Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của
các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để
tiến dâng cho Chúa (Lc 2, 22)
Theo
truyền thống Do Thái thì mọi con đầu lòng đều phải được thánh hiến cho Thiên
Chúa, đồng thời phải dâng của lễ lên Thiên Chúa là đôi chim gáy hoặc cặp bồ câu
non làm của lễ chuộc con . Thánh Giuse và Đức Maria cũng khiêm nhường tuân giữ
truyền thống ấy, các Ngài cũng dâng con trẻ vào đền thờ. Biến cố Mẹ Maria và
thánh Giuse đem Đức Giêsu vào đền thánh để dâng cho Thiên Chúa được Tin Mừng
Luca lồng ghép hai nghi thức thánh tẩy cho Mẹ sau khi sinh và dâng Đức Giêsu
(Con đầu lòng) cho Thiên Chúa thành một. Có người cho rằng đây là một cách Thánh
Luca dùng để ngầm ý làm nổi bật sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Mẹ Người trong việc
tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, có thể Thánh Luca muốn diễn tả biến cố
này là một sự thanh tẩy đền thờ hơn là Mẹ được thanh tẩy. Thật vậy, cách trích
dẫn Cựu Ước ở đây, cho thấy Thánh Luca chú ý đến tính thần học hơn là về phương
diện lịch sử.
Có lẽ
thánh ký Luca không quan tâm lắm đến việc Mẹ cần tẩy uế, vì Người không thể bị
ô uế khi sinh ra Đức Giêsu là Thiên Chúa - Đấng Chí Thánh và thanh sạch, cũng
như Mẹ là Đấng thanh sạch vì được tràn đầy ân sủng, nên lễ thanh tẩy ở đây có lẽ
Thánh uca muốn ám chỉ đền thờ
Giêrusalem. Vì từ khi Hòm Bia bị mất (vào 587), đền thờ đã trở nên trống rỗng
và xem như Thiên Chúa không còn hiện diện nữa. Nay Đức Giêsu Cứu Thế đến, đền
thờ lại được tràn đầy, Thiên Chúa lại hiện diện, và như thế, đền thờ được tẩy uế.
Cách kể
chuyện của Thánh Luca còn cho thấy việc dâng Chúa Giêsu trong đền thánh như là
một cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước (giữa Simêon và Anna đại diện cho Cựu ước
với Đức Giêsu là Đấng khai mở Tân Ước). Trong khi Thánh Matthêu cố minh chứng Đức
Giêsu chính là Môisê mới, thì có vẻ như Thánh Luca lại thích áp dụng Đức Giêsu
như là vị ngôn sứ Samuel mới. Thực ra, Thánh Luca thấm nhuần hình ảnh của
Samuel từ bài ca của bà mẹ hiếm muộn Anna, cho đến việc Samuel được bà Anna
dâng vào đền thờ để phục vụ Thiên Chúa (x. 1Sm 1, 22-28); còn “cha mẹ Đức Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên
quan đến Người” (Lc 2, 27). Điều này cho thấy Thánh Giuse và Mẹ Maria tuân
giữ lề luật rất kỹ càng, làm cho việc “sống dưới lề luật” của Đức Giêsu càng nổi
bật.
*****
Lạy Chúa, chu toàn lề luật, chu toàn trách nhiệm và tin Chúa qua mọi biến cố của
cuộc đời, chính là sống theo gương của Thánh gia và noi gương cụ Simeon. Xin
giúp chúng con trung thành với ơn Chúa đến cùng. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét