Translate

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN -A- KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI


Vì nhu cầu mục vụ, hằng năm Giáo Hội Việt Nam chọn ngày Chúa Nhật gần nhất của ngày 07 tháng 10 làm ngày lễ Kính Trọng Thể Đức Mẹ Mân Côi, để mọi tín hữu có thể tham dự. Trong ngày này, chúng ta lại một lần nữa được nghe bài Tin Mừng về biến cố Truyền Tin, biến cố khai mở kỷ nguyên cứu độ khi con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng thánh khiết Mẹ Maria. Truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Trong mầu nhiệm truyền tin này, làm nổi bật lên chân dung của mẹ Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ và lời đáp trả “xin vâng”.

Đức Maria được “đầy ân sủng” vì việc nhập thể của Ngôi Lời: sự liên kết của Con Thiên Chúa với nhân tính trong một bản vị được thực hiện và hoàn tất nơi Mẹ. Như công đồng Vaticano II khẳng định: “Đức Maria là Mẹ Con Thiên Chúa, do đó là Nữ Tử yêu dấu của Chúa Cha và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí, Mẹ đã trổi vượt mọi tạo vật khác trên trời dưới đất”. Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38). Và lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa. Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa . Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Mẹ được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Với cả “nhân vị” của mình, Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.

Như vậy, trong biến cố truyền tin, Đức Maria – Đấng đầy ân sủng – đã để lại một mẫu gương chói ngời về sự khiêm hạ và vâng phục. Người trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Đức Maria được tràn ngập ân sủng và nhờ Người- trong Đức Kitô- ân sủng được tuôn đổ cho nhân loại. Đức Maria đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Đức Maria đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người.

****** 

Lạy Chúa, sống trong ân sủng, khiêm tốn và xin vâng là những đức tính căn bản mà Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ mà luôn phó thác và vâng phục thánh ý Chúa, để cuộc đời xin vâng của chúng con thành hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hầu mưu ích cho các linh hồn. Amen.

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

THỨ BẢY TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời (Lc 9, 44)

Sống trên cuộc hồng trần này, mầu nhiệm về khổ đau luôn là điều bí nhiệm. Các nhà hiền triết, các bậc thánh nhân, các nhà tiên tri và tri thức thần bí… từ ngàn đời đã trăn trở tìm kiếm để cho đau khổ một ý nghĩa. Sách sáng thế cho thấy đau khổ là hậu quả tất nhiên của tội lỗi, của việc con người không vâng phục những lời dạy bảo của Thiên Chúa, hay nói khác đi đầu mối của nó chính là sự kiêu ngạo, bất tuân đường lối, thánh ý Người. Hơn nữa, trước mặt người đời, Thập giá luôn là điều khờ dại; vì con người sự thường ai mà không thích thảnh thơi, dễ dãi, ai mà không thích được thành đạt, ca ngợi, tôn vinh, ai mà không thích sung sướng, vui vẻ…. Nhưng Đức Giê-su đã cho thấy một chân lý khác – chân lý của “một hạt lúa mì không thể sinh hoa kết trái nếu không phải chịu mục nát và thối rữa đi” và có “gieo trong lệ sầu mới gặt trong hân hoan vui sướng”. Chính vì vậy mà khi các môn đệ đang phơi phới hân hoan, và mơ tưởng những ‘vinh quang phù phiếm’ thì Đức Giê-su tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”; Đồng thời người cho biết ai muốn làm môn đệ bước theo dấu chân Người không thể không ôm ẵm, vác thập giá hằng ngày mà đi theo Người. (x.Lc 9, 23). Các môn đệ đã không hiểu. không dám hỏi và cũng chẳng muốn đối diện với điều xem ra ‘ngược đời’ ấy. Thật vậy, trong mắt các môn đệ vẫn là một tương lai rạng ngời về quyền lực đang rộng mở, một chân trời mới giàu sang đang chào đón khi Thầy lên ngôi hiển trị. Làm sao có thể chấp nhận được một kết cục như thế, chẳng lẽ Thầy bị giết là mọi hoài bảo của mình tan tành mây khói sao? Điều đó là không thể được. Và chỉ Thần khí của Đấng phục sinh – Thánh Thần của Thiên Chúa mới làm cho các môn đệ hiểu để rồi như Đức Giê-su các ngài đã giơ tay ôm ẵm Thập giá để loan truyền Tin mừng tình yêu của Thiên Chúa.

Cũng vậy, ngày hôm nay khi chọn theo Chúa, không ít các bạn trẻ mang trong mình hoài bảo đổi đời, được chia sẻ chức vị, được kính trọng... Nếu được cảnh tỉnh thì họ không dám đối diện với sự thật là phải dấn thân hy sinh và tìm vinh quang cho Chúa chứ không phải cho mình. Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa. Như các môn đệ sau biến cố ‘vượt qua và Phục sinh’, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mở trí, mở mắt tâm hồn để hiểu được con đường thập giá tình yêu mà Đức Giê-su đã chọn để làm giá cứu chuộc muôn người; Đồng thời xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đủ tình yêu và sức mạnh để đi trọn con đường thử thách gian nan; Bởi vì như thánh Phao-lô, người đã coi cuộc đời này là một trận chiến, một thao trường mà chúng ta phải chiến đấu để dành cho được ngành lá thiên tuế - ngành lá chiến thắng; Do đó mà không có sự dễ dãi, thoải mái hay hưởng thụ ích kỷ cho người môn đệ. Nhưng hạnh phúc đích thực chỉ có cho người biết gieo rắc tình yêu thương, Mà đường yêu thương là con đường hy sinh và dâng hiến.

Lạy Chúa Giêsu là vua tình yêu rất cao cả! Con thấy cuộc đời sao lắm truân chuyên, gian nan, thử thách và đau khổ. Có những đau khổ do hoàn cảnh, môi trường tạo nên, Có những đau khổ do con người sống bên cạnh…Nhưng cũng có những đau khổ do chính sự giới hạn thể xác, tinh thần của chính bản thân con. Xin cho con thấy được sự dữ cũng như rút ra được những điều tốt đẹp từ đau khổ. Xin cho con hiểu được con đường thập giá Chúa đã đi chỉ có ý nghĩa và giá trị bởi tình yêu hy hiến của Người. Xin cho con dám sống yêu thương cho dù mình sẽ phải hy sinh và thậm chí sẽ ‘bị nộp’ vào tay người đời.

******

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết vững tin vào Lời Chúa, chứ đừng chạy theo hay là đòi hỏi những dấu lạ điềm thiêng, và những thành công viên mãn, với những chức cao quyền trọng của trần gian. Nhưng luôn mặc lấy tâm tình của Thầy Giêsu, hiên ngang vác thập giá của đời mình và bước đi cùng với Giêsu trên con đường Ngài đã đi là con đường “Vinh quang trong Đau Thương”. Amen

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

LỄ KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN


Các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. (Ga 1, 51)

Tin Mừng Gioan không kể danh sách Nhóm Mười Hai, nhưng lại nói đến một vị được gọi khi đang ngồi trầm tư dưới gốc cây vả, đó là một kinh sư Do Thái tên là Nathanael. Mãi cho đến thế kỷ thứ XVI các học giả Thánh Kinh và Thần Học đồng hoá Nathanael mà Tin Mừng nhắc tới hôm nay chính là thánh Bartolomeo. Ngày lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng này, bởi vì qua câu chuyện Nathanael, Chúa Giêsu vừa mời gọi đến với Ngài (‘đến mà xem”), vừa mặc khải sự hiện diện của các thiên thần “hằng lên lên xuống xuống trên Người”. Thật vậy,

- Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta trước cả khi chúng ta tìm kiếm người. Mọi việc chúng ta làm dù ở đâu và lúc nào Chúa đều thấu tỏ. Nathanael dù có đức tin chưa trọn hảo nơi đạo cũ, nhưng với tấm lòng không gian dối và khát khao tìm chân lý, nên Chúa đã gọi ông theo làm môn đệ Người. Tuy nhiên, cách thế Chúa Giêsu gọi Nathanael không phải cách trực tiếp mà qua một trung gian là thánh Philipphe dẫn Nathanael đến cho Người.

- Ơn gọi làm Kitô hữu hay ơn gọi tu trì, đôi khi được Chúa gọi cách trực tiếp qua sự thôi thúc trong lòng, nhưng có lúc cũng cần đến những người khôn ngoan, những người đã đi trước hướng dẫn và giới thiệu chúng ta đến với đạo hay đến với đời tu. Cũng như thánh Philipphê khi đã gặp được Chúa, thánh nhân đã đi giới thiệu cho Nathanael và dẫn Nathanael đến gặp Chúa; chúng ta cũng vậy, sứ vụ của mọi Kitô hữu chúng ta là truyền giáo cho bất cứ những ai chưa nhận biết Chúa, giới thiệu về Chúa cho họ và đưa họ đến với đức tin.

- Việc biết Chúa không phải là chuyện bàng quang không thèm gia nhập đạo; theo đạo không phải là dửng dưng không quan tâm đến việc đạo đức, tham dự thánh lễ và cầu nguyện với Chúa; việc trở nên bạn hữu của Chúa không phải chỉ là chuyện nghe nói về Người… Nhưng cần sự gặp gỡ giữa ta với Chúa, không ai giữ đạo thay cho ta được, không ai tu thay cho chúng ta được, không ai đền tội hay lập công cho chúng ta được… Vì thế, cần một sự “đến mà xem” nghĩa là phải đến gặp gỡ Chúa qua các bí tích và đời sống đạo để được Người cứu độ.

- Trước khi gặp Chúa, Nathanael vẫn mang trong mình cái biết và cái thành kiến của một xã hội đã nắn đúc lên trong tư tưởng ông và không thể thoát ra được. Ngồi dưới gốc cây vả, ông vẫn tìm kiếm trong vô vọng về những gì dân Do-thái dựng nên trong đầu ông về một Đức Giêsu quyền lực và phải xuất thân ở một nơi danh giá, chứ không phải nơi một bác thợ mộc và quê nghèo Nazareth. Chính vì thế mà vừa nghe giới thiệu, ông phản kháng ngay: “Ở Nazareth nào có cái chi hay?” Tuy nhiên, ông vẫn dám bước ra khỏi cái thành kiến kia để đến gặp Chúa, và khi đã gặp Chúa rồi, ông đã tuyên xưng và được biến đổi trở nên người môn đệ. Chúng ta cũng thế, khi chưa gặp Chúa, chúng ta vẫn mang trong mình những thành kiến, những tư tưởng không tốt. Chúng ta chắc chắn sẽ hành động sai khi chúng ta thiếu đi sự cầu nguyện gặp gỡ xin Chúa soi sáng…

Tóm lại: Mừng lễ các thiên thần hôm nay, vì các ngài vô hình nên chúng ta không thể học đòi noi gương, nhưng chúng ta có thể hoạ lại phẩm tính và sứ vụ của các ngài:

Là Michael, chúng ta khiêm tốn suy phục Thiên Chúa và chống lại sự dữ.

Là Gabriel chúng ta được sai đi đem Chúa đến cho mọi người.
Là Raphael, chúng ta biết cảm thương an ủi và chữa lành những ai đau khổ.
-Là trung gian khi các thiên thần như một cầu nối dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa và các ngài lên lên xuống xuống trên con người. Chúng ta đang hoạ lại sứ vụ trung gian chuyển cầu đó.
-Là sứ giả khi các thiên thần truyền tải các sứ điệp của Thiên Chúa đến cho chúng ta. Chúng ta cũng là những sứ giả của Tin Mừng.
-Là Xêraphim (thần sốt mến) các ngài ngày đêm ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Sứ vụ này hoạ lại nơi đời sống cầu nguyện của chúng ta rõ nét nhất.
-Là Cherubim (thần hộ giá) các ngài túc trực hầu cận Thiên Chúa và ở với Người. Chúng ta cũng thế, chúng ta hãy là những tôi tớ ngày đêm hầu cận Chúa.


******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đến với Ngài để được gặp Ngài, nhờ đó chúng con được biến đổi nên trong sạch, xứng đáng được luôn ở bên Chúa và phụng sự Ngài như các thiên thần ngày đêm ca tụng Chúa trên trời. Amen.

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

THỨ NĂM TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN


Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? (Lc 9, 9)

“Ông này là ai?”: Đó là câu hỏi mà vua Hêrôđê đã đặt ra khi ông nghe nhiều người nói về Đức Giêsu. Có thể nói rằng vua Hêrôđê dường như bị ám ảnh bởi con người của Gioan tẩy giả, vì Gioan là người duy nhất đã dám lên tiếng vạch trần tội ác và cái xấu của nhà vua. Cũng như nhiều chế độ chính trị khác, việc kết tội các nhà lãnh đạo là một việc làm có thể nguy hiểm đến tính mạng, thế mà Gioan đã không sợ hãi điều đó, ông đã chỉ thẳng vào nhà vua và nói rằng: Vua không được cướp vợ của anh mình. Vì lúc đó cuộc sống bất hợp pháp của vua Hêrôđê với chị dâu đã là một gương xấu cho toàn dân, mà không ai dám nói, cuối cùng chỉ có Gioan là người dám lên tiếng tố cáo sự xấu xa ấy. Còn Đức Giê-su là ai đối với tôi? Phải chăng tôi cũng như Hê-rô-đê, tuy không trực tiếp chế nhạo Đức Giê-su là khờ, là điên, nhưng tôi vẫn cười nhạo những người sống công chính chân thật theo Tin mừng Chúa dạy là dại; những người không biết ma lanh, lắt léo, lợi dụng cơ hội để kiếm lợi là ngu – như thế một cách gián tiếp tôi cũng đang cười nhạo Chúa Giê-su và không cùng đi trên Đường của Người. Hoặc cũng có những khi tôi đi hành hương nơi này nơi kia vì ở đó nghe đồn có phép lạ, có Đức Mẹ hiện ra cũng là chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ trong tôi, hoặc để xin ơn gì đấy, nhưng căn bản cuộc sống tôi chẳng có gì thay đổi. 

Thật vậy, tâm trạng của vua Hêrôđê có khi cũng là tâm trạng của nhiều người trong chúng ta, kể cả những người ngoại đạo, vì ngày nay có nhiều lối sống và nhiều việc làm của xã hội của thế giới mà Giáo hội đang nhân danh Thiên Chúa để cảnh cáo họ, đó là những lối sống vô luân và vô nhân, những lối sống đang làm hạ thấp phẩm giá con người và phẩm giá Con Thiên Chúa, những lối sống bất công và những việc làm chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá mà giáo Hôi đang lên tiếng. Chính vì sự lên tiếng này mà thế giới muốn loại trừ Đức Giêsu và Giáo Hội của Người. Tâm trạng của Hêrôđê, có thể cũng là tâm trạng của nhiều người tín hữu, do đời sống bê tha tội lỗi, hoặc do sự lười biếng, và nhiều người đang cố tình lao vào con đường nghịch với giới răn lề luật của Thiên Chúa, nên nhiều người cũng đã nhìn Thiên Chúa như một kẻ cản trở công việc và đời sống của họ, coi Lời Chúa như là cái gai cứ ngày đêm đâm vào lương tâm họ khiến họ khó chịu và do đó họ tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình.

Là người Kitô hữu, song nhiều người cũng giống như Hêrôđê, chỉ nghe nói về Chúa Giêsu chứ chưa thực sự chưa gặp, chưa biết Chúa Giêsu là ai. Nhiều người chỉ nghe về Chúa Giêsu như nghe một câu chuyện cổ tích và không ảnh hưởng gì đến cuộc đời của họ. Trái lại, biết Đức Giêsu không chỉ là sự hiểu biết mà còn phải là kinh nghiệm gặp gỡ tiếp xúc với Ngài trong thân tình qua cầu nguyện, và đụng chạm đến Ngài như là người bạn bằng xương bằng thịt. Giống như Hêrôđê, nhiều người tín hữu chỉ tìm gặp Đức Giêsu khi gặp khó khăn thất bại, chỉ để cầu xin ơn này ơn khác, còn những khi thành công thì họ cho rằng đó là do sự khôn khéo của mình, và không mấy khi nhớ đến Ngài với tâm tình biết ơn. Nhiều người chỉ lo đi tìm Chúa ở nơi này nơi khác, trong khi đó Chúa Giêsu đang hiện diện một cách cụ thể nơi Lời của Chúa, nơi Bí tích Thánh Thể, nhưng nhiều người tín hữu dường như đã không quan tâm đến sư hiện diện của Ngài.Nhiều người xưng mình là Kitô hữu, song họ không tìm kiếm Đức Giêsu, không để tâm học biết về Ngài, nên không biết gì hoặc biết một cách hết sức mơ hồ về Chúa Giêsu. Nhiều người tin Chúa Giêsu mà vẫn chạy theo của cải tiền bạc vật chất danh vọng quyền lực, kể cả chạy theo ma quỷ và các thứ bùa chú và đặt Đức Giêsu xuống hàng thứ yếu tùy phụ trong các lo toan của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay cảnh tỉnh và nhắc chúng ta nhìn lại căn tính Ki-tô của mình; Chúng ta phải đi đến sự chân nhận về căn tính thực sự của Đức Giê-su Ki-tô – Người là Thiên Chúa – là tình yêu nhập thể để cứu độ tôi và tôi không thể có được sự sống hạnh phúc nếu tôi rời xa Người. Tôi chân nhận Đức Giê-su Ki-tô là cứu cánh đời mình để sống với tâm tình tạ ơn; để can đảm tín thác cuộc đời vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa và đồng thời bước theo Người trong suốt hành trình cuộc đời, sẵn sàng hy hiến để xây dựng nước tình thương của Người; để cũng như Người tôi biết trăn trở trước những tiếng kêu cứu của những anh chị em khốn khổ bần hàn, tiếng kêu của nhân loại đang rơi vào vực thẳm bóng đêm của một thế giới đang dần đánh mất những giá trị tâm linh vĩnh cửu – một nhân loại đang cần được cứu độ.

******
Lạy Chúa! Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Ngài trong mọi biến cố, hoàn cảnh và con người trong cuộc sống của  con và cho con biết đón nhận, trân trọng thực thi thánh ý Chúa. Xin ban cho con một đức tin kiên vững, một đức ái nồng nàn, một niềm cậy trông tín thác vào Chúa, để con làm chứng cho sự hiện diện đầy yêu thương và cứu độ của Chúa giữa lòng đời hôm nay. Amen

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

THỨ TƯ TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN


Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (Lc 9, 2)

Ngoài năng lực và quyền phép mà Chúa Giêsu trao cho, các môn đệ hầu như chẳng có gì gọi là của họ trong hành trang khi lên đường rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bảo vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình. Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa. Hơn nữa, loan Tin Mừng cốt yếu là làm chứng cho Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu đó đã sinh ra trong khó nghèo, sống kiếp nghèo và chết trong sự trần trụi trên Thập Giá. Vì thế, nếu đời sống của người rao giảng không thể hiện được tinh thần nghèo sẽ tự nó trở nên phản chứng.

Thật vậy, với tâm tình yêu mến và khát khao gặp gỡ Chúa qua Lời Ngài, tôi, bạn và anh chị ta cùng đọc lại và dừng lâu hơn trong từng câu chữ, hy vọng với ơn sáng soi của Thần Khí Chúa, ta nhận ra, hiểu được, đón nhận và sống sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Trước hết, bản văn cho biết Nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu cho tham dự vào sứ mạng rao giảng Nước Thiên Chúa của Ngài. Sứ mạng này là hồng ân nhưng không và không thể được thực hiện nếu các ông không có ơn trên, nếu các ông không tuân thủ những quy định và hướng dẫn của Chúa Giêsu. Vì thế, Chúa Giêsu đã trao năng lực và quyền phép của Ngài cho họ; đồng thời đưa ra những chỉ thị cụ thể để họ thực hiện như không mang gì khi đi đường, ở lại nơi được tiếp đón cho đến lúc ra đi, dứt khoát rời khỏi ngay nơi bị chối từ. Kế đến, ta cùng tìm hiểu ý hướng của Chúa Giêsu trong các việc trên. Sứ mạng rao giảng Nước Thiên Chúa hoàn toàn không phải là sáng kiến của con người, nhưng nằm trong kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Vì vậy, uy tín con người hoặc năng lực phàm nhân không thể được tận dụng, mà chắc chắn phải là ân sủng từ trời. Chia sẻ sứ mạng của thầy, Nhóm Mười Hai chỉ có thể thực hiện sứ mạng ấy với năng lực và quyền phép của Thầy.

TÓM LẠI: Trên đường sứ vụ, Chúa Giêsu không muốn các môn đệ bị phân tâm bởi những hành trang vật chất và tiện nghi, dù chỉ là những thứ thiết yếu như chiếc gậy để tự vệ và vài món đồ để dự trữ, phòng xa. Ngài muốn họ hoàn toàn cậy trông vào tình yêu toàn năng và sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài muốn họ đón nhận sự bấp bênh, sự thiếu an toàn, sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và vào con người. Lại nữa, trong tương quan với anh chị em, Chúa Giêsu muốn các môn đệ không tìm kiếm tiện nghi hay sự trọng vọng khác biệt. Ngài muốn các ông trở nên mọi sự cho mọi người qua lối sống gần gũi, hòa mình vào cuộc sống của dân để giúp dân dễ đón nhận Tin Mừng. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ của Ngài bình thản và dứt khoát chấm dứt tương quan khi đối diện với thách đố lớn nhất là sự dửng dưng, vô cảm, chối từ, thậm chí là chống đối nơi những con người đã được nghe loan báo về Nước Thiên Chúa.

*******

Lạy Chúa Giêsu, như xưa Chúa sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, xin cho mọi người chúng con hôm nay cũng biết sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng con. Amen

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

THỨ BA TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN


Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. (Lc 8, 21)

Tin mừng hôm nay kể lại một câu chuyện gây sốc. Một câu chuyện mà nếu chỉ nhìn hời hợt bên ngoài thì độc giả sẽ thấy buồn: Tại sao Đức Giê-su lại có những lời lẽ lạnh lùng như thế với Mẹ và anh em đang kiếm tìm Người. Người dường như chẳng quan tâm tới họ đang khi họ quan tâm đến Người. Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Người còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Người không đề cập đến chuyện gặp gỡ những người thân nhưng lại nhấn mạnh đến việc lắng nghe và thực hành lời Chúa là điều quan trọng hơn cả. Thực ra Chúa Giêsu không phủ nhận mối quan hệ thân thiết của gia đình, không phủ nhận mối liên hệ máu mủ với Mẹ Maria, trái lại Chúa Giêsu rất trân trọng người mẹ của mình đã sống trọn chữ trung tín và luôn tận tụy thi hành theo kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Người, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người khi xưng mình là Kitô hữu là phải sống những điều đã tuyên xưng, đừng là người “hữu danh vô thực”. Vì ai tuyên xưng niềm tin mà không sống đức tin ấy thì là người nói dối. Đức tin không việc làm là đức tin lý thuyết. Việc làm không niềm tin dễ trở thành kẻ phá hoại. Chỉ khi sống và thực hành những lời Chúa dạy chúng ta mới được hưởng nguồn Ơn Cứu Độ và đạt đến cuộc sống hạnh phúc đích thực. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa nước cuốn hay bão táp ập vào nhà ấy cũng không sụp đổ” (Mt 7, 24-25). Thật vậy, Đức Giê-su đã nhân cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng “một gia đình mới”, gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc “lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa”. Như thế, Đức Giê-su đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong gia đình mới mà Đức Giê-su đang gầy dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giê-su, vừa là mẹ Đức Giê-su vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Giáo Hội và cộng đoàn tu trì của chúng ta, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh gia đình mới của Đức Giê-su : chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Đức Giê-su, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự quy tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh rất đẹp và cụ thể, nói lên gia đình mới của Đức Giê-su. Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, ngang qua việc xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (Mt 7, 24-27). Nhưng, trong thực tế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, trở thành anh chị em của nhau trong Chúa qua việc nghe và sống Lời của Ngài, điều này quả không dễ dàng, nhưng có đầy khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quý, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.

******

Lạy Chúa Giêsu, Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là anh em và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen.

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

THỨ 2 TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN


Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. (Lc 8, 16)

Đoạn Tin Mừng hôm nay tuy chỉ dài ba câu, nhưng lại nhắc gợi ba vấn đề khá sâu nặng cho độc giả. Đó là: vai trò làm muối và ánh sáng của mỗi Kitô hữu ; tính cấp thiết của sứ mạng loan báo Tin Mừng và cuối cùng là sự cần thiết phải thực hành Lời Chúa.. Câu đầu tiên Chúa nói : Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” Với câu nói này, Chúa Giêsu nhắc nhở mọi người ý thức về bản chất của chính mình  nhiệm vụ để thực thi bản chất ấy. Cũng như bản chất của đèn là dùng ánh sáng xóa tan đi bóng tối. Với bản chất ấy, nhiệm vụ của đèn là chiếu sáng, nhiệm vụ của người thắp đèn là phải đặt đèn nơi cao, để đèn trên giá, cầm đèn trên tay, giữ đèn cháy sáng… Cũng vậy, bản chất của người Kitô hữu là họa lại hình ảnh một Chúa Kitô khác”, làm cho mọi người nhận ra gương mặt của chính Thiên Chúa nơi cuộc sống của mình. Không ai chấp nhận đi theo Chúa mà lại từ chối tuyên xưng danh ngài. Tiếp theo Chúa nói : Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng”. Điều đầu tiên Chúa dạy là phải ý thức bản chất của mình, điều thứ hai không kém quan trọng, đó là đôi khi việc ý thức về bản chất của mình rất rõ ràng, nhưng lại có thái độ “che giấu”. Thái độ che giấu là thái độ giả hình, giả tạo, không dám sống thật. Thái độ này làm cho con người “ảo tưởng” về mình, mình chẳng có gì mà “tưởng là có”, đang tội lỗi mà tưởng mình công chính, đang yếu đuối mà tưởng mình mạnh mẽ, đang xa rời bản chất mà tưởng mình thực thi. Chúa nhắc nhở, tất cả những điều “che giấu” ấy sẽ bị đưa ra ánh sáng. Tất cả những gì thuộc bản chất đều phải được thể hiện trước nhan Thiên Chúa và trước mọi người. Như thế chỉ có một con đường duy nhất, là sống chân thật, vì sự thật thì luôn hiển hiện như chính nó là. Cuối cùng, Chúa Giêsu cho thấy, việc con người quên đi bản chất của mình, việc con người không sống thật với bản chất của mình, thường có nguyên do của nó. Vì thế, Chúa dạy : “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe”. Như chúng ta đã biết, trong những câu ngay trước của đoạn Tin Mừng này (Lc 8,5-15), Chúa Giêsu vừa nói về dụ ngôn người gieo giống. Hạt giống lời Chúa được gieo xuống, sẽ sinh hoa trái như thế nào tùy theo cách thức người ấy nghe và đón nhận lời Chúa. Cuộc sống chúng ta nên như thế nào là do việc chúng ta đã nghe Lời Chúa như thế nào.

TÓM LẠI: Tuy là ba vấn đề, nhưng cả ba lại tương liên với nhau bằng một sợi chỉ đỏ duy nhất, ấy là Lời Chúa. Thật vậy, nếu không đón nhận và thực hành Lời Chúa, Kitô hữu sẽ không thể kham nổi vai trò làm muối và ánh sáng giữa đời. Nếu không lấy lời Chúa làm nguồn mạch và làm kim chỉ nam cho đời mình, Kitô hữu sẽ không thể nhận ra lời mời gọi khẩn thiết và không thể cảm thấy phải nhanh chóng đi ra loan báo Tin Mừng cho tha nhân. Qua hình ảnh chiếc đèn được đặt nơi cao tỏa chiếu ánh sáng, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta phải có một cuộc sống gương mẫu để chiếu sáng trước mặt người khác. Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến trần gian, giảng dạy về Nước Trời, thành lập Giáo hội. Ngài không muốn những điều trên dành riêng cho một nhóm người nào riêng biệt, nhưng muốn thông ban cho mọi người. Riêng các Kitô hữu, họ phải sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin Mừng Nước Trời. Họ đã được hưởng ánh sáng Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt, trái lại phải tìm cách làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh.

Nhìn chung, hiện nay Lời Chúa không đến nỗi xa lạ, vì tôi, anh chị và các bạn có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với Lời Chúa khi tham dự thánh lễ, khi đọc sách thánh, khi suy niệm ...; Lời Chúa cũng không quá khó hiểu, vì nhiều người trong chúng ta đã từng tham gia những khóa tìm hiểu, học hỏi Lời Chúa với nhiều cấp độ, nhiều quy mô ; Lời Chúa cũng đã được đón nhận cách này cách khác, vì có nhiều người rất kính quý Kinh Thánh, khá tích cực trong các nhóm chia sẻ Lời Chúa, thậm chí tham gia những khóa Tác Viên Tin Mừng nữa. Có điều là, bề mặt chung khá sáng sủa này lại chưa thể khỏa lấp những đám mây xám của lối sống không kham nổi vai trò muối và ánh sáng, của sự thờ ơ lãnh cảm trước sứ mạng loan báo Tin Mừng, nhất là của những gương xấu do không thực hành Lời Chúa nơi nhiều Kitô hữu, ngay cả nơi những Kitô hữu đã từng rất quen thân với Lời Chúa. Những đám mây xám trên đây khiến cho ngọn đèn Lời Chúa bị che lấp, khiến cho những tâm hồn thiện chí cứ phải vất vả kiếm tìm ánh sáng thật giữa hỗn mang mờ ảo, khiến những tâm hồn đơn sơ chân thành bị chơi vơi chống chếnh do không biết đâu là đường thật để định hướng đời mình,.. Thành ra, có thể nói, tuy hôm qua, hôm nay và mãi về sau Lời Chúa vẫn là ngọn đèn rọi bước chân lữ khách, vẫn là ánh sáng chỉ đường nhân gian giữa mênh mông biển đời. Nhưng vì cách thức chúng ta nghe, vì cách thức chúng ta đón nhận Lời Chúa, vì cách thức chúng ta sống Lời Chúa,... đã vô tình hay hữu ý biến Lời Chúa thành ngọn hải đăng cô đơn trong nỗi nhớ thương con thuyền và những ngư dân vốn rất cần và thường dõi mắt kiếm tìm mình. Ta thờ ơ với Hải Đăng đã vậy, lại còn tạo bóng mù lấp bóng Hải Đăng. Ước chi khi nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta biết kiểm tra lại luật sống cá nhân mà Chúa muốn cho chúng ta thực hiện. Ước chi mỗi ngày chúng ta biết để tâm lưu ý đến cách thức nghe và sống Lời Chúa. Ước chi ngọn đèn Kitô hữu của mỗi người luôn chiếu sáng, luôn giúp người khác nhận ra chính Thiên Chúa hiện diện sống động.

*******

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hàng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN, A


Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (Mt 20, 4)

Bài Tin Mừng hôm nay ví Nước Trời Đức Giê-su sắp thiết lập giống như câu chuyện một ông chủ vườn nho đi kêu người làm vao làm việc trong vườn nho của mình. Có 4 tốp người được kêu vào làm vào 4 thời điểm khác nhau trong ngày: giờ thứ nhất, giờ thứ ba, giờ thứ sáu, và cả giờ thứ mười một. Khi trả lương, chủ vườn lại trả lương từ người làm giờ thứ mười một tới người làm từ giờ thứ nhất. Mỗi người đều được trả lương bằng nhau là một quan tiền. Khi có người thắc mắc ông chủ đã cho biết ông không bất công khi trả lương sòng phẳng theo thỏa thuận ban đầu là một đồng. Còn việc ông trả cho người sau bằng người đầu là do lòng nhân hậu của ông. Cũng vậy, sau này Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ chung cho mọi người gia nhập vào Hội Thánh. Dù là dân ngoại vào trễ hay dân Do Thái vào từ ban đầu, đều được hưởng ơn cứu độ như nhau, miễn là phải có đức tin thể hiện qua đức cậy và đức mến.

Chúng ta là những người thợ vinh dự được Thiên Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo hội. Có thể trong chúng ta, có người được vinh dự làm con Thiên Chúa ngay từ lúc cha mẹ đem đến rửa tội (buổi sáng), có người được tham gia lớp dự tòng hoặc trở lại khi xây dựng hôn nhân (giờ thứ 9 - trưa), có người trở lại lúc tuổi già bệnh tật (giờ thứ 11 - chập tối), cũng có người được ơn trở lại lúc hấp hối (giờ phút chót)… nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đã được Chúa yêu thương mời gọi vào vườn nho Giáo Hội của Chúa, nên hãy ý thức cố gắng làm việc hết mình và hết tình trước tình yêu mời gọi của Người, và phần thưởng chung cho mọi người là cùng một Đức Tin, cùng một Phép Rửa, một Thánh Thần, một ơn Cứu Rỗi, một Nước Trời. Người gia nhập đạo tin nhận Chúa từ lúc khởi đầu hay giờ lâm chung thì cùng chung một ơn Cứu Độ là Chúa Giêsu Kitô, cùng chung một Thiên Đàng và cùng chiêm ngưỡng một Thiên Chúa duy nhất. Đó là ý nghĩa “một đồng” cho mọi thành phần dân Chúa khi làm con Giáo Hội, con dân Nước Trời. Thật vậy, Thiên Chúa luôn kêu gọi mọi người đi vào vườn nho của Ngài, qua các thời điểm khác nhau. Bất luận là người vào làm giờ đầu tiên hay cuối cùng (giờ thứ nhất…đến giờ thứ 11), đều được hưởng lòng thương xót và ơn cứu độ theo ân sủng Ngài ban cho từng người. Ngài không chú trọng đến việc quý chuộng riêng một ai, nhưng Ngài chỉ nhấn mạnh đến quyền bình đẳng mà mọi người đều có trước lời mời gọi và trước phần lương được Ngài trao ban cách quảng đại theo ý mình. Quả vậy,  Thiên Chúa đối xử với chúng ta không theo sự công bình của chúng ta, vì công trạng chúng ta chẳng là gì so với những tội lỗi xúc phạm đến sự chí thánh của Thiên Chúa. Trái lại, tất cả chúng ta được hưởng ơn cứu chuộc không phải do công trạng chúng ta giữ đạo mà là do Lòng Tốt của Người.

TÓM LẠI: Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su mời gọi mọi người chúng ta đừng quá tự hào về bản thân. Người kêu gọi chúng ta đổi mới cách nhìn về người khác, để ngày càng thêm lòng kính trọng tha nhân, phá bỏ hàng rào ngăn cách như sự ganh ghét ích kỷ và sự trả thù ti tiện. Biết đến bao giờ người con cả mới chịu bước vào nhà cha để chia sẻ niềm vui với cha khi tìm thấy đứa con thất lạc trở về ? Biết đến khi nào những người thợ đi làm từ sáng sớm mới sẵn lòng chia sẻ niềm vui với những người vào làm giờ thứ mười một lúc cuối ngày ? Biết đến khi nào chúng ta mới cảm thấy niềm vui thật sự với những người hàng xóm gần bên, vì chúng ta đã nhận ra họ không phải là đối thủ, nhưng là anh em của chúng ta ?

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, mọi ân huệ là đến từ lòng yêu thương của Chúa chứ không do công trạng của chúng con, để chúng con luôn biết tri ân cảm tạ Chúa và không kiêu căng tự phụ hay ghanh tỵ với tha nhân. Amen

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN


Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm (Lc 8, 8)

Dụ ngôn “người gieo giống” trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong số ít trường hợp khi kể dụ ngôn thì Chúa Giêsu cũng chú giải luôn sứ điệp Người muốn rao giảng. Có thể nói được rằng, Chúa Giêsu đã giảng hết rồi và mọi người nghe xong cũng đã hiểu chi tiết về từng loại thửa đất đón nhận hạt giống ví như từng trường hợp tâm hồn đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa có các môn đệ; chúng ta cũng cần đào sâu ý nghĩa sứ điệp Tin Mừng để ý thức hơn về chính mình đã đón nhận và sống Lời Chúa như thế nào. 

Nội dung dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe rất đơn giản, ngắn gọn nhưng lại chứa đựng nhiều bài học phong phú và ý nghĩa. Cụ thể, khi chiêm ngắm hình ảnh người gieo hạt giống nơi trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể gặp được hình ảnh một vị Thiên Chúa giàu lòng quảng đại, tin tưởng và hy vọng vào con người.Thật vậy, với dụ ngôn “Người gieo hạt giống” này, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy lòng quảng đại, tin tưởng và hy vọng của Thiên Chúa đối với con người chúng ta. Thiên Chúa quảng đại khi gieo hạt giống Lời Chúa và ân sủng của Chúa vào lòng mỗi người chúng ta. Hạt giống ấy là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời, Con yêu dấu của Chúa Cha được gửi đến thế giới này, cho dù lúc Chúa Giêsu đến, nhiều người vẫn không thèm đón tiếp Người (x.Ga 1, 11). Và cho dù tâm hồn chúng ta còn chai cứng như lề đường, đầy sỏi đá và còn bị nhiều bụi gai dục vọng, đam mê phủ lấp, nhưng Thiên Chúa vẫn gieo vì tin tưởng trong lòng mỗi người chúng ta đây, không ai hoàn toàn là mảnh đất “lề đường”, mảnh đất “sỏi đá” hay “bụi gai”, nhưng trong tâm hồn mỗi người chúng ta đang có một mảnh đất tốt nào đó cho dù nó có nhỏ bé, thế nhưng khi Lời Chúa được gieo vào tâm hồn thì chắc chắn sẽ sinh hoa trái là những việc tốt lành thánh thiện.

Thiên Chúa vẫn luôn quảng đại, tin tưởng và hy vọng nơi từng người chúng ta. Còn phần chúng ta, chúng ta có cái nhìn và thái độ nào đối với bản thân và mọi người xung quanh? Thiết nghĩ rằng, nếu Thiên Chúa đã luôn quảng đại, tin tưởng và hy vọng vào chúng ta, thì chúng ta cũng cần có cái nhìn và thái độ lạc quan về bản thân chúng ta và mọi người xung quanh như thế. Trước hết, với bản thân, chúng ta không có lý do gì để mà tự ti, mặc cảm, thất vọng về bản thân mình. Chúng ta cần vượt qua những mặc cảm tội lỗi, những yếu đuối để đứng dậy làm lại cuộc đời, để sống tốt hơn. Thiên Chúa luôn gieo ân sủng của Ngài cho chúng ta qua các bí tích và Lời của Ngài. Mỗi người chúng ta đều có một giá trị đặc biệt nào đó trước mắt Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy mở lòng đón nhận ân sủng của Ngài và làm cho ân sủng đó ngày càng phát triển trong đời sống chúng ta. Tiếp theo, chúng ta cũng phải luôn có cái nhìn tích cực đối với mọi người xung quanh. Chính vì thế, trong các hoạt động tông đồ, chúng ta xác tín rằng không ai hoàn toàn là mảnh đất lề đường, là mảnh đất sỏi đá hay mảnh đất bụi gai, mà luôn có một phần nhỏ mảnh đất tốt nào đó để Lời Chúa sinh hoa trái tốt lành, thánh thiện. Do đó, chúng ta hãy loan báo Lời Chúa, loan báo sự thật, loan báo sự thiện cho mọi người, bởi vì chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho hạt giống Lời Chúa mọc lên và sinh hoa kết quả, chứ không phải chúng ta. 
NHƯ VẬY:

- Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn “người gieo giống” hãy gieo một cách hào phóng, không sẻn so tính toán và không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện có thể, để chuyên chở Tin Mừng, đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống và tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.

- Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng như thánh Phaolô "lúc thuận tiện hay không thuận tiện". Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai, thất bại, nhọc nhằn. Hãy đi gieo yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu mà cả những mảnh đất sỏi đá gai góc, vì có tình yêu thương mãnh liệt mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi và biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.

- Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giê-su chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giêsu cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên.

*****
Lạy Chúa, xin làm cho tâm hồn mọi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

THỨ SÁU TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN


Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mời Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. (Lc 8, 1-2a)

Có lẽ chuyện một vài người phụ nữ đi theo các cha hay các thầy như là vai trò “hậu cần” trong công việc mục vụ trong bối cảnh hôm nay không có gì đáng ngạc nhiên lắm. Thế nhưng, vào thời Chúa Giê-su-cách đây hơn 2000 năm thì thật là chuyện kỳ cục lắm, nhất lại là những phụ nữ chẳng mấy danh dự gì. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám. Tuy nhiên, Chúa Giê-su là người rất cách mạng và là người rất hiểu biết về tâm lý, nên đánh đúng vào thế mạnh “nhạy bén và nhiệt thành” của những người phụ nữ trong công việc truyền giáo. Ngài đã chứng minh phẩm giá và khả năng phục vụ của những người phụ nữ khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Phẩm giá của con người không hệ tại vào nguồn gốc, xuất xứ hay những định chế của xã hội, nhưng được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại nét đẹp của một số phụ nữ đi theo và cộng tác với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng nêu rõ danh tính của các phụ nữ này: “Bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác”. Hơn nữa, các bà còn “lấy của cải mình mà giúp Người”; Các bà đã đóng góp công sức tiền bạc cho công cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu. Các bà đã hy sinh cả bản thân, cả của cải của mình và gia đình mình để trợ giúp cho Chúa Giêsu công cuộc mở mang Nước Thiên Chúa.

Dẫu cho các bà không được Chúa kêu gọi, tuyển chọn và sai đi như các môn đệ, nhưng các bà vẫn sẵn sàng dấn thân cách quảng đại vào việc Loan Báo Tin Mừng. Hễ Chúa Giêsu và các môn đệ đi đến đâu, các bà cũng đi theo để giúp Chúa, phục vụ Người và các môn đệ Người. Chính nhờ bàn tay ân cần săn sóc của các bà, Chúa Giêsu và các môn đệ dành nhiều thời giờ hơn để gieo rắc Tin Mừng cho nhiều người, nhiều nơi khác nhau. Quả thật, các bà đã đã đóng một vai trò quan trọng cho việc truyền giáo của Chúa Giêsu. Điều này cho thấy Chúa Giêsu không phân biệt đối xử mà còn đón nhận những người nữ cộng tác với Ngài trong việc rao giảng Nước Thiên Chúa. Từ đó cho chúng ta bài học: Dù chúng ta là ai, Chúa đều mời gọi chúng ta cộng tác.

- Là nữ tu chúng ta hoạt động truyền giáo theo linh đạo dòng hay tu hội của mình.

- Là những phụ nữ công giáo, chúng ta cộng tác trong những việc đóng góp công của cho công cuộc truyền giáo.

- Là các bà mẹ, chúng ta dâng những người con cho Chúa trong các ơn gọi.

- Là những người độc thân goá bụa, chúng ta cộng tác với Chúa trong sự hy sinh cầu nguyện và phục vụ.
- …
Tóm lại, dù chúng ta là ai, chúng ta đều được Chúa mời gọi cộng tác xây dựng nước Chúa trong bổn phận và bậc sống của mình.

 *******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tôn trọng phẩm giá người nữ, và dù trong bậc sống nào chúng con đều biết cộng tác phần mình với Chúa để loan báo Tin Mừng đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

LỄ KÍNH THÁNH MAT-THÊU TÔNG ĐỒ


Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9, 9)

Một trong những tội bị ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì họ cộng tác với ngoại bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Mátthêu làm việc cho Rôma đang cai trị dân tộc Do-thái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của dân. Người Do-thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, phải bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ, họ chỉ chơi với quân xâm lược La-mã và những tín đồ cặn bã của các hội đường. Mátthêu biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang. Thế rồi, một ngày đẹp trời hôm nay, Chúa Giêsu đi ngang qua, Ngài nhìn ông, ông đang lo đếm tiền, ngước mặt lên ông định nhắc Ngài là “vô gia cư và lang thang không nghề nghiệp thì miễn thuế”… Nhưng không, Chúa Giêsu nhìn thẳng vào ông và gọi cách dứt khoát: “Anh hãy theo tôi”. Bất ngờ quá, bỏ lại tất cả, không kịp bàn giao sổ sách, ông mời luôn cả nhóm về nhà “làm tiệc tạ ơn”.

Luật Do Thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng loã với tội lỗi và bị nhiễm uế, Chúa Giêsu vượt trên tất cả, Ngài đến đồng bàn trong bữa tiệc “tạ ơn”, “giải nghệ” và “chia tay đồng nghiệp” của Mátthêu. Người Do Thái coi người thu thuế, một hạng người được coi là làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người.  Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ: “Tôi đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi” “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.  Thật vậy, đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về. Còn bạn, bạn hãy học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người. Để rồi bạn không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa…

Câu chuyện ơn gọi của Matthêu lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giêsu gọi ai thì Ngài không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi họ có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không? Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Ngài không? Hơn hết, khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công Giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không? Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…? Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

 ******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn người lầm lỡ bằng ánh mắt của Chúa. Để yêu thương và giúp nhau đến với Chúa và hòa nhập với cộng đồng. Amen.

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

THỨ TƯ TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN


Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than” (Lc 7, 31-32)

Sống trong một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng thì ai cũng lo đề phòng chứng tật mù loà. Ai lại không xót thương trắc ẩn. Mắc phải mù lòa, con người cảm thấy như mất nửa cuộc đời. Không những mất niềm vui do cái nhìn mang lại, họ còn chịu bao nhiêu thiệt thòi khi không cảm nhận được những sự việc xảy ra chung quanh. Tuy nhiên, bệnh mù loà vẫn chưa nguy hiểm cho bằng căn bệnh của người Do Thái như được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay, đó là tâm trạng chủ quan và cái nhìn phiến diện. Bởi vì nếu người mù biết mình tối, họ sẽ cố gắng hiểu sự vật trước mắt bằng những giác quan khác; còn người chủ quan, phiến diện sẽ muôn đời tăm tối trước chân lý, chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý, họ tưởng mình đã đạt tới chân lý, để rồi cứ thế trở thành cố chấp.

Với người biệt phái và luật sĩ Chúa Giêsu nói: vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Lời nói của Chúa Giêsu biểu lộ tâm trạng xót xa của Chúa, trước sự cứng tin của những kẻ không chấp nhận giáo huấn của Ngài, đồng thời Ngài cũng tạo nên một ý thức cho người nghe. Để diễn tả sự cố chấp đó, Chúa Giêsu mượn trò chơi hát đối của trẻ em Do Thái ngồi chơi ngoài chợ làm dụ ngôn. Trò chơi này được chia làm hai phe để xướng đáp phù hợp. Phe một hát những bài ca bi ai, thì phe hai hát đáp lại bằng cử điệu đấm ngực than khóc: phe một cất giọng ca vui vẻ giả làm đám cưới, thì phe hai phải vui mừng nhảy nhót. Nhưng nhiều khi gặp những trẻ khó tính theo ý riêng hay có sự cố bất hoà với nhau, thì chúng không đối đáp theo lệ đã quen của trò chơi, khiến cho trò chơi mất ý nghĩa và mất vui. Chúa Giêsu áp dụng ý nghĩa trò chơi: ông Gioan tẩy giả sống khổ hạnh, nêu cao tinh thần sám hối, và rao giảng sự sám hối , thì những kẻ chống đối cho ông là người điên, bị quỷ ám, nên họ không đón nhận lời ông rao giảng và không ăn năn sám hối. Còn Đức Giêsu sống hoà đồng, bình dị với mọi người, cùng ăn cùng uống với mọi người, diễn tả tình thương cứu độ nên được dân chúng mến phục, thì họ lại bảo Ngài sống bê tha, buông thả, tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và người tội lỗi, nên họ đã không tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, không đón nhận lời giáo huấn của Ngài. 

Qua việc Chúa Giêsu than trách những người Do thái, chúng ta cũng nghe Chúa dạy chúng ta rằng: khi chúng ta làm bất cứ việc gì trong sứ vụ nào, chúng ta cũng không tránh khỏi những sự chê bai chống đối của người khác, làm cản trở công việc của chúng ta, chúng ta cần bình tĩnh và can đảm chịu đựng, vượt qua để trung thành với sứ vụ như Gioan tẩy giả, như Đức Kitô đã nêu gương cho chúng ta. Chúng ta cũng bắt chước Chúa Giêsu luôn yêu thương tôn trọng, tế nhị với người khác khi chúng ta cần sửa sai cho họ một điều gì. Khi đi làm tông đồ, và bản thân chúng ta cần khổ chế như Gioan tiền hô và cũng cần sống hoà đồng như Đức Kitô để tạo tình thân với mọi người, thuận lợi cho việc rao giảng. Chúng ta cũng cần nhìn lại bản thân trong cách sống khó hoà nhập với người khác, với Lời Chúa, với lời khuyên của Hội Thánh, đôi khi chúng ta cũng có thái độ sống khó đồng tình, khó cộng tác, không hiệp thông để tương trợ lẫn nhau làm cho bản thân, cộng đoàn không thăng tiến, có khi làm hỏng việc chung nữa. Trong đời sống chung chúng ta cũng tránh sự phê phán lên án người khác theo khuôn mẫu tiêu chuẩn, thước đo của mình, để tránh bớt sự sai lầm của mình, cản trở đời sống, công việc của người khác và sự thăng tiến cũng như lợi ích chung.

*******

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con biết dẹp bỏ ý riêng mình, để ý Chúa được thể hiện. Xin cũng cho chúng con biết nhìn mọi sự bằng ánh mắt yêu thương của Chúa, để mọi điều xảy ra đều có ý nghĩa tích cực, mang lại niềm vui cho cuộc sống chúng con. Amen.

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

THỨ BA TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN


Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !” (Lc 7, 14b)

Kiếp nhân sinh ai cũng phải qua "sinh, lão, bệnh, tử". Từ cổ chí kim, con người tìm mọi cách để kéo dài sự sống, từ “luyện đan tiên dược” đến y khoa bào chế các loại thuốc thần dược, nhưng cùng lắm cũng chỉ có thể kéo dài sự sống thể lý được dăm ba năm, và rồi chết cũng đành phải chết. Và khi đã chết, thì không ai trong loài người có thể làm cho sống lại được. Lời Chúa hôm nay đặc biệt nói đến quyền năng của Thiên Chúa trên sự sống của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng làm chủ sự sống và sự chết: Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ Ê-li-a mà cho đứa bé con của bà góa ở Xa-rép-ta sống lại (Bài đọc I, sách 1V 17,17-24), đặc biệt, chính Chúa Giê-su đã phục sinh người con trai duy nhất của bà góa thành Na-im (bài Tin Mừng Lc 7,11-17). Tất cả đều chứng minh một điều, chỉ có Thiên Chúa mới là chủ của sự sống.

Hình ảnh bà goá thành Na-im, đứa con trai duy nhất là niềm hy vọng duy nhất của bà, là sự sống và tương lai của bà. Thật vậy, một người đàn bà đã chết chồng và chỉ có một đứa con trai duy nhất, bao tình yêu còn lại bà dành duy nhất cho nó, bao hy vọng bà đặt nơi nó, vì nó là sự sống và tương lai tuổi già bà trông cậy vào nó. Đùng một cái, người con trai duy nhất chết, bà mất hết tất cả: Tình yêu, sự sống, hy vọng, tương lai… Tình trạng của bà bây giờ là tuyệt vọng của mọi tuyệt vọng. Và Chúa đã đến trong sự tuyệt vọng tận cùng ấy, Chúa không đợi bà phải cầu xin, nhưng tiếng khóc và nỗi đau tận cùng ấy là lời cầu xin thẳm sâu nhất đụng chạm vào “Lòng Thương Xót” của Chúa. Chúa chạnh lòng thương bảo bà đừng khóc nữa, rồi phục sinh người con và trao lại cho bà.

Lắm khi trong cuộc đời mỗi chúng ta, cũng cảm thấy mất hết tất cả: Tình yêu bị phản bội, sống cũng như chết, không còn gì để hy vọng, tương lai mù mịt và tuyệt vọng chán chường buông xuôi. Xin hãy nhớ rằng, trong khi ta tuyệt vọng nhất, Chúa vẫn đang ở đó. Liệu chúng ta còn nhớ đến Chúa không? Chúng ta có buông xuôi? Hay là cứ tự sức mình một cách vô vọng? Cũng không ít lần tưởng chừng như Chúa vắng mặt trước đau khổ của chúng ta, chúng ta vẫn tín thác vào chương trình của Chúa như ông Gióp, hay là trách móc, chán chường thất vọng và tuyệt vọng? Thật vậy, trong huyền nhiệm đau khổ, có khi Chúa xuất hiện giải cứu như trường hợp của bà góa thành Na-im được Chúa cho đứa con duy nhất sống lại, nhưng cũng có lúc Thiên Chúa dường như im lặng trước nỗi đau như trường hợp Mẹ Maria ôm thân xác Người Con Duy Nhất đã chết và mai táng vào mộ. Nhưng trong tất cả, Thiên Chúa có lý do trong chương trình của Người mà mãi mãi vẫn là một huyền nhiệm trước mọi suy tưởng của con người đôi lúc xem ra thật bất công. Trong một khía cạnh nào đó, trái tim ta đã chết, tình yêu ta đã chết. Đồng thời, chúng ta có thể cũng là những người đang chìm đắm trong đam mê dục vọng chết chóc. Vì thế, trên một bình diện nào đó, chúng ta là những người đáng thương và đang cần sự cứu giúp, cần Đức Giê-su phục sinh, làm cho sống lại sức sống tình yêu của Thiên Chúa. Và câu nói của Đức Giê-su: Hỡi người thanh niên, tôi truyền cho anh hãy trỗi dậy!” cũng là câu chúng ta cần đến nơi Chúa; để nhờ quyền lực của Lời Chúa, chúng ta có khả năng trỗi dậy, đứng lên và trở về cuộc sống của người con cái Chúa.

******

Lạy Chúa Giê-su! Xin Chúa đến với con, đụng chạm đến con - người đã chết bởi biết bao thói hư tật xấu; đã chết vì trái tim không còn biết rung cảm trước những nỗi đau của tha nhân; Cuộc đời thực dụng chỉ biết tính toán thiệt hơn vật chất; Thậm chí tính toán cả về những việc thuộc lãnh vực tinh thần, đạo đức, bác ái… - Tất cả chúng con quy về những con số! Xin Chúa cứu vớt con, phục sinh con, ban cho con một trái tim mới, một tinh thần mới để cuộc đời con sẽ là lời rao truyền, ca khen tình yêu và quyền năng của Ngài. Amen.

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

THỨ HAI TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN


Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế (Lc 7, 9)

Trên đường loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu không những làm chứng về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người đau khổ thân xác lẫn tâm hồn, mà Ngài còn cho chúng ta thấy niềm tin của con người vào Thiên Chúa kể cả nơi những người dân ngoại. Mặc dầu chúng ta thấy trong Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu ưu tiên và quan tâm đến những người Do Thái, thì ở đây, Luca lại nhấn mạnh về tình thương của Chúa Giêsu đối với dân ngoại, điển hình qua sự phó thác tin tưởng của viện đại đội trưởng mà Tình yêu Thiên Chúa đã xuống trên người nô lệ, đầy tớ của ông và chữa lành cách lạ lùng. Trước thái độ tin tưởng của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu hết sức thán phục và khẳng định với đám đông dân chúng: Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”.(Lc 7, 9) Theo nguyên tắc của Do Thái giáo, đại đội trưởng là một người ngoại đạo sẽ bị loại ra khỏi Vương quốc; và nếu một người Do Thái vào nhà một kẻ ngoại đạo sẽ bị coi là kẻ ô uế. Khi chữa lành cho người bệnh, cả Đức Giêsu và viên đại đội trưởng đều vượt qua những ranh giới của luật Do Thái. Điều đó cho thấy Đức Giêsu đã làm tất cả vì lòng thương xót, còn viên đại đội trưởng thể hiện niềm tin mãnh liệt vào quyền năng và tình thương Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chữa bệnh từ xa, Ngài biểu hiện tình thương có khả vượt qua khoảng cách của địa lý, của không gian và thời gian. Vì thế ông đại đội trưởng chưa về đến nhà thì nghe tin báo người đầy tớ đã khỏi hẳn bệnh.

Thái độ tin tưởng của ông đại đội trưởng khác hẳn với thái độ cứng tin của những người Do Thái. Phép lạ này là lời hứa cho tất cả chúng ta, những ai có lòng tin đều được Chúa chữa lành. Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc hết mọi người không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Điều quan trọng là chúng ta phải thực sự khát khao được Chúa chữa lành. Trên hành trình thiêng liêng chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc bị thử thách, không thể trốn chạy những đau đớn bệnh tật. Như Đức Giêsu luôn tỏ lòng thương cảm với những yếu đuối của con người, chúng ta cũng hãy mở lòng ra đón nhận tất cả trong sự tin tưởng phó thác. Đức Giêsu ôm lấy cuộc đời, mang vác lấy gánh nặng của con người mà giương cao lên thập giá. Tình yêu thương con người dạy chúng ta chấp nhận những phiền hà rắc rối của người bên cạnh, dám chịu thương tích vì người khác, dám chấp nhận thất bại để tôi luyện và trưởng thành trong đức tin.

********

Lạy Chúa, ngày nay trên thế giới niềm tin của chúng con mong manh lắm. Có lúc chúng con tin vớ tin vẩn, bạ đâu thờ đấy. Vì thế, chúng con đã biến niềm tin của mình thành mê tín dị đoan. Nhưng trong chúng con cũng có những người kém lòng tin, yếu lòng tin, thậm chí còn đả phá chống đối niềm tin, gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mà thay thế bằng ngẫu tượng, vật chất của cải. Bên cạnh đó, chúng con lại mất tin tưởng nơi nhau, người này nghi ngờ dò xét người kia, khiến cho bầu khí nghi kỵ, dè chừng nhau lại gia tăng. Xin cho chúng con biết sống thể hiện niềm tin, dù bị thiệt thòi, chống đối. Amen