Translate

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

HÃY BIẾT YÊU THƯƠNG VÀ CỘNG TÁC VỚI CHÚA


Có thể nói, Bài Tin Mừng về câu chuyện Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều hôm nay, là một trong những bài Tìn Mừng được đọc nhiều nhất. Trong đó, chúng ta chú ý đến hai hành động đặc biệt của Chúa Giê-su:

- Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đông đảo dân chúng đến với mình…

- Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người).

Cùng với hành động của Chúa Giê-su, chúng ta cũng được mời gọi: Ngước mắt lên để nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người mà cảm thông với họ, chứ không phải ru rú cho mình mà bất biến với mọi người xung quanh đang cần đến chúng ta. Mặt khác, Chúa Giêsu không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Ngài muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới - cá). Phép lạ chỉ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi xuống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư năm chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình. Vì thế, cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể..., nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống), và hành động như Chúa Giêsu là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha rồi bẻ ra phân phát cho dân.

Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

-  Hãy tin tưởng vào quyền năng tuyệt đối nơi Đức Giêsu. Bởi vì khi lòng thương xót của Ngài được đụng chạm đến chúng ta, thì mọi chuyện được dư thừa như chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá. Nhưng khi đã được Đức Giêsu can thiệp nuôi cả 5 ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em mà sau đó còn thu lại được 12 thúng đầy.


- Hãy biết thương đến những người nghèo, nghèo về thể xác, nghèo về tinh thần. Luôn tìm cách chữa trị những vết thương thể xác và tâm linh cho anh chị em chúng ta. Chúa không chấp nhận việc chúng ta yêu thương hình thức, tức là chỉ có nói, mà Ngài muốn chúng ta thương thật, tức là hành động kịp thời.

******

Lạy Chúa, phép lạ hóa bánh ra nhiều đã thể hiện tình thương của Chúa dành cho nhân loại vô bờ. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết rung động trước nỗi khốn cùng của anh chị em đồng loại, để chung tay cộng góp nhằm làm cho cuộc sống của họ bớt khổ hơn. Nhưng trước hết, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để biết điều nên làm và điều không nên hoặc chưa nên. Amen.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

CỦA CẢI và SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI


Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu. (Lc 12, 15)

Mở đầu bài Tin Mừng là việc có một người đến xin Chúa Giêsu xử kiện phân chia gia tài. Điều này có nghĩa là do tham lam của cải, vì ích kỷ muốn phần hơn mà anh em ruột đã kiện cáo nhau. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội người kia xin xử kiện để căn dặn mọi người: “Hãy coi chừng và giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”, vì khi tham lam người ta dễ đánh mất lương tri; đồng tiền làm mờ đôi mắt và che khuất lương tâm; giàu rồi thì muốn giàu thêm, lòng tham vô đáy… để rồi dẫn đến loại trừ nhau. Tiện thể, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về một người giàu có an thân thoả mãn trên đống của cải lẫm này kho nọ, rồi tự cho phép linh hồn mình được “nghỉ ngơi”, nhưng nếu Chúa gọi bất thình lình, thì ‘tay trắng hư không’ ra đi vào cõi diệt vong, nhằm cảnh tỉnh chúng ta: “ Hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải được dư giả, thì mạng sống nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” (Lc 12, 15).

Ham mê của cải như ông phú hộ trong dụ ngôn là chỉ lo làm giàu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này mà không lo cho phần rỗi đời sau. Của cải vật chất tự nó không xấu, siêng năng làm việc để có của cải luôn là điều tốt. Thế nhưng, chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ và an thân bám víu vào nó, mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Những gì ta xài phí, những gì ta lo tích trữ và bo bo giữ không chia sẻ rồi sẽ dừng lại khi ta xuống mồ, chỉ còn lại những gì ta đã cho đi theo chúng ta đến trước mặt Đấng Thẩm Phán Chí Công, như lời Chúa Giêsu kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12, 21).

*******

Lạy Chúa! Xin cho chúng con đang khi hưởng dùng những của cải đời này do Chúa ban, thì cũng biết sử dụng sao cho hợp ý Chúa và sinh lợi của cải thiêng liêng đời sau trong kho lẫm nước Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

THẤY GÌ QUA CÁI CHẾT CỦA THÁNH GIOAN-BAOTIXITA


Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ.  (Mt 14, 11)

Vua Hêrôđê vì một chút sỉ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình. Tin Mừng hôm nay kể lại chi tiết về cuộc “tử đạo” của thánh Gioan Tẩy Giả, làm nổi bật lên hai hình ảnh tương phản nhau, tiêu biểu cho cách sống của chúng ta ngày hôm nay:

1. Hêrôđê - Bảo vệ danh dự bằng mọi giá. Xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta, giữa những cám dỗ thế tục lôi cuốn làm cho chúng ta sa ngã, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi - tụ điểm múa nhảy, rồi kéo theo những hệ luỵ sau đó không còn kiểm soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì biết quay đầu sửa lỗi, lại tìm cách ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng hãm hại người khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.

2 Thánh Gioan Baotixita - Chứng nhân cho sự thật:  Đứng trước tội loạn luân của Hêrôđê Antipas và Hêrôđiađê, thánh Gioan Baotixita không ngại khiển trách can ngăn, mặc dù biết rằng phải đối diện với cái chết, và ngài đã phải trả giá bằng việc bị trảm quyết. Giữa một xã hội đầy giả dối ngày hôm nay, cùng với lối sống suy đồi đạo đức luân lý, Giáo Hội rất cần những con người dám nói lên sự thật, rất cần những người dám đi ngược dòng bằng việc sống trong sạch đạo đức… 

 *****

Lạy Chúa, giữa xã hội ngày hôm nay đầy cám dỗ buông thả và toan tính lọc lừa, xin cho chúng con biết sống tiết độ, xa lánh những lối vui chơi không lành mạnh và đặc biệt dám can đảm làm chứng cho sự thật. Amen

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

HÃY LUÔN TIN TƯỞNG NƠI CHÚA



Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian. (Ga 11, 27)

Giáo hội mừng lễ thánh Mácta, như là một hình ảnh đại diện cho sự thánh thiện của gia đình Bê-ta-ni-a, trong đó có Mácta, Lazaro và Maria. Nơi căn nhà Bê-ta-ni-a này, Chúa Giêsu và các môn đệ thường ghé lại, và nơi đó, Chúa tìm được những tâm hồn thánh thiện và tràn ngập lòng yêu mến. Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tường thuật độc quyền của Tin Mừng Gioan, mà Tin Mừng Nhất Lãm không nói đến. Một phép lạ phục sinh đã xảy ra cho Lazarô khi ông đã chết được chôn cất bốn ngày trong mộ đá. Câu chuyện xoay quanh chủ đề NIỀM TIN qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Mácta:

            - “Bất cứ điều gì Thầy xin thì Thiên Chúa cũng ban cho Thầy”: Nghĩa là dù em con đã chết rồi, nhưng bây giờ Thầy xin thì Thiên Chúa vẫn cho em con được sống lại. Thật vậy, dù linh hồn chúng ta đã bao lần chết đi vì vắng Chúa, chúng ta xưng thú tội lỗi và đón rước Chúa vào lòng thì Chúa Giêsu sẽ lại phục hồi cho ta sự sống thiêng liêng với muôn vàn ơn phúc.

            - “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”: Lời này hướng đến chúng ta là những người đang còn hiện hữu trên trần gian. Vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô nên sẽ không sợ cái chết, cái chết thể lý chỉ là cửa ngõ đưa chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.

Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta thấy phép lạ phục sinh xảy ra là vì NIỀM TIN. Mọi sự đều nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời là để Thiên Chúa được vinh danh nơi chúng ta, và để niềm tin chúng ta được tinh luyện. Nhờ niềm tin, lòng yêu mến và sự phục vụ là điều Chúa ưa thích, và dừng chân nơi tâm hồn chúng ta.

*******


Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con, để Chúa luôn được vinh danh nơi mọi biến cố của cuộc đời chúng con, như qua cuộc đời của các thánh Mácta, Lazaro và Maria mà Chúa đã đem lòng yêu mến gia đình thánh thiện này. Amen.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

HÃY BIẾT SỐNG CHO NGÀY PHÁN XÉT


Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (Mt 13, 47)

Chỉ có một mình thánh sử Mátthêu kể về dụ ngôn “cái lưới” mà chúng ta vừa nghe. Dụ ngôn “cái lưới” này cũng có ý nghĩa tương tự như dụ ngôn “cỏ lùng”, nghĩa là giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, giữa biển đời cá tốt cá xấu, giữa cuộc đời người lành kẻ dữ cùng chung sống với nhau và chỉ được Chúa phân định trong ngày ra trước tòa phán xét, để thưởng công hay luận phạt. Khi kể dụ ngôn “cái lưới”, Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định có một cuộc phán xét cuối cùng, nhưng phán xét là một bí mật thuộc quyền Thiên Chúa, và cho đến ngày tận thế, số phận của mỗi người sẽ được tách biệt, cũng như số phận thật của những con cá khi mẻ lưới được kéo lên sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào chất lượng của những con cá ấy. Vì thế, trước khi tấm lưới được kéo lên trong ngày chung thẩm, con người cần phải trở thành những con cá tốt. Số phận đời đời của mỗi người tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống hiện tại này. Mọi người tiến về một cuộc phán xét, và sự sống sung mãn sẽ được tặng ban cho những ai ở “trong” Chúa; ngược lại, ai chối từ sự sống chỉ còn biết một số phận vô vọng của hỏa ngục.

Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn, ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho cá tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ. Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng có một thế giới toàn thiện hay là có thể có một Hội Thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người tốt và thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng cuộc sống con người ở trần gian còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng, chỉ khi đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ; để chúng con lo tìm kiếm Nước Trời thì sẽ không bao giờ lầm, vì đó là một bảo đảm cho những ai dám đặt tất cả niềm tin vào Chúa. Amen.

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

HÃY TÌM KIẾM NƯỚC TRỜI


Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (Mt 13, 45)

Hai dụ ngôn “kho báu” và “ngọc quý” mà Tin Mừng hôm nay thuật lại qua lời rao giảng của Chúa Giêsu là một lời mời gọi chúng ta đừng để mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến. Như người kia trong dụ ngôn phải bán tất cả những gì mình có mới đủ tiền tậu thửa ruộng có kho báu hoặc mua viên ngọc quý. Chúng ta cũng phải vứt đi tất cả những thói quen, những thú vui thường xâm chiếm mà không thỏa mãn tâm hồn chúng ta. Trong sóng gió và bão táp cuộc đời, chúng ta phải nhớ đến “kho báu” đã từng được tìm thấy, cho đến khi gặp lại được nó. Thật vậy, có thể người kia đã phải bán cả nhà cửa và mọi tài sản, thậm chí phải mất cả gia đình họ hàng chỉ vì “cái tội” mê viên ngọc đẹp. Cũng thế, chúng ta phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Muốn đón nhận giáo lý của Chúa Giêsu để đạt được hạnh phúc đời đời, đòi hỏi các môn đệ Chúa Giêsu phải từ bỏ tất cả và vượt lên trên những tiếc nuối truyền thống và luật cũ.

Như vậy, thực tại Nước Trời phải được khám phá ra và hiểu đúng. Tất cả các giá trị khác, như gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội, của cải, tiện nghi, sức khỏe, lợi lộc, thú vui… không phải là những giá trị và tiêu chuẩn tối hậu, nhưng những tiêu chuẩn đó phải được thay thế và nhắm tới mục tiêu vĩnh cửu là Nước Trời. Nước Trời có đó, nhưng là một thực tại đang bị chôn giấu giữa thửa ruộng thế gian, sự sống vĩnh cữu đang ở ngay giữa chợ đời vàng thau lẫn lộn; nên để đạt được Nước Trời là sự sống vĩnh cửu đòi hỏi con người phải lên đường tìm kiếm, phải sáng suốt phân định, phải can đảm dấn thân và phải bỏ lại đàng sau những gì không còn thích hợp cho sự sống mai sau.

********

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết coi giá trị cao quý nhất và vĩnh cửu là Nước Trời, vượt trên mọi thứ giá trị trần thế mau qua, để chúng con chỉ lo tìm kiếm Nước Trời ngay trong cuộc sống và khám phá ra cùng đạt được nguồn hạnh phúc Nước Trời ngay trong khi chu toàn phận vụ mà Chúa trao cho chúng con giữa đời sống dương gian này. Amen

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

LỄ THÁNH GIOAKIM VÀ ANNA – SONG THÂN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA


“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe” (Mt 13, 16): Đó chính là cái phúc mà Chúa Giêsu nhiều lần lặp lại cho thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cái phúc được nghe và được thấy trước hết phải kể đến các môn đệ của Chúa Giêsu, các ngài là những “người bé mọn” và đơn sơ đón nhận, tin và đi theo Chúa Giêsu, các ngài có phúc hơn các ngôn sứ và những người công chính thời Cựu Ước đã không có được vinh dự được nghe và được sống với Đấng chính là Lời Thiên Chúa.  Kế đến, cái phúc này dành cho những ai thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống. Chúng ta ngày hôm nay có vinh dự được đọc, được nghe Lời Chúa hằng ngày trong Thánh Kinh và được hiểu qua lời giảng dạy của các đấng bậc trong Giáo Hội mà Chúa chọn để hướng dẫn chúng ta.

 Mối phúc “lắng nghe và thực hành Lời Chúa” thật cao cả và quan trọng, thậm chí Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Người (x. Mt 12,49-50). Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì mới có thể sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con được vào số những người mà Ngài cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và đơm bông kết trái là các công phúc việc lành, hầu đem nhiều linh hồn trở về với Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

LÀM ĐẦU THÌ PHẢI LÀM ĐẦY TỚ


Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.  (Mt 20, 27)

Hằng năm cứ đến ngày lễ kính thánh Gia-cô-bê tông đồ, thì Giáo Hội lại cho chúng ta nghe bài Tin Mừng kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giê-bê-đê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Đâu chỉ riêng gì hai vị Gia-cô-bê và Gio-an, mà cả nhóm các tông đồ cũng tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này (x. Mt 20,24). Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ, các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Trời.

Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hy sinh. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra điều kiện để vào Nước Trời trước đã: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chén Thầy sắp uống chính là con đường thập giá và hi sinh để cứu độ. Kế đến Người mới đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị. Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này. Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hy sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

********

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con biết đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu và hăng say phục vụ vô vị lợi, để trong mọi sự Chúa được vinh danh. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

HÃY KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN THEO Ý CHÚA


Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.  (Lc 11, 9)

Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công Giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Hôm nay, môn đệ đến xin với Thầy Giêsu dạy cách cầu nguyện, và Người đã dạy các môn đệ một mẫu cầu nguyện tuyệt hảo mà chung ta gọi là Kinh Lạy Cha. So với bản văn Matthêu (6,9-13), bản tường thuật Kinh Lạy Cha của Luca ngắn hơn và ít hơn hai điều. Nhưng cả hai đều nhắm tới những điều căn bản nhất về tâm tình cầu nguyện là thao thức cho danh Cha hiển trị và sống tình hiệp thông tha thứ. Tuy nhiên, chúng ta lắm khi hiểu sai cốt lõi của lời cầu nguyện và thất vọng vì không thấy Chúa nhận lời, vì chúng ta thường xin với nhu cầu thể xác, mục tiêu vật chất, của cải phù vân, thậm chí còn xin cả những cái gây lầm lạc cho mình nữa.

Chúa Giê-su cũng kể dụ ngôn “người bạn quấy rầy giữa đêm khuya” để nhắm đến thái độ của người cầu nguyện và tình thương của Đấng ban ơn: thái độ cầu nguyện cần nhất sự kiên trì trong niềm tin và hy vọng; và tình thương của Đấng ban ơn là một Thiên Chúa như người Cha tốt lành. Bài học trong dụ ngôn này không phải dạy chúng ta cứ mãi mãi nài xin ép buộc được Chúa cực chẳng đã mà đành ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, nhưng nhắm tới một sự kiên trì cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện phải cần đến niềm tin và hy vọng, mà niềm tin cần đến sự thử thách và niềm hy vọng cần đến sự vững vàng kiên nhẫn. Xin hãy đọc kỹ lời của Chúa Giêsu: “Huống hồ Cha các ngươi tự trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người”,  và khi con người nhận lấy Thánh Thần thì nhận được những sự phong phú rất cao quý chứ không phải chỉ những của cải vật chất. Vì vậy, càng cầu xin kiên trì và tín thác bao nhiêu, thì càng chất chứa đầy Thánh Thần nơi tâm hồn bấy nhiêu. Như vậy, đức tin cho chúng ta một bảo đảm: Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, nên Người chỉ ban những điều tốt lành thật sự mang lại hạnh phúc đích thực cho chúng ta. Lắm khi chúng ta xin những điều không tốt lành thực sự, những hạnh phúc không vững bền, và lúc đó, Thiên Chúa có quyền đáp ứng điều chúng ta xin theo cách Người muốn và theo cách tốt nhất cho chúng ta.

 *******

Lạy Chúa, chúng con thường đến cầu nguyện với Chúa theo ý mình, chứ ít khi mong cho ý Chúa được thể hiện, nghĩa là chúng con thường đến cầu xin với những gì có lợi ngay trước mắt, nhưng Chúa thấu suốt cả cuộc đời và biết điều gì lợi ích cho ơn cứu độ của chúng con. Xin cho chúng con một khi biết năng cầu nguyện thì cũng biết thuận theo ý Chúa, để chúng con luôn được an bình nội tâm và không bao giờ thất vọng. Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

HÃY YÊU THƯƠNG VÀ KIÊN NHẪN NHƯ CHÚA


Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi. (Mt 13,30)

Chỉ có duy nhất thánh sử Mátthêu kể lại dụ ngôn “Giống tốt và cỏ lùng” mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Một dụ ngôn chỉ ra nguyên nhân của sự thiện ác từ đâu và chứng minh một thực tế là thiện và ác cùng tồn tại song hành với nhau. Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma quỷ, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, người ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử.  Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta được mời gọi yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội. Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Hội Thánh đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội Thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội Thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giêsu quang lâm. Và Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

********

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biện phân được sự thiện ác cùng tồn tại ngay trong chính thân phận làm người của chúng con và ngay trong Hội Thánh Chúa, để chúng con cùng cộng tác với Chúa mà kiên nhẫn và giúp những tội nhân hoán cải trở về với Ngài. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

LỄ THÁNH NỮ MA-ĐA-LÊ-NA (MÁC-ĐA-LA)


Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa’ và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20,18)

Sự hiện diện của các phụ nữ đi theo Đức Giê-su không được nhắc tới nhiều trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng của Người ; chỉ có mỗi một lần, các bà được nhắc đến một cách long trọng trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa” (Lc 8, 1-3). Trong số các bà, Bà Maria Mác-đa-la là nổi bật nhất. Bà được cả bốn Tin Mừng nêu đích danh trong các trình thuật phục sinh (Mt 28, 1 ; Mc 16, 1 ; Lc 24, 10). 

Vậy, chúng ta hãy nhìn ngắm bà Maria, khi bà cùng với Đức Maria, có mặt dưới chân thập giá (Ga 19, 25). Vậy bà là ai ? Bà là người phụ nữ được Đức Giêsu trừ khỏi bảy quỉ (Lc 8, 1-3). Điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao bà gắn bó với Đức Giêsu đến như vậy ; bà gắn bó với Thầy của mình trong những lúc thử thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất ; bà gắn bó với Thầy khi Thầy chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan. Đặc biệt, bà là cầu nối giữa Đức Ki-tô chết và phục sinh với các môn đệ. Thật vậy, bà đi ra mộ; rồi bà chạy về báo cho Phêrô và Gioan (Ga 20, 2); bà lại chạy ra cùng với hai ông (Ga 20, 11); hai ông trở về nhà; còn các ông khác thì một số sợ hãi ẩn mình, một số khác chán nản bỏ cuộc; chỉ có một mình Bà Maria Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Và sau khi được Đức Ki-tô cho nhận biết, bà được trao sứ mạng trở về loan báo Tin Mừng, không phải cho muôn dân ngay tức thì, nhưng trước hết cho chính các anh em của Ngài, nghĩa là cho các tông đồ và các môn đệ, nghĩa là cho các đấng các bậc! Vì thế, Truyền Thống Giáo Hội tặng cho thánh nữ danh hiệu Tông Đồ của các Tông Đồ. Sứ mạng này vẫn còn được Đức Kitô phục sinh trao cho các phụ nữ hôm nay, trong đó một cách rất đặc biệt cho các nữ tu!

********
Lạy Chúa, hành trình đi theo Chúa của bà Maria Mác-đa-la là một hành trình thật đẹp và đáng ước ao. Có lẽ không ít người trong chúng con chưa thực sự gặp được Đấng Phục Sinh nên tâm hồn chúng con chưa được đổi mới, bởi vì chúng con chưa đủ khao khát và lòng mến của chúng con dành cho Chúa chưa thật mặn nồng. Xin Chúa ban cho chúng con một con tim hết lòng khao khát và yêu mến Chúa hơn. Amen.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

HÃY NGHE, HIỂU VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA


Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. (Mt 13, 16)

Dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo nhưng có thể xảy ra trong thực tế. Vì vậy, trong sư phạm, người ta thường dùng dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật. Chúa Giêsu cũng nhiều lần dùng hình thức sư phạm này để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hôm nay, sau khi đã đưa ra dụ ngôn về “người đi gieo giống”, Chúa Giêsu cũng trả lời cho các môn đệ biết tại sao Người dùng dụ ngôn mà giảng dạy. Trong bối cảnh của dụ ngôn “người đi gieo giống” mà Chúa Giêsu vừa kể, thì trích đoạn Tin Mừng hôm nay là lời giải thích về hai thái độ sống Lời Chúa hay từ khước Lời Chúa: Nghe và hiểu hay nghe mà không hiểu.

Thật vậy, mối phúc “lắng nghe và thực hành Lời Chúa” thật cao cả và quan trọng, thậm chí Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Người (x. Mt 12,49-50). Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì mới có thể sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời. Chúa Giêsu còn khẳng định: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13,12). Nghĩa là hạt giống Lời Chúa được chăm sóc thì sẽ sinh hoa trái gấp bội, nhưng bị bỏ xó thì hạt giống đó sẽ bị hư đi. Mỗi người đều được Thiên Chúa ban ân sủng, đều có con tim, đều có lương tri hướng thiện, thế nhưng nếu ai đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, hướng lương tâm vào những gì trái nghịch với Thiên Chúa, thì những ân sủng Người ban cho và ngay cái mình đang có là lương tâm thánh thiện thưở ban đầu cũng sẽ bị lấy đi. Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành và yêu mến, nên đã có thì lại được đầy dư; còn kẻ không có nghĩa là không tin như Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị lấy đi, và mọi việc họ làm trở nên vô ích. 

Cũng thế, không ít người Công Giáo chúng ta ngày hôm nay, đôi khi xem việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật là một gánh nặng vì sợ tội, để rồi đến nhà thờ lúc đọc Lời Chúa và nghe giảng thì ngủ gật, hoặc đi trễ chờ hết phần Phụng Vụ Lời Chúa rồi mới vào. Lại nữa, nhiều bạn trẻ lại dành nhiều thời giờ cho việc tìm kiếm để xem, để đọc và để nghe những ấn phẩm không tốt cho tâm hồn hơn là tìm xem, đọc và nghe Lời Chúa, dù Lời Chúa ngày hôm nay có đầy đủ trên mọi phương tiện truyền thông và các ấn phẩm. Với thái độ như thế, xin hãy nghe Lời Chúa Giêsu hôm nay đang nói với chính chúng ta: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành (Mt 13,14-15).

 *******

Lạy Chúa, xin cho chúng con được vào số những người mà Ngài cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và đơm bông kết trái là các công phúc việc lành, hầu đem nhiều linh hồn trở về với Chúa. Amen.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

HÃY BIẾT ĐÓN NHẬN VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. (Mt 13, 8)


Ai có tai nghe thì nghe. (Mt 13,9)










Dụ ngôn về “người gieo giống” nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Người. Đúng thế, hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Giêsu Kitô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.Và hơn thế nữa, Thiên Chúa đã luôn luôn gieo vãi lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta. Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Người không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân Sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.

Như vậy:

- Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn “người gieo giống” hãy gieo một cách hào phóng, không so đo tính toán và không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện có thể, để chuyên chở Tin Mừng, đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống và tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.

- Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng như thánh Phaolô "lúc thuận tiện hay không thuận tiện". Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai, thất bại, nhọc nhằn. Hãy đi gieo yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu mà cả những mảnh đất sỏi đá gai góc, vì có tình yêu thương mãnh liệt mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi và biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi khi tiếp nối ơn gọi ngôn sứ từ chính Chúa, thì cũng biết noi gương Chúa mà rao giảng Tin Mừng một cách nhưng không và quảng đại, đồng thời tín thác và hy vọng vào Chúa mới là Đấng cải hóa các thửa đất và làm cho hạt giống Tin Mừng lớn lên và sinh hoa trái, để Tin Mừng được truyền rao đến bất cứ nơi đâu trên toàn cõi địa cầu. Amen.

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

NGƯỜI NHÀ CỦA CHÚA


Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. (Mt 12,50)

Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em của Người, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.

Tuy nhiên, muốn làm mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình, và muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bẳng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông, phải năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Và khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời. Hơn thế nữa, chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là, khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ. Chúng ta cũng vậy, sau khi nhận ra Chúa - cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.

Thế giới ngày hôm nay sống như vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí xem như Thiên Chúa không còn hiện hữu, thì bổn phận của Hội Thánh, của các Kitô hữu và cách riêng các nhà truyền giáo phải làm cho Thiên Chúa được sinh ra cho mọi người, nghĩa là làm cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa và ý thức sự hiện diện của Người, hầu các chuẩn mực đạo đức được tôn trọng và biết hướng tới những giá trị tinh thần và thiêng liêng để được cứu độ.

********

Lạy Chúa, Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là anh em và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen.

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

HÃY MAU ĂN NĂN THỐNG HỐI


Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. (Mt 12, 38b)

Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc biệt phái Pharisiêu đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ, nhưng Chúa Giêsu đã từ chối và lên án sự cứng lòng của họ. Người đã nại đến hai chứng cớ Cựu Ước để lên án sự thờ ơ với Lời Chúa và sự cứng lòng của dân Do-thái không chịu sám hối ăn năn:
1. Sự thờ ơ trước Lời rao giảng
Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh nữ hoàng phương Nam khi nghe tin về sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho vua Salômon để ngài xử kiện và cai trị dân Do Thái, nữ hoàng đã tìm đến để được lắng nghe lời Salômon nói, và bà ca tụng Thiên Chúa đã ban sự khôn ngoan cho vua. Ấy thế mà hôm nay chính Đấng là nguồn mạch sự khôn ngoan đã ban ơn ấy cho Salômon xưa, nay Người đang hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt họ, rao giảng cho họ Lời Thiên Chúa mà họ vẫn bàng quang phớt lờ.
2. Không ăn năn hối cải
Ngày xưa, ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê, loan báo thành này sắp bị phá huỷ. Dân Ninivê từ vua tới dân (thậm chí cả súc vật) đã ăn chay, mạc vải thô, xức tro lên đầu và thống hối ăn năn, cuối cùng được Chúa thứ tha. Ấy thế mà, hôm nay Đấng là Thiên Chúa (cao trọng khôn vời so với Giona) đang kêu gọi : “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã gần”. Người Do-thái đã không đón nhận và không chịu sám hối, cải thiện đời sống mà trở về với Thiên Chúa.

Đó cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm bao nhiều sai trái trong “bóng tối”. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống trong tội, hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, tìm về với Thiên Chúa qua bí tích Giao Hoà và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được đổi mới và nên thánh thiện.

 ********

Lạy Chúa, mỗi ngày chúng con vẫn được nghe Lời Chúa qua mọi phương tiện từ các trang tin công giáo đến cuốn Thánh Kinh trong gia đình, đặc biệt được nghe Lời Chúa và được nghe lời rao giảng trong các Thánh Lễ, nhưng có lẽ chúng con chưa thực sự để cho Lời Chúa thấm nhập và biến đổi chúng con. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi phương thế có được để tiếp xúc với Lời Chúa hằng ngày, hầu được Lời Chúa biến đổi nên xứng đáng là một Kitô hữu thánh thiện. Amen.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

LẮNG NGHE - PHỤC VỤ


Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi. (Lc 10, 42)

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc Chúa Giêsu vào nhà Mác-ta và hai chị em lo lắng phục vụ Người theo từng cách riêng của mình. Người ngồi nghe Chúa nói, người bận bịu chuyện cơm nước hầu Người. Mácta chọn cách lo việc phục vụ, Maria chọn cách ngồi bên chân Chúa nghe Chúa nói. Cả hai việc đều tốt, nhưng khác nhau ở chỗ là Mácta đã quá lo lắng bận rộn với công việc, và Chúa Giêsu đã nhắc Mácta là quá lo lắng bối rối về nhiều chuyện, mà quên đi sự cần thiết là ở bên Chúa để lắng nghe Lời Chúa. Thật ra, câu chuyện Martha và Maria nói lên hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, hai linh đạo chính của đời tu (hoạt động và chiêm niệm). Ngày hôm nay, không thiếu người trong chúng ta xem trọng việc Chúa hơn là lắng nghe Chúa, bon chen lo lắng việc đời và bỏ quên đời sống cầu nguyện và nghe Lời Chúa. Nhiều vị lo lắng công trình xây cất cho giáo xứ mà bỏ bê cả đời sống kinh nguyện. Giáo Hội cũng đã khôn ngoan đưa vào luật dạy các Giáo Sĩ phải đọc những giờ kinh buộc, để không ai lấy lý do truyền giáo hay lo việc chung mà miễn cho mình những giây phút ngồi bên Chúa. Bởi vì, chính việc đọc và suy niệm Lời Chúa mới có sức nâng đỡ công việc truyền giáo và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng.

Thật ra, không nên dùng đoạn Tin Mừng này để so sánh về bậc thang giá trị của việc phục vụ và cầu nguyện, hay để cho rằng ơn gọi chiêm niệm hơn ơn gọi hoạt động. Bởi nếu ai cũng như Maria lo ngồi nghe Chúa nói thì lấy ai lo bữa ăn cho Chúa Giêsu và các môn đệ, hay nếu ai cũng như Mácta lo chuyện bếp núc thì lấy ai tiếp chuyện với Người. Nhưng cần phải hiểu cách nói của Chúa Giêsu là “tốt nhất” chứ không phải “tốt hơn”, nghĩa là không phải cái này tốt hơn cái kia, mà là mọi người có cách phục vụ Chúa bằng bổn phận riêng của mình được coi là tốt nhất trong ơn gọi mình và đấng bậc mình. Điều đáng trách chính là muốn ôm đồm mọi việc cho mình, lấn vào cả công việc của người khác rồi ganh tỵ với người khác. Tóm lại, trong việc giữ đạo và sống đạo, chúng ta phải biết làm sao để trung hòa được việc lo toan cho cuộc sống và việc lắng nghe Lời Chúa. Nếu không, lời Chúa được gieo nơi tâm hồn chúng ta sẽ như hạt giống rơi vào bụi gai sẽ bị bóp nghẹt, nghĩa là Lời Chúa sẽ bị chết yểu bởi những lo toan lo lắng sự đời.

**********

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức nơi cuộc sống dương gian này, chúng con có hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, và cũng là hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, đó là vừa sống kết hiệp với Chúa vừa dấn thân phục vụ anh chị em. Amen.

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

HÃY SỐNG NHƯ CHÚA


“Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,19-21).

Không cãi vã, không lớn tiếng: Đó là tính cách nhân bản thể hiện nơi Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu không hiếu động và hiếu thắng như hình ảnh về Đấng Cứu Thế mà người Do-thái quan niệm, nhưng Chúa Giêsu như một Người Tôi Trung của Thiên Chúa đầy khiêm tốn và hiền hậu. Đức tính nhân bản này được nuôi dưỡng và phong phú bởi lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa luôn quan tâm, nâng đỡ, bênh vực những người bất hạnh và những người không có địa vị trong xã hội.

Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi: Có lẽ đây là nét đẹp nhất nơi Người Tôi Trung mà Isaia tiên báo. Đấng Kitô không phân biệt và loại trừ ai và sẵn sàng dang tay đón nhận hết mọi người, dẫu chỉ còn một tia hy vọng le lói Người cũng cố gắng phục hồi họ; Người vẫn nhẫn nại đợi chờ tội nhân trở về để cứu độ họ. Người “không bẻ gãy cây lau đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói“, nhưng tìm cách nâng đỡ và cứu chữa, vì sứ mệnh của Người là “đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất“, bởi Người là niềm hy vọng cho dân ngoại và toàn nhân loại.

********

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con học với Ngài đức tính nhân bản là khiêm tốn và nhẫn nại, yêu thương hết mọi người không loại trừ ai, để cùng với Ngài, chúng con cũng xứng đáng được Thiên Chúa Cha hài lòng và nhận làm “con yêu dấu” của Người. Amen.

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

HÃY GIỮ LUẬT CHÚA VÌ LÒNG YÊU MẾN


Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát. (Mt 12, 8)

Khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt, để rồi, các tiến sĩ - kinh sư - biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ. Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Luật đối với họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người.

 Hôm nay, trước cảnh các môn đệ Chúa Giêsu đói bụng, bứt mấy bông lúa ăn ngày sa-bát, người Pharisiêu bắt bẻ Chúa Giêsu về luật sa-bát, bởi vì:

- Người Pharisiêu chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.

- Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.

- Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.

Còn chúng ta là người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:

- Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?

- Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

- Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?

*******

Lạy Chúa, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen.

ÁCH CỦA CHÚA ÊM ÁI, VÀ GÁNH CỦA CHÚA NHẸ NHÀNG


Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng. (Mt 11,30)

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”:  Đó là một lời kêu gọi, một lời nhắn nhủ, một lời khích lệ đầy an ủi và phấn khởi Chúa Giêsu nói với tất cả và từng người chúng ta. Thật vậy, ở đời này có nhiều gánh nặng: gánh nặng bản thân, gánh nặng gia đình, gánh nặng xã hội, gánh nặng của bệnh tật, thất bại, mất mát, hiểu lầm của tình người và tình đời. Đã gọi là gánh nặng thì phải vất vả gánh vác: vất vả với cuộc mưu sinh, vất vả đêm ngày, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt đổi lấy miếng ăn, thế mà có khi vẫn không đủ sống; vất vả sớm tối với bầy con, vất vả khi chúng còn nhỏ bé, vất vả khi chúng đã khôn lớn, nhất là khi chúng hư hỏng, quậy phá. Ngoài ra, “gánh nặng” còn được hiểu là những đau khổ của đời người. Đời người sống giỏi lắm là trăm năm, nhưng thử hỏi có ai là không đau khổ chăng? Ai cũng có những đau khổ riêng mình: người trước người sau, người ít người nhiều, người tinh thần người thể xác, người đi tu hay sống đời gia đình… không ai dám nói đời mình không có đau khổ. Cuộc đời trần gian là thế.

Như vậy, chúng ta dễ dàng chấp nhận: vất vả và gánh nặng đời này thì nhiều thứ, nhiều cỡ, nhiều kiểu, và chúng ta cũng nhìn nhận rằng: trước những gánh nặng đó, nhiều khi tự sức chúng ta, chúng ta không làm gì được, chúng ta buông xuôi, chán nản ư? Thậm chí có những người khi gặp khó khăn, khủng hoảng thì bỏ cả việc đạo đức và chán cả cầu nguyện. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng khẳng định rằng “ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”, vì ách đó, gánh đó chính là lòng yêu thương. Lòng yêu thương này Ngài mời gọi chúng ta cùng chia sẻ với Ngài. Do đó,  những lúc vất vả, khó khăn, đau khổ càng nhiều và càng nặng, chúng ta càng phải đến với Chúa mau hơn và nhiều hơn. Hãy đến với Chúa để cảm nhận được sự nâng đỡ và bổ sức của Chúa.

*****
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời; kết hợp với Ngài để được bổ sức và cùng Ngài vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất. Amen.