Cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa. Con người cần biết
Thiên Chúa là ai và những gì Thiên Chúa thích; đồng thời con người cũng cần
biết mình là ai và những gì mình ao ước. Vì thế, cần chuẩn bị tâm hồn và có
thái độ xứng đáng trước khi cầu nguyện. Để dẫn chứng thái độ thích đáng khi cầu
nguyện, Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công
chính mà khinh chê người khác:
(1) Thái độ của người Pharisêu: Người Pharisêu đứng thẳng,
nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ
khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay
mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Có nhiều
điều sai trong cách cầu nguyện này: Hành vi bên ngòai biểu lộ tâm hồn bên
trong. Cách đứng thẳng biểu lộ ông cho mình là công chính; và nếu ông đã công
chính, ông đâu cần đến Thiên Chúa. Lời nói của ông cũng xác tín điều này, ông
so sánh mình với những lọai người tội lỗi, và nhận thấy ông quá tốt lành.
(2) Thái độ của người thu thuế: Còn người thu thuế thì đứng
đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa
rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Ông nhận ra
Thiên Chúa là ai và ông là ai. Hành động và lời nói của ông chứng tỏ ông là
người tội lỗi và đang cần tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông biết ông không
cần phải nói nhiều vì Thiên Chúa đã thông suốt cả.
Hậu quả của cuộc cầu nguyện là mục đích mà cả hai người cùng
nhắm tới: Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi nói
cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công
chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn
ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Người thu thuế đạt được mục đích, người
Biệt phái đã không đạt được đích, lại còn lãnh thêm tội vào mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét