Translate

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG


Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ. (Mc 12, 33)

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một tiến sĩ luật của Do Thái đến hỏi Chúa Giêsu về điều răn quan trọng nhất. Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp về giới răn nào trong thập điều, nhưng đưa ra hai điều gồm tóm tất cả mọi lề luật. Đó là mến Chúa và yêu người.

Thập điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…) là 3 điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và 7 điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY. Thế nhưng, Chúa Giêsu không chỉ gồm tóm thập điều thành hai điều căn bản mà còn nâng giới luật yêu thương lên tầm quan trọng ngang hàng với việc kính Chúa là:

1. Yêu mến Thiên Chúa HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN và HẾT TRÍ KHÔN.
- Hết lòng: Nghĩa là với cả cái tâm của mình, với cả trái tim của mình, nghĩa là với cả ý chí và tự do.
- Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong cầu nguyện tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những bổn phận trong bổn đạo.
- Hết trí khôn: Với cả tri thức và ý thức trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.
Như vậy, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.

 2. Yêu thương kẻ khác NHƯ CHÍNH MÌNH ngươi.
- Yêu như chính mình là gì? Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con KHÔNG MUỐN kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giêsu dạy theo hướng tích cực: “Điều con MUỐN người khác làm cho mình thì HÃY LÀM cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).

TÓM LẠI: Mến Chúa và yêu người là hai tương quan của một nhân vị, vừa mang chiều kích tôn giáo vừa mang chiều kích xã hội. Con người sống tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tương quan hàng ngang với tha nhân. Kitô hữu sống mầu nhiệm đức ái bao gồm hai chiều kích này không thể tách rời nhau: Không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người, chính thánh Gioan Tông Đồ cũng đã khẳng định điều đó.

********


Lạy Chúa, xin cho con luôn thấy Chúa hiện diện nơi mọi người chúng con gặp gỡ, để khi thực thi đức bác ái yêu thương với đồng loại, chúng con biết rằng, chúng con đang làm vì lòng yêu mến Chúa và có sức cứu độ các linh hồn. Amen.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

THIÊN CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG


Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. (Mc 12, 27)

Hôm nay nhóm Sa-đốc đến hỏi Chúa Giê-su. Họ trích đoạn Thánh Kinh trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 25,5): “Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình”. Rồi bịa ra một câu chuyện “sát phu” là có bảy người anh em trai thay thế nhau lấy một cô gái, nhưng “tướng sát phu” của cô này làm chết cả, cuối cùng cô ta cũng chết. Vậy khi sống lại, cô ta là vợ của ai trong bảy người kia? Và câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta biết trật tự, cách tổ chức, sinh hoạt, cách thế hiện hữu trong cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải lấy vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su nhắc đến đời sống đến thiên thần, nghĩa là bậc mà lẽ sống là thờ lạy, chúc tụng và vâng lời Thiên Chúa. Ở đời sau con người sẽ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và quy hướng về Người. Và theo quan niệm Do Thái, sự sống của Thiên Chúa và con cái Người thì khác; còn sự sống của loài người và con cái thế gian thì khác. Một đàng vĩnh cửu nên không cần truyền sinh, đàng kia vắn vỏi nên cần cưới vợ lấy chồng. Những kẻ có phần trong sự sống lại này “sẽ giống như các thiên thần”, không phải về mọi phương diện mà về trạng thái bất tử của họ. Trong một ý nghĩa rộng rãi hơn, họ sẽ là “con cái Thiên Chúa” và là “con cái của sự sống lại, vì sự chết đã mất uy lực trên họ.”

 *******

Lạy Chúa, xin cho chúng con khao khát đời sống vĩnh cửu, để chúng con biết lo giữ mình trong sạch, sống phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, ngày đêm ca ngợi Chúa và sống dưới sự hiện diện của Chúa như các thiên thần. Nhờ đó, chúng con đã nếm hưởng niềm vui thiên quốc ngay ở cuộc sống trần gian này.

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

TRAO BAN VÀ PHỤC VỤ NHƯ MẸ MARIA


Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần. (Lc 1, 41)

Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vui, trao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.

Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương. Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng.

Tóm lại, qua biến cố Đức Maria thăm viếng bà Êlizabeth, Chúa muốn dạy chúng ta sống tinh thần của Mẹ Maria là sống trong ơn nghĩa của một tâm hồn đầy Chúa, cưu mang Chúa trong trái tim mình, để rồi mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân. Đặc biệt cụ thể hoá việc làm chứng cho Chúa qua chính đời sống phục vụ.

 ********


Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm tin phó thác, để chúng con biết xin vâng như Mẹ; xin cũng tăng thêm cho chúng con đức ái, để chúng con biết sống trao ban và phục vụ như Mẹ. Nhờ đó, cùng với Mẹ Maria, chúng con xứng đáng là những người con thảo của Cha trên trời. Amen.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA


Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta! (Mc 12, 11b)

Dụ ngôn “các tá điền gian ác” mỗi lần được đọc lên thì có lẽ ai cũng hiểu ngay là Chúa Giê-su ám chỉ đến những nhà lãnh đạo Do-thái đã muốn tiếm quyền của Chúa trên dân Israel và đã ra tay giết các ngôn sứ mà Chúa đã gửi đến cảnh tỉnh họ, nhất là đã đóng đinh giết chết chính Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa. Để rồi, Nước Thiên Chúa đã được dành cho ai biết sinh lợi cho Chúa. Chính vì thế, Lời Chúa trong dụ ngôn “tá điền sát nhân” vẫn luôn thức thời và mời gọi cách riêng những đấng bậc trong Giáo hội từ cấp giáo hội địa phương đến các cộng đoàn giáo xứ hay tu trì luôn phải ý thức vai trò và cách thức mình đang phục vụ, có hợp với đường lối Chúa muốn hay không. Thế nhưng, lắm khi chúng ta đã coi thường tiếng nói của lương tâm, phớt lờ những lời dạy dỗ và sửa đổi của những người có trách nhiệm, bỏ qua lề luật Chúa và Hội Thánh, hững hờ với việc nghe Lời Chúa, và cuối cùng là “giết chết” Chúa Giê-su hiện diện trong tâm hồn – bỏ đạo và hư đi đời đời… Lời Chúa còn mời gọi mỗi người luôn ý thức về mình để biết trông giữ tâm hồn và làm sinh lợi cho sự nghiệp nước Chúa.

Người làm vườn làm không đạt mà còn quậy thì đương nhiên ông chủ sa thải và giao vườn cho những người khác làm tốt hơn. Cũng thế, khi Nước Thiên Chúa được trao cho cộng đoàn hay cá nhân mà không biết làm phát triển và sinh hoa kết quả cho Chúa, thì việc bị cất đi và dành cho dân tộc hay cá nhân xứng đáng hơn âu cũng là điều phải lẽ. chức năng của cành nho không phải là trơ trụi hoặc ra lá, mà là phải sinh hoa trái, sinh hoa trái tốt chứ không phải hoa trái xấu, nếu không thì phải bị cắt bỏ để khỏi làm tổn hại đến cây và các cành khác. Lại nữa, như vườn nho vẫn hút nhựa sống từ “đất”, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo.Việc yêu mến Thiên Chúa thật tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.

Thật vậy, Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi. Chúa ban cho chúng ta niềm tin, cần sự thanh luyện và trau dồi để niềm tin lớn lên, nếu không, vì không sống niềm tin thì một ngày nào đó, chính niềm tin ban đầu cũng sẽ nguội lạnh và mất đi…


*****

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

BÁNH HẰNG SỐNG


Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.  (Lc 9, 16)

Liền sau Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo hội cho chúng ta cử hành Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô, như là một lời khẳng định về Bánh Hằng Sống, bởi từ lương thực thiêng liêng này mà con người mới có sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự sống thần linh, sự sống vĩnh cửu.  Hành động của Chúa Giêsu trong sự kiện hóa bánh ra nhiều bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.

Tuy nhiên, Chúa Giê-su không muốn chúng ta chỉ lo nuôi cái xác mà còn quan tâm đến cái hồn, không dừng lại ở của ăn vật chất mà còn phải hướng đến lương thực đem lại sự sống vĩnh cửu. Nghĩa là, cần phải ăn Bánh Trường Sinh chính là Thánh Thể Người. Thật vậy, Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho tín hữu sự sống ấy nhờ họ ăn Mình Người, họ cũng được thông phần cuộc sống đời đời. Lại nữa, Chúa Giêsu dùng hỉnh ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Kitô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giêsu thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Kitô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.

*******


Lạy Chúa Giêsu, mắt phàm chúng con không thể nhận ra Chúa nơi tấm bánh, nhưng đức tin Chúa ban cho chúng con nhận ra bánh miến và rượu nho được dâng trên bàn thờ chính là Thịt và Máu Chúa đã hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con một niềm tin kiên vững, để không bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa mà thoái lui xa lìa Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

QUYỀN RAO GIẢNG TIN MỪNG


Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.” (Mc 11, 33)

Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc “nhà cầm quyền tôn giáo” đến đòi kiểm tra “giấy phép hoạt động rao giảng Tin Mừng” của Đức Giêsu. Tiếc cho họ là bị Đức Giêsu bẻ lại một câu hỏi về phép rửa của Gioan Tiền Hô làm họ tiến thoái lưỡng nan rồi bỏ cuộc. Qua sự kiện này, chúng ta đi tìm bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta về quyền rao giảng Tin Mừng không dành cho riêng ai, mà mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ đem Lời Chúa đến cho người khác tuỳ theo bậc sống của mình. Và chính sự “đòi giấy phép” để rồi làm thui chột đi những sáng kiến truyền giáo và cản trở việc mở rộng Nước Chúa. Và đôi khi, sự cản trở lại đến từ chính các đấng các bậc bề trên của mình, vì những lý do quyền bính và lợi lộc, hơn là vì lý do Hiệp Nhất.

Ngày nay không thiếu những vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế, mà không ngược với đức tin Kitô Giáo. Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau. Là người con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân. Tóm lại, là Kitô hữu, chúng ta có quyền lợi và nghĩa vụ đem Chúa đến cho mọi người, thực thi nghĩa vụ truyền giáo trong bậc sống của mình, từ vai trò ngôn sứ cộng động đến vai trò ngôn sứ thừa tác. Tất cả cho vinh quang sự nghiệp Nước Chúa và Tin Mừng được loan báo, chứ không phải vì vinh quang và chỗ đứng cá nhân.

*******


Lạy Chúa! Khi lãnh Bí Tích Thanh Tẩy, chúng con đã nhận lấy sứ vụ ngôn sứ là rao giảng Tin Mừng, xin cho chúng con ý thức sứ vụ cao cả này, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận tiện hay không thuận tiện, chúng con vẫn làm chứng cho sự hiện diện của Chúa giữa trần gian. Amen.

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

HÃY TIN VÀ SỐNG TRONG CHÚA


Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.  (Mc 11, 24)

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô ghi lại cách tóm tắt nhiều sự kiện và lời dạy của Chúa Giê-su: Người nguyền rủa cây vả không sinh trái, xua đuổi quân buôn ra khỏi đền thờ, giáo huấn về sức mạnh của niềm tin, giá trị của lời cầu nguyện và lời mời gọi sống tha thứ để được thứ tha. Qua những sự kiện và lời giáo huấn của Chúa Giê-su, chúng ta cùng suy tư ba điểm:

1. Tôn trọng nơi thánh thiêng:
Chúa Giêsu nhìn thấy cảnh lộn xộn của quân buôn và ô uế của súc vật, vì lòng nhiệt thành, Người đã xua đuổi chúng và nói: “Đừng biến nhà Cha Ta thành chợ búa”. Sự kiện này là bài học cho chúng ta, chúng ta ý thức đền thờ là nơi thánh không? Chúng ta có những chiếm dụng trái phép của thánh không? Chúng ta đã thật sự giữ trang nghiêm khi bước vào nhà thờ? Chúng ta có dành riêng nơi thánh để chỉ làm việc thờ phượng Chúa, hay là dễ dàng dùng nhà thờ để tổ chức những sinh hoạt khác không thích hợp?

2. Sức mạnh của niềm tin
Chúa Giêsu nói: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép, bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”. Nhưng Người muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình. Và nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường.

3. Tha thứ để được thứ tha
Chính Chúa Giêsu trên thập giá đã kêu xin Chúa Cha tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…”

*********

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tôn trọng nơi thánh, dám sống những gì chúng con tin và luôn quảng đại sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng con, để nhơ đó, chúng con xứng đáng là con cái Cha trên trời. Amen.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

ĐỨC TIN CHỮA LÀNH MỌI VẾT THƯƠNG


Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” (Mc 10, 51)

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một anh mù được Chúa Giêsu thương chữa lành, nhờ lời kêu xin khẩn thiết và lòng tin của anh ta. Bài Tin Mừng còn nói đến một đám đông, đám đông ban đầu là những người giúp anh mù biết được có Chúa Giêsu đi qua, nhưng cũng chính đám đông đó quát mắng bắt anh im lặng và ngăn cản anh gặp Chúa. Tuy nhiên, lời kêu xin của anh mù vượt qua mọi rào cản, và càng bị ngăn cấm anh càng kêu xin lớn tiếng hơn, cho thấy lòng khao khát được gặp Chúa và được chữa lành.

Như vậy:
• Trong cuộc sống, đôi khi có những người bảo cho ta biết có Chúa, nhưng cũng chính họ cản bước chúng ta đến với Người, qua lời nói và hành động của họ.

• Nhưng dù thuận tiện hay không thuận tiện, để được gặp Chúa và được Chúa chữa lành bệnh tật thể xác hay tâm hồn, chúng ta cần phải có một sự khao khát mãnh liệt, dám vượt qua mọi chướng ngại, mọi khó khăn để đến với Chúa và hết lòng kêu xin Người.

• Có thể chúng ta cũng như đám đông kia, tuy chúng ta sáng mắt, nhưng con mắt tâm linh chúng ta mù tối. Không thấy Chúa hiện diện trong Thánh Thể, trong các Bí Tích, trong tha nhân và trong mọi biến cố của cuộc sống. Đến với anh em, chúng ta chỉ nhìn thấy toàn những sự thấp hèn nhân loại mà không thấy Chúa hoạt động trong họ. Đôi mắt tâm hồn chúng ta vẫn mù nên không thấy được những lần Chúa đi qua đời ta trong những biến cố của cuộc đời.

Vậy, hãy như anh mù trong Tin Mừng, chúng ta cầu xin Chúa cho con mắt đức tin chúng ta được sáng, để chúng ta thấy Chúa hiện diện khắp mọi nơi. Thật vậy:

* Nhờ đức tin mà chúng ta được chữa lành mọi vết thương thiêng liêng trong tâm hồn, và cũng nhờ đức tin mà chúng ta có thể vượt thắng những bệnh tật thể xác.

* Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường.

********

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con và xin mở con mắt tâm hồn đang mù lòa của chúng con, để chúng con nhận ra Chúa nơi mọi người, để sống tình tương thân tương ái với họ, hầu giúp nhau gặp được Chúa. Amen.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

MUỐN LÀM LỚN THÌ PHẢI PHỤC VỤ


Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mc 10, 43-45)

Tin Mừng tiếp tục kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giê-bê-đê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Thật ra, không phải để nói xấu quý ngài mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi thành thánh nhân bằng con đường phục vụ và hiến mạng sống mình vì Chúa và tha nhân như thánh Gia-cô-bê và Gio-an.

Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hy sinh. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra điều kiện để vào Nước Trời trước đã: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chén Thầy sắp uống chính là con đường thập giá và hy sinh để cứu độ. Kế đến Người mới đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị.

Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này. Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hy sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

*******

Lạy Chúa Giêsu, là những môn đệ được mời Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hy sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen.

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

PHẦN THƯỞNG CHO NGƯỜI DÁM TỪ BỎ.


Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu. (Mc 10, 31)

Các môn đệ nghe Chúa Giêsu nói việc vào nước Thiên Chúa thật khó, nên Phêrô phải đại diện cho nhóm hỏi thật với Chúa: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” Khi nói tới hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cộng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày. Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần. Phần thưởng sự sống đời đời mai sau là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của sự sống hạnh phúc đời sau.

Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì việc bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa xem ra không bình thường, thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền giáo dục gia đình nữa. Thực ra, phải hiểu là Chúa Giêsu mời gọi chúng ta luôn biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, những điều khác là thứ yếu. Những gì ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giêsu không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc để rồi khước từ Nước Thiên Chúa. Ngoài ra, với câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa. Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa.

*******


Lạy Chúa, trong hành trình bước theo Chúa, chúng con chấp nhận những mất mát đau thương vì sự từ bỏ. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng, chỉ có Chúa là trên hết và là gia nghiệp đời đời cho chúng con, để dù sống giữa thế sự thăng trầm chúng con vẫn luôn vững bước. Amen

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

NGƯỜI GIÀU KHÓ VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA


Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa. (Mc 10, 25)

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một chàng trai trẻ đạo đức truyền thống nhưng lại hơi tham của. Anh giữ luật lệ đàng hoàng, nhưng lại thiếu đi lòng bác ái để sống trao ban; anh muốn được trở nên hoàn thiện, nhưng ước muốn ấy đã bị của cải vật chất ngăn cản.

Nhìn lại cuộc sống của người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay, xem ra anh ta quả là một người đạo hạnh, vì tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa từ lúc còn nhỏ. Thái độ sống của anh khiến chúng ta phải kính nể, bởi thật là khó để sống được như thế. Do đó, ước muốn trở nên hoàn thiện của anh là một điều chính đáng. Tuy nhiên, khát vọng trở nên hoàn thiện không chỉ là những điều phải tuân giữ như anh ta nghĩ, mà còn phải thể hiện một cách mạnh mẽ hơn và triệt để hơn, đó là dám đánh đổi tất cả để được sự hoàn thiện ấy. Chúa Giêsu đã “đánh” vào điểm yếu của người thanh niên, khi Ngài đưa ra một cuộc “trao đổi” cho anh: bán tất cả tài sản để có một kho tàng khác; đổi cả một gia tài cả đời dành dụm để được một sự hoàn thiện, và đổi cái có trong tay để lấy cái không thấy được. Kết quả, anh ta đã không dám đánh đổi. Anh đành rút lui. Vâng, tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được sự thánh thiện.

Là Kitô hữu, chúng ta chỉ chăm chăm giữ những điều luật mà thôi chưa đủ, vì như thế chỉ là mang tính hình thức và tiêu cực, và tự bản chất giữ luật như thế chỉ nhằm cho xong bổn phận. Trong khi để đạt tới sự hoàn thiện cần có ơn Chúa, và trên hết cần giữ luật với một lòng mến Chúa và thương yêu tha nhân thật lòng thì mới xứng đáng đạt tới sự hoàn thiện. Bởi vì nếu chúng ta ăn chay, đi lễ, đọc kinh nhiều… mà chúng ta không quan tâm chia sẻ với những anh em bất hạnh, thì mọi sự chỉ là hư không. Cách riêng đối với những ai sống đời thánh hiến, việc chọn đời tu để nên hoàn thiện, đòi hỏi một sự dứt khoát từ bỏ của cải vật chất để được siêu thoát khỏi mọi vướng bận để được hoàn toàn cho Chúa qua lời khấn khó nghèo. Đó cũng là điều mà bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở mọi anh chị em tu sĩ ý thức mỗi ngày về điều mình đã chọn.

********

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng, khi chọn bước theo Chúa trong ơn gọi làm Kitô hữu, chúng con không chỉ lo tuân giữ những điều luật bắt buộc, mà còn biết dùng những của cải vật chất Chúa ban mà san sẻ cho nhưng anh chị em thiếu may mắn, để chúng con được nên hoàn thiện như lòng Chúa ước mong. Amen

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

MẦU NHIỆM BA NGÔI


Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.  (Ga 16, 12)

Hôm nay Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Nghĩa là, dù tình thương của Chúa Giê-su muốn trao ban tất cả những gì Ngài có cho các môn đệ, nhưng với khả năng, sức lực, tâm hồn và trí khôn của các môn đệ còn giới hạn trước những thực tại thiêng liêng. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần đến, tiếp tục huấn luyện và khai mở dần dần cho các môn đệ và những người kế tục các ngài. Như vậy, mặc khải là bởi Thiên Chúa chứ không phải tự trí khôn con người có thể tri thức được, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho trí khôn lãnh hội được dễ dàng hơn các mặc khải, cũng như Chúa Thánh Thần tác động để tâm hồn cảm nghiệm được các chiều kích của mầu nhiệm Thiên Chúa.

Tuy nhiên, không phải Chúa Thánh Thần đến đem thêm một mặc khải hay một chân lý mới – vì Chúa Giê-su đã là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa – nhưng như lời Chúa Giê-su nói: “Thánh Thần sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,14-15). Nghĩa là Chúa Thánh Thần làm cho tín hữu càng ngày càng hiểu biết Thiên Chúa hơn, và trải qua thời gian, ngày càng khám phá ra nhiều điều mới mẻ từ nơi Thiên Chúa, mà ngay từ buổi đầu các môn đệ chưa thấu hiểu hết được. Chân lý về Thiên Chúa chỉ là một, nhưng mọi chiều kích dài rộng cao sâu và khôn dò khôn thấu chỉ được hiểu biết trải qua từng thời đại, tùy ơn Chúa Thánh Thần ban cho. Đó là vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Tóm lại, mầu nhiệm về Thiên Chúa được mặc khải cho con người tùy theo khả năng Chúa Thánh Thần ban cho, và mầu nhiệm đó được thấu tỏ qua thời gian để Giáo Hội càng thêm phong phú…

 **********

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến ban cho chúng con trí khôn ngoan và sức mạnh, để chúng con đủ sức đón nhận và thông hiểu mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa, hầu chúng con thêm lòng mộ mến Chúa và rao giảng cho những ai chưa nhận biết Người. Amen 

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

ĐỂ VÀO NƯỚC TRỜI


Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào. (Mc 10, 15)

Cám dỗ lớn nhất của con người là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…  Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện nhiều bà mẹ đem trẻ em đến để được Chúa Giêsu đặt tay chúc lành. Qua hình ảnh những trẻ thơ, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ bài học về tinh thần đón nhận Nước Thiên Chúa.

Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người. Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng. Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.

******

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con có tâm hồn đơn sơ trong trắng, để như những trẻ thơ vô tội, chúng con xứng đáng là những công dân Nước Trời, là nơi chỉ dành cho những ai đơn sơ bé mọn. Amen

NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU


Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. (Mc 10, 9)

Hôm nay khi người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không” - vì Chúa Giêsu biết họ có ý gài bẫy Người sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê - thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”.

“Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Chúa Giêsu: ông Môisê cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Môisê cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ. Như vậy, Chúa Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội Thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi.

 ******


Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và vị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen.

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

LÀM PHÚC VÀ GÂY CỚ VẤP PHẠM


Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (Mc 9, 42)

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra lời khích lệ cho những ai biết làm phúc cho đồng loại, đồng thời lên án gay gắt những kẻ gây cớ vấp phạm cho tha nhân.

Cái kết khủng khiếp của phận người là không thể mang được bất cứ một thứ của cải vật chất nào theo mình về thế giới bên kia, bởi tất cả sẽ ở lại sau cái chết. Thế nhưng con người cứ lo vun vén và giữ khư khư nó, giữ lại đến mức dư thừa mà không chia sẻ cho người đói khát bất hạnh, lo thu tích để rồi lúc chết đi phải để lại cho người khác tận hưởng. Họ không ý thức được rằng, chỉ có lòng bác ái và những gì chia sẻ cho tha nhân vì tình yêu thương thì sẽ theo họ về cõi vĩnh hằng. Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại ở việc cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này.

Mặt khác, Chúa Giêsu răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã vì đó là tiếp tay với ma quỉ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác. Vì thế, mọi người con Chúa cần phải cẩn trọng giữ mình, biết biện phân trước mọi thông tin và hình ảnh tốt xấu, biết tránh nên cớ vấp phạm cho tha nhân, và đặc biệt làm cho gương sáng và cái tốt được nhân rộng để lấn át bớt sự dữ đang hoành hành. Việc Chúa Giêsu nói cái gì trở nên dịp tội thì hãy lo cắt đi, chấp nhận mất một bộ phận mà tránh được hoả ngục. Ở đây không hiểu theo nghĩa đen là phải chặt tay móc mắt, vì nếu thế thì không còn ai toàn vẹn vì bản năng yếu đuối của con người. Điều Chúa muốn nói ở đây là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phải cất đi và xa lánh những nguy cơ có thể đẩy chúng ta đến phạm tội, dù phải chấp nhận phần thiệt về mình, như lánh xa những ấn phẩm đen, không đến những nơi chốn không thích hợp, tránh dùng những thức uống làm mình mất kiểm soát…

********

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con ý thức về tinh thần bác ái Kitô Giáo mà luôn sẵn lòng đóng góp phần mình trong khả năng có thể, để giúp đỡ những ai nghèo khổ và bất hạnh. Xin cũng cho chúng con biết xa lánh những dịp tội, cũng như không làm cớ cho ai vấp phạm mà xa lìa danh Chúa. Amen.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

HÃY NÊN HOÀN THIỆN NHƯ CHA TRÊN TRỜI


Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. (Mc 9, 40)

Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn, kể chuyện môn đệ Gioan đến báo cáo với Chúa Giêsu là có người dám nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhưng Chúa không hề lọai trừ ai, Người kêu gọi hết mọi người hãy trở nên hoàn thiện như Cha ngự trên trời. Việc nhân danh Chúa để xua trừ ma quỷ và cứu giúp người luôn luôn là việc tốt. Thế nhưng, nếu dám nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta sẽ thấy ngay một thực tế là:

- Không thiếu vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế mà không ngược với đức tin Kitô Giáo.

- Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau.

- Đành rằng Giáo Hội là duy nhất và tông truyền rất cần đến cơ cấu phẩm trật, nhưng không vì thế mà làm hạn chế sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Chúa trao phó cho hết mọi người từ khi lãnh bí tích Rửa Tội. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho Chúa được vinh danh nơi bậc sống của mình.

Trong đời sống đạo của con người hôm nay, nhiều lúc chúng ta trở thành những người theo phái tách biệt, đó là coi rẻ người khác. Chúng ta chỉ muốn giữ đạo cho mình, cho nhóm nhỏ, đoàn thể của mình. . Chúng ta đã từng  nghĩ  chỉ những người như con, như trong nhóm con, theo cùng một sinh hoạt với chúng con, mới là tốt, mới là phải, mới là đạo đức. . Chúng ta cũng đã từng có hành vi ngăn cản, phê phán người khác khi thấy họ làm những điều thiện, điều tốt là sai lạc, như Gioan và các môn đệ của ông.


*****

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con nhiệt thành làm cho nước Chúa được lan rộng và danh Chúa được mọi người biết đến. Xin cũng đừng để chúng con vì những ghanh ghét phân bì hay đố kỵ mà làm gián đoạn công cuộc truyền giáo mà Chúa đã giao phó cho mọi người chúng con trong đấng bậc mình. Amen.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

THEO CHÚA LÀ HY SINH VÀ PHỤC VỤ


Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người. (Mc 9, 35)

Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ngài hỏi khéo Thầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài.Tuy nhiên, Chúa Giêsu không trả lời ai to ai nhỏ trong Nước Trời, mà chỉ đưa ra một “mẫu người” sẽ trở thành lớn nhất trong Nước Trời đó là nên như trẻ nhỏ, và Ngài nhấn mạnh rằng: “AI MUỐN LÀM LỚN THÌ PHẢI CÓ TỰ HẠ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ”. Thật vậy, mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hy sinh phục vụ.

Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hy sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

*******


Lạy Chúa, xin ban cho mọi người chúng con có tinh thần đơn sơ và tấm lòng trong trắng như trẻ thơ, để chúng con đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu và hăng say phục vụ vô vị lợi. Để trong mọi sự Chúa được vinh danh nơi mọi người. Amen.

SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN


Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” (Mc 9, 29)

Hôm nay sau khi Chúa Giêsu và ba môn đệ thân tín vừa từ trên núi Tabo đi xuống, thì gặp ngay một đám đông đang nhao nhác vây quanh một em bé bị quỷ ám nằm lăn lộn trước sự bất lực và đau khổ của người cha tội nghiệp. Chúa Giêsu ngao ngán vì sự cứng lòng tin của mọi người, nhưng Người cũng đã chữa lành cho đứa bé bị quỷ ám, và qua đó dạy cho họ biết về sức mạnh của lời cầu nguyện.

Thật vậy, người đương thời theo Chúa chỉ vì sự tò mò và niềm tin của họ chỉ dựa trên phép lạ, chứ không phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến thật sự. Họ quan niệm sai về vai trò Thiên Sai của Chúa, cụ thể là họ tụ tập chờ đợi Chúa chỉ vì được ăn no hoặc chỉ vì tò mò để được xem Chúa Giêsu trừ quỷ mà thôi. Và có lẽ, đáng buồn hơn là các môn đệ của Người đã thất bại trong việc trừ quỷ cho đứa bé, chỉ vì các ông đã lầm tưởng có thể dùng quyền trừ quỷ bằng sức riêng mình. Không ít người trong chúng ta cũng thế, khi thành công thì luôn nghĩ là do tài năng của mình mà quên Chúa, khi khó khăn hay đứng trước mưu ma chước quỷ lại dại dột dùng sức riêng mình để chống lại và rồi thất bại ê chề. Hôm nay Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta rằng, quỷ chỉ sợ lời cầu nguyện, vì khi cầu nguyện là chúng ta đang dùng lấy sức mạnh của Chúa Giêsu mà làm cho ma quỷ khiếp đảm.


*****


Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con một đức tin trưởng thành, để nhờ niềm tin tuyệt đối vào Chúa, chúng con đủ sức chống lại mọi mưu ma chước quỷ đang xâm nhập vào mọi vấn đề của cuộc sống hôm nay. Amen.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN


Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. (Ga 20, 23)

Công thức xá giải trong bí tích Giao Hòa được vị linh mục đọc như sau: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã dùng sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và BAN THÁNH THẦN ĐỂ THA TỘI…” Như thế, một trong những vai trò của Chúa Thánh Thần dành cho nhân loại chính là tha tội. Năng quyền tha tội này Chúa Giê-su đã ban cho các tông đồ - môn đệ và các đấng kế vị các ngài khi Người thổi hơi vào các môn đệ và bảo:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do-thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỷ trong khi trừ quỷ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết đức tin và luân lý.

Quyền này chỉ có nơi Chúa Giêsu, nhờ Thánh Thần, nhưng Người đã ban lại cho Giáo Hội qua quyền bính của các vị đại diện Người. Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô qua Giáo Hội của Người, bởi chỉ có Giáo Hội mới được mặc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Kitô (x.Mt 16,17). Theo nghĩa rộng, việc cầm giữ cũng là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa Tội giúp mọi Kitô hữu mở cửa bước vào kho tàng ân sủng của Chúa nơi các bí tích. Sự đóng hay mở phụ thuộc vào việc bác ái hay khép kín của lòng người. Ơn tha tội chỉ thực sự có được khi sự tha thứ luôn ngự trị trên mọi thành phần trong Giáo Hội.

 ******

Tóm lại, với bài Tin Mừng Gioan được đọc trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, Ki-tô hữu được mời gọi cầu nguyện và xây dựng sự hòa bình cho quê hương đất nước và thế giới. Và để có hòa bình mọi người cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa nhờ Thánh Thần của Người, từ đó mọi người cũng tha thứ cho nhau. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến ! Amen.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU


Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau. (Ga 15, 17)

Hôm nay, mừng lễ kính thánh Matthia tông đồ, chúng ta được nghe bài Tin Mừng về “điều răn mới” của Chúa Giêsu là hãy yêu thương nhau. Chúa Giêsu đã chọn yêu con người trong mức độ cao nhất là yêu cách nhưng không và chết đi cho người mình yêu, Người cũng mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như vậy, yêu như Thầy đã yêu, nghĩa là không so đo tính toán mà là tình yêu nhưng không và hy sinh cho nhau. Chúa Giêsu yêu chúng ta và hy sinh chính mình cho chúng ta, thì đến lượt chúng ta cũng biết hy sinh cho nhau. Và hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người?

Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thực là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán thiệt hơn, mà là YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU khi sẵn sàng hi sinh cả tính mạng vì bạn hữu.

*******


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu và yêu đến cùng khi trao ban đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, xin cho chúng con cũng biết yêu thương, hy sinh và trao ban cho nhau một cách không so đo tính toán, để chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa, là BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG CON. Amen