Translate

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

LỜI CHÚA LÀ LỜI CÓ UY QUYỀN


Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. (Lc 4, 31-32)

Xã hội ngày hôm nay đầy những sự dữ. Sự dữ tung hoành ngang ngược, sự dữ thống trị đến nỗi con người đang trở thành “chó sói của nhau”. Xã hội dường như đang bất lực trước triều sóng sự dữ. Con người bất lực với sự dữ nhưng Thiên Chúa thì thống trị sự dữ. Năm xưa sự hiện diện của Chúa Giê-su luôn mang lại bình an, hoan lạc . Sự hiện diện của Chúa là để chữa lành, để phục sinh. Chính Chúa còn đến để đẩy lùi sự dữ, ma quỷ lâu nay khống chế con người, sai khiến con người hành động theo ý ma quỷ, Chúa Giê-su đã xua trừ ma quỷ. Ngài thanh lọc con người khỏi ràng buộc ma quỷ, Ngài phục hồi sự tự do cho con người sau bao ngày tháng làm nô lệ ma quỷ trong những đam mê lầm lạc.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca giới thiệu cho chúng ta sức thu hút và uy quyền của Lời Đức Giêsu. Trước lời giảng dạy của Đức Giêsu, dân chúng kinh ngạc, lạ lùng về giáo huấn khác thường của Ngài. Cũng chính từ lời Ngài có sức mạnh khiến thần ô uế phải nhào xuống và ra khỏi bệnh nhân. Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy phó thác cuộc đời cho Chúa. Hãy để Chúa gìn giữ chúng ta khỏi mọi sự dữ, hãy để Chúa bồng ẵm chúng ta qua những hiểm nguy dòng đời, để nhờ Chúa chúng ta được bình an. Là  Ki-tô hữu chúng ta cũng hãy trở thành khí cụ bình an của Chúa. Ước gì đời sống chúng ta luôn họa lại chân dung tình yêu của Chúa giữa lòng thế giới đầy hận thù chiến tranh. Xin đừng để những đam mê bất chính làm đánh mất tình người trong ta.


*******


Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là người thầy dạy có uy quyền, lời Chúa nói có thể thay đổi vận mạng một đời người. Lời Chúa nói có thể làm cho ma quỷ khiếp sợ. Lời Chúa đã mang lại bình an và hoan lạc cho biết bao con người. Xin dạy chúng con biết sống đúng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa. Xin thánh hoá môi miệng, để chúng con nói lời của Chúa. Xin cho lời chúng con nói luôn mang lại tình hiệp nhất, yêu thương. Xin loại trừ trong chúng con những lời thoá mạ anh em, những lời cay độc kết án anh em. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự dịu hiền và khiêm nhường để chúng con sống và làm nhân chứng cho Chúa. Xin dẫn dắt chúng con đi theo chân lý vẹn tuyền. Xin đừng để chúng con lạc xa tình Chúa và tình anh em. Amen

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

THẦN KHÍ CHÚA SAI TÔI


Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng (Lc 4, 18-19)

Chúa Giê-su đã khẳng định Ngài đến vì người nghèo. Ngài nói rằng “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh” nói về Ngài: một con người của thần khí, một con người của yêu thương, một con người phục vụ cho người nghèo và vì người nghèo. Cả cuộc đời Chúa đã làm cho lời các ngôn sứ thành hiện thực. Phục vụ người nghèo và những người bất hạnh cũng là sứ vụ của người ki-tô hữu. Vì chưng “người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau.” Người ki-tô hữu cũng phải có trái tim chạnh lòng thương đối với người nghèo. Người ki-tô hữu cũng phải để cho lời ứng nghiệm của Kinh thánh được tròn đầy khi biết sống phục vụ và yêu thương.

Sứ mạng của chúng ta cũng phải nối tiếp sứ mạng Chúa Giêsu, là mang Phúc Âm và ơn cứu rỗi cho mọi người. Nếu có ưu tiên cho ai, thì đó là những kẻ nghèo khổ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, chứ không phải là những người bà con, bạn bè thân thuộc chúng ta. Thế nào là “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Những người nghèo khổ quanh tôi là ai? Tôi có quan tâm ưu tiên đến việc rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho họ chưa? Ước gì đời sống chúng ta cũng họa lại chân dung tình yêu của Chúa cho tha nhân.


********


Lạy Chúa ! Người bất hạnh vẫn có mặt ở mọi thời mọi nơi. Xin giúp chúng con biết dấn thân để xoa dịu những đau khổ, thương tích cho anh em. Xin cho chúng con luôn là làn gió nhẹ để gieo vào nhân thế tin mừng của yêu thương, của hạnh phúc, để chúng con đẩy xa những thù oán, những giận hờn ghen ghét. Xin giúp chúng con luôn là sứ giả của Chúa đang đưa men của yêu thương, của bác ái, của phục vụ thẩm thấu vào thế gian.Xin dạy chúng con biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

ĐỪNG BẤT CÔNG VỚI LINH HỒN


Trong chúng ta cũng đều có “hai người con” trong đời mình, đó là linh hồn và thân xác. Thân xác này nay còn mai mất thì được nhiều người chăm sóc chiều chuộng tối đa, còn linh hồn trường sinh bất tử thì chẳng được đoái hoài.

Xem ra người ta luôn chiều chuộng thân xác, kể cả những điều tội lỗi trụy lạc. Xem ra người ta luôn dành mọi thời giờ cho thân xác, và cứ như thế hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm kia. Trong khi linh hồn thì bị bỏ rơi, không được đoái hoài! Đó là một bất công không thể chấp nhận được và mang lại hậu quả đau thương cho cuộc sống mai sau, vì không sớm thì muộn, cái chết cũng sẽ đến để cướp hết những gì người ta đang có và hủy hoại thân xác ra không. Cuối cùng thân xác con người chỉ là một nhúm bụi đất còn linh hồn thì phải trầm luân muôn đời muôn kiếp.

Qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su kêu gọi mọi người hãy đối xử công bằng với linh hồn mình. Đừng như những người Do Thái quá chú trọng đến sự sạch sẽ thân xác mà xem thường sự trong sạch tâm hồn. Họ giữ luật vụ hình thức nên chỉ chú trọng bề ngoài mà quên gìn giữ vẻ đẹp của tâm hồn. Chúa Giê-su cho họ thấy rằng: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.

*******


Ước gì chúng ta hãy để cho Lời Chúa sửa lòng mình, để bên trong lẫn bên ngoài được tốt đẹp. Đó là điều mà Chúa muốn chúng ta hãy để cho Chúa uốn nắn, sửa dạy nên tốt hơn. Xin đừng chú tâm đến vẻ đẹp thân xác mà quên để Chúa uốn nắn thêm xinh tươi cho tâm hồn. Amen

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

HÃY SỐNG NHƯ LÀ MỘT NGÔN SỨ

Nhìn vào cuộc đời Thánh Gioan Tẩy giả, dường như ông là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành, bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng phải chết thảm không toàn thây. Thế nhưng Đức Giêsu khi nói về Thánh Gioan, Ngài đã đề cao Thánh Gioan vượt lên trên tất cả, đến nỗi: “Trong các con cái do người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” (Lc 7, 28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa không phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống. Thái độ sống của Thánh Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật, bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết. Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế. Đức Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi, cũng gánh lấy tù tội và cái chết.


Là Kitô hữu, chúng ta không cần phải làm được những chuyện phi thường, hiển hách như Thánh Gioan hay như các Thánh Tử Đạo, nhưng với tư cách ngôn sứ chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu. Với tư cách là Tẩy Giả, chúng ta có thể thanh tẩy môi trường sống trong sạch hơn, đẹp đẽ hơn. Hãy can đảm tẩy rửa những bụi bặm, những thói hư tật xấu từ trong tâm hồn của mình đến tâm hồn anh chị em chúng ta. Hãy canh tân đời sống theo tin mừng của Chúa hầu xứng đáng là nhân chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

HÃY TỈNH THỨC



Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào. (Mt 25, 13)

Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng trải qua những giây phút chờ đợi. Chờ đợi có thể sẽ rất buồn và rất lâu nhưng cũng có thể chờ đợi là niềm vui và hạnh phúc vì người ta chờ đợi sẽ đến, việc ta mong sẽ thành. Như vậy, chờ đợi để đón nhận một niềm vui, chờ đợi là để tiếp tục một công việc. Chờ đợi là nhịp cầu để chúng ta hoàn thành một công việc, hoàn thiện một ước mơ. Chờ đợi là một điểm nhấn cần có trong cuộc sống để chúng ta nắm bắt những cơ hội tốt hơn trong cuộc sống.

Chúa Giê-su bảo cuộc sống chúng ta cũng có một bến đợi. Nơi bến đợi đòi hỏi chúng ta phải làm việc. Bến đợi không ngồi chờ sung rụng, không ngủ mê trong lười biếng. Bến đợi cuộc đời đòi buộc chúng ta phải tỉnh thức. Tỉnh thức để luôn chu toàn bổn phận. Tỉnh thức để luôn chuẩn bị đủ dầu thắp sáng giữa đêm tối đầy những cạm bãy rình chờ. Đừng như những trinh nữ khờ dại vì lười biếng mà bỏ lỡ cơ hội dự tiệc vui Nước Trời. Hãy sẵn sàng như các cô trinh nữ khôn ngoan luôn tỉnh thức để được cùng tân lang vào trong phòng tiệc. Chúa đến bất chợt, hôm nay, ngày mai hay một ngày gần đây. Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho giờ đó? Hay chúng ta chỉ mải sống trong nếp sống cũ? Hãy tỉnh thức để đón chờ ngày Chúa đến gọi ta.


*******


Lạy Chúa! Xin giúp chúng con đừng bao giờ để mình bị ngụp lặn trong tội lỗi, nhưng luôn sống có mục đích, biết phấn đấu vươn lên không ngừng, biết tránh xa tội lỗi và chu toàn bổn phận của mình. Nhờ vậy, chúng con mới là những trinh nữ khôn ngoan xứng đáng tham dự tiệc vui thiên quốc. Amen

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

HÃY CANH THỨC VÀ HÃY SẴN SÀNG


Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.  Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.(Mt 24, 42-44)

Nhiều người hay có khuynh hướng “để ngày mai”, vì nghĩ họ còn nhiều thời gian để làm. Biết bao nhiêu người có thái độ này đã phải hư đi, vì: Thứ nhất, họ không biết ngày giờ nào là ngày tận thế của họ, thực tế dẫn chứng nhiều người đã chết khi tuổi vẫn còn trẻ. Thứ hai, một khi đã ở quá lâu trong vũng lầy của tội lỗi, họ không còn muốn thoát ra, và cũng không còn sức để vượt thoát được nữa.

Đây là cách cám dỗ rất hiệu nghiệm của ma quỉ và không biết bao người đã rơi vào bẫy này. Nhiều người nói tuổi tôi còn trẻ chắc Chúa chưa gọi về, cứ việc ăn chơi thỏa thích cho tới khi bước vào tuổi già rồi sẽ ăn năn trở lại. Người khác lý luận: Chẳng cần theo Đạo bây giờ để phải giữ bao nhiêu luật lệ và cứ phải xưng tội mãi, cứ chờ cho đến lúc nằm trên giường hấp hối, lúc đó sẽ trở lại cũng không muộn vì Thiên Chúa nhân lành sẽ trả công cho người làm một giờ cũng một nén bạc. Nhưng cuộc đời họ không học được chữ ngờ, Chúa cất họ đi khi họ chưa chuẩn bị như tên đầy tớ xấu xa trong Tin Mừng (Mt 24, 42-51) hôm nay.

Khuynh hướng này còn nguy hiểm hơn nữa khi được ma quỷ áp dụng để tước đoạt linh hồn con người. Các tín hữu, nhất là người trẻ, thường nghĩ mình còn cả cuộc đời để chuẩn bị cho Ngày Phán Xét, nên cứ việc ăn chơi thả giàn; đợi khi nào về già rồi sẽ tính chuyện ăn năn trở lại cũng không muộn. Hơn nữa, Thiên Chúa là Cha rất nhân lành, chỉ cần ít phút trở lại trên giường bệnh cũng đủ để vào Thiên Đàng, như trường hợp người trộm lành trên thập giá.

Biết bao nhiêu người có thái độ này đã phải hư đi, vì: thứ nhất, họ không biết ngày giờ nào là ngày tận thế của họ, thực tế dẫn chứng nhiều người đã chết khi tuổi vẫn còn trẻ. Thứ hai, một khi đã ở quá lâu trong vũng lầy của tội lỗi, họ không còn muốn thoát ra, và cũng không còn sức để vượt thoát được nữa.


*******

Lạy Chúa, con đang sống trong một xã hội đầy những lo lắng, nhất là những lo lắng cho cuộc sống đời này. Xin đừng để những lo lắng đời này làm cho con không còn sống tỉnh thức và sẵn sàng trong đời sống thiêng liêng. Xin cho con biết tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách sống gắn bó với Chúa, quan tâm và phục vụ tha nhân. Amen!

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

HÃY SỐNG THẬT


“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)

Vẻ bề ngoài không làm nên giá trị bên trong và nó cũng không phản ánh giá trị thực của con người! Thế nhưng, đôi khi với vẻ bề ngoài của ai đó đã làm chúng ta choáng ngợp? Dầu biết rằng “ chiếc áo không làm nên thầy tu”! Nhưng cuộc sống kim tiền hiện nay, vẻ bề ngoài vô cùng quan trọng nó có thể xoay chuyển tất cả, khiến cho người ta lẫn lộn giữa thực và hư! Chính vì vậy mà nhiều người đã cố tô son trát phấn cho mình hòng đánh lừa người khác. Họ giả mạo sự thanh cao để lừa gạt tiền cho dễ. Họ giả làm việc đạo đức để rửa tiền hay đánh bóng bản thân.

Những lối đạo đức giả hình của các kinh sư và Pharisêu đã làm Đức Giêsu bực mình. Ngài đã đả kích thái độ giả hình của những biệt phái. Họ như những mồ mả đẹp bên ngoài nhưng ẩn chứa bên trong là sự ô uế. Họ tỏ vẻ công chính nhưng lòng chất đầy sự tham sân si đến mức độ quên cả công bình, bác ái và trung tín.

Trong cuộc sống nhiều khi chúng ta cũng cố gắng che đậy những khuyết điểm, lỗi lầm của mình; để rồi lại an tâm tiếp tục phạm những lỗi lầm khác. Ước gì đời sống của chúng ta luôn chân thành trước mặt Chúa và tha nhân. Biết sống công bình bác ái hơn là những lễ vật mà không có tấm lòng. Xin cho chúng ta đừng tìm vinh quang cho bản thân bằng những việc đạo đức mà biết tôn vinh Chúa qua các việc đạo đức hằng ngày.

*******


Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là Đấng chân thật. Chúa cũng muốn chúng con sống ngay thẳng, thật thà. Chúa không muốn chúng con sống quanh co giả dối. Nhưng Chúa ơi, thói giả hình, giả tạo vẫn tồn đọng trong lối sống của chúng con. Chúng con chưa ngôn hành như nhất. Chúng con nói thì hay nhưng làm thỉ dở. Chúng con tuyên xưng Chúa trên môi miệng nhưng lại nuôi dưỡng trong lòng những gian ác, điêu ngoa, những tư tưởng dâm ô tội lỗi. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết thống nhất đời sống, thống nhất cái biểu lộ bên ngoài với cái tâm tình bên trong. Xin thêm sức để chúng con có thể canh tân cuộc sống của chính mình theo như lòng Chúa mong ước. Xin Chúa luyện cho chúng con một lương tâm trong sáng và nhạy bén. Để không bao giờ chúng con làm ngơ trước lầm lỗi của mình. Nhưng biết thẳng thắn nhìn nhận và mau mắn sửa đổi. Chỉ khi nào chúng con dám sống chân thành, chúng con mới được Chúa chúc phúc cho chúng con. Amen.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

KHÔNG SỐNG GIẢ HÌNH


Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia. (Mt 23,23)

Qua bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta giữ cả hai điều, đó là: trung thành giữ luật Chúa, đồng thời yêu thương anh em mình. Đôi khi trong cuộc sống chúng ta dễ có khuynh hướng chọn cái tuỳ phụ thay cho cái chính yếu. Chúng ta quan tâm đến hình thức mà ít chú trọng đến nội dung. Chúng ta đầu tư cho con kiến thức mà quên đầu tư cái đức cho con.

Trong đời sống đạo đôi khi chúng ta cũng nặng hình thức trình diễn mà quên sống đạo từ tình yêu. Nhiều người nước ngoài nhận xét rằng giáo dân Việt Nam rất siêng đọc kinh và dự lễ, nhưng sống với những người khác thì thiếu những đức tính vừa kể. Đạo ở Việt Nam là đạo nhà thờ chứ không phải là đạo của cuộc sống. Chúng ta chú trọng đến luật thật tỉ mỉ, nhưng lại lỗi công bình, bác ái và thiếu yêu thương. Người biệt phái họ lo rửa tay, rửa chén bát mà lòng đầy gian tham, độc ác. Đôi khi chúng ta cũng chú trọng việc đi lễ mà thiếu lòng sám hối, thiếu tâm hồn hoán cải nên người tốt theo tin mừng. Có lẽ Chúa sẽ buồn vì lối sống thiếu tình yêu của chúng con? Chúa cũng buồn lắm khi mà số người đến nhà thờ vẫn đông nhưng lại ít người tham dự thánh lễ cho tích cực sốt sắng. Chúa càng buồn hơn khi mà con số theo đạo thì nhiều mà giữ đạo chẳng bao nhiêu.

********

Lạy Chúa! Chúng con có đạo nhưng thiếu thực hành đạo, nên vẫn còn đó những thù hận, bất trung và phản bội tràn lan trong đời sống thường ngày của chúng con. Chúng con mang danh ki-tô nhưng những lời con nói, việc con làm lại phản ki-tô vì thiếu tình yêu đối với tha nhân. Xin ban cho chúng con ơn hoán cải để chúng con dám sống chân thật trước mặt Chúa và mọi người.



Chúng con cũng quá nặng hình thức mà quên đi điều quan yếu là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Xin giúp chúng con thật sự trưởng thành trong Ðức tin và tình yêu Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe lời Chúa dạy và thực thi trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

THÁNH BATÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ


Trong Tân Ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho rằng ông Nathanaen mà Tin mừng thánh Gioan nói đến, người mà ông Philipphê dẫn đến với Chúa Giêsu một cách hơi miễn cưỡng chính là tông đồ Batôlômêô.

Trong trình thuật hôm nay, Philipphê mời gọi ông Nathanael đến gặp Chúa và nói: “Đấng mà sách Luật Moses và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth.” Ông Nathanael liền bảo:  “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!”

Thành kiến giam hãm và ngăn cản con người không nhìn ra sự thật. Hai điều có thể ngăn cản Nathanael không đến với Chúa:

Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các làng mạc: Nathanael quê ở Cana; giữa Cana và Nazareth có thể có sự cạnh tranh vì hai làng rất gần nhau.

Thứ hai, theo Kinh Thánh, Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại Bethlehem là quê hương của vua David, chứ đâu xuất hiện tại Nazareth, một làng quê mùa phía Bắc như vậy. Đứng trước nhận định khinh thường như thế, Philip không nản chí, nhưng vẫn khuyến khích bạn: thì cứ thử đến mà xem! Nathanael có lẽ vì nể tình bạn với Philip, nên đi đến gặp Đức Kitô.

Quả thực, sự tương phản giữa quan niệm về một Đấng Messia vinh quang với nguồn gốc hèn hạ của Chúa Giêsu chính là một sự vấp phạm của mầu nhiệm nhập thể. Đức tin phải vượt qua cớ vấp phạm này để nhận ra Chúa Giêsu xuất thân từ Nadarét tầm thường ấy chính là Đấng Messia.


********


Lạy Chúa, xin cho con nghe được tiếng Chúa gọi thầm, để con nhận ra Chúa đang đến với con trong mọi biến cố của cuộc sống và trong những người anh em mà con gặp gỡ hằng ngày. (Hosanna)

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

CHÚA CHÍNH LÀ HẠNH PHÚC


Ông Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)

Cuộc sống là một hành trình tìm kiếm. Con người luôn dáo dát đi tìm kiếm. Tìm kiếm những niềm vui hạnh phúc trong cuộc đời. Nhưng xem ra chẳng có gì trọn vẹn! Hạnh phúc chẳng nơi đâu tròn đầy! Tất cả đều vô vị, chán chường. Còn bé thì chỉ mong chóng làm người lớn để tung hoành. Khi lớn thì lam lũ vất vả chỉ mong gom được chút tiền còm để dưỡng già. Mà về già thì lại ngồi tiếc nuối quá khứ vàng son! Nghĩa là chẳng bao giờ bằng lòng với những cái đang có trong hiện tại.

Thánh Phêrô năm xưa cũng từng vui sống trong bậc gia đình, từng đeo đuổi theo con sóng để đánh bắt cá, từng vui với thợ thuyền trên sông nước, nhưng dường như ông vẫn không tìm ra lẽ sống và hạnh phúc. Chỉ từ khi bước theo Thầy, cuộc đời ông đã rẽ sang trang sử mới. Những ngày bên Thầy cho ông cảm nghiệm được chỉ ở bên Chúa mới trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc. Ông cảm nghiệm niềm vui bên Chúa lớn hơn tất cả những niềm vui mà ông từng có. Thế nên, khi Chúa hỏi: “cả anh em cũng muốn bỏ đi sao?” Ông liền mau mắn trả lời: “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy mới có lời ban sự sống đời đời.” 

Hóa ra những niềm vui mau qua kia chẳng thấm là bao so với niềm vui có được sự sống đời đời. Niềm vui trần gian thì mau qua. Sự sống đời đời là niềm vui trọn vẹn và vĩnh viễn. Nếu ai đã có được nó trong cuộc đời thì chẳng phải lo bon chen tìm kiếm những niềm vui giả tạo mau qua của trần gian. Chính Chúa sẽ làm thỏa mãn mọi sự đến nỗi ở bên Chúa không còn phải ham muốn điều gì khác nữa.


*****
Lạy Chúa! Xin giúp chúng con có đủ con mắt đức tin để nhận ra Chúa là lẽ sống, là cùng đích cuộc đời. Xin cho chúng con nhận ra Chúa thật quyền năng để chúng con tín thác, cậy dựa vào Chúa trong những khó khăn thử thách. Xin giúp chúng con đủ xác tín về niềm tin như Thánh Phêrô, để ở lại và bước đi theo Chúa cho đến cùng. Amen

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG


Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1, 38)

Thật là ý nghĩa, khi tôn vinh Đức Maria với tước hiệu cao cả nhất, tước hiệu “Nữ Vương” trong Thánh Lễ hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe lại biến cố truyền tin, là biến cố đầu tiên được thánh sử Luca kể lại. Tầm mức của tước hiệu Nữ Vương thật rộng lớn và phổ quát, cả trên Thiên Đàng lẫn ở trần thế. Nhưng, biến cố truyền tin lại là một biến cố rất riêng tư và âm thầm. Riêng tư và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria.

Và kinh nghiệm thiêng liêng này là một cuộc đối thoại, đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần Gabriel; điều này làm chúng ta cảm thấy gần gũi hơn nữa với Đức Maria, vì Mẹ không lắng nghe Lời Chúa cách trực tiếp nhưng qua một vị trung gian. Chúng ta cũng thế, ngang qua nhiều trung gian, và nhất là trung gian Sách Thánh. Điều làm cho chúng ta cảm thấy gần gũi với Đức Mẹ hơn nữa, đó là, trong khi đối thoại với sứ thần, Mẹ cũng bối rối, cũng tự hỏi, cũng nêu thắc mắc, trước khi nói lời ưng thuận. Chúng ta cũng được mời gọi sống tương quan với Chúa, một cách thật sống động và thật nhân tính, theo gương của Đức Mẹ.

Chúng ta cũng được mời gọi đặt lời xin vâng của chúng ta được diễn tả ngang qua ơn huệ đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi dâng hiến, ơn gọi độc thân hay ơn gọi hôn nhân, trong cùng một hành trình như Đức Mẹ : từ khởi đầu của sự sống đến điểm tận cùng của ơn huệ sự sống, ngang qua hành trình đi theo Đức Ki-tô đến cùng.


*******


Lạy Mẹ Maria là Đấng hằng đẹp lòng Thiên Chúa, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con biết thể hiện nhân cách làm con cái Chúa qua đời sống bác ái yêu thương, qua đời sống thanh khiết vẹn toàn như Mẹ. Xin cho chúng con biết đáp lại tiếng xin vâng với Chúa như gương Mẹ thuở xưa. Amen.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT


Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. (Mt 22, 37-39)

Theo Đức Giê-su, điều răn quan trọng nhất là điều răn yêu mến, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận. Những luật sĩ Do Thái xưa rất thuộc luật và giữ rất kỹ, nhưng họ không biết đến cốt lõi của mọi khoản luật là yêu thương. Có thể chúng ta cũng thế: hằng ngày chăm chỉ giữ luật Giáo Hội và luật cộng đoàn, nhưng không có tình mến Chúa và yêu người. Đây chính là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đồng thời Ngài cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình.

Có người nói yêu thương khó hơn mến Chúa. Dĩ nhiên, vì con người không dễ thương bằng Chúa. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã coi giới răn thứ hai bằng giới răn thứ nhất. Tình yêu đối với Thiên Chúa phải được tỏ hiện ra dấu hiệu bề ngoài là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta không chỉ chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không phải chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhịn, tha thứ và cảm thông. Yêu mến Thiên Chúa và tha nhân là điều quá hợp tình và hợp lí, nhưng sức mạnh ở đâu để chúng ta sống và sống đến cùng? Đó chính là tình yêu mà chúng ta đón nhận mỗi ngày trong Thánh Lễ. Ngoài ra, tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi cuộc đời, nơi ơn gọi và mỗi ngày sống của chúng ta, vì chúng ta sống mỗi ngày bằng tình yêu và lòng thương xót của Chúa.


*****

Lạy Chúa Giêsu, lời dạy của Chúa quá rõ ràng và chắc chắn. Thiên Chúa không chấp nhận khi con nói con yêu Chúa mà đối nghịch với anh chị em con. Thế nên, lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu Thiên Chúa đồng thời chúng con cũng biết yêu anh chị em chúng con. Amen.

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI


Những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới. (Mt 22,8-9)

Chúa dọn sẵn cho ta hai bàn tiệc là Thánh Thể và Lời Chúa. Đến đó, chúng ta sẽ được bồi dưỡng mọi thứ cần thiết. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta từ chối. Cũng như những người trong dụ ngôn, chúng ta coi việc đi thăm trại và buôn bán (những việc làm ăn, vui chơi) trọng hơn bàn tiệc của Chúa. 

Tiệc cưới và áo cưới tượng trưng cho những tâm tình cơ bản mà Kitô hữu phải luôn có, đó là hân hoan, vui mừng và yêu thương. Qua ví dụ tiệc cưới, Đức Giêsu cho thấy cái ngỗ nghịch ngu ngốc của khách được vua mời dự tiệc mà không đến. Còn gì cao trọng được vua mời? Còn gì thích thú bằng dự yến tiệc nhà vua? Một dịp may hiếm có trên đời, thế mà có kẻ khờ lại từ chối chỉ vì những lý do tầm thường không chính đáng. Thái độ của họ chứng tỏ họ vừa ngu vừa hỗn láo. Họ không xứng đáng hưởng ân lộc nhà vua.

Chúa hằng lo lắng cho từng người chúng con. Chúa hối hả sai các gia nhân ra tận cùng các ngõ hẻm để tìm kiếm chúng con. Chúa không muốn bàn ăn thiếu một người nào trong chúng con. Chúa gọi tên, điểm mặt từng người trước khi bàn tiệc bắt đầu. Tấm lòng Chúa thật bao la hải hà. Nhưng Chúa ơi, nhiều lần chúng con lại quá thiếu sót khi lơ là tham dự bàn tiệc thánh. Nhiều lần chúng con còn khoác trên mình tấm áo đã dơ bẩn bụi trần. Chúng con đã không có thái độ kính trọng đối với bàn tiệc thánh của Chúa. Chúng con đến dự miễn cưỡng. Chúng con thiếu tấm lòng hân hoan khi cùng nhau chia sẻ quanh bàn tiệc của Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con canh tân đổi mới cuộc đời hầu luôn xứng đáng tham dự bàn tiệc của Chúa.


******


Lạy Chúa ! Xin giúp chúng con luôn được vui mừng hoan hỉ trong bàn tiệc Thánh Thể của Chúa hôm nay để mai sau chúng con được thông dự bàn tiệc cưới muôn đời trong Nước Chúa. Amen.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

KHÔNG NÊN GANH TỴ


Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?  (Mt 20, 15)

Trong lời này, hàm chứa hai thái độ : so sánh mình với người khác : “mấy người sau chót này”, và kêu trách ông chủ : “thế mà ông lại…”. Lời kêu trách của họ dựa trên những sự kiện rất khách quan và rất đúng : họ làm việc nhiều hơn và vất vả hơn người khác; nhưng người khác lại được hưởng bằng họ ! Nhưng rất tiếc, những điều rất đúng và rất khách quan này lại được nhìn bằng con mắt ghen tị ! Và vì ghen tị, nên trở nên mù quáng, không mở ra để nhận ra những sự kiện lớn hơn và đúng hơn : người khác thật may mắn và ông chủ thật tốt lành, để chúc mừng họ và ca ngợi ông chủ, để đi vào trong niềm vui của người ban phát và của người lãnh nhận. Và vì ghen tị, nên cũng mù quáng với chính những gì mình đang có, bởi lẽ điều mình đang có không phải là quyền lợi, nhưng là ân huệ, và vì người lãnh nhận không chỉ là người khác, nhưng cũng là chính bản thân mình. Mình có niềm vui, nhưng lại tự biến niềm vui của mình thành nỗi buồn, gây chết chóc, cho mình và cho người khác.

Nếu tôi là người thợ làm từ giờ thứ nhất, thì tôi không nên ganh tỵ với người làm từ giờ thứ 11 (những người bên lương trở lại, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại tôi phải nghĩ rằng mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu hơn họ. Mỗi khi tôi bị cám dỗ viện lẽ công bình để ganh tỵ với người khác, tôi hãy nghĩ đến câu Thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được!” Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không theo công bình mà tôi mới có thể đứng vững. Tôi không phải xin Chúa giúp tôi cư xử với mọi người theo lẽ công bình, nhưng vươn tới tình thương.

Thiên Chúa không mắc nợ với ai, nên cũng không phải trả công cho ai. Tất cả những gì ta có đều do Thiên Chúa ban nhưng không. Thiên Chúa ban điều gì cho ai tùy ý Ngài. Không ai có quyền kêu trách hay đòi hỏi. Hồng ân Chúa ban là những gì tốt nhất cho mỗi người. Chúng ta không được quyền so sánh, phân bì. Cũng không được kiêu hãnh hay bất mãn khi được hay không được điều như ý muốn của chúng ta.

******


Lạy Cha, khi nhìn lại thân phận của mỗi người chúng con. Chúng con nhận thấy mình chẳng có gì và cũng chẳng là gì. Nhưng nhờ tình yêu thương của Cha, chúng con được nhận hết ơn này đến ơn khác. Xin cho chúng con luôn biết sống tâm tình tạ ơn Cha. Và đồng thời chúng con biết chung vui với người may mắn, biết cảm thương chia sẻ với anh chị em bất hạnh. Chỉ khi nào chúng con biết sống chan hòa với mọi người, chúng con mới thấy bình an hoan lạc. Chúng con xin Đức Giêsu cầu bầu cho chúng con. Amen!

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

NGƯỜI GIÀU VÀ NƯỚC TRỜI


Chúa Giê-su nói: “Thầy nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” (Mt 19,24)

Của cải vật chất tuy rất hữu ích cho sự sống đời này, nhưng hoàn toàn vô ích cho sự sống đời đời, có thể còn là một cản trở rất lớn. Đức khó nghèo là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu để trở thành môn đệ Đức Ki-tô.

Chính Chúa Giê-su đã đi con đường khó nghèo để cứu chuộc loài người: Ngài đã giáng sinh trong khó nghèo, đã sống một cuộc sống lao động nghèo hèn. Ngài bôn ba rao giảng Tin Mừng như một người lữ khách “không có nơi gối đầu”. Ngài sai các môn đệ lên đường loan báo Tin Mừng trong tư thế một người nghèo “không mang bao bị, túi tiền, hai áo…” Rồi Ngài đã chết như một người nghèo, được chôn cất trong một ngôi mộ đi mượn. Môn đệ thì phải giống Thầy thôi, phải sẵn sàng dứt bỏ những ràng buộc do của cải có thể làm vướng bận sứ mạng loan báo Tin Mừng : sống nghèo với người nghèo để có thể loan báo Tin Mừng cho mọi người, cả người nghèo khó nữa.

Chính Chúa Giê-su đã sống nghèo để dạy chúng con biết thanh thoát với của cải trần gian. Của cải trần gian mang lại cho con người niềm vui chốc lát, nhưng có thể giam hãm con người trong tham lam ích kỷ, trong lo âu sợ hãi, khiến mất bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Có nhiều người giàu có nhưng lòng bất an. Có nhiều người tiền dư bạc để nhưng lại mất bạn bè người thân. Có nhiều người chỉ biết giữ tiền nhưng không giữ được người thân. Họ mất bạn bè. Họ mất người thân. Họ đánh mất chính mình khi họ đề cao của cải hơn mọi mối quan hệ giữa người với người.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta đừng tham lam để được vào Nước trời. Lòng tham như cái đà cản trở ta tiến vào Nước Trời. Lòng tham đẩy chúng ta xa rời tình thương của Chúa và tình nghĩa anh em. Hơn nữa, Chúa cũng hứa ban ân thưởng đời này và đời sau cho những ai biết từ bỏ mọi quyến luyến của cải để sống theo lời Chúa. Thế nên, hãy từ bỏ mọi quyến luyến, mọi tham lam bất chính. Hãy can đảm chọn theo ý Chúa. Vì tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Chúa, còn những sự khác Ngài sẽ ban cho sau. Hãy tin tưởng phó thác vào Chúa. Ngài sẽ không bao giờ để chúng ta cùng khổ quá sức chịu đựng của chúng ta., Ngài sẽ làm mọi cách để ban phần thưởng đời này và đời sau khi chúng ta tin tưởng phó thác nơi Ngài.

 ******
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết chọn lựa sự sống đời đời hơn là của cải mau qua đời nay. Xin dạy chúng con biết gìn giữ trân trọng tình người hơn là có tiền mà đánh mất bạn bè. Xin dạy chúng con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa hơn là những vinh hoa phú quý trần gian. Amen!

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

HÃY TỪ BỎ ĐỂ TỰ DO THEO CHÚA


Đức Giê-su đáp : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mt 19, 21-22)

Con người thường hay tham lam, tham lam đến độ bủn xỉn keo kiệt.,tham tiền nên quên cả tình người. Đôi khi kẻ tham lam còn lười biếng và cầu may như những kẻ cờ bạc. Họ đã bất chấp tất cả để mong được thần tài cứu giúp khỏi cảnh nghèo hèn. Nhưng cũng có người không hề thiếu thốn chút nào. Họ mặc quần áo đẹp, đi xe máy xịn, nhưng cũng tay bút, tay sổ tính toán như ai…Cuộc sống của họ chỉ có những con số, khi thức họ tính toán, khi ngủ họ tìm kiếm những con số trong mơ để hòng mong ngày mai sẽ được giàu có, đổi đời. Thế nhưng ít ai hiểu được rằng với cách sống và cách tính như vậy, những giấc mơ hão huyền của họ sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. 

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, của cải không cản trở người ta vào Nước Trời, nhưng thái độ ham mê của cải mới đẩy ta xa Chúa. Vì thế, cần phải có tinh thần sẵn sàng từ bỏ mọi của cải, mọi đam mê, để được tự do nghe tiếng Chúa dạy dỗ trong tâm hồn. Thái độ từ bỏ của cải và đam mê, không bắt người ta trở thành nghèo mạt, nhưng cần có thái độ khôn ngoan chọn lựa. Đừng vì quá đam mê của cải mà xa lánh Chúa. Đừng để của cải cản bước ta tiến tới hoàn thiện theo tinh thần Tin Mừng.


*********


Lạy Chúa! Xin giúp chúng con một khi biết hân hoan đón nhận cuộc sống với bao niềm vui, thì đến lượt chúng con cũng biết hiến trao cho anh em trong bài học cho đi, cho đi bản thân của mình để mang lại hạnh phúc cho tha nhân, cho đi thời giờ của mình để nâng đỡ ủi an những ai cơ hàn, cho đi khả năng của mình để phục vụ một cách quảng đại và vô vị lợi, cho đi cả tài sản của mình để chúng con có được những bạn hữu của Nước Trời là những người nghèo khó lầm than. Amen!

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

TÌNH YÊU THẬT LÀ TÌNH YÊU TRAO BAO



Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. (Ga 6, 51)

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do-thái với chủ đề Bánh Hằng Sống. Càng về cuối, cuộc tranh luận càng gay cấn. Chúa Giêsu đã khẳng định rõ, Người là Bánh Trường Sinh và Bánh này chính là Thịt và Máu của Người. Hai từ Thịt - Máu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đoạn Tin Mừng hôm nay, nhờ được nuôi dưỡng bằng Thịt và Máu Chúa Giêsu, thế gian mới có sự sống đời đời. Chính Ngài đã hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào, chính Ngài đã sống vì cuộc sống của nhân loại, Ngài đến trần gian để cứu độ nhân loại, Ngài sống không phải vì mình mà cho thế gian được ơn cứu độ, Ngài yêu thương thế gian đến nỗi còn muốn trao ban chính mình làm của ăn của uống cho nhân loại. Chính Ngài đã xác quyết rằng “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”. Ai ăn và uống Mình và Máu Ngài không chỉ được sống hạnh phúc mà còn hơn thế nữa là được sống muôn đời, và Ngài đích thực là tình yêu muôn đời.

Thật vậy, tình yêu đã làm phát sinh biết bao nghĩa cử cao đẹp mà con người dành cho nhau. Từ lời nói đến hành động luôn biết làm đẹp lòng nhau. Người ta chắt chiu từng lời nói, từng việc làm để cho người mình yêu được lớn lên trong tình yêu. Tình yêu là một quà tặng vô giá mà chúng ta dành cho nhau. Không có tình yêu sẽ không có tặng ban. Món quà được trao tặng không có tình yêu chỉ là một thủ đoạn, lừa dối, và nhẹ hơn chỉ là sự đổi chác qua lại theo lẽ công bằng với nhau.

Thế giới hôm nay rất cần tình yêu để con người được sống trong an vui và hạnh phúc. Sự sống còn của nhân loại hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng yêu thương của chính con người. Hàng ngày trên thế giới có hàng triệu người đã chết bởi sự thiếu tình yêu của đồng loại. Bởi thù hận người ta giết nhau bằng súng đạn, gươm giáo. Bởi thiếu trách nhiệm người ta giết nhau bằng sự bỏ rơi và dửng dưng. Ngay lúc này có hàng ngàn thai nhi bị trục xuất ra khỏi lòng mẹ và có hàng triệu người chết vì đói khổ và thiên tai lũ lụt.


*******

Mỗi lần chúng con rước Chúa là được đón nhận chính sự sống và tình yêu của Chúa. Ước gì tình yêu Chúa tuôn chảy trong con tim để chúng con dám hiến dâng chính mình vì sự sống của tha nhân. Ước gì mỗi người chúng con biết noi gương Chúa Giêsu trở thành quà tặng mang lại cho anh em niềm vui và hạnh phúc. Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm rằng “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen.

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

TIN CHÚA SẼ THỰC HIỆN


Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em (Lc 1, 45)

Đức Mẹ Maria được bà Êlisabét gọi là người có phúc nhất trong tất cả các phụ nữ. Qua đoạn Phúc Âm hôm nay (Lc 1, 39-56), ta có thể thấy được một số lý do khiến Đức Mẹ diễm phúc như thế:

- Vì Mẹ có đức tin vững mạnh: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”.

- Vì Mẹ luôn có Chúa Giêsu trong mình.

- Vì Mẹ biết quan tâm mang hạnh phúc đến cho người khác

- Vì Mẹ biết sống như một người nghèo của Thiên Chúa: “Kẻ đói nghèo Ngài ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”.

Mẹ Maria ơi! Ngày xưa Mẹ thật đơn sơ và dễ thương khi hăng hái lên đường giúp bà Êlisabét. Những bước chân nhẹ nhàng, đầy niềm vui phục vụ. Rồi ngày Mẹ lo lắng sợ hãi đem trẻ Giêsu trốn sang Ai cập. Những bước chân nặng nề, cuống cuồng vì tai họa trần gian… Và con không cảm nhận hết tâm trạng của Mẹ khi theo sau Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ. Nhìn những giọt máu của con mình cùng cái chết dành cho loại tử tội xấu xa, những bước chân nhục nhã, đau khổ… Thánh giá Mẹ vác quá nặng mà Mẹ vẫn vượt qua và bước tới. 

Con cũng biết “Tin” là “Bước đi”. Nhưng nhiều khi con chới với, con ngã lòng, con chưa có sức bước trong sự dẫn dắt tuyệt vời của Thiên Chúa. CON CHƯA TIN ĐỦ.


*****

Lạy Mẹ Maria! Xin cho con có trí khôn của Mẹ, để chúc tụng Chúa và thi hành mọi Lời Chúa dạy; có đôi mắt của Mẹ, để nhận ra những nhu cầu của anh chị em con; có đôi chân của Mẹ, để mau mắn đến với người yếu đau hoạn nạn; có đôi tay của Mẹ, để chia sẻ với người đói khát cơ cầu; có trái tim của Mẹ, để ngợi khen Chúa và yêu thương hết thảy mọi người. Amen!

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU


Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19, 6b)

Sống độc thân hay lập gia đình không phải thuần túy thuộc ý muốn của con người nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn độc thân hay lập gia đình.

Do đó, hôn nhân là một phép Bí tích mà Thiên Chúa ban tặng cho con người với đầy đủ tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha, làm mẹ. Đây chính là cái đích thực của hôn nhân, và trong cái đích thực đó, con người mới nhận ra được giá trị của tình yêu, của nhân cách chân thiện mỹ. Thế nhưng trong cuộc sống vội vã hôm nay, con người thường lao theo dòng chảy của nó. Họ yêu cuồng sống vội. Hôn nhân có khi chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt. Hôn nhân khác nào một cuộc chơi, thích thì lấy nhau không thích thì ly dị. Đức Giêsu cũng còn nhấn mạnh đến việc tự nguyện sống độc thân trọn vẹn để phục vụ Nước Trời. Đó chính là ơn gọi sống đời dâng hiến, một ơn gọi cao quý Thiên Chúa ban riêng cho những người Chúa chọn.

*********


Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa chúc phúc cho chúng con, dù sống bậc hôn nhân, hay tu trì tận hiến. trong ơn gọi mỗi người xin cho chúng con biết ý thức rằng: Yêu thương là con đường của Chúa. ước gì mọi gia đình chúng con sống hòa hợp để làm phát sinh những người con ích lợi cho xã hội. cho Nước Trời. Xin cho các bậc tu trì biết hoàn toàn hiến thân vì hạnh phúc muôn người, để danh Chúa được vinh sáng. Amen.

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

THA THỨ BẢY MƯƠI LẦN BẢY


Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)

Trước hết, chúng ta hãy chú ý con số 7. Bảy lần, phải chăng là đã quá nhiều? Chúng ta cứ nhớ lại kinh nghiệm sống của mình, để nhận ra rằng, bảy lần không quá nhiều như chúng ta tưởng; nhất là sự xúc phạm trong thực tế được tiến hành và được cảm nhận một cách rất tinh vi. Bởi vì, chúng ta xúc phạm đến người khác, không chỉ bằng hành động hay lời nói, nhưng còn bằng ánh mắt, bằng thái độ bắt nguồn từ những ý nghĩ không tốt về người khác. Thật vậy, tha thứ 7 lần không quá nhiều,

- khi người anh em hay chị em là người sống trong cùng một nhà, cùng một cộng đoàn, nghĩa là ngày nào chúng ta cũng phải đối diện ;

- khi người người anh em, hay chị em, là người mình có thành kiến hay mình không ưa ;

- khi bản thân chúng ta là người chi li và thích dò xét ;

- khi vấn đề phạm lỗi, trong thực tế, thường được giải thích một cách chủ quan ;

- khi mà người anh em không biết mình phạm lỗi với cái anh đó, hay chị đó.

Như thế, người anh em hay chị em trong thực tế có thể phạm lỗi đối với mình hơn 7 lần và đôi khi trong một thời gian rất ngắn; Chúng ta cứ nhớ lại mà xem, để chúng ta sống được như hôm nay, cha mẹ đã tha thứ cho chúng ta bao nhiều lần. Chắc chắn là không thể đếm được. Nhưng nếu chỉ tha 7 lần thôi, thì tiếp theo là chuyện gì xảy ra? Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rồi: đó là tai họa, là loại trừ, là đỗ vỡ, là đoạn tuyệt, là nghỉ chơi, là không còn tương lai cho đời sống chung nữa. Chính vì thế, Đức Giêsu dùng chính con số mà thánh Phêrô đưa ra để đẩy nó tới một con số rất lớn : 70 mươi lần 7 bằng 490 lần.

Lời của Đức Giêsu dạy chúng ta phải tha thứ cho người khác nhiều như thế, phải chăng là ảo tưởng, phải chăng là không thực tế ? Không ảo tưởng chút nào ; nhưng ngược lại là rất thực tế, vì đời sống của gia đình, của cộng đoàn, của giáo xứ và rộng hơn là giáo phận, là Giáo Hội, là xã hội, là cá nhân loại, cần lòng bao dung vô hạn như thế, để tồn tại. Hiểu như thế và chắc ai cũng đồng ý, nhưng làm sao thực hành được ? Làm sao mà tha thứ nhiều như thế và tha thứ mãi như thế được. Nhiều khi một lần thôi cũng không được. Chúng ta hãy nhớ lại mà xem, có ai đó đã xúc phạm đến chúng ta như thế nào đó, phản ứng đầu tiên là tha thứ hay muốn trả đũa, và trả đũa một cách thích đáng ?


****

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, mỗi lần rước Chúa là mỗi lần chúng con được nuôi dưỡng bởi chính sức sống của Chúa. Xin cho chúng con biết sống như Chúa: yêu thương và vị tha. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa: nhân ái và từ bi, xin giúp chúng con sống như Chúa để chúng con cũng sẵn lòng yêu thương và tha thứ cho nhau. Amen.