Translate

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

LỄ KÍNH CÁC THÁNH NAM NỮ


Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. (Mt 5, 12a)

Hôm nay Giáo Hội tôn kính tất cả các thánh, nếu một số trong các ngài đã được chính thức tôn phong hiển thánh để làm gương cho chúng ta, thì Giáo Hội cũng vẫn biết rằng còn có nhiều người đã từng sống trung thành với Tin Mừng và phục vụ tha nhân. Vì thế vào ngày lễ các Thánh Nam Nữ, các Kitô hữu mừng kính tất cả các thánh, những vị đã từng được biết đến, cũng như những vị còn chưa được biết đến. Các ngài là những tiền nhân, trong đó có ông bà cha mẹ anh chị em chúng ta đã ra đi trước chúng ta. Các thánh đã từng sống kiếp người như chúng ta trong từng thân phận, hoàn cảnh, địa vị… Từ vua quan đến nô lệ, từ hoàng tước đến bần cố nông, từ ông chủ xí nghiệp đến công nhân thợ thuyền; từ giáo hoàng đến tín hữu, từ tu sĩ đến bậc sống gia đình, từ đồng trinh đến goá phụ… tất cả đã nên thánh ngay trong chính kiếp người và bậc sống của mình, biến những sự bình thường thành phi thường, thánh hoá đời sống thường nhật thành cuộc sống thiên thần, qua các mối phúc (được gọi là “Hiến Chương Nước Trời) mà Chúa Giêsu dạy qua bài Tin Mừng hôm nay:

Qua Bát Phúc, chúng ta thấy con đường nên thánh rất đa dạng và phong phú. Mỗi mối phúc là mỗi phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giêsu và là một phương thế nên thánh. Những mối phúc này xem ra không hợp với những quan niệm của cuộc sống thông thường. Nhưng đó lại là một nghịch lý mà không vô lý. Nghĩa là trong khi thế gian chạy theo mọi thứ có giá trị tạm thời, thì người theo Chúa dám đi ngược dòng, là tìm những giá trị vĩnh cửu ngay trong những thứ trần thế ấy. Như thế, dù xem ra phải sống ngược đời và lội ngược dòng, nhưng nếu chúng ta thực thi với cái nhìn đức tin thì chúng ta sẽ tìm thấy hiệu quả đích thực trong cuộc sống. Nội dung của các mối phúc hướng chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Nhờ sống vì Chúa và sống cho người khác mà chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiêng liêng và đích thực. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho biết bao tín hữu. Họ đã chiến thắng gian khổ, vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Phải: “ông này bà nọ nên thánh được, thì tôi cũng nên thánh được” (Augustino) khi tôi biết thực thi giáo huấn Tin Mừng qua Bát Phúc mà Chúa dạy hôm nay.

********

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, quê hương đích thực và vĩnh hằng của chúng con ở trên trời, để khi đang sống giữa cõi tạm thế gian này, chúng con luôn biết hướng vọng về quê trời vinh phúc, hầu chúng con không ngại khó ngại khổ mà sống trọn vẹn tám mối phúc thật Chúa đã dạy chúng con hôm nay. Amen.

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

HÃY PHỤC VỤ KHÔNG VỤ LỢI


Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. (Lc 14, 13)

Thường thì mọi người chúng ta làm cái gì cho nhau cũng muốn có qua có lại, thậm chí tham lam theo kiểu “thả con tép để bắt con tôm, thả con săn sắt bắt con cá rô” hoặc: “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Tự bản chất chúng ta cho thấy có một sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, khi dọn tiệc, chúng ta vẫn ưu tiên mời người giàu, và nếu đang lúc dùng bữa, gặp người giàu chúng ta vẫn dễ dàng mời họ hơn thấy một người ăn mày đi qua… Nói tóm lại, chúng ta bỏ ra thì luôn muốn thu lại, thậm chí muốn thu lại hơn gấp nhiều lần, chứ ít ai trong chúng ta có được một lòng quảng đại chia sẻ cho những người nghèo khó. Chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn “công bằng kiểu làm ăn kinh tế” để đối xử với nhau, thì điều này chúng ta là Kitô hữu cũng chẳng hơn gì, vì người ngoại họ cũng làm được hơn cả chúng ta, bởi làm việc lành mà được đáp lại, nghĩa là đã được thưởng công rồi, nên chẳng còn công phúc gì trước mặt Thiên Chúa nữa cả…

Thật vậy, tin Chúa, theo Chúa là đem cả cuộc đời mình hiến thân phục vụ anh em như một chuyện đương nhiên, không đòi hỏi được đền ơn, đáp nghĩa, được biểu dương hay khen thưởng. Tin Chúa, theo Chúa không để chi lo cho phận riêng mình cách ích kỷ, không chạy theo lợi lộc, không tìm thăng quan tiến chức, nhưng để phục vụ mọi người như lẽ sống đời mình. Thái độ phục vụ không kể công, không vụ lợi là một yếu tố quan trọng đối với đời sống cộng đồng Giáo Hội cũng như xã hội. Sự đòi hỏi người khác biết ơn và đền ơn, đó là hành động của ước muốn thống trị và là bước đầu đưa tới thống trị trên người khác. Muốn cho tương quan trong cộng đồng xã hội mãi mãi trong sáng là tương quan huynh đệ, Chúa Giêsu đã dạy cách phục vụ không vụ lợi, không kể công.

******
Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết sống quảng đại với hết mọi người, biết cho đi mà không tính toán hay mong chờ phần thưởng đời này, để tất cả mọi việc chúng con làm hầu cho vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Amen.

CÁCH SỐNG CỦA CHÚA


Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông. (Lc 14, 13)

Trong đời thường, mấy ai cho đi mà không cần lấy lại? Thường người ta tính toán rất kỹ khi đến với nhau. Hòn đất ném đi, hòn chì phải ném lại. Cho đi mà không được lại thì dần dần tình thân sẽ phai nhạt, vì người ta chỉ đến với nhau khi thấy có lợi cho chính mình. Còn ngược lại, Ðức Giêsu lại dạy rằng: thi ân cho người mà không cần đáp trả. Làm ơn cho những người không có khả năng đền đáp. Cho bất cứ người nào cần, chứ không "lựa mặt". Ðấy mới là cho thật tình, cho hết lòng. Chúng ta sẽ chọn lối sống nào: CỦA NGƯỜI ĐỜI, HAY CỦA ÐỨC GIÊSU?

*******

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã sống với nhau như những người vô đạo. Chúng con tính toán, so đo, cân nhắc lợi hại, sợ thua thiệt... Cách sống của chúng con như thể không hề biết đến giáo lý yêu thương vị tha của Chúa. Chúng con xin Chúa giúp sức cho chúng con, để chúng con can đảm và luôn nhớ thực hành những gì Chúa dạy chúng con hôm nay. Amen.

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

GẶP CHÚA – BIẾN ĐỔI


Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! …….. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.(Lc 19, 5.10)

Bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa cho ta thấy, Chúa luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ai trở về với Người. Điều quan trọng là phải tìm gặp Người, đón Người vào nhà, bỏ lại quá khứ và cải hóa đời sống. Câu chuyện Giakêu trong Tin Mừng cho ta thấy rõ điều đó. 

Người Do Thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, phải bị bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La mã và những tín đồ cặn bã của các Hội đường. Giakêu biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang. Thế rồi, một ngày kia, Giakêu bỗng tò mò muốn thấy Chúa Giêsu là người thế nào mà được nhiều người luôn vây kín để nghe Người nói chuyện. Kẹt cho ông là ông quá lùn, mà người vây quanh Chúa Giêsu lại đông, hơn nữa ông lại mặc cảm vì nghề nghiệp bị mọi người dị nghị , nên ông có sáng kiến là trèo lên nấp trên cây sung để nhìn lén Chúa. Như thế, ĐIỀU KIỆN ĐẦU TIÊN ĐỂ ĐƯỢC CHÚA ĐÓN NHẬN, TRƯỚC HẾT LÀ PHẢI TÌM GẶP NGƯỜI, ĐIỀU KIỆN THỨ HAI LÀ PHẢI VƯỢT QUA SỰ MẶC CẢM CỦA QUÁ KHỨ, ĐẶC BIỆT LÀ VƯỢT QUA MỌI THỨ NGĂN CẢN MÌNH ĐẾN VỚI CHÚA.

Chúa nhận ra Giakêu và Người đã gọi ông, ông vui mừng, vượt qua mọi mặc cảm, ông đón người vào nhà mở tiệc khoản đãi. Rồi ông đã đứng lên hứa với Chúa sẽ dùng nửa gia tài để phân phát chia sẻ cho người nghèo, và đền trả những gì thiệt hại mà ông đã gây ra cho kẻ khác. Lạ thật, gặp được Chúa, có Chúa đến trong nhà mình, ông Giakêu từ một con người chỉ biết tham lam vơ vét của cải, bây giờ lại biến đổi 180 độ, trở lành con người bác ái yêu thương. Như vậy, KHI ĐÃ GẶP ĐƯỢC CHÚA VÀ ĐÓN RƯỚC CHÚA VÀO TÂM HỒN, CON NGƯỜI ĐƯỢC BIẾN ĐỔI HOÀN TOÀN.

Còn bạn, nếu lúc này, bạn đang sống trong tội, hãy mau “trèo lên cao” rũ bỏ quá khứ mà tìm gặp Chúa, đón Chúa vào căn nhà tâm hồn mình, để được Chúa ban ơn giúp bạn biến đổi nên con người mới. Bạn cũng hãy học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người. Để rồi bạn không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa…

******

Lạy Chúa, Chúa luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ai trở về với Chúa, xin cho chúng con luôn tìm gặp Ngài và đón Ngài vào tâm hồn, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng con bỏ lại quá khứ và cải hóa đời sống hầu xứng đáng trở nên người môn đệ của Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

KHIÊM TỐN VÀ TỰ HẠ


Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc 14, 11)

Ở bất kỳ xã hội, bất kỳ tổ chức nào cũng thế, người ta vẫn tranh nhau những chức vụ cao để hưởng nếu không phải là lợi lộc, thì ít ra cũng là danh vọng, mâm cao cỗ đầy. Chức càng lớn thì bổng lộc càng nhiều, đi tới đâu cũng được trọng vọng. Ngày xưa thì võng cáng, lọng che còn ngày nay thì mô tô hộ tống, cảnh sát còi hụ dẹp đường, lính tráng dàn chào. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta khiêm tốn, Người đã lên án những người kiêu ngạo ham danh tìm chỗ nhất, và lật tẩy thói giả hình của họ. Và trong cuộc sống hôm nay, giữa một thế giới tự cao tự đại và xâu xé nhau, Đức Giêsu cũng mời gọi ta vượt qua thói háo danh để sống tự hạ và khiêm nhường. Hôm nay Chúa Giêsu cũng khuyên bảo ta: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên. Ai tự nâng mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, tuy có giá trị đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên Chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao quý và bền vững. Mà Chúa chỉ nâng cao những người tự hạ và khiêm tốn mà thôi.

Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta hiểu sai về khiêm tốn. Khiêm tốn không có nghĩa là tự coi mình không có giá trị gì. Trái lại, khiêm tốn là nhìn nhận mình được Thiên Chúa nuôi dưỡng bằng những ân sủng, là biết mình đã lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân, là được Ngài ban cho những khả năng chuyên biệt, và rồi biết dùng những món quà này để phục vụ tha nhân. Khiêm tốn không phải là khinh rẻ bản thân, cũng không phải là thụ động, không dám nhận trách nhiệm, trách nhiệm làm người ở trên đời và làm con của Thiên Chúa. Khiêm tốn lại càng không phải là một mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác: tôi hạ mình xuống để được tôn lên. Như vậy khiêm tốn có nghĩa là bắt chước sống như Chúa, không sống cho riêng mình, nhưng sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ, không phải cho bản thân và lợi ích riêng của cá nhân, mà là cho người khác và những nhu cầu của họ. Trong mối liên hệ với Chúa cũng như với người khác, chúng ta hãy sống khiêm tốn, từ trong tư tưởng, lời nói đến việc làm, nhờ đó mà chúng ta sẽ được người khác yêu mến và hơn nữa được chính Chúa chúc phúc. Bởi vì càng khiêm tốn, thì chúng ta cùng trở nên cao cả và càng được Chúa yêu thương.

*******

Lạy Chúa! Xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn trong bậc sống mình để Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con. Amen.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

LỄ KÍNH THÁNH SIMON VÀ GIUDA TÔNG ĐỒ


Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 16, 12-13)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu lựa chọn các Tông Đồ, ban năng quyền cho các ngài và sai đi loan báo Tin Mừng. Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu thường cầu nguyện vào những thời điểm quan trọng. Ngài cầu nguyện khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả (Lc 3,21). Ngài cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn (Lc 9,18). Ngài cầu nguyện khi ở trên núi, trước khi Ngài được hiển dung (Lc 9,29). Ngài cầu nguyện trong xao xuyến khi đứng trước cái chết gần kề (Lc 22,41). Lúc bị treo trên thập giá, Ngài cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình (Lc 23,34). Cầu nguyện đối với Chúa đơn giản là một cuộc gặp gỡ Cha. Ngài muốn gặp Thiên Chúa là Cha của Ngài để hỏi ý.  Việc tìm ý Chúa Cha, không phải lúc nào cũng là việc dễ dàng. Chính vì thế mà có những lần Chúa đã phải thức thâu đêm để cầu nguyện, để tìm xem ý Cha muốn gì. Cũng như hôm nay, Chúa cầu nguyện để xem Chúa Cha muốn chọn ai trong số những môn đệ ở đây để họ trở thành những người mà Ngài gọi là tông đồ. Và sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giêsu mới quyết định. Ngài gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo ý Cha. Chúng ta cũng thế, khi chọn một ai làm điều gì cho Giáo Hội rất cần cầu nguyện để xin ơn soi sáng, dù trong tư cách mình là cộng đoàn hay tư cách cá nhân đều cần đến ơn Chúa, nếu không thì chỉ có ý mình với đầy những tình cảm, cục bộ, địa phương, phe nhóm, loại trừ, trả thù, ghanh ghét… Khi đó là chúng ta tiếp tay cho ma quỷ để chọn chứ không phải cộng tác với Chúa để chọn. Công việc cá nhân cũng thế, khi chúng ta định chọn làm một việc gì quan trọng, chúng ta đừng ỷ lại vào khả năng mình thái quá, mà nên cầu xin ơn Chúa soi sáng để mình lựa chọn việc làm đúng đắn và có ích cho đời sống.

Mặt khác, hãy luôn nhớ rằng, Chúa gọi và chọn các môn đệ, chứ họ không tự cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông Đồ là do được Chúa chọn. Các môn đệ lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn… Cũng thế, trong Giáo Hội, việc được chọn làm công việc này, chức vụ nọ, là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Hội Thánh, chứ không phải cha truyền con nối hay mình tự ứng cử, vì thế luôn phải đặt ý Chúa lên trên hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa. Riêng với những ai được chọn, dù là Giáo Hoàng hay Giáo Lý Viên thì cũng đều phải cố gắng sống tốt hơn so với mặt bằng chung, xứng với địa vị của mình.

********

Lạy Chúa! Xin cho chúng con ý thức rằng: Ý Chúa luôn tốt hơn ý của con, sự chỉ dạy của Ngài luôn mang lại lợi ích tốt nhất cho phần phúc chúng con. Vì thế, mỗi khi làm bất cứ việc gì, nhất là khi quyết định những việc quan trọng trong đời, chúng con cần dành thời giờ để cầu nguyện, xin ơn soi sáng của Chúa; đồng thời cũng nên bàn hỏi với bề trên là những người có kinh nghiệm và có trách nhiệm hướng dẫn đời sống đức tin của chúng con. Xin cho chúng con hằng biết noi gương hai vị thánh Tông đồ Simon và Giuđa luôn nhiệt thành trong bổn phận và hằng trung tín với niềm tin. Amen.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

HÃY SỐNG CHỨNG NHÂN CHO CHÚA


Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay (Lc 13, 31-35), kể chuyện có mấy người Pharisiêu đến thưa với Đức Giêsu: “Xin ông đi khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông”.

Hành động này có thể đưa ra 3 giả thiết:

 - Thương mến Đức Giêsu nên sợ Người gặp nguy hiểm.
- Thương hại cho một con người tài năng như Đức Giêsu.
- Dùng danh hão Hêrôđê để hù doạ Chúa Giêsu.

 Nhưng hiểu theo nghĩa nào không quan trọng, mà điều quan trọng hơn là câu trả lời của Chúa Giêsu với cả lý trí, ý chí và tự do khẳng định về sứ vụ của Người.

-          Trước hết, Đức Giêsu gọi Hêrôđê là con cáo, không phải để chửi bới ông ta, mà đây là lối nói ẩn dụ về một hành động rình rập trong bóng tối. Từ sau khi Hêrôđê Cả qua đời, tiểu vương Hêrôđê Antipa được nói tới ở đây chỉ được cai trị vùng Galilê và Pérée chẳng dính dáng gì đến vùng Giuđê mà là thuộc quyền tổng trấn Philatô. Vì thế, người Pharisiêu nhắc tới Hêrôđê để nói với Chúa Giêsu là chỉ để hù doạ mà thôi. Và nếu Chúa Giêsu có phải chịu khổ nạn thì cũng ở nội thành Giêrusalem, nơi Hêrôđê không có quyền hành gì. Chúa Giêsu nói Hêrôđê Antipa là con cáo vì thực tế ông chỉ là bù nhìn và hành động lén lút như con cáo trong bóng tối.

-          Kế đến, Người xác định vai trò của ngôn sứ là hành động giữa ánh sáng ban ngày, và không sợ bất cứ mối đe doạ nào, và sẵn sàng chết vì Tin Mừng để hoàn tất sứ vụ.

-          Cuối cùng, Chúa Giêsu lấy làm tiếc cho dân thành Giêrusalem, đã bao lần Chúa đã gửi đến cho họ các ngôn sứ cảnh báo họ ăn năn hối cải, nhưng họ đã lấy làm chói tai và giết các ngài. Đến lượt, chính Con Một Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế họ đang trông mong đã đến, họ cũng không nhận ra mà hối cải. Dù đã bao lần Người yêu thương ấp ủ họ như gà mẹ ấp ủ con mình.

 Tóm lại, bài học mà Tin Mừng gửi đến cho chúng ta hôm nay là:

- Dù thuận tiện hay không thuận tiện, hãy sống chứng nhân cho Chúa, can đảm thực thi sứ vụ mà Chúa trao cho mỗi người.

- Nhận ra thời khắc Chúa viếng thăm nhắc nhở chúng ta qua những người được Chúa gửi đến, để lo canh tân đời sống mà trở về với Chúa.

*******

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết sẵn sàng đón nhận sứ vụ rao giảng Lời Chúa với cả lý trí, ý chí và tự do, để chúng con không nao núng trước những bách hại của thế gian, mà can đảm khẳng định sứ vụ Chúa trao và quyết tâm hoàn thành. Amen.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

CỬA HẸP LÀ HY SINH, TỪ BỎ


Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. (Lc 13, 23)

Quy luật của cuộc sống, chẳng có gì đạt được mà không có sự nỗ lực cố gắng. Muốn giỏi phải học chứ không tự nhiên mà thi đậu, một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi chứ không phải bỏ ruộng hoang để chờ có lúa gặt. Của cải không tự trên trời rơi xuống, tri thức cũng không tự nó toàn tri, hạnh phúc không tự có nếu không vun đắp xây dựng… Cũng thế, Nước Trời đã được Thiên Chúa dọn sẵn và dành cho bất cứ ai, nhưng không phải tự nhiên mà đạt tới, nhưng phải trải qua những gian truân khổ ái và hy sinh thì mới mong đạt tới. Những khó khăn vất vả nỗ lực ấy đó là bước qua “cửa hẹp” (một lối nói ẩn dụ), vì Nước Trời không dành cho kẻ sống buông thả và dễ dãi, cửa tiền tài, sắc dục, hư danh… là cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Đó là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay gửi đến cho chúng ta. Thật thế, Thiên Chúa chuẩn bị cho ta ơn cứu độ, dọn sẵn cho ta Nước Trời, nhưng Thiên Chúa muốn con người cộng tác để đạt tới cùng đích ấy, như thánh Augustino nói: Thiên Chúa dựng nên ta Người không cần ta, nhưng để cứu chuộc ta Người cần ta cộng tác”. Dĩ nhiên, để đạt tới ơn cứu độ và hưởng Nước Trời không phải chỉ do sức riêng chúng ta tự nỗ lực, nhưng cần đến sự trợ giúp của Ơn Chúa. Việc đi qua cửa hẹp chính là sự hy sinh mỗi ngày, vừa dành thời gian cho Chúa để được trợ lực, vừa thực hành sống đạo đức và bác ái giữa đời.

CỤ THỂ, ĐÃ LÀ “CỬA HẸP” THÌ MUỐN VÀO PHẢI CÓ ÍT NHẤT NHỮNG ĐIỀU KIỆN SAU ĐÂY:

-Phải khom người lại chui mới lọt, nghĩa là hạ mình xuống sống khiêm tốn chứ không phải tự cao tự đại. hãy học lấy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường đã tự hạ mình từ Thiên Chúa xuống làm một con người hữu hạn nghèo khó.

-Phải “giảm cân” cho mình nhỏ lại mới chui qua được, nghĩa là biết trở nên con người nhỏ bé đơn sơ, tránh vơ vét để làm cho mình kềnh to ra vì giàu sang ích kỷ, tránh tham lam quyền lực và tiền của…

-Phải bỏ bớt hành lý thì mới dễ chui vào, nghĩa là bỏ bớt những gì làm ta vướng bận và lấn át chúng ta, như đam mê công việc mà bỏ bê việc lành, đam mê tình cảm mà sinh ra tội lỗi, tham thích vui chơi mà quên cả trách nhiệm Kitô hữu…

********

Lạy Chúa!  Xin cho chúng con biết sống tiết độ và tỉnh thức, đừng mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng, hầu mai ngày chúng con được bước vào cửa thiên quốc hưởng vinh quang với Chúa. Amen.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

CHỨC NĂNG CỦA NƯỚC TRỜI


Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được……Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men. (Lc 13, 19.21)

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Chân lý Nước Trời – tức là bản chất Hội Thánh phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Đó là nội dung của hai dụ ngôn (Hạt cải và men trong bột) mà Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.:

- Lớn lên: Mọi thành viên trong “Nước Trời” là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh. Xét về phương diện cá nhân, chính mỗi người chúng ta cũng phải lớn lên trong Đức Tin, trong Thánh Thần và trong đời sống đạo, từ đó làm cho Hội Thánh từ địa phương đến hoàn vũ cũng được lớn lên.

- Bóng mát che chở: Nước Trời, Hội Thánh, Kitô hữu chúng ta phải là bóng mát cho đời, là nơi đáng tin tưởng cho mọi người tìm lại được an bình nội tâm. Chúng ta có bổn phận làm cho thế giới thêm bình an và xoa dịu mọi đau thương của nhân loại.

- Thấm nhập: Chân lý Nước Trời, bản chất Hội Thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Kitô hữu phải chấp nhận được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin Mừng. Chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng.

- Biến đổi: Chân lý Nước Trời là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo nền văn minh tình thương. Mỗi Kitô hữu được mời gọi sống chứng nhân, nghĩa là bằng đời sống đạo tốt lành của mình làm lay động và biến đổi những tâm hồn nguội lạnh, cũng như có sức thu hút lương dân trở về với Chúa, để cả thế giới cũng được “dậy men” Tin Mừng.

Thật vậy, Nước Trời được ví như Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập, ban đầu thật bé nhỏ trên dưới vài chục người với Chúa Giêsu và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội Thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới. Tóm lại, Nước Trời phải thật sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn, và Hội Thánh đó phải hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới.

********

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Amen.

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

KHÔNG SỐNG ĐẠO ĐỨC GIẢ


Chúa đáp: Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? (Lc 13, 15)

Bộ luật của người Do Thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Môisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong Sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết. Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ - kinh sư - biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ. Cũng như các biệt phái, ông trưởng Hội đường trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 13, 13-17), xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý ông mà thưởng công cho ông. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.

Có lẽ đôi lúc chúng ta cũng vậy, chúng ta thích lách luật miễn là có lợi cho chúng ta, bất chấp hậu quả làm hại đến tha nhân. Lắm khi chúng ta chỉ chăm chăm đến một điều được quy định máy móc mà làm hại đến đức công bình và bác ái. Không thiếu những lúc chúng ta nhân danh luật để buộc người khác phải trả giá, nhưng lại không có lòng yêu mến và sự chân thành dành cho nhau. Đối với người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:

- THAM DỰ THÁNH LỄ VÌ LÒNG YÊU MẾN HAY VÌ BẮT BUỘC PHẢI ĐI LỄ?

- LÀM VIỆC BÁC ÁI HAY LÀ DỬNG DƯNG VỚI NHỮNG HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN CỦA ĐỒNG LOẠI MÀ TA GẶP THẤY? CHÚNG TA CÓ NHÂN DANH NGÀY NGHỈ, LẤY CỚ VIỆC ĐI LỄ… ĐỂ RỒI KHÔNG ĐẾM XỈA ĐẾN NHỮNG NGƯỜI GẶP HOẠN NẠN ĐANG CẦN ĐẾN SỰ GIÚP ĐỠ CỦA CHÚNG TA.

- CHÚNG TA GIỮ GÌN LUẬT NGÀY CHÚA NHẬT CỐT ĐỂ PHÔ TRƯƠNG CHÍNH MÌNH VÀ LÊN ÁN NGƯỜI KHÁC KHÔNG?

******

Lạy Chúa, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương; xin cũng giúp chúng biết giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và quảng đại với tha nhân, hơn là giữ lề luật chỉ vì luật mà lỗi đến đức bác ái công bình đối với tha nhân. Amen.

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO


Hôm nay là ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo, thiết tưởng chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội có nhiều gương sáng sống đạo, hơn là những người giảng thuyết mà thiếu gương sáng giữa đời. Chính Chính Chúa Giê-su đã không truyền giáo bằng những lễ hội hoành tráng, càng không truyền giáo bằng những bài giảng thuyết hùng hồn. Ngài chỉ âm thầm đi vào trần gian để trở nên muối men cho đời. Ngài sống hòa vào dòng chính của xã hội, để có thể gần gũi, cảm thông và yêu mến mọi người.

Vì vậy, Truyền giáo không thể chỉ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện là xong bổn phận chứng nhân cho Chúa. Nếu như thế mới chỉ là hành vi trả lại công bằng cho Chúa, vì việc tạ ơn là hành vi đền đáp lại ân ban của Thiên Chúa dành cho con người. Truyền giáo không phải là việc tuân giữ các giới răn của Chúa. Nếu như thế mới là giữ đạo chứ chưa truyền đao. Truyền giáo không phải là nói thật hay, thuyết trình thật hùng hồn là có thể đem nhiều người về với Chúa. Nếu như thế mới chỉ là tiếp thị chứ chưa mang đạo vào đời như muối như men ướp mặn trần gian. Truyền giáo phải như cuộc đời Chúa Giê-su đi vào cuộc đời để dựng xây một thế giới thắm đượm tình Chúa tình người hầu mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân thế. Hôm nay nhân ngày khánh nhật truyền giáo, chúng ta hãy rà xét lại lòng mến của chúng ta đã trở nên dấu chỉ của người Kitô hữu hay chưa? Ngày xưa cộng đoàn tín hữu tiên khởi họ đã sống thật hiệp nhất với nhau, ngày ngày họ đến hội đường để nghe các tông đồ rao giảng. Họ chia sẻ của ăn với nhau, để không ai phải thiếu thốn. Họ được toàn dân thương mến và ngày càng có thêm nhiều người gia nhập Giáo Hội.

*******
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.

HÃY KHIÊM TỐN KHI CẦU NGUYỆN


Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc 9, 14)

Bài Tin Mừng hôm nay nói về tinh thần khiêm tốn khi cầu nguyện: Lời cầu nguyện của người Pharisêu nhằm đề cao “cái tôi”, trong khi lời cầu nguyện của người thu thuế nhắm đến “Thiên Chúa”.

 + SỞ DĨ NGƯỜI PHARISIÊU KHÔNG NHẬN ĐƯỢC ƠN SAU KHI CẦU NGUYỆN LÀ VÌ:

- Ông phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo đức và tự đặt mình lên trên những người khác: “…vì không như tên thu thuế kia!”. Lời kinh của ông còn tồi tệ hơn khi tự hào cho mình là công chính để so sánh mình với đời sống bên ngoài của những người khác.

- Ông phô trương thành tích đạo đức của mình: “ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”. Ông tự cho rằng việc ông ta giữ luật là điều kiện buộc Chúa phải ban ơn, nhưng thực ra việc Chúa ban ơn hay không là quyền của Chúa.

- Ông đến cầu nguyện mà tự cho mình đầy dẫy nhân đức, nên chẳng còn chỗ cho Chúa đổ ân huệ vào. Lời kinh của ông khởi đầu bằng tâm tình tạ ơn rất đẹp, nhưng đã nhanh chóng trở nên xấu bởi có ý đồ níu kéo Thiên Chúa thỏa hiệp với lối sống chọn luật làm cứu cánh của ông.

 + NGƯỜI THU THUẾ ĐƯỢC ƠN LÀNH LÀ VÌ:

- Ông ý thức thân phận tội lỗi của mình quá lem luốc theo mắt nhìn thành kiến của người đương thời, ông chỉ có thể đợi chờ một sự gột rửa trong mắt nhìn của Thiên Chúa, bởi thấy mình đã bất chính trong vòng quay nghiệt ngã của nghề nghiệp bị coi là tội lỗi phản quốc hại dân.

- Ông đến với lòng thống hối và khao khát Chúa. Ông khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ, xin Chúa hướng dẫn mình trở về với tình thương của Chúa, trở về với anh em mà mình đã xúc phạm.

+ TÓM LẠI: CHÚA DẠY TA:

-“Nâng lên” chính là muốn khẳng định mình; tự coi mình là nhất. Đây là hành vi của những kẻ kiêu ngạo, là thái độ ham danh và ham quyền lực muốn được ở trên mọi người. Còn “hạ xuống” là thái độ của người khiêm nhường. Khiêm nhường là nhìn nhận mình còn thiếu, còn bất toàn để vươn lên, còn yếu đuối để sám hối.

- Chúng ta giữ luật là vì yêu mến Chúa ; chúng ta ăn chay, bố thí, dâng công đức… là vì bổn phận đối với Chúa và phục vụ tha nhân cũng như lợi ích chung, chứ không phải giữ để kể công và tỏ ra hơn người.

- Không ỷ vào địa vị mà vênh vang tự hào, không tự cho mình công chính hơn người vì giữ luật, nhưng quy về vinh quang Chúa, và nhìn nhận mình có là gì đều do ân huệ Chúa ban. Bởi trước mặt Chúa không phân biệt người có quyền cao chức trọng hay kẻ bần hàn cố nông, nhưng người cao trọng trong nước Chúa chính là hãy trở nên bé nhỏ, nghĩa là khiêm tốn.

- Không “đứng thẳng” vỗ ngực ta đây như ông biệt phái. Con người chúng ta dễ phân biệt sang hèn, so sánh tài năng và thiểu trí… để rồi dễ bề khinh thường người thiếu may mắn. Nhất là khi chúng ta có điều gì đó hơn người, rất dễ tỏ ra kênh kiệu lên mặt và coi thường người khác dở hơn mình. Giàu thì chê nghèo, giỏi thì khinh dốt, đẹp thì khinh xấu… Chúa mời gọi chúng ta biết tôn trọng mọi người trong tinh thần của Chúa, là một Thiên Chúa tối cao đã không khinh chê con người tội lỗi thấp hèn.

 ********
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết học lấy sự khiêm hạ thẳm sâu, là biết nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình, và rất cần đến lòng bao dung trắc ẩn của Chúa tha thứ. Xin cho chúng con cũng đừng quy mình là trung tâm và tự tôn mình là đạo đức, để rồi xét đoán và chê xấu anh em. Amen.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

PHẢI THƯỜNG XUYÊN HOÁN CẢI


Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy. (Lc 13, 5)

Có người kể lại cho Chúa Giêsu nghe về việc mấy người bị Philatô tàn sát và chuyện mấy người bị thác Silôac đè chết, Chúa Giêsu dựa vào hai biến cố có tính cách thời sự này để hối thúc mọi người sám hối. Qua đó, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: Đứng trước một biến cố xảy đến, chúng ta hãy xem đó là một điều cảnh tỉnh chúng ta rằng ai cũng là tội nhân, nên cần ăn năn sám hối. Hãy coi đó như là những bài học cho phần rỗi của mình và tha nhân, chứ đừng vội vàng xét đoán khi người khác gặp những biến cố không may mắn là do họ đáng phạt. Đức bác ái dạy ta phải “vui với người vui, khóc với người khóc”, chứ không luận tội, kết án người anh em dù họ có những biểu hiện sai lỗi bên ngoài.

Và để minh hoạ cho giáo huấn trên với người Do Thái, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn cây vả không sinh hoa trái. Thật vậy, sở dĩ chưa đến lượt họ, không phải vì họ công chính hơn những người bị chết kia, mà là Thiên Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi họ sám hối. Hình ảnh một Thiên Chúa như ông chủ vườn, đến tìm trái cây vả vô dụng (một người tội lỗi không sinh hoa trái), muốn chặt bỏ đi khỏi hoang phí đất. Chúa Giêsu như người làm vườn, cầu xin ông chủ là Thiên Chúa Cha gia hạn, để dùng ơn cứu độ của Người qua các bí tích, mà vun xới bón tưới cho cây vả (là người tội lỗi) sinh hoa trái. Điều này cho thấy, đời sống của chúng ta, không nhiều thì ít, mỗi người cũng có những lầm lỗi với Chúa và tha nhân. Tâm hồn chúng ta như cây vả không biết sinh hoa kết trái thiêng liêng. Thiên Chúa rất nhân từ, kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sám hối trở về với Người, sinh hoa trái bằng những công phúc việc lành.

*******

Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con không bao giờ tự mãn về mình, nhưng phải thường xuyên hoán cải, đổi mới theo đòi hỏi của Tin Mừng Chúa. Đây là điểm yếu của con, vì con thích an phận trong lối sống, an toàn cho bản thân trong lối nghĩ, và an nhàn cho thân xác của mình. Xin cho mỗi người chúng con thay vì lo đánh giá những rủi ro xảy đến cho người khác, hãy biết luôn nhìn nhận chính con người đầy yếu đuối tội lỗi của mình và cần đến lòng thương xót Chúa, để rồi, dù điều gì xảy đến, chúng con luôn sẵn sàng thuận theo ý Chúa. Amen.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

HÃY NHẬN RA SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA


Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? (Lc 2, 56)

Khác với ngày nay với máy móc hiện đại về khí tượng thuỷ văn, có thể dự báo trước về thời tiết và phát hiện được những cơn bão từ xa mà phòng tránh; người xưa thì đúc rút những kinh nghiệm xảy ra, từ đó đoán biết những hiện tượng thiên nhiên sắp xảy đến. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trách những người Do Thái giỏi đoán biết về hiện tượng thiên nhiên, để phòng tránh hay đón mùa, nhưng lại không nhận ra những lời nói và việc Chúa Giêsu làm để đón nhận đó chính là dấu chỉ của Đấng Messia, và để canh tân đời sống. Cũng vậy, Thiên Chúa vẫn đang nói với chúng ta qua các dấu chỉ thời đại, từ hiện tượng thiên nhiên đến các biến cố trong cuộc đời. Ngài vẫn hằng tha thiết kêu mời chúng ta hãy nhận ra sứ điệp của Chúa để canh tân đời sống và trở về hoà giải với Chúa và anh em.

Cùng trong một ý tưởng trên, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta, bao lâu chúng ta còn thời giờ (trong thời đại chúng ta đang sống), hãy lo giao hoà với Chúa, với anh em và lo canh tân đời sống, đừng để khi phải ra trước toà chung thẩm, chúng ta không còn cơ hội để sửa sai nữa, và chúng ta sẽ phải đền trả nơi luyện tội cho tới khi đủ số đủ ngày (đồng kẽm cuối cùng).

*******

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết tỉnh thức trước những dấu chỉ của thời đại, nhận ra Chúa hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống và trong tha nhân ; xin cũng giúp chúng con biết giao hòa với Chúa và anh em, để trong ngày chung thẩm, chúng con được Chúa ân thưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

HÃY NỐI TIẾP SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊSU


Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! (Lc 12, 49-50)

Sự xuất hiện của Chúa Giêsu đã làm lộ ra những vết đen trong đời sống con người bằng ánh sáng Lời Chúa. Ánh sáng ấy làm chói mắt những kẻ quen bóng tối và chỉ muốn an thân, nhưng ánh sáng ấy lại cần thiết để khởi sự việc thăng tiến con người. Nhờ đó,con người thấy chỗ sai của mình. Mà có biết sai thì mới biết sửa sai cho đúng. Đó chính nội dung sứ điệp bài Tin Mừng hôm nay nhắm tới, khi Chúa Giê-su khẳng định sứ mạng của Người là đem lửa đến thế gian và tạo nên một sự đối kháng giữa những người chọn Chúa và những người theo thế tục.

“Đem lửa xuống trần gian và mong lửa cháy bùng lên.”: Theo Thánh Kinh, lửa ở đây có thể hiểu là:

- Sự phán xét: Sự xuất hiện của Đức Giêsu tự bản chất nói lên một sự phán xét thế giới giữa công và tội, giữa thiện và ác. Điều này cũng nói lên việc thanh luyện những kẻ hiếu trung với Chúa (x. Lv 10,2 và Lc 3,9).

- Thần Khí: Thánh hoá và ban sức mạnh cho môn đệ cũng như mọi tín hữu, để họ mạnh dạn rao giảng Tin Mừng (x. Cv 2,3-19).

- Đức Tin: Ngọn lửa Đức Tin cần được thắp lên trong mọi người và chiếu sáng trước mặt thiên hạ.

- Lòng Mến: Ngọn lửa yêu mến hay lửa tình yêu, đó là Tình Yêu nơi Thánh Tâm Chúa được trào tràn trên chúng ta và từ đó chúng ta cũng biết sống yêu thương bác ái với mọi người

TÓM LẠI: Chúa mong cho ngọn lửa Thần Khí, Đức Tin và lòng yêu mến được lan toả trên trần gian. Còn phép Rửa mà Chúa phải chịu và những mong hoàn tất, chính là Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, vì đây là đỉnh cao của sứ mạng cứu độ. Mọi người tín hữu chúng ta khi chịu Phép Rửa Tội là được dìm mình trong sự chết của Đức Kitô, có nghĩa là phải chết đi cho tội lỗi, để cùng với Đức Kitô mặc lấy con người mới – con người Phục Sinh. Nghĩa là bỏ đi mọi hành vi tội lỗi và sống cuộc đời công chính, và những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giêsu, thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ kiểu.

Thật vậy, hoà bình theo đường lối Đức Giêsu là sự hiệp nhất có được do mọi người thuận theo thánh ý duy nhất của Chúa. Để có được thứ hoà bình này, con người phải can đảm cùng bước ra khỏi bóng tối sự dữ để đến với anh em, dám dứt khoát nói “không” với cám dỗ, dám lội ngược dòng với khuynh hướng thấp hèn. Đức Giêsu đến như ngọn lửa tạo ra vùng trời ánh sáng đó cho ta.

********

Lạy Chúa! Để theo Chúa, chúng con bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Xin giúp chúng con sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa và bước theo Người. Amen.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

HÃY TỈNH THỨC VÀ HÃY SẴN SÀNG


Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.  (Lc 12, 39b)

Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần có thái độ TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG:

- Như người chủ nhà có trách nhiệm : Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thần trách nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: “Cẩn tắc vô ưu”.

- Như người quản gia trung tín: Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân.

- Như người đầy tớ khôn ngoan: Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong tình trạng tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.

- Như một sự biểu lộ niềm tin: Nghĩa là tin chắc chủ sẽ về và thao thức chờ đợi, tin chủ sẽ ân thưởng cho tôi tớ trung thành.

- Như một tâm tình yêu mến: Người đầy tớ trung tín, quán xuyến việc nhà khi chủ đi vắng, tận tâm chu đáo trong bổn phận hằng ngày. Anh ta làm việc tích cực y như có chủ ở nhà vậy, ta thấy hành vi này xuất phát từ Tình yêu đối với chủ. Anh ta xem việc của chủ như là việc của anh và đã cố gắng chu toàn.

Vậy, hãy biết rằng, khi lãnh nhận Bí Tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban quản lý ân huệ của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Chúa cũng trao ban cho chúng ta những ân huệ đặc biệt kèm theo khi chúng ta nắm giữ một chức vụ phục vụ nào. Chúa còn ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, cơ hội, hoàn cảnh để phục vụ và làm sinh lợi cho Chúa. Khi chúng ta chu toàn việc bổn phận với hết khả năng Chúa ban thì chúng ta đang là người quản lý tốt. Thật vậy, tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa, và sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình, với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình…

********


Lạy Chúa!  Xin cho mọi Kitô hữu chúng con luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời và làm chứng cho Tin Mừng khi sống chu toàn bổn phận, sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Amen.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

LỄ THÁNH LUCA – TÁC GIẢ CHÉP TIN MỪNG


Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.(Lc 10, 1)

Thánh Luca mà chúng ta mừng kính hôm nay là một tác giả chép Tin Mừng, nhưng không phải tông đồ thuộc nhóm 12. Có lẽ, ngài là một trong số những vị được sai đi trong nhóm 72 môn đệ mà Tin Mừng ngày hôm nay ghi lại. Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ ra đi truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mù gặt sai thợ ra gặt lúa về.”  Cũng thế, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em. Ngày hôm nay, cánh đồng truyển giáo còn rất bao la, Kitô Giáo chỉ mới bằng 1/6 dân số thế giới. Đặc biệt, ngày hôm nay, con số “thợ gặt” đang giảm tới mức báo động, nhất là ở các nước phát triển. Giới trẻ ngày nay đã không còn mặn mà với ơn gọi lên đường truyền giáo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin “chủ mùa gặt” sai thợ đi gặt lúa về; nghĩa là hãy cầu nguyện nhiều cho ơn gọi linh mục tu sĩ, và hãy làm những gì có thể trong khả năng mình, để trợ giúp cho việc đào tạo các ơn gọi và đóng góp cho công cuộc truyền giáo.

Tin Mừng hôm nay còn đặc biệt họa lên chân dung của một người môn đệ Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là: Tinh thần khó nghèo, đem đến sự bình an, và làm cho triều đại Thiên Chúa được hiển trị ngay giữa thế gian này:

- Tinh thần khó nghèo: Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.

- Đem bình an đến cho mọi người: “Bình an cho nhà này”. Dựa theo Thánh Kinh Cựu Ước, ta nhận thấy văn hoá giao tiếp vùng Trung Cận Đông thường dùng câu “bình an” để chào hỏi nhau khi gặp mặt. Sứ điệp bình an cũng được các thiên thần hát lên khi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Và bây giờ, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, tiên vàn hãy đem bình an đến cho mọi người. Sự xuất hiện của các chứng nhân Tin Mừng là đem đến cho con người sự bình an đích thực của Chúa, phá tan những lo âu, chia rẽ và hận thù.

- Làm cho Nước Thiên Chúa đến gần.“Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến”. Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.

Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người chúng ta hôm nay cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng ta.

*******

Lạy Chúa, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh gia đình chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, ngồi bên cạnh chúng con nơi học đường, làm với chúng con nơi công sở… còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.