Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội.
Nhiều tháng trời ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều, ngày đêm đánh
tội, ăn năn và cầu nguyện.
Ngày ngày các tu sĩ của một cộng đoàn ẩn tu mang thức ăn,
nước uống đến tận căn lều của mỗi người.
Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác
biệt giữa hai người. Một người thì khỏe mạnh, vui tươi, một người thì lại ốm o
buồn phiền.
Cả hai người đến trình diện trước vị bề trên của cộng đoàn
để chờ đợi sự phán quyết của ngài, theo đó họ có xứng đáng gia nhập cộng đoàn
hay không.
Khi được hỏi trong suốt một năm qua họ đã suy niệm về những
gì. Con người ốm o buồn phiền lên tiếng đáp:
- Trong suốt một năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội
lỗi tôi đã phạm. Từng giây từng phút tôi nghĩ đến hình phạt tôi sẽ gánh chịu,
tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.
Ðến lượt mình, con người vui tươi khỏe mạnh trình bày như
sau:
- Suốt một năm qua, từng giây từng phút tôi hằng nghĩ đến
những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi luôn luôn nghĩ đến tình thương của
Thiên Chúa.
Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích về chứng từ của con
người khỏe mạnh vui tươi. Vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca chúc
tụng, tri ân đối với tình yêu của Thiên Chúa.
Nhưng con người ốm o sầu buồn kia cũng được đón nhận vào
cộng đoàn.
Chia Sẻ:
Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Không phải tất cả các
vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân. Nhưng tất cả đều bắt đầu có ý
thức sâu sắc về tội lỗi và sự yếu hèn của mình.
Càng ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình con người
càng cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Ðó là thực trạng tâm hồn của tất cả
các vị thánh trong giáo hội.
Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài
chính là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Chúa Giêsu đã nối kết
lòng sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì nếu không phải là tình yêu của Thiên
Chúa thể hiện qua con người của Ðức Giêsu Kitô?
Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của
mình. Sám hối đích thực không dừng lại ở đau xót, buồn phiền, sợ hãi, mà phải
là ngõ dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là hoan lạc, vui mừng.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải qua cuộc sống và nhất
là cái chết của Ngài là một người cha yêu thương và tha thứ, một người cha muốn
được con cái yêu mến hơn là sợ hãi.
Do đó, đạo mà Chúa Giêsu đã thiết lập không phải là đạo của
buồn phiền, của khổ đau mà là đạo của Tin Mừng, của Tình Yêu, của hân hoan, của
hy vọng.
Ðành rằng thập giá là biểu tượng của Kitô giáo. Nhưng người
Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, buồn phiền, khổ đau. Họ luôn được mời gọi
nhìn ra ánh sáng, hy vọng, tin yêu, sự sống bên kia thập giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét