Translate

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

HẠNH PHÚC KHI NHẬN BIẾT CHÚA


Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe (Lc 10, 23-24)

Mọi Kitô hữu đều có quyền tự hào vì được nhận biết Thiên Chúa và được làm con của Người cách trọn vẹn ngay từ lúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta không chỉ dừng lại ở niềm vui được giải thoát tội nguyên tổ, mà vui mừng hơn là vì được làm con Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Hôm nay Chúa Giêsu vui mừng tạ ơn Chúa Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn bé mọn, là hết những ai đón nhận và tin vào Người.

Biết ở đây không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau. Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt yếu đối với chúng ta, vì điều mà Người ban tặng cho chúng ta là vô giá: đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa và không là Thiên Chúa thì lời hứa đó chẳng có giá trị gì. Chính vì vậy mà phải khám phá ra cho được Đức Giêsu là ai, vì nhờ đó mà chúng ta tìm thấy ơn cứu độ.

Được biết Thiên Chúa và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thật không dễ dàng, bởi vì việc nhận biết Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu không phải do trí hiểu hay thực nghiệm khoa học, mà là một ân ban của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Chúa Con không mặc khải cho, và cũng không ai đến được với Chúa Con nếu Chúa Cha không lôi kéo họ”. Mọi tín hữu khi nghe lời này của Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc khi được biết Thiên Chúa là Cha và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình.


******

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn yếu đuối với mình, mà năng đến với Thánh Thể mỗi ngày, để tâm hồn chúng con được bổ dưỡng sức thần thiêng mà vượt thắng mọi khó khăn trên đường lữ thứ trần gian. Amen.

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

HÃY ĐÁP TRẢ LỜI MỜI GỌI


Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. (Mt 4, 19)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên, bốn Tông Đồ này là hai cặp đôi anh em ruột và cùng làm nghề đánh cá. Phêrô – Anrê và Giacôbê – Gioan. Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.

Chúa Giêsu gọi ai thì Người không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không? Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ ta là ai, nhưng chỉ thấy ta từ lúc ta bắt đầu bước theo. Chúa gọi ta và mời gọi ta làm chứng cho Người ngay chính nơi ta sống và làm việc. Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi?

*******


Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, bản chất của Ki-tô hữu là truyền giáo, để chúng con hăng say tiếp nối các Tông Đồ làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng, nhờ đời sống đạo gương mẫu và việc thực thi bác ái khắp những nơi mà chúng con được sai đến. Amen.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN LUÔN


Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. (Lc 21, 36)

Bài Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay đề cập đến việc Chúa sẽ đến bất thình lình, mời gọi mọi người chúng ta biết sống tỉnh thức và sẵn sàng, để khi cái chết ập đến, chúng ta sẵn sàng nghênh đón Chúa để đi vào đời sống vĩnh cửu. Trong khi chờ đợi, Chúa muốn mỗi người sống trung tín và trách nhiệm đối với tha nhân. Ngày Con Người quang lâm và mỗi người sẽ ra trình diện, ngày đó là ngày nào? Không ai biết được, vì chỉ có Cha mới biết. Tuy nhiên, vẫn có một điều không bất ngờ. Ðiều ta biết chắc chắn là sẽ có ngày đó cho tất cả mọi người. Ngày đó cần phải có để mọi người được thỏa mãn. Người khôn ngoan đích thực sẽ chọn ngày đó là một ngày an vui hạnh phúc. Còn người khờ dại thì ngày đó lại là ngày báo oán. Chúng ta khôn hay dại? Chọn ngày tươi sáng hay u tối? Hãy cùng quyền tự do mà định đoạt.

Lạy Chúa, Chúa hằng mong muốn chúng con tỉnh thức trong thái độ sống của mình. Chúa muốn chúng con đừng vì những thú vui mau qua mà đánh mất sự sống đời đời. Chúa muốn chúng con đừng chè chén say sưa. Chúa mời gọi chúng con hãy lo tìm kiếm giá trị Nước trời hơn là lo lắng tìm kiếm của cải trần gian. Nhưng Chúa ơi, với lối sống thực dụng, chúng con đã mải mê chạy theo những đam mê gian trần. Chúng con tìm kiếm danh vọng trần gian. Chúng con còn nặng trĩu những đam mê trụy lạc. Xin tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con biết canh tân sửa đổi, biết sống trong ân tình của Chúa.

******


Lạy Chúa Giêsu, hôm nay là ngày bắt đầu năm phụng vụ, Giáo Hội, Mẹ chúng con, nhắc nhớ cho chúng con một điều thật quan trọng mà chúng con lại thường hay quên. Ngày Chúa quang lâm, cũng là ngày kết thúc cuộc đời chúng con ở đời này. Chúng con sẽ bước vào cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu và không thay đổi. Có thể chúng con sẽ hạnh phúc muôn đời, mà cũng có thể sầu khổ muôn đời. Xin giúp chúng con biết chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phú quý trần gian. Xin đừng để những thú vui mau qua làm chúng con xa lìa Chúa. Xin giúp chúng con biết tỉnh thức để luôn sống trong ân nghĩa cùng Chúa luôn. Amen

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

HÃY TỈNH THỨC


Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. (Lc 21, 36)

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc Chúa sẽ đến bất thình lình, mời gọi mọi người biết sống tỉnh thức và sẵn sàng, để khi cái chết ập đến, chúng ta sẵn sàng nghênh đón Chúa để đi vào đời sống vĩnh cửu. Trong khi chờ đợi, Chúa muốn mỗi người sống trung tín và trách nhiệm đối với tha nhân. Chúa không cho biết lúc nào Người đến, nhưng chắc chắn Người sẽ đến như “một chiếc lưới bất thần chụp xuống biển nhân gian”, nên đòi hỏi mọi người phải tỉnh thức “để có thể đứng vững trước mặt Con Người”(Lc 21,36).

Không thiếu những người cứ như mình không bao giờ chết, hoặc nghĩ có già mới chết… Rồi cứ sống thoải mái và nghĩ rằng, sắp đến ngày chết thì xưng tội, sẽ ăn năn, sẽ trở về với Chúa… Tại sao chúng ta nghĩ rằng mai làm việc đó, mà ngay hôm nay làm được mà không làm, rồi có sống đến ngày mai không. Cái chết đến có báo trước cho chúng ta không?

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình, Người Kitô hữu luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời và làm chứng cho Tin Mừng khi sống chu toàn bổn phận của mình, khi sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Có như vậy, mới đáng được Chúa thưởng công.

*******


Lạy Chúa, cuộc sống mai sau được dệt bằng những gì chúng con đã nói và hành động nơi dương thế này. Xin cho chúng con trong khi hướng về quê trời thì cũng biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm làm người con Chúa nơi cuộc lữ hành trần thế hôm nay, để bất cứ giờ nào Chúa viếng thăm, Chúa vẫn thấy chúng con đang tỉnh thức và sẵn sàng, để được cùng Chúa vào hưởng phúc bất diệt. Amen.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

LỜI CHÚA MÃI LUÔN TRƯỜNG TỒN


Trời đất này sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ không qua đâu. (Lc 21, 33)

Câu nói này của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, nói lên sự mong manh của yếu tố vật chất (trời đất) và sự bền vững của yếu tố tinh thần (Lời Chúa), khẳng định lời Chúa Giêsu nói phải được ứng nghiệm, dù thời gian có biến đổi qua bao thế hệ. Và thật đúng như vậy, trải qua hơn hai ngàn năm rồi, bao thế hệ đã đã qua đi, bao công trình đã sụp đổ và biến đổi, bao nền văn minh đã biến mất, nhưng Lời Chúa thì vẫn trước sau như một, được loan báo và tồn tại. Mỗi ngày Lời Chúa vẫn vang lên trên khắp các giáo đường, nơi mọi gia đình và mọi nẻo đường của các nhà truyền giáo. Thánh Kinh - bản văn Lời Chúa - vẫn có nhiều ấn bản nhất, nhiều người biết nhất và có thời gian phát hành lâu nhất so với tất cả mọi thứ sách vở khác.

Như vậy, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, hai bài học mà Chúa dạy chúng ta là:

• Nhận ra dấu chỉ của thời đại chúng ta đang sống để luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa, dù chúng ta đang ở giai đoạn nào của đời người và đời sống, thì vẫn luôn đặt Thiên Chúa là chủ vận mệnh của cuộc đời và cuộc sống chúng ta.

• Tin vào lời Chúa và yêu mến Lời Chúa, vì rồi tất cả sẽ qua đi, nhưng lời Chúa hứa với chúng ta sẽ không bao giờ mai một. Bởi Lời Chúa là sự thật, Thiên Chúa không thể dối trá, vì Người là Đấng Chân Thật. Hơn nữa, mọi lời Thánh Kinh đều được Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý linh hứng, nên sống theo Lời Chúa sẽ giúp chúng ta không bị sai lầm trong mọi lựa chọn của cuộc sống.

*******


Lạy Chúa! Xin cho chúng con ý thức sự mong manh chóng qua của thế giới vật chất, để chúng con biết xác định và chọn lựa Chúa mới là vĩnh cửu và cùng đích của thế giới và của kiếp người. Amen.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

THIÊN CHÚA SẼ CỨU CHUỘC NHỮNG AI TIN CHÚA


Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. (Lc 21, 28)

Thánh Luca trình bày biến cố Giêrusalem bị sụp đổ, tượng trưng cho cuộc phán xét cuối cùng của Thiên Chúa - Ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh được ứng nghiệm. Qua bài trích Phúc Âm, ta nhìn ra đường lối Chúa thật lạ lùng: Chúa thấy trước những tai hoạ sắp đổ xuống dân mình với cả những người đáng thương đang mang thai hoặc cho con bú, nhưng Chúa không đẩy tai hoạ đi giùm. Chúa không giải phóng dân Người ngay lúc đó. Chúa dành ra “một thời của dân ngoại”, mặc sức họ tung hoành. Trong nếp sống đạo đức của ta hình như cũng có thể có những lúc tương tự. Không biết có phải vì tội ta hay vì lý do nào khác nữa mà muôn thứ thử thách đổ dồn trên đầu ta làm ta tối tăm mặt mũi. Mọi sự trên trời dưới đất, mọi biến cố hầu như đều chống lại ta.

Nhưng trong mọi biến cố, những ai trung thành với Chúa thì không sợ gì cả, nhưng “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” vì chính mình được Chúa cứu độ. Thế gian rồi cũng qua đi, và Nước Chúa mới là vĩnh cửu.


******

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin vững mạnh, và xin Chúa giúp cho chúng con hiểu được lời Chúa muốn nói gì với mỗi người chúng con hôm nay. Từ đó, chúng con can đảm sống và tỉnh thức để chuẩn bị xứng đáng đón Chúa đến trong ngày sau hết. Amen.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

CHỌN CHÚA HAY CHỌN THẾ GIAN?


Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình. (Lc 21, 18-19)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước sự bách hại sẽ xảy đến cho các Kitô hữu, đồng thời Chúa cũng hứa ban Thánh Thần cho những ai can đảm tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Chúa Giêsu tiên báo điều này đã ứng nghiệm từng câu chữ trong những thời kỳ bách hại. Biết bao người mang danh Kitô hữu đã phải chịu bắt bớ, ngược đãi, loại bỏ, tù đày, tra tấn và bị giết chết để làm chứng cho Chúa Kitô.

Ngày nay, sự bách hại vẫn diễn ra, nhưng mang tính tinh vi và trường kỳ. Vì danh Chúa, người môn đệ phải đối diện với những thử thách do nội tâm, do xác thịt, do cuộc sống và do xã hội gây nên. Để được vinh thân phì gia và được ca tụng, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…

Tuy nhiên, sau đó Chúa Giêsu cũng đã hứa sẽ giúp sức và ở cùng chúng ta chúng ta trong những cơn nguy bách đó. Thật vậy, trong hành trình sống đạo, chúng ta có Thiên Chúa luôn quan phòng đồng hành qua bảy ân sủng của Chúa Thánh Thần, nhất là sự khôn hiểu biết và mạnh bạo để làm chứng cho Chúa. Tình thương Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc con người và bao bọc con người, bảo vệ cho con người được an toàn và luôn vui hưởng hạnh phúc, hãy luôn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, người luôn gìn giữ chở che.

******

Lạy Chúa, để theo Chúa, chúng con luôn bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực, xin cho chúng con sẵn sàng vượt lên mọi quyến luyến sự đời, trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khoát chọn Chúa và bước theo Người. Amen

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

HÃY TỪ BỎ MÌNH VÀ VÁC THẬP GIÁ MÌNH


Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo (Lc 9,23)

Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ. Bỏ được có thể là rất đau, nhưng đó là một đòi hỏi của Tin Mừng. Các thánh Tử Đạo đã thực hiện được điều này trong thời bách hại. Còn chúng ta hôm nay, một khi đã bước theo Chúa, đã trở thành một người con của Chúa trong Hội Thánh, chúng ta có để cho con người cũ chúng ta mục nát đi, có cởi bỏ những gì không thích hợp với một Kitô hữu không, đặc biệt là hãy chết đi cho tội lỗi để được sống như Đức Kitô, nghĩa là hãy giết chết những gì thuộc về thế gian trong con người cũ của ta không?

Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Các thánh Tử Đạo ngày xưa chấp nhận hy sinh, thay vì nghe lệnh vua quan mà chà đạp lên thập giá, các ngài đã chấp nhận ôm lấy thánh giá và vác đi, là hy sinh, chịu thử thách và chấp nhận bỏ mình tuyệt đối kể cả mạng sống để theo Chúa đến cùng. Xin cho chúng ta ngày hôm nay, dù không phải đổ máu và chết đi cách trực tiếp vì sự bách hại công khai không còn nữa. Nhưng vẫn còn đó những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hy sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lề luật Chúa, để mai ngày chúng ta cũng được hợp với chư thánh Tử Đạo là cha ông của chúng ta trên trời.


******


Lạy Chúa! Cuộc đời theo Chúa là một cuộc tử đạo trường kỳ với bao thử thách gian nan và bách hại, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

CÁCH CHO


Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. (Lc 21, 3a)

Người ta thường nói: “Của cho không bằng cách cho”. Bài Tin Mừng kể lại việc dâng cúng của người Do-thái. Trong khi các quan chức và những người trưởng giả khệ nệ đổ xoang xoảng số tiền của mình vào hòm công đức, thì một bà goá nghèo chỉ có hai đồng xu kính cẩn và nhẹ nhàng bỏ vào.

Thế mà dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, chính bà góa này mới là người dâng cúng nhiều nhất, vì đã dâng cho Thiên Chúa cả lòng yêu mến và đó là điều Thiên Chúa cần. Còn những trưởng giả kia mặc dù số bạc của họ gấp ngàn lần số bạc của bà góa, nhưng lòng yêu mến của họ không bằng một phần trăm của bà, vì họ chỉ dâng số dư thừa, hoặc dâng để phô trương và để được người đời khen tặng mà thôi.

Phải, khi nghe Bài Tin Mừng này, xin mọi người hãy tự vấn xem, những lần mình làm phúc cho ai, cho giáo xứ hay cho các hội đoàn cái gì, chúng ta đã làm điều đó theo thái độ nào?

*******


Lạy Chúa, loài người chúng con vốn thích phô trương và làm việc gì cũng muốn cho thiên hạ biết để được ca ngợi. Xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn và quảng đại đóng góp cho công việc nhà Chúa và giúp đỡ tha nhân, mà không mong gì hơn là được biết rằng chúng con đang thi hành ý Chúa.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

CHÚA GIÊ-SU LÀ VUA


Đức Giê-su đáp: “Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18,36)

Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, chúng ta chiêm ngưỡng một vị vua chịu đóng đinh, một vị vua là Tình Yêu đã chết cho nhân loại và để giải phóng nhân loại. Hình ảnh vị vua Giêsu không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không quân đội, không thần dân và không vương quốc theo nghĩa thế gian. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá. Vì vậy, mọi Kitô hữu chúng ta, khi quỳ hôn chân thập giá, suy tôn Chúa Giêsu là vua, thì chúng ta cũng phải tìm cho vinh quang Chúa, chứ không phải cho vinh quang mình; hy sinh cho mọi người, chứ không phải lo vinh thân. Khi chúng ta chỉ biết lo cho mình và mặc kệ với kẻ khác, thì là lúc chúng ta đang chọn vật chất làm vua thay vua Giêsu trong tâm hồn chúng ta.

Chúa Giêsu là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Chúng ta cần ngắm nhìn Ngài trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng yêu thương và tha thứ. Xin Chúa Giêsu là Vua Tình yêu ngự trị trong trái tim nhân hậu của chúng ta khi đến với tha nhân.

********


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết nhìn lên thập giá Chúa là dấu chứng của tình yêu hi sinh, để chúng con cũng biết hiến thân phục vụ tha nhân trong phận mình, hầu được chính Chúa thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời, nơi đó có Chúa là Vua Tình Yêu đang chào đón chúng con. Amen

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

HÃY LÀ NGƯỜI NHÀ CỦA CHÚA


Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi  (Mt 12,50)

Khi đọc đoạn Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay, ít nhiều sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.

Khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Elizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ. Chúng ta cũng vậy, sau khi nhận ra Chúa - cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta hãy mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.

********


Lạy Chúa! Chúng con là những người được phúc nghe Lời Chúa mỗi ngày, đặc biệt trong Thánh Lễ mà chúng con tham dự mỗi ngày. Xin cho chúng con biết sốt sắng lắng nghe, làm cho Lời Chúa tiêu hóa và lớn lên trong tâm hồn, để nhờ đó chúng con trở nên chứng tá đem Lời Chúa đến với tha nhân. Amen.

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

HÃY BIẾT TÔN TRỌNG NHÀ CHÚA


Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! (Lc 19, 46)

Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem, Người đã nổi giận xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta biết tôn trọng nơi thánh. Thật là lạ lùng, khi Đức Giêsu nhìn ra sào huyệt của bọn cướp ở nơi người ta buôn bán. Đó là vì, như chính chúng ta có kinh nghiệm, trong việc buôn bán thường hay xảy ra sự gian dối, lọc lừa, làm thiệt hại, thậm chí làm hại người khác (chẳng hạn ngày nay, người ta bỏ chất độc vào trong thực phẩm, làm giả thuốc tây…). Như thế, dưới cái nhìn của Chúa, có một tương phản rất lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đối, giữa Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán : một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi Dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài ; một đàng là sào huyệt của bọn cướp. Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối : nơi chốn của nhưng không, hiệp thông, của sự thật, của ý nghĩa, của ánh sáng, của hiền lành, của sự sống, trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, của vô nghĩa, nơi của bóng tối, nơi của bạo lực, nơi của sự chết. Sào huyệt của bọn cướp chính xác là như vậy.

Mặt khác, chính chúng ta  cũng là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự hằng ngày, khi làm Dấu Thánh Giá, và chúng ta vẫn hằng luôn tuyên xưng điều đó. Chúng ta hãy lo trang hoàng đền thờ chúng ta bằng các nhân đức việc lành để xứng đáng cho Thiên Chúa ngự.

********


Lạy Chúa! Xin cho chúng con ý thức trang nghiêm mỗi khi bước vào nhà thờ, ý thức sự hiện diện của Chúa để sốt sắng cử hành phụng vụ thánh. Xin cũng cho chúng con biết quý trọng thân xác và tâm hồn mình là đền thờ của Chúa Ba Ngôi hiển ngự, để chúng con luôn giữ mình trong sạch và biết trang hoàng đền thờ tâm hồn bằng những nhân đức thánh thiện. Amen

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

HÃY NHẬN BIẾT GIỜ CHÚA VIẾNG THĂM CHÚNG TA


Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm. (Lc 19, 43-44)

Toàn bộ các Tin Mừng, chỉ thấy nhắc tới hai lần Chúa Giêsu khóc, nhưng không phải khóc cho chính Người lúc giáng sinh hay khi chịu tử nạn, mà là khóc cho số kiếp của một người bạn (Lazarô) và khóc cho số phận của một dân thành đã không nhận ra giờ Chúa viếng thăm. Chúa Giêsu đã khóc, vì dường như bất lực trước sự cứng lòng của dân Do Thái thành Giêrusalem, Người làm được mọi sự, nhưng đối với sự cứng lòng của người Do Thái, Người không thể làm gì trước tự do của họ. Có thể nói, Thiên Chúa dường như bất lực trước sự tự do mà Người đã ban cho con người. Người Do Thái là dân Chúa chọn nên họ đáng hưởng nhiều đặc ân, nhưng thực tế họ không được gì. Bởi Chúa đã giáng sinh nơi quê hương họ để cứu chuộc họ, nhưng họ đã không đón nhận.

Ðiều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người sẽ mãi mãi mất đi cơ hội được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa. Giờ Chúa viếng thăm bất kỳ lúc nào trong mọi biến cố xảy đến cho từng người, nên cần sự tỉnh thức để nhận ra ý Chúa. Đặc biệt, như lần cuối cùng Chúa Giêsu lên Giêrusalem xưa và dân Do Thái đã mất đi cơ hội cuối cùng, thì này giờ Chúa viếng thăm cuối cùng trong cuộc đời dương thế của mỗi người, nếu không đón nhận Người thì sẽ vĩnh viễn đi vào cõi diệt vong.


******

Lạy Chúa, Chúa đã khóc thương Giê-ru-sa-lem trước viễn tượng thành thánh bị hoang tàn đổ nát. Xin cho con cũng biết thương cảm thân phận tội lỗi, yếu hèn của chính mình mà đón nhận ân sủng của Chúa đã trao ban qua các Bí tích và Hội Thánh của Người; nhờ đó con biết thật lòng ăn năn sám hối và sống theo Tin Mừng của Chúa, để thời gian sống: ngày giờ năm tháng có ý nghĩa hơn trong cuộc viếng thăm của Người. Amen.

HÃY LUÔN VỮNG TIN VÀO CHÚA


Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoàn nghi” (Mt 14,31)

Trong cuộc sống Kitô hữu, Đức Tin là điều quan trọng. Chúng ta vẫn tin có Chúa, vẫn đi lễ, rước lễ hằng ngày, làm việc thiện, việc bác ái giúp đỡ người khác; nhưng đôi lúc, chúng ta đã làm những việc đó như một người máy hay theo một thói quen. Do đó, thật là tồi tệ khi ta gặp phải rủi ro hay thất bại nào..., vì ta đã đối phó bằng cách để Chúa qua một bên, bỏ hết mọi việc từng làm. Dần dần, ta không còn giữ được đức tin và lúc này tâm trạng của ta rất giống tâm trạng của thánh Phêrô khi được Chúa cho đi trên mặt biển. Mỗi người chúng ta thử nhìn xem mình sống đạo ra sao, mình thực sự có đức tin chưa? Hay chúng ta tin vì thấy bạn bè mình tin, không tin không được. Hay ta chỉ tin vì được sinh ra trong một gia đình công giáo v.v...

Lạy Chúa, chúng con thật hạnh phúc vì có Chúa luôn ở bên chúng con. Chúng con tin tưởng Chúa luôn bảo vệ chúng con, Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng con. Nhưng Chúa ơi, sống đức tin trong thời đại hôm nay cũng khó khăn tựa như đi trên mặt biển. Có biết bao cám dỗ khiến chúng con xa lìa Chúa. Có biết bao những sóng gió khiến chúng con đánh mất niềm tin nơi Chúa. Xin Chúa thương nâng đỡ niềm tin còn yếu kém của chúng con để dầu đứng giữa những nghi nan của dòng đời, những sóng gió cuộc đời, chúng con vẫn luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa. Xin giúp chúng con biết noi gương thánh Phê-rô mà thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin cứu con”.


********

Lạy Chúa, Chúa là sức mạnh và là thành luỹ bảo vệ đời chúng con. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa dù gặp những gian nan. Xin cho chúng con biết nương tựa vào Chúa trong những lúc khó khăn và nguy hiểm của dòng đời. Xin cho chúng con biết tin tưởng và an vui nép mình bên Chúa. Amen.

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

HÃY SINH LỢI CHO NƯỚC CHÚA


Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi. (Lc 19, 27)

Thiên Chúa trao cho chúng ta ân huệ tuỳ khả năng từng người, rồi Người ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, tài năng, để chúng ta làm sinh lợi cho Ngài.

Người nhận hai nén và năm nén đã sinh lợi gấp đôi, nghĩa là những ai biết dùng ơn Chúa để hoàn thiện bản thân và mưu ích cho tha nhân, cho cộng đoàn, giáo xứ và Giáo Hội.

Người nhận một nén đã chôn giấu đi, nghĩa là dù mang trên mình ấn tích rửa tội nhưng đã không sống đạo, đã để cho hạt giống đức tin bị chôn vùi và không sinh hoa trái gì cho đời sống thiêng liêng.

Ngài đã  ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi. Ngài ban cho chúng ta ơn đức tin qua Hội Thánh, chúng ta cần làm cho đức tin lớn mạnh qua việc thực thi đức ái Kitô Giáo, chứ không phải cứ lấy lý do “đạo tại tâm” rồi không làm gì cả. Người làm sinh lợi là người tin tưởng và yêu mến ông chủ nên đã tự nguyện làm việc nên đáng được ông chủ thưởng công; còn người sợ ông chủ và nghĩ xấu về ông chủ là người hà khắc nên đã sợ sệt đem chôn giấu nén bạc. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa mà sống đạo, thì sự yêu mến sẽ tự sinh hoa kết quả; còn khi chúng ta làm vì sợ Chúa phạt thì không đem lại công phúc gì.


*******

Lạy Chúa! Chúa ban cho chúng con khả năng và thời giờ để tiếp nối công trình tạo thành và cứu chuộc của Chúa, xin cho chúng con biết dùng ân huệ đó mà phụng sự Chúa và phục vụ anh em, chứ không phải giữ lại cho riêng mình và không làm sinh lợi gì cho nước Chúa và phần rỗi đời đời của chúng con. Amen.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

HÃY TÌM ĐẾN VỚI CHÚA


Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất (Lc 19, 10)

Câu chuyện Ðức Giêsu hoán cải người thu thuế làm nổi bật vai trò của Người: Người đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất. Chính Ðức Giêsu luôn đi bước trước, chỉ cần chúng ta biết mở lòng đón nhận Chúa. Như trong bài Tin Mừng, ông Giakêu đã tìm mọi cách để xem cho biết Chúa là ai. Và sau khi được Ðức Giêsu trao ánh mắt thân thương, được đối thoại và được Ðức Giêsu thăm viếng, ông đã biến đổi hoàn toàn. Ông đã sẵn sàng đền bù những của cải bất công và thực thi lòng quảng đại phi thường.

******


Lạy Chúa Giêsu, chính vì gặp được Ngài mà cuộc đời của người thu thuế đã được biến đổi. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa mỗi ngày và mở lòng tiếp rước Chúa qua bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa. Ðể nhờ sức mạnh và ân sủng của Chúa, chúng con cũng được đổi mới, từ bỏ những việc làm bất chính tội lỗi, mà trở nên xứng đáng với ơn cứu độ Chúa ban. Amen.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

HÃY KHAO KHÁT GẶP CHÚA


Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh. (Lc 18, 42)

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một anh mù được Chúa Giêsu thương chữa lành, nhờ lời kêu xin khẩn thiết và lòng tin của anh ta. Anh mù đáng làm gương cho chúng ta: anh ý thức mình cần Chúa, anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn; anh còn thay đổi được những tấm lòng hẹp hòi của những người chung quanh. Nếu chúng ta làm như anh mù này, thì mặc dù mọi người ngăn cản chúng ta, và mặc dù ban đầu xem ra Chúa không nghe tiếng chúng ta, nhưng cuối cùng Ngài sẽ dừng lại, ưu ái gọi chúng ta đến và biến đổi đời sống chúng ta.

Khi người mù thành Giêrikhô lên tiếng tỏ ý muốn gặp Chúa Giêsu thì người ta đã quát mắng, bảo anh ta phải im đi. Đám đông dân chúng ban đầu là những người giúp anh mù biết được có Chúa Giêsu đi qua, nhưng cũng chính đám đông đó quát mắng bắt anh im lặng và ngăn cản anh gặp Chúa. Trong cuộc sống, đôi khi có những người bảo cho ta biết có Chúa, nhưng cũng chính họ cản bước chúng ta đến với Người, qua lời nói và hành động của họ. Nhưng dù thuận tiện hay không thuận tiện, để được gặp Chúa và được Chúa chữa lành bệnh tật thể xác hay tâm hồn, chúng ta cần phải có một sự khao khát mãnh liệt, dám vượt qua mọi chướng ngại, mọi khó khăn để đến với Chúa và hết lòng kêu xin Người.


******

Lạy Chúa, sự mù lòa tâm hồn còn đáng sợ hơn thể xác. Xin giải thoát chúng con khỏi sự mù lòa thiêng liêng, để chúng con luôn bước đi trong ánh sáng lời Chúa và trong đường ngay nẻo chính. Amen.

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM


Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. ….. Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần. (Lc 9, 23-26)

Tất cả chúng ta, dù sống ơn gọi gia đình hay ơn gọi tu trì, đều cảm thấy lời mời gọi này của Đức Giê-su thật khó hiểu: tại sao lại phải từ bỏ chính mình? Tại sao lại phải vác thập giá hằng ngày? Và không chỉ khó hiểu, nhưng còn khó sống nữa. Khó hiểu và khó sống, nhất là trong bối cảnh của thời đại chúng ta; bởi lẽ, thời này, người ta, và có khi là chính chúng ta nữa, ưa chuộng và tìm cách tôn vinh bản thân mình, hơn là từ bỏ chính mình, ưa chuộng và tìm cách hưởng thụ những lạc thú, hơn là vác thập giá của mình hằng ngày vì lòng mến Đức Ki-tô và để đi theo Đức Ki-tô.

Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

******


Lạy Chúa! Các thánh Tử Đạo ngày xưa chấp nhận hy sinh, thay vì nghe lệnh vua quan mà chà đạp lên thập giá, các ngài đã chấp nhận ôm lấy thánh giá và vác đi, là hy sinh, chịu thử thách và chấp nhận bỏ mình tuyệt đối kể cả mạng sống để theo Chúa đến cùng. Ngày hôm nay, dù không phải đổ máu và chết đi cách trực tiếp vì sự bách hại công khai không còn nữa. Nhưng vẫn còn đó những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, Xin cho chúng con biết chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hy sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lề luật Chúa, để mai ngày chúng con cũng được hợp với chư thánh Tử Đạo là cha ông của chúng con trên trời.

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

HÃY KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN


Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? (Lc 18,7)

Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công Giáo, chính là thể hiện niềm tin, phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện, đồng thời Người dạy mỗi chúng ta hãy kiên trì và trung thành khi cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện phải cần đến niềm tin và hy vọng, mà niềm tin cần đến sự thử thách và niềm hy vọng cần đến sự vững vàng kiên nhẫn.

Thiên Chúa có thể không ban trực tiếp điều ta xin, vì có thể làm cho chúng ta ỷ thế lười biếng chờ sung rụng, nhưng Người ban cho chúng ta sức khoẻ, thì giờ và phương tiện để chúng ta đạt được điều chúng ta ao ước chính đáng. Thiên Chúa là Cha hiểu thấu chúng ta cần gì và điều gì tốt cho chúng ta, Người sẵn sàng ban những ân huệ cần thiết, nhưng Người cần sự khao khát, phó thác và tâm tình của một người con thân thưa với Người. Khẩn cầu liên lỉ liên kết con người với Thiên Chúa cách khắng khít hơn, khiến con người phải ý thức hơn về tình trạng bất lực của riêng mình, nhận rõ hơn việc phải hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.


******


Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh: dù hạnh phúc hay đau khổ, chúng con luôn có một thái độ tín thác và kiên nhẫn. Xin soi sáng cho chúng con, để chúng con luôn xác tín rằng Chúa luôn lắng nghe và làm những điều tốt nhất cho chúng con. Xin cho chúng con luôn vui vẻ đón nhận tất cả từ Chúa trong bình an, tin tưởng và phó thác. Amen.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

NGÀY CHÚA QUANG LÂM


Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện. (Lc 17, 30)

Những ngày cuối năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho đọc những bài Tin Mừng liên quan đến việc Chúa Giêsu quang lâm và kêu gọi mọi người sẵn sàng tỉnh thức. Toàn cảnh Bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt nhấn mạnh đến hình ảnh cuộc quang lâm đầy tính bất ngờ và việc được cứu vớt hay bị tiêu diệt. Và để minh họa cho tính bất ngờ của ngày tận thế ấy, Chúa Giêsu dùng hai sự kiện cụ thể trong thời Cựu ước, đó là Lụt Đại Hồng Thủy thời Nôe và Lửa thiêu hủy Sôđôma thời ông Lót để mời gọi mọi người phải có thái độ sẵn sàng cho ngày ấy. 

Đây là ngày kẻ lành được thưởng công và kẻ dữ bị tiêu diệt. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi sống trong tâm thế sẵn sàng đón Chúa quang lâm, trong khi vẫn dấn thân xây dựng trần thế tốt đẹp theo ý Chúa. Việc sẵn sàng đối diện với ngày Chúa đến không phải lo tích trữ đèn nến hay lương thực để đối phó (vì chỉ vô ích) mà hãy lo chuẩn bị tâm hồn trong sạch để xứng đáng với ngày Vua Công Chính ngự đến.


*******

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết tỉnh thức trước những dấu chỉ của thời đại, nhận ra Chúa hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống và trong tha nhân ; xin cũng giúp chúng con biết giao hòa với Chúa và anh em, để trong ngày chung thẩm, chúng con được Chúa ân thưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

HÃY NHẬN RA SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA


Triều Ðại Thiên Chúa đang ở giữa các ông (Lc 17, 20b)

Khi Ðức Giêsu nói với người Do Thái “Triều Ðại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”, Ngài muốn nói tới triều đại Thiên Chúa chính là sự hiện diện của Ngài. Ðể nhận ra Nước Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Ðức Giêsu, chúng ta không thể dùng giác quan tự nhiên, mà phải nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng Nước Trời hiện diện ngay trong cuộc sống trần gian này, ngay trong tâm hồn chúng ta. Vì thế cuộc sống của chúng ta sẽ là bằng chứng sống động cho sự hiện diện của Nước Trời.

*******
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng: tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa…. để khi Chúa đến chúng con sẵn sàng cùng với Chúa bước vào quê trời vinh hiển. Amen.


Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

HÃY BIẾT TẠ ƠN CHÚA


Đức Giê-su nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18)

Bài Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe, chúng ta rất dễ nhận ra chín người Do Thái vô ơn còn người Samaria lại tỏ ra biết ơn hơn. Ðức Giêsu chữa cho mười người phong hủi được lành sạch, nhưng sau khi được lành, thì chỉ có một người trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, còn chín người kia thì không. Chỉ có một mình người Samari quay lại tạ ơn Thiên Chúa. Được chữa lành, anh ta tìm đến con đường quay về với Đấng đã cứu anh ta. Anh ta, người ngoại bang, đã sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ.

Chín trên mười người đã mau quên nguồn gốc đã chữa lành bệnh của họ, là Chúa Giêsu. Cả chúng ta cũng vậy, rất mau nói: “Xin thương xót chúng con!”, vậy có khi nào thì chúng ta tạ ơn Con Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta? 

*******



Lạy Chúa, hình ảnh người phong cùi ngoại giáo sau khi được chữa lành đã quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa, làm cho chúng con phải suy nghĩ. Chúng con được lãnh nhận biết bao ơn lành của Chúa: được làm con Chúa, được Chúa cứu chuộc, được chăm sóc dưỡng nuôi. Trong khi có biết bao anh chị em chưa được biết Chúa... Vậy mà chúng con đã vô ơn khi chúng con đã coi thường, bỏ phí những ân huệ ấy. Xin Chúa thay đổi con người chúng con, giúp chúng con tin tưởng vào Chúa. Ðể trong mọi hoàn cảnh chúng con biết nhận ra tình yêu của Chúa và nói lên lời cảm tạ tri ân. Amen.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

THEO CHÚA LÀ KHIÊM TỐN PHỤC VỤ


Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi (Lc 17, 10b)

Theo Chúa là đem cả cuộc đời mình hiến thân phục vụ anh em như một chuyện đương nhiên, không đòi hỏi được đền ơn, đáp nghĩa, được biểu dương hay khen thưởng. Tin Chúa, theo Chúa không để chi lo cho phận riêng mình cách ích kỷ, không chạy theo lợi lộc, không tìm thăng quan tiến chức, nhưng để phục vụ mọi người như lẽ sống đời mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn các môn đệ đề cao cảnh giác trước tính kiêu ngạo của những người biệt phái và luật sĩ. Họ quan niệm Thiên Chúa như một ông chủ hà khắc, chi li, thưởng phạt tùy theo công đức của mỗi người. Chính vì thế mà họ coi những việc lành phúc đức như ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí… là những việc lành mà Thiên Chúa buộc phải ân thưởng bội hậu cho họ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh lại quan niệm về Thiên Chúa mà chúng ta đang có, cũng như cách diễn tả niềm tin của chúng ta:

- Liệu chúng ta đã tính toán so đo với Chúa trên cách sống đạo của chúng ta?

- Liệu chúng ta đã giơ tay cầu nguyện, xin lễ, ăn chay, hãm mình và làm bao nhiêu những việc lành phúc đức khác để cốt Thiên Chúa trả công và chúc lành cho những công việc làm ăn và cuộc sống của chúng ta?

- Liệu có những lúc chúng ta tự phụ rằng, những thành công và may mắn chúng ta đang có là một ân thưởng mà Thiên Chúa đã ban tặng vì công nghiệp và hy sinh của chúng ta…?


****

Lạy Chúa! Sống đức tin là sống phục vụ. Có làm được điều gì tốt lành thì đó là việc phải làm chứ chẳng có gì để mà vênh vang tự đắc hay có quyền đòi Chúa hay mọi người biết ơn. Do đó, mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con phải khiêm tốn tự nhận mình chỉ là “người tôi tớ tầm thường, vì đã làm việc bổn phận đấy thôi.” Xin cho chúng con biết lo chu toàn nghĩa vụ của một người con Chúa mà không so đo tính toán hay tìm vinh danh cho mình, nhưng tất cả theo ý Chúa và cho vinh quang Chúa. Amen.

HÃY LUÔN BIẾT THANH TẨY ĐỀN THỜ CỦA CHÚA


Đền thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (Ga 2,21)

Chúa đã tỏ ra oai nghiêm và quyết liệt khi dùng roi xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ mà không ngại bị họ thù ghét, làm hại. Nếu Chúa sống trong thời đại của chúng con hôm nay, chắc hẳn Chúa cũng đã phải mạnh tay hơn để tẩy uế, khi nhiều ngôi Thánh Đường bị coi thường. Một số nhà thờ vì không có khuôn viên và chung quanh là đường đi, nên bị một số người thiếu ý thức đem rác đến đổ bừa bãi, biến sân nhà thờ trở thành một bãi rác công cộng, mất vẻ mỹ quan nơi Nhà Chúa. Rồi những phần tử bất hảo cũng kéo đến tổ chức ăn nhậu, bài bạc, hút chích...gây cảnh ồn ào náo loạn, làm mất sự trang nghiêm trật tự lẽ ra phải có ở nơi dành riêng cho việc thờ phượng.

Một vấn đề nữa là, thân xác con người ngày nay lại bị xem như món hàng để trao đổi hay kinh doanh. Họ dùng thân xác để kiếm tiền, để tiến thân hay tệ hơn chỉ là để hành lạc thỏa mãn thú tính của mình. Xem ra con người hôm nay coi thường thân xác đến mức độ dễ dãi với chính thân xác mình. Có những người dùng thân xác để kiếm tiền và điều đáng tiếc là họ không bao giờ hối hận vì điều mình đã làm. Đây là một vấn nạn rất nan giải cho thời đại hôm nay. Khi mà người ta không còn nhìn nhận sự linh thánh nơi thân xác thì người ta sẽ dùng thân xác để tìm mối lợi, đôi khi chỉ là trao đổi thỏa mãn một nhu cầu sinh lý cho nhau mà thôi. Nếu Chúa Giê-su hôm nay nhìn đến đền thờ là thân xác chúng ta, Ngài có hài lòng hay Ngài vẫn phải nhất quyết thanh tẩy đền thờ của Ngài. Đền thờ của chúng ta là thân xác đã bị ô uế bởi danh lợi thú. Đền thờ là tâm hồn đã bị hoen ố bởi đam mê thấp hèn. Đền thờ đã bị tục hóa vì chỉ để tìm kiếm lạc thú hay đồng tiền bất chính.


****


Lạy Chúa! Xin cho chúng con can đảm đóng góp phần mình vào việc tẩy uế đền thờ bằng mọi phương cách. Nhất là xin cho chúng con đừng lạm dụng thân xác như món hàng trao đổi, mà biết gìn giữ vẻ đẹp thanh cao nơi thân xác con người là hình ảnh của Chúa, và là đền thờ cho Chúa ngự. Amen