Translate

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

BÌNH AN CỦA CHÚA


“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng của các môn đệ về tương lai bất định, nhất là việc Thầy sắp ra đi, nên Người đã trấn an các ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Vâng, đó là thứ bình an theo Tin Mừng mà Chúa Giê-su nói đến hôm nay. Là bình an đích thực, nghĩa là đặt niềm tin vào Chúa quan phòng, không lo sợ bất cứ điều gì từ bên ngoài tác động vì luôn có Chúa trong mình. Cũng như Chúa Giêsu luôn bình an, dù đứng trước mọi khó khăn chống đối, trước cuồng phong bão táp hay trước sự bách hại của vua chúa quan quyền; thì đây Chúa Giêsu cũng ban cho những ai bước theo Người được sự bình an đích thực trong tâm hồn, khi luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

Tóm lại, khác bình an theo kiểu nhân loại tìm kiếm chóng qua nay còn mai mất, cũng không phải là một sự bất cần đời mặc kệ, cũng không phải dửng dưng vô cảm với mọi điều xảy ra xung quanh chúng ta, và cũng không phải là một sự an nhiên tự tại tới mức tiêu cực để không còn hiện diện… Nhưng bình an mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta là luôn tin tưởng mọi sự không ngoài ý Chúa và phó thác vào sự quan phòng của Chúa dẫn dắt cuộc đời chúng ta.


******

Lạy Chúa Giêsu, như trong thánh lễ mỗi ngày, chúng con nhắc lại lời Ngài phán với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin đoái thương ban cho gia đình chúng con, giáo xứ chúng con, hội thánh của Chúa, và quê hương đất nước chúng con được bình an. Amen.

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

BỊ GHÉT VÌ THEO CHÚA


Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. (Ga 15, 18)

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra một lời tiên báo: “Nếu thế gian ghét anh em, thì anh em hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước”. Điều này cho thấy, môn đệ cùng chung một số mệnh như Thầy Giêsu, khi môn đệ sống và thực hiện những gì Thầy Giêsu đã làm. Chính Chúa Giêsu đã đến thế gian, Người đã bị thế gian lên án và giết chết. Do đó, tất cả những ai là môn đệ của Người cũng phải chịu đồng số phận một sự bách hại và đối xử bất công. Điều này dễ hiểu, vì Chúa Giêsu là ánh sáng đã làm lộ ra những sự mờ ám của con người, là Sự Thật đã phơi bày ra sự giả dối của con người, là lối đi Tin Mừng vạch trần những hướng đi lầm lạc của con người… Chính vì thế mà con người tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Cũng thế, Kitô hữu thuộc về Chúa Giêsu, sống giáo huấn Chúa Giêsu dạy, là bước đi trong ánh sáng, tình yêu và sự thật. 

Thế gian chống lại Thầy Giêsu thì cũng chống lại những ai bước theo Người, vì thế gian thích ở trong bóng tối để mờ ám và giả dối. Ðiều này không chỉ xảy ra trong Giáo Hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị bách hại.  Như thế, bị thế gian thù ghét không phải là điều bất thường đối với kitô hữu; cái bất thường của kitô hữu chính là cuộc sống dễ dãi, thỏa hiệp, buông theo dòng thác của thế tục. Nhưng trong mọi sự, chính việc chịu thù ghét bất công lại làm cho tín hữu nên giống Thầy Giêsu hơn vì được đồng số phận với Người.

 ******


Lạy Chúa, khi chọn bước theo Chúa, sống đức tin của người Công Giáo, xin cho chúng con dám lội ngược dòng, là không dễ dãi thỏa hiệp với lối sống ngược với giới răn Chúa, dù phải chịu nhiều bách hại và đối xử bất công, để chúng con được nên giống Chúa. Amen.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA YÊU


Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau. (Ga 15, 17)

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ một giới răn mới, là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nói là giới răn mới không phải vì Mười Giới Răn trong lề luật cũ chưa nói tới, nhưng mới ở đây là “Yêu Như Chúa Yêu”, là tình yêu lớn nhất khi sẵn sàng hi sinh tính mạng vì người mình yêu. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người?

Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thực là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán thiệt hơn, mà là YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu.

 *******

Lạy Chúa, Chúa đã yêu và yêu đến cùng khi trao ban đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, xin cho chúng con cũng biết yêu thương, hy sinh và trao ban cho nhau một cách không so đo tính toán, để chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa, là BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG CON. Amen

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA


Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy (Ga 15, 9)

Bài Tin Mừng hôm nay nói lên tương quan tình yêu, trào tràn từ tình yêu Ba Ngôi đến cho con người, qua lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy (Ga 15, 9). Ở lại trong tình yêu là luôn hướng về nhau: nghĩa là dù phải “xa mặt nhưng không cách lòng”, không gian địa lý hay thời gian cách biệt cũng không thể tách rời hai con tim đang hướng về nhau. Và hơn thế nữa, ở lại trong tình yêu là giữ lời nhau: khi yêu nhau thật lòng, người ta không quản ngại thực hiện những gì đòi hỏi phải có dành cho nhau; cam kết những ràng buộc với nhau; ao ước và muốn làm những gì người yêu thích và làm hết sức để vui lòng người yêu. Thật vậy, Kitô hữu không thể nói yêu Chúa mà không giữ giới răn của Chúa, Kitô hữu yêu Chúa là làm theo ý Chúa và giữ điều răn Chúa. Bởi vì như Chúa Giêsu đã nói rõ điều kiện: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10).

Tóm lại, yêu nhau là ở lại trong tình yêu dành cho nhau, chứ không phải dành cho ai khác – yêu Chúa là dành tình yêu cho duy mình Chúa chứ không dành cho thụ tạo hay dành cho cái ghế hoặc thần tài danh lợi thú… Yêu nhau là luôn hướng về nhau chứ không phải hướng về những thứ khác – yêu Chúa là lòng trí luôn kết hiệp với Chúa mọi nơi mọi lúc chứ không phải thả mình cho những đam mê lo ra chia trí…và sau hết, yêu nhau là luôn lo lắng và thực hiện nguyện vọng của nhau hơn là lo thực hiện ý mình – Yêu Chúa là lo thực hành ý Chúa qua giới răn Người ban chứ không phải lo làm theo ý mình.

 *******


Lạy Chúa, xin cho chúng con biết giữ điều răn Chúa dạy là “phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu”, để chúng con được ở lại trong Chúa, như Chúa ở lại trong tình yêu Chúa Cha. Amen.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

HÃY SINH HOA TRÁI CHO CHÚA


Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. (Ga 15, 8)

Vườn nho hay cây nho là hình ảnh rất quen thuộc của người Do-thái. Cây nho cho họ thứ rượu uống hằng ngày và trở thành thức uống không thể thiếu trong các buổi tiệc. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tương quan của Người với các môn đệ. Như cành lìa cây sẽ bị héo khô và chết vì mất nguồn sống, thì những ai tách lìa khỏi sự sống duy nhất là Đức Kitô sẽ hư mất đời đời. Tuy nhiên, chức năng của cành nho không phải là trơ trụi hoặc ra lá, mà là phải sinh hoa trái, sinh hoa trái tốt chứ không phải hoa trái xấu, nếu không thì phải bị cắt bỏ để khỏi làm tổn hại đến cây và các cành khác.

Có thứ cành nho vẫn hút nhựa sống từ cây, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo. Có loại cành nho lại sinh hoa trái xấu, có thể vì không hút được đủ dinh dưỡng từ cây, cũng có thể do bị sâu bọ cắn phá. Đó là những ai hời hợt với ơn Chúa, hoặc để cho những thứ tác động bên ngoài xâm nhập đục khoét tâm hồn, nên đời sống họ không thể sinh hoa trái công phúc việc lành cho Giáo Hội. Tóm lại, chức năng của cành nho là hút nhựa sống từ cây nho để sống và sinh hoa thơm trái tốt, thì chức năng của Kitô hữu là kết hợp với Đức Kitô để kín múc sự sống tự nơi Người, hầu sinh hoa kết trái dồi dào cho Giáo Hội. Thật vậy, việc yêu mến Thiên Chúa tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.

*******


Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết kết hiệp mật thiết với Chúa, để được thông truyền sự sống thần linh, hầu chúng con được sống, được hiện hữu và sinh hoa trái cho Chúa là các linh hồn. Amen.

BÌNH AN ĐÍCH THỰC


Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. (Ga 14, 27a)

Bình an, đó là khao khát của con người mọi nơi và mọi thời. Người có được sự bình an thì đáng quý hơn tất cả. Bình an vượt lên trên tất cả sự giàu sang, danh vọng, quyền lực… Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng của các môn đệ về tương lai bất định, nhất là việc Thầy sắp ra đi, nên Người đã trấn an các ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Thứ bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là bình an đích thực, nghĩa là đặt niềm tin vào Chúa quan phòng, không lo sợ bất cứ điều gì từ bên ngoài tác động vì luôn có Chúa trong mình. Cũng như Chúa Giêsu luôn bình an, dù đứng trước mọi khó khăn chống đối, trước cuồng phong bão táp hay trước sự bách hại của vua chúa quan quyền; thì đây Chúa Giêsu cũng ban cho những ai buớc theo Người được sự bình an đích thực trong tâm hồn, khi luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ nơi hang đá Bêlem, các thiên thần cũng đã ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho người Chúa thương”. Như thế, Chúa Giêsu chính là sự BÌNH AN đích thực của Thiên Chúa, và sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống từ trời chính là ban bình an cho nhân loại. Tóm lại, sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống trần gian qua lời thiên sứ hát mừng là “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”, thì nay khi sắp lìa bỏ những người Chúa thương mà trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng để lại ơn bình an ấy. Ơn bình an mà từ đây, những người theo Chúa thì không còn sợ hãi tội lỗi, ma quỷ và sự chết nữa. Thật vậy, khi có Chúa, Kitô hữu không chỉ được hưởng bình an ngay từ bây giờ, mà còn hy vọng được về “quê BÌNH AN” vĩnh cửu trên trời.

 *******

Lạy Chúa Giêsu, như trong thánh lễ mỗi ngày, chúng con nhắc lại lời Ngài phán với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin đoái thương ban cho gia đình chúng con, giáo xứ chúng con, hội thánh của Chúa, và quê hương đất nước chúng con được bình an. Amen.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

HÃY HĂNG SAY RAO GIẢNG LỜI CHÚA


Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.  (Mc 16, 15)

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của Tin Mừng Thánh Mác-cô, vị thánh sử mà chúng ta mừng kính hôm nay. Đoạn Tin Mừng mô tả lệnh truyền của Đấng Phục Sinh dành cho hết những ai theo Người: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.

• Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo.

• Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”.

• Khắp tứ phương thiên hạ: Nghĩa là, việc rao giảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong hoàn cảnh nào.

• Rao giảng Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, làm công việc của mình hoặc ngầm ý vinh danh mình.

• Cho mọi loài thọ tạo: Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.

Tiếp theo lệnh truyền là lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án”.

• Điều kiện bắt buộc để được cứu độ là tin và chịu phép rửa. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”).

• Cần phân biệt giữa việc được rao giảng mà không tin và chịu phép rửa, khác hẳn với việc không được nghe rao giảng. Ơn cứu độ trước việc người ta cứng lòng không tin khác với việc người ta lầm lạc không được nghe biết Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo luôn là một trách nhiệm khẩn thiết của mỗi chúng ta.


*******

Lạy Chúa! Từ ngày chịu phép rửa tội, chúng con mang trên mình vai trò ngôn sứ, là luôn phải biết đem Tin Mừng đến cho người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin Chúa cho chúng con luôn biết hăng say rao giảng Lời Chúa với cả sự khao khát, lời nói và hành động, hầu quê hương đất nước chúng con ngày một thêm nhiều người nhận biết và tôn thờ Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA YÊU


Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau (Ga 13, 34b)

Theo Tin Mừng Gio-an, công trình cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô được nhìn như là một cuộc sáng tạo mới (Tân Sáng Tạo), mà trong cuộc Tân Sáng Tạo ấy, Chúa Giê-su như là A-đam mới, sinh ra một Dân Mới là Giáo Hội. Trong Dân Mới này bao gồm những “con người mới” được sinh ra trong Nước và Thánh Thần, sống trong một thời đại mới và giữ “điều răn mới”. Điều răn mới đó là “yêu thương trong một mức độ mới”. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói với chúng ta về “Điều Răn Mới”, là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Điều này không có nghĩa là trước đó chưa có giới luật yêu thương, nhưng là mức độ yêu thương của “điều răn mới” cao cả và quyết liệt hơn gấp bội: Không phải như luật cũ là “yêu bạn ghét thù” mà là yêu thương mọi người không loại trừ ai; không chỉ yêu những người đáng yêu nữa mà là yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ; không chỉ yêu tha nhân bằng mình nữa mà là yêu hơn cả chính mình – “yêu như thầy Giê-su đã yêu” – yêu đến hy sinh tính mạng vì người mình yêu. Như vậy, yêu như Thầy đã yêu, nghĩa là không so đo tính toán mà là tình yêu nhưng không và hy sinh cho nhau. Chúa Giêsu yêu chúng ta và hy sinh chính mình cho chúng ta, thì đến lượt chúng ta cũng biết hy sinh cho nhau.

TÓM LẠI:

Tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thực là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán thiệt hơn, mà là YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu. Và vì thế, “yêu thương như Thầy” trở thành bản chất của người người môn đệ và là “đồng phục” của mọi thành phần trong Giáo Hội Công Giáo chúng ta. Thật vậy, thế giới không nhận ra chúng ta là con cái Chúa vì bất cứ điều gì khác, dù to lớn và ảnh hưởng thế nào, nhưng họ chỉ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa vì chúng ta ‘yêu thương nhau”. Phải: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

****
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu và yêu đến cùng khi trao ban đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, xin cho chúng con cũng biết yêu thương, hy sinh và trao ban cho nhau một cách không so đo tính toán, để chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa, là BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG CON. Amen

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

TIN VÀO ĐỨC KITÔ


Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. (Ga 14, 9)

Thấy Thiên Chúa Cha ư? Con mắt phàm tục không thể nhìn thấy Thiên Chúa. Đó là điều được nói đến trong Cựu Ước, rằng không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống: Môsê phải che mặt khi đối diện, Êlia chỉ được nhìn thấy phía sau, các tổ phụ, thẩm phán và ngôn sứ chỉ được thấy Chúa qua các thiên sứ hoặc các biến cố như mây, lửa… Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng phải nhờ Chúa Con mặc khải cho”. Như thế, chỉ có Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa Cha. Câu trả lời cho Philípphê hôm nay chứng mình điều đó, đồng thời mạc khải chắc chắn về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi vừa hiện hữu tại thân vừa hiện hữu hướng về đến duy nhất, như Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”.

CHÍNH VÌ THẾ, QUA BÀI TIN MỪNG HÔM NAY, XIN HÃY Ý THỨC CHO RẰNG:

- Không phàm nhân nào nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống.
- Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, trừ khi Chúa Con mặc khải cho.
- Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.
- Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Chúa Cha, nên tất cả mọi mặc khải khác đều phải quy về Chúa Giêsu và vâng phục Giáo Hội.
- Chúa Giêsu làm tất cả những gì mọi người cầu xin với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu.

Đó là tất cả những gì được nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Đó là đức tin tông truyền của Giáo Hội, vì thế không có con đường chui nào khác mà không qua Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất. Những linh đạo qua Đức Mẹ và các thánh đều quy hướng về Chúa Kitô. Mọi điều lớn lao mà các Kitô hữu làm được không phải do công chính mình, mà là do niềm tin vào Đức Kitô.

******

Lạy Chúa Giêsu, với niềm khao khát như thánh Philípphê, xin cho chúng con được nhìn thấy Thiên Chúa Cha hiện hữu trong mọi nơi mọi lúc, đặc biệt trong mọi biến cố cuộc đời, để chúng con sống trọn niềm thảo hiếu với Người. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

CON ĐƯỜNG GIÊSU


Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14, 6)

Chúa Giêsu khẳng định Người là con đường duy nhất dẫn đến cùng Chúa Cha. Lời rao giảng của các tông đồ cũng luôn tuyên xưng như thế: “ngoài Chúa Giêsu ra, dưới gầm trời này không ai có thể đem lại ơn cứu độ”. Khi nghe Chúa Giêsu nói “Thầy là đường”, chúng ta cũng nhớ lại một chân lý bất biến là “qua thập giá vào vinh quang”. Đó là con đường duy nhất mà Chúa Giêsu đã đi, để tiêu diệt sự chết và đi vào cõi sống đời đời. Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu, là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt. Vì thế, muốn đạt đến Nước Trời, Kitô hữu cũng phải bước theo con đường đó.

Và khi đứng trước quan tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Tôi đến thế gian là để làm chứng cho Sự Thật, và ai đứng về phía Sự Thật thì nghe tiếng Tôi”. Như thế, Chúa Giêsu là sự thật trọn vẹn đến từ Thiên Chúa, và chỉ có Người mới mặc khải đúng bản tính của Thiên Chúa. Chúa Giêsu từ trời mà đến, từ cung lòng của Chúa Cha nhập thể vào thế gian và chính Người là Thiên Chúa, nên chỉ có Người mới nói đúng về Thiên Chúa như Thiên Chúa có, chứ không phải như những quan niệm về Thiên Chúa cách khiếm diện trong Cựu Ước, hay một Thiên Chúa bằng sản phẩm suy tư của khoa học hay triết thuyết nào. Nói tóm lại, chỉ có Đấng thấy Thiên Chúa, từ Thiên Chúa đến và là Thiên Chúa thì mới nói đúng Sự Thật về Thiên Chúa, và sự thật của Thiên Chúa là yêu thương, mà Chúa Giêsu chính là Sự Thật toàn diện và là hiện thân của yêu thương.

Chúa Giêsu còn là sự sống của Thiên Chúa, là căn nguyên sự sống, là chủ của sự sống, là tự thân và vĩnh hằng. Người có quyền thông truyền cho những ai Người muốn, nên cũng chỉ có Người là sự sống duy nhất và vĩnh cửu của con Người, không có Người, con người không thể hiện hữu và trở về hư vô.

Tóm lại, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay là: Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa, bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời. Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ. Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu. Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa. Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.

******

Lạy Chúa Giêsu, là Con Đường dẫn tới Chúa Cha, là Sự Thật về dung mạo Thiên Chúa và là Sự Sống cho con người được hiện hữu và bất tử, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, Chúa là trung gian duy nhất để chúng con chỉ bước theo một mình Chúa mà đạt đến hạnh phúc, chứ không chạy theo những thứ “thần” giả trá dẫn chúng con đến chỗ diệt vong. Amen.

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

ĐÓN TIẾP CHÚA


Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. (Ga 13, 20)

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Với lời khẳng định này, đặt ra cho chúng ta hai ý tưởng để suy niệm: Đón tiếp người được Chúa sai đến và nhận ra Chúa trong anh chị em.

1.      Người Chúa sai đến với chúng ta cụ thể nhất chính là những người có trách nhiệm rao giảng, thánh hoá và dẫn dắt chúng ta. Các vị đến với chúng ta nhân danh Chúa trong phẩm vị và sứ vụ được Chúa giao phó qua Giáo Hội, chúng ta đã đón tiếp các ngài như thế nào? Ít nhiều, chúng ta cũng giống dân Do-thái xưa, thích đón tiếp những vị được sai đến hợp ý chúng ta hơn là đón tiếp vị được sai đến theo ý Chúa.


2.      Chúa Giêsu cũng đã đồng hoá chính Người hiện thân trong mọi mảnh đời khi Người nói về ngày phán xét chung: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40). Như vậy, khi ý thức được Chúa ở trong mọi người, thì chúng ta không thể nổi giận cau có với “Chúa” được, mà là một sự kính trọng và chu đáo như Mattha và Maria đã đón Chúa vào nhà mình. Thấy Chúa trong anh em thì chúng ta sẽ dễ tôn trọng và yêu thương nhau…


********


Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra Chúa nơi những người Chúa sai đến với chúng con, để chúng con đón nhận thánh ý Chúa qua các ngài. Xin cũng giúp chúng con nhận ra Chúa nơi tất cả những ai chúng con gặp gỡ hằng ngày, để chúng con biết tôn trọng và sẻ chia cho nhau. Amen.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

HÃY SỐNG THEO Ý CHÚA


Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. (Ga 12, 46)

Hôm nay Chúa Giê-su khẳng định Người là Ánh Sáng cho thế gian. Người là Ánh Sáng xuất phát từ Cội Nguồn Ánh Sáng là Chúa Cha, Người phản chiếu hình ảnh của Chúa Cha.  Chúa Giêsu là Ánh Sáng thuần khiết từ Thiên Chúa đi vào tấm lòng đồng trinh thuần khiết của Mẹ Maria. Vì thế mà mẹ đã cưu mang Ngôi Lời mà vẫn đồng trinh, tựa như ánh mặt trời chiếu qua tấm kính trong tinh khiết vào căn phòng rực ánh sáng mà tấm gương không bị ảnh hưởng. Trong khi, ánh sáng ấy chiếu đến sự mục nát xấu xa của giới chức Do Thái đã làm rõ ý đồ đen tối của họ, vì họ như tấm gương bám đầy bụi bẩn trần tục không thể tiếp nhận ánh sáng cho dân chúng, mà còn tìm mọi cách để che khuất và khử trừ Ánh Sáng.

Khác với chúng ta, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Chúa Giêsu có tri thức hưởng kiến và thấu rõ chương trình của Thiên Chúa Cha muốn thực hiện nơi Người, vì thế, mọi lời nói và công việc của Chúa Giê-su làm là theo điều Người đã thấy nơi Chúa Cha. Như Người nói: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý” (Ga 5,19-21). Như vậy, hai công việc mà Chúa Giêsu hằng làm như Chúa Cha làm chính là: Chúa Cha yêu thương thế nào thì Chúa Con yêu thương như vậy, và Chúa Cha cho kẻ chết sống lại thế nào thì Chúa Con cũng phục sinh ai Người muốn. Chính hai điều này mà Chúa Giêsu không ngại vượt qua những quy định thêm vào khắt khe của Biệt Phái về luật Sa-bát, Người dùng luật yêu thương để cứu chữa bệnh tật thân xác và phục sinh tâm hồn cho những ai tin vào Người: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (ga 5,24). Còn những ai không tin vào Chúa Giêsu như những người Biệt Phái kia thì tự loại mình ra, bởi: “Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con” (Ga 5,23). Như vậy, mọi người chúng ta hôm nay muốn làm theo ý Chúa Cha là khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô và sống luật yêu thương vượt trên tất cả mọi sự ràng buộc khác.

*******
Lạy Chúa Giêsu, xin chiếu Ánh Sáng Chúa vào tận nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng con, để thánh hóa mọi bí ẩn tâm can và làm cho tâm hồn chúng con được sáng, hầu chúng con sống trọn vẹn giới luật yêu thương của Chúa. Amen.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

THIÊN CHÚA LÀ CHỦ CHIÊN NHÂN LÀNH


Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. (Ga 10, 27)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc người Do-thái vây quanh Chúa Giêsu để đòi Người xác định về vai trò của Người. Thật ra, không phải là Chúa Giêsu chưa nói cho họ biết, mà là vì họ cứng lòng tin. Chúa Giêsu đã xác định sự cứng lòng tin đó, và Người lại phải nại đến những chứng từ để trả lời cho họ về sứ vụ của Người. Đó là: những công việc Chúa Giêsu làm nhân danh Chúa Cha làm chứng cho Người, và sở dĩ họ không nhận ra là vì họ không thuộc đàn chiên của Người khi không chịu nghe tiếng Người:

Khi Chúa Giêsu nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Nghĩa là không biết lắng nghe tiếng Chúa thì không phải là chiên của Chúa, mà không phải chiên của Chúa thì không thể biết Chúa vì không được Chúa Giêsu mặc khải qua Lời Chúa, qua Lời Rao Giảng và qua Giáo Hội của Người. Biết ở đây không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau. Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt yếu đối với chúng ta, vì điều mà Người ban tặng cho chúng ta là vô giá: đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa và không là Thiên Chúa thì lời hứa đó chẳng có giá trị gì. Chính vì vậy mà phải khám phá ra cho được Đức Giêsu là ai, vì nhờ đó mà chúng ta tìm thấy ơn cứu độ.

Tóm lại, sứ điệp chính của bài Tin Mừng hôm nay chính là lời mời gọi tin vào Chúa Giêsu là chủ chiên nhân lành, ngoan ngoãn nghe theo tiếng Người trong Thánh Kinh và trong Giáo Hội mà dấn bước theo Người. Hãy đến với Chúa Giêsu để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.

********


Thời nào cũng thế, con người vẫn muốn đi tìm một Thiên Chúa theo ý mình, nên họ khó lòng chấp nhận một Đức Giêsu vác khổ giá đồng hành với họ. Lạy Chúa, xin cho chúng con được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Người. Amen. 

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

THIÊN CHÚA LÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN


Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu (Ga 10, 9a)

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử với đoàn chiên để diễn tả mối tương giao của Người với tín hữu. Một điều rất khác trong cách nói đầy ý nghĩa biểu tượng là Chúa Giêsu vừa ví mình như là mục tử, vừa là cửa chuồng chiên, thậm chí vừa là con chiên.

Khi ví mình là cửa ra vào chuồng chiên, Chúa Giêsu không còn cách nào rõ hơn để xác quyết độc quyền của Người trong việc thông ban ơn cứu rỗi. Người khẳng định rằng người ta không thể tranh chấp với Người được, vì Người là cửa cứu rỗi duy nhất mà tất cả phải chấp nhận đi qua, và không ai có đặc ân được miễn, ngay cả những kẻ xem ra được trao phó một chức quyền thiêng liêng trong cộng đoàn tín hữu. Với lời khẳng định: Ta là cửa chuồng chiên, ai qua Ta mà vào thì được cứu rỗi, người ấy sẽ tìm thấy của nuôi thân, Chúa Giêsu muốn nói lên rằng: Nơi Người, chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Nơi Người, chúng ta được cứu rỗi và tìm thấy niềm hạnh phúc Nước Trời.

Thật vậy, Người muốn cho chúng ta hay: mối tương giao và sự hiến thân của Người cho chúng ta cũng giống như mối tương giao và sự hiến thân của mục tử cho đàn chiên của mình. Chúa Giêsu quả là vị mục tử tốt lành luôn chăm sóc đoàn chiên, luôn nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực bổ dưỡng. Chúa Giêsu đã đến cho ta được sống và được sống dồi dào. Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người. Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.

*******


Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mục tử nhân lành đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, xin cho chúng con được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

HÃY LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH


Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. (Ga 10, 27)

Chúa Giêsu là mục tử nhân lành vì tình yêu của Người dành cho đàn chiên. Tình yêu đó trọn vẹn nhất và cao cả nhất khi chết cho đàn chiên được sống. Chúa Giêsu là Đấng Chăn chiên thật cho dù trong cả cuộc đời dương thế, Người không hề chăn chiên theo nghĩa đen. Thế nhưng trong cả cuộc đời, Người không ngừng nuôi nấng chăm sóc bảo vệ những người mà Thiên Chúa Cha giao cho Người. Hôm nay, Chúa bảo “chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”, chính là lời mời gọi chúng ta là con Chúa hãy sống theo giáo huấn của Chúa. Hãy bước đi theo đường lối của Ngài. Bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài để được bảo vệ, chở che. Ngài sẽ bảo vệ chúng ta như mục tử bảo vệ đàn chiên khỏi sự tấn công của sói dữ. Ngài sẽ dẫn chúng ta đến đồng cỏ xanh tươi bên dòng suối mát là ân sủng của Ngài luôn đong đầy trên cuộc đời chúng ta. Bước đi theo Ngài thì sẽ không đói, không khát bao giờ.

Lời mời gọi: “chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi” còn là tiếng mời gọi con người làm điều lành tránh điều dữ. Ngài tha thiết kêu mời con người sống trong tình bác ái yêu thương. Sự bác ái không chỉ dừng lại ở việc yêu người yêu mình mà còn yêu cả kẻ thù. Tình yêu thương không dừng lại việc không làm tổn thương đến ai mà còn biết giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong vui buồn cuộc đời.

Hôm nay là Chúa Nhật Chúa chiên lành, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho ơn thiên triệu linh mục. Cầu cho có ơn thiên triệu là cầu cho Giáo Hội có nhiều người quãng đại bước theo bước Đức Kitô mục tử, cũng là cầu cho nhiều người quãng đại sống theo những lời khuyên của Đức Giêsu trong Phúc âm. Cầu nguyện cho ơn thiên triệu vì thế cầu cho có nhiều người hiến thân đời mình phục vụ cho công việc của Đức Kitô mục tử.

******


Lạy Chúa, xin cho giới trẻ chúng con hôm nay nghe được tiếng Chúa kêu mời giữa biết bao ồn ào của cuộc đời. Xin cho chúng con không chỉ lắng nghe được tiếng nói của sự thật, của chân lý giữa xã hội đầy lừa đảo bon chen mà còn dấn thân bước đi theo tiếng Chúa kêu mời. Cũng xin Chúa cho những bậc làm cha, làm mẹ biết giáo dục và hướng dẫn con cái sống tinh thần tin mừng để cống hiến cho Giáo hội những mầm giống ơn gọi tốt lành. Amen

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

ƠN ĐỨC TIN


Vì thế, Thầy bảo anh em biết: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho. (Ga 6, 65)

Hôm nay, sau diễn từ về Thánh Thể, nhiều người và ngay cả các môn đệ đã phản ứng: “Lời này chướng tai quá ai mà nghe được”. Thế rồi đã có nhiều môn đệ rút lui không theo Chúa nữa. Với sự phản ứng này, chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trước đó trong bài Tin mừng hôm qua: “Không ai đến được với Tôi nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”. Rõ ràng, ơn đức tin là một ơn ban chứ không phải dễ dàng mà có đức tin được. Chính vì vậy, nếu không được Chúa ban ơn đức tin, thì không thể hiểu được, thậm chí còn là cớ vấp phạm, giống như một số môn đệ xưa phản ứng: “Lời này chói tai quá”. Thật vậy, họ đã không hiểu được mầu nhiệm Con Thiên Chúa tự nguyện hạ mình và trút bỏ thần tính vinh quang của mình như thế. Chúng ta cũng vậy, khó lòng chấp nhận được một Thiên Chúa hoạt động giữa chúng ta, và giữa thế giới đầy bất công và tội lỗi đến thế.

Điểm sáng nhất mà bài Tin Mừng hôm nay chuyển tải cho chúng ta, là giữa sự thất vọng bỏ đi của nhiều người, thì vẫn còn đó Nhóm Mười Hai với lời tuyên xưng của tông đồ trưởng Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Có lẽ ở đây chúng ta chưa dám chắc Phêrô và các tông đồ đã hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể là lấy Thịt Chúa cho nhân loại ăn, nhưng ít nhất Phêrô tin vào uy tín của Thầy không thể nói điều sai lạc vì Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Lời tuyên xưng còn khẳng định rõ hơn về đức tin là một ân ban mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Lời tuyên xưng của Phêrô và sự trung thành của các Tông Đồ là điểm sáng về niềm tin và lòng trung tín cho chúng ta, nhất là ngày hôm nay không thiếu những người đã lìa bỏ Giáo Hội. Thật vậy, nếu không có ơn đức tin thì sẽ không thấy sự khác nhau giữa bánh chưa truyền phép và được truyền phép, không thể cảm nhận được sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.

******


Lạy Chúa, mắt phàm chúng con không thể nhận ra Chúa nơi tấm bánh, nhưng đức tin Chúa ban cho chúng con nhận ra bánh miến và rượu nho được dâng trên bàn thờ chính là Thịt và Máu Chúa đã hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin ban cho chúng con một niềm tin kiên vững, để không bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa mà thoái lui xa lìa Chúa. Amen.

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

BÁNH HẰNG SỐNG


Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (Ga 6, 54-55)

Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của diễn từ về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu không nói úp mở hay dùng biểu tượng nữa, mà Người xác minh một cách rõ ràng rằng: Chính Thịt và Máu Người là của ăn và của uống trường sinh. Thật vậy, Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Và lời khẳng định cách tỏ tường và quyết liệt của Chúa Giêsu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” đã nói lên tầm quan trọng của việc rước Thánh Thể Chúa. Thân xác ăn thứ bánh man-na hữu hạn nên sự sống của thân xác chỉ có hạn; còn linh hồn ăn Thịt Chúa Kitô là sự sống vĩnh cửu nên đạt tới sự sống đời đời.

Lại nữa, Chúa Giêsu dùng hình ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Kitô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giêsu thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Kitô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.

******


Lạy Chúa Giêsu, chỉ trong Ngài chúng con mới được sống và được hiện hữu. Xin cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

CHÚA CHÍNH LÀ SỰ SỐNG


Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. (Ga 6, 51)

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đang từng bước ngày một quyết liệt hơn để nói về Bánh Hằng Sống là chính Thịt Máu Người, và phải ăn bánh này mới được cứu độ. Thật vậy, Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người chúng ta. Chúa Kitô biến đổi chúng ta, ban cho chúng ta sự sống của Người và kết hợp chúng ta vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho chúng ta sự sống ấy nhờ chúng ta ăn Mình Người, chúng ta cũng được thông phần cuộc sống đời đời.


*******

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự sống và đã ban sự sống đó cho chúng con khi cho chúng con được ăn bánh hằng sống là Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn biến đến kín múc sự sống nơi Chúa nơi bàn tiệc thánh mỗi ngày, để linh hồn chúng con được sống và mai sau chúng con được sống đời đời. Amen

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

HÃY THEO CHÚA VỚI LÒNG MẾN


Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy” (Ga 21,19).

Chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng, sở dĩ Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô “con có yêu mến Thầy không?” tới 3 lần là vì trước đó thánh nhân đã chối Chúa tới 3 lần. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không nhằm bàn chuyện 3 lần chối tương đương 3 lần yêu, mà điều quan trọng là Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: điều kiện đứng đầu trong các điều kiện của vai trò mục tử là lòng yêu mến Chúa. Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì yêu mến đoàn chiên, thì đến lượt mục tử Phêrô cũng  sẽ hy sinh tính mạng vì đoàn chiên như Thầy: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. (Ga 21,18-19).

Quả thật, mục tử có thể thiếu thiếu những tiêu chuẩn khác như thông minh hay lợi khẩu, nhưng mục tử không thể thiếu lòng yêu mến; có làm được mọi sự phi thường, nhưng không có lòng mến thì vô ích. Cảm nghiệm được điều này, thánh Phaolô đã nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1Cr 13,1-3).

Có thể thấy rằng, cuộc đối thoại hôm nay giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô nói rõ cho biết làm Kitô hữu có nghĩa là gì. Mỗi ngày, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta có yêu mến Người một cách đặc biệt và ‘trên hết mọi sự’ hay không: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Cũng như thánh Phêrô, chúng ta trả lời “có”, mặc dù chúng ta đầy những yếu đuối; và Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta bước theo Người vì tình yêu, và cùng với Người gánh vác Dân Thiên Chúa.

*******


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn thánh Phêrô làm người chăn dắt Giáo Hội vì thánh nhân đã yêu mến Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, tất cả mọi quyền bính trong Giáo Hội đều khởi đi từ lòng yêu mến, và đức mến là đồng phục của mọi Kitô hữu, để chúng con giữ trọn điều răn Chúa là: “Trước yêu mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy” Amen.

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

HÃY CÓ CHÚA TRONG “BIỂN ĐỜI” CỦA CHÚNG TA


Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!” (Ga 6, 20)

Câu chuyện “vượt biển” hôm nay được tiếp tục sau sự kiện Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều, các môn đệ ăn xong chưa kịp nghỉ đã bị Chúa hối thúc xuống thuyền vượt biển hồ Galilêa, còn Chúa Giêsu thì lại lên núi cầu nguyện. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa không muốn các môn đệ an thân ỷ lại, hưởng thụ và ngủ quên trên sự tôn vinh của con người hoặc chỉ nhìn Chúa Giêsu dưới khía cạnh quyền năng sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, mà nghĩ sai về sứ mạng của Người. Chúa Giêsu cũng muốn môn đệ phải ra đi, bỏ lại tất cả, dám đương đầu với bão tố phong ba của biển đời.
Sóng gió trên biển cuộc đời, sóng gió trên hành trình làm người, sóng gió trên hành trình làm môn đệ… là những đau thương mất mát, những thất bại ê chề, những hoạn nạn éo le, những cô đơn thất vọng; là những bủa vây của quyền thế danh lợi, của đam mê phóng túng; là những đêm tối đức tin, những bơ vơ lạc lõng, những thử thách bách hại… Sóng gió nào cũng làm lòng người hoang mang, hoảng sợ, chông chênh. Mặt nước của cuộc đời là sự mong manh của thân phận con người, mong manh như hoa cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng chẳng còn; mong manh như giọt sương mai, vội biến tan khi bình minh thức giấc; mong manh như bình sành đặt trước gió, mới đó, nhưng có thể sẽ vỡ tan tành; mong manh của giới hạn của bản thân, sự bất trắc trong việc tuân giữ luật Chúa và Hội Thánh, sự tự do đầy nguy cơ có thể bị biến chất, những lối tính toán xoay xở theo kiểu của con người, những lời mời mọc ngọt ngào lao mình vào lối mòn hưởng thụ… tất cả làm cho người Kitô hữu lắm lúc hoang mang và mất phương hướng. Đến nỗi, không còn tin vào ai nữa, giống như các môn đệ Chúa đến đứng đó mà vẫn cứ hoài nghi là bóng ma. Vậy, hãy mau mời Chúa lên thuyền, là hãy mời Chúa vào trong cuộc đời chúng ta.

Biển cả ở đây không chỉ là biển đời như đã nói ở trên mà còn là biểu trưng cho nơi ẩn náu của ma quỉ. Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Ngài luôn hiện diện: “Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Ngài luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Ngài ở bên. Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay, giữa bao sóng gió cuộc đời của kiếp người trong cuộc lữ hành đức tin. Khi Chúa chưa đến thì bóng tối, sóng dữ hoành hành, nhưng khi Chúa đến thì là bến bờ và đích đến của môn đệ. Nếu trên cuộc đời của mỗi chúng ta có Chúa, thì sự dữ, ma quỉ sẽ bị đẩy xa.

******


Lạy Chúa, Chúa luôn hiện diện để cùng đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con để cho Chúa lên “thuyền cuộc đời”, nghĩa là để cho Ngài ngự vào tâm hồn chúng con, hầu không có gì tách được chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen.