Translate

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

HÃY RAO GIẢNG BẰNG SỰ CỘNG TÁC VỚI CHÚA


Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (Ga 21, 8)

Theo trình thuật của tác giả Tin Mừng thứ IV, cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh hôm nay với các môn đệ là lần hiện ra thứ ba (số đông) sau khi từ cõi chết sống lại. Cuộc hiện ra với nhiều môn đệ lần thứ ba này không còn ở Giêrusalem nữa, mà là về miền Bắc nơi có biển hồ Galilê, theo như những gì Người đã báo trước.Galilê là nơi Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng và chọn các môn đệ, thì nay, sau khi sống lại, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ bắt đầu từ đây mà làm chứng cho Người “bắt đầu từ Galilê cho đến tận cùng trái đất”.

Theo tường thuật của tác giả Tin Mừng, chúng ta gặp thấy một số chi tiết mang tính biểu tượng sau đây:

- Tin mừng kể rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được gì, cho tới sáng Chúa hiện ra và bảo hãy thả lưới vào bên phải mạn thuyền. “Thả lưới vào bên phải thuyền” thiết nghĩ không có gì mới, và những tay nghề như Phêrô hay Anrê có lẽ cả đêm cũng đã thả lưới đủ bên trái hay bên phải rồi. Thực ra, những chi tiết như “vất vả suốt đêm”, “trời sáng Chúa Giêsu đến” và “thả bên phải mạn thuyền” mang ý nghĩa biểu tượng. Đặc biệt hình ảnh “bên phải mạn thuyền” gợi nhớ sự kiện một tên lính đã dùng giáo đâm vào cạnh sườn phải Chúa Giêsu làm máu và nước chảy ra. Với sức riêng ỷ lại vào khả năng mình và mò mẫm trong bóng tối, công việc truyền giáo (bắt cá) của các môn đệ hoàn toàn thất bại, cho tới khi có ánh sáng Đấng Phục Sinh đến, và khi bắt đầu truyền giáo bằng Tình Yêu từ cạnh sườn của Đấng Phục Sinh thì kết quả mới bội thu.

- Chi tiết khi các môn đệ bước lên bờ, thì đã có cá nướng sẵn, nhưng Chúa Giêsu bảo đem cá các ông vừa mới bắt được đến nữa cũng mang một ý nghĩa biểu tượng. Đấng Phục Sinh không dọn sẵn cho các môn đệ tất cả, nhưng cần sự cộng tác của các ông. Thiên Chúa ghi nhận công lao vất vả của con người, để cùng kết hợp trong hy tế của Chúa Giêsu đem lại ơn cứu độ cho muôn dân.

- Cuối cùng, hình ảnh tông đồ trưởng Phêrô khoác áo vào và nhảy xuống biển, cũng gợi lại hình ảnh Chúa Giêsu mang lấy chiếc khăn để quỳ xuống rửa chân, nhiệm ý diễn tả các sứ giả Tin Mừng là phải mang lấy sự phục vụ của Chúa để đến với mọi người giữa biển đời bao la.

Tóm lại, rao giảng về đấng Phục Sinh phải khởi đi từ Tình Yêu nơi trái tim (cạnh sườn) Chúa chứ không phải từ sức riêng mình; rao giảng bằng sự cộng tác chính mình với ân sủng Chúa chứ không ỷ lại vào Chúa. Đặc biệt, rao giảng bằng phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

********

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin dạy chúng con biết làm cho ánh sáng phục sinh của Chúa chiếu toả trên mọi người bằng chính đời sống phục vụ của chúng con. Amen.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

HÃY TIN TƯỞNG VÀ LOAN BÁO MỘT THIÊN CHÚA PHỤC SINH


Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24, 36)

Hôm nay thánh Luca kể chuyện hai môn đệ trên đường Emmau quay về hỉ hứng kể cho đồng môn nghe đã gặp Thầy sống lại, thì các vị ở nhà cũng khoe là Simon Phêrô cũng đã gặp Thầy… Các vị chưa kịp ăn mừng (dù cá đã nướng, rượu đã sẵn) thì Thầy Giêsu hiện đến chia vui, làm cho các ông giật mình và hoảng hốt tưởng là ma. Các môn đệ sợ hãi là vì chưa đủ niềm tin, chưa tin là vì chưa được Chúa mở trí cho am hiểu Thánh Kinh, chưa am hiểu Thánh Kinh là vì các ngài đã và đang tìm kiếm một Đấng Kitô khác với những gì Thánh Kinh tiên báo. Như vậy, không thể hiểu biết cách viên mãn về Đấng Phục Sinh, nếu không chịu lắng nghe Lời Chúa, cụ thể là qua những gì được chép trong Thánh Kinh.

Ngày nay, một số người dù mang danh Công Giáo, nhưng sự mộ mến Lời Chúa còn rất hạn chế, và vì không quan tâm đến Thánh Kinh, nên họ hiểu biết các méo mó về Thiên Chúa, tôn thờ một Thiên Chúa theo ý họ, tìm một Thiên Chúa dễ dãi, kiếm một Thiên Chúa trong những thứ “văn hóa” tạp nham khác, chứ không phải tìm một Đấng Phục Sinh đã chịu Tử Nạn như Thánh Kinh loan báo.


*****

Lạy Chúa, ngày xưa trước khi Chúa sai các tông đồ đi rao giảng và làm chứng cho Chúa, Chúa đã mở trí cho các ngài am hiểu Thánh Kinh; thì giờ đây, xin Chúa cũng mở lòng trí chúng con, để chúng con am hiểu Lời Chúa cách đúng đắn, hầu có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người chúng con gặp gỡ. Amen.

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

NHẬN RA VÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA


Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24, 35)

Hai môn đệ trên đường Emmau hôm nay đã vỡ mộng tất cả sau cái chết của Thầy. Các ông trở về quê để tìm lại kế sinh nhai, mang theo một nỗi ê chề chán chường và xấu hổ với gia đình cũng như hàng xóm láng giềng. Đấng Phục Sinh đã đến đồng hành với họ suốt quãng đường dài để giúp họ quay về với Người để lãnh lấy sứ vụ chứng nhân phục sinh.

QUA TRÌNH THUẬT, CHÚNG TA THẤY NỔI BẬT LÊN NHỮNG ĐIỂM NHẤN QUAN TRỌNG SAU ĐÂY:

- Lời Chúa đóng vai trò quan trọng trong việc thức tỉnh tâm hồn trong cơn thất vọng. Chúa Giêsu đã dùng Thánh Kinh để giải thích cho các ông hiểu con đường của Người phải đi qua là con đường thập giá.

 - Chúa Giêsu đã đồng hành và giải thích Lời Chúa, và nhờ đó mà lòng các môn đệ bừng cháy lên. Như thế, muốn giúp đỡ phải đồng hành, khi đồng hành thì nói lời Chúa chứ không phải lời mình. Giảng lời Chúa phải giúp tâm hồn tín hữu bừng cháy lên…

 - Nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh: Thánh Thể là mối dây hiệp nhất, đưa người môn đệ trở về với cộng đoàn. Rước Thánh Thể là nhận ra và gặp được Đấng Phục Sinh và giao hoà với anh em.

 - Điều quan trọng hơn cả là khi đã gặp được Đấng Phục Sinh, người môn đệ không đi theo lối mình thất vọng nữa, mà quay lại với cộng đoàn, tìm gặp gỡ đồng môn và cùng nói về Đấng Phục Sinh, để từ đó ra đi loan báo Tin Mừng.

 *******


Ước gì mỗi người chúng ta hôm nay sau khi cảm nhận được ánh sáng Phục Sinh cũng biết bỏ con đường cũ mà quay trở về với Chúa, với cộng đoàn và với anh em, cùng nhau kể lại cảm nghiệm gặp Chúa và những gì Chúa làm cho chúng ta. Đồng thời loan báo Chúa Phục Sinh cho mọi người trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta gặp gỡ. Lạy Đấng Phục Sinh, xin cho con được gặp Ngài. Đặc biệt khi chúng con phải chán chường thất vọng, xin Ngài hãy đến đồng hành và nâng đỡ chúng con. Amen.

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

NGHE – THẤY – TIN – VÀ LÀM CHỨNG


Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20, 18)

Tin Mừng hôm nay kể chuyện cô Maria Mácđala, có lẽ vì quá đau đớn vì Thầy đã chết và khóc quá nhiều nên mắt hoen mờ, nên đã không nhận ra Đấng Phục Sinh, thậm chí còn tưởng là người làm vườn. Tuy nhiên, với lời gọi thân thương: “Maria !!!” Cô đã không thể lầm được nữa, cô nhận ra Thầy ngay và ôm quàng lấy chân Thầy rồi thốt lên lời thân thương mà cô từng gọi Thầy biết bao lần trước đây: “Thầy !!!”

Nghe và thấy đều thuộc dấu hiệu khả giác của bí tích. Bí tích có mô thể và chất thể -lời đọc và cử chỉ- cả hai chuyển tải Đấng Hiện Diện trong bí tích được trao ban cho thụ nhân. Hiệu quả tròn đầy của bí tích phụ thuộc nhiều ở lòng yêu mến. Lần lượt các tường thuật về biến cố Phục Sinh, các Tin Mừng cũng làm lộ rõ hai khả năng tiếp nhận và cảm nhận về Đấng Phục Sinh dựa theo hai giác quan là thính giác và thị giác. Cụ thể là mắt các ông môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh khi thấy Người bẻ bánh và dâng lời tạ ơn; và hôm nay Maria Mácđala đã được gặp chính Đấng Phục Sinh là đối tượng mà lòng cô khao khát và yêu mến. Như vậy, chủ ý của việc tường thuật biến cố Phục Sinh, các tác giả Tin Mừng đã cho chúng ta nhiều cái nhìn để củng cố đức tin qua nhiều cách tiếp thu và cảm nhận của cả hai phái nam và nữ. Đấng Phục Sinh đã dùng chính cách tiếp thu giới hạn của con người mà cho họ được biết Người, rồi từ đó họ đi rao giảng - làm chứng về những gì mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận.


******

Lạy Chúa, có lẽ không ít người trong chúng con chưa thực sự gặp được Đấng Phục Sinh nên tâm hồn chúng con chưa được đổi mới, bởi vì chúng con chưa đủ khao khát, và lòng mến của chúng con dành cho Chúa chưa thật mặn nồng. Xin Chúa ban cho chúng con một con tim hết lòng khao khát và yêu mến Chúa hơn. Amen.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

HÃY CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT


Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó. (Mt 28, 10)

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện giả dối dùng tiền để mua chuộc, lấp liếm thông tin và xuyên tạc sự thật của giới chức Do-thái giáo về sự kiện Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trước một sự thật không thể chối cãi, nhóm cầm quyền Do-thái đã lỡ ném lao thì phóng theo lao, họ dùng tiền để bịt miệng lính canh, lấp liếm sự thật.

Qua sự kiện giả dối của giới cầm quyền Do-thái giáo mà bài Tin Mừng kể ra, chúng ta thấy sự kiện này cũng phản ảnh một thực tế bất công và dối trá nơi cuộc sống này đã có từ ngàn xưa. Thậm chí ngày nay còn đáng sợ hơn. Chân lý loài người luôn thuộc về kẻ mạnh, người ta dùng tiền để mua chuộc và đổi trắng thay đen, biến công thành tội, sự thật bị xuyên tạc bóp méo. Đặc biệt, những người Kitô hữu và những người dám sống thật thường luôn bị thua thiệt và bị vu oan giáng họa kết tội cách bất công. Người ta dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.

Noi gương các môn đệ, chúng ta chấp nhận những bất công, dám làm chứng cho sự thật và tuyên xưng Chúa Phục Sinh bằng đời sống tốt lành, thì tự nó làm cho mọi người nhận ra được có Chúa Phục Sinh hiện diện. Ngược lại, nếu chúng ta cũng như những tên lính xưa, vì quyền lợi và tiền của mà chối bỏ sự thật hoặc che giấu nó, thì thật nguy hại cho đời sống đức tin biết chừng nào.

********

Lạy Chúa, xin cho chúng con một niềm xác tín rằng Chúa đã Phục Sinh, để chúng con dám đối diện với bất công, dối trá, và không ngại làm chứng cho Sự Thật. Amen

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

CHÚA GIÊ-SU PHẢI PHỤC SINH


Bài Tin Mừng Gioan tường thuật khá chi tiết về hiện tượng Ngôi Mộ Trống, cùng với thời gian, sự kiện và các nhân chứng.

+ Trước hết, về thời gian: Biến cố bà Maria Mác-đa-la phát hiện ra ngôi mộ trống và chạy đi báo tin cho hai môn đệ Chúa Giê-su vào lúc “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”. Chính cột mốc thời gian này mà truyền thống Ki-tô Giáo đã chọn ngày Chúa Nhật (ngày thứ nhất) làm ngày Lễ Nghỉ, là “Ngày Thiên Chúa Nghỉ Ngơi” là “Ngày Của Chúa” (Dies Domini). Điều này ám chỉ và thay thế cho ngày Sabat của đạo Do-thái, Người Do-thái chọn ngày thứ bảy là ngày Thiên Chúa hoàn tất cuộc sáng tạo và Người nghỉ ngơi. Khi chọn ngày Chúa Nhật làm ngày nghỉ, ngày đầu tuần, Ki-tô hữu tuyên xưng Chúa Giê-su hoàn tất công cuộc Tân Sáng Tạo (sáng tạo mới), hoàn tất công cuộc cứu độ và đưa Dân Mới “vượt qua” ngày thứ bảy của lề luật cũ để bước vào một kỷ nguyên mới của Ơn Cứu Độ.

+ Về sự kiện: Sự lạ lùng đầu tiên đó là tảng đá lớn đã lăn ra khỏi mộ; sự kiện lạ lùng kế tiếp là các khăn liệm và khăn che đầu thi hài được cuộn xếp ngăn nắp; và cuối cùng là chuyện các lính canh bỏ mộ mà trốn rồi nhận tiền “bịt mối” và nói dối. Thế nhưng, chính sự thật thì người ta sẽ không thể mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục sinh vẫn được hàng tỉ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã 2000 năm lịch sử… Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.

NHƯ VẬY, TRONG THÁNH LỄ CHÍNH NGÀY MỪNG CHÚA PHỤC SINH, SỨ ĐIỆP TIN MỪNG DÀNH CHO CHÚNG TA LÀ:

- Sống ngày Chúa Nhật -ngày của Chúa- trong một tinh thần mới, một sự đổi mới thực sự trong sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô.

- Dám chấp nhận những bất công, dám làm chứng cho sự thật và tuyên xưng Chúa Phục Sinh bằng đời sống tốt lành, thì tự nó làm cho mọi người nhận ra được có Chúa Phục Sinh hiện diện, dù có bị người đời dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.

- Không dễ dàng bạ đâu cũng tin, tránh xa những thứ tin đồn hay sứ điệp này nọ không do Giáo Hội công bố, nhưng chỉ tin những gì Hội Thánh nhân danh Chúa mà truyền dạy từ tông tòa qua Đấng Bản Quyền giáo phận và các cộng sự của ngài là các linh mục coi sóc linh hồn chúng ta.

******


Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một niềm tin sắt đá vào sự Phục Sinh, để chúng con hăng hái đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người chúng con gặp gỡ. Amen

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

HOA TRÁI CỦA TÌNH YÊU


Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây. Người đã sống lại, các bà hãy nhớ lại Người đã nói với các bà thế nào khi Người còn ở xứ Galilêa. (Lc 24, 3)

Lòng yêu mến Chúa Giêsu đã làm cho các chị em vượt qua cảm giác sợ ma và sợ lính canh mộ, các chị em đã đi ra mồ từ mờ sáng. Có lẽ vì bấy lâu nay, các chị em đi theo Chúa và luôn có Chúa hiện diện, nay hai ngày trôi qua vắng bóng Thầy, nhất là ngày hôm trước bị luật Sabát cấm, các chị em cồn cào mong đợi qua thời gian Sabát để chạy ra viếng mộ Thầy. Và nhờ sự khao khát đó, Chúa Giêsu đã tưởng thưởng cho các chị em như là những chứng nhân đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh.

Như vậy, trong trình thuật đầu tiên về cuộc sống lại này, chúng ta có những bằng chứng để xác tín niềm tin:

- Các chị em phụ nữ đã vì lòng yêu mến mà vượt qua mọi sợ hãi để đến viếng mộ, chính quyền năng Đấng Phục Sinh đã ban cho các chị em sức mạnh vượt qua mọi sợ hãi.

- Thiên thần hiện ra, lăn tảng đá ra, dù tảng đá đã được niêm phong bởi ấn của tổng trấn và thượng tế; lính canh khiếp sợ ngất xỉu, còn các chị em phụ nữ lại được phúc chứng kiến toàn bộ sự việc và được thiên thần xác nhận Chúa đã phục sinh.

Thật vậy, khi đã tin vào Đấng Phục Sinh và yêu mến Người thì không còn gì phải sợ nữa, kể cả sự chết cũng không thể làm cho người tin yêu Chúa sợ được. Cụ thể là hôm nay, các chị em là những người dễ yếu bóng vía nhất đã can đảm lạ thường, và sau đó là các môn đệ từ những kẻ nhút nhát chạy trốn, đã trở nên hăng hái đi loan báo Tin Mừng và dám chết vì Đấng đã Phục Sinh.

******


Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm khát khao yêu mến để chúng con gặp được Đấng Phục Sinh; xin cũng ban cho chúng con niềm tin sắt đá vào Chúa Phục Sinh, để chúng con can đem niềm vui Phục Sinh cho những ai chưa nhận biết Chúa. Amen.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

VUA TÌNH YÊU


Thứ sáu Tuần Thánh, chúng ta cùng nhìn lên thánh giá, chiêm ngưỡng một vị vua chịu đóng đinh, một vị vua Tình Yêu đã chết cho nhân loại và để giải phóng nhân loại. Hình ảnh vị vua Giêsu không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không quân đội, không thần dân và không vương quốc theo nghĩa thế gian. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng tại sao lại là vua? Chính câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” đã giải đáp cho chúng ta. Điểm cốt yếu là:

- vị vua Giêsu chết ở giữa hai tử tội, nghĩa là người đã chết thay cho tội nhân là chúng ta.

- vị vua cầu xin ơn tha thứ cho người đã đóng đinh Ngài, nghĩa là vị vua đại diện cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho hết mọi người. Một vị vua nhân từ và yêu thương.

- một vị vua lo cứu dân chứ không phải cứu mình, như lời thách thức của các lãnh đạo và lính tráng. Nghĩa là vị vua dám chết thay cho dân chứ không phải dân chết thay mình.

Chúa Giêsu là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Vì vậy, mọi Kitô hữu chúng ta, khi quỳ hôn chân thập giá, suy tôn Chúa Giêsu là vua, thì chúng ta cũng phải tìm cho vinh quang Chúa, chứ không phải cho vinh quang mình; hy sinh cho mọi người, chứ không phải lo vinh thân. Khi chúng ta chỉ biết lo cho mình và mặc kệ với kẻ khác, thì là lúc chúng ta đang chọn vật chất làm vua thay vua Giêsu trong tâm hồn chúng ta.


******

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết nhìn lên thập giá Chúa là dấu chứng của tình yêu hy sinh, để chúng con cũng biết hiến thân phục vụ tha nhân trong phận mình, hầu được chính Chúa thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời, nơi đó có Chúa là Vua Tình Yêu đang chào đón chúng con. Amen.

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

YÊU LÀ TRAO BAN


Bài Tin Mừng trong thánh lễ chiều thứ năm Tuần Thánh là bài tường thuật chi tiết về việc Chúa Giêsu ăn Lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ, để bắt đầu đi vào cuộc Khổ Nạn hầu chuộc tội cho nhân loại. Trong bữa ăn ly biệt này, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác để ở lại với con cái loài người. Thế rồi, không biết từ khi nào: Bí Tích Thánh Thể được mang danh gọi là Bí Tích Tình Yêu. Và có lẽ chỉ có danh gọi này mới làm toát lên được ý nghĩa sâu xa nhất của Huyền Nhiệm Thánh Thể: là trao ban, là tự hiến, là hiệp thông, là tự hủy, là hy sinh… nói tóm lại : Thánh Thể là Tình Yêu.

Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta chính con người của Ngài trong phép Thánh Thể, Ngài không bao giờ cô đơn vì Ngài luôn luôn biết cho đi, cho đi một cách quảng đại, cho đi không có giới hạn, cho đi mãi mãi. Nhưng chúng ta không đáp lại sự cho đi của Ngài, chúng ta thờ ơ trước sự trao ban vô vị lợi của Ngài, làm cho Ngài phải cô đơn. Để tránh sự cô đơn của chúng ta đối với Chúa và với tha nhân, ta hãy biết cho đi bằng cách phục vụ Chúa trong tha nhân, càng cho đi thì càng gần Chúa, càng sống thân mật với Ngài vì “cho đi thì có phúc hơn là nhận” và nếu yêu mà chỉ nhận thì tình yêu sẽ chết. Thật vậy, Chúa Kitô đã chứng minh tình yêu của Ngài đối với nhân loại bằng sự trao ban tuyệt đỉnh là thân mình chí thánh của Ngài. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất và là ý nghĩa nhất của trao ban. Trao ban cả mạng sống, trao ban đến giọt máu cuối cùng. Trao ban vượt trên tất cả mọi sự trao ban là cho đi tất cả, không so đo tính toán. Trao ban bằng chính tình yêu đích thật.


******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống trao ban cách không so đo tính toán, để chúng con nên giống Chúa là Đấng đã trao ban đến tận cùng vì nhân loại, và qua cách sống yêu thương chân thành vì Chúa, mọi người nhận ra chúng con là môn đệ của Ngài. Amen.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

CHÚNG TA NGÀY NAY CÓ THỂ CŨNG LÀ GIU-DA


Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! (Mt 26,24)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật trình tự về những toan tính của Giuđa lên kế hoạch nộp Thầy Giêsu cho nhà cầm quyền Do-thái. Qua tường thuật Tin Mừng, chúng ta dễ nhận thấy nơi con người và sự phản bội của Giuđa phản ảnh nhiều thực trạng của nhiều Kitô hữu chúng ta hôm nay:

- Giuđa không ngần ngại bán Thầy để được 30 đồng, không thiếu những người mang danh kitô hữu – theo Chúa, nhưng thực chất chỉ vì quyền lợi, và sẵn sàng phản bội Chúa, bán rẻ lương tâm, chối bỏ Giáo Hội để giữ cái ghế, giữ cái nghề nghiệp, giữ lương bổng…

- Giuđa dù biết mình bất xứng và được Chúa lưu ý, nhưng vẫn liều mình rước Thánh Thể (phạm thánh) để che mắt các đồng môn, rồi ra khỏi bàn tiệc thánh, ông quyết tâm đi làm điều mờ ám tội lỗi. Không ít Kitô hữu chúng ta tuy sống trong tội, nhưng liều mình rước lễ để che mắt mọi người, rồi ra khỏi nhà thờ lại tiếp tục công việc mờ ám, gian lận và bán rẻ tha nhân…

 - Giuđa tách mình ra khỏi Chúa Giêsu, tách mình ra khỏi bàn tiệc Thánh, tách mình ra khỏi Nhóm Mười Hai để ra đi theo sự xúi giục của phường gian ác. Thời nào cũng có những tín hữu tự tách mình ra khỏi tình yêu Chúa Giêsu, bỏ tham dự thánh lễ, bỏ cộng đoàn (giáo xứ), bỏ Giáo Hội để chạy theo những quyến rũ của thế gian xác thịt và sự lầm lạc.


- Ngược lại với tình yêu là sự phản bội. Tình yêu Chúa Giêsu đã tìm mọi cách kéo Giuđa ở lại để bước theo con đường của Người, nhưng ông đã ra đi theo kế hoạch của riêng mình. Có những người mang danh Công Giáo nhưng không muốn hy sinh theo con đường thập giá, không nghe lời mời gọi của Chúa và Giáo Hội qua Lời Chúa và lời nhắn nhủ của các chủ chăn, nhưng muốn sống theo ý riêng mình và theo con đường toan tính của mình.

*******

Lạy Chúa, xin tha thứ những tội lỗi con đã xúc phạm đến Tình yêu lớn lao Chúa dành cho con, xin cho chúng con đừng vì lợi lộc thế gian mà phản bội Chúa, bán rẻ lương tâm và bán rẻ tha nhân. Amen.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

ĐỪNG VÌ THAM LAM VẬT CHẤT MÀ BỎ CHÚA


Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Ga 13, 21)

Bài Tin Mừng hôm nay kể phần đầu hành trình phản bội của Giuđa Iscarios, ông đã bán Thầy với một cái giá chỉ bằng một phần rất nhỏ của cái bình dầu thơm mà ông lấy làm tiếc khi cô Maria dùng xức chân Thầy. Thế ra, với lòng yêu mến, người ta không tiếc 300 quan tiền, nhưng khi phản bội, người ta sẵn sàng bán rẻ tha nhân chỉ có 30 đồng.

Hình ảnh khi Giuđa ăn bánh xong, ông đi ra, thì trời đã tối, có nghĩa là từ lúc đó, Giuđa đã đánh mất hoàn toàn ơn Chúa, ông bước vào bóng đêm tội lỗi và ma quỷ. Như vậy, tham lam tiền của là một trong những nguyên nhân dẫn đến phản bội, bán rẻ lương tâm và bán rẻ tha nhân, đặc biệt bán rẻ linh hồn cho ma quỷ. Họ bỏ bàn tiệc của Chúa, với chan hòa ánh sáng và yêu thương của Chúa dành cho môn đệ, mà ra đi, để đi vào thế giới của toan tính, gian dối và trộm cắp.  Hình ảnh ra đi của Giuđa hôm nay, cũng phản ảnh đúng tâm hồn của những ai đã tách mình ra khỏi Chúa Giêsu và cộng đoàn tín hữu:

- Bỏ Chúa Giêsu.

- Bỏ bàn tiệc thánh (bỏ tham dự thánh lễ)

- Bỏ cộng đoàn tín hữu (bỏ những anh em đồng môn theo Chúa), nghĩa là bỏ tham gia đời sống đạo với các Kitô hữu anh em con một Cha trên trời.

Và khi đã không còn có Chúa hiện diện, không được nâng đỡ của các bí tích và mất tương giao với anh chị em; người ta chỉ còn vất vưởng trong lọc lừa gian dối và dẫn tới diệt vong.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng ai vì tham lam tiền của vật chất mà bỏ Chúa để được công việc và quyền lực, đừng ai vì danh lợi mà bán rẻ lương tâm và bán đứng tha nhân. Amen.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

HÃY YÊU MẾN THIÊN CHÚA HƠN CỦA CẢI THẾ GIAN


Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu. (Ga 12,8)

Khác với Tin Mừng Mátthêu và Márcô, Tin mừng Gioan xác định người xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu là cô Maria, một trong ba chị em Mátta, Maria và Lazarô. Thay vì nói chung chung là các môn đệ hay vài người khó chịu vì hành động bị coi là lãng phí này, Tin Mừng Gioan nên đích danh Giuđa Iscariot là người phản đối, với lý do đem bán dầu thơm lấy tiền nuôi người nghèo sẽ tốt hơn. Hành động của Maria là một hành động của tình yêu dành hết cho thầy Giêsu, một biểu tượng của hiền thê Giáo Hội với Đấng Tình Quân. Maria đã đổ xuống trên chân Thầy cái bình dầu thơm quý nhất (có giá tới 3 trăm quan tiền – là một giá trị rất lớn thời đó) mà mọi phụ nữ Do-thái đều mơ ước, cô còn lấy mái tóc là niềm tự hào của vẻ đẹp người nữ để lau chân Thầy. Đó là những hành động mà Tin Mừng thứ IV nhìn thấy như là biểu tượng đặt dưới chân thầy trọn vẹn tình yêu tinh thần và thể xác của Maria. Và chính hành động này làm cho cả nhà nực mùi thơm, nghĩa là hương thơm của lòng mến được lan tỏa.

Chúng ta nhận thấy ở đây có ba điều quan trọng thể hiện qua ba nhân vật: Maria quên hết tất cả mọi sự hiện diện xung quanh, giờ đối với cô chỉ còn Chúa Giêsu là tất cả, và cô sẵn sàng dâng cho Chúa tất cả những gì cô có mà không tính toán so đo, cũng như không sợ ai chê cười. Chúa Giêsu coi trọng hành động tình yêu thì cao cả hơn mọi thứ khác. Còn Giuđa thì nhìn đâu cũng thấy tiền, đặt cái lợi lên trên tất cả. Hành động của Maria chính là hành động của những tâm hồn dám đặt Chúa Giêsu lên trên hết, dâng cho Chúa tất cả những gì mình có thể; cách riêng nơi đời sống tu trì, khi họ dâng cho Chúa tất cả tâm hồn và thể xác cùng những gì họ sở hữu. Chúa Giêsu đón nhận tấm lòng yêu mến, và Người chống lại quan điểm của người đời, mà cụ thể nơi sự phản kháng của Giuđa, là ngừơi xem tiền của vật chất hơn cuộc khổ nạn Chúa Giêsu sắp tới và coi chuyện tiền bạc hơn hành động tình yêu. Thực ra, vấn nạn trên đã xưa như trái đất, thời nào cũng có người thắc mắc, có phần tâng bốc ông thầy, lấy lòng masoeur, hoặc hiểu đời tu cách sai lạc, hiểu và nhìn đời tu dưới lăng kính cầu lợi vật chất. Người đời quan niệm là như thế là do phần lớn chỉ thấy những cái lợi thực tế bề ngoài, chứ không nhận ra được giá trị và hiệu năng của việc dâng hiến và hành động của tình yêu.

*****

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết liên lỉ yêu mến Chúa, để cuộc đời chúng con tỏa hương thánh thiện và yêu mến trên mọi người, hầu họ cũng được hưởng nhờ ơn cứu độ. Amen.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

CHÚNG TA TÔN THỜ MỘT THIÊN CHÚA NHƯ THẾ NÀO


Có thể khi nghe bài Thương Khó, chúng ta cũng dễ trách người Do-thái, nhưng thật ra cách hành xử của người Do-thái lại phản ảnh thực trạng của nhiều người chúng ta mà chúng ta không hay biết. Chúng ta vẫn thích một Thiên Chúa oai phong hiển hách dễ đánh phạt, hơn là tôn thờ một Chúa Giêsu chịu đóng đinh, tha thứ và yêu thương. Chúng ta thấy mọi sự êm xuôi may mắn thì giữ đạo, nhưng gặp thử thách thì quay sang oán trách Thiên Chúa và thậm chí bỏ đạo. Lại nữa, khi bị thế quyền gây khó khăn, chúng ta vẫn mong Chúa ra tay đoán phạt hơn là đón nhận thử thách và cầu nguyện cho họ.

Với tương quan xã hội, chúng ta tìm kiếm những bạn bè có thể đem lại lợi ích cho chúng ta, nhưng nếu đối tượng không thỏa mãn được những gì chúng ta muốn, chúng ta dễ phản lại nhau. Trong tương quan xứ đạo, chúng ta vẫn thích ai đó đem lại lợi ích vật chất cho giáo xứ hơn là những cha những thầy những xơ nào chỉ biết chắp tay cầu nguyện. Trong cộng đoàn tu trì, không thiếu những vị ưa thích ai đó chiều theo sở thích của mình, nên họ không ngại lên án và loại bỏ những thành viên dám sống thật và nói thật. Nơi đời sống vợ chồng, ban đầu đôi lứa kỳ vọng nhau đáp ứng được những gì mình mong muốn, nhưng khi về với nhau vỡ mộng bởi đối tượng không thoả mãn được những kỳ vọng của mình, thế là sinh lục đục và phản bội nhau. Tóm lại, là Kitô hữu, chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa chịu đóng đinh hay một Thiên Chúa oai phong phép lạ, tôn thờ một Đấng Cứu Độ làm theo ý Chúa Cha hay thờ một ngẫu tượng chiều theo ý của chúng ta?

*******


Lạy Chúa, bước vào Tuần Thánh, xin cho chúng con ý thức rằng, chúng con đang cùng Chúa bước trên đường khổ giá để đem lại ơn cứu độ, chứ không phải lẩn tránh thập giá để theo con đường dễ dãi dẫn tới diệt vong. Amen.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

THÁNH CẢ GIUSE – MẪU GƯƠNG CÔNG CHÍNH


Bài Tin Mừng trong Lễ thánh cả Giuse hôm nay, chúng ta được thánh sử Matthêu giới thiệu cho chúng ta về thánh cả Giu-se là người cha “pháp lý” của Chúa Giê-su trong sự kiện nhập thể, giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giê-su. Bản văn Tin Mừng hôm nay được coi như là một trong ba bản văn Thánh Kinh Tân Ước tường thuật về các cuộc truyền tin, mà đây là cuộc truyền tin dành cho thánh Giuse. Thiên Chúa sai thiên thần đem đến cho thánh Giuse sứ điệp nhận lấy sứ mạng làm cha nuôi Chúa Cứu Thế và giữ gìn Đức Trinh Nữ Maria.

Được thiên thần hiện ra tỏ tường giữa ban ngày mà Giacaria còn vặn hỏi, mẹ Maria còn đối đáp, còn thánh Giuse thì toàn bộ Thánh Kinh không tìm được lời nào của ngài. Điều này cho thấy, thánh Giuse là một con người của niềm tin và sự chiêm ngắm kết hiệp với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, thậm chí nhận ra cả ý Chúa trong giấc mơ. Ngài tin tưởng tuyệt đối vào ý định của Thiên Chúa, và từ đó tin tưởng người bạn đời là Đức Maria. Niềm tin thể hiện bằng hành động, khi ngài vui vẻ đón nhận mẹ Maria và tận tụy lo cho gia đình Thánh Gia được êm ấm. Tóm lại, bài Tin Mừng nhân ngày Đại Lễ kính thánh cả Giuse, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngưỡng tấm gương thánh cả Giuse, là một người công chính, một người gia trưởng mẫu mực và là một con người của niềm tin luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa.

******


Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con biết noi gương thánh cả Giuse, sống công chính thánh thiện trước mặt Thiên Chúa, tận tụy phục vụ tha nhân, và đặc biệt, khi gặp khó khăn nguy khốn cũng biết chạy đến cùng thánh Giuse, để được ngài hướng dẫn bầu cử cho chúng con. Amen.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

HÃY SỐNG VÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA


Mở đầu Bài Tin Mừng hôm nay nhắc ngay đến việc người Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Người phạm thượng. Chúa Giêsu bị kết tội phạm thượng vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa thật. Ngài đến để làm chứng cho sự thật. Nhưng chính bởi sự thật đó, có nhiều người Do Thái đã chống đối … nhưng cũng có rất nhiều nhiều tin vào Ngài, nên họ được Cứu Chuộc bằng chính niềm tin của mình. Có thể nói, người Do-thái không sai khi phản ứng lại mầu nhiệm đồng bản tính với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng, vì toàn văn Thánh Kinh Cựu Ước (Luật và các Ngôn Sứ) không có một mặc khải minh nhiên nào về Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Thật vậy, mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” chỉ được Chúa Giêsu là Đấng đến từ trời mặc khải cho nhân loại. Chính vì vậy, mà ở đây chúng ta không nói gì để lên án người Do-thái là cứng lòng tin, nhưng điều cần suy niệm hôm nay là ý thức nguồn gốc “con Thiên Chúa” của mình để sống sao cho xứng đáng, đồng thời tin tưởng vào Thiên Chúa qua những kỳ công Người thực hiện trong vũ trụ, trong con người và trong mỗi cuộc đời chúng ta.

Thế giới hôm nay, có không ít người Công Giáo nhưng lại thích tin theo những cái “được coi là mạc khải tư” nào đó hơn là tin vào Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh và kho tàng đức tin nơi Giáo Hội. Còn chúng ta, chúng ta là những người tin vào Chúa Giêsu, là môn đệ của Ngài, mỗi người phải dám can đảm sống và làm chứng cho sự thật, dù có bị thiệt thòi, bị lên án. Chúa Giêsu cũng đã bị kết tội khi dám nói sự thật thì chúng ta là môn đệ Ngài, chúng ta cũng phải luôn trung thành trong mọi việc dù lớn hay nhỏ, không bao giờ chấp nhận gian dối. Chỉ như thế, chúng ta mới xứng danh người Kitô hữu.


*****

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con hôm nay biết ý thức vai trò làm con Thiên Chúa để sống cho xứng đáng là con thảo của Cha trên trời. Đồng thời luôn nhận ra Chúa hiện diện trong mọi kỳ công của vũ trụ, trong thế giới, trong con người và trong mọi biến cố cuộc đời. Amen.

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

LỜI CHÚA LÀ LỜI HẰNG SỐNG


Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết (Ga 8, 51)

Khi nghe lời này của Đức Giê-su, người Do thái đã hiểu sự sống con người theo nghĩa thể lí, nghĩa là sinh lão bệnh tử; vì thế, họ nêu vấn nạn: các đấng thánh lớn nhất của họ, là Abraham và các ngôn sứ, hằng tuân giữ Lời Thiên Chúa, vậy mà vẫn chết hết! Còn chúng ta, nếu chúng ta chỉ hiểu sự sống của chúng ta ở bình diện thể lí, chúng ta cũng sẽ nêu những vấn nạn tương tự như người Do thái, chúng ta cũng sẽ tất yếu khinh chê lời của Đức Giê-su và không tin nơi Ngài. Bởi vì, ở bình diện thân phận con người, dù chúng ta có cố gắng tuân giữ lời của Đức Giê-su đến mấy đi nữa, chúng ta cũng sẽ phải trải qua những thử thách, đau khổ của cuộc đời, của ơn gọi và cuối cùng là phải chết. Hơn nữa, chính Đức Giê-su cũng chết, cái chết bi đát trong cuộc Thương Khó và trên Thập Giá, mà chúng ta sẽ tưởng niệm trong Tuần Thánh sắp đến.

Đúng là Đức Ki-tô đã chết, như tất cả chúng ta sẽ phải chết, nhưng Ngài đã phục sinh, đã chiến thắng sự chết để đi vào sự sống vĩnh cửu. Vì thế, ai tuân giữ Lời Chúa, sẽ không bao giờ phải chết, bởi vì Lời của Ngài, giống như Ngôi Vị của Ngài, là Lời hằng sống, đi ngang qua sự chết nhưng vẫn sống, nghĩa là mạnh hơn sự chết. Và Lời Chúa không tác tạo ra của cải, nhưng tác tạo nên tương quan, tương quan tình thương, tình bạn, đón nhận, bao dung và tha thứ. Và trong cuộc sống hiện tại và hằng ngày của chúng ta trong hoàn cảnh ngày nay, chúng ta cần biết bao những tương quan này, nhất là trong đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn và cả trong môi trường làm việc và trong đời sống xã hội nữa. Lời Chúa là Lời ban sự sống, sự sống sau sự chết và cả sự sống hằng ngày của chúng ta.


******

Lạy Chúa, Lời Chúa thì sống động, có Chúa trong tâm hồn thì chúng con nên sáng láng, sống động và vui tươi, còn không có Chúa thì chúng con chỉ là cái xác chết tối tăm và bất động. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng để Chúa đến ở trong và ở với chúng con, để chúng con thật sự sống và sống động trong tình yêu dành cho Chúa và tha nhân. Amen

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

TIN VÀO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC GIẢI THOÁT


Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; (Ga 8, 31)

Tự do khỏi lề luật, tự do khỏi tội và tự do khỏi chết là 3 chiều kích cứu độ học trong các thư tín của thánh Phaolô. Một cách tương tự, Văn Chương Gioan cũng lần lượt khai triển về ba chiều kích này mà Chúa Giêsu thực hiện. Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với người Do-thái là: “Ai phạm tội thì nô lệ cho tội…nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8,34.36). Nghĩa là Chúa Giêsu giải thoát nhân loại để họ được tự do khỏi tội.

Đối tượng mà Chúa Giêsu giảng dạy hôm nay được Tin Mừng ghi rõ là “những người Do-thái đã tin Đức Giêsu”. Như thế, dù đã tin, nhưng tội vẫn còn đó khi chưa được Chúa Giêsu cứu chuộc thì vẫn bị tội lỗi giam giữ. Khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỷ. Tự sức con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu Độ, và Chúa Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người, sau đó Thiên Chúa lại ban cho con người sự tự do. Sau khi giải phóng con người, Chúa Giêsu không bắt họ phải làm nô lệ Thiên Chúa, mà là phục hồi cho họ quyền làm con, mà làm con thì được tự do hưởng quyền thừa tự và ở mãi trong nhà Cha mình.. Tóm lại, ơn cứu độ của Chúa Giêsu đến giải thoát nhân loại chúng ta khỏi bị nô lệ cho tội lỗi nữa, mà được làm con cái Thiên Chúa và thừa kế gia nghiệp với Chúa Giêsu trong nước Cha của Người.

******


Lạy Chúa, đã gần đến ngày tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, xin cho chúng con ý thức thân phận làm con của chúa, để nếu chúng con đang yếu đuối trong tội lỗi, thì mau mắn chạy đến với toà cáo giải xưng thú hết mọi lỗi lầm, hầu được Chúa phục hồi lại ân sủng quyền làm con. Amen.

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

THIÊN CHÚA CHỊU CHẾT ĐỂ CỨU ĐỘ CHÚNG TA


Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy (Ga 8, 28)

Sử dụng ngôn ngữ biểu tượng, bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Người sắp chịu. Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất Lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Chúa Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng Thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được “giương cao lên” (x.Ga 3,14; 8,28; 12,32).

Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người. Với cách dùng ngôn ngữ biểu tượng, văn chương Gioan khẳng định, Chúa Giêsu chỉ thật sự là hằng hữu khi Người chấp nhận “bị giương cao lên”, Thiên Chúa của người Kitô hữu phải là một Thiên Chúa chịu đóng đinh, “Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Thật vậy, sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian. Đó là niềm hy vọng lớn lao của nhân loại.

 ******


Lạy Chúa, Chúa đã được sai đến thế gian là để cứu độ thế gian chứ không phải lên án thế gian. Xin cũng sai chúng con đến với mọi người, cho họ sự cứu vớt, chứ không phải đến để lên án đồng loại. Amen.

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

THIÊN CHÚA LÀ ÁNH SÁNG


Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Tôi là sự sáng thế gian. Ai theo Tôi sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12)

Hôm nay Chúa Giê-su khẳng định Người là Ánh Sáng cho thế gian. Người là Ánh Sáng xuất phát từ Cội Nguồn Ánh Sáng là Chúa Cha, Người phản chiếu hình ảnh của Chúa Cha. Vì thế, mọi lời nói và công việc của Chúa Giê-su làm là theo điều Người đã thấy nơi Chúa Cha. Thế nhưng, người Do-thái dường như cố tình không nhận ra điều đó, bởi chính ánh sáng thật từ Thiên Chúa đã làm rõ ý đồ đen tối của họ, vì họ như tấm gương bám đầy bụi bẩn trần tục không thể tiếp nhận ánh sáng cho dân chúng, mà còn tìm mọi cách để che khuất và khử trừ Ánh Sáng.

Cũng như ánh sáng không thể chung với bóng tối, bởi ánh sáng sẽ làm tỏ lộ ra tất cả những gì khuất tất, Chúa Giêsu là Ánh Sáng và là Sự Thật. Sự xuất hiện của Người tại Giêrusalem đã làm phơi bày ra sự giả hình, ham mê quyền lực và trục lợi của các kinh sư – biệt phái và nhất là giới cầm quyền Do Thái. Chính vì thế mà họ đã tìm cách tẩy chay Chúa Giêsu, tiếc là họ không có lý do đủ mạnh ngoài việc bám víu vào luật Sa-bát, nhưng ngay cả luật này họ cũng bị Chúa Giêsu vạch trần những điều khoản tỉ mỉ do họ thêm vào mà sai lệch ý Thiên Chúa. Mọi người chúng ta ngày hôm nay cũng thế, khi chúng ta có tội hay đang theo đuổi những công việc mờ ám, thì chúng ta rất sợ đối diện với sự thật, và tìm cách diệt khẩu những ai có thể làm ý đồ và công việc chúng ta bị phơi bày.


******

Lạy Chúa, xin chiếu Ánh Sáng Chúa vào tận nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng con, để thánh hóa mọi bí ẩn tâm can và làm cho tâm hồn chúng con được sáng, hầu chúng con sống trọn vẹn giới luật yêu thương của Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

TỘI và TỘI NHÂN


Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi  (Ga 8, 7)

Hôm nay, các kinh sư và người Pharisêu sử dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Chúa Giêsu vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Người ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Người. Họ đưa đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Người sẽ xử lý thế nào khi luật Môsê dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Chúa Giêsu nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Môsê, còn nếu Người nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Người giảng dạy. Mưu kế này cũng tương tự như họ gài bẫy Chúa Giêsu vào vấn đề nộp thuế cho Xêda. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Người đã đặt các kinh sư và người Pharisêu vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bày lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”.

Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay và nhiều chỗ khác trong các Tin Mừng, có lẽ không ít người cho rằng Chúa Giê-su “dung túng cho việc phạm tội”. KHÔNG PHẢI THẾ, Chúa Giê-su ghét tội nên Người đã đến trần gian và chịu chết để giải thoát nhân loại khỏi tội; Chúa lên án tội, nhưng không bỏ rơi tội nhân; Chúa bảo vệ người phụ nữ ngoại tình, giải thoát nàng và tha thứ cho nàng, nhưng không phải để nàng tiếp tục con đường cũ, mà Người đã dặn nàng: “Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Thật vậy, “Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn tội nhân bỏ đường tà để được sống” (Ed 18,23). Chính vì thế mà cần phải phân biệt rõ ràng giữa tội và tội nhân. Mọi người đều phải ghét tội, nhưng phải tạo cơ hội giúp tội nhân trở về nẻo chính đường ngay.


*******

Thiên Chúa thì yêu thương cứu vớt, nhưng con người thì lại loại trừ lẫn nhau, khi bị Thiên Chúa chấc vấn thì chúng ta cũng đầy tội lỗi bê tha. Vậy, lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy tội lỗi, để chúng con không kết án loại trừ những tội nhân. Xin cũng cho chúng con học lấy tấm lòng trắc ẩn của Chúa mà cứu vớt những ai lầm lỗi, đưa họ về cho Chúa. Amen

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

HÃY SỐNG CHO SỰ THẬT


Một số cấp lãnh đạo tôn giáo trong dân Do-thái mà bài Tin Mừng hôm nay kể đến, phần thì họ như tuyệt vọng về kiếp sống bị ngoại bang (Rôma) đô hộ,  điều mà người Do-thái bám víu vào vẫn là lời ngôn sứ tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc Đa-vít và sinh tại thành Đa-vít là Bêlem, là một thành phía Nam gần thủ đô Giêrusalem. Trong khi Chúa Giê-su ở làng Nazareth, thuộc Galilê là một thành phía Bắc. Thật ra, không phải là các thượng tế và kinh sư Do-thái không biết, nhưng là họ sợ mất quyền lợi, như ánh sáng không thể chung với bóng tối, bởi ánh sáng sẽ làm tỏ lộ ra tất cả những gì khuất tất. Chúa Giêsu là Ánh Sáng và Sự Thật. Sự xuất hiện của Người tại Giêrusalem đã làm phơi bày ra sự giả hình, ham mê quyền lực và trục lợi của giới cầm quyền.

Có thể không ít người trong chúng ta ngày hôm nay cũng thế, khi có tội hay đang theo đuổi những công việc mờ ám, thì chúng ta rất sợ đối diện với sự thật. Chúng ta ghanh ghét và lên án bất kỳ ai dám nói thật và tìm cách lấp miệng hoặc dùng quyền diệt khẩu những ai có thể làm ý đồ và công việc chúng ta bị phơi bày. Lại nữa, chúng ta vẫn mang trong mình thành kiến về nguồn gốc hay quá khứ của ai đó thì mãi mãi như vậy. Một người hiện nay tốt thế nào, thì trong mắt chúng ta họ vẫn là xấu khi chúng ta xét đoán họ có một lý lịch dòng họ hoặc quá khứ của họ. Chúng ta vẫn dùng sự thành kiến và hiểu biết của mình để kỳ thị người khác…

*******


Lạy Chúa, cũng như người Do-thái xưa, chúng con vẫn cố tình bịt mắt lương tâm lại để lẩn tránh sự thật; chúng con cũng cũng tìm lý do để biện minh cho những sai trái của mình và sẵn sàng lên án bất cứ ai dám nói lên sự thật. Xin cho chúng con trong những ngày còn lại của Mùa Chay thánh này, biết khiêm tốn lắng nghe và đón nhận những lời góp ý của mọi người, mà ra sức sửa đổi cho hợp với ý Chúa. Amen.