Hàng năm
vào ngày 6 tháng 8, Giáo Hội mừng lễ Kính Chúa Giêsu Hiển Dung, còn được gọi là
Kính Chúa Giêsu Biến Hình Trên Đỉnh Núi Taborê. Trên đỉnh núi Taborê Chúa đã
cho ba môn đệ ‘thân tín’ nhất của Ngài là Phêrô, Giacôbê và Gioan ‘nếm một
chút’ và ‘cảm nghiệm một phần nào’ niềm vui sướng và hoan lạc của Nước Chúa Hằng
Sống. Biến cố Chúa Hiển Dung được coi là một biến cố then chốt trong hành trình
cứu độ của Chúa Giêsu nhằm vừa khẳng định vừa nâng đỡ cho hành trình đức tin của
các môn đệ và mỗi Kitô hữu chúng ta: Hiển Linh - Hiển Dung - Hiển Trị (tỏ mình
bắt đầu sứ vụ, một sự mặc khải để nâng đỡ đức tin và tử nạn Phục Sinh). Việc
Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc
đời. Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong
thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa. Bên trong cuộc
khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang. Biến cố biến hình
còn cho các môn đệ niềm hy vọng, là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc,
cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Tựa như học sinh kiên nhẫn
và miệt mài đèn sách vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp, như nông phu thức
khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cầy vì hy vọng vào mùa gặt bội thu…
Mới ‘chỉ
nếm một chút’ và mới ‘cảm nghiệm một phần nào’ thôi niềm hoan lạc hạnh phúc của
Nước Chúa Hằng Sống, mà Phêrô đã cảm thấy ngất ngây tột đỉnh, đến nỗi đã không
ngần ngại và cũng không cần phải suy nghĩ lâu gì, và đã thốt lên rằng: Lạy Thầy, ở lại trên núi luôn được không? Nếu
được, con sẽ dựng ngay ba lều: một cho Thầy, một cho Môisen và một cho Êlia.
Cũng như Phêrô và các môn đệ trong biến cố biến hình hôm nay, mỗi người chúng
ta ai cũng muốn được ở trên đỉnh vinh quang, nhưng lại không muốn đối diện với
thực tế của cuộc đời, và muốn trốn tránh kiếp lữ hành trần thế, muốn trốn tránh
thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Ngược lại, muốn được hưởng
niềm hoan lạc sung sướng của Nước Chúa, chúng ta phải ‘hiển dung’, phải ‘biến
hình’, phải ‘thay đổi’ nếp sống nên tốt hơn. Hơn nữa, để có thể leo lên tới đỉnh
Núi Thánh của Chúa trong niềm vui hoan lạc, chúng ta cũng phải bỏ xuống khỏi
đôi vai, thân xác và ra khỏi lòng chúng ta những cồng kềnh, lỉnh kỉnh của mọi
điều gian trá bất nhân. Bằng không chúng ta sẽ khó lòng leo lên tới được đỉnh
núi Taborê. Mà sợ còn gẫy gánh dọc đường khi chỉ mới ngang lưng sườn núi vì bị
những cồng kềnh, lỉnh kỉnh đó đè bẹp chúng ta ngã quỵ.
Mừng
Kính Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung hàng năm, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm và sống
ý nghĩa của sự cần thiết ‘Hiển dung’ và ‘biến đổi’ cuộc sống hàng ngày của
chúng ta nơi dương thế. Nghĩa là, Chúa thách đố chúng ta ‘biến hình’ để rồi được
‘hiển dung’ với Chúa trên Núi Thánh. Ước chi mỗi người chúng ta luôn biết cố gắng
thanh luyện và biến đổi đời sống của chúng ta nên tươi tốt và đẹp đẽ hơn trong
mọi hoàn cảnh. Ðồng thời trút bỏ mọi cồng kềnh và lỉnh kỉnh vô ích hầu chúng ta
có thể nhẹ nhõm bước đi và lên đến đỉnh Núi Thánh trên Nước Chúa Vĩnh Hằng.
*******
Lạy Chúa,
Chúa mời gọi chúng con nâng tâm hồn lên để được nên một với Chúa trong ánh sáng
thần linh, đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng con dấn thân vào cuộc sống để sống
trọn kiếp lữ hành trần thế trong ý Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe
và thực thi ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, với niềm hy vọng cuộc hiển
dung cuối cùng trong vương quốc hằng sống của Chúa. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét