Translate

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

LỄ THÁNH TÊ-RÊ-XA HÀI ĐỒNG GIÊSU


Ngày lễ kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, là bổn mạng các xứ truyền giáo, Phụng vụ Giáo hội cho đọc bài Tin Mừng Chúa Giêsu dạy các môn đệ sống đơn sơ và phó thác vào Chúa. Đây là điều mà thánh nữ đã chọn làm con đường thiêng liêng. Bài Tin Mừng kể lại chuyện các môn đệ dám đến hỏi thẳng với Chúa Giêsu xem khi Người lập quốc thì ai sẽ làm quan to nhất trong nước đó. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hy sinh phục vụ. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp ai to ai nhỏ, nhưng Người đưa ra một hình ảnh trẻ thơ để dạy mọi người sống tinh thần khiêm tốn, đơn sơ và trong sạch. Thật vậy:

- Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.

- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…

- Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.

- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng, một tấm gương nên bé nhỏ, đơn sơ phó thác và trong trắng. Thánh nhân chỉ sống ở trần gian hai mươi bốn năm, chôn mình trong bốn bức tường của dòng kín, không bôn ba rao giảng Tin Mừng hay làm chức này quyền nọ trong Giáo Hội; ấy thế mà đã được phong làm Tiến Sĩ Hội Thánh và Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo (trong đó có Việt Nam chúng ta). Đây là tấm gương thiết thực nhất mà tất cả mọi người chúng ta ai cũng làm được. Chúng ta dù sống trong bậc sống nào và bất cứ nơi đâu cũng truyền giáo được, noi gương thánh nữ Têrêxa truyền giáo bằng gương sống đạo đức của mình. Đặc biệt, làm tất cả mọi việc vì TÌNH YÊU dành cho Chúa và tha nhân

*********

Lạy Chúa, xin ban cho mọi người chúng con có tinh thần đơn sơ và tấm lòng trong trắng như trẻ thơ, để chúng con đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu, hăng say phục vụ vô vị lợi và bao dung với tội nhân để giúp họ quay trở về với Chúa. Amen.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

ĐỪNG CỨNG LÒNG NỮA, NHƯNG HÃY TIN


Ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy. (Lc 10, 16b)

Thiên Chúa không kết án ai lầm lẫn và thiếu hiểu biết không do lỗi của họ, nhưng Thiên Chúa sẽ xét xử những ai cố tình làm ngơ trước lời mời gọi hoán cải và kết án những kẻ cứng lòng tin vào Lời Chúa. Đó là lý do mà hôm nay trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lên án đích danh một số thành thị về sự cứng lòng và lối sống xa hoa của cả cư dân ở đó.

Đây cũng là một cảnh báo cho mọi người chúng ta, không ít trong chúng ta vẫn chai cứng trong tội lỗi, mặc dù mỗi ngày trong Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ, chúng ta được nghe rao giảng, được kêu gọi cải thiện đời sống, được chứng kiến bao nhiêu kỳ công của Chúa và những phương thế hữu ích nơi các bí tích và lề luật giúp ta sống đạo. Để rồi một ngày kia trước toà phán xét, chúng ta không còn lý do gì để bào chữa; chúng ta còn đáng án phạt nặng hơn những người ngoại không được nghe biết Tin Mừng... Nhiều người vẫn chủ trương không cần theo đạo hoặc “tôn giáo đồng nguyên”, nên nhớ rằng, sở dĩ người không biết Tin Mừng Chúa Kitô (nhưng sống ngay lành) được cứu độ là không do lỗi của họ, nghĩa là do họ không được ai rao giảng cho biết, chứ không phải kẻ được nghe biết Tin Mừng nhưng lại không tin theo mà cứ lầm lạc trong những giáo thuyết khác. Cũng như hai thành Kho-ra-din và Bết-xai-đa, không phải vì dân cư ở đó lầm mà là do họ cứng lòng không chịu tin vào Lời và các phép lạ Chúa làm. Mặt khác, người ta nhầm tưởng rằng, có thể lấy tiền bạc của cải để mua Nước Trời, như khi dùng một số tiền nào đó để dâng cúng vào những việc xây dựng thánh đường hay là làm từ thiện, để rồi tự phụ kiêu ngạo và sống bê tha phóng túng. Người ta cũng coi sự giàu sang như là một bảo đảm hạnh phúc và coi việc kinh nguyện sớm hôm là của các bà già hay của những người nghèo mới cần đến Chúa để xin xỏ… Họ không biết rằng, linh hồn họ đang “nhào xuống âm phủ” vì sự ỷ lại vào của cải chóng qua.

TÓM LẠI, cũng như Chúa Giêsu đã quở trách các thành Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um vì tội cứng lòng tin và lối sống xa hoa phóng túng, thì nay Người cũng đang khiển trách hết những ai ơ hờ với Lời Chúa và cứng lòng không tin vào Chúa và Hội Thánh của Người.

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm, và sống Lời Người, để ngày phán xét, chúng con được Chúa xét xử khoan dung và thâu nhận chúng con vào nước vĩnh cửu của Người. Amen.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Lễ CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN


Các tên gọi dành cho các vị Tổng Lãnh Thiên Thần chỉ là phẩm tính và sứ vụ được danh hoá mà thôi: Michael theo tiếng Hípri nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Raphael có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa” và Gabriel dịch là “Quyền năng của Thiên Chúa”; tương đương với ba sứ vụ của ba vị đại thần trong triều đình nhà vua là: Tổng thần, Y thần và Sứ thần.

Nơi vị tổng thần Michael, chúng ta ghi nhận được sự khiêm tốn suy phục Thiên Chúa qua lời tuyên xưng “Ai bằng Thiên Chúa”, cùng với sự can đảm chống lại thế lực của Satan và sự dữ;

Nơi Y thần Raphael, chúng ta tìm thấy sự săn sóc, phục vụ và an ủi tha nhân;

Nơi Sứ thần Gabriel, chúng ta cùng mang trên mình sứ điệp đem Chúa đến cho mọi người.

Tóm lại: Mừng lễ các thiên thần hôm nay, vì các ngài vô hình nên chúng ta không thể học đòi noi gương, nhưng chúng ta có thể họa lại phẩm tính và sứ vụ của các ngài:

Là Michael, chúng ta khiêm tốn suy phục Thiên Chúa và chống lại sự dữ.

Là Gabriel chúng ta được sai đi đem Chúa đến cho mọi người.

Là Gabriel, chúng ta biết cảm thương an ủi và chữa lành những ai đau khổ.

Là trung gian: khi các thiên thần như một cầu nối dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa và các ngài lên lên xuống xuống trên con người. Chúng ta đang họa lại sứ vụ trung gian chuyển cầu đó.

Là sứ giả: khi các thiên thần truyền tải các sứ điệp của Thiên Chúa đến cho chúng ta. Chúng ta cũng là những sứ giả của Tin Mừng.

Là Xêraphim (thần sốt mến): các ngài ngày đêm ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Sứ vụ này họa lại nơi đời sống cầu nguyện của chúng ta rõ nét nhất.

Là Cherubim (thần hộ giá): các ngài túc trực hầu cận Thiên Chúa và ở với Người. Chúng ta cũng thế, chúng ta là những tôi tớ ngày đêm hầu cận Chúa.

*********

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đến với Ngài để được gặp Ngài, nhờ đó chúng con được biến đổi nên trong sạch, xứng đáng được luôn ở bên Chúa và phụng sự Ngài như các thiên thần ngày đêm ca tụng Chúa trên trời. Amen.

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

HÃY TỪ BỎ MÀ THEO CHÚA


Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9, 62)

Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay lại đưa ra những đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát cho những ai muốn bước theo Người. Chúa Giê-su đã trả lời cho hai trường hợp đến xin theo Người cùng chung một điều kiện là “từ bỏ”, từ bỏ những tìm kiếm mang tính trần thế và từ bỏ cả những vương vấn tình cảm, thậm chí là liên hệ ruột thịt. Đúng hơn, Chúa Giê-su xác định cho ai muốn bước theo Người phải từ bỏ việc tìm kiếm quyền lực trần thế. Điều này được kể là tìm kiếm đầu tiên của các môn đệ và Chúa đã phải rất nhiều lần cảnh báo các ông hiểu lầm về sứ mạng của Người (các ông mong khi Chúa làm lớn thì các ông cũng được chức này quyền nọ, vinh thân phì gia), Gioan và Giacôbê thì đòi ngồi bên hữu bên tả, thậm chí đến khi Chúa sắp chịu Tử Nạn mà các ông vẫn còn lo cãi nhau ai sẽ làm làm lớn làm nhỏ; khi Chúa sống lại các ông còn hỏi là Thầy sắp lập vương quốc chưa? Thật ra, không phải Chúa Giê-su xem nhẹ đạo hiếu, nhưng Người muốn cho những ai đã chọn bước theo Chúa cần có sự siêu thoát, tự do lựa chọn chứ không ai ép buộc. Người muốn môn sinh phải ưu tiên cho việc Chúa hơn những tương quan khác. Đã chọn sứ vụ rao giảng Tin Mừng thì phải giảm thiểu tối đa những vương vấn gia đình.

Tóm lại, không ai làm tôi hai chủ được, nghĩa là đã chọn theo Chúa Giê-su cùng với sứ vụ rao giảng Tin Mừng đòi hỏi phải từ bỏ một cách dứt khoát những đam mê danh vọng quyền lực và những liên hệ vương vấn tình cảm – kể cả tình cảm gia đình ruột thịt, để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp Nước Chúa.

*********

Lạy Chúa, xin cho chúng con là những người đã chọn theo Chúa trong ơn gọi làm Ki-tô hữu, cách riêng những ai sống đời thánh hiến, luôn ý thức về quyền bính là để phục vụ; đồng thời luôn biết ưu tiên việc Chúa là trên hết mọi thứ liên hệ thế gian. Amen.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU


Ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác. (Lc 9, 55-56)

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể thầy trò Chúa Giêsu đi từ Galilê về Giêrusalem (để hoàn tất công trình cứu độ), khi đi qua miền đất Samari, các ngài đã không được đón tiếp, nên hai vị tông đồ Giacôbê và Gioan (mệnh danh là con của sấm sét) đã nổi nóng đòi Thầy hô biến cho lửa từ trời xuống thiêu huỷ dân Samari như lửa đã từng thiêu đốt làng Sôđôm và Gômôra xưa. Và khi chưa được thấu hiểu về mầu nhiệm cứu độ, thì Giacôbê và Gioan cũng như bao nhiêu người Do-thái lúc bấy giờ vẫn mang trong mình tư tưởng có một Đấng Cứu Thế theo kiểu con người, dùng vũ lực để chinh phạt và dùng sức mạnh từ trời để huỷ diệt kẻ ‘vô đạo’. Họ muốn Chúa xô xuống biển Pharao cùng binh tướng chứ không phải vớt lên để giúp hoán cải, muốn xô sập thành Giêricô để tàn sát chứ không phải giúp thay đổi đời sống, muốn xuống khỏi thập giá chứ không phải bị treo lên… Trong khi Chúa Giêsu đang quyết tâm lên Giêrusalem để cứu độ thì họ lại có tư tưởng lên để huỷ diệt và lập vương quốc mới.

Thật vậy, các môn đệ ngăn cản Chúa Giêsu lên Giêrusalem chịu chết, muốn Chúa Giêsu khiến lửa xuống đốt kẻ ngỗ nghịch, Pharisiêu thách thức Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá mới tin… nhưng Chúa Giêsu thực hiện ý Chúa Cha là đến để cứu chứ không phải để diệt. Con đường chết đi để cứu độ mới là con đường của Thiên Chúa, vì nếu Thiên Chúa cứu độ con người mà dùng tới vũ lực thì hỏi còn ai có thể xứng đáng để được cứu độ? Nếu Thiên Chúa cứu độ mà không vì Yêu Thương thì không cần phải Nhập Thể và Tử Nạn? Thế nhưng, ít nhiều người Công Giáo chúng ta ngày hôm nay vẫn còn tư tưởng muốn một Thiên Chúa ra tay đánh phạt kẻ ác chứ không phải nhẫn nại chờ đợi họ hoán cải, muốn Đức Mẹ phạt kẻ phá tượng hơn là nhẫn nhục hy sinh cầu nguyện cho họ. Người ta cảm phục và hoán cải nhờ tinh thần hy sinh và lòng yêu thương của chúng ta, chứ không phải bất đắc gì mà tin chúng ta. Máu các thánh tử đạo làm phát sinh các tín hữu, chứ không phải tài phép của các ngài.

*******
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian để cứu độ chứ không phải phá huỷ, đến để dẫn tội nhân trở về chứ không phải để họ hư đi đời; xin cho chúng con cũng biết nên giống Chúa, là đem ơn cứu độ đến cho lương dân không bằng uy thế quyền lực, nhưng bằng sự nhịn nhục hy sinh, bao dung tôn trọng tự do của mọi người. Amen.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

LÀM LỚN LÀ PHỤC VỤ


Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. (Lc 9, 48)

Từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Ngài. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hy sinh phục vụ. Thật vậy, khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như trẻ nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp là ai to ai nhỏ trong Nước Trời, mà chỉ đưa ra một “mẫu người” sẽ trở thành lớn nhất trong Nước Trời đó là nên như trẻ nhỏ, và Ngài nhấn mạnh rằng: “Ai muốn làm lớn thì phải có tự hạ nên như trẻ nhỏ”. Và

- Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.

- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…

- Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.

- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.

******
Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa nơi những người đau khổ do đói cơm bánh vật chất cũng như thiếu bánh ăn tinh thần là Lời Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi trong những người đau khổ, Xin cho chúng con biết mở rộng lòng để đón nhận tha nhân, mở rộng trái tim để cảm thông, mở rộng đôi tay để hết lòng phục vụ như phục vụ chính Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

KHÔNG VÔ CẢM VỚI THA NHÂN


“Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc 6,25).

Khi kể dụ ngôn về người giàu và Lazarô, trước hết Chúa Giêsu ám chỉ đến quan niệm sai lầm của các biệt phái, vì họ coi thịnh vượng đời này là dấu chỉ ơn lành của Thiên Chúa và nghèo nàn là dấu chỉ bị ruồng bỏ. Cái nhìn tôn giáo của họ xác tín rằng ở trần gian này người lành sẽ được thịnh vượng, kẻ ác gặp bất hạnh. Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu, thịnh vượng trần thế không minh chứng giá trị đạo đức và sự hậu đãi của Thiên Chúa; cũng như nghèo khó không minh chứng sự bại hoại luân lý và việc Thiên Chúa ruồng bỏ. Tất cả nằm trong chương trình của Thiên Chúa, điều mà Thiên Chúa muốn không hệ tại ở chuyện giàu nghèo mà là sự tương quan giữa người với người. Và qua câu trả lời của Abraham cho người phú hộ trong dụ ngôn, cho thấy sự cảnh báo về việc sử dụng của cải đã hàm chứa trong Luật pháp Mô-sê và Lời Chúa do các ngôn sứ rao truyền, đủ thuyết phục mọi người sửa đổi thói ích kỷ và biết quảng đại với tha nhân.

Thật thế, chúng ta không thấy ông phú hộ có những chuyện bóc lột, đàn áp, hay có lối sống bất chính; dụ ngôn không nói về bất cứ lỗi nào ông ta phạm, chỉ đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau khi sống và lúc chết. Như vậy, tội của nhà phú hộ kia chính là sự vô cảm và dửng dưng với người nghèo. Chúa không phạt nhà phú hộ vì ông ta giàu, Chúa cũng không cổ súy cho sự nghèo nàn của Ladarô. Nhưng Chúa mời gọi hãy sống có sự liên đới với nhau để người giàu không dư, người nghèo không đói. Điều này nhắm tới mọi người chúng ta là: Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu sống. Khi chỉ biết tìm kiếm sao cho có thật nhiều tiền, cặp mắt người ta sẽ bị che mờ đến nỗi không còn nhìn thấy Thiên Chúa và tha nhân nữa.

Cái tội Chúa cảnh tỉnh chúng ta hôm nay chính là tội thiếu sót, không chu toàn bổn phận yêu người, bàng quang trước những người bất hạnh xung quanh chúng ta. Không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với anh em. Có người lại yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình thì khó. Thật vậy, tiền bạc cũng như vật chất là những ơn huệ Chúa tặng ban. Chúng ta được phép sử dụng để bảo đảm cho cuộc sống và phẩm giá bản thân, đồng thời còn có bổn phận phải chia sẻ và giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ bần hàn túng thiếu. Chính những hành động bác ái yêu thương này sẽ có một giá trị vô song tạo cho chúng ta một kho tàng ở đời sau.

******
Lạy Chúa, xin mở lòng con để đừng vô cảm trước những mảnh đời khổ đau, xin mở rộng bàn tay chúng con, để chúng con luôn biết san sẻ giúp đỡ những người bất hạnh… Amen.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

THEO ĐƯỜNG CHÚA ĐI LÀ PHẢI HY SINH


Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. (Lc 9, 44b)

Các môn đệ đang say sưa và hãnh diện về Lời Rao Giảng và Quyền Năng của thầy mình, thì đột ngột Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó sẽ xảy đến cho Ngài làm các ông ngỡ ngàng và không thể hiểu được. 

Tại sao thầy uy quyền, làm được những phép lạ lớn lao như thế thì ai có thể bắt được?

Tại sao thầy chỉ làm những việc thiện và cứu mọi người lại bị nộp?

Nếu thầy bị bắt thì sứ mạng Đấng Cứu Thế ở đâu?

Bởi vì từ lúc chọn theo Chúa Giêsu cho đến lúc trước Phục Sinh, các môn đệ chỉ nhìn Ðức Giêsu với cái nhìn của con người. Họ nghĩ Ngài mang sứ mệnh chính trị, dùng quyền lực giải phóng Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, lên ngôi vua Israel. Từ đó các mô đệ cũng được chia phần vương giả. Đây cũng là thái độ của nhiều người chúng ta khi đi theo Chúa, chúng ta vẫn thích một sự thành công vật chất, ưa thích quyền thế, mong được kính trọng hơn là một sự chấp nhận hy sinh vì Chúa để cứu độ các linh hồn. Nên chúng ta dễ oán trách khi gặp thất bại, dễ nghi ngờ khi gặp thử thách và dễ thoái lui trước những đau thương.

Lại nữa, khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó, các môn đệ không hiểu nổi nhưng lại không dám hỏi, vì các ông sợ phải đối diện với sự thật về đau khổ. Thật vậy, trong mắt các môn đệ vẫn là một tương lai rạng ngời về quyền lực đang rộng mở, một chân trời mới giàu sang đang chào đón khi Thầy lên ngôi hiển trị. Làm sao có thể chấp nhận được một kết cục như thế, chẳng lẽ Thầy bị giết là mọi hoài bảo của mình tan thành mây khói sao? Điều đó là không thể được.

CŨNG VẬY, ngày hôm nay khi chọn theo Chúa, không ít các bạn trẻ mang trong mình hoài bảo đổi đời, được chia sẻ chức vị, được kính trọng... Nếu được cảnh tỉnh thì họ không dám đối diện với sự thật là phải dấn thân hy sinh và tìm vinh quang cho Chúa chứ không phải cho mình. Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa.

********

Lạy Chúa, là những môn đệ được mời Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hy sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

VỚI BẠN, CHÚA KITÔ LÀ AI ?


Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9, 20)

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến lời tuyên xưng đức tin căn bản của thánh Phêrô và cũng là lời tuyên xưng của Hội Thánh Chúa Kitô qua mọi thời đại cho đến muôn đời. Lời tuyên xưng “THẦY LÀ ĐỨC KITÔ, CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG” được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật (Mt 16,13-21 // Mc 8,27-31 // Lc 9,18-22) và đoạn Tin Mừng này cũng được kể là đọc nhiều nhất trong một năm Phụng Vụ (ít nhất là 6 lần). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Lời Tuyên Xưng Đức Tin phải được mọi Kitô hữu ý thức và sống đức tin ấy. Hôm nay, nếu Chúa chất vấn từng người: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”? Chúng ta ai cũng phải có câu trả lời thật cho chính mình. Chúng ta có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta nữa không? hay là chỉ tuyên xưng ông thần tài…? Sự tuyên xưng đó được cụ thể bằng việc bước theo con đường thánh giá mà Chúa Giêsu đã đi, như Người đã báo trước cho các môn đệ.

- Nếu coi Chúa là bạn, thì hãy mời Chúa vào chơi nhà tâm hồn mình, hàn huyên tâm sự qua lời cầu nguyện.

- Nếu coi Chúa là “Anh Hai” thì đừng làm “Anh Hai” buồn và biết lắng nghe “Lời Anh Hai” nhé.

- Nếu coi Chúa là “người yêu”, thì hãy năng đến bên Thánh Thể mà tâm sự với “người yêu Giêsu”, hãy cùng san sẻ vui buồn…

- Nếu coi Chúa là Cha, là Mẹ, là Chị, là… thì cũng hãy sống với Ngài như tâm tình con thảo, như người em ngoan ngoãn…

- Đặc biệt, hãy cố gắng nên giống Chúa, là Giêsu thứ hai, giống Giêsu hy sinh, bác ái, yêu thương…

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

CHÚNG TA TÌM CHÚA VÌ ĐIỀU GÌ?


Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su. (Lc 9, 9)

Vua Hêrôđê vì một chút sỉ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình. Mới hay, đôi khi có những kẻ tìm kiếm Chúa không phải vì mến Người hay để xin theo Người, mà là vì sự phân vân lo lắng và lương tâm cắn rứt vì đã hành động tội lỗi. Điều này cho thấy, sự xuất hiện của Chúa đã làm phơi bày ra những tội ác của kẻ ác, và đặt mọi người vào thế đối diện với chính mình và phải tự vấn lương tâm., và khi chúng ta hành động tội lỗi, thì lương tâm sẽ cắn rứt và làm cho chúng ta mất bình an (trừ khi lương tâm đã ra chai đá). Vậy, có bao giờ chúng ta dành ra những phút hồi tâm suy nghĩ về Thiên Chúa hiện hữu và tác động trên đời ta, qua những dấu chỉ cuộc sống, qua những gương chứng nhân, qua phụng vụ bí tích, qua đời sống đạo… để rồi chúng tìm đến gặp Chúa và tạ ơn Người không? Thật vậy, để tìm lại được sự bình an, chúng ta hãy mau tìm đến gặp Chúa nơi Bí Tích Giải Tội, để được Chúa tha thứ và giúp chúng ta hòa giải với Chúa và tha nhân.

******
Lạy Chúa, Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa Chúa chất vấn từng người chúng con về niềm tin vào Ngài là ai? Xin cho chúng con dám đối diện với chính mình xem chúng con có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng con nữa không? Hay là chỉ tìm đến với Chúa vì những lời đồn đoán và vì phân vân lo lắng những hành động tội lỗi chúng con bị phơi bày… Amen.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

LỄ KÍNH THÁNH MAT-THÊU – TÔNG ĐỒ (TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG)


Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9, 9)

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc tới cách chọn gọi của Chúa Giêsu luôn xảy đến tại nơi người được gọi đang sinh sống và đồng bàn với những người tội lỗi để cứu độ họ. Chúa gọi các tông đồ nơi bờ biển, dưới cây vả… và hôm nay gọi Matthêu khi ông còn ngồi nơi bàn giấy thu thuế, rồi sau đó về nhà tiệc tùng với “tân môn đệ”.

Câu chuyện ơn gọi của Matthêu lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giêsu gọi ai thì Ngài không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi họ có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không? Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Ngài không? Hơn hết, khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công Giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không? Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…? Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

********

Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả, chọn một người thu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin mừng. Xin ban cho mỗi người chúng con ơn nhận ra tình yêu Chúa và bước theo Ngài. Bước theo Chúa nghĩa là chúng con cần phải đổi mới đời mình để đường lối của Chúa cũng sẽ là đường con bước đi. Xin cho con luôn bước đi với Ngài trong yêu thương, phục vụ và trong sự tín thác trọn vẹn. Amen

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

HÃY THUỘC TRỌN VỀ CHÚA


Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. (Lc 8, 21)

Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa. Tuy nhiên, muốn làm Mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình và sau nữa là đem Chúa đến cho tha nhân.

Nhưng muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bằng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông. Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời. Và sau khi nhận ra Chúa - cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.

*******

Lạy Chúa, Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là an hem và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

HÃY GIEO HẠT GIỐNG ĐỨC TIN VÀO GIỮA LÒNG ĐỜI


Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất. (Lc 8, 18)

Như hạt giống phải được gieo xuống ruộng đất, lớn lên và sinh hoa trái, nếu không sẽ nó trơ trọi hoặc thối nát và mất đi. Cũng thế, hạt giống đức tin, tài năng và cơ hội Chúa ban cho mỗi người, cần được gieo vào giữa lòng đời, để lớn lên và sinh hoa trái. Đó là nội dung Chúa Giêsu dạy mỗi người qua bài Tin Mừng hôm nay:

1. Không ai đốt đèn mà lại để dưới đáy thùng...

Nghĩa là Đức Tin của chúng ta không phải “đạo tại tâm” giấu diếm, mà cần được toả sáng, để mọi người nhìn vào đó mà nhận ra Chúa. Và niềm tin cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể của một người có đức tin. Khi làm điều gì, người có đức tin vào Chúa sẽ hành động dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và lý tưởng đời sau. Còn người không có đức tin thì làm mọi cách kể cả thủ đoạn để đạt được điều hiện tại mà thôi.

 2. Không có gì bí ẩn mà không có ngày lộ diện.

Hiểu cả nghĩa tích cực và tiêu cực: Một người làm điều tốt thì ngay cả lúc này không ai biết, nhưng danh thơm tiếng tốt rồi sẽ được mọi người biết đến; ngược lại, kẻ làm điều xấu thì rồi cũng sẽ bị phanh phui và tiếng xấu để đời. Hơn nữa, trước mặt Thiên Chúa thì mọi sự đều bị tỏ lộ ra. Vì thế, hãy luôn hành động dưới con mắt hiện diện của Thiên Chúa.

 3. Ai có sẽ được cho thêm…

Kẻ có được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi, nghĩa là Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi. Chúa ban cho chúng ta niềm tin, cần sự thanh luyện và trau dồi để niềm tin lớn lên. Nếu không, vì không sống niềm tin thì một ngày nào đó, chính niềm tin ban đầu cũng sẽ nguội lạnh và mất đi…

*******

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hàng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

HÃY LÀ NGƯỜI QUẢN GIA KHÔN NGOAN


Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được. (Lc 16, 13)

Với dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, có thể dùng từ “khôn lanh” cho người quản lý hay đúng hơn là “khôn ngoan”. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không đặt nặng vấn đề từng chi tiết của dụ ngôn, mà là dừng lại ở nghĩa chính mà dụ ngôn nhắm tới. Thật vậy, câu chuyện cho thấy người quản lý này có vấn đề không minh bạch trong công việc của mình, bị ông chủ đòi thanh tra sổ sách và tước quyền quản lý của anh. Cái khôn là vì khi anh thấy nguy cơ bị tính sổ và mất chức, thì anh đã biết đặt vấn đề ngay cho tương lai của mình. Chúa Giêsu không khen việc lỗi đức công bằng này, vì việc làm này là gian lận của chủ, đây là cái khôn lỏi. Tuy nhiên, Chúa khen anh vì biết tận dụng tất cả những khả năng và điều kiện, địa vị sẵn có, để có lợi cho về sau của mình. Anh khôn khéo vì biết tận dụng những ngày cuối cùng còn lại trong nhiệm vụ, để lấy lòng người khác, để tạo một ảnh hưởng và chỗ dựa sau này, biết tận dụng thời gian và những điều kiện có sẵn để lo cho số phận tương lai của mình. Dụ ngôn chỉ dừng lại ở ý nghĩa, là tất cả những gì chúng ta có đều do Chúa ban và là của Chúa, điều quan trọng là chúng ta biết dùng những ơn huệ Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, và chính điều này sinh lợi cho chúng ta khi chúng ta không còn được quyền quản lý thân xác và những ân huệ đó nữa.

Thật thế, Kho Tàng Nước Trời của mỗi người chúng ta tuỳ thuộc việc chúng ta sử dụng kho tàng trần thế của mỗi người chúng ta như thế nào: Khi chúng ta tiêu xài cho riêng mình thì Kho Tàng Nước Trời của chúng ta trống rỗng! Trái lại, khi chúng ta cho đi, cho những người bất hạnh, tàn tật, khổ đau là lúc Kho Tàng Nước Trời của chúng ta tăng gấp bội! Và hãy nhớ rằng, mọi khả năng, sức khoẻ, thời giờ, địa vị…tất cả đều của Chúa trao ban, Chúa Giêsu dạy ta biết nhanh chóng tính toán cho cuộc sống mai sau của mình, vì mỗi người chúng ta đều chỉ là những người quản lý được Thiên Chúa trao cho trông coi chính cuộc đời của mình. Chắc chắn ta sẽ không mãi mãi ở thế gian này, mà tất cả đều có ngày phải trình lại cho Chúa tất cả sổ sách cuộc đời, giải trình cho Ngài tất cả những gì chúng ta đã làm.

TÓM LẠI: Sự khôn ngoan của chúng ta không phải hệ tại ở sự giàu sang thành đạt, mà là biết dùng những gì mình có chuẩn bị thật tốt cho ngày cuối cùng của mình, vì dù được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng có ích gì. Do đó, người khôn ngoan là người biết làm giàu ân sủng trước mặt Thiên Chúa và làm giàu tình anh em. Ngay từ bây giờ, đừng chỉ lo xây cất sắm sửa cho riêng mình, mà còn phải lo sắm sửa cho ngôi nhà của mỗi người ở thế giới mai sau. Đừng chần chừ đợi đến ngày mai sẽ sắp xếp lại cuộc sống, đừng khất đến hôm sau mới yêu thương, mà hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, từ lúc này, vì có thể ngày mai ta sẽ không còn cơ hội nữa.

********
Lạy Chúa! Xin giúp chúng con biết dùng những của cải đời này sao cho ích lợi cho kho tàng mai sau trong nơi vĩnh cửu, để không bị nô lệ cho những của cải thế gian, nhưng biết chọn Chúa là chủ đời mình. Amen.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

HÃY KIÊN TRÌ GIEO HẠT LỜI CHÚA


Ai có tai nghe thì nghe. (Lc 8, 8b)

Dụ ngôn “người gieo giống” trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong số ít trường hợp khi kể dụ ngôn thì Chúa Giêsu cũng chú giải luôn sứ điệp Người muốn rao giảng. Dụ ngôn về “người gieo giống” nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Người.

Thật vậy, hạt giống là Lời Chúa và Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu là người đi gieo không biết mệt mỏi. Thiên Chúa đã luôn luôn gieo vãi lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta, Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát, Người không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân Sủng” vào tâm hồn mỗi người, Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành; Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc; Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào, Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn. Và Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình, Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi. Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay:

- Chúa Giêsu muốn “người gieo giống” hãy gieo một cách hào phóng, không sẻn so tính toán và không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện có thể, để chuyên chở Tin Mừng, đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống và tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.

- Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng như thánh Phaolô "lúc thuận tiện hay không thuận tiện". Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai, thất bại, nhọc nhằn. Hãy đi gieo yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu mà cả những mảnh đất sỏi đá gai góc, vì có tình yêu thương mãnh liệt mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi và biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.

- Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giê-su chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giêsu cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên.

TÓM LẠI: dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa có các môn đệ; chúng ta cũng cần đào sâu ý nghĩa sứ điệp Tin Mừng để ý thức hơn về chính mình đã đón nhận và sống Lời Chúa như thế nào.

*******

Lạy Chúa, xin làm cho tâm hồn mỗi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

HÃY CỘNG TÁC RAO GIẢNG NƯỚC TRỜI VỚI CHÚA


Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. (Lc 8, 1)

Hôm nay, chúng ta được nghe Tin Mừng kể lại việc một số các bà đi theo giúp đỡ Chúa Giêsu và nhóm 12 Tông Đồ lo việc rao giảng Tin Mừng. Điều này cho thấy Chúa Giêsu không phân biệt đối xử mà còn đón nhận những người nữ cộng tác với Ngài trong việc rao giảng Nước Thiên Chúa. Từ đó cho chúng ta bài học: Dù chúng ta là ai, Chúa đều mời gọi chúng ta cộng tác.

- Là nữ tu chúng ta hoạt động truyền giáo theo linh đạo dòng hay tu hội của mình.
- Là những phụ nữ công giáo, chúng ta cộng tác trong những việc đóng góp công của cho công cuộc truyền giáo.
- Là các bà mẹ, chúng ta dâng những người con cho Chúa trong các ơn gọi.
- Là những người độc thân goá bụa, chúng ta cộng tác với Chúa trong sự hy sinh cầu nguyện và phục vụ.
- …
Tóm lại, dù chúng ta là ai, chúng ta đều được Chúa mời gọi cộng tác xây dựng nước Chúa trong bổn phận và bậc sống của mình.

 *******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tôn trọng phẩm giá người nữ, và dù trong bậc sống nào chúng con đều biết cộng tác phần mình với Chúa để loan báo Tin Mừng đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI


Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. (Ga 19,25)

Đức Maria trong Tin Mừng Gioan nhắc đến chỉ vỏn vẹn có hai lần trong hai hoàn cảnh: tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá, Cana và Calvê được nối kết bằng “giờ” hiến tế, giờ tử nạn và là giờ được “tôn vinh”. Đức Maria hiện diện trong giây phút khai mạc cuộc đời rao giảng và tỏ lộ vinh quang của Đức Giêsu cũng như hiện diện trong giây phút Đức Giêsu đưa cuộc đời trần thế đến đỉnh cao bằng việc tế hiến mạng sống mình, dâng lên Thiên Chúa vì loài người. Hôm nay, giờ Đức Giêsu đã đến, đó là “giờ” Người được tôn vinh vì Người đã vâng ý Cha mà chịu hiến tế hy sinh. Đức Maria được liên kết với giờ hiến tế này và trái tim Mẹ cũng chịu hiến tế như lời tiên báo của Simêon là “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ” (x. Lc 2, 35). Điều này cũng cho thấy, vì là Mẹ Đấng Messia, Đức Maria nằm trong cuộc chiến, chia sẻ mọi đau khổ với con mình. Có thể nói rằng: nhân loại được cứu độ trước hết và chính là bởi Đức Kitô và thứ đến là nhờ sự cộng tác của Đức Maria trong sự tuỳ thuộc vào công việc của Đức Kitô, Đức Maria rõ ràng đã đóng vai trò trổi vượt trên bất cứ phàm nhân nào trong sự hiệp thông với Đức Giêsu cứu chuộc. Thật vậy, chỉ có một mình Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, nhưng khi sinh hạ Hội Thánh trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ có một mình, mà Người còn có Đức Maria đứng dưới chân thập giá, để cùng chia sẻ sự đau khổ và giúp Người chấp nhận hiến dâng. Và tiếp đến là “hiệp thông cứu chuộc” vì Đức Maria đã tham gia vào công trình sinh hạ Hội Thánh.

Sau cùng, trên thập giá, lúc Đức Giêsu tưởng chừng như đã bị bỏ rơi hoàn toàn, thậm chí Chúa Cha dường như vắng bóng, thì còn đó Mẹ Ngài đứng dưới chân thập giá như là một động lực cuối cùng nâng đỡ Ngài – Thiên Chúa Cha giờ này đang ở trong sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Thần vẫn phủ bóng trên Đức Maria để trợ lực Ngài trong giờ hiến tế… Thật vậy, khi Chúa Giêsu tắt thở và bóng đêm bao trùm vạn vật (x. Lc 23, 44-46) thì Đức Maria vẫn hiện diện dưới chân thập giá, những khi thế giới tưởng chừng như vắng bóng Thiên Chúa, thì vẫn còn đó những môn đệ của Ngài hiện diện làm chứng Thiên Chúa vẫn sống trong họ, sống trong những hoạt động đức ái và tinh thần dâng hiến của họ.

*******
Lạy Chúa Giêsu, dưới chân thập giá, Chúa đã trao chúng con cho sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ Maria, xin cho chúng con luôn biết nhận Người là Mẹ và sống tình con thảo với Người, hầu cùng với Người, chúng con cộng tác với Chúa trong công cuộc cứu độ thế giới. Amen

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU


Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (Ga 3, 14)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mặc khải thật rõ ràng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14). Có lẽ đây là nét độc đáo nhất chỉ gặp thấy nơi Tin Mừng thứ IV, con đường linh đạo này có một mức độ quyết liệt hơn, vì trong khi 3 Tin Mừng Nhất Lãm nói đến việc muốn đạt đến Ơn Cứu Độ phải vác lấy thập giá, còn đối với Tin Mừng thứ IV đòi phải được “giương cao lên” nghĩa là không chỉ vác mà còn phải bị treo lên, chịu đóng đinh vào khổ giá. Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người. Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Chúa Giêsu. Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến Ơn Cứu Độ.

Thật vậy, con đường cứu độ của Con Thiên Chúa là thập giá, nên ai muốn được cứu độ thì cũng phải chấp nhận “được treo lên” trên thập giá với Chúa Giêsu. Thế nhưng, giống như hai người con, một người lo làm việc vì yêu thương bố, một người bất đắc dĩ phải làm cho bố vì sợ bố đánh, kết quả là một người đạt được niềm vui nhẹ nhàng còn người kia cảm thấy nặng nề chán nản. Cũng thế, khi đón nhận thánh giá Chúa với niềm tin vào Ơn Cứu Độ thì thánh giá sẽ trở nên nhẹ nhàng và con người vui vẻ vác đi theo Chúa; ngược lại, nếu ai vác thánh giá vì sợ luận phạt thì thánh giá sẽ nên nặng nề và tuyệt vọng.

*******

Lạy Chúa Giêsu, Chúa được sai đến thế gian là để cứu độ thế gian chứ không phải lên án thế gian, xin cũng sai chúng con đến với mọi người, đem đến cho họ sự cứu vớt, chứ không phải đến để lên án đồng loại. Xin cho chúng con biết chấp nhận được “giương cao lên”, là chấp nhận đóng con người tội lỗi của mình vào thập giá Chúa, để sau khi chết đi cho tội lỗi, chúng con được trở nên con người mới. Amen.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

HÃY LUÔN TIN TƯỞNG NƠI CHÚA


Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7, 14)

Lời Chúa hôm nay đặc biệt nói đến quyền năng của Thiên Chúa trên sự sống của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng làm chủ sự sống và sự chết: Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ Ê-li-a mà cho đứa bé con của bà góa ở Xa-rép-ta sống lại (Bài đọc I, sách 1V 17,17-24), đặc biệt, chính Chúa Giê-su đã phục sinh người con trai duy nhất của bà góa thành Na-im (bài Tin Mừng Lc 7,11-17).

Với bà goá thành Na-im, đứa con trai là niềm hy vọng duy nhất của bà, là sự sống và tương lai của bà. Thật vậy, một người đàn bà đã chết chồng và chỉ có một đứa con trai, bao tình yêu còn lại bà dành duy nhất cho nó, bao hy vọng bà đặt nơi nó, vì nó là sự sống và tương lai tuổi già bà trông cậy vào nó. Đùng một cái, người con trai duy nhất chết, bà mất hết tất cả: Tình yêu, sự sống, hy vọng, tương lai… Tình trạng của bà bây giờ là tuyệt vọng của mọi tuyệt vọng. Và Chúa đã đến trong sự tuyệt vọng tận cùng ấy, Chúa không đợi bà phải cầu xin, nhưng tiếng khóc và nỗi đau tận cùng ấy là lời cầu xin thẳm sâu nhất đụng chạm vào “Lòng Thương Xót” của Chúa. Chúa chạnh lòng thương bảo bà đừng khóc nữa, rồi phục sinh người con và trao lại cho bà. Và trong đời sống thiêng liêng, hình ảnh người thanh niên con bà góa thành Na-im còn là tình trạng của những ai đã bị chôn vùi trong dục vọng và đã chết trong tội lỗi, cho tới khi Chúa Giê-su đụng đến “quan tài tâm hồn” và phục hồi lại tình trạng ân sủng, giúp họ bước từ cõi chết sang cõi sống.

Hơn thế, lắm khi trong cuộc đời mỗi chúng ta, cũng cảm thấy mất hết tất cả: Tình yêu bị phản bội, sống cũng như chết, không còn gì để hy vọng, tương lai mù mịt và tuyệt vọng chán chường buông xuôi. Xin hãy nhớ rằng, trong khi ta tuyệt vọng nhất, Chúa vẫn đang ở đó. Liệu chúng ta còn nhớ đến Chúa không? Chúng ta có buông xuôi? Hay là cứ tự sức mình một cách vô vọng? Cũng không ít lần tưởng chừng như Chúa vắng mặt trước đau khổ của chúng ta, chúng ta vẫn tín thác vào chương trình của Chúa như ông Gióp, hay là trách móc, chán chường thất vọng và tuyệt vọng? Xin hãy nhớ rằng, trong tất cả, Thiên Chúa có lý do trong chương trình của Người, mà mãi mãi vẫn là một huyền nhiệm trước mọi suy tưởng của con người, và đôi lúc xem ra thật bất công.

*******
Lạy Chúa, lắm lúc chúng con cảm thấy như mất tất cả, mất cả điều chúng con yêu quý nhất, và như chẳng còn gì để hy vọng, tình yêu, sự sống, tương lai… đã bị đem đi chôn. Xin Chúa đừng bỏ rơi, nhưng đến trong sự tận cùng tuyệt vọng của chúng con mà phục hồi tâm hồn chúng con, ban lại cho chúng con niềm vui và hy vọng. Amen.