Translate

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

HÃY ĐÓN NHẬN QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA















Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia” (Mt 8, 31)

Sau phép lạ dẹp yên sóng gió, hôm nay trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu lại tỏ bày quyền năng của Ngài ở vùng đất dân ngoại. Sức mạnh của sự dữ thật lớn, nhưng Đức Giêsu không gặp khó khăn nào khi xua trừ ma quỷ. Phép lạ này mặc khải uy thế của Chúa Giêsu chế ngự được một đối thủ còn đáng gờm hơn sóng biển nữa, đó là quỷ dữ.

Dường như thời xưa, ma quỷ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp như các Tin Mừng kể lại. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: tự do cá nhân, toàn cầu hóa, trò chơi, thú vui đủ loại, phương tiện truyền thông, phim ảnh, khoái lạc, bạo lực, gian dối, tiền bạc, danh vọng, hưởng thụ… Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, con người, nhất là người trẻ, dù không bị ma quỷ ám trong thân xác, nhưng còn nghiêm trọng hơn, bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, đam mê phương tiện và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, không có khả năng sống giao ước, chiều theo lòng ham muốn, cảm xúc thấp hèn, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống…

Tuy nhiên, trình thuật Tin Mừng lại kết thúc bằng sự thất bại bi thảm: Đức Giêsu bị người ta trục xuất khéo léo. Thái độ của dân miền Ga-đa-ra cho ta thấy thêm được rằng không phải Chúa Giêsu lúc nào cũng đáng yêu và được người ta thích đến gần. Có nhiều lúc người ta thấy Chúa đáng sợ và người ta không muốn Chúa đến gần mình. Nhất là khi Chúa đòi người ta phải từ bỏ, khi Ngài muốn trục xuất một tên quỷ dữ thường trú bấy lâu nay ra khỏi người ta. Cũng như dân miền Ga-đa-ra, tôi vẫn biết rằng uy quyền Chúa Giêsu trổi vượt hơn uy quyền của ma quỷ. Thế nhưng, nhiều lúc tôi muốn tiếp tục sống dưới uy quyền ma quỷ, sống với bầy heo, còn hơn là đi theo Chúa mà phải từ bỏ.

********

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa thật tốt lành với chúng con. Chúa luôn chăm sóc từng cuộc đời chúng con. Chúa hằng mong muốn cho chúng con hạnh phúc trong tự do của con cái Thiên Chúa. Nhưng Chúa ơi, vì những đam mê mù quáng, những niềm vui bất chính đã khiến lòng chúng con xa rời Chúa. Chúng con mải chạy theo những thú vui trần thế, đến nỗi đánh mất danh dự, phẩm giá làm người của mình. Ðôi khi chúng con không còn nhìn thấy nét đẹp của phẩm giá con người là hình ảnh của Chúa, để chúng con tôn trọng và yêu thương nhau.


Lạy Chúa, xin giải cứu chúng con khỏi những đam mê thấp hèn và phục hồi con người chúng con khỏi những thói hư tật xấu, để nhờ đó chúng con luôn sống trong ân nghĩa với Chúa. Amen.


Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

ĐỪNG YẾU LÒNG


Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Ngài. Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Ngài vẫn ngủ. (Mt 8, 23-24)

Qua các phép lạ dẹp yên bão táp, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ biết thêm về Ngài, đồng thời huấn luyện đức tin các ông. Người Do Thái cho rằng biển cả là sào huyệt của quỷ dữ, biển động là dấu quỷ dữ lộng hành. Họ cũng nghĩ rằng chỉ một mình Thiên Chúa và những kẻ được Thiên Chúa ban quyền đặc biệt mới có thể chế ngự được sức mạnh của biển cả. Vậy Chúa Giêsu dẹp yên bão biển chứng tỏ Ngài có sức mạnh của Thiên Chúa.

“Chúa Giêsu xuống thuyền, có môn đệ đi theo Ngài, và đây biển động dữ dội”: con đường Chúa dẫn các môn đệ đi không phải là con đường bằng phẳng, êm ả, nhưng nhiều khi đi vào tăm tối nhiều lúc đi vào bão táp phong ba. Nếu người môn đệ thực sự tin vào Ngài thì luôn phó thác trong an bình. Ngược lại, khi gặp tối tăm hay bão táp mà cuống cuồng sợ hãi thì đó là dấu người ấy còn kém lòng tin.

“Thế mà Ngài vẫn ngủ”: Chúa Giêsu vẫn xử sự như thế, xưa cũng như nay. Chính vì thế mà nhiều người đã phải lo sợ cuống cuồng: Sao Chúa vẫn ngủ? Sao Chúa không ra tay? Chúa vắng mặt rồi ư? Hay Chúa đã chết? Hay Chúa đã bỏ con? Nhận thức phó thác là như thế: Vẫn an tâm giữa bão táp cho dù không thấy Chúa hành động gì cả. Ước chi tôi có tinh thần phó thác tới mức độ ấy.

Giữa cuộc đời đầy sóng gió nghi nan. Cuộc đời chúng con như chiếc thuyền nan mong manh nhỏ bé, nổi trôi trên dòng đời. Chúa biết chúng con yếu đuối. Chúa biết chúng con khó có thể vượt thắng những cạm bẫy giăng đầy. Xin Chúa hãy nâng đỡ chúng con. Xin giúp chúng con biết nhận ra sự đồng hành của Chúa để chúng con biết bám víu và cậy dựa vào Chúa.

Nhưng Chúa ơi, sóng gió cuộc đời luôn làm cho chúng con sợ hãi. Gian truân triền miên khiến chúng con mệt mỏi. Dòng đời có quá nhiều cám dỗ khiến chúng con sa đi ngã lại trong lầm lỗi. Xin thương tha thứ cho chúng con. Xin nâng đỡ lòng tin còn quá yếu kém của chúng con. Xin ban cho chúng con niềm trông cậy vững vàng, để chúng con dám trao cả vận mạng đời mình vào bàn tay quan phòng của Chúa. Vì có Ngài ở bên, lòng chúng con chẳng nao núng bao giờ.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ


Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền. Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế, nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó, và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẻ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đưa hai ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng. Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người.

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng. Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. 


Phê-rô đã đổi đời từ con người nhút nhát nay trở nên mạnh mẽ can trường, dám đối diện với sự bách hại mà không hề sợ hãi. Phê-rô đã từng tuyên bố với giới cầm quyền: “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Phê-rô đã làm chứng cho Chúa trong sự can trường đến hơi thở cuối cùng qua cái chết cùng phận số với Thầy là đóng đinh trên thập giá, nhưng ông đã xin ngược đầu xuống đất!


Phao-lô đã lội ngược dòng khi ông được Chúa đưa vào sa mạc để thực hiện cuộc đổi đời. Từ con người bách hại đạo lại trở thành người rao truyền đạo. Từ lòng nhiệt thành đi bắt bớ người theo đạo lại trở thành người ra đi đem lời Chúa đến khắp năm châu. Lòng nhiệt thành nhà Chúa đã thiêu đốt ngài đến mức độ thánh nhân đã từng nói: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng”. 


Chúa đã dùng hai sự kiện gà gáy và ngã ngựa để thanh tẩy các ngài.Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.


******

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Xin Chúa đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên. Xin Chúa cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước, nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do. Cuối cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh. Amen!

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

CHỈ CẦN TIN THÔI


Đức Giê-su thực hiện hai phép lạ: phép lạ chữa bệnh và phép lạ làm cho sống lại. Hai phép lạ này liên quan đến hai nghịch cảnh của đời sống con người, trong đó có những người thân yêu của chúng ta và có khi, có cả chúng ta nữa.

      1. Người đàn bà bị bệnh băng huyết lén lút sờ vào gấu áo Người. Vừa đụng chạm vào áo Người, lập tức bà thấy có biến chuyển: bệnh tật bao năm hành hạ bà, làm cho bà tốn biết bao công sức tiền của chạy chữa tưởng như vô vọng, nay bỗng tiêu tan trong phút chốc.

      2. Em bé không đụng chạm đến Chúa vì em đã chết. Nhưng chính Chúa đụng chạm đến em. Chúa cầm tay dắt em chỗi dậy. Cuộc tiếp xúc với Chúa đã gây nên những biến đổi mãnh liệt nơi thân xác. Căn bệnh bị xua trừ. Thân xác khỏe mạnh lại. Người phụ nữ được sinh hoạt bình thường với xã hội. Thần chết bị trục xuất. Sự sống trở lại. Em bé được giải thoát khỏi thế giới tử thần, trở về với thế giới sự sống.

Hai nghịch cảnh của hai lứa tuổi nói cho chúng ta thật nhiều về thân phận và những vấn đề muôn thủa của con người: bệnh tật và cuối cùng là cái chết, có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào; bệnh tật và sự chết làm bật lên sự liên đới của nhiều người; bệnh tật và sự chết tất yếu đặt ra cho con người vấn đề Thiên Chúa, hay rộng hơn những vấn đề liên quan đến Thiên Chúa: nguồn gốc, cùng đích, ý nghĩa đời người, … và buộc phải lựa chọn tin hay không tin.

Hằng ngày có nhiều lần ta đụng chạm đến Chúa hoặc Chúa đụng chạm đến ta. Ta đụng chạm đến Chúa trong khi đọc Sách Thánh. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta đụng chạm tới Chúa khi ta lãnh nhận các bí tích. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo túng, bị bỏ rơi. Nhưng những đụng chạm ấy dường như chẳng để lại dấu ấn nào trong ta. Điển hình là khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta trực tiếp đụng đến Chúa. Thế nhưng vì ta đã đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, theo thói quen, thiếu lòng tin, thiếu tình yêu, nên đời sống ta chưa biến đổi.

*********

Hôm nay, ta hãy noi gương ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa bằng một đức tin mãnh liệt và bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Với đức tin và sự khiêm nhường, ta sẽ cảm nghiệm được Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu Chúa, được thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu, khích lệ của Chúa, ta sẽ chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương của Chúa.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA TÌNH YÊU


Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. (Mt 8,8)

Trong Tin mừng hôm nay, viên đại đội trưởng đến xin Chúa Giêsu chữa đầy tớ của ông : “Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!”. Chúa Giêsu nhận lời ngay. Tuy nhiên, viên sĩ quan lại tỏ ra không dám phiền Chúa Giêsu đến tận nhà mà chỉ xin Ngài chữa bệnh từ xa. Nghe thấy thế, Chúa Giêsu tỏ ra ngạc nhiên về lòng tin của ông : “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel…’’. Chúa Giêsu nói : “Ông cứ về, ông được như ông đã tin”. Viên đại đội trường này tuy là người ngoại nhưng đã dạy tôi một cách cầu nguyện rất đẹp: ông không xin gì cho mình cả mà xin cho người khác. Mà người khác đó chỉ là một tên đầy tớ của ông. Thường những lời cầu nguyện của tôi chỉ lẩn quẩn quanh cái tôi của bản thân mình và của một ít người thân của mình. Thực ra ông cũng chẳng xin nữa. Ông chỉ kể cho Chúa nghe hoàn cảnh của ông, rồi để tuỳ Chúa định liệu. Ông lại còn nói mình không xứng đáng. Ngược lại, nhiều khi tôi xin Chúa mà như ra giá cho Ngài.
Ngoài ra, Chúa Giêsu còn chữa lành mẹ vợ ông Phêrô cùng tất cả những bệnh nhân được mang đến cho Ngài. Chúa Giêsu không loại trừ ai. Trái lại, ai càng bị loại trừ thì Chúa càng ưu ái với người đó và giúp họ trở về với cộng đoàn yêu thương. Chúa Giêsu không loại trừ ai. Trái lại, ai càng bị loại trừ thì Chúa càng ưu ái với người đó và giúp họ trở về với cộng đoàn yêu thương.

Chúa là Thiên Chúa đầy yêu thương. Chúa yêu thương nhân loại chúng con mà không phân biệt màu da sắc tộc, tôn giáo hay không tôn giáo. Chúa luôn nhìn đến con người đang cần giúp đỡ. Chúa không xét lý lịch. Chúa không phân loại sang hay hèn. Chúa thi ân giáng phúc cho hết thảy mọi người. Nhưng Chúa ơi, ở đời chúng con lại quá ích kỷ và cục bộ. Chúng con chia nhóm. Chúng con phân loại để đối xử. Chúng con thiếu tình yêu vô vị lợi. Thế nên, ở đời vẫn còn đó những kiểu lợi dụng lẫn nhau. Ở đời vẫn còn đó cái đắng cay của sự lừa dối, của ích kỷ và thiếu lòng bác ái bao dung. Xin tha thứ và giúp chúng con canh tân sửa đổi. Xin Chúa uốn lòng chúng con nên giống trái tim tình yêu của Chúa.


****


Lạy Cha, xin cho chúng con luôn xác tín vào quyền năng và tình yêu của Cha. Và trong cuộc sống, xin cho gia đình chúng con cùng biết mở tâm hồn ra với làng xóm, biết yêu thương những người chúng con có dịp tiếp xúc. Ước gì tình yêu thương trong chúng con được trải rộng, để Thiên Chúa được vinh danh, con người được hạnh phúc..Amen.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

HÃY TIN VÀ ĐƯỢC LÀNH



Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch. (Mt 8,2)

Trong xã hội của người Do Thái xưa, Người phong cùi phải sống tách biệt khỏi gia đình và bạn hữu, bị coi như đã chết, luật còn quy định: “Người mắc bệnh phung hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên:”Ô uế, ô uế”. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế, nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46). Phải tránh xa mọi người, nếu gặp người mạnh khỏe ngoài đường, họ phải hô hoán lên cho người ta biết là mình mắc bệnh, như là dấu hiệu đề phòng cho người khác khỏi tiếp xúc vì đụng đến người phong cùi bị coi như là nhiễm dơ. Ngoài ra, người phong cùi không được phép đến nơi thờ phượng công cộng vì phong cùi bị coi là mắc trọng tội, bị nhơ bẩn và bị Chúa phạt. Cho nên người mắc bệnh phong cùi, đau đớn cả xác lẫn hồn, họ sống mà như chết.. Người ta coi người cùi là hạng người ô uế, kẻ nào chạm tới người cùi cũng bị lây ô uế. Hôm nay người phong cùi đã vượt lên chính mình để gặp Chúa. Anh ta dám chạy vào trong thành, trong xóm, bất chấp lề luật Do thái lúc đó. Anh ta chạy theo Chúa Giêsu khi Ngài biết làm như vậy là có thể bị ném đá theo luật của Do thái, vì làm ô uế hội đường và nhiều người ở đó. Nhưng đức tin của anh đã khiến anh can đảm làm chuyện đó.


Và Chúa Giêsu đã đưa tay chạm tới người cùi này. Chúa Giêsu chẳng những chạm tới anh ta mà còn làm cho anh ta hết bệnh. Đức Giêsu đã phá đổ một điều cấm kỵ nguy hiểm khi Ngài đụng chạm đến người phong hủi bởi chạnh lòng thương và muốn phá bỏ bức rào ngăn cách giữa người bệnh và người lành bằng tấm lòng bao dung trong yêu thương.

Bệnh phong cùi cho đến hôm nay vẫn bị người đời cô lập phải sống tách biệt khỏi xã hội. Các nhà tu đức học và linh hướng luôn coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng, cũng khiến con người bị cô lập hoá về đời sống thiêng liêng. Tội làm cắt lìa khỏi Thiên Chúa, sự cắt lìa này làm họ trở nên như một cành nho khô héo lìa cây nho, thành một bàn tay đứt lìa khỏi cơ thể, làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người anh chị em. Vì sự cắt lìa không thể nhận sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa, thân phận của người sống trong tội còn tệ hơn cả thân phận người phong hủi.

*******


Như người bệnh phong nhận biết rất rõ tình trạng bệnh tình của mình, khao khát được lành sạch và tìm đến với Chúa Giêsu – Đấng Messia mà anh tin là mang quyền năng và xin được tẩy sạch, chúng ta cũng chạy đến với Đức Kitô xin tẩy chúng ta khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi vốn làm chúng ta phong cùi về tinh thần thiêng liêng… qua bí tích gỉai tội, người hối nhận được lành bệnh.



Lạy Chúa, tình yêu của Chúa luôn dành cho hết mọi người. Chúa không phân loại người, hạng người. Chúa không kỳ thị bất cứ ai. Chúa luôn thi ân cho kẻ lành người dữ. Chúa chúc phúc cho từng người chúng con. Xin giúp chúng con biết sống như Chúa. Xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thành kiến, thiên vị. Xin cho chúng con đừng nhìn anh em mình với cái nhìn khinh khi, xem thường, nhưng luôn tôn trọng và đối xử tốt với hết mọi người. Amen!

NGHE VÀ SỐNG LỜI CHÚA

Từ thứ Hai tuần 9 Thường Niên đến hôm nay, chúng ta lần lượt đọc bài giảng trên núi trong đó Chúa Giêsu công bố hiến chương Nước trời, rồi dạy cho những người muốn làm công dân Nước trời biết cần phải có những đức tính và những điều kiện nào. Bài Phúc Âm hôm nay là phần kết của bài giảng trên núi ấy. Trong đoạn Phúc Âm này, Chúa Giêsu nhắc lại một điều quan trọng cơ bản: phải đem ra thực hành những điều đã nghe:

“Không phải tất cả những ai nói với Thầy: 'Lạy Chúa, Lạy Chúa', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời”. (Mt 7, 21)

“Lạy Chúa, Lạy Chúa” đó là công thức cầu nguyện, đọc kinh. Chúa Giêsu khẳng định rằng ngay cả việc đọc kinh cầu nguyện cũng chưa đủ để tôi được vào Nước trời; còn có một việc quan trọng hơn, thậm chí quan trọng nhất đó là thực hành ý Chúa Cha trên trời. Như thế, để được vào Nước Trời, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta thi hành “ý muốn của Chúa Cha”. Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong những hoàn cảnh éo le riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.

Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ. Và trong tình bạn và tình yêu cũng vậy, đoán ra ý nhau, mới thực sự là tình bạn, tình yêu và mang lại cho nhau niềm vui, thay vì cái gì cũng phải nói thẳng ra. Chúa cũng vậy, Chúa cũng sẽ vui thích khi chúng ta tìm kiếm và đoán ra ý Chúa với lòng mến.

Vì thế, trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa, lòng mến Chúa và lòng ước ao làm đẹp lòng Chúa là quan trọng nhất. Và lòng mến Chúa lại cần được diễn tả ra bên ngoài bằng đời sống cầu nguyện và việc siêng năng tham dự các bí tích. Và chính trong cầu nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nhận được nền tảng vững chắc cho nỗ lực tìm kiếm ý Chúa Cha : đó là Lời của Đức Giê-su. Như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng :


Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. (Mt 7, 24)


Và nếu chúng ta không nghe và sống Lời Chúa, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này. Xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên Lời Chúa, sẽ bảo vệ, duy trì và phát triển sự sống, không chỉ sự sống mai sau, nhưng ngay sự sống này. Đó chính là ý muốn của Chúa Cha.


*****

Lạy Chúa, người đời thường sống với nhau bằng môi bằng mép. Thói đời vẫn còn đó những người giả nhân giả nghĩa để đánh lừa người khác. Cuộc sống vẫn còn đó thói giả hình, nặng phần trình diễn hơn là chú trọng đến nội tâm, đến lòng mến. Xin Chúa thứ tha cho chính chúng con cũng nhiều lần sống thiếu chân thật với tha nhân. Xin cho các đôi vợ chồng biết sống chung thuỷ với nhau, cho con cái biết sống chân thật với cha mẹ, cho mọi người biết sống tin tưởng lẫn nhau. Xin giúp chúng con đừng xây dựng đời mình bằng những giả dối bên ngoài, nhưng biết xây dựng một đời sống chân thật từ trong sâu thẳm lòng mình. Xin cho lời con nói, việc con làm luôn “ngôn hành như nhất” để mọi người có thể nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa.. Amen!

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ


Khi đặt tên cho con mình, bà Êlisabét và ông Dacaria đều muốn gọi tên con là Gioan. Cả hai đã chọn cho con một cái tên thật lạ trong họ hàng. Việc này cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa. Như thế, Gioan Tẩy Giả là kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ trong bụng mẹ, để trở thành tiên tri loan báo tình thương cứu rỗi của Thiên Chúa. Gia đình Dacaria đã đón nhận sự can thiệp này trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.

Khi cho một người sinh ra, Thiên Chúa đã có sẵn một sứ mạng dành cho người đó. Sứ mạng của Gioan là làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Và Gioan đã làm tròn sứ mạng đó, cho nên dù chết sớm, Gioan cũng hoàn thành tốt đẹp ý nghĩa và sứ mạng của đời mình. Còn tôi, sứ mạng của tôi là gì? Sống bao nhiêu năm nay, tôi có nghĩ đến đều đó không? Có quan tâm thi hành sứ mạng ấy không? Ông Dacaria đã bị phạt câm hơn 9 tháng. Hôm nay ông mở miệng, và lời đầu tiên của ông là chúc tụng Thiên Chúa. Ông chúc tụng vì ông hết câm, vì ông được có con, nhưng cũng còn vì Chúa đã sửa dạy ông, nhờ đó hôm nay ông không còn hồ nghi Chúa nữa nhưng vững tin hơn vào quyền năng Thiên Chúa. Noi gương ông Dacaria, chúng ta cũng hãy dâng lời chúc tụng Chúa vì những sự việc và biến cố Chúa dùng để sửa dạy chúng ta.

*****

Khi xưa, Chúa đã dùng Thánh Gioan làm vị tiền hô, chuẩn bị cho Chúa một dân tộc thánh thiện để đón tiếp Chúa. Thánh Nhân đã giúp cho những người đương thời nhận biết Chúa. Xin cho con cũng trở nên công cụ giúp người khác gặp được Chúa.



Lạy Chúa, xin cho con biết lấy Lời Chúa như kim chỉ nam cho cuộc sống, lấy cuộc sống của Chúa như gương mẫu, lấy tinh thần của Chúa thấm nhuần đời con, để giống như Thánh Gioan, con dẫn đưa người khác đến với Chúa chứ không phải đến với con. Amen. 

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

HÃY QUA CỬA HẸP MÀ VÀO


Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy. (Mt 7, 13-14)

Trong kinh nghiệm đi lại thường ngày, chúng ta thường chọn cửa rộng mà vào, và chọn đường thênh thang mà đi, vì dễ đi hơn, đi nhanh hơn và an toàn hơn. Nhưng lời của Chúa không liên quan cách chúng ta đi lại, nhưng ngang qua hình ảnh “cửa vào và đường đi”, Chúa muốn nói đến chính lối sống của chúng ta. Qua hình ảnh con đường hẹp, cửa hẹp. Đức Giêsu dạy ta cần khước từ những quyến rũ bất chính của cuộc sống: những hưởng thụ, dễ dãi... để được vào Nước Trời. Muốn theo Đức Giêsu, chúng ta phải phấn đấu với chính mình, và đi theo con đường Ngài đã đi, đó là con đường khổ giá.

Khi chúng ta lựa chọn sống theo Lời Chúa, chúng ta sẽ nhìn nhận người khác là anh chị em của chúng ta, là chính bản thân của chúng ta, thay vì coi nhau là địch thủ hay kẻ thù. Lúc đó, chúng ta sẽ sống được điều Chúa mời gọi, đó là làm cho người khác, những gì chúng ta muốn người khác làm cho mình.

*******


Lạy Chúa, Chúa dạy cho chúng con những bí quyết để được vào Nước Trời: phải yêu thương và làm cho người khác những gì chúng con muốn mình được người khác làm cho, nghĩa là, phải quên đi chính mình và đi bước trước đến với anh em - Phải theo con đường hẹp, nghĩa là phải vượt qua trở ngại, khó khăn. Lạy Chúa, những điều đó thực sự rất khó với chúng con, bởi vì con người tự nhiên ai cũng ưa dễ dãi chứ không thích khó khăn, mất mát. Xin ban cho chúng con tình yêu và sức mạnh của Chúa để chúng con can đảm thực thi những lời Chúa dạy, hầu đạt tới phần thưởng đích thực là Nước Trời Chúa hứa. Amen.

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

ANH EM ĐỪNG XÉT ĐOÁN


Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy ; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. (Mt 7, 1-2)

Con người thích xét đoán vì nó là dịp để đề cao mình và giảm danh giá tha nhân. Không những xét đoán tha nhân, nhiều người còn nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa và xét đoán luôn cả sự quan phòng của Ngài, khi họ chất vấn hay than phiền những đau khổ Thiên Chúa bắt họ phải chịu. Con người xét đoán không năng xét mình; vì thế, họ thấy họ tốt lành và dễ xét đoán tha nhân; nhưng nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ thấy họ mang đầy những khuyết điểm, và không dám xét đoán tha nhân. Con người dễ xét đoán, vì họ nghĩ chẳng có ai rỗi hơi kiểm điểm những lời xét đoán của họ; nhưng nếu họ biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, họ sẽ cẩn thận hơn khi phải xét đoán tha nhân.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay cũng mời gọi chúng ta muốn có cái nhìn tốt với tha nhân cần phải lấy cái xà trong mắt mình là thành kiến, là ác ý đang làm mờ tâm hồn chúng ta. Khi chúng ta lấy cái xà ác ý trong mắt mình ra, chúng ta sẽ có cái nhìn tốt với tha nhân. Một trong những cách giúp con người đừng xét đoán tha nhân là năng kiểm điểm bản thân mình. Khi con người thành thật với chính mình, họ tìm ra trong người họ cũng đầy dẫy những tính hư, nết xấu, nhiều khi còn to lớn hơn của tha nhân gấp bội. Nhận ra bản thân như thế, họ sẽ dễ dàng thông cảm và không xét đoán  tha nhân. Ngược lại, khi con người không năng xét mình, họ dễ dàng xét đoán tha nhân, vì họ nghĩ họ sạch tội.

*******


Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã yêu thương chúng con bằng tình yêu vô bờ bến. Chúa không toan tính thiệt hơn. Chúa càng không chấp nhất tội chúng con. Xin cho chúng con biết sống yêu người như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết từ bỏ cái tôi ích kỷ để mở rộng tâm hồn đến với tha nhân. Xin cho chúng con không chỉ trao tặng nhau lời nói, ánh mắt cảm thông mà còn cả cuộc sống sẵn sàng phục vụ anh em. Xin cho chúng con luôn quảng đại yêu thương và phục vụ tha nhân với tất cả nhiệt thành và khả năng mà Chúa đã trao ban. Xin Chúa thêm ơn nâng đỡ để chúng con biết sống và tuân hành ý Chúa trong bổn phận hằng ngày, trong cách sống phục vụ tha nhân. Amen!

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

TIN TƯỞNG VÀ PHÓ THÁC NƠI CHÚA


Chúng ta hãy đặt mình trong tình huống các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay : cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước; trong khi đó Đức Giê-su vẫn ngủ! Vì thế các môn đệ không chỉ hoàng hốt, nhưng còn đánh thức và trách cứ Người: Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?

Có nhiều khó khăn, thách thức, tai ương, hoạn nạn… xảy ra trong đời người, ta tạm gọi chung những thứ này là “sóng gió.” Khi gặp phải những cơn sóng gió này, nhiều người vội kêu cầu Chúa cứu giúp và nếu không được toại nguyện, thì họ quay ra oán hận Chúa, từ bỏ Chúa. Người ta oán trách Chúa đủ điều: Tại sao Chúa để cho tôi phải gặp khó khăn, gian khổ, đau thương thế này? Tại sao Chúa để cho vô vàn sóng gió xảy ra trên thế giới? Nếu Chúa là Đấng nhân từ, là Người Cha tốt lành, sao Chúa để cho sự dữ xảy ra?

Thiên Chúa là Người Cha nhân từ, rất mực tốt lành và hết lòng yêu thương hết mọi người. Thiên Chúa có lý do chính đáng khi để cho sóng gió, gian truân xảy ra trên địa cầu. Nếu trần gian này không có khó khăn, thách thức, gian khổ… mà chỉ có dễ dàng, thoải mái, cầu được ước thấy… thì trần gian này đã là thiên đàng rồi; khi đó, người ta không cần ngưỡng vọng một thiên đàng thứ hai. Khi đó, người ta không cần rèn luyện, tu tâm sửa tính để mong đạt tới thiên đàng thượng giới. Bấy giờ, mọi người đều tha hồ vui hưởng thiên đàng hạ giới này, đều đắm mình trong lạc thú, tha hồ ăn nhậu, chơi bời trác táng cho thỏa mãn những đòi hỏi vô độ của thân xác… Như thế, chắc chắn loài người sẽ sa đọa và lún sâu vào vũng lầy tội lỗi.


Như thế, những khó khăn, thách thức trên cõi đời này có tác dụng như những bài luyện tập cần thiết để rèn luyện con người trở nên can trường mạnh mẽ, tốt lành thánh thiện, có nhiều phẩm chất cao đẹp, xứng đáng đạt tới thiên đàng thượng giới trong tương lai.


*******

Lạy Chúa! Sống trong cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng và nhất là trong đời sống đức tin, nhiều hoàn cảnh thay đổi, niềm tín thác lu mờ, tội lỗi và cám dỗ lan tràn, con người dễ buông xuôi. Xin cho chúng con biết luôn nỗ lực trưởng thành, nhờ ơn Chúa, và nhờ tin vào Chúa mà kiên vững lớn lên trong thử thách. Amen

CHỈ TIN VÀO MỘT MÌNH CHÚA

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được. ....... Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy. (Mt 6, 24-34)

Làm việc để có tiền có của, là điều tất yếu trong cuộc sống, nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là làm thương tổn, thậm chí gây đổ vỡ những tương quan, vốn làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới trong cộng đoàn, gia đình, họ hàng, giữa các bạn hữu, trong lối xóm và xứ đạo. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với chúng ta trong bài Tin Mừng: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được. (Mt 6, 24)

Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta : “Đừng lo lắng”. Nhưng làm sao ở trên đời mà không có lo lắng, dù chúng ta sống trong ơn gọi nào ? Như một triết gia đã nói, “con người là một hữu thể lo lắng”. Sở dĩ con người lo lắng thái quá và từ đó không còn được hạnh phúc trong cuộc sống, là vì con người không tin ở sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Và để chúng ta có thể tín thác nơi Thiên Chúa, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta nhìn xem và chiêm ngắm chim trên trời và hoa ngoài đồng để nhận ra sự chăm lo quảng đại và nhưng không của Thiên Chúa.



******

Lạy Cha, ước gì tâm hồn chúng con được như em bé nằm gọn trong lòng mẹ. Chúng con cũng luôn phó thác cuộc đời chúng con trong tay Cha trên trời. Tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Cha. Tâm hồn chúng con luôn được bình an và hạnh phúc tràn đầy. Xin Đức Giêsu đưa chúng con vào trong tình yêu của Cha. Amen.

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

KHO TÀNG THẬT SỰ


Anh em hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có rỉ sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất (Mt 6, 20)

Kho tàng tượng trưng cho những giá trị mình coi trọng. Kho tàng dưới đất quả là không bền. Thầy Giêsu đề nghị chúng ta tích trữ một cách khôn ngoan hơn, tích trữ một kho tàng gì đó mà mối mọt không đục khoét được và kẻ trộm không sao ăn cắp được. Đó là thứ kho tàng trên trời được tích trữ qua bao việc lành, những việc ta làm theo ý Thiên Chúa. Có một sự khác biệt lớn giữa kho tàng trên trời và kho tàng dưới đất. Tích trữ kho tàng dưới đất khiến ta cậy dựa vào của cải đời này. Tích trữ kho tàng trên trời đòi ta hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa.

Thầy Giêsu còn mời chúng ta đổi mới cái nhìn. Đừng nhìn bằng mắt xấu, nghĩa là bằng cặp mắt thèm muốn, tham lam. Hãy nhìn bằng mắt tốt, nghĩa là bằng cặp mắt siêu thoát, quảng đại, vì cái nhìn bằng mắt tốt sẽ đem lại ánh sáng cho toàn thân, còn cái nhìn bằng mắt xấu sẽ gây ra bóng tối kinh khủng. Ước gì con mắt tôi biết thấy Chúa là kho tàng đích thực của mình.


********

Lạy Chúa, ở đời người ta thường chạy theo danh lợi thú. Chúng con cũng quá lao nhọc đến lao tâm về danh vọng trần gian. Chúng con ưa tìm hư danh bằng những thành tích khen thưởng, bằng những bằng cấp, địa vị. Nhưng Chúa ơi, tất cả chỉ là phù hoa, xin tha thứ cho những đam mê lầm lạc của chúng con. Xin giúp chúng con đừng vì đam mê danh vọng mà bỏ rơi tình Chúa. Ðừng vị công danh mà xa rời tình anh em. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và luôn tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con biết sử dụng ân lộc Chúa ban theo ý Chúa, bằng cách chia sẻ cho anh em nghèo khổ hơn chúng con. Và với cách đó là chúng con đã biết tích trữ cho mình kho báu trên trời. Amen.

THA THỨ CHO ANH EM


Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. (Mt 6,14)

Trong mọi tôn giáo và thuộc mọi thời, những người giả hình là những người thường thực hiện những việc đạo đức một cách phô trương, nghĩa là làm vì người khác và tìm sự chú ý và khen ngợi của người khác. Việc làm của họ không có chiều kích thiêng liêng, hay rộng hơn, không có chiều kích nội tâm, nghĩa là được định hướng bởi tâm tình vì Thiên Chúa, cho Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, nhưng chỉ có vẻ bề ngoài mà thôi. Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Trong ba việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay, Đức Giêsu nói về cầu nguyện cách đặc biệt nhất: trước hết, việc cầu nguyện có vị trí trung tâm, không chỉ ở trung tâm của bộ ba đạo đức, nhưng còn ở trung tâm của toàn bộ “Bài Giảng Trên Núi”; Ngoài ra, Thiên Chúa còn là Cha chúng ta, Ngài biết rõ chúng ta cần gì và điều gì tốt hơn cho chúng ta. Vì thế khi cầu nguyện không nên lải nhải nhiều lời. Nhưng Chúa vẫn muốn lắng nghe những lời tâm tình của ta, những quan tâm của ta đối với cuộc sống, với anh em... chứ không phải là những nhu cầu cá nhân, ích kỷ. Chúng ta hãy xin Đức Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện đẹp ý Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta phải đặt trong tương quan Cha-con với Thiên Chúa. Cha muốn gì, con xin vâng.

Sau khi dạy những lời chúng ta cần ngỏ với Chúa Cha, Đức Giêsu nhắc lại một điểm đã được nêu trong những lời này, đó là sự tha thứ: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta…” Như thế, sự tha thứ có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng ta không thể sống với nhau nếu không tha thứ cho nhau, và chúng ta cũng không thể sống với Chúa, nếu không được Ngài tha thứ. Nếu ơn huệ  là nguồn gốc và nền tảng của mọi tương quan, thì ơn tha thứ là ơn huệ hoàn hảo, giúp tái tạo và làm cho đạt tới mức viên mãn ơn huệ ban đầu.

****


Lạy Chúa Giêsu, khi xưa Chúa đã dạy các môn đệ cầu nguyện. Ngày nay, mỗi khi chúng con đến với Chúa, xin Chúa sai Thánh Thần Chúa hướng dẫn chúng con cầu nguyện, để chúng con biết cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Cha.


Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho chúng con học nơi Chúa là tình yêu để chúng con không bao giờ xét đoán, kết án hay kết tội lẫn nhau. Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con khó có thể "thương người như thể thương thân" quá! Chúng con chỉ biết sống cho mình. Chúng con không quan tâm đến nỗi lòng kẻ khác. Chúng con không tìm niềm vui trong phục vụ mà chỉ thấy vui khi được người khác phục vụ mình. Xin giúp chúng con biết sống yêu thương nhau, biết giúp đỡ và tha thứ cho nhau. Người giàu nâng đỡ người nghèo, người nghèo đùm bọc kẻ tả tơi, người có tội thì được sự tha thứ, kẻ lầm lỡ được cảm thông, kẻ vấp ngã được đón nhận trong tình bao dung nhân ái. Ðó chính là phương thế duy nhất để chúng con có được hạnh phúc đời này và cả đời sau.Amen!

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

CHỚ CÓ PHÔ TRƯƠNG


Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. (Mt 6,1)

Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm. Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế. Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh, làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua. Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay, Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả, khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay. Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ. Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật. Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí. Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường. Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay. Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác.

Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất, nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người. Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương. Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa, cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay. Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.


*****

Lạy Chúa, Chúa là Ðấng thấu suốt mọi sự. Xin ban cho chúng con sự can đảm để từ bỏ những hình thức giả dối bên ngoài, và luôn sống chân thật trước mặt Chúa và chân thành khi giúp đỡ tha nhân. Amen.

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ


Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét anh em, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa anh em (Mt 5, 44b)

Chúng ta được mời gọi không chỉ sống theo Lề Luật, nhưng còn sống theo Lời Chúa; nghe thì thật là hay và đúng nữa, nhưng làm sao mà sống được? Yêu thương những người thân cận theo Lề Luật đã khó, thì làm sao yêu thương kẻ thù, yêu thương những người không có thiện cảm với chúng ta, những người làm hại hay những người ngược đãi chúng ta, theo Lời Chúa được?


Khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải cố gắng, cố gắng từng ngày; khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải bắt đầu, rồi lại bắt đầu; bởi lẽ chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi nên hoàn thiện như Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời Đấng hoàn thiện, vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Như thế, là Con Thiên Chúa, là Ki-tô hữu, là những người tin vào Đức Ki-tô, là môn đệ của Đức Ki-tô, thì chúng ta phải sống khác người ta, như lời Chúa nói: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” 

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta luôn cố gắng sống theo Lời Chúa, sống hoàn thiện như Cha trên trời, sống khác với người khác, nhưng cố gắng một hồi là chúng ta đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa. Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung chúng ta.

Có lẽ bạn và tôi đã có lần cảm nghiệm được niềm vui và nỗi đau của sự tha thứ và được tha thứ.  Chỉ trong sự tha thứ, tôi mới có thể họa lại nơi bản thân mình cái nhìn "cảm hóa" của Đức Kitô. Một cái nhìn không chỉ dừng lại ở việc giao hòa, mà còn đi sâu vào lòng người, xóa tan mọi ấn tượng, mặc cảm tội lỗi nơi họ. Một cái nhìn tha thứ đến mức tuyệt đối.

*****


Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con hãy trở nên muối và ánh sáng cho trần gian. Chúa mời gọi chúng con hãy thắp sáng lên niềm hy vọng bằng cuộc sống toả lan tình bác ái yêu thương mọi người. Dù chỉ là một ngọn đèn hải đăng lập lèo trong đêm tối, cho dù phải đương đầu với biết bao sóng gió nhưng vẫn phải giữ cho ngọn đèn luôn cháy sáng, vì biết đâu xa xa ngoài khơi vẫn còn đó những con người đang chơi vơi trong tuyệt vọng, đang lạc hướng đời người, đang cần một chút ánh sáng để quay đầu trở về, để làm lại cuộc đời.



Nhưng tiếc thay Chúa ơi! Vì lười biếng, vì ích kỷ, vì hèn nhát, ngọn đèn của chúng con đã lu mờ dần đi và có khi tắt ngấm. Vì thiếu bác ái, thiếu lòng nhân từ nên những ai tiếp xúc với chúng con đều cảm thấy mặn chát, khô cằn, thiếu sức sống vui tươi. Xin Chúa giúp chúng con dám hy sinh và từ bỏ mình mỗi ngày để trở nên ánh sáng và muối men cho đời.  Xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm sâu sắc tình yêu của Chúa đối với mỗi người tội lỗi chúng con. Để từ đó, chúng con có thể sống tình yêu chân thành với mọi người mà chúng con gặp gỡ. Amen

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

LUẬT YÊU THƯƠNG


“Anh em đã nghe luật dạy rằng: “mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự với người ác; trái lại, nếu ai bị vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,38-39)

Tin mừng hôm nay trình bày điểm cuối, và cũng là đỉnh cao của việc kiện toàn lề luật, khi nói về việc Chúa Giêsu kiện toàn luật yêu thương. Luật xưa dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, phạm nhân phải đền bù tương xứng với thiệt hại đã gây nên. Còn Chúa, Chúa dạy chúng ta phải quảng đại bao dung. Lấy ân báo oán, lấy yêu thương báo hận thù. Chúa muốn con cái Chúa trải rộng tình thương cho tất cả mọi người, kể cả thù địch. Phải biết yêu như Chúa đã yêu.

Khởi đi từ lề luật áp dụng cho kẻ dữ “mắt đền mắt, răng đền răng”, những minh họa của Đức Giê-su cũng khởi đi từ kẻ dữ “đừng chống lại kẻ dữ” nhưng đi xa đến tận người xin hay vay mượn: “Ai xin thì hãy cho!” Như thế, lời của Đức Giê-su không diễn tả một luật mới đối lại với luật ngang bằng “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng diễn tả một năng động không nại đến lề luật hay lí lẽ sòng phẳng, khởi đi từ sự thiện và hướng tối đa đến sự thiện. Và đó là cách vừa hoàn tất lề luật, vừa đánh bại sự dữ hiện diện nơi người khác và nơi chính chúng ta nữa.

Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống theo, có thể nói là sự điên rồ của tình yêu. Bởi vì, sức mạnh của sự dữ không thể bị chặn đứng bởi Lề Luật, và nếu có thì chỉ là tạm thời mà thôi, nhưng chỉ bị chặn đứng và bị đánh bại bởi một sức mạnh khác, đó là sức mạnh tình yêu. Và nhất là khi sống như thế, chúng ta mới sống đúng căn tính của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, như Đức Giê-su Ki-tô. Hóa ra tình yêu nơi Thiên Chúa không có sự loại trừ. Cả người tốt lẫn kẻ xấu đều được yêu; cả người tốt lẫn kẻ xấu đều được trao ban cơ hội

*****


Chúa ơi, nếu cuộc sống chúng con chỉ lấy oán báo oán, thì oán sẽ chập chùng. Và hận thù sẽ nối tiếp hận thù phải không Chúa? Nếu cuộc sống chỉ quanh đi quẩn lại những hận thù, bỏ vạ, cáo gian, có lẽ đó là những ngày tháng bất hạnh và đau thương của kiếp sống con người!. Xin Chúa giúp chúng con biết tha thứ cho nhau thay vì nuôi dưỡng giận hờn. Xin giúp chúng con biết nghĩ tốt, nói tốt về nhau thay vì nghĩ xấu, nói xấu về nhau. Xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: “bạo động chỉ gây thêm bạo động, chỉ có tình yêu mới mang lại tình yêu”. Xin Chúa biến đổi chúng con mỗi ngày càng nên giống Chúa hơn để chúng con biết quảng đại, bao dung và vô vị lợi như Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

DỤ NGÔN NƯỚC TRỜI


Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất… Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. (Mc 4, 26 -31)

Sau khi kể lại một loạt dụ ngôn mà Đức Giê-su đã dùng trong lời giảng của mình, dụ ngôn người gieo giống, dụ ngôn cái đèn, dụ ngôn đấu đong, dụ ngôn hạt giống và dụ ngôn hạt cải, thánh sử Mác-cô kết luận: “Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn.” Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường và từ thiên nhiên. Nhưng các dụ ngôn lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.

Khi nói đến Nước Thiên Chúa, chúng ta thường nghĩ ngay đến năng lực của con người: con người yếu đuối, tội lỗi, bất lực; thế giới và xã hội chúng ta đang sống đầy hỗn mang, lệch lạc, ô nhiễm… Nhưng, để giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, lời của Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta chiêm ngắm năng lực của thiên nhiên, đúng hơn là năng lực của một trong những điều nhỏ bé nhất của thiên nhiên, để nhận ra điều kì diệu vượt qua mọi nỗ lực của con người: Đó là năng lực của hạt lúa, đó là năng lực của hạt cải. Đúng là trong hai dụ ngôn nhỏ này, Đức Giê-su hình như xem nhẹ công sức của con người. Tuy nhiên, đó lại là sự thật của muôn đời: dù con người có cố mấy đi nữa cũng không thể thay thế được sức sống của thiên nhiên, dù hiểu biết khoa học của con người có tiến bộ mấy đi nữa cũng không thấu hiểu được thiên nhiên, nhất là sự sống trong thiên nhiên. Nhưng xét cho cùng, với những dụ ngôn này, Đức Giêsu không muốn dạy chúng ta về thế giới thực vật, nhưng Ngài mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm thiên nhiên để cảm nghiệm được năng lực ẩn dấu nhưng thật mạnh mẽ và kì diệu của Nước Thiên Chúa, của Hạt Giống Giê-su, ngang qua mầu nhiệm Vượt Qua, nẩy mầm, thành cây.


****

Lạy Chúa, điều mà hai dụ ngôn này muốn diễn tả, đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng con, cho từng người chúng con mỗi ngày, ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành, và ngang qua ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xảy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống. Hạt giống thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ tạo nên mùa màng bội thu và trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống chính là Lời Chúa, như chính Đức Chúa đã tuyên bố. Xin giúp chúng con hiểu rõ và biết cố gắng thực hành các huấn lệnh Ngài dạy, cụ thể là qua các dụ ngôn.