúa Giêsu: ông Môisê cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Môisê cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ. Như vậy, Chúa Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội Thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi.

*******

Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và vị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

SỐNG THEO TINH THẦN CỦA CHÚA


Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau. (Mc 9, 50)

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra lời khích lệ cho những ai biết làm phúc cho đồng loại, đồng thời lên án gay gắt những kẻ gây cớ vấp phạm cho tha nhân: 

      1.Hoa trái của lòng bác ái

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41): con người cứ lo vun vén và giữ khư khư của cải, giữ lại đến mức dư thừa mà không chia sẻ cho người đói khát bất hạnh, lo thu tích để rồi lúc chết đi phải để lại cho người khác tận hưởng. Họ không ý thức được rằng, chỉ có lòng bác ái và những gì chia sẻ cho tha nhân vì tình yêu thương thì sẽ theo họ về cõi vĩnh hằng. Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại ở việc cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này.

  2. Đừng làm cớ cho người khác vấp ngã

"Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42):  Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây cớ làm cho người khác phạm tội, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa: ”Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã, thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn”. Chúa Giêsu răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã vì đó là tiếp tay với ma quỉ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác. Vì thế, mọi người con Chúa cần phải cẩn trọng giữ mình, biết biện phân trước mọi thông tin và hình ảnh tốt xấu, biết tránh nên cớ vấp phạm cho tha nhân, và đặc biệt làm cho gương sáng và cái tốt được nhân rộng để lấn át bớt sự dữ đang hoành hành. Việc Chúa Giêsu nói cái gì trở nên dịp tội thì hãy lo cắt đi, chấp nhận mất một bộ phận mà tránh được hoả ngục. Ở đây không hiểu theo nghĩa đen là phải chặt tay móc mắt, vì nếu thế thì không còn ai toàn vẹn vì bản năng yếu đuối của con người. Điều Chúa muốn nói ở đây là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phải cất đi và xa lánh những nguy cơ có thể đẩy chúng ta đến phạm tội, dù phải chấp nhận phần thiệt về mình, như lánh xa những ấn phẩm đen, không đến những nơi chốn không thích hợp, tránh dùng những thức uống làm mình mất kiểm soát…

*******

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con ý thức về tinh thần bác ái Kitô Giáo mà luôn sẵn lòng đóng góp phần mình trong khả năng có thể, để giúp đỡ những ai nghèo khổ và bất hạnh. Xin cũng cho chúng con biết xa lánh những dịp tội, cũng như không làm cớ cho ai vấp phạm mà xa lìa danh Chúa. Amen.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ


Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (Mt 16,18)

Phêrô hẳn đã quá đỗi kinh ngạc bởi vì chỉ từ một lời tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét, một con người bằng xương bằng thịt, là Con Thiên Chúa hằng sống, mà ông được Chúa Giêsu khen tặng “là người có phúc” vì đã được “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” mạc khải những điều cao trọng; ông lại còn được Ngài trao cho sứ mạng trọng đại:trên con người mỏng dòn của ông, Ngài sẽ xây Hội Thánh của Ngài bền vững đến độ “quyền lực tử thần cũng không thắng nổi”. Ngài trao chìa khóa Nước Trời cho ngư phủ Phêrô với toàn quyền cầm buộc hay tháo cởi, có hiệu lực cả trên trời cũng như dưới trần gian này. Tất cả những điều đó là ân ban và đồng thời cũng là sứ mạng mà Thiên Chúa kêu mời Phêrô đáp trả với lòng tri ân và tinh thần trách nhiệm.

Khi cử hành lễ kính Tông Tòa Thánh Phêrô, phụng vụ muốn cho chúng ta thấy ngai tòa vững chắc mà Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phêrô  “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 18), đồng thời trao cho Thánh Phêrô nhiệm vụ chăn dắt. Do đó ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối, và Đức Giáo Hoàng lại là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo Hội toàn cầu. Vì thế ngày lễ hôm nay là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong toàn thể Hội Thánh. Do đó, ngày lễ lập Tông tòa thánh Phêrô cũng nhắc nhở mỗi người cầu nguyện thật nhiều cho Đức Giáo Hoàng. Thời đại nào cũng vậy, con thuyền Giáo Hội vẫn luôn gặp những sóng gió của thử thách, Đức Giáo Hoàng luôn phải đối đầu với những khó khăn của Hội Thánh. Chính vì thế Ngài luôn phải có ơn Chúa, sự soi sáng khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để chu toàn trách nhiệm chăn dắt chiên con chiên mẹ của Chúa.

*******
Lạy Chúa Ki-tô, Chúa hứa rằng Hội Thánh của Chúa sẽ đứng vững trước sự công phá của quyền lực tử thần. Xin cho chúng con vững tin vào lời Chúa hứa, để dù qua cảnh thăng trầm hay bất cứ thử thách nào, chúng con vẫn một lòng gắn bó với Hội Thánh. Bởi trong Hội Thánh, chúng con tìm được ơn cứu độ muôn đời. Amen.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

HÃY SỐNG TINH THẦN KHIÊM TỐN VÀ PHỤC VỤ


Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9, 35)

Từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Ngài. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hy sinh phục vụ. Thật vậy, cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ngài hỏi khéo Thầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài. Chúa Giêsu không trả lời ai to ai nhỏ trong Nước Trời, mà chỉ đưa ra một “mẫu người” sẽ trở thành lớn nhất trong Nước Trời đó là nên như trẻ nhỏ, và Ngài nhấn mạnh rằng: “Ai muốn làm lớn thì phải có tự hạ nên như trẻ nhỏ”. Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như trẻ nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.

Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hy sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

*******

Lạy Chúa, xin ban cho mọi người chúng con có tinh thần đơn sơ và tấm lòng trong trắng như trẻ thơ, để chúng con đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu và hăng say phục vụ vô vị lợi. Để trong mọi sự Chúa được vinh danh nơi mọi người. Amen.

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

SỨC MẠNH CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN


Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9, 29)

Con người rất khôn ngoan khi phải giải quyết những việc quan trọng của quốc gia, của xí nghiệp hay cộng đòan. Họ họp nhau để bàn thảo, để đưa ra những kế họach ngắn và dài hạn, và để phân chia công tác cho mỗi thành phần. Chính sự chuẩn bị khôn ngoan như thế giúp họ thành công trong việc lãnh đạo. Trong cuộc đời, chúng ta cũng phải làm rất nhiều quyết định riêng tư; nhưng rất ít khi chúng ta chịu bàn hỏi với những người khôn ngoan; nhất là với một Đấng khôn ngoan, Người điều khiển mọi sự trong hòan vũ này. Chẳng lạ gì nhiều lần chúng ta đã thất bại. Cầu nguyện là bàn hỏi với Thiên Chúa, để xin sự soi sáng khôn ngoan của Ngài. Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thế mà Ngài không làm gì mà không bàn hỏi với Cha Ngài, ví dụ: khi chịu Phép Rửa, trước khi chọn 12 Tông-đồ, sáng sớm trước khi bắt đầu một ngày mới, trong giờ phút trước khi bắt đầu Cuộc Tử Nạn trong vườn Ghetsemane. Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy sức mạnh của việc cầu nguyện. Trong bài đọc I, tác-giả Thư Giacôbê khuyên bảo các tín hữu phải cầu xin cho được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chứ đừng hành xử theo sự khôn ngoan của thế gian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cho các tông-đồ biết: sở dĩ họ không truyền cho quỷ câm xuất khỏi đứa bé là vì họ không cầu nguyện với Thiên Chúa.

Câu hỏi: “Tại sao chúng con không trừ được quỷ” mà các môn đệ cất lên hỏi Đức Giêsu có lẽ cũng là câu hỏi đầu tiên của chúng ta khi nghe đọc bài Tin Mừng hôm nay! Khi các môn đệ đang phân vân và không thiếu kinh ngạc trước sự cứng đầu của quỷ, Đức Giêsu đã nói ngay: “Giống quỷ đó chỉ trừ được bằng cầu nguyện”. Nếu các ông chịu cầu nguyện với Thiên Chúa, Người sẽ chỉ cách cho các ông biết cách chữa trị; nhưng nếu các ông không chịu cầu nguyện, mà chỉ tin tưởng vào sức mạnh của chính mình, không đời nào các ông có thể thắng được quyền lực của ma quỉ. Đó là lý do tại sao trong công thức trừ quỷ, người trừ quỷ luôn bắt đầu bằng mệnh lệnh: “Nhân danh Đức Kitô, Con Thiên Chúa, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này.” Chỉ có sự kết hiệp mật thiết với Chúa, con người mới có khả năng để thống trị ma quỷ. Chỉ có cầu nguyện liên lỷ, con người mới gắn bó và đi trong đường lối của Thiên Chúa, nếu không, người ta dễ làm theo ý riêng và quy chiếu về mình thay về Chúa.

Thật vậy, “Không cầu nguyện thì không có đức tin. Không có đức tin thì không có tình mến. Không có tình mến thì sinh kiêu ngạo. Khi đã kiêu ngạo thì hoàn toàn thuộc về ma quỷ”. Đây là mấu chốt các môn đệ không trừ được quỷ. Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cậy trông vào Chúa qua việc cầu nguyện. Cần xác định rõ rằng: việc trừ quỷ là việc của Chúa, chúng ta chỉ là dụng cụ Chúa dùng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều: nguồn sức mạnh của người tín hữu là ở nơi Thiên Chúa, do đó phải cầu nguyện.

*****

Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con ý thức được sự cao quý của việc cầu nguyện, để đức tin, cậy, mến ngày càng lớn mạnh trong con người và nơi sứ vụ của chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

HÃY YÊU KẺ THÙ


“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em... Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,44.48)

Cứ sự thường người ta đối xử với nhau theo cái luật: Răng đền răng, mắt đền mắt, ân đền oán trả, hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Chúng ta yêu thương những người yêu thương chúng ta và ghét bỏ những kẻ ghét bỏ chúng ta. Kẻ nào làm hại chúng ta thì chúng ta sẵn sàng để trả đũa, và người đời cho đó là lẽ thường tình, là thái độ khôn ngoan. Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải vượt lên trên cái lẽ thường tình ấy. Ngài phán với chúng ta: Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta. Bởi vì có thực hiện được điều đó, chúng ta mới xứng đáng là con cái Thiên Chúa và mới trở nên giống Ngài, Đấng đã cho mưa xuống trên người lành cũng như trên kẻ dữ. Chúa Giêsu không phải chỉ truyền dạy chúng ta mà chính Ngài đã làm gương trước cho chúng ta trong việc thực thi giới luật yêu thương này. Đúng thế, Ngài luôn luôn mong ước những điều tốt, những điều phải cho những kẻ bách hại Ngài. Ngài chịu đau khổ và chịu chết để những ai bắt Ngài phải đau khổ và phải chết được hết đau khổ và chết chóc. Trước sự từ chối của con người không đáp trả tình thương yêu của Ngài, Ngài vẫn duy trì cái quyết định tuyệt đối của Ngài, đó là yêu thương chúng ta mãi mãi.

Hơn thế nữa, một trong những đặc tính nổi bật của tình yêu nơi Thiên Chúa đó là sự tha thứ. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử tốt lành lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì vác nó trên vai và đem về nhà. Rồi Ngài đã xác quyết: Một kẻ tội lỗi ăn năn sám hối sẽ làm cho cả thiên đàng vui mừng hơn là 99 người công chính không cần sám hối ăn năn. Không phải những kẻ khoẻ mạnh mà là những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi biết đường sám hối ăn năn. Ngài sẵn sàng chịu chết trên thập giá để làm gì nếu không phải là để tha thứ cho chúng ta. Trong giây phút đớn đau nơi thập giá, Ngài cũng đã thứ tha cho tất cả những kẻ độc ác đã hành hạ Ngài bằng lời van xin: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.

******

Lạy Chúa là Cha chúng con, Chúa yêu thương chúng con ngay khi chúng con còn là tội nhân. Xin Chúa dạy chúng con biết yêu thương anh chị em con, như Chúa mến thương họ. Amen

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

BIẾN CỐ CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH


Biến cố Chúa Giêsu biến hình được Tin Mừng thánh Mác-cô tường thuật, đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các môn đệ sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh. Sứ điệp này cũng liên hệ đến cuộc đời chúng ta là giống như Đức Kitô, mỗi người chúng ta cũng có hai chiều kích, một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một nét giống Ađam và một nét giống Thiên Chúa. Chúa Giêsu trong trong kiếp phàm nhân đã cảm nhận những phút vinh quang biến hình thì cũng đồng thời sau đó cảm nhận sự thê thảm của sự tủi nhục, thì cuộc đời Kitô hữu chúng ta cũng thế. Những lúc đó, hãy nhìn lên Chúa để cùng hiệp thông với Người, như thánh Phaolô nói: Nếu chúng ta cùng cam chịu như người, thì cũng sẽ chia sẻ vinh quang với Người. Lại nữa, việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho các ngài nếm thấy trước vinh quang để chấp nhận con đường đau khổ của Người sắp trải qua, biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng, là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.

Nhưng mục đích của cuộc biến hình này không phải để khuyến khích họ trốn thoát thực tại, mà để khích lệ và củng cố Đức Giêsu và các Tông đồ nữa, để họ có khả năng quay trở lại, hầu đương đầu với những rắc rối và nguy hiểm mà họ đã để lại phía sau. Cảm nghiệm này không có ý tạo ra một sự trốn thoát khỏi cuộc đấu tranh đang nằm ở phía trước, nhưng là để giúp Người sẵn sàng đương đầu với cuộc đấu tranh đó. Giây phút đầy ánh sáng, là để giúp Người đương đầu với giây phút đầy bóng tối. Cũng như Phêrô và các môn đệ trong biến cố biến hình hôm nay, mỗi người chúng ta ai cũng muốn được ở trên đỉnh vinh quang, nhưng lại không muốn đối diện với thực tế của cuộc đời, và muốn trốn tránh kiếp lữ hành trần thế, muốn trốn tránh thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Chúa Giêsu hôm nay tỏ cho chúng ta thấy viễn cảnh Phục Sinh để nâng đỡ niềm tin cho chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh hằng, nhưng Người cũng mời gọi chúng ta phải xuống núi: xuống núi vừa để giúp những người khác thêm niềm tin và hy vọng, vừa để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế tiến về quê Trời.

*******

Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con nâng tâm hồn lên để được nên một với Chúa trong ánh sáng thần linh, đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng con dấn thân vào cuộc sống để sống trọn kiếp lữ hành trần thế trong ý Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thực thi ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, với niềm hy vọng cuộc hiển dung cuối cùng trong vương quốc hằng sống của Chúa. Amen.

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

TỪ BỎ, VÁC THẬP GIÁ VÀ TUYÊN XƯNG DANH CHÚA


Người nói với họ rằng: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.  (Mc 8, 34b)

Qua Thập Giá mới vào được Vinh Quang: đó là chân lý bất biến mà bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta cách thực hiện qua từng bước: Từ bỏ, vác thập giá và tuyên xưng danh Chúa:

          1. Từ bỏ chính mình: Bỏ mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ. Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn ngủ…  Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao.

          2. Vác thập giá mình theo Chúa Giêsu: Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách. Thật vậy, con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa…Và khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.

          3. Tuyên xưng hoặc chối Chúa: Ngày nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau đây:
- Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
- Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức… là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.
- Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình.Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…Ngay cả việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.
- Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…

 ******

Lạy Chúa, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ


Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” (Mc 8, 29)

Bài Tin Mừng hôm nay là một chất vấn cho niềm tin của mọi người, qua việc Chúa chất vấn các môn đệ gọi Người là ai? Câu trả lời cho thấy sự hiểu biết khiếm khuyết của người ngoài và xác định cách sống niềm tin của Kitô hữu chúng ta.  Hôm nay Chúa chất vấn từng người: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”? Chúng ta ai cũng phải có câu trả lời thật cho chính mình. Chúng ta có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta nữa không? hay là chỉ tuyên xưng ông thần tài…? Sự tuyên xưng đó được cụ thể bằng việc bước theo con đường thánh giá mà Chúa Giêsu đã đi, như Người đã báo trước cho các môn đệ. Phải, chúng ta hãy tuyên xưng một Đức Giêsu là Đấng được xức dầu (Christo) và là Chúa, nghĩa là Đức Giêsu quyền phép chữa lành bệnh tật và uy thế trước thế quyền (Êlia), một Chúa Giêsu đau khổ nơi người bất hạnh (Giêrêmia), một Đức Giêsu rao giảng ơn sám hối (Gioan TG), một Đức Giêsu chứng nhân và rao giảng (các ngôn sứ)…

Mặt khác, trong Tin Mừng, chúng ta ít gặp Chúa Giêsu mắng các môn đệ, nhưng trong đoạn tường thuật này, Chúa đã mắng Phêrô cách hết sức nặng nề, ngang với việc Người từng mắng Tên Cám Dỗ (Satan) trong sa mạc (x. Mt 4,8-9). Cũng giống như hành động của Tên Cám Dỗ, Chúa mắng Phêrô vì ông đã ngăn cản Ngài thực hiện ý Chúa Cha là chịu Tử Nạn để cứu độ. Thật vậy, dù trước đó, Phêrô đáng được điểm 10, nhưng sau đó lại bị điểm 0. Phêrô đáng khen vì tuyên xưng đúng bản tính và sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng lại bị chê là thoái thác tìm cách trốn tránh sự khó khăn trong Ý Chúa định. Chúng ta cũng thế, đi đạo và giữ đạo chỉ khi vui, nhưng khi gặp thử thách thất bại thì dễ phàn nàn, trách mình, và thoái lui.

*******

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

ĐỂ CHÚA CHẠM ĐẾN LẦN NỮA


Chúa Giê-su lại đặt tay trên mắt người mù, anh trông rõ và khỏi hẳn. (Mc 8,25)

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện dân chúng dẫn đến cho Chúa Giêsu một anh mù và anh ta đã được Chúa Giêsu đặt tay chữa lành. Tuy nhiên, cách thức chữa bệnh của Chúa Giêsu hôm nay hầu như khác với những lần trước đó, khi Người không đòi bệnh nhân có sự khao khát được chữa lành, phải xin hay phải tuyên xưng lòng tin.

Khác với các bệnh nhân khác, họ ao ước được gặp Chúa Giêsu,vượt qua mọi rào cản để chạy đến với Chúa Giêsu, tha thiết cầu xin Người chữa lành… Còn anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay, anh được người ta đưa đến, anh không khao khát tìm kiếm, không quỳ lạy cầu xin, không tuyên xưng niềm tin vào Đấng có thể chữa lành bệnh cho anh. Nghĩa là anh như một người đã an phận trong kiếp mù tối, không còn tin vào ai có thể chữa lành cho mình được nữa: an phận, buông xuôi và dửng dưng dù mọi người xung quanh đem anh đến với Chúa và nói cho anh biết có Chúa Giêsu sẽ chữa lành. Hôm nay thật may mắn cho anh là qua lời cầu xin của người khác với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu đã cảm thông đến nỗi khổ cực của anh mà đi bước trước để chữa bệnh cho anh. Đó cũng là tình trạng của nhiều tâm hồn, đã lâu chìm đắm trong tội, an phận với kiếp sống của mình, không còn sự khao khát được đón nhận ánh sáng Tin Mừng để được biến đổi, không đủ can đảm để cầu nguyện với Chúa dù Chúa vẫn đi qua bên cuộc đời. Trong sự tương giao với tội nhân, những người này rất cần đến lời cầu nguyện của mọi Kitô hữu, đem họ đến với Chúa và Chúa mở mắt tâm hồn cho họ, đưa họ ra khỏi kiếp sống lầm than trong tội lỗi và bóng tối tử thần.

Nghe qua tường thuật, chúng ta thấy có vẻ như Chúa Giêsu gặp khó khăn hơn khi chữa bệnh cho anh mù này, khi lần đầu phải phun nước miếng vào mắt anh ta mà anh vẫn còn lờ mờ, cho đến lần hai Người đặt tay lên mắt anh thì anh mới thấy rõ. Thiết nghĩ, cách chữa bệnh mang tính biểu tượng, với dấu hiệu khả giác, người ta chỉ thấy mọi sự cách lờ mờ và khiếm diện, cho đến khi nhìn qua bàn tay của kỳ công Chúa, người ta mới thấy được sự thật toàn diện. Bởi khi thiếu đức tin thì người ta nhìn đời và nhìn người đầy giả dối và tiêu cực và nhìn đời người sẽ kết thúc như cỏ cây. Cử chỉ đặt tay nói lên một sự “đụng chạm” của Thiên Chúa với con người và là hành động trao ban Thánh Thần là Thần Khí soi sáng con người. Hình ảnh anh mù hôm nay cũng phản ánh thực trạng của không ít người trong chúng ta, khi nhìn cò ra quạ, nhìn mọi sự dưới cái nhìn thành kiến và suy nghĩ cục bộ của mình, để rồi nhìn mọi sự đầy tiêu cực và giả dối. Vì thế, chúng ta cùng cầu xin Chúa cho con mắt tâm hồn chúng ta nên sáng, để luôn thấy được mọi kỳ công tốt đẹp Chúa thực hiện hằng ngày qua tha nhân và qua cuộc đời.

*******

Lạy Chúa, xin Chúa đến và chữa lành đôi mắt tâm hồn còn mù tối nơi chúng con. Và xin cũng cho chúng con khi được ánh sáng Chúa soi dẫn, thì cũng biết cộng tác với Chúa mà hoán cải những tội nhân lầm lạc trở về. Amen.

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

HÃY LÀ MEN TIN MỪNG


Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê! (Mc 8, 15b)

Hôm nay, sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, cùng với việc từ chối tranh luận với nhóm biệt phái về dấu lạ, Chúa Giêsu bảo các môn đệ mau chèo thuyền qua bên kia bờ biển hồ Galile hướng Betsaiđa. Người dùng những phút rảnh rỗi riêng tư để trắc nghiệm niềm tin đồ đệ về những phép lạ Người đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ hóa bánh ra nhiều. Tiếc là các môn đệ không hiểu cách nói bóng bẩy của người về “men”, lòng các ông nặng nề bận tâm lo chuyện bánh ăn vật chất, mà quên đi sự tín thác vào Thầy.

Đành rằng hai vấn đề cốt yếu cho sự sống thể xác con người vẫn là lo cái ăn và lo cho chỗ đứng của mình, nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi những người theo Người cần có một thái độ xác tín vào phó thác vào Người hơn. Chính vì vậy mà Người không ngần ngại quở trách các môn đệ. Tin Mừng tường thuật hai lần Chúa Giêsu quở trách các môn đệ đều liên quan đến chuyện cái ăn và chỗ đứng. Chúa Giêsu từng quở trách khi các ông lo cãi nhau ai là người lớn nhất, Chúa càng quở trách các ông nặng nề hơn khi các ông cứ lo chuyện không mang bánh theo, dù trước đó đã được chứng kiến hai lần Chúa hoá bánh:  Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? (Mc 8,17-18).

Đó cũng chính là điều mà Chúa cảnh giác các môn đệ đừng để bị nhiễm theo thói giả hình của Biệt Phái và nhóm Hêrôđê. Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của Biệt Phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu còn có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của họ, chúng như men – là chất xúc tác làm hư hoại những ai để cho mình lây nhiễm thói kiêu căng, ham hố trục lợi cho mình. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa các phép lạ, vượt lên những bận tâm vật chất để đi vào chiều sâu sứ điệp của Người. Ðiều đó cũng có nghĩa là tin vào quyền năng Chúa và hoàn toàn phó thác cho Người.  Như vậy, qua những gì Chúa Giêsu dạy các môn đệ, sứ điệp căn bản mà Tin Mừng ngày hôm nay gửi đến cho chúng ta là phải vượt lên trên những lo toan vật chất cách thái quá mà lấn át hết cả đời sống tâm linh, như cây non bị bụi gai bóp nghẹt. Đồng thời tránh bị lây nhiễm thói đời giả dối và tranh giành ảnh hưởng như Biệt Phái mà hại đến tha nhân.

********

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con hôm nay biết dùng “men Tin Mừng” là đời sống yêu thương bác ái để làm cho “khối bột” gia đình - cộng đoàn và nhân loại được tràn dậy Tình Chúa tình người. Amen.

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

PHÉP LẠ - DẤU LẠ


Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả. (Mc 8, 12)

Đành rằng trong công cuộc truyền giáo, Chúa ban cho một số chứng nhân của Người có khả năng làm một số phép lạ hay dấu lạ để minh chứng lời rao giảng và nâng đỡ niềm tin cho người nghe, nhưng phép lạ hay dấu lạ không là điểm chính yếu và đóng vai trò quyết định cho việc đón nhận Lời Thiên Chúa. Vì như thế sẽ tầm thường hoá niềm tin và hậu quả là sự hời hợt không có chiều sâu cũng như không có sự yêu mến đích thực. Xuyên suốt Tin Mừng, chúng ta thấy dân chúng luôn lũ lượt theo Chúa Giêsu để nghe rao giảng và được chữa lành. Dân trầm trồ thán phục và ca tụng kỳ công của Thiên Chúa. Nhưng cứ hễ có sự xuất hiện của nhóm biệt phái là xảy ra những tranh luận, vì ý đồ của họ không phải là tìm kiếm Chân Lý mà là ganh ghét tìm cách bắt bẻ lời rao giảng và công việc của Chúa Giêsu làm. Mặc dù Chúa Giêsu đã làm biết bao phép lạ chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ vượt quá mọi khả năng tự nhiên và khoa học, nhưng họ vẫn cứng lòng không tin, lại còn đòi một dấu lạ từ trời. Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện nhóm biệt phái đòi dấu lạ để thử Chúa Giêsu, nhưng Người đã không chiều theo sở thích của họ, vì như vậy sẽ làm cho dân chúng hiểu sai về sứ vụ Thiên Sai của Người. Thật vậy, một đức tin trưởng thành không hệ tại ở dấu lạ, mà là kiên trì trong thử thách và sự trung tín bền vững vào Chúa. Đó mới là điều hữu ích cho linh hồn tín hữu.

Hành động của nhóm biệt phái đã làm Chúa Giêsu ngao ngán thở dài vì thế hệ gian tà chai đá của họ. Thực ra, từ thời Cựu Ước, dân Do-thái vẫn luôn có thái độ thách thức Thiên Chúa, dù họ đã chứng kiến bao dấu lạ điềm thiêng Thiên Chúa làm từ khi Xuất Ai Cập cũng như hành trình 40 năm trong sa mạc, đến cả Môisê cũng phải thốt lên trước mặt Chúa rằng, ông đang phải lãnh đạo một dân cứng đầu cứng cổ, và Chúa cũng đã phán rằng: “Tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán, Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc” (Tv 95,9-10). Đó cũng là thực trạng của nhiều người trong chúng ta ngày hôm nay, trước lời mời gọi của Chúa hằng ngày trong Thánh Lễ, chứng kiến bao kỳ công Chúa làm qua vũ trụ thiên nhiên và qua những dấu chỉ của thời đại… vẫn cứng lòng thờ ơ không hối cải ăn năn.

*********
Lạy Chúa, niềm tin đích thực không dựa trên những điềm thiêng dấu lạ, nhưng hệ tại ở lòng yêu mến. Xin cho chúng con luôn tin chắc chắn rằng Chúa hiện hữu và hiện diện mọi nơi trong các bí tích, trong Lời Chúa, trong thiên nhiên, trong các dấu chỉ của thời đại và trong đời sống hằng ngày, để chúng con thêm can trường và yêu mến Chúa hơn. Amen