Translate

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

THỨ BẢY TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN


Rồi Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng :“Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh. (Mt 8, 13)

Viên sĩ quan đại đội trưởng trong trình thuật Tin mừng hôm nay quả là một mẫu gương cho đời sống đức tin của chúng ta. Ông là người có lòng tin mạnh mẽ, thông minh thực tế, và là một con người khiêm tốn, có lòng nhân ái. Thật vậy, ông có lòng tin mạnh mẽ bởi vì thời của ông, các pháp sư, thầy thuốc cao tay chữa bệnh thì cũng phải gặp bệnh nhân làm phù phép hoặc khám chữa…, nhưng ở đây ông tin rằng chỉ cần Đức Giê-su nói lời chữa lành thôi thì đầy tớ ông được khỏi bệnh rồi. Ông thông minh thực tế vì ông dựa vào kinh nghiệm của chính bản thân trong việc dùng quyền lực để ra lệnh, và ông tin Đức Giê-su có lời quyền năng chinh phục được tất cả - cả bệnh tật cũng phải ‘tuân lời’ Người. Viên sĩ quan là người khiêm tốn, vì ông là người thuộc thế lực thống trị Rô-ma nhưng đã không ngần ngại cầu xin Đức Giê-su một người thuộc đất nước bị trị. Và bởi vì biết phong tục người Do-thái không vào nhà người ngoại đạo, để tránh cho Đức Giê-su khỏi sự dị nghị hoặc khó xử, ông đã hết sức tế nhị và khiêm tốn khi thưa: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Mt 8, 8) Cuộc đời của người Ki-tô hữu cũng là một hành trình của đức tin. Qua bí tích rửa tội, người Ki-tô hữu đã nhận hồng ân đức tin từ giáo hội; và cả cuộc đời người Ki-tô, đức tin ấy được chăm bẵm dưỡng nuôi bằng sự dạy dỗ, bằng các bí tích. Nhưng có lẽ việc thực hành và tuyên xưng đức tin cách sống động và xác tín như viên đại đội trưởng ngoại giáo trong trình thuật Tin mừng hôm nay ở nơi chúng ta thật hiếm hoi. Bởi vì ngày nay, rất nhiều người nếu không nói là đa số người tín hữu Ki-tô giữ đạo hình thức; dự lễ đọc kinh chỉ là việc làm cho có, còn Lời Chúa thì chẳng muốn nghe, chẳng muốn thi hành; ai sống Lời Chúa thì bị coi là dại dột; Thánh Thể Chúa nhiều khi họ cũng chẳng muốn nhận. Tuy nhiên, Chúa là Đấng từ bi và nhân ái, Lời quyền năng của Người vẫn luôn phát huy sức mạnh và hành động cho những ai thành tâm tìm kiếm và tin tưởng cầu khẩn Người.  Vì thế, chúng ta được tràn đầy niềm hy vọng, vui mừng và cậy trông lòng thương xót Chúa, để kiên trì trong lời cầu nguyện không những cho chính mình mà còn bày tỏ tâm tình liên đới đối với tha nhân, cho tất cả những ai cần đến lòng thương xót của Chúa, trong niềm tin tưởng Chúa sẽ nhận lời chúng ta khiêm tốn khẩn cầu.

Mặt khác, chúng ta biết Thiên Chúa của chúng ta - Đức Giê-su Ki-tô quan tâm đến việc chữa trị bệnh tật tâm hồn chúng ta hơn là bệnh tật thân xác. Do đó chúng ta hãy thành tâm xin Chúa Chữa lành những thương tích, bệnh tật, khiếm khuyết trong tâm hồn của chính mình, và biết cầu nguyện cho những người tội lỗi được ơn ăn năn sám hối trở về với Chúa. Đồng thời noi gương nhạc mẫu của thánh Phê-rô, vừa được Chúa chữa lành đã chỗi dậy nhiệt thành phục vụ Người, đời sống người Ki-tô hữu chúng ta phải biết nhiệt tâm làm việc tông đồ, phục vụ cho nước Chúa.

*****

Lạy Chúa! Lời cầu khẩn và tuyên xưng đức tin của viên đại đội trưởng ngoại giáo trong trình thuật Tin mừng hôm nay vẫn luôn còn tồn tại mãi trong phụng vụ của Giáo hội. Xin cho con biết đến với Chúa trong niềm tin tưởng, xác tín và khiêm tốn khi con dâng lời cầu nguyện. Nhất là xin cho con biết lắng nghe và gẫm suy Lời Chúa, để lời Chúa phát huy sức mạnh chữa lành, thánh hóa đời sống và biến con nên khí cụ tình thương phục vụ nước Chúa. Amen

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

THỨ SÁU TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN


Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch (Mt 8, 2b)

Bệnh phong là một những thứ bệnh khủng khiếp nhất mà loài người chúng ta mắc phải: da thịt người mắc bệnh lở loét; khi bị nặng, vết thương sẽ lõm vào da thịt; tình trạng mất cảm giác sẽ xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể; sau đó các bắp thịt tiêu đi; nếu ở giai đoạn bị nặng, các ngón tay và ngón chân sẽ rụng dần. Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một người phong hủi, liều mình “mang án chết” (vì bị bệnh mà chạy vào đám đông sẽ bị ném đá) chạy đến giữa đám đông cầu xin Chúa Giêsu để được chữa lành.

Người phong hủi đã thân thưa với Chúa: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mt 8, 2b). Người phong hủi không than trách tại sao Chúa quyền năng lại để cho phải đau khổ như thế, không cầu xin theo kiểu buộc Chúa theo ý mình, không ra điều kiện, nhưng phó thác hoàn toàn cho Chúa quyết định, xin vâng theo ý CHÚA MUỐN. Chúa muốn thì được sạch, Chúa không muốn cũng xin vâng. Đây là thái độ của chúng ta cần học lấy tinh thần này, bởi không ít người trong chúng ta mỗi lần gặp thử thách là kêu trách Chúa, cầu nguyện với điều kiện, muốn Chúa theo ý mình hơn là mình sống theo ý Chúa. Bài học mà bài Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta là, trong thân phận con người yếu đuối, ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang căn bệnh phong hủi của tâm hồn là tội lỗi, thậm chí từ tách mình ra khỏi Chúa và cộng đoàn Giáo Hội, cách này hay cách khác tự tách mình khỏi cộng đoàn và giáo xứ. Chúng ta hãy phó thác vào tình yêu thương của Chúa Giêsu, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, hãy để cho Chúa Giêsu chạm vào mình để được thanh sạch. Hãy đến với bí tích Hoà Giải để cho Chúa chạm vào tâm hồn và Người sẽ chữa lành.

Mặt khác, chúng ta ai cũng đã từng có kinh nghiệm tương tự như người bị bệnh phong: khi chúng ta bị đau, chúng ta rất nhạy cảm với sự hiện diện chăm sóc và yêu thương của người thân, và vì người thân không thể lúc nào cũng ở bên cạnh và chăm sóc chúng ta, chúng ta thường có cảm thức bị bỏ rơi, bị quên lãng. Do đó, chúng ta cũng hãy cảm thông và cầu nguyện cho những người bệnh phong, và nếu có thể, chúng ta hãy giúp đỡ san sẻ. Bởi vì chính chúng ta là những người được nâng đỡ trước tiên, khi chúng ta nghĩ tới những người cùng khổ. Thật vậy, khi liên đối với người cùng khổ, chúng ta sẽ tương đối hóa những nỗi khổ của chúng ta, chúng ta thấy nhẹ nhàng hơn, chúng ta có thể ra khỏi mình để hướng về những người bất hạnh hơn; và năng động này sẽ làm cho chúng ta tự do hơn, thanh thoát hơn, bình an hơn.

*****

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh chứ không phải bắt Chúa phải theo ý mình… Xin cũng giúp chúng con học lấy sự yêu thương của Chúa để đến với những người đau khổ, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ. Amen.

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

LỄ KÍNH 2 THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ – TÔNG ĐỒ


Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 15-16)

Hôm nay chúng ta mừng kính hai vị đại thánh là cột trụ của Giáo Hội Công Giáo: Một vị được chọn khi Chúa Giê-su còn sống trên trần gian, vị kia được kêu gọi khi Chúa đã về trời. Vị này là Tông Đồ thuộc Nhóm Mười Hai, vị kia mang danh Tông Đồ dân ngoại. Vị này rao giảng về những gì đã nghe và cảm nhận được khi cùng sống và cùng ăn cùng uống với Chúa Giê-su, vị kia rao giảng những gì được Chúa dạy dỗ và cảm nhận trong thời gian sa mạc. Vị này có một quá khứ đã từng chối Chúa, vị kia từng truy tìm bắt bớ các môn đệ của Chúa. Vị này xuất thân từ làng nghèo chài lưới, vị kia có quyền công dân của Rô-ma và được học hành chu đáo bởi Galmaliel. Nhưng rồi, cả hai cùng rao giảng một Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh. Cả hai đã cùng đem Tin Mừng đến Rô-ma và đã cùng đổ máu đào để làm chứng cho đức tin vào hai thời điểm khác nhau: Phê-rô chịu đóng đinh và Phao-lô chịu chém đầu. Từ đó, Rô-ma thắm máu của hai Đấng và Giáo Hội được xây nên bởi hai cột trụ Phê-rô và Phao-lô cách bền vững cho đến ngày hôm nay. Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu kể lại việc Chúa Giêsu trao quyền mục tử tối cao cho thánh Phêrô để chăn dắt đoàn chiên - lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ - sau khi nghe lời tuyên xưng thật đúng đắn của thánh nhân. Điều này cho thấy chỉ có ở nơi Giáo Hội mới có lời tuyên xưng đúng đắn nhất về thiên tính của Đức Giêsu Kitô, vì Giáo Hội đã sống với Người và được mặc khải từ Thiên Chúa.

Sau câu hỏi thứ nhất  “Người ta nói Thầy là ai ?”, Chúa Giê-su hỏi các môn đệ : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để lắng nghe câu hỏi này của Đức Giê-su, vì đây là câu hỏi không thể tránh né được, nhằm đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong hành trình đi theo Thầy Giê-su của các môn đệ, và vì đó cũng là câu hỏi Đức Giê-su hỏi đích thân mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, trong đời sống gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, có một lúc nào đó, và có thể là lúc này, Ngài cũng đích thân hỏi chúng ta : “Còn con, con nói Thầy là ai ?”.

Thật vậy, trong hành trình đi theo Chúa trong một ơn gọi, mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý hay truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giêsu là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một. Vậy sau bằng đó năm đi theo Chúa, với tư cách là Ki-tô hữu trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến, mỗi người chúng ta đã nghe Chúa đặt câu hỏi này cho mình chưa : “Còn con, con nói Thầy là ai ?” Nếu có, chúng ta đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay chúng ta chỉ nghe và trả lời giống như người ta nói về Chúa mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người trưởng thành ?

Thánh Phê-rô và chắc chắn cả Thánh Phao-lô, mà chúng ta mừng kính trọng thể hôm nay, chắc chắn đã nghe câu hỏi này của Đức Ki-tô, và các ngài đã trả lời cách đích thân, không chỉ bằng lời tuyên xưng, nhưng bằng cả cuộc đời đi theo và trở nên một với Người cho đến cùng, nghĩa là trong mầu nhiệm Vượt Qua, chết và phục sinh. Còn chúng ta, chúng ta thì sao? Dĩ nhiên là chúng ta có thể trả lời như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô”; nhưng những lời này có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô? Và tôi sẽ đi theo Ngài và dấn thân như thế nào để sống câu trả lời của tôi ?

******

Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn biết can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Ki-tô, cũng như can đảm dấn thân theo Ngài và sống trọn vẹn với niềm tin mình đã lãnh nhận và tuyên xưng.

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

THỨ TƯ TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN


Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. (Mt 7, 15)

Chúng ta sống trong thời khoa học kỹ thuật tiến bộ, máy móc tinh vi là những phương tiện làm cho đời sống chúng ta được tốt đẹp, nhưng có  người lại dùng máy móc kỹ thuật tiến bộ ấy mà làm ra những hàng giả tạo, trông thì đẹp mắt mà sử dụng thì mau hư, có khi sinh ra độc hại cho chúng ta nữa. Người ta rất sợ hàng giả, thức ăn giả tạo. Về lãnh vực tôn giáo, cũng có những tín đồ sống đạo thật, nhưng cũng không thiếu tín đồ sống đạo giả dối hình thức, gây nên nhiều nguy hiểm cho người khác. Vì thế, Chúa Giêsu nói lời cảnh giác chúng ta “anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả”, và Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta phương cách để nhận ra một kitô hữu, một môn đệ, một ngôn sứ giả hay thật. Một kitô hữu chính danh, một môn đệ đích thực, một ngôn sứ chính hiệu là người biết làm việc và sống trong đời sống cụ thể thường ngày phù hợp với giáo huấn Tin Mừng của Đức Giêsu, đó là tiêu chuẩn, là thước đo mà Chúa Giêsu đưa ra để giúp chúng ta tự kiểm và nhận định về người khác.

Trong Giáo Hội cũng không thiếu những con sói nhưng đội lốt chiên, đó là những người sống đạo giả dối, sống đạo theo hình thức mà không có ý hướng ngay lành, siêu nhiên từ nội tâm. Chính hình thức bên ngoài ấy mê hoặc chúng ta, làm cho chúng ta dễ nhầm lẫn, có khi đến mức thần tượng hóa và dễ thuận theo con đường đối nghịch với giáo huấn của Đức Kitô, bằng những lối ngụy biện rất sắc bén tinh vi lôi kéo niềm tin của chúng ta, để rồi giả mà chúng ta thấy là thật, đưa chúng ta đến những tai hại nguy hiểm cho vận mạng đời đời của chúng ta. Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta đừng bao giờ lợi dụng lòng đạo đức của chúng ta để lừa dối người khác, để trục lợi cho mình. Chúng ta không nên làm việc đạo đức giả hình, vụ hình thức, những việc lành chúng ta làm bên ngoài phải trung thực với ý hướng ngay lành siêu nhiên tự nội tâm. Chúng ta biết cây độc không thể trở nên cây lành được, nhưng với con người thì không phải như thế, nếu chúng ta là một kitô hữu đã bị biến chất, không còn là một kitô hữu chính danh, thì chúng ta có thể trở nên một kitô hữu đích thực được, nếu chúng ta nhanh chóng hoán cải chính mình, hòa giải với Thiên Chúa và với mọi người, thì mọi việc lành chúng ta làm mới có giá trị cho sự sống đời đời của chúng ta. Vì cây tốt mới sinh được trái tốt, một kitô hữu tốt mới có những việc bác ái, yêu thương, hiệp nhất với mọi người, làm ích cho mọi người và đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.

********

Lạy Chúa, Chúa đã gieo vào chúng con hạt giống đức tin và ngọn lửa yêu mến, xin cho chúng con biết sống theo lời Chúa dạy hôm nay, để chúng con là những kitô hữu chính danh, những môn đệ đích thực, những ngôn sứ chính hiệu, xin cho cuộc đời chúng con đơm bông kết trái là những công phúc việc lành và đem về cho Chúa nhiều linh hồn nhận biết Ngài. Amen.

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

THỨ BA TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN


Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong (Mt 7, 13a)

Con người ta thường thích và muốn rất nhiều điều cho bản thân mình. Người ta dễ dàng sống ích kỷ, và lòng báo thù…. Thế nhưng, đòi hỏi của Tin Mừng là “con đường hẹp”. Đòi hỏi Tin Mừng rất khắt khe và thường trái với những giá trị của trần thế, cánh cửa của ơn cứu độ mở ra cho những ai chấp nhận buớc đi trong con đường hẹp của lòng quảng đại, biết tiết chế bản thân và sống biết nghĩ đến người khác. Hy sinh cho nhau những điều tốt đẹp như chính bản thân mình mong muốn người khác làm cho mình. Gieo tình thương thì sẽ gặt thương mến, gieo bình an sẽ gặp bình an. Tìm kiếm và ưu thích sự dễ dãi, buông thả, thoái mái…không phải là con đường của Tin Mừng. Thật thế, Thiên Chúa chuẩn bị cho ta ơn cứu độ, dọn sẵn cho ta Nước Trời, nhưng Thiên Chúa muốn con người cộng tác để đạt tới cùng đích ấy, như thánh Augustino nói: “Thiên Chúa dựng nên ta, Người không cần ta, nhưng để cứu chuộc ta, Người cần ta cộng tác”. Dĩ nhiên, để đạt tới ơn cứu độ và hưởng Nước Trời không phải chỉ do sức riêng chúng ta tự nỗ lực, nhưng cần đến sự trợ giúp của Ơn Chúa. Việc đi qua cửa hẹp chính là sự hy sinh mỗi ngày, vừa dành thời gian cho Chúa để được trợ lực, vừa thực hành sống đạo đức và bác ái giữa đời.

Cụ thể, đã là “cửa hẹp” thì muốn vào phải có ít nhất những điều kiện sau đây:

-Phải khom người lại chui mới lọt, nghĩa là hạ mình xuống sống khiêm tốn, chứ không phải tự cao tự đại. Hãy học lấy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường, đã tự hạ mình từ Thiên Chúa xuống làm một con người hữu hạn nghèo khó.

-Phải “giảm cân” cho mình nhỏ lại mới chui qua được, nghĩa là biết trở nên con người nhỏ bé đơn sơ, tránh vơ vét để làm cho mình to ra vì giàu sang ích kỷ, tránh tham lam quyền lực và tiền của…

-Phải bỏ bớt hành lý thì mới dễ chui vào, nghĩa là bỏ bớt những gì làm ta vướng bận và lấn át chúng ta, như đam mê công việc mà bỏ bê việc lành, đam mê tình cảm mà sinh ra tội lỗi, ham thích vui chơi mà quên cả trách nhiệm Kitô hữu…

Thành tâm đặt mình trước Chúa và trước sứ điệp Tin Mừng hôm nay, tôi, bạn và anh chị sẽ thấy mình đang được Chúa tha thiết mời gọi để điều chỉnh lối sống sao cho bớt đi những đòi hỏi người khác phải thế này thế nọ với mình mà mình thì lại không làm ; bớt đi xu hướng sống thích sự dễ dãi và hưởng thụ hơn là phải khó nhọc và hy sinh ; bớt đi những lời khuyên răn chỉ vẽ rất hay, rất phải cho người khác mà mình thì lại chẳng thèm tập luyện. Những điều chỉnh này thực sự cấp bách và nghiêm trọng cho các tác viên Tin Mừng, cho những tông đồ giáo dân và những giáo lý viên, .... Làm sao chúng ta lại có thể giới thiệu Chúa và Tin Mừng khi chúng ta không làm cho niềm vui của sự khiêm nhường, hiền dịu, nhẫn nại, dấn thân và hy sinh ?

*******

Lạy Chúa, cửa hẹp thường rất khó vào, nên chẳng mấy người muốn bước qua; nhưng cửa hẹp lại là cửa Chúa đã đi qua, và chỉ qua đó chúng con mới tìm được Chúa. Xin cho chúng con biết luôn cố gắng, quyết tâm bước vào cửa hẹp, cho dù phải rướm máu hy sinh, cho dù phải bỏ lại những gì mình ưa thích, vì chỉ có Chúa mới là phần thưởng và là niềm hạnh phúc của chúng con. Amen! 

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

THỨ HAI TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN


Khi ấy, Đức Giêsu nói: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán (Mt 7, 1)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng xét đoán người khác để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, đừng lên án người khác để khỏi bị lên án. Như vậy, ai lên án người khác là người đó tự kết án chính mình và còn bị chính Thiên Chúa kết án nữa. Chúa không cấm nhận định phải trái về người khác, nhưng dạy phải khiêm tốn và thận trọng vì chỉ có Chúa mới đánh giá thật và đúng. Không phải ai trong chúng ta cũng khách quan khi nhận định người trái lại chúng ta dễ có cái nhìn lệch lạc theo ý riêng mình. Hơn nữa “Nhân vô thập toàn”, không ai trong chúng ta là người hoàn hảo, mỗi người đều có những giới hạn vì thế chúng ta đừng xét đoán người khác.Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền xét đoán bởi Người là Đấng Toàn Thiện Toàn Mỹ.

Chúa Giêsu muốn chúng ta vượt lên cách hành xử nhân bản không xét đoán người khác mà còn phải làm những điều tốt đẹp và cầu nguyện cho họ. Thói thường chúng ta dễ nhìn thấy những điều tiêu cực hơn là điều tích cực nên dễ dàng lên án người khác. Chúa Giêsu cho chúng ta một cách hành xử đầy yêu thương đó là tự nhìn nhận bản thân mình trước khi xét đoán người khác “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.Mỗi người hãy tự nhìn vào nội tâm của lòng mình với biết bao những tham vọng và yếu đuối, những nhỏ nhen ích kỷ để chúng ta biết sống quảng đại hơn.Trước khi muốn lấy cái rác trong mắt người khác hãy khiêm tốn lấy cái xà trong mắt mình. Tâm hồn chúng ta còn nhiều góc tối, còn nhiều tham vọng xấu xa thấp hèn nên phải cậy nhờ ơn Chúa soi sáng. Chúa Giêsu lên án những người sống giả hình, hãnh diện cho mình là người công chính mà lên án người khác. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương sáng cho chúng ta khi đón nhận và cảm thông với những yếu đuối của con người. Đồng thời Chúa Giêsu hướng chúng ta đến thái độ sống đức yêu thương đó là hãy đong cho anh em những đấu đầy tràn như Thiên Chúa đã quảng đại đong cho chúng ta.Người ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta mong ước và cầu xin.Trong ý định ngàn đời của Thiên Chúa, con người chúng ta được tạo dựng cho nhau và vì nhau. Tha nhân làm phong phú đời sống của chúng ta, họ đắp đổi và giúp chúng ta nên hoàn thiện. Bởi lẽ mỗi người chúng ta không phải là một ốc đảo giữa biển khơi, chúng ta luôn sống trong nhiều tương quan đa chiều. Tương quan gần gũi với chính mình và với người khác, với gia đình và cộng đồng xã hội, tương quan với thiên nhiên và vũ trụ trời đất.

Thật vậy, thế giới của chúng ta là thế giới của sự khác biệt: khác dân tộc, khác ngôn ngữ, khác tôn giáo và nhiều điểm khác biệt khác.Vì thế, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự khác biệt nơi tha nhân, đồng thời cũng phải nên thánh từ sự khác biệt ấy. Tình yêu đòi hỏi chúng ta yêu thương người khác vì họ là một nhân vị đầy khác biệt nhưng độc đáo, là dấu ấn của Thiên Chúa, với xác tín rằng chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, dù là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, giỏi hay dốt, sang hay hèn...tất cả chúng ta đều thuộc về Chúa Kitô và đã được cứu chuộc nhờ dòng máu châu báu của Người.

******

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con như một dấu ấn của tình yêu thương, xin cho chúng con biết tôn trọng và yêu thương người khác vì họ là hình ảnh của Chúa, nhờ đó chúng con thực thi điều Chúa dạy và xứng đáng được gọi là “bạn hữu của Chúa”. Amen.

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

SỨ GIẢ PHẢI CAN ĐẢM VÀ TÍN THÁC


Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. (Mt 10, 28)

Trước khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giê-su khích lệ các Tông đồ đừng sợ hãi, nhưng hãy mạnh dạn rao giảng Tin Mừng Nước Trời vì ba lý do như sau: Một là vì các ông đang nắm giữ chân lý ; Hai là vì thế gian chỉ có thể làm hại được về phần thể xác. Ba là vì các ông có Thiên Chúa luôn an bài mọi sự. Đức Giê-su cũng hứa sẽ bênh vực những ai dám can đảm tuyên xưng Danh Người trước mặt người đời. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, vững tâm, trung thành và tín thác nơi Chúa, đừng sợ hãi trước những gian nan thử thách gặp phải. Trái lại, cần có một đức tin vững mạnh và sống động, để sẵn sàng đương đầu với mọi hiểm nguy và cả sự chết nữa trên bước đường loan báo Tin Vui Nước Trời. Thật vậy, Thiên Chúa luôn quan phòng và chăm sóc mọi loài thụ tạo do chính Người làm nên, kể cả những thứ nhỏ mọn như: chim sẻ, hay như những sợi tóc trên đầu… Do đó, sứ giả của Chúa luôn tín thác vào Chúa thì Chúa sẽ đảm bảo cho họ sự sống hiện tại và tương lai, không còn phải lo lắng trong khi thi hành sứ vụ của mình, bởi vì: “anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10, 31). 

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su ba lần nhắc nhở các môn đệ đừng sợ:

Đừng sợ người đời, nhưng hãy mạnh dạn nói         lời Chúa cách công khai (Mt 10, 26-27);

Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà         thôi (Mt 10, 28);

Đừng sợ vì ta có Thiên Chúa là Cha đầy quyền năng, hằng thương yêu và quan phòng gìn giữ ta. Người luôn quan tâm đến từng con chim sẻ không mấy giá trị và nắm rõ có bao nhiêu sợi tóc trên đầu chúng ta (Mt 10, 29-31).

Thực ra cảm giác sợ hãi là điều tự nhiên và không xấu. Ngay Đức Giê-su tuy khuyên các môn đệ đừng xao xuyến (x. Ga 14,1), nhưng trước cuộc khổ nạn chính Người cũng có cảm giác sợ hãi (x. Ga 12,27; 13,21). Trong vườn cây Dầu, Đức Giê-su đã vô cùng xao xuyến và tâm sự với ba môn đệ thân tín như sau: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 28,37-38). Rồi khi bị treo trên thập giá, Đức Giê-su cũng có cảm tưởng như bị Chúa Cha bỏ rơi, nên đã sợ hãi và đã kêu lớn tiếng rằng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mt 27,46). Tuy nhiên, Đức Giê-su đã chiến thắng nỗi sợ hãi ấy, khi Người quyết vâng theo ý Chúa Cha: Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26,42). Chính nhờ chiến thắng cảm giác sợ hãi và chấp nhận con đường "qua đau khổ vào trong vinh quang", mà nhân loại chúng ta mới nhận được hồng ân cứu độ. Hôm nay Chúa Giê-su Phục Sinh cũng động viên mỗi người chúng ta: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để anh em được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã chiến thắng thế gian” (Ga 16,33). Nhiều lần chúng con đã tỏ ra khiếp nhược sợ hãi khi giao tiếp với người khác, hoặc khi gặp phải những gian nan thử thách liên tiếp xảy đến. Trong những giờ phút đen tối đó, nhiều lần chúng con đã không dám biểu lộ đức tin, đã gián tiếp chối Chúa khi không dám khai tôn giáo của mình trong bản lý lịch; Nhiều khi chúng con không dám làm dấu thánh giá ở chỗ đông người, không dám đeo dây chuyền có hình Thánh giá Chúa, không dám trưng bày bàn thờ Chúa ở nơi trang trọng nhất trong nhà, không dám mở miệng bênh vực Chúa và Hội Thánh khi nghe những kẻ vô tín phỉ báng bất công. Xin giúp con chăm chỉ học hỏi Lời Chúa để ngày một hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Xin cho con thêm can đảm để dám bênh vực công lý và làm chứng cho Chúa. Xin ban thêm đức tin cho con để nhìn thấy Chúa đang ở trong con, để cậy trông phó thác đời con cho Chúa. Xin cho con sự khôn ngoan, biết khi nào nên nói và nói về Chúa cách nào cho hiệu quả. Nhờ đó, con sẽ chu toàn được sứ mệnh làm tông đồ mở mang Nước Chúa, loan báo Tin Mừng giữa lòng xã hội hôm nay. Vậy, mỗi lần gặp một tai nạn, hay một con bệnh hiểm nghèo, ta hãy cầu xin Thiên Chúa, noi gương Đức Giê-su trước cuộc tử nạn đã cầu xin Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

******

Lạy Chúa, khi được dìm vào trong Bí tích Thánh Tẩy, chúng con đã được nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức mình là Kitô hữu, là con cái Chúa, và chúng con càng nên giống Chúa hơn trong mọi thử thách đau thương, để không có gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ


Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” (Lc 1, 63)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Gioan Tẩy Giả chào đời. Một sự chào đời đặc biệt đem lại nhiều điều lạ lùng, như:

- Được thiên thần báo tin và đặt tên trước khi chào đời.
- Được sinh ra trong lúc bà Êlizabeth đã hết thời sinh nở.
- Ông Giacaria hết bị câm khi viết tên Gioan mà sứ thần loan báo.

Chúng ta cùng lần lượt suy tư về những điều lạ lùng này, để nhận ra sứ điệp Chúa muốn nói gì với chúng ta nhân ngày mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay:

1. Thiên thần báo tin và đặt tên cho hài nhi Gioan

Thời Tân Ước, ngoài sự sinh hạ của Chúa Giêsu, thì chỉ có Gioan là người duy nhất được Thiên Chúa sai tổng lãnh thiên thần Gabriel loan báo về cuộc sinh hạ và truyền lệnh cho người cha đặt tên gì cho con trẻ. Chiêm ngưỡng biến cố này, mọi Kitô hữu cũng ý thức hơn về sự tái sinh của mình trong ngày nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta được sinh ra trong Giáo Hội, được phục hồi quyền làm con Thiên Chúa và nhận một tên mới theo tên vị thánh bổn mạng. Và cũng từ đó chúng ta phải sống xứng đáng với ơn thánh, cũng như mang trên mình sứ mạng như vị Tiên Hô của Chúa, dọn đường cho Chúa đến với những nơi chưa nhận biết Người.

2. Gioan được sinh ra bởi một người mẹ son sẻ và đã hết tuổi sinh nở

Việc Thiên Chúa làm thật kỳ diệu, trong khi con người bất lực và dường như tuyệt vọng, thì Thiên Chúa lại can thiệp và ban lại niềm vui to lớn hơn. Như vậy, mỗi cuộc đời chúng ta là một kế hoạch của Thiên Chúa, đòi hỏi chúng ta phải bước đi trong niềm tin, dù cuộc đời không thiếu những lúc tưởng chừng như không còn gì để hy vọng, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi những ai kêu cầu Người, dù chúng ta lắm khi không hiểu được cách thức can thiệp của Chúa, giống như Abraham hay Giacaria đã hơn một lần cảm thấy vô lý trước Lời Hứa.

3. Ông Giacaria hết bị câm khi viết tên Gioan mà sứ thần loan báo

Khi nghi ngờ Lời Thiên Chúa thì ông Giacaria bị câm, đến lúc ông thực hiện Lời Thiên Chúa hứa để đặt tên cho con trẻ là Gioan thì ông lại nói được để chúc tụng Thiên Chúa. Như vậy, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy đón nhận Lời Chúa và thi hành Lời Chúa muốn chúng ta làm gì cho Người (như ông Giacaria đã làm là đặt tên cho con theo lệnh Chúa). Để rồi cũng như ông Giacaria, chúng ta mở miệng ca tụng Chúa và nói về Ơn Cứu Độ dành cho muôn dân.

*********

Lạy Chúa, nhân ngày mừng sinh nhật vị thánh Tiền Hô của Chúa hôm nay, xin cho chúng con cũng ý biết ý thức ngày chúng con được sinh ra trong Giáo Hội Chúa, để chúng con cũng luôn vững tin nơi Chúa tác động trên từng người chúng con theo cách riêng của Ngài, hầu sai chúng con đi làm chứng cho Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU - NĂM A


Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng. (Mt 11, 30)

Hằng năm, ngày thứ sáu sau Lễ Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, giáo hội tiếp tục mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu như là một tiếp nối mừng mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trao ban cách tròn đầy và trào tràn cho nhân loại: trao ban cả chính Thân Mình và trao ban đến giọt máu cuối cùng. Điều thật lạ lùng là trong sự độc ác của con người mà tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ - khi sự tàn nhẫn của loài người dùng lưỡi gươm đâm vào trái tim Chúa Giêsu là lúc dòng nước và máu cứu độ tuôn trào.

Bài Tin Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta được nghe Chúa Giêsu dạy hãy đến với Người để được nâng đỡ bổ sức, hãy đến với người để học lấy sự khiêm nhường của những tâm hồn bé mọn. Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái với kẻ bé mọn để dạy mọi người cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Bởi vì, thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản người ta nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho.  Thật vậy. để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa chứ không phải ỷ vào sức mình. Tóm lại, đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí, không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Chứ không phải biết được chút gì thì đã kiêu ngạo nhân danh khoa học để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc không hiểu được một vấn đề thì lại cho là vô lý mà không nhận ra cái giới hạn của mình.

Mặt khác, hãy mang lấy ách của Thiên Chúa và hãy học cùng Người, chúng ta được mời gọi mang lấy chính Chúa, Chúa không vác thay chúng ta, nhưng cùng vác với chúng ta và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta, Chúa chấp nhận kiếp người để cùng mang lấy cái ách lề luật của xã hội với chúng ta và cùng mang lấy kiếp lầm than vất vả của chúng ta. Và Chúa cũng kéo chúng ta tiến về phía trước là Nước Trời, làm cho chúng ta phát sinh hoa trái trong Chúa Thánh Thần. Sau hết, hãy học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời, nhưng kết hợp với Chúa Giêsu để được bổ sức và cùng Người vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất.

*******

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn yếu đuối với mình, mà năng chạy đến nép mình vào trái tim yêu thương vô bờ bến của Chúa để kín múc được nguồn tình yêu của Chúa mà sống yêu thương nhau như Ngài; xin cho chúng con cũng luôn biết rước Thánh Thể mỗi ngày, để tâm hồn chúng con được bổ dưỡng sức thần thiêng mà vượt thắng mọi khó khăn trên đường lữ thứ trần gian. Amen.

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

THỨ NĂM TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Mt 6, 9).

Là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng Kinh Lạy Cha. Một ngày sống chúng ta có nhiều dịp để đọc lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ cầu nguyện. Chúng ta đọc trong thánh lễ, trước mỗi bữa ăn, khi khấn nguyện cho bản thân hay cho những công việc chung. Thậm chí các bà mẹ còn dạy các em nhỏ khi bập bẹ biết nói lời kinh này. Nhiều em bé đọc lời kinh với thái độ hồn nhiên, thật đẹp. Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu để lại là một mạc khải về Chúa Cha. Thiên Chúa của chúng ta không là Thiên Chúa xa vời hay nghiêm nghị, nhưng là Thiên Chúa gần gũi, thân mật đến độ chúng ta có thể gọi Ngài là Cha với tất cả trìu mến như một em bé gọi cha mình. Tuy nhiên, chúng ta không đọc “Lạy Cha của con”, mà đọc “Lạy Cha chúng con”: như thế, lời kinh này không phải chỉ nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với Thiên Chúa, mà còn nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với nhau. Thiên Chúa là Cha, cho nên tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Kinh Lạy Cha không chỉ tỏ lộ cho chúng ta tình phụ tử, mà còn tỏ lộ cho chúng ta tình huynh đệ.

Khi cầu nguyện chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Và điều kiện được Chúa tha thứ cho mình là chính mình cũng phải tha thứ cho anh em. Khi gọi Chúa là Cha chúng con, thì cũng đồng nghĩa mọi người là anh em với nhau con cùng một Cha trên trời. Đã là anh em thì chúng ta có bổn phận phải yêu thương, phải tha thứ, phải hoà giải cùng nhau. Thật vậy, khi có lỗi với Chúa chúng ta thường đến với Bí tích Hòa Giải để xin ơn tha thứ. Thế nhưng, khi có lỗi với anh em, hay anh em xúc phạm đến mình, chúng ta khó có thể tha thứ. Cũng chính vì thế mà xã hội hôm nay hận thù gia tăng, đưa đến tình trạng trả thù, giết người. Trong gia đình, vợ chồng không thể tha thứ cho nhau đưa đến tình trạng đổ vỡ, ly thân ly dị. Anh chị em ruột không thể tha thứ cho nhau, coi nhau như người dưng nước lã.  Bởi thế, tha thứ không còn là hành vi tự nguyện, mà là điều kiện bắt buộc, đó cũng là phẩm tính của Kitô hữu con một Cha trên trời.

*******

Lạy Chúa, xin cho mỗi lần đọc lên lời kinh Lạy Cha nhắc nhở cho chúng con về lòng nhân từ của Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở cho chúng con điều kiện để hưởng sự tha thứ: càng tha thứ cho người khác, chúng con càng được Chúa thứ tha. Amen!

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

THỨ TƯ TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN


Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm (Mt 6, 3)

Cầu nguyện, ăn chay, bố thí là ba hình thức mà tín đồ nhiệt tâm, đạo đức của các tôn giáo thường làm. Đó là những việc thiện mà con người càng thành kính thi hành bao nhiêu thì càng đạt đến sự trưởng thành nhân bản bấy nhiêu. Tuy nhiên, những việc thiện tốt lành ấy lại bị con người lạm dụng cách không thương tiếc và nhiều khi lại gây ra nhưng hậu quả khó lường. Bài Tin Mừng hôm nay là lời huấn dụ của Chúa Giêsu về đâu là tâm tình thật khi bố thí, cầu nguyện và giữ chay? Đối với Chúa Giêsu, việc làm những việc phúc đức này không hệ tại ở số lượng mà là ở tinh thần, làm vì ai và vì mục ðích nào. Cả ba việc mà Chúa Giêsu dạy hôm nay đều có hai vế rõ ràng: “đừng và nên” Đừng như bọn giả hình khoe khoang và nên kín đáo không cho tay trái biết việc tay phải làm.

1.Khi làm phúc bố thí: Chúa bảo rằng, khi làm phúc đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm, nghĩa là Thiên Chúa muốn việc từ thiện, tương thân tương ái phải phát xuất từ trái tim chân thành biết yêu thương, rung cảm trước sự bất hạnh, nỗi đau của tha nhân. Vì vậy việc bố thí là để phục vụ, nâng cao nhân phẩm con người, giúp con người sống tốt hơn, hạnh phúc hơn chứ không thể trở thành hình thức khỏa lấp lương tâm hay mưu tìm danh lợi cho mình.

2.Khi cầu nguyện:  trong mắt Chúa, công đức mà huênh hoang khoe khoang chỉ là số không, lòng khiêm hạ âm thầm cầu xin mới có trọng lượng. Có những người tham gia những giờ cầu nguyện chỉ là để phô trương cho người ta thấy, biết mình đạo đức; cũng có những người tham gia cầu nguyện như một hình thức để tụ tập giao lưu, và lắm khi những cuộc gặp gỡ như thế lại phát sinh những  vấn đề tiêu cực như nói hành, nói xấu, bình phẩm không tốt về người khác; cũng có những nơi thì việc đọc kinh cầu nguyện trong khu xóm  là dịp để các ông lai rai nhậu nhẹt … Đó là những điểm tiêu cực tồn đọng mà mỗi Ki-tô hữu chúng ta cần xét lại để hoán cải  và canh tân như lời cảnh tỉnh và mời gọi  của Đức Giê-su trong Tin mừng hôm nay, đồng thời sống tinh thần cầu nguyện đích thực như Người dạy hầu trở nên con thảo của Cha trên trời.

3.Khi ăn chay: Chay tịnh là một việc đạo đức tốt lành giúp con người kềm hãm xác thịt, làm chủ bản thân. Đối với người Ki-tô hữu ngày nay, luật Hội Thánh chỉ buộc một năm ăn chay hai ngày đầu và cuối mùa chay: thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh – ngày Đức Giê-su chịu chết. Tuy thế, ngày nay, trong cuộc sống luôn gia tăng các nhu cầu hưởng thụ thì đối với không ít người, việc chay tịnh là rất khó khăn. Và ở nhiều nơi, nhiều người còn giữ tục lệ ‘ba béo’ – trước thư tư lễ tro và ‘năm béo’ trước thứ sáu tuần thánh, nghĩa là người ta sẽ ăn ngon, ăn thỏa thuê trước ngày ăn chay - người ta tìm cách ăn bù trước hoặc sau ngày chay. Lại có những người giữ luật kiêng thịt bằng cách ăn hải sản đắt tiền. Vì vậy để trở về với Tin mừng, Giáo hội luôn mời gọi con cái mình giữ chay tịnh bằng cả tinh thần; sự chay tịnh phải hết sức tự nguyện và được thực hiện trong vui tươi; không những chay tịnh bằng việc kiêng ăn uống mà còn phải chay tịnh trong cả cách nghĩ, cách nói và thực hiện những nghĩa cử yêu thương; ăn chay không phải là để dành tiền để bữa khác ăn bù, nhưng là để chia sẻ với những người nghèo đói và kém may mắn hơn mình.

TÓM LẠI, làm phúc bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba việc đạo đức của mỗi Kitô hữu, nhưng để trở thành phương thế đền tội và có công phúc trước mặt Chúa không hệ tại ở số lượng hay được ghi nhận từ người đời, mà là xuất phát từ tấm lòng chân thành cùng với tâm tình riêng tư giữa ta với Chúa.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con một khi đã bước theo ơn gọi làm Kitô hữu, thì cũng biết sống tinh thần khiêm hạ mà không tìm phô trương công đức để được người đời khen tặng, nhưng chỉ mình chúng con với Chúa và Chúa sẽ thấu suốt mà ban cho chúng con ơn cứu độ đời đời. Amen.

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

THỨ BA TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN


Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Mt 5, 44b)

Là con người, ai trong chúng ta cũng khát khao yêu và được yêu. Có thể nói, đây là một nhu cầu thâm sâu cháy bỏng nhất của loài người. Thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để sống với nhau, sống cho nhau và sống vì nhau. Tội lỗi đã nhập vào trần gian đẩy con người xa lìa Thiên Chúa. Vì ích kỷ, con người tự tách ra khỏi các mối liên hệ cộng đồng nhân loại và rơi vào chốn hư vong với nỗi cô đơn tột cùng.Vì thế Đức Giêsu đã đến để kiện toàn tất cả, để phục hồi nhân phẩm,băng bó và chữa lành mọi vết thương do tội lỗi gây nên. Trình thuật Tin Mừng hôm nay là phần kết loạt Bài giảng trên núi, Đức Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiện toàn Luật cũ, xoay quanh chủ đề: Hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho họ”. Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO HỌ.

Ai trong chúng ta cũng mong muốn có cuộc sống hạnh phúc và được mọi người yêu mến. Thế nhưng chúng ta lại không chịu mở lòng đón nhận và yêu thương người khác. Chúng ta hay tích chứa những suy nghĩ tiêu cực và sự ghen ghét ở trong lòng để rồi làm giảm sút khả năng yêu thương. Đặc tính của tình yêu thương là luôn hướng về người khác. Nếu ích kỷ chỉ nghĩ về lợi ích của riêng mình là chúng ta chưa sống trọn vẹn nghĩa thương yêu. Một khi có tấm lòng quảng đại bao dung, chúng ta dễ dàng tha thứ cho người khác. Tha thứ cũng là cách biểu hiện tình yêu thương. Chúng ta sinh ra trên đời này không phải tìm một người hoàn hảo để yêu, mà để học yêu thương một người không hoàn hảo. Sống trong một xã hội thiếu vắng tình thương, chúng ta được mời gọi học sống yêu thương và tha thứ theo gương Chúa Giêsu. Với một trái tim rộng mở, Chúa Giêsu luôn đón tiếp và yêu thương hết mọi người, nhất là những người nghèo hèn, yếu đuối tội lỗi. Người không ngần ngại đồng bàn với phường thu thuế và quân tội lỗi. Yêu thương và tha thứ cho người khác không phải là điều dễ, bởi lẽ chúng ta chưa vượt qua con người yếu đuối của mình, không dám chịu thua thiệt vì người khác. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Cách yêu thương thiết thực nhất là làm cho người khác những điều tốt lành, là cho người đang khát một ly nước, là ủi an người sầu khổ, là thông cảm và đón nhận người tội lỗi.

Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai? Vì thế, hãy nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Hoàn Thiện.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con một trái tim quảng đại như Chúa, vươn lên cao vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ; Thay vì toan tính phục thù, chúng con biết cầu nguyện cho những người làm hại chúng con; xin cũng cho vòng tay chúng con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

THỨ HAI TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN


Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.  (Mt 5, 39)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu so sánh cho các môn đệ thấy tinh thần của mới của luật yêu thương là quảng đại tha thứ cho kẻ thù. Nếu luật cũ là “mắt đền mắt, răng đền răng” thì luật mới là biến thù thành bạn, đổi ghét thành yêu, là trao cho người khác cả những điều chúng ta đang cần.

Chúa Giêsu không có ý dung thứ cho cái ác và cái xấu nhưng Người muốn chúng ta lấy thiện để thắng ác, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn. Mới nghe qua, chúng ta thấy thái độ trên có vẻ nhu nhược, thất bại. Chỉ nơi tình thương Thiên Chúa, chúng ta mới hóa giải được mọi lý lẽ của sự tha thứ. Ai trong chúng ta cũng yêu thích điều thiện và ghét cái ác, nhưng chúng ta lại không nỗ lực vượt thắng và diệt trừ cái ác. Nếu chưa thể diệt trừ được cái ác, chúng ta vẫn có thể giảm bớt nó bằng cách gia tăng làm việc thiện. Việc thiện đó là tha thứ cho kẻ thù, chia sẻ cho tha nhân những gì có thể, đó là làm gấp đôi những gì tha nhân cần và muốn. Chúa Giêsu đưa ra một sự so sánh song đối giữa luật Cựu Ước và luật Tân Ước, luật bó buộc và luật Tin Mừng, luật nguyên nghĩa và luật kiện toàn, luật Do Thái giáo và luật Kitô giáo, luật công bằng giao hoán và luật tha thứ, luật đền ơn trả oán và luật yêu thương… Và Chúa Giêsu muốn xác định rõ ràng, chọn công chính theo luật hay chọn hoàn thiện theo Tin Mừng?

• Luật dạy: Mắt đền mắt, răng đền răng: Có thể nói, luật này trong Cựu Ước hợp với bối cảnh mà người Do-thái phải đoàn kết bảo vệ dân tộc mình. Khoản luật “mắt đền mắt, răng đền răng” là điều luật hình sự về sự công bằng không chỉ riêng người Do-thái mà còn cả trong thế giới người xưa. Luật báo thù dự kiến kẻ gây hấn sẽ bị đối xử tương xứng với điều thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân, giúp trấn áp tội phạm, buộc con người vào trong một trách nhiệm và sợ hãi trước sự nghiêm minh của việc mạng thế mạng, nhằm hạn chế việc đổ máu do không kiềm chế nỗi sự hận thù và giữ sự quân bình giữa tội ác và hình phạt để giảm bớt sự giết hại đồng loại.

• Thầy dạy: Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa: Chúa Giê-su còn đi xa hơn các bậc hiền nhân Cựu Ước khi đòi hỏi rằng phải lấy yêu thương đáp lại hận thù, có như thế mới diệt được tận căn cái ác ở trong lòng con người. Người chủ trương một thái độ rất cá biệt, tương phản hoàn toàn với thái độ bình thường, là “Đừng chống cự với người ác”. Người đòi hỏi các môn đệ phải bẽ gãy vòng xích bạo lực, dù hợp pháp và được báo thù. Nguyên tắc yêu thương của Chúa Giêsu làm đảo lộn các cách xử sự theo quy ước của loài người. 

TÓM LẠI: Sứ điệp Tin Mừng vượt quá các giới hạn công bằng giao hoán kiểu xử sự dân ngoại. Đức ái Kitô giáo chấp nhận cả các giới hạn và khiếm khuyết của con người và lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.

*******

Lạy Chúa, giới luật yêu thương của Chúa muốn chúng con phải vượt lên cả những quy tắc công bằng vay trả của nhân loại, bởi vì nếu chúng con theo Chúa mà cũng xử sự “mạng đền mạng” thì chúng con cũng chẳng hơn gì người đời. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa mà tha thứ cho những người đã hại đến chúng con, như Chúa đã cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ đã đóng đinh Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA


Hôm nay, mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta chiêm ngắm một tình yêu vô cùng quảng đại của Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Ngài tặng chúng ta không phải là một phần thân thể, mà là trao ban trọn cả con người, trọn cả máu thịt để nuôi sống và đem lại cho chúng ta sự sống. Không chỉ biến thân mình nên của ăn của uống nuôi sống nhân loại, với việc lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn thực hiện một giao ước vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa đón nhận con người trở nên nghĩa tử của ngài, còn con người được nhận Thiên Chúa là Cha, được Thiên Chúa yêu thương bảo vệ, được nuôi dưỡng bằng sự sống của Thiên Chúa. Nếu như trong thời Xuất Hành, Môse đã dùng máu chiên bò để ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, thì khi Đức Giêsu đến, Ngài không dùng máu chiên bò nữa, mà ngài dùng chính máu mình để ký kết với nhân loại một giao ước mới và vĩnh viễn. Với Giao ước này, Thiên Chúa mãi mãi sẽ là Đấng yêu thương bảo vệ con người, sẽ tha thứ tất cả tội trạng và còn nhận con người làm con của Ngài, cho con người được chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa. Sự việc được diễn ra trong khung cảnh bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã muốn diễn tả một tình yêu tột cùng dành cho nhân loại. Đang bữa ăn, Chúa cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói : Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Ngài cầm chén và nói : Anh em hãy cầm lấy mà uống, đây là máu Thầy, máu giao ước mới đổ ra vì muôn người. Việc làm này khiến cho tất cả các môn đệ đều ngỡ ngàng. Với việc biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu để trao tặng các môn đệ, Chúa Giêsu cho thấy một sự trao ban đến tận cùng, không phải chỉ cho đi một phần thân thể, mà Chúa Giêsu đã trao ban chính mạng sống và cả con người của Ngài vào tay các môn đệ. Ngài còn muốn các môn đệ không ngừng lặp lại hành động trao ban này để nối dài mãi sự hiện diện yêu thương của Chúa dành cho con người.

Với giao ước mới được ký kết bằng chính máu của mình, Chúa Giêsu tự ràng buộc mình với con người. Ngài mang lấy tất cả khổ đau của con người để biến nó trở nên của lễ dâng lên Thiên Chúa, đem lại nguồn sống cho con người. Trao ban thịt máu cho nhân loại, Chúa Giêsu không muốn hiện diện ở bên ngoài, mà Ngài còn muốn đi vào bên trong tâm hồn, trở nên lương thực để nuôi dưỡng con người, để được ở lại và làm bạn với con người. Thiên Chúa không đành lòng nhìn thấy con người đau khổ và đói khát, vì thế, Mình Máu Thánh Chúa sẽ là nguồn an ủi nâng đỡ cho những ai đau khổ khó nhọc, là lương thực cho những tâm hồn khao khát tìm kiếm Chúa. Nếu lương thực tự nhiên cần thiết để nuôi sống thể xác, thì Mình Máu Chúa thực sự là lương thực không thể thiếu của linh hồn. Lương thực này còn là bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu của linh hồn, như Chúa Giêsu đã quả quyết : Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì sẽ không phải chết bao giờ. Là của ăn của uống, Mình Máu Thánh Chúa Gêsu còn là linh dược chữa lành mọi vết thương, mọi đau khổ của con người. Nếu như ngày nay người dân quan tâm đến thực phẩm sạch và bổ dưỡng cho mình, mong kéo dài tuổi thọ, thì Mình và Máu Thánh Chúa thực sự là thứ lương thực mọi người cần dùng, là thứ lương thực bổ dưỡng và tăng sức lực cho tâm hồn để chống trả lại với ma quỷ, tội lỗi và các nết xấu, là nguồn an ủi cho những kẻ sầu đau. Đón rước Chúa Giêsu vào tâm hồn mỗi ngày, Ngài sẽ thanh luyện con người và lương tâm chúng ta. Ngài sẽ dẫn chúng ta sống theo giới răn lề luật của Thiên Chúa, Ngài sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường phục vụ. Đón rước Chúa mỗi ngày, Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ thanh luyện và làm cho trái tim chúng ta nên trong sạch, cho lương tâm nhạy bén trước lời mời gọi của Thiên Chúa.

Nhiều người Công Giáo ngày nay bị cám dỗ rơi vào lối sống đạo hình thức, sống đạo không phụng vụ, không bí tích. Một đời sống đạo không bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, là lối sống khô cằn héo úa, thiếu dinh dưỡng, không thể trổ sinh hoa trái được. Nhiều người có thể bỏ hàng giờ để xếp hàng, giành giật nhau một phần bánh được tặng miễn phí, nhưng họ lại tỏ ra sốt ruột khi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và tham dự bữa tiệc của Ngài.

*******

Lạy Chúa, qua lời bầu cử của Đức Maria, người nữ Thánh Thể, xin Chúa cho mỗi người biết yêu mến, siêng năng đến lãnh nhận, tôn thờ Mình Máu Thánh Chúa, để Chúa Giêsu nên người bạn đồng hành, là nguồn trợ lực và là lương thực bổ dưỡng cho linh hồn chúng ta. Amen.

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

THỨ BẢY TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN


Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (Mt 5, 34)

Giới răn thứ hai trong Thập Điều cấm việc lấy danh Chúa mà thề hay nhân danh Người mà làm điều trái; giới răn thứ tám cấm làm chứng gian hại đồng loại. Còn Chúa Giêsu kiện toàn những điều luật này khi dạy rằng, đừng thề chi cả, cứ có thì nói có và không thì nói không, còn gian dối là bởi ma quỷ. Thật ra Chúa Giêsu không cấm chúng ta thề hứa, nhưng là dạy phải sống chân thật và tìm lại đúng ý nghĩa của việc thề : nếu đáng chuyện thì mới thề và thề theo sự thật, bằng chứng là trong Giáo Hội vẫn cho phép các linh mục, tu sĩ thực hiện điều đó qua những lời khấn dòng, lời hứa khi lãnh nhận chức thánh.

Khi nói điều này, Chúa Giêsu muốn trong tinh thần mới hãy mặc lấy Thiên Chúa là Đấng Chân Thật để sống trung thực, đối nghịch với mưu mô lọc lừa của ma quỷ là cha đẻ của sự gian dối. Đừng lợi dùng “lời thề” để che dấu sự gian dối của mình và làm hại đến tha nhân. Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta tuyệt đối không được thề gian dối: vì bản chất của việc thề nguyền là muốn lấy chính Thiên Chúa làm chứng thật cho điều mình nói, thế mà mình lại ăn gian nói dối thì như vậy bắt Thiên Chúa làm chứng cho sự gian dối của mình, và như thế là xúc phạm đến sự thánh thiện, chân thật tuyệt đối của Thiên Chúa. Hay nói cách khác thề gian thề dối cũng là một trọng tội mạ lỵ chính Thiên chúa. Người thời nay cũng giống như những người thời Chúa Giêsu là thích thề thốt để cho người khác tin mình. Nguyên nhân sâu xa của việc làm này là vì con người thiếu sự chân thật, thiếu điều mà Chúa Giêsu đã nói: “có thì nói có, không thì nói không”. Chúa Giêsu dạy chúng ta: nếu diệt được tận căn nguyên nhân đó – nghĩa là nếu luôn luôn thành thật - thì không cần thề thốt chi cả, ai ai cũng đều tin chúng ta. Chỉ có những người có tâm địa gian manh thì mới cần thề thốt. Và chúng ta cũng có thể suy ngược lại: người nào càng thề thốt nhiều, người đó lại càng hay gian dối.

Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta suy xét cả về lời ăn tiếng nói, cho đến cách sống của chính mình phải luôn chân thật trước mặt Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa. Thiên Chúa là Đấng chân thật thì ta là con cái của Ngài, được dựng nên theo hoạ ảnh của Ngài, cũng phải là những con người chân thật. Nhưng than ôi! Xem ra sự thành thật đang là một “xa xí phẩm” trong thế giới ngày nay, kể cả trong số những người xưng mình là Kitô hữu!

******

Lạy Chúa, chúng con đang phải sống giữa thế giới ngày hôm nay đầy bon chen lọc lừa, xin giúp chúng con biết sống và làm chứng cho sự thật; giữa những mưu mô của Satan đang dùng những nhóm này phe kia để xuyên tạc về Giáo Hội của Chúa, xin giúp chúng con biết cảnh tỉnh và biện phân cùng bảo vệ cho sự thật về đức tin và căn tính của Giáo Hội. Amen.