Báo Tuổi
Trẻ ở Việt Nam có đăng bài “Phở nóng chiều mưa” của tác giả Bút Bi. Câu chuyện như
sau: “Tiệm phở A đường Kỳ Đồng chiều hôm kia mưa như trút nước. Một ông già khoảng
70 tuổi, tay lần dò chiếc gậy, tay xách chiếc gà men cũ kỹ lập cập bưóc vào
quán, mua phở mang về. Lúc ông đang lóng cóng lấy tiền – gói trong hai ba lớp bịch
nilông – ra để trả, một trong hai thanh niên đang ngồi ăn phở ở chiếc bàn ngoài
cùng bảo là đã trả tiền cho ông rồi. Ông già lãng tai ngớ ra không hiểu, người
thanh niên vừa nói câu trên chỉ người bạn đang cắm cúi ăn: “Thằng này trả chứ
không phải cháu đâu”. Rồi anh nói thêm có lẽ để câu chuyện được tự nhiên hơn: Nó hỏi “bác có con gái không?” Ông già dường như vẫn còn chưa hết ngạc nhiên,
thật thà nói: “có”. Người thanh niên kia bật cười bảo: “Nó nói chơi đó bác ơi”.
Bút Bi tình cờ có mặt ở đó cũng bật cười. Mấy cô phục vụ trong quán cũng cười ầm
lên. Ông già hiểu ra, hoạt bát hẳn lên, nói vài câu vui vẻ rồi cám ơn và chống
gậy đi về.
Tò mò,
Bút Bi nhìn hai người thanh niên. Họ ăn mặc giản dị, mang dép, đi chiếc Cub đời
cũ, trông có lẽ là những người lao động lam lũ, và cử chỉ của họ thật dễ
thương. Người già thường có cảm giác bị bỏ rơi, thèm sự hỏi han, chăm sóc. (Ông
già phải tự chống gậy đi mua phở dù có con cái?) Chắc tối hôm ấy ông sẽ thấy
vui lắm, chẳng những vậy có khi nó còn trở thành một kỷ niệm của ông, để ông kể
đi kể lại với bà con, chòm xóm. Còn Bút Bi cũng thấy vui quá, bèn quyết định ăn
luôn… hai tô phở!
***
Nghe
xong câu chuyện “Phở nóng chiều mưa” trên đây, chúng ta cảm thấy ấm áp lên tình
con người. Một sự quan tâm tế nhị, một lời thăm hỏi chân thành, một nghĩa cử
yêu thương thầm kín, đã làm cho mối quan hệ giữa người với người thân mật gần
gũi hơn, thông cảm nhau hơn, và quí mến nhau hơn.
Điều cốt
lõi của Kitô giáo chính là yêu thương. Giới răn lớn nhất của đạo cũng chỉ là “Mến Chúa, yêu người”. Đó là sứ điệp mà
Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Đức Giêsu trả lời cho người thông luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi…. Còn điều răn thứ hai,
cũng giống như điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”
(Mt 22,37-39).
Người
Kitô hữu luôn mang trên mình cây thập giá. Cây thập giá ấy có một ý nghĩa rất
cao đẹp: Thanh dọc của cây thập giá muốn nói rằng, người tín hừu phải vươn lên
cao tới Thiên Chúa, để yêu mến Người với tất cả trái tim, với trọn vẹn con người.
Thanh ngang của cây thập giá muốn nói với người tín hữu phải vươn đến với tất cả
mọi người để yêu thương họ như chính mình, không loại trừ một ai, kể cả kẻ thù.
Nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, thì đâu phải là cây thập giá, thì
chưa phải là Kitô hữu. Cũng như đồng tiền luôn có hai mặt, thì người Kitô hữu
luôn phải sống trọn vẹn hai giới răn “Mến Chúa và yêu người”, mới đích danh là
Kitô hữu.
Có nhiều
người nghĩ rằng “Mến Chúa” thì dễ quá. Chúng ta vẫn đọc kinh sáng tối, đi lễ cầu
nguyện hàng ngày, năng tham dự các bí tích, và chúng ta bằng lòng với mức độ ấy.
Thực ra, Chúa đâu chỉ đòi hỏi có thế! Hãy nghe lại điều răn lớn nhất này: “Phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Trong điều răn có ba
chữ “hết”, chúng ta đã yêu được mấy chữ hết đó. Thường chúng ta chỉ yêu Chúa nửa
vời, yêu tùy hứng, yêu đại khái, yêu theo vụ mùa.
Chúng ta
chỉ yêu mến Chúa “hết lòng” khi chúng ta dám hy sinh thì giờ, công việc, lợi
nhuận để đi tham dự thánh lễ, các giờ cầu nguyện, hay các buổi tĩnh tâm hầu
nâng cao đời sống thiêng liêng.
Chúng ta
chỉ yêu mến Chúa “hết linh hồn” khi chúng ta dám từ bỏ danh vọng, lợi lộc, chức
quyền để trung thành với Chúa và các giới răn của Người.
Chúng ta
chỉ yêu mến Chúa “hết trí khôn” khi chúng ta dám làm nhân chứng cho Người trước
lương dân, trước kẻ bách hại, cho dù phải đe dọa đến cuộc sống và tính mạng.
“Mến
Chúa” đã khó, “yêu người” lại càng khó hơn. Vì người ta đâu phải ai cũng dễ mến,
dễ thương. Với cái nhìn không thân thiện của chúng ta sẽ có rất nhiều người dễ
ghét và đáng ghét. Yêu người như Chúa dạy là “yêu như chính mình”. Có ai lại
ghét mình bao giờ. Trái lại, người ta thường yêu mình quá độ.
Chúng ta
chỉ có thể “yêu người thân cận như chính mình” khi chúng ta tránh hết sức không
làm tổn thương đến nhân phẩm và quyền lợi của kẻ khác.
Chúng ta
chỉ có thể “yêu người thân cận như chính mình” khi chúng ta biết kính trọng người
già yếu, an ủi người khổ đau, giúp đỡ những ai nghèo đói, bênh vực những kẻ cô
thân cô thế.
Chúng ta
chỉ có thể “yêu người thân cận như chính mình”, khi chúng ta biết quảng đại trao
ban và xả thân phục vụ những ai đang cần sự trợ giúp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét