Translate

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

THIÊN CHÚA LUÔN YÊU THƯƠNG CỨU GIÚP CHÚNG TA


Bài Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện khá dài về việc Chúa Giêsu đến miền đất dân ngoại, trừ quỷ cho một người đàn ông tà thần ô uế ám và cho phép quỷ xuất nhập vào bầy heo… Không thiếu những người khi nghe bài Tin Mừng này có suy nghĩ tiêu cực về việc Chúa Giêsu cho phép một điều làm tổn hại rất lớn đến kinh tế của người chăn nuôi. Thật ra, người Do-thái coi heo là loài ô uế nhất, cấm ăn thịt heo, ăn thịt heo là bị nhiễm uế, nghề chăn heo là nghề xấu xa tội lỗi. Người bị quỷ ám kia cũng được gọi là do “thần ô uế” ám. Dân ngoại và vùng đất của họ bị người Do-thái coi như là miền đất của sự chúc dữ, của chết chóc và của sự ô uế, chỉ xứng với loài heo. Chính vì thế, ý nghĩa của việc chữa lành của Chúa Giêsu là nói lên việc Chúa Giêsu không xa lánh mà dấn thân vào nơi được coi là xấu xa nhất để cứu con người, Người đến tận cùng của sự uế nhơ tội lỗi và sào huyệt của ma quỷ để kéo con người ra khỏi đó. Một ý nghĩa rất quan trọng nữa là một mình Chúa Giêsu đối diện với cả một “cơ binh quỷ dữ” để giành lấy một con người.

 Chúa Giêsu không chỉ kéo một con người ra khỏi tội lỗi và đời sống xấu xa, mà còn nhấn chìm tận căn cả bè lũ sa tan cùng với sự ô uế tội lỗi, mà với chuyện cả gần hai ngàn con heo từ “trên núi” lao “xuống biển” chết sạch là một biểu tượng. Cả đàn heo đã lao từ trên núi xuống biển chết đuối nói lên ý nghĩa: Núi trong quan niệm Thánh Kinh của Do-thái là nơi hiện diện của thần linh và sự thánh thiện; biển là nơi ẩn náu của ma quỷ xấu xa tội lỗi. Chúa Giêsu đã tống xuống biển cả và dìm chết ma quỷ và sự ô uế, đòi lại chủ quyền cho Thiên Chúa, lấy lại sự thánh thiện và đời sống thiêng liêng trong sạch cho con người.

Như vậy, trước ánh sáng thần hoá của Thiên Chúa thì mọi thứ nhơ uế bị quét sạch; có Chúa Giêsu ngự trong con người thì quỷ ma không thể làm gì được. Chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta đang được ở trên “núi thánh” của Chúa, chúng ta hãy năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để Ngài xua đuổi “bầy heo ma quỷ” ra khỏi tâm hồn chúng ta.

********


Lạy Chúa, xin hãy đến trên mỗi tâm hồn chúng con, để xua trừ tà thần ô uế là những đam mê thú tính ra khỏi chúng con. Và khi đã được Chúa chữa lành mọi thương tích tâm hồn, xin cho chúng con cũng biết bước theo Chúa, ca ngợi và rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa cho tha nhân. Amen.

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

HÃY KHIÊM TỐN ĐÓN NHẬN CHÚA


Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. (Lc 4, 25)

Bài Tin Mừng Chúa nhật IV Thường Niên (năm C) hôm nay, là câu chuyện Chúa Giê-su về thăm quê. Sau khi được xức dầu Thánh Thần và lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cùng với một số thành công nhất định ở Ga-li-lê, Đức Giê-su về thăm gia đình và nhân tiện cũng “ra mắt quê hương” bằng việc vào hội đường đọc Sách Thánh và giảng một bài trọng thể, cuốn hút và hấp dẫn, làm cho mọi người trầm trồ khen ngợi. Thế nhưng, trong khi thán phục với sự cao cả của Lời rao giảng có uy quyền, thì liền sau đó lại bị sự thành kiến làm ngăn cản những người quê hương nhận ra Đấng đang nói với họ chính là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi.

Người Do-thái ở Na-da-rét tự hào biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giêsu và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin vì sự thành kiến và ganh tỵ. Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường.

Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh… Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Ngài thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác. Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Ngài không? Có đến viếng Thánh Thể không?


******


Lạy Chúa! Xin cho chúng con, nếu có phải nếm trải những sự thành kiến, kỳ thị và ghen ghét mà Chúa đã từng trải qua, thì cũng biết vui vẻ khiêm tốn đón nhận, để trong tất cả mọi sự Chúa được vinh danh. Amen.

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

HÃY LUÔN SỐNG TÍN THÁC VÀO SỰ QUAN PHÒNG CỦA CHÚA


Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”  Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. (Mc 4, 39)

Câu chuyện thầy trò Chúa Giêsu và các môn đệ vượt biển đã gặp phải cuồng phong đe dọa trong Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta hình ảnh một Đức Giêsu Con Thiên Chúa đầy quyền năng trừ phong dẹp vũ, trong một con người Giêsu mệt mỏi nằm ngủ trên thuyền sau một ngày làm việc vất vả. Và khi đối mặt với mọi hình thức sự dữ đang tấn công con người trong các trận cuồng phong nó gây nên, đôi khi chúng ta tự hỏi: Phải chăng Thiên Chúa đang ngủ?

Thật vậy, cảm nhận của con người giữa biển đời lắm khi như Thiên Chúa ẩn mình hay vắng bóng. Và rồi giữa phong ba bão tố cuộc đời, con người lựa chọn đương đầu ít nhất với 3 cách:

- Dùng sức mình để vật lộn với sóng gió để rồi thất bại tuyệt vọng,

- Chạy đến với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc nên không bao giờ sợ hãi,

- Gặp khi khó khăn mới chạy đến kêu cứu Chúa, nghĩa là coi Chúa chỉ như một phương thế giải quyết tức thời, mà thiếu đi đức tin thật sự và lòng yêu mến nồng nàn.

Trường hợp thứ ba này là trường hợp của dân Do-thái xưa, sách Xuất Hành và đặc biệt là sách Thủ Lãnh là một câu chuyện lặp đi lặp lại khi dân bị quân thù ức hiếp thì kêu cứu Chúa, Chúa giải cứu rồi lại tiếp tục phản nghịch Ngài… Và có thể nói, đây cũng là cách sống và giữ đạo của không ít người trong chúng ta ngày nay. Khi an vui hạnh phúc chúng ta quên mất sự hiện diện của Thiên Chúa, đến khi gặp khó khăn thất bại mới tìm về cầu cứu Chúa. Sống đạo như thế là hời hợt, thiếu niềm tin đích thật và thiếu lòng lòng mến Chúa Giêsu. Cũng không thiếu những người ỷ lại vào khả năng mình mà thiếu đi lòng tín thác vào Chúa nên khi gặp sóng gió đã dễ ngã lòng kêu trách Người.

*******


Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con luôn tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trên con thuyền cuộc đời chúng con giữa biển đời sóng gió. Để chúng con không bao giờ nao núng vì Chúa đã chiến thắng nên chúng con cũng sẽ chung phần chiến thắng và cập bến Nước Trời. Amen.

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

HÃY LÀM CHO NƯỚC CHÚA NGÀY CÀNG LỚN LÊN


Đức Giê-su nói: Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. (Mc 4, 26-27)

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Chân lý Nước Trời – tức là bản chất Hội Thánh phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Đó là nội dung của dụ ngôn hạt giống âm thầm lớn lên mà Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: Nước Trời ban đầu thật bé nhỏ trên dưới vài chục người với Chúa Giêsu và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội Thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời, và mọi thành viên trong “Nước Trời” là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh. Xét về phương diện cá nhân, chính mỗi người chúng ta cũng phải lớn lên trong Đức Tin, trong Thánh Thần và trong đời sống đạo, từ đó làm cho Hội Thánh từ địa phương đến hoàn vũ cũng được lớn lên. Tóm lại: Nước Trời được ví như Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập, là một sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn. Hội Thánh đó hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới.

 *******


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Amen.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

HÃY LÀM CHO HẠT GIỐNG ĐỨC TIN LỚN LÊN


Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất." (Mc 4, 25)

Như hạt giống phải được gieo xuống ruộng đất, lớn lên và sinh hoa trái, nếu không sẽ nó trơ trọi hoặc thối nát và mất đi. Cũng thế, hạt giống đức tin, tài năng và cơ hội Chúa ban cho mỗi người, cần được gieo vào giữa lòng đời, để lớn lên và sinh hoa trái. Đó là nội dung Chúa Giêsu dạy mỗi người qua bài Tin Mừng hôm nay:

-          Không ai đốt đèn mà lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế để mọi người thấy ánh sáng…Nghĩa là Đức Tin của chúng ta không phải “đạo tại tâm” giấu diếm, mà cần được toả sáng, để mọi người nhìn vào đó mà nhận ra Chúa. Niềm tin cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể của một người có đức tin. Khi làm điều gì, người có đức tin vào Chúa sẽ hành động dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và lý tưởng đời sau. Còn người không có đức tin thì làm mọi cách kể cả thủ đoạn để đạt được điều trước mắt mà thôi. Vẫn còn nhiều Kitô hữu, có khả năng nhưng lại rụt rè, đặt ngọn đèn đời mình dưới thùng. Nghĩa là họ không dám dấn thân vào đời, vì sợ nguy hiểm, vì thiếu tự tin hoặc vì hiểu sai thế nào là khiêm tốn thực sự.



-          Kẻ có được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi: nghĩa là Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi. Chúa ban cho chúng ta niềm tin, cần sự thanh luyện và trau dồi để niềm tin lớn lên. Nếu không, vì không sống niềm tin thì một ngày nào đó, chính niềm tin ban đầu cũng sẽ nguội lạnh và mất đi…

**********

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

HÃY LÀ ĐẤT TỐT CHO LỜI CHÚA PHÁT TRIỂN


Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm (Mc 4, 8)

Hôm nay Chúa Giêsu kể và chú giải dụ ngôn về “người gieo giống”, nhằm nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Người. Dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa có các môn đệ. Việc giải thích dụ ngôn nhấn mạnh đến tính chất khác biệt của các thửa đất và phẩm chất đón nhận hạt giống. Tin vào hiệu quả của Lời Chúa không được làm quên đi trách nhiệm của những kẻ nghe lời. Kết quả cụ thể của việc gieo hạt tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận.

- Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là thái độ thờ ơ trước Lời Chúa, và vì không quan tâm đến Lời Chúa thì quỷ thần sẽ chiếm giữ linh hồn họ.

- Kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay... Là hạng người nhiệt tình theo Đức Kitô khi mọi sự dễ dàng xuôi chảy, và bỏ Người khi khó khăn, thử thách, đau khổ, ngược đãi ập đến.

- Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt khiến Lời không sinh hoa kết quả gì... Đây là "người tín hữu không đạt đến sự chín muồi của đức tin"... Bởi vì người ấy bị tinh thần của thế gian giữ lại, bị bối cảnh vô tín xung quanh bao vây. Chúng ta cảm thấy rõ ràng đối với Chúa Giêsu đức tin là một công việc phát triển lâu dài, và phải chiến đấu chống lại mọi thứ trở ngại, chống lại những ảnh hưởng của thế gian chiếm quá nhiều chỗ trong đời sống.

- Cuối cùng kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục… Sinh hoa kết quả là điều mong ước mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện một đời sống tràn đầy, phong phú. Đối với Chúa Giêsu, điều kiện chủ yếu để đời sống chúng ta sinh hoa kết quả là Lời Thiên Chúa được lắng nghe và hiểu lâu dài.

Qua đó, Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giêsu cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên.

 *****

Lạy Chúa, xin làm cho tâm hồn mọi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

HÃY CÙNG CHÚA RAO GIẢNG TIN MỪNG


Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (Lc 10, 3)

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ ra đi truyền giáo: Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Tin Mừng hôm nay còn đặc biệt họa lên chân dung của một người môn đệ Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là: tinh thần khó nghèo, đem đến sự bình an, và làm cho triều đại Thiên Chúa được hiển trị ngay giữa thế gian này:

- Tinh thần khó nghèo: Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.

- Đem bình an đến cho mọi người: “Bình an cho nhà này”. Sứ điệp bình an cũng được các thiên thần hát lên khi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Và bây giờ, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, tiên vàn hãy đem bình an đến cho mọi người. Sự xuất hiện của các chứng nhân Tin Mừng là đem đến cho con người sự bình an đích thực của Chúa, phá tan những lo âu, chia rẽ và hận thù.

- Làm cho Nước Thiên Chúa đến gần.“Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến”. Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.

Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người chúng ta hôm nay cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng ta.

 *******


Lạy Chúa, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh gia đình chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, ngồi bên cạnh chúng con nơi học đường, làm với chúng con nơi công sở… còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI


Để có một người cộng tác vào một công việc đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa có nhiều cách chọn gọi và nhiều đối tượng được gọi khác nhau: Có những cách gọi bằng cách tác động từ nơi trái tim do lòng mộ mến hoặc, hoặc tác động lên ý thức tìm đến ơn gọi bằng sự nghiên cứu truy tầm về Thiên Chúa; cũng có cách gọi bằng cách làm cho nhiều lý do ngoại cảnh khác nhau tạo nên sự thích thú của đối tượng tìm đến ơn gọi (thậm chí có cả sự tiêu cực như thích được thế này thế kia…).

Trường hợp của thánh Phao-lô hôm nay là một trong những cách chọn gọi của Chúa, nhưng thật đặc biệt và lạ lùng. Thánh nhân được gọi bằng một cú sốc, bằng một cú “quật ngã” làm cho sáng mắt ra và chấp nhận quy phục đức tin. Sự trở lại của thánh Phao-lô có thể nói là “không thể tin được”. Thật vậy, đang ở chiến tuyến bên này, đùng một cái sang chiến tuyến bên kia và sống chết cho vị chỉ huy chiến tuyến mới này, nên cả trong đạo lẫn đời thời đó phải nghi ngờ. Chuyện lạ như thế thật khó tin, chỉ trừ khi đó là “một phép lạ”. Và phép lạ đó được bắt đầu từ  “biến cố té ngựa”. Qua biến cố ngã ngựa, Phao-lô đã “mở mắt ra” khi cái vảy rơi khỏi mắt, và ngài đã thấy được cái sai quá khứ, mà bước theo ý Chúa muốn mình phải làm gì trong tương lai. Chúng ta cũng thế, khi đang tưởng chừng như thành công với những toan tính danh vọng, rất cần một cú sốc và cần đến những “lần ngã ngựa” để mở mắt ra, thấy mình đã sai và mau mắn trở lại.

Và một khi đã được ơn trở lại, thánh Phao-lô đã để cho Chúa biến đổi nên Tông Đồ của Người và nhiệt thành làm chứng cho Chúa. Cũng thế, một khi chúng ta đã được Chúa gọi hay sau những vấp ngã, chúng ta biết đứng lên và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn và cộng tác với Chúa để loan báo lòng thương xót của Người.

 ********


Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con khi đã được Chúa mời gọi vào Giáo hội Chúa, thì cũng biết như thánh Phao-lô là hăng say làm chứng cho Chúa, để danh Chúa ngày càng được nhiều người nhận biết và tin theo. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

HÃY BIẾT YÊU MẾN VÀ LOAN TRUYỀN LỜI CHÚA


Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe. (Lc 4, 21)

Bài Tin Mừng này được coi là bản văn Khai Mạc Năm Thánh đầu tiên của Chúa Giêsu, khai mở một NĂM HỒNG ÂN, mà trong năm hồng ân này, Chúa Giêsu mở ra một kỷ nguyên mới của ơn cứu độ là:

Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn,

Giải thoát cho kẻ giam cầm,

Chữa lành mắt cho người mù,

Trả tự do cho người bị áp bức.

Và đặc biệt là “người tôi tớ” được xức dầu Thánh Thần và sai đi loan báo Tin Mừng.

Lời Chúa vừa hiện sinh nhưng cũng rất mầu nhiệm, vừa đơn giản nhưng cũng rất phong phú. Có thể nói, trong Lời Chúa mọi điều căn bản nhất cho đời người đều có, đều đúng cho mọi trường hợp và thích hợp cho mọi cảm nhận riêng tư nhất của từng người. Vì thế, mọi người chúng ta, khi đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức (chức tư tế cộng đồng), cùng với những mục tử qua Bí Tích Truyền Chức (chức tư tế thừa tác). Tất cả đều được Thần Khí Chúa sai đi loan báo Tin Mừng trong bổn phận riêng của mình, mà Tin Mừng đó là đem Chúa đến cho hết mọi người, nâng đỡ kẻ nghèo hèn, giải thoát cho người đang bị trói buộc trong tội lỗi, xoá tan hận thù chia rẽ chiến tranh… Và làm cho lời tiên báo của ngôn sứ Isaia mà Chúa Giêsu công bố được ứng nghiệm ngay ngày hôm nay. Chỉ tiếc là có nhiều bạn trẻ Công Giáo hôm nay, khi nói đến các minh tinh màn bạc hay ca sĩ “topten” thì trả lời “răm rắp”, nhưng hỏi đến các nhân vật Thánh Kinh thì trả lời “lắp bắp”. Những người như thế chắc chắn chưa dành cho Lời Chúa ưu tiên trong khoa học thánh mà Kitô hữu phải học và sống. Khi đánh mất sự mộ mến Lời Chúa thì Lời Chúa không còn là “bí tích” giúp ta sống cùng Chúa và tha nhân nữa.

******


Lạy Chúa! Xin cho Lời phát ra từ miệng Ngài, là lời được công bố Tin Mừng mỗi ngày, biến đổi, thánh hoá và cứu độ mọi người chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

THIÊN CHÚA ĐIÊN VÌ YÊU CHÚNG TA


Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà... Thân nhân Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí! (Mc 3,20-21)

Khi yêu, một vị vua cao sang quyền thế không ngần ngại quỳ xuống cầu hôn một cô thôn nữ quê mùa, một ông chủ sẵn sàng đánh đổi tất cả để được yêu một người nô lệ… và một Đức Giêsu là Chúa đã bỏ ngai vàng trời cao xuống kết thân với con người, đến nỗi phải hy sinh cả mạng sống cho người mình yêu. Tắt một lời, khi yêu làm người ta lắm khi như người mất trí, như NGƯỜI ĐIÊN.

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện thân nhân của Chúa Giêsu phải đi bắt Người về, vì nghĩ là Người bị “mất trí”. Chúa Giêsu như “điên” vì yêu nhân loại, hi sinh cho dân đặc biệt là cho các bệnh nhân, đến nỗi không còn thời giờ để ăn uống ngủ nghỉ. Cái “điên” của Chúa là tất cả cho con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống vì con người. Thánh Phaolô cũng đã nói về sự “điên rồ của thập giá”. Cũng như đôi tình nhân yêu nhau, họ cần đến sự gặp gỡ và hy sinh cho nhau, thì nếu Chúa Giêsu ở trên trời nói vọng xuống rằng “Ta yêu nhân loại” thì liệu có ai tin không? Ngài đã đến với con người, ở với con người và cuối cùng chết đi vì con người. Để rồi từ đó, rất nhiều những tâm hồn bước theo Chúa Giêsu và “điên vì Chúa”…

Có thể nói, bài Tin Mừng được đọc hôm nay có lẽ là ngắn nhất trong các bài đọc Phụng Vụ Thánh Lễ, vì chỉ có hai câu. Tuy nhiên, với hai câu ngắn gọn này, thánh sử Máccô đã làm toát lên được một cách đầy đủ về Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su dành cho con người, đó là yêu đến mức điên cuồng, yêu đến mức như mất trí, lo lắng giảng dạy và chữa lành cho con người đến mức không còn thời gian ăn uống và ngủ nghỉ. Tắt một lời, Chúa yêu con người hơn cả chính mình.

 *******


Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu, là biết hy sinh nhiều, không đắn đo tính toán, không chọn lựa, nhưng yêu cả con người, yêu cả đức hay tính dở của họ. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

HÃY RAO GIẢNG TIN MỪNG CỦA CHÚA


Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3, 14)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu lựa chọn các Tông Đồ, ban năng quyền cho các ngài và sai đi loan báo Tin Mừng. Thật vậy, trong Giáo Hội, việc được chọn làm công việc này, chức vụ nọ, là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Hội Thánh, chứ không phải cha truyền con nối hay mình tự ứng cử, vì thế luôn phải đặt ý Chúa lên trên hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa. Riêng với những ai được chọn, dù là Giáo Hoàng hay Giáo Lý Viên thì cũng đều phải cố gắng sống tốt hơn so với mặt bằng chung, xứng với địa vị của mình.

Nói cách khác, chủ đề Tin Mừng hôm nay: rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Thật vậy, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành. Do đó, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.

*******


Lạy Chúa Giêsu, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh gia đình chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, ngồi bên cạnh chúng con nơi học đường, làm với chúng con nơi công sở… còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

THIÊN CHÚA LUÔN YÊU THƯƠNG CHÚNG TA


Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. (Mc 3, 10)

Khác với các Tin Mừng khác, Tin Mừng Marco được coi là cô đọng nhất. Đặc biệt nhiều lần thánh Marco gom rất nhiều địa danh hoặc ý tưởng vào chung một sự kiện, mà đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một bằng chứng về điều đó. Mở đầu đoạn Tin Mừng, thánh nhân ghi lại việc dân tứ xứ đi theo Chúa Giêsu để được nghe giảng và được chữa lành. Dân chúng ở đây thuộc đủ mọi miền Đông Tây Nam Bắc đất nước Palestin, thuộc đủ các vùng đất cai trị của 3 tiểu vương con nhà Hêrôđê cai trị, từ thành thị đến miền quê.  Một hình ảnh rất đông người chen lấn để được động đến Chúa Giêsu, đến nỗi Chúa Giêsu phải cần một chiếc thuyền để ngồi mà giảng dạy.

Có lẽ thánh sử Marcô dùng hình ảnh “chiếc thuyền” nhấn mạnh đến ý nghĩa hơn là sự kiện. Chúa Giêsu cần một chiếc thuyền để ngồi lên đó mà giảng dạy, cũng như Chúa Giêsu cần một chiếc thuyền để ngồi lên đó mà đón nhận những ai đến để chữa lành cho họ. Như vậy, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được sự hữu ích của Lời Chúa là có sức quy tụ và hiệp nhất mọi người nên một với nhau. Đặc biệt, Ơn Cứu Độ của Chúa vẫn luôn tuôn trào qua Hội Thánh, và chữa lành mọi thương tích cho tâm hồn con người.


*******

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã sống một cuộc sống yêu thương để nêu gương cho chúng con. Chúa luôn cảm thông với nỗi bất hạnh của tha nhân. Chúa luôn thi thố tình thương cho những ai kêu cầu Chúa. Chúa còn ra lề luật của Chúa chính là tình thương. Tình thương là lẽ sống của Chúa cũng là căn tính của đời Kitô hữu chúng con. Xin giúp chúng con biết sống yêu thương như Chúa. Xin loại trừ nơi chúng con tính ghen ghét, lòng hận thù để chúng con sống với nhau trong sự hoà hợp thân thương. Xin khơi gợi nơi chúng con tình liên đới thay cho những cái nhìn thiển cận, hẹp hòi. Xin giúp chúng con biết sống bác ái với nhau trong tư tưởng, lời nói và hành động.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

HÃY GIỮ LUẬT VỚI LÒNG MẾN VÀ TÌNH YÊU


Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. (Mc 3,5)

Giới răn Sabat được giải thích từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Người nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thủy người ta nghỉ ngày thứ bảy (Sabat) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật Sabat được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật: chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.  Như thế, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ - kinh sư - biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế hại Người, nhưng Người vẫn không ngần ngại chữa lành cho người bị bại tay, và qua đó Người chất vấn họ “ngày Sa-bát nên làm điều lành hay làm điều dữ?”. Người đã ra tay làm điều lành trước mắt họ vì đối với Người luật yêu thương bác ái vượt trên tất cả mọi của lễ mà họ dâng. Thế nhưng, họ đã không chịu nhận ra mà còn giận điên lên và bàn nhau tìm cơ hội khác để giết Chúa Giêsu.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đi lễ cốt để nghe Lời Chúa hay là để tìm cớ lên án nhau? Ngày Chúa Nhật, chúng ta đã thực sự tìm kiếm việc lành, hay vẫn để mình buông theo những điều tội lỗi? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?


******


Lạy Chúa, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

HÃY BIẾT GIỮ LUẬT VÌ LÒNG YÊU MẾN CHÚA


Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. (Mc 2, 27)

Khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ - kinh sư - biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ. Trong Tin Mừng hôm nay, họ bắt bẻ Chúa Giêsu về luật sa-bát vì 3 lý do:
-          Người Pharisiêu chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.
-          Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.
-          Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.

 Còn chúng ta là người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế  bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:

-  Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?

-  Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

-  Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?

 *******


Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng biết giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và quảng đại với tha nhân, hơn là giữ lề luật chỉ vì luật mà lỗi đến đức bác ái công bình đối với tha nhân. Amen.

ĂN CHAY THẬT

Có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? “ (Mc 2, 18)

Ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do Thái Giáo. Họ có một cuộc“đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn vào các ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt Phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Từ đó, chúng ta có thể hiểu, những người thắc mắc về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay là ăn chay bởi sự nhiệt thành đạo đức. Và qua việc chất vấn của người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này, dạy chúng ta những bài học sau:

- Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giêsu về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.

- Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.

- Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của tôi. Chúa muốn tôi bước theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin mừng, thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giêsu, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ, khoan dung tha thứ…

 *******

Lạy Chúa! Chúa dạy chúng con biết hãm mình để chiến đấu chống lại chước ma quỷ cám dỗ, xin cho chúng con cũng luôn ý thức rằng việc ăn chay hãm mình trở thành phương thế đền tội và có công phúc trước mặt Chúa không hệ tại ở số lượng hay được ghi nhận từ người đời, mà là xuất phát từ tấm lòng chân thành cùng với tâm tình riêng tư giữa chúng con với Chúa. Amen

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

MẸ MARIA LÀ TRUNG GIAN CHUYỂN CẦU CÙNG THIÊN CHÚA


Hôm nay, Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng một phép lạ, nhưng điều đặc biệt là trong phép lạ này có một sự cảm thông và can thiệp của Đức Maria Thân Mẫu Người.  Sự cảm thông được diễn tả như đôi cánh của đức ái, là y tá săn sóc cho bệnh nhân ... Sự thông cảm còn tiên liệu trước cho những tâm trí chậm chạp, đó là thấy trước nhu cầu. Sự cảm thông là quảng đại tự bản chất, xuất phát từ một trái tim biết nhìn ra xung quanh. Chính sự cảm thông này là một nhân đức nổi bật nơi Đức Maria, với một trái tim mẫu tính quảng đại, Mẹ thấu hiểu trước những thiếu thốn của nhân loại và cảm thông trước những nỗi đau của nhân loại để khẩn cầu Đức Giêsu Con yêu dấu của Mẹ trợ giúp họ. Sự cảm thông với đôi tân hôn và chủ tiệc nơi tiệc cưới Cana là biểu trưng cho một sự cảm thông liên lỉ của Mẹ Thiên Chúa đối với những người con của Mẹ được sinh ra dưới chân thập giá Đức Kitô. Đức Maria không chỉ cảm thông với những ai chạy đến kêu xin Mẹ, mà còn đi bước trước cảm thông với những ai gặp đau khổ thiếu thốn cả khi họ chưa kịp cầu xin, tựa như việc Mẹ cảm thông với hoàn cảnh bi đát và quá tế nhị có thể làm mất danh dự của đôi tân hôn, và đã lo lắng cho họ trước khi họ xin được giúp đỡ.

Tóm lại, tường thuật tiệc cưới Cana trong Tin Mừng Gioan đã làm nổi bật hai đặc trưng của Đức Maria là lòng cảm thông trắc ẩn trước nhu cầu cũng như đau khổ của người khác, và vai trò trung gian chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho nhân loại và cách riêng cho các tâm hồn. Đây là tinh thần mà mọi thành phần dân Chúa phải mặc lấy. Đặc biệt giữa thế giới hôm nay, biết bao người đang chìm đắm trong đau khổ thể xác và lầm than tội lỗi, rất cần lòng cảm thông chia sẻ tình tương thân tương ái và nhiệt thành ra đi để giúp mọi người đón nhận Tin Mừng hầu được giải phóng khỏi lầm than tội lỗi. Đồng thời, các con cái Mẹ Maria hãy học lấy gương Người để ngày đêm cầu xin ơn Thiên Chúa thương xót và ban ơn cứu độ cho các tâm hồn và cho thế giới thoát cảnh chiến tranh và nghèo đói.

******


Lạy Chúa, Chúa đã trao cho nhân loại một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria, Đấng đầy lòng trắc ẩn, cảm thông với mọi nhu cầu của chúng con. Xin cho chúng con biết chạy đến với Mẹ, để được Mẹ che chở và cầu bầu cho chúng con trước mặt Chúa., hầu chúng con cũng biết sống cảm thông và chia sẻ với tha nhân. Amen.

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

HÃY NHANH CHÓNG BƯỚC THEO KHI CHÚA GỌI


Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17)

Bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa nhắc tới cách chọn gọi của Chúa Giêsu luôn xảy đến tại nơi người được gọi đang sinh sống và đồng bàn với những người tội lỗi để cứu độ họ. Chúa gọi các tông đồ nơi bờ biển, dưới cây vả… và hôm nay Người gọi ông Lêvi khi ông còn ngồi nơi bàn giấy thu thuế, rồi sau đó về nhà tiệc tùng với “tân môn đệ”. Câu chuyện ơn gọi của Lêvi lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giêsu gọi ai thì Ngài không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không?

Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi? Một số người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu, số khác được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ bạn là ai, nhưng chỉ thấy bạn từ lúc bạn bắt đầu bước theo. Cùng với ơn soi sáng cho bạn nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Ngài không? Khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công Giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không? Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…?


*******

Lạy Chúa, xin thêm đức tin và lửa tình mến cho chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn chạy đến với Cha nơi bí tích Giải Tội và nhất là bí tích Thánh Thể. Tâm hồn chúng con sẽ được mạnh sức và bình an khi chúng con đón nhận và được sống trong tình yêu của Chúa. Sau hết, xin giúp chúng con biết học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người, để chúng con không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa… Amen.

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

HÃY ĐẾN VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH


Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi." (Mc 2, 5)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho một người bất toại, chữa lành vì lòng tin của các thân nhân và không những chữa lành phần xác mà còn tha thứ tội lỗi cho bệnh nhân. Hình ảnh những người thân nhân của người bất toại phải trèo tường dỡ mái nhà, làm mọi cách để giúp người thân tiếp cận với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ. Cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giêsu ghi nhận và ra tay chữa lành.

Điều này cho thấy tính tương giao trong niềm tin và lời cầu nguyện. Thật vậy, không thiếu những người thân chúng ta, những người cần đến sự kêu cầu của chúng ta với Chúa. Họ bất lực vì nhiều lý do không thể đến với Chúa để được chữa lành, nhất là phần linh hồn. Chính vì thế, họ cần chúng ta là những Kitô hữu, là những người con của Chúa “khiêng” (nâng họ lên) đưa họ đến với Chúa, giúp họ vượt qua những bức tường, và dỡ bỏ “mái nhà’ (rào cản mặc cảm tội lỗi), để họ được chữa lành.

Chúa Giêsu không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin Mừng nói rõ rằng, thấy lòng tin của ‘họ’ như vậy, Người đã chữa lành… Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta khi chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Kitô đem Chúa đến cho họ.


*******


Lạy Chúa, cách này hay cách khác, chúng con cũng đang bị bệnh bại liệt tâm hồn, xin cho chúng con biết mau chạy đến toà cáo giải để được Chúa tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh tật thiêng liêng cho chúng con. Amen.

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

HÃY YÊU NHƯ CHÚA YÊU


Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”"Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. (Mb 1, 41-42)

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một người phong hủi, liều mình “mang án chết” (vì bị bệnh mà chạy vào đám đông sẽ bị ném đá) chạy đến giữa đám đông cầu xin Chúa Giêsu để được chữa lành. Trong khi luật của người Do Thái quy định chỉ cần chạm đến người phung hủi thì chính mình cũng nhiễm uế và phải đi dâng lễ đền tội, lại nữa mọi người sợ sệt xa lánh vì sợ bị lây bệnh. Nhưng Chúa Giêsu thì không những không xa lánh, không sợ lây, không lo bị nhiễm… nhưng tình thương Người cao hơn tất cả, ngài đã cúi xuống chạm đến người phong hủi và chữa lành. Tình yêu thương có sức vượt qua mọi luật lệ, mọi ngăn cách, mọi sợ hãi để đến với tha nhân. Chúa Giêsu đã đi bước trước nêu gương cho chúng ta về sự cao cả của tình yêu thương này. Đến lượt Kitô hữu chúng ta hôm nay, là con Chúa liệu chúng ta có học được sự yêu thương này để đến với những người đau khổ không, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ ?

Bài học mà bài Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta là, trong thân phận con người yếu đuối, ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang căn bệnh phong hủi của tâm hồn là tội lỗi, thậm chí từ tách mình ra khỏi Chúa và cộng đoàn Giáo Hội, cách này hay cách khác tự tách mình khỏi cộng đoàn và giáo xứ. Chúng ta hãy phó thác vào tình yêu thương của Chúa Giêsu, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, hãy để cho Chúa Giêsu chạm vào mình để được thanh sạch. Hãy đến với bí tích Hoà Giải để cho Chúa chạm vào tâm hồn và Người sẽ chữa lành.

 *******


Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh chứ không phải bắt Chúa phải theo ý mình… Xin cũng giúp chúng con học lấy sự yêu thương của Chúa, để đến với những người đau khổ, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ. Amen.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

NGÀY SỐNG CỦA CHÚA


Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể về một ngày cuối tuần, lịch sống và làm việc của Chúa Giêsu: sau khi đã giảng một bài làm cho dân chúng nức lòng ca ngợi trong hội đường Caphanaum, trưa Chúa Giêsu ghé nhà học trò chữa lành bà nhạc mẫu của trò Phêrô, chiều tối làm bác sĩ đa khoa, mờ sáng ngày hôm sau đi cầu nguyện.


Mọi người đã đem đến cho Chúa Giêsu đủ loại bệnh nhân và Người đã đặt tay chữa lành họ. Sau hết, chúng ta để ý đến hai chi tiết: sáng sớm thức dậy Chúa Giêsu đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu đi cầu nguyện. Nhiều lần các Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu cầu nguyện, chẳng hạn như: "Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình" (Mt 14,23). "Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó" (Mc 1,35). "Sau khi bảo các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia về thành Betsaida trước, Người ở lại giải tán đám đông rồi một mình lên núi cầu nguyện" (Mc 6,45-46)…

Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Mọi người có thể cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, sẽ tốt đẹp biết bao khi mọi Kitô hữu chúng ta luôn giống Chúa Giêsu, để rồi:

-      Vừa tảng sáng, chúng ta đã đến nhà thờ để cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ để cầu xin Chúa hướng dẫn, bổ sức và đồng hành với chúng ta bắt đầu một ngày sống tốt lành.

-      Tối đến, lại đến nhà thờ để đọc kinh tạ ơn Chúa về một ngày đã qua, xin Chúa thứ tha những thiếu sót, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cho một giấc ngủ bình an.

******

Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn lại một ngày sống của Ngài là rao giảng, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho mỗi một ngày sống của mỗi Kitô hữu chúng con cũng hoạ lại ngày sống của Chúa, để trong mọi sự chúng con sống dưới sự hiện diện của Ngài và làm chứng cho Ngài. Amen.