Translate

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

THÁNH NỮ MÁC-TA

Chị Mácta là thánh nữ được tôn kính trong Giáo Hội. Chúng ta phải bắt chước chị qua công việc tận tụy và đầy trách nhiệm. Nhưng chúng ta phải làm một cách an bình, khiêm tốn, vui tươi, không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác.

Cuộc sống hôm nay dễ làm ta trở nên Mácta, bị đè nặng bởi công việc. Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày. Phải thu xếp để khỏi phải ở dưới bếp quá lâu, để có người thay mình.

Đời sống của người Kitô hữu là kết hợp của Mácta và Maria. Vừa đón, vừa tiếp; vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa; nhưng dù hoạt động hay cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

KHO TÀNG VÀ VIÊN NGỌC QUÝ NƯỚC TRỜI

Ba dụ ngôn Chúa nhật tuần này (Mt 13, 44-52)  là phần kết của bài giảng về các dụ ngôn của Phúc âm Matthêu. Hai dụ ngôn đầu tiên, kho tàng chôn dấu trong ruộng và viên ngọc quí, có cùng một mẫu thức hành động. Mặc dù người tình cờ tìm gặp được kho tàng chôn giấu trong ruộng do may mắn và người thương gia nhẫn nại đi tìm viên ngọc quí, nhưng cả hai khi gặp được điều mong ước, đều vội vàng bán mọi sự mình có, mua cho được thuở ruộng cũng như viên ngọc quí đó. Khi một người “gặp được”Nước Trời, dù là do may mắn hay kiên nhẫn tìm kiếm, thì mỗi người trong họ đều “bán những gì mình có”. Ðiều này cho thấy trong hai trường hợp, một sự thay đổi hoàn toàn dứt khoát với đời sống trước đây mà họ đã sống vì nhận thấy giá trị trổi vượt của Nước Trời. Nhằm để “mua” được Nước Trời, hiểu theo cách nói về kho tàng chôn dấu và viên ngọc quí, thì phải dám tự nguyện hy sinh tất cả mọi thứ khác. Trên bực thang giá trị, Nước Trời chiếm ưu tiên hơn tất cả những gì khác. Điều đạt được, là Nước Trời, thì giá trị hơn tất cả mọi sự, bởi vì không có gì có giá trị hơn Nước Trời. Vì thế cần phải hành động mạnh mẽ quyết liệt để đạt cho được.


Ba dụ ngôn về Nước Trời mô tả những cách thế tìm kiếm Nước Trời khác nhau, do tình cờ may mắn, do kiên nhẫn tìm kiếm, do biện phân cẩn thận. Mỗi hoàn cảnh khác nhau mà chúng ta gặp trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta một đáp trả thích hợp khác nhau. Dù sao, điều đòi hỏi chúng ta là phải khôn ngoan để nhận thức giá trị lớn lao của Nước Trời và có hành động quyết liệt mau mắn. Sự khôn ngoan mà Salomon cầu xin và nhờ đó mà ông nổi danh là một trong những đức tính có giá trị nhất của Truyền thống Cựu ước. Cũng như Salomon, chúng ta cũng cần phải cầu xin sự khôn ngoan để có thể nhận thức kho tàng lớn lao của Nước Trời. Như thế, chúng ta cần một trái tim hiểu biết để khôn ngoan và mạnh mẽ vững vàng để nhận thức sự hiện diện của Nước Thiên Chúa được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giêsu.

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

LÃNH ĐẠO TRONG NƯỚC CHÚA

(1) Lãnh đạo bằng hy sinh chịu đựng gian khổ: Đức Giêsu bảo họ: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi”. Đức Giêsu bảo:”"Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Lịch sử chứng minh Giacôbê cũng uống chén đắng của Chúa bằng việc tử đạo tại Jerusalem (Acts 12:1-2), và Gioan uống chén đắng bằng cách sống trung thành với Đức Kitô cho đến tuổi già.

(2) Lãnh đạo bằng khiêm nhường phục vụ tha nhân: Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

LỜI CHÚA CẢNH BÁO

“Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.”

Đây là lời Chúa Giêsu đang cảnh báo mỗi người trong chúng ta. Chúa cho biết: ơn của Chúa ban không thiếu cho tất cả mọi con người trên hành trình đức tin của mình. Khi người biết đón nhận ơn của Chúa hằng ngày, thì ngày càng sẽ được dư đầy. Qua mọi biến cố vui buồn họ nhận ra ngay: là có Chúa sắp đặt. Còn những người thờ ơ với ơn của Chúa, thì trong mọi sự của cuộc sống, họ tự cho là tự nhiên hay là ngẫu nhiên hoặc là do họ mà có được. Điều này sẽ dẫn đến mất ơn nghĩa cùng Chúa.


Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết cầu nguyện và tạ ơn Chúa, để mỗi một ngày chúng con càng trưởng thành trong đức tin, đức cậy, và đức mến.

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

ĐẤT TỐT


“Có những hạt lại rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt 13,9)

Sống và làm việc ai ai cũng mong công việc mình làm đạt được kết quả, cũng thế, hạt giống sinh sôi nảy nở và đạt được kết quả bội thu là ước mong của tất cả mọi người.

Thế nhưng, để có được vụ mùa bội thu, hay một hạt giống có thể mang lại hiệu quả năng xuất cao, thì không chỉ có hạt giống mang yếu tố quyết định hoàn toàn mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Nếu tất cả chúng ta làm nghề nông thì hẳn sẽ dễ hiểu những điều kiện để hạt giống nảy mầm và thành cây lúa có kết quả, cũng nên nói thêm là hạt giống ở đây là Hạt giống Lời Chúa nhé, Người gieo là Chúa Giê su, ruộng là tâm hồn mỗi người.

Vậy để cho lúa phát triển tốt phải có ruộng tốt, đất tốt, môi trường tốt, cùng với sự cần cù lao động.

Nếu ruộng toàn là đá, hay đất khô cứng thiếu nước, nhiều cỏ, thiếu ánh sáng…người làm nông lười biếng, thì dù hạt có thuần chủng có tốt mấy cũng vô hiệu. Bạn thân mến! Thiên Chúa rất rộng lượng Người không mỏi mệt hay tính toán như chúng ta khi gieo giống phải liệu ruộng mà cân giống cho đủ vừa, nhưng Thiên Chúa gieo một cách rộng rãi hào phóng, Ngài gieo vãi cho tất cả mọi cánh đồng, mọi loại đất và Ngài luôn ước mong cho hạt giống Ngài gieo vãi được mọc lên và đơm hoa kết trái.

Vậy bạn và tôi cần thiết phải làm gì, nếu mảnh ruộng tâm hồn mình toàn sỏi đá, hay khô cứng bởi những ham mê thế sự mà quên làm mới làm sạch bằng việc đọc và nghe Lời Chúa, cùng với việc tham dự cử hành phụng vụ và lãnh các Bí tích, siêng năng cầu nguyện, thì hạt Giống Lời Chúa cũng đang chết ghẹt trong ta đó, ước gì ngay hôm nay tôi và bạn hãy cùng là Hạt giống, và mỗi chúng ta cũng được mời gọi là người gieo trong môi trường sống của mình. Như thế vừa là người gieo, vừa là hạt giống của Chúa, chúng ta phải có nhiệm vụ làm đất ruộng tâm hồn chúng ta cho sạch để có đủ điều kiện cần thiết cho Hạt giống Lời Chúa được mọc lên và đem lại kết quả như lòng Chúa mong ước.

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA

Hãy đi gặp anh em Thầy (Ga 20,17).

Maria Mađalêna đã từng là một người bị bảy quỷ ám, một người tội lỗi. Nhưng khi chị gặp Chúa Giêsu, Chúa đã xua trừ ma quỷ cho chị. Từ đó, chị đi theo Chúa cho đến tận đỉnh Gôngôtha. Chị có một đức tin mãnh liệt vào tình yêu của Chúa. Và chị đã hết lòng yêu Chúa rất chân thành. Chị là người đầu tiên được diễm phúc gặp Chúa Giêsu sau khi Người phục sinh.

Lạy Chúa, thánh nữ Mađalêna đã được diễm phúc trở thành môn đệ đầu tiên loan tin mừng về Chúa Phục Sinh. “Hãy đi gặp anh em Thầy” hẳn cũng là lời Chúa muốn nói với chúng con ngày hôm nay. Xin cho chúng con sẵn sàng ra đi gặp gỡ những người chưa biết Chúa.

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG:

 Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã thân hành đến và sống giữa dân để mặc khải, dạy dỗ những lời khôn ngoan chưa từng nghe của Thiên Chúa; đồng thời làm những phép lạ chưa từng thấy xảy ra từ tạo thiên lập địa đến giờ. Thế mà họ vẫn coi thường và thử thách Ngài như trong bài Phúc Âm hôm nay. Vì thế, Chúa cảnh cáo họ:
- Dân thành Nineveh sẽ tố cáo những người này cứng lòng vì họ đă ăn năn trở lại khi nghe Jonah giảng chỉ một lần; trong khi những người này đã được nghe và chứng kiến bao nhiêu phép lạ Người đã làm và vẫn không tin!
- Nữ Hoàng Phương Nam đã lặn lội từ xa và mang biết bao lễ vật đến triều công để được nghe sự khôn ngoan của Vua Solomon; trong khi thế hệ này đã không phải lặn lội đi xa; đã không phải trả một đồng, mà vẫn từ chối nghe lời khôn ngoan của Con Thiên Chúa!
Tại sao bụt nhà không thiêng
Có nhiều lý do; sau đây là một vài lý do chính:
(1) Đã quá quen nên không cảm thấy quý nữa và nghĩ đó là chuyện tự nhiên phải đến. Nghe Chúa giảng hay làm phép lạ lần đầu tiên, họ có thể sửng sốt và tin; nhưng nếu nghe và chứng kiến nhiều lần, họ sẽ nhàm chán và mất đi niềm tin ban đầu.
(2) Kiêu căng và vọng ngoại: Cái gì của người ngoài mới hay mới tốt; còn cái gì ở trong gia đình, làng mạc, quốc gia thì xem thường (Nathanael nói: ở Nazareth thì có gì hay? Những người Biệt phái tuy nhận ra sự khác thường nơi Chúa Giêsu; nhưng vẫn gạt đi và nói: người này không phải con ông thợ mộc Giuse và bà Maria; và anh em của ông không phải là người đồng hương với chúng ta sao? Và họ vấp phạm vì Ngài).

(3) Dạy và bắt thực hành những gì họ không thích; nhất là bắt phải từ bỏ những gì họ đã quá quen thuộc; nhất là lại tố cáo những bất công tội lỗi của họ. Con người có khuynh hướng chiều theo những gì dễ thực hành và lối sống dễ dãi hưởng thụ hơn.

MEN TRONG BỘT

“Cũng như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men” (Mt 13, 33),

Ngoài ám chỉ sự lớn lên âm thầm nhưng hùng mạnh của Nước Chúa trong lịch sử, Chúa Giêsu muốn nói đến sự nhập thể làm người của chính mình và sức thánh hóa của Chúa Thánh Thần.

Nếu ai đó không lấy men trộn vào bột làm cho bột dậy men, thì bột đó không thể sử dụng làm thực phẩm được. Nhưng nếu trộn bột vào men, bột sẽ dậy men, đó là cách Chúa Giêsu áp dụng cho Nước Trời... Cũng như thịt : để giữ gìn thịt khỏi hư, chúng ta phải tra muối vào để bảo quản... nếu không thịt sẽ hư và trở nên không phù hợp cho tiêu dùng. Một cách tương tự, nhân loại đại diện cho thịt hoặc bột, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần là muối và men. Nếu men Thánh Thần và muối Giêsu không xuống thế gian, không mặc lấy bản tính con người, nghĩa là nhào trộn với con người, con người sẽ không bao giờ mất đi mùi hôi thối của tội lỗi, không “tẩy trừ men cũ, để nên bột mới, là bánh không men” (1Cr 5, 7) thì không thể được cứu độ

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

LÀNH DỮ CỘNG SINH

Nghe bài dụ ngôn "cỏ lùng" hôm nay, có người sẽ lấy làm lạ. Trong cuộc sống, làm gì có một nhà nông nào lại để lúa và cỏ lùng cùng tồn tại trong ruộng mình ! Nhưng dụ ngôn là dụ ngôn, nghĩa là một cách nói ví von bóng gió để làm sáng tỏ một vấn đề. Vấn đề của dụ ngôn là lành dữ cộng sinh và lòng nhân từ cũng như sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Chúng ta ưa thích phân biệt lành dữ, chánh tà, trắng đen rõ rệt. Chánh phải loại trừ tà, lúa tốt phải được chăm sóc, cỏ dại phải nhổ đi. Cái lý đương nhiên là vậy. Rất đơn giản. Nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy.


Trong cuộc sống, có những lúc chánh tà không phân biệt rõ rệt. Cỏ lùng mọc chung với lúa tốt. Vả lại, cái mà ta gọi là kẻ dữ không giống như cỏ lùng. Cỏ lùng không thể biến thành lúa nhưng kẻ dữ có thể cải tà quy chánh, có thể hoán cải thành người tốt, nếu xã hội biết kiên nhẫn chờ đợi và tạo những điều kiện cho họ. Vả lại, kẻ lành, nếu không giữ mình, không liên tục làm điều lành, cũng có thể trở thành kẻ dữ.

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

CHÚA CHA HÀI LÒNG VỀ NGƯỜI

Chúng ta đã từng thấy một Đức Giêsu đầy uy quyền trong Bài Giảng trên núi và trong các phép lạ (Mt 6-9). 

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 12, 14-21) cho thấy một Đức Giêsu ở vào thế yếu. Khi biết nhóm Pharisêu tìm cách giết mình thì Ngài lánh đi (Mt12, 15). Ngài đã lánh đi nhiều lần khi gặp chống đối và đe dọa. Ngài lánh đi khi nghe tin Gioan bị nộp, rồi bị giết (Mt 4, 12; 14, 13). Đức Giêsu không đối đầu với kẻ bách hại như Ngài đã dạy môn đệ (Mt 10, 23). Ngài chỉ đón lấy cái chết khi Cha muốn., Đức Giêsu có tiếng tăm nhưng cũng rất âm thầm. Ngài chữa bệnh cho đám đông theo Ngài, nhưng lại muốn giữ kín (Mt12, 16). 

Ngài không muốn những phô trương rầm rộ, những biểu dương hoành tráng. Đây là chọn lựa của Ngài ngay từ đầu sứ vụ khi Ngài từ chối không nhảy xuống từ nóc đền thờ để người ta vỗ tay. Và Ngài đã sống sự âm thầm này đến cuối đời khi Ngài không bước xuống khỏi thập giá để được kẻ thù tin kính. Sự phục sinh của Ngài có thể nói cũng là chuyện âm thầm, vì Ngài chỉ hiện ra với các môn đệ của Ngài (1 Cr 15, 5-8). Ngài chẳng hiện ra để đòi mạng Philatô, Caipha, Hêrốt… 

Ngài không dùng quyền năng Cha ban để đe dọa hay làm hại ai, nhưng để phục vụ mọi người trong âm thầm và khiêm hạ. Không bẻ gẫy cây lau bị giập, không làm tắt tim đèn leo lét (Mt 12, 20). Nâng niu những gì còn có chút hy vọng, gìn giữ những sự sống mong manh và khơi dậy những thiện chí còn ẩn giấu. Đó là điều Đức Giêsu vẫn làm khi đến với những người bị loại trừ, những tội nhân và người thu thuế.

THIÊN CHÚA LÀM CHỦ MỌI NGÀY.

Thiên Chúa không những dựng nên mọi sự, Ngài còn quan phòng mọi sự theo một trật tự Ngài mong muốn. Một trong những trật tự là sự thay đổi của thời gian dựa trên sự xoay vần của mặt trời và mặt trăng mà con người phân biệt giữa ngày và đêm. Ngài có quyền thay đổi sự xoay vần của mặt trời và mặt trăng và cũng có quyền đếm ngày sống của mỗi người. Con người không có quyền thay đổi, họ chỉ có thể chấp nhận và tuân hành những trật tự Ngài đã thiết lập.

Các bài đọc hôm nay muốn chú trọng đặc biệt đến uy quyền của Thiên Chúa trong việc quan phòng vũ trụ.

Trong bài đọc I, khi ngôn sứ Isaiah cho vua Hezekiah biết nhà vua phải sửa soạn để chết vì bệnh, vua Hezekiah kêu khóc lớn tiếng lên Thiên Chúa để xin Ngài đổi số phận của mình. Thiên Chúa nhận lời cầu xin của nhà vua, Ngài cho vua sống lại thêm 15 năm và bảo vệ Jerusalem khỏi sự xâm lăng của Assyria.


Trong Phúc Âm, khi các Pharisees tố cáo các môn đệ của Chúa vi phạm luật ngày Sabbath vì bứt bông lúa ăn cho đỡ đói, Chúa Giêsu trả lời họ: Ngài làm chủ cả ngày Sabbath. Luật ngày Sabbath chỉ áp dụng cho con người.

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

THIÊN CHÚA LÀM CHỦ NGÀY SA-BÁT

“Con Người cũng là chủ ngày sa-bat”. (Mt 12, 8b)

Người biệt phái trách môn đệ của Ðức Giêsu không giữ ngày hưu lễ, vì bứt giẻ lúa trong lúc đói. Người biệt phái chỉ xét trên mặt chữ của bản luật mà không nhìn thấy nhu cầu của người anh em mình. Luật được Thiên Chúa ban hành không phải đề gò ép, nhưng là để thăng tiến con người, giúp con người đi trên con đường ngay thẳng. Vì thế, cách nào phục vụ con người đúng lý, đúng cách nhất là thi hành luật trọn hảo nhất. Do đó, Ðức Giêsu đã dạy cho người biệt phái: "Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải tế lễ".

Lạy Chúa, lề luật Cha trao cho chúng con là để giúp chúng con sống tự do và hạnh phúc. Xin cho chúng con biết nhìn ra ý nghĩa của lề luật để chúng con tuân giữ trong tình yêu mến. Và khi vì nhu cầu của anh em, chúng con biết uyển chuyển, mềm mại. Ðể nhờ lề luật, nhân phẩm, đời sống thiêng liêng của chúng con được phát triển.


Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

ĐẾN VỚI CHÚA

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,29)

Với tâm bánh đơn sơ nhỏ bé, Chúa đã đi vào cuộc đời chúng con thật giản dị, âm thầm. Chúa đến với chúng con không bằng quyền uy mà bằng tình thương của người cha nhân ái bao dung. Chúa đồng hành với chúng con như một người bạn luôn ân cần chăm sóc, giúp đỡ chúng con trong khiêm tốn phục vụ. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con cũng có thể cúi mình phục vụ, và sống bác ái vị tha với nhau. Xin đừng để thói kiêu căng độc ác bùng phát trong chúng con, khiến chúng con trở thành nô bộc của ma quỷ và đánh mất tình Chúa tình người.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con tưởng mình tốt lành thánh thiện, chính là lúc chúng con đang ở trong nguy cơ phạm tội, xa Chúa. Trái lại, khi chúng con mang trong lòng sự khiêm nhường, nhận biết mình tội lỗi bất xứng, chính là lúc chúng con đang lãnh nhận ơn Chúa, đang cảm nếm được sự ngọt ngào của tình Chúa xót thương. Xin giúp chúng con đừng bao giờ có thái độ kiêu căng, cố chấp để rồi không nhận ra tội lỗi của mình, và ở lỳ trong tình trạng tội lỗi. Xin giúp chúng con luôn khiêm tốn nhận ra sự bất toàn của mình, để chúng con biết sống cảm thông và tha thứ cho nhau. Chúa luôn tha thiết mời gọi chúng con: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Xin giúp chúng con luôn ở trong trường học của Chúa để được Chúa dạy bảo, ngõ hầu có thể đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

HÃY LUÔN CA TỤNG CHÚA… !

Tổn thất lớn nhất của đời người chính là tự giam hãm trong một thái độ sống bi quan. Hay nói cách khác, mang một thái độ sống bi quan sẽ chẳng khác nào tự mình đang vùi dập cuộc đời mình. Thế mà, khi nhìn vào đời sống của nhiều người quanh ta cũng như của chính mình, chúng ta thấy có biết bao nhiêu lý do để bi quan, biết bao nhiêu là biểu hiện của thái độ bi quan. Chính thái độ bi quan khiến chúng ta đau khổ và thất vọng.


Chúa Giê-su là một con người luôn lạc quan. Mặc dù cuộc sống luôn có những đe doạ, những hiểm nguy. Ngài vẫn lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha. Sở dĩ Ngài lạc quan, vì Ngài thấy được chương trình của Chúa Cha đang thực hiện cho nhân loại. Ngài luôn lạc quan vì Ngài luôn tin tưởng vào sự quan phòng đầy quyền năng của Chúa sẽ thực hiện mọi sự theo ý Ngài. Xin dạy chúng con biết nhận ra những khả năng Chúa ban, để chúng con biết ca tụng Chúa, và sử dụng ơn ban của Chúa để phục vụ mọi người, ngõ hầu làm sáng danh Chúa.

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

TIN VÀO CHÚA...!

“Đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11,24).

Ðức Giêsu trách các dân Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum. Họ được chứng kiến bao nhiêu phép lạ mà vẫn cứng lòng. Thành Xiđôn xưa nghe tiên tri Giona giảng dạy mà biết ăn năn hối cải. Còn bây giờ có ai cao trọng bằng Ðức Giêsu con Thiên Chúa. Chính Ngài dạy bảo mà họ còn cứng lòng chối từ. Họ sẽ bị phán xét nặng nề.


Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con, xin giúp chúng con biết hối cải, sửa mình luôn. Xin cho chúng con biết bén nhạy để nhận ra tiếng Chúa thúc giục chúng con, cảnh cáo chúng con. Xin đừng để lời án phạt trên các thành kia lại ứng nghiệm nơi chúng con.

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

LỜI CHÚA VÀ MẢNH ĐẤT TÂM HỒN !

Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã phân chia rõ ràng thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống vào. Bốn loại đất ấy tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Chúa :

Đất vệ đường : những kẻ chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị quỷ dữ cướp đi.



Đất lẫn sỏi đá : những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không quý chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ cuộc.


Đất có nhiều gai : những người cũng đón nhận Lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải...Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết nghẹt.

Đất tốt : những người sốt sắng đón nghe Lời Chúa, ghi sâu vào tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc sống.









Và như vậy, tôi mời gọi mỗi người phải chuẩn bị đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa:
Đất phải xốp : không cứng như vệ đường, tức là phải có tinh thần khao khát Lời Chúa như một nhu cầu của sức sống để lắng nghe, tìm hiểu và thực hành lời Chúa.
Đất không có sỏi đá : tức là phải cất những chướng ngại vật như : sự lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng Lời Chúa, bỏ các thành kiến, khuynh hướng xấu trong tâm hồn.
Đất không có gai : tức là tâm hồn phải thanh thản, không có những bồn chồn lo lắng về những sự ở đời như thú vui xác thịt, danh vọng, của cải vật chất... vì những cái đó là những gai góc bóp chết lời Chúa.
Đất tốt : là tâm hồn khiêm nhường biết tin tưởng, trông cậy và yêu mến Lời Chúa để biến đổi đời sống.

Lời Chúa được ví như hạt giống, tự nó có sức phát triển mạnh mẽ, nhưng hạt giống ấy, tuy là hạt giống hảo hạng có sức mạnh vô song, cũng cần có điều kiện thuận lợi để phát triển. Chúng ta có nhiệm vụ phải làm cho hạt giống ấy nảy nở và phát triển. Chúa đòi chúng ta phải cộng tác vào trong công việc này. Hạt giống Lời Chúa được gieo vãi khắp nơi một cách dồi dào, nhất là gieo vào lòng người. Hạt giống ấy có được tiếp nhận hay không, hoặc được tiếp nhận một cách ơ hờ lạnh nhạt, hoặc được tiếp nhận một cách trân trọng, thì hạt giống ấy được phát triển tùy theo thái độ của từng người. Chúng ta cố gắng biến thành thửa đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa, hy vọng hạt giống ấy sẽ sinh hoa kết quả, hạt sinh 30, hạt sinh 60 hay sinh 100 hạt khác.

Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng nào là vô ích. Nhưng để thửa ruộng là mảnh đất phì nhiêu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải ra công cày xới. Đương nhiên cuộc cày xới nào mà không đòi phải vất vả, long đong. Tâm hồn chúng ta sẽ không là mảnh đất sinh hoa trái nếu chúng ta không chịu hy sinh, mất mát lo cày xới, gạn lọc, nhổ hết gai góc, nhặt đi những sỏi đá của ích kỷ hẹp hòi, của những đam mê hư hèn, của gian tham lừa lọc, của thù hận ghen tương.

Lời Chúa hôm nay (Mt 13, 1-23) kêu gọi chúng ta đừng để tâm hồn mình thành sỏi đá, đường đi bởi do lòng ích kỷ và thói vô tâm, cũng đừng để tâm hồn mình là bụi gai bởi lòng tham những của hư hèn và tính ươn lười ngại hy sinh cố gắng, nhưng là hãy ra công cày xới cho hồn mình là mảnh đất phì nhiêu.

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

ĐỪNG SỢ....!

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không thể giết được linh hồn” (Mt 10,28).

 “Đừng sợ!”- Đó là giáo huấn của Đức Giêsu dành cho các môn đệ xưa kia, nhưng cũng dành cho mọi Kitô hữu ngày nay trong việc làm chứng về Chúa Giêsu cho mọi người. Hãy sống đức tin trong tình yêu và lòng can đảm khi phải đối diện với hiểm nguy đến tính mạng.


Lạy Chúa, những khó khăn thử thách trong cuộc sống đôi khi khiến chúng con sợ hãi và đánh mất niềm tin, nhưng Chúa luôn luôn nhắc chúng con: hãy tin tưởng, phó thác vào sự quan phòng của Chúa. Xin Người giải thoát chúng con khỏi những sợ hãi ở thế gian này.

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

THEO CHÚA…!

“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và dân ngoại được biết” (Mt 10,18).

Đức Giêsu tiên báo những cuộc bách hại sẽ xảy đến cho các môn đệ, những nhân chứng của Chúa giống như Thầy chí thánh. Các ông sẽ bị thế gian chống đối, bách hại nhưng đó lại là cơ may để người môn đệ được làm chứng về Tin Mừng cho thế gian.

Người môn đệ theo Chúa là phải chấp nhận bắt bớ, bách hại vì danh Chúa. Mỗi người chúng con cũng là môn đệ của Chúa. Xin cho chúng con can đảm theo Chúa dù gặp khó khăn, bắt bớ, vu khống hay bách hại. Xin cho chúng con dám tự hào vì được mang danh thánh Kitô.

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

HẠNH PHÚC LÀ CHO ĐI

Tại một vùng trang trại nọ có một người nông dân có giống ngô rất tốt. Năm nào những cây ngô của ông cũng cho ra những bắp ngô vừa to, vừa thơm ngon, hạt nào cũng đều tăm tắp. Hàng năm ông đem ngô tới hội chợ của vùng để thi và lần nào cũng giành giải nhất. Ai cũng cho rằng chắc hẳn ông đang sở hữu bí quyết riêng độc đáo nào đó.

Ngày nọ, một phóng viên đến phỏng vấn ông về những chiến thắng liên tiếp trong các cuộc thi ngô. Anh ta rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng người nông dân luôn chia sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình với những người hàng xóm ở các trang trại xung quanh.

- Tại sao ông lại chia sẻ những hạt giống tốt nhất của mình cho những người hàng xóm và cũng là đối thủ trong các cuộc thi ngô hàng năm? – Người phóng viên hỏi.

- Ồ, anh không biết à? – Người nông dân trả lời – Gió sẽ mang những hạt phấn hoa từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nếu những người hàng xóm của tôi chỉ trồng những cây ngô không tốt thì rõ ràng, khi ngô được thụ phấn nhờ gió sẽ làm giảm chính chất lượng ngô của tôi. Tôi muốn trồng ra những cây ngô tốt, tôi cũng phải giúp những người xung quanh trồng được ngô tốt đã!

Chúng ta vẫn thường nghe đâu đó mọi người nhắc nhau rằng “Hạnh phúc là cho đi”, và trong trường hợp này, câu chuyện về người nông dân với những bắp ngô tốt là một dẫn chứng tuyệt vời cho câu nói đó.

Cuộc sống là những sợi dây kết nối người với người, sẽ chẳng có ai tồn tại mà không thuộc một vài mối quan hệ nào đó. Vậy nên, điều hiển nhiên là, bạn sẽ chỉ hạnh phúc khi những người xung quanh bạn cũng hạnh phúc. Hãy tưới nước cho mọi người, và bạn cũng sẽ ướt!

Nếu muốn thành công cần giúp người khác thành công, nếu muốn vui vẻ nên giúp người khác vui vẻ, muốn có ngô tốt thì phải chia sẻ giống tốt cho mọi người… Giá trị cuộc sống được đo bằng những gì bạn mang tới, “chạm” tới.


Người ta có muôn vàn cách làm giàu, nhưng không mấy ai nhận ra rằng cho đi là một trong những cách hiệu quả nhất. Làm giàu tâm hồn, làm giàu cuộc sống! Khi bạn biết cho là thêm một lần bạn được nhận. Thiên Chúa sẽ không ky bo với những ai sống “thoáng”.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

ĐẾN VỚI CHIÊN LẠC…!


“Các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel." (Mt 10,6)

Lạy Chúa, cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao trò chơi đồi trụy. Qua sách báo, phim ảnh xấu đã len lỏi vào tâm hồn chúng con những tư tưởng lỗi đức trong sạch. Xin Chúa ban cho giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng con đang sống. Xin Chúa cũng ban thêm sức mạnh để chúng con làm chủ tư tưởng và ước muốn của mình luôn thanh sạch, và dám can đảm tẩy trừ sự ô uế nơi chính bản thân chúng con.


Xin cho chúng con biết thao thức trước cảnh "lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít", xin hãy sai chúng con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Dù phận hèn sức yếu nhưng chúng con vẫn xin được là khí cụ gieo vãi yêu thương và bình an cho thế gian.

CHÚA LÀ MỤC TỬ TỐT LÀNH


“Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương” (Mt 9,36).

Chúa Giêsu là hình ảnh của vị “mục tử nhân lành” hiện ra thật rõ trước một đám đông dân chúng lầm than, nghèo khổ. Nơi Nhà Tạm Chúa vẫn đang nhìn đến phận người chúng con. Một phận người có quá nhiều những lo âu vất vả. Một phận người lầm than cơ cực. Chúa vẫn đang chạnh lòng thương xót chúng con. Thương xót vì chúng con thiếu tình liên đới với nhau. Thương xót vì chúng con thiếu người biết lo lắng cho tha nhân. Xin Chúa tha thứ cho thái độ sống dửng dưng của chúng con trước khổ đau của anh em. Xin hoàn thiện chúng con nên giống Chúa để chúng con cũng biết chạnh lòng thương xót lẫn nhau, và cùng giúp nhau có cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn.

Xin cho chúng con có một tấm lòng và ánh mắt yêu thương của Chúa, để chúng con xoa dịu những khổ đau của tha nhân. Xin ban cho chúng con một tấm lòng quảng đại để chúng con biết sống yêu thương và phục vụ mọi người. Xin cho giáo xứ chúng con có nhiều tâm hồn quảng đại để phục vụ Nước Chúa, ngõ hầu danh Chúa được mọi người tán dương qua hành vi bác ái của chúng con.

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

CHỈ CẦN TIN THÔI…!


“Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!” (Mt 9,21)

Trong đời sống thiêng liêng, đã nhiều lần ta đụng chạm vào Đức Giêsu. Ðụng đến Lời Ngài, chạm đến Mình Máu Thánh của Ngài. Ðụng bằng tay, chạm bằng miệng, bằng rung động của con tim.

Có những lần ta đụng chạm đến Ngài một cách hời hợt vì thói quen, không để lại một âm vang nào, không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống. Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình bất xứng, dù biết mình nhơ nhớp tội lỗi. Chính vì nhận biết mình nhơ nhớp tội lỗi mà ta “cả dám” đụng vào Ngài. Ðụng vào Ðấng Thánh để được Ngài thanh tẩy cho trong sạch, để được Ngài cứu chữa bệnh tật linh hồn và nhất là để được Ngài cho ta được thông phần tham dự vào bản tính thiêng liêng của Ngài, cho ta được trở nên giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn.

Ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày và ta cũng cần được Ngài chạm đến ta mỗi ngày. Như ông trưởng hội đường xưa kia đã van xin Ngài đặt tay trên con gái của mình. Ngài đã đến nhà ông và đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết. Hôm nay, ta cũng cần được Chúa cầm tay ta và bảo: “Talithakum - Hãy chỗi dậy.” (Mc.5:41). Chỗi dậy khỏi bệnh tật linh hồn. Chỗi dậy khỏi nhơ nhớp tội lỗi. Chỗi dậy khỏi những đam mê yếu đuối của thân phận con người. Chỗi dậy để sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay tường thuật hai phép lạ xảy ra nhờ lòng tin. Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mt.9,22a). Ngài cũng nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc.5:36). Cần có lòng tin khi đụng chạm đến Đức Giêsu. Đụng đến Đức Giêsu nơi bí tích Hòa Giải giúp ta được thanh tẩy và lớn lên. Chạm vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể giúp ta thêm sức mạnh để bước đi trên đường đời. Đụng chạm đến Lời của Ngài nơi những trang sách Tin Mừng giúp ta tìm gặp chân lý, bắt gặp an bình và hy vọng…Chỉ cần để Chúa đụng chạm đến ta một lần thôi, đời ta sẽ hoàn toàn biến đổi; sẽ tràn đầy ân phúc và bình an.

Lạy Chúa ! Như người đàn bà bị bệnh băng huyết xưa kia, xin cho con được đụng chạm đến áo của Ngài. Xin cứu chữa con khỏi đam mê yếu hèn của kiếp người. Như em bé con ông trưởng hội đường xưa kia, xin cầm lấy tay con, nâng đỡ con và kéo con đứng dậy…Đứng dậy để giã từ con người yếu đuối tội lỗi; đứng dậy để bước đi trong tình yêu và ân sủng Ngài ban.

TỪ BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ THEO CHÚA


Có một số người ngoài Kitô giáo đã chỉ vào thánh giá và hỏi rằng : “Tại sao người Công giáo thờ một hình tượng ghê rợn và đau khổ như thế ? “Quả thật, đối với người không có đức tin, hình khổ thập giá là một điều đáng kinh hãi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại biến “khổ giá”thành “thánh giá” và coi đó là phương thế duy nhất dẫn đến sự sống, đem đến ơn cứu độ cho con người.

Khi thánh Phêrô vừa đại diện các tông đồ tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa (Mt 9,18-21), thì Đức Giêsu bắt đầu loan báo cho các môn đệ về con đường cứu thế của Người, là con đường khổ nạn và phục sinh. Đồng thời Đức Giêsu cũng loan báo về điều kiện phải có để theo Người. Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường đưa đến sự sống đời đời, vì chính Chúa đi trước và mời gọi chúng ta bước đi theo Người, đó là con đường thập giá.

Muốn bước theo Đức Giêsu thì cần phải bỏ mình và vác thập giá hằng ngày. Đây là điều kiện, là quy luật của đời sống Kitô hữu. Vậy mỗi người chúng ta hãy nhiệt tình và mau mắn từ bỏ con người cũ của mình để vác thập giá mỗi ngày.


Lạy Chúa, đứng trước thập giá, ai mà không ngại ngùng run sợ. Xin ban cho con ơn can đảm và quảng đại, để con hăng hái vác thập giá hằng ngày mà tiến bước theo Chúa.

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

CHAY TỊNH THEO TIN MỪNG

Chúa Giê-su vẫn mời gọi chúng ta sống chay tịnh. Chay tịnh để hãm dẹp thân xác. Chay tịnh để tập luyện khả năng làm chủ hành vi của mình không nuông chiều theo tính xác thịt. Mặc dù vậy, Ngài luôn đả phá thái độ giữ đạo hình thức. Ngài đòi hỏi chúng ta giữ đạo từ lòng mến Chúa. Ngài đòi người môn đệ phải thay đổi lối sống cho phù hợp với tin mừng. Tin mừng của yêu thương.


Có lẽ vì thế, chay tịnh theo Tin Mừng không quan trọng thời gian dài hay ngắn, nhưng chay tịnh phải khởi đi từ lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa hơn mọi quyến luyến của thế gian. Yêu mến Chúa là chấp nhận vì Chúa mà từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Yêu mến Chúa là chọn sống cho Chúa và vì Chúa. 

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

CHÚNG TA ĐÃ VÀ ĐANG LÀM GÌ ?

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 9, 9-13), một lần nữa Chúa Giê-su lại xác quyết rằng: điều mà Thiên Chúa cần nhất chính là lòng nhân từ.

Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa trao ban ân huệ cũng như tài năng, và có tất cả những gì cần có để đạt đến đích. Thiên Chúa trao ban những ân huệ tài năng khác nhau là để giúp con nguời có thể chu toàn các công việc khác nhau, bổ túc, khích lệ, và nâng đỡ nhau trong cuộc sống vất vả nơi dương thế. Mỗi người đều quan trọng và có chỗ đứng riêng biệt trên trái đất. 

Điều quan trọng không nằm ở chỗ nhận nhiều hay ít, nhận ân huệ này hay tài năng kia, nhưng ở chỗ chúng ta đã, đang, và sẽ làm gì với những cái chúng ta có, những gì chúng ta đã lãnh nhận.


Đâu là ân sủng tài năng của chúng ta? Và Thiên Chúa đã trao cho chúng ta những gì để chúng ta chia sẻ với xã hội hôm nay? Phải chăng chúng ta chia sẻ hay lại chôn giấu dưới đất, đầu tư một cách ngu xuẩn hay dùng nó để làm vinh danh Chúa? Chúng ta cần nhớ rằng chúng ta có tất cả những gì cần thiết để chu toàn nhiệm vụ và bổn phận của chúng ta. 

Do đó, câu hỏi quan trọng mà mỗi người chúng ta cần kiểm điểm suy nghĩ một cách thành thật trước mặt Chúa và trả lời qua cuộc sống của mình, đó là: chúng ta đã và đang làm gì với những cái chúng ta có, những gì chúng ta đã và đang lãnh nhận?

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

TIN VÀO CHÚA LÀ BẢO HIỂM THẬT!


Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy luôn tin tưởng vào Ngài, dù có thể chưa được thấy bao giờ.

Việc có được Thiên Chúa trong cuộc sống chính là có được một dạng bảo hiểm. Chúng ta biết rằng cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, Ngài sẽ ở bên chúng ta và chúc phúc cho chúng ta vì chúng ta tin tưởng nơi Ngài.

“Chúng ta biết rằng mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa” (Rm 8,28), và “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Nhưng trong cuộc sống thường nhật của mình, đặc biệt khi đối mặt với một quyết định hay một vấn đề, những điều chúng ta muốn và cần hơn hết chính là một sự bảo đảm ngắn hạn, Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta điều đó.

Cuộc sống là một loạt những tình huống và những quyết định. Khi chúng ta chú ý đến những điều không chắc chắn, chúng ta trở nên tê liệt. Nhưng khi chúng ta dâng những khó khăn cho Thiên Chúa và đặt Ngài trong quyết định của chúng ta, những sự bảo đảm của Ngài sẽ đẩy chúng ta đi đúng hướng. “Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho” (Gc 1,5). “Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái, tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau: ‘Đây là đường, cứ đi theo đó!” (Tv 30,21).


Ai biết được điều gì xảy ra trong năm tới? Có lẽ lẫn lộn những điều ngạc nhiên, những thành công, những thất bại, và những đêm không ngủ. Nhưng qua tất cả những điều đó, Thiên Chúa chắc chắn là sự bảo hiểm và bảo đảm của chúng ta

LÒNG TIN...!

 Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ thánh Tôma, hẳn ai cũng biết ngài là người cứng lòng tin, bởi vì thánh nhân đã từng nói: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Như vậy, với ngài, không thấy là không tin. Thấy thì mới tin. Niềm tin của Tôma chính là tay phải sờ, mắt phải thấy thì mới có sự thuyết phục. Niềm tin của thánh nhân là niềm tin của lý trí.
Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn Tôma, các môn đệ khác và cả chúng ta ngày hôm nay phải đạt tới mức độ vượt lên trên những gì là khả giác của đời thường, để tiến tới một đức tin trưởng thành, tức là không thấy mà vẫn tin: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Thật vậy, đức tin là một ân ban của Thiên Chúa chứ không phải thuần túy do lý trí và cố gắng của con người mà có. Đức tin cũng không phải là một cái gì đó mà con người mong tìm được sự thỏa mãn do tính hiếu tri. Vì thế, bổn phận của chúng ta là phải khiêm tốn cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin được lớn mạnh và trưởng thành ngay trong đời sống hằng ngày.
Lạy Chúa, giữa một thế giới đề cao vật chất đã làm cho đức tin của chúng con cũng mang tính thực dụng. Chúng con đến với Chúa để tìm kiếm nhu cầu trần thế hơn là thực tại Nước Trời mai sau. Thánh lễ và kinh nguyện hằng ngày, không còn là nhu cầu mà chỉ là bổn phận. Chúng con thường làm chiếu lệ cho qua. Đôi khi ẩu thả, xem thường. Điều chúng con cần là tiền, là cơm áo, là danh vọng. Chúng con chỉ đến với Chúa để đòi hỏi Chúa đáp ứng cho những nhu cầu chúng con, thay vì chúng con tìm kiếm ý Chúa để thực thi. Xin Chúa tha thứ vì những lầm lẫn của chúng con. Xin canh tân đổi mới cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con tìm được niềm vui được sống trong ân nghĩa với Chúa hơn là những danh lợi thú trần gian.


Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

TỰ DO CHỌN LỰA

Bài Tin Mừng hôm nay ( Mt 8, 28-34) trình thuật lại việc Chúa Giêsu đã chứng tỏ uy quyền của Người vượt trên sự dữ, qua việc trừ hai tên quỷ ở Gađara. Nhưng người dân lại không muốn Chúa hiện diện ở đó, họ không biết ơn và từ chối nhận ơn.
Ai trong chúng ta cũng đã một lần chọn lựa, một lần dứt khoát với tội lỗi qua bí tích Thánh Tẩy để được tự do làm con cái Chúa, trong một Ðất Hứa tràn đầy “sữa và mật”. Vâng, theo Chúa phải chịu nhiều thiệt thòi, đố kỵ. Cuộc sống ấy có thể tạo ra nhiều ràng buộc, nhiều chiến đấu hy sinh, nhiều phiền toái, thua thiệt. Thế nhưng, đó chính là cái giá để được tự do và niềm vui đích thực, đó là kho tàng đáng cho chúng ta hy sinh tất cả để đổi lấy.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã quý trọng con, cho con quyền tự do chọn lựa. Tuy con đã chọn Chúa là cùng đích đời con, nhưng biết bao lần con đã lu mờ giác quan, để chỉ còn thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.


Xin tha thứ cho con, và xin cho con luôn can đảm tiến bước, để vượt qua những chông gai thử thách với một niềm tin chắc chắn rằng: Chúa chính là niềm vui, là nguồn hạnh phúc và là lẽ sống của đời con.

TỪ CHỐI THIÊN CHÚA...!

“Họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ” (Mt 8,34).

Chúa Giêsu đã chứng tỏ uy quyền của Người vượt trên sự dữ, qua việc trừ hai tên quỷ ở Gađara. Nhưng người dân lại không muốn Chúa hiện diện ở đó, họ không biết ơn và từ chối nhận ơn. Tại sao người ta lại muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình?


Trong một xã hội thực dụng thì con người dường như không muốn có sự xuất hiện của Thiên Chúa. Họ cho rằng Thiên Chúa chỉ là một vị thần do trí tưởng tượng bày ra và lấy đi tự do của họ. Nhưng thực tế chứng minh rằng, xã hội không có Thiên Chúa thì chỉ như một địa ngục, nơi mà chỉ có ích kỷ, ganh ghét và tội lỗi ngự trị. Xin Chúa luôn ở lại với chúng con.

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN...!

Bài  Tin mừng hôm nay (Mt 8, 23-27) thuật lại việc Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió trên biển cả làm chúng ta nhớ  đến cơn sóng thần dữ dội xảy ra ở Đông Nam Á vào cuối năm 2004. Cơn sóng thần đó đã qua đi lâu rồi nhưng dư âm kinh hoàng của nó vẫn vang vọng như vừa mới xảy ra: bao gia đình tan nát, chết chóc, chia lìa, có những xóm làng, hòn đảo bị quét sạch trên bản đồ không một ai sống sót, những cặp tình nhân đưa nhau đi nghỉ mát cuối năm: đi hai về một, người chết không đủ đất chôn, không kịp thời gian để an táng, không đủ bao nylon để bọc đành chọn kiểu chôn tập thể, những người thoát nạn sống trong màn trời chiếu đất, thiếu ăn thiếu uống, lo âu hãi hùng, tinh thần khủng hoảng, những nước vốn đã nghèo giờ bị tàn phá kiệt quệ… tôi không muốn đưa ra con số chính xác ở đây vì mỗi ngày đọc tin tức là một con số mới, thay đổi đến chóng mặt, con số ngày hôm nay sẽ lạc hậu so với con số của ngày mai. Sự mất mát và thiệt hại quá nặng nề về vật chất cũng như về tinh thần cho người đã chết cũng như người còn sống sót. Nhưng có lẽ sự thiệt hại nặng nhất là sự khủng hoảng về đức tin cho những người đang sống, hình ảnh về một Thiên Chúa nhân từ đầy lòng xót thương bị cơn sóng thần bóp méo, con người đâm ra nghi ngờ sự hiện hữu của Đấng Hằng Hữu, đó là nỗi buồn vượt trên bao nỗi buồn. Con người có thể sống khổ sở, vật lộn với cuộc sống, thiếu ăn thiếu mặc, nhưng nếu vắng bóng đức tin thì con người sẽ sống ra sao?

Ngày cơn sóng thần lẳng lặng xuất hiện không một tiếng báo trước là ngày Chúa nhật 26 tháng 12 nhằm ngày Lễ Thánh Gia, bổn mạng các gia đình Công giáo. 

Trong khi Giáo Hội hân hoan kỷ niệm ngày đầm ấm xum vầy của một gia đình hạnh phúc trong dư âm ngày Chúa Giáng Sinh còn đâu đây, thì đó cũng chính là ngày gây kinh hoàng tang tóc cho hàng trăm ngàn gia đình. Hai hình ảnh thật trái ngược, Thiên Chúa như khéo bày chuyện trêu ngươi người đời! Nhưng nhìn lại bằng con mắt đức tin thử xem, Phục Sinh và Giáng Sinh là hai ngày lễ lớn và trọng đại nhất của Giáo Hội Công Giáo, đối với người Công Giáo có mức sống đạo bình thường một năm Giáo hội khuyến khích xưng tội hai lần: một vào mùa Chay và một vào mùa Vọng, họ cũng rước Mình Thánh Chúa trong hai ngày lễ lớn của năm: Phục Sinh và Giáng Sinh theo như Giáo Hội yêu cầu. Vậy được Chúa gọi về với Ngài ngay khi người tín hữu đã chuẩn bị tâm hồn, vừa được rước Chúa vào ngày hôm trước, đó là phúc hay họa? Hãy cẩn thận, đừng khóc thương cho những người vừa được Chúa gọi về và đang yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của Ngài, mà hãy khóc than, lo lắng cho chính linh hồn mình, vì ngày Con Người tới, biết mình có được chuẩn bị sẵn sàng như họ chưa?

Bên cạnh những hình ảnh tang thương, chết chóc là những tấm hình chụp những chuyến trực thăng chở hàng tiếp vận, những kho hàng óc ách đầy hàng hoá, những nhân viên làm việc thiện nguyện ngày đêm để cứu các nạn nhân, tiền cứu trợ của mỗi nước Mỹ, Nhật, Úc… tăng từ từ, các hội từ thiện trên thế giới lớn tiếng kêu gọi đóng góp với những con số lớn lên mỗi ngày, con người bỗng ra hiền hòa và thế giới cảm nhận được tình nhân ái lâu rồi mới thấy lại, tiếng gọi cứu trợ ở khắp mọi nơi: báo chí, internet, đài phát thanh, truyền hình, trong nhà thờ, nhà trường, các hội đoàn, các hãng lớn xưởng nhỏ, chợ búa… đi đến đâu cũng nghe người ta ơi ới réo gọi nhau, khuyến khích nhau cùng bố thí làm phước. Hình như những đau khổ trong cuộc sống đẩy con người lại gần nhau hơn và những tang thương chết chóc của người khác là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính mình.

Vậy mỗi người chúng ta sẽ luôn sống trong tỉnh thức và cầu nguyện!


CÓ CHÚA TRONG ĐỜI


Bài  Tin mừng hôm nay (Mt 8, 23-27) thuật lại việc Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió trên biển cả theo lời cầu cứu của các môn đệ Ngài. Chúa Giêsu để cho sóng gió xảy ra để thử thách niềm tin của các môn đệ, và trình bầy sứ vụ cứu thế của Ngài, đồng thời cũng là dịp củng cố niềm tin cho các môn đệ Ngài.

Việc Chúa Giêsu nằm ngủ gợi đến sự vắng bóng của Chúa. Chúa nằm ngủ trên thuyền là hình bóng Hội thánh tại thế : vẫn có Chúa hiện diện nhưng bề ngoài chúng ta không cảm thấy. Sự hiện diện của Chúa nơi Hội thánh chỉ có thể nhìn thấy qua các biến cố và qua con mắt đức tin. Cuộc đời của từng người chúng ta đôi lúc như thiếu vắng Chúa, nhất là tnhững cơn gian nan thử thách. Chúng ta có cảm giác như mình bị bỏ rơi và muốn thưa với Ngài:”Lạy Chúa, Chúa ở đâu”? Nhưng Chúa chỉ trả lời trong ơn thánh và đức tin : “Ta vẫn ở bên con. đừng sợ”.


Việc Chúa truyền cho sóng gió phải yên lặng gợi lên cho chúng ta ý tưởng rằng Chúa là Đấng toàn năng trên mọi tạo vật. Mọi loài, mọi vật phải vâng phục Ngài. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, chúng ta hãy kêu cầu Chúa, Ngài sẽ đến giúp như xưa Chúa đã đáp lời kêu cứu của các môn đệ mà truyền cho sóng gió phải yên lặng. Có Chúa trong đời ta còn sợ gì ?