Translate

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

VIỆC CHÚA LÀM


Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường. Ðó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta (Mc 12, 10-11)

Dụ ngôn ông chủ vườn nho và các tá điền, là một ẩn dụ mà Chúa Giêsu dùng để ám chỉ các nhà lãnh đạo Tôn giáo Do Thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, vườn nho là dân Israel, các tá điền là các lãnh tụ ấy, tôi tớ được sai được thu hoạch các hoa lợi là các ngôn sứ, người con của ông chủ là Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã giao dân Israel cho các lãnh tụ Do Thái chăm sóc, nhưng họ không chu toàn trách nhiệm. Các ngôn sứ nhiều lần được sai đến nhắc nhở họ, họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến, họ cũng không nghe mà còn giết chết Người Con ấy. Bởi vậy Thiên Chúa truất quyền họ, Ngài ban Nước trời cho một dân khác là Giáo Hội. Phần Chúa Giêsu tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo Hội.

Đọc và suy nghĩ kỹ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy được Thiên Chúa hết sức yêu thương con người, mà dân tộc Israel được dùng làm điển hình. Ngài đã kêu gọi, tuyển chọn, bảo vệ, hướng dẫn... Nghĩa là người có cả một kế hoạch yêu thương. Khi con người thất tín, ngược đãi và chống lại Thiên Chúa, nghĩa là muốn phá đổ chương trình yêu thương, thì Thiên Chúa đã tìm đủ mọi cách, ngay cả chính Con Một yêu dấu của Người, Người cũng ban cho nhân loại. Thiên Chúa có thất bại không? Không, Thiên Chúa không thất bại. Đức Giêsu đã toàn thắng. Ngài đã phục sinh trong vinh quang. Dù con người bất tín, bất trung, Thiên Chúa vẫn một mực thành tín. Đó chính là chiến thắng của Thiên Chúa.

****

Lạy Cha, chúng con là con cái Cha, Cha luôn yêu thương săn sóc chúng con. Xin cho chúng con ý thức được địa vị cao quý của mình và chúng con phải sống thế nào cho xứng đang. Xin cho chúng con biết khôn ngoan, đón nhận và bảo vệ ơn lộc của Cha, bằng cách tỉnh thức và can đảm khước từ mọi cám dỗ, để chúng con luôn sống trong ánh sáng của Cha. Xin Đức Giêsu, Con Cha, cầu bầu cho chúng con. Xin Chúa cũng hãy dùng cuộc đời chúng con theo ý Chúa, để sinh hoa lợi cho vườn nho của Chúa là Giáo hội chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

NHÂN DANH CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN


Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28, 19-20)

Ba Ngôi là lò lửa tình yêu lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Ba Ngôi là nguồn mạch tình yêu không bao giờ vơi cạn. Cuộc trao đổi cho đi và nhận lãnh làm cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngày càng sung mãn dồi dào. Tất cả mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Tất cả mọi tình yêu muốn trung thực và bền vững đều phải học theo khuôn mẫu tình yêu Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc là ta được tham dự vào bầu khí yêu đương của Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc sẽ đến khi mọi người biết yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.


Hôm nay, khi truyền cho ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Người mong ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những gọc tối tăm chiến tranh, chia rẽ. Người mong ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng tình thương tha thứ. Người muốn cho tình yêu lên ngôi ngự trị trong hết mọi tâm hồn.

Tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ hiện hữu giới hạn nhỏ hẹp trong tâm hồn những người đã lãnh nhận, đã được chọn làm Con Chúa, nhưng cần được chia sẻ, trao tặng, cho đi với tha nhân, với muôn dân, không phân biệt dân tộc, sắc tộc, giàu nghèo, giai cấp, để mọi người đều được chung hưởng, đều được thánh hóa, xứng đáng trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Như thế, Tình Yêu vượt ra khỏi mọi rào cản cá nhân, vị kỷ, dửng dưng, vô cảm, vô tình, bất nhân, đố kỵ, ganh ghét, hận thù để chân thành, nhiệt tình đến với tha nhân, bất kể quen hay lạ, thân hay thù. Vì yêu thương chính là giới răn quan trọng của Chúa Giêsu ban cho toàn thể nhân loại.

Những lời cuối của Tin Mừng thánh Matthêu cũng là lời cam kết sau cùng của Chúa Giêsu, sẽ đồng hành, an ủi, che chở, nâng đỡ, phù hộ, cứu giúp các Tông Đồ, các tín hữu Kitô đến ngày tận thế. Như thế từng con chiên được Chủ Chiên Nhân Từ hết mực thương yêu đùm bọc chăm sóc, hiệp nhất làm một trên đường hy vọng, mặc cho bão táp, giông tố, mãnh thú, ác nhân, ma quỷ vây quanh hãm hại, bắt bớ, giết chóc.

***

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin ghi dấu ấn Tình Yêu quảng đại, giao hòa và hiệp nhất trên chúng con, mỗi khi chúng con làm dấu Thánh Giá, để chúng con luôn chọn Thiên Chúa làm Cha, hầu được sống nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa, cùng luôn đem Tin Mừng chia sẻ đến mọi người. Xin cho chúng con cảm nhận rằng bí quyết để được hạnh phúc tuyệt vời là cùng nhau sống yêu thương gắn bó nên một như Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình và cộng đoàn sẵn sàng xóa bỏ những bất hòa chia rẽ để tiến tới đời sống yêu thương hiệp nhất theo mô hình Ba Ngôi. Xin cho tình yêu của Ba Ngôi liên kết chúng con nên một, để đời sống gia đình và cộng đoàn chúng con trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen!

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

THÀNH KIẾN


Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy? (Mt 11, 28)

Việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong Đền thờ đã khiến các trưởng tế, luật sỹ và kỳ lão nổi giận. Họ đến chất vấn Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm sự đó?” Chúa Giêsu không tự đưa ra câu trả lời, nhưng hỏi ngược lại họ nguồn gốc phép rửa của Gioan Tẩy giả. Không phải Ngài né tránh vấn đề, nhưng đây là cách Ngài khuyến khích họ suy nghĩ: nếu họ đừng có thành kiến nhưng biết sáng suốt nhận định thì họ sẽ thấy rõ sứ mạng của Gioan là bởi trời, và với lời giới thiệu của Gioan Tiền Hô cùng các hành động, lời nói của Đức Giêsu, các thượng tế, các kỳ mục thừa biết về sứ mệnh của Đức Giêsu. Thế nhưng vì không tin, họ chất vấn Đức Giêsu về nguồn gốc quyền bính của Ngài. Điều đó cho thấy thái độ cố chấp, cứng tin của họ. Vì thiếu chân thành, thiếu thiện chí, họ không được đón nhận ơn cứu độ.

****

Lạy Cha, xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian. Xin cho chúng con đến với nhau không chút thành kiến, và tin tưởng vào thiện chí của nhau. Khi cộng tác với nhau, xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện, nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi.


Lạy Chúa, trước các biến cố trên thế giới và biến cố đời chúng con, Chúa vẫn thể hiện quyền năng và sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng nhiều lúc chúng con vẫn không nhận ra tình yêu thương, không nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời thường. Xin giúp chúng con thoát ra khỏi tình trạng mê muội đáng trách của mình. Xin cho chúng con biết cởi mở đón nhận Chúa, luôn xác tín Chúa can thiệp vào cuộc đời chúng con. Nhờ đó chúng con được sống trong niềm vui và sự an bình của Thiên Chúa. Amen. 

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

CẦU NGUYỆN CÙNG ĐỨC TIN VÀ SỰ THA THỨ

Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó. Và khi các con đang đứng cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ để Cha các con trên trời cũng tha cho các con.  Nếu các con không tha thứ, thì Cha các con trên trời cũng không tha tội cho các con (Mc 11, 24-26)

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay (Mc 11, 11-26), chắc chắn lời của Đức Giê-su dành cho cây vả là khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận nhất: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” Thật tội cho cây vả đang xanh tốt, vì không phải là mùa ra trái thì làm sao có trái mà hái! Nhưng lại bị Đức Giê-su nguyền rủa, đến nỗi phải chết khô tận gốc rễ ngay hôm sau: “Kìa Thầy xem, ông Phê-rô nói, cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!” Phải chăng tâm hồn tôi cũng như cây vả trong đoạn Tin Mừng hôm nay: nếu chỉ nhìn tôi đọc kinh dự lễ, người ta tưởng tôi đạo đức sốt sắng lắm. Nhưng nếu nhìn vào tận đáy lòng tôi, người ta sẽ thấy đó chỉ là một cái cây khô héo? 

Cây vả còn là hình ảnh của dân Do Thái khi xưa. Cách sống đạo của họ bề ngoài tốt đẹp như là một cây lá xanh, nhưng thực chất không có tinh thần thờ phượng Thiên Chúa đích thực. Cụ thể của lối sống đạo đó là sinh hoạt ở nơi đền thờ: một mặt người ta chỉ lo buôn bán lễ vật mà không quan tâm tới thi hành ý Thiên Chúa, mặt khác là kỳ thị không cho người ngoại vào Đền thờ. Như thế, việc thờ phượng Thiên Chúa đã bị làm lệch lạc: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho muôn dân, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp.” Qua hành động đánh đuổi những người buôn bán, Chúa Giêsu muốn thanh tẩy việc thờ phượng. Tâm hồn tôi cũng là Đền thờ của Thiên Chúa. Nếu như hôm nay Chúa Giêsu vào đó và “đưa mắt quan sát mọi sự,” Ngài sẽ thấy gì? Có những gì khiến Ngài không hài lòng? Ngài sẽ nổi giận đánh đuổi và lật đổ những gì?   

Cây vả cũng chính là hình ảnh nói về mỗi người chúng ta, phải sẵn sàng bất cứ lúc nào, bất cứ mùa nào, để cho Đức Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, là Đấng mà nhờ Người mà mọi sự được tạo thành, đến viếng thăm và thu hoạch hoa tráiVà nếu chúng ta bất lực, Người mời gọi chúng ta hãy có lòng tin, như Đức Giê-su trả lời ông Phê-rô, khi chứng kiến cây vả chết khô: Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!”, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. (Mc 11, 23)

Tuy đức tin và đời sống cầu nguyện là hai vũ khí không thể thiếu được đối với người Kitô hữu. Nhưng để đời sống đức tin và cầu nguyện được phát triển toàn vẹn, con người phải thể hiện lòng bác ái đối với anh chị em mình. Chỉ khi nào ta thực sự chấp nhận, tha thứ cho anh em mình thì khi đó ta mới thực sự sống trọn niềm tin vào Thiên Chúa.

*****

Lạy Chúa Giêsu, suốt cuộc đời của Chúa, Chúa không ngừng dạy dỗ chúng con sống yêu thương và đó chính là con đường duy nhất dẫn chúng con tới hạnh phúc. Xin cho mọi người trong gia đình con được biết yêu thương, nâng đỡ nhau, để từ hạnh phúc ấy, tình yêu của chúng con lan rộng đến anh chị em trong khu xóm, trong xứ đạo và đến hết mọi người chúng con gặp gỡ. Amen.

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

LÒNG TIN SẮT SON.

  


Chúa Giêsu đáp: “Được, lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người. (Mc 10, 52)

Liền sau câu chuyện Gioan và Giacôbê xin hai địa vị ưu tiên trong nước Chúa Giêsu sắp thành lập, Máccô viết tiếp chuyện anh mù Bar-ti-mê như để sửa lưng các môn đệ. Bar-ti-mê là tấm gương cho tất cả những ai muốn thấy Chúa Giêsu thực sự là ai, và thực lòng muốn đi theo Ngài. Mặc dù mù, nhưng anh ta tha thiết “xin cho tôi được thấy”, và cuối cùng anh ta đã thấy. Khi thấy rồi, anh ta còn đi theo Chúa Giêsu lên Giêrusalem (ở đó Ngài sẽ chịu nạn, chịu chết và sống lại)

Trong văn chương và nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng đẹp. Trái lại, khi nói về mắt, Phúc âm lại nói về đôi mắt mù. Mù đôi mắt thân xác đã bất hạnh, mù đôi mắt tâm hồn còn là một bất hạnh lớn hơn. Mù đôi mắt tâm hồn là “mù” mà không chấp nhận mình “mù”, vì nghĩ rằng mình vẫn sáng suốt để nhận ra Chúa. Nhưng đâu ngờ đằng sau đôi mắt ấy, có thể chỉ là một màn đêm lạnh lẽo, một tâm hồn trống trải buồn tênh, chẳng buồn nghe và thực thi Lời Chúa nữa. Đó thực sự là một thảm trạng mà những ai sống xa Chúa không nhận ra, và hồn nhiên tiếp tục sống trong màn đêm mà họ nghĩ đó mới là thế giới ánh sáng nơi họ thuộc về.


****

Lạy Chúa là Ðấng quyền năng, xin phá tan những bóng đêm đang che kín địa cầu. Bóng đêm của sự dữ hoành hành. Bóng đêm của sa đoạ và bất công. Bóng đêm khiến lòng người lạnh vắng giá băng. Tình người băng giá. Lòng người mù tối bởi ích kỷ và tham lam. Xin khai mở cho trần gian ánh sáng của yêu thương để xóa tan hận thù. Ánh sáng của chân lý để đẩy lùi những mưu đồ bất chính, những oán giận hờn ghen. Xin mở mắt tâm hồn để chúng con thấy Chúa đang hiện diện nơi tha nhân. Xin giúp chúng con đừng vì sự mù tối của mình mà gây nên đau khổ cho người khác. Xin giúp chúng con biết mang lại ánh sáng yêu thương, ánh sáng công bình, bác ái và tình hiệp nhất cho gia đình và xứ đạo chúng con. Xin ban cho chúng con lòng tin sắt son vào Chúa để chúng con luôn tín thác và cậy trông trọn vẹn nơi Chúa. Amen

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

THEO CHÚA LÀ HY SINH VÀ PHỤC VỤ


Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mc 10, 45)

Hai anh em Gia-cô-bê và Gioan đến xin với Đức Giê-su : “ Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.Như thế, dường như đối với hai môn đệ, việc đi theo Đức Giêsu là một con đường, một cách thức để có được vinh quang thần thánh, ngang qua việc ngồi bên cạnh Đức Ki-tô vốn đầy vinh quang. Khi đó, theo cách nghĩ thông thường của thế gian, người ta sẽ có quyền bính! Và khi có quyền bính, thì sẽ có tất cả. Trong khi Đức Giê-su lại khiêm nhường, trút bỏ vinh quang vốn có, để hạ mình hướng tới con đường Thập Giá, để trở nên nhỏ bé, để tự xóa mình đi, để dâng hiến và phục vụ ; thì nơi các môn đệ, lại tồn tại một tham vọng làm lớn, và điều này tất yếu kéo theo sự ganh tị, tranh chấp và loại trừ. Mỗi người chúng ta đều có nhiều tham vọng,  lớn hay nhỏ còn tùy hoàn cảnh nhưng chắc chắn những tham vọng thuộc về trần gian bao giờ cũng đi ngược với con đường Thập Giá của Đức Ki-tô. Chính vì vậy, khi ý thức mình là con cái Chúa - Đấng chọn tham vọng ngược lại hoàn toàn tham vọng của thế gian, chúng ta được mời gọi ở lại với Đức Ki-tô, và có tương quan thiết thân với Ngài, ngang qua việc không ngừng chiêm ngắm Ngài trong các Tin Mừng, để hiểu sâu xa, thấm nhuần và yêu mến con đường Thập Giá của Ngài.


Khi nghe hai môn đệ kia xin với Đức Giê-su như vậy, mười môn đệ khác tỏ ra tức tối ; điều này có nghĩa là, các ông có cùng một tham vọng. Trong bài Tin Mừng này, chỉ trong vài chữ, Lời Chúa cho chúng ta nhận ra lòng ham muốn quyền bính, tham vọng làm lớn tác hại như thế nào trong tương quan với Chúa và với nhau. Nhưng Đức Giêsu thật kiên nhẫn khi đối diện vấn đề không hề nhỏ này nơi các môn đệ . Ngài nêu ra một cách thức thi hành quyền bính giữa các môn đệ hoàn toàn ngược hẳn với cách thức bình thường, khiến các môn đệ và cả những ai đã, và đang theo đuổi những tham vọng tương tự phải bất ngờ, phải nghĩ suy trong phút nhìn lại mình, và cảm nhận được chân lý : “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Và Đức Giêsu không nêu ra một nguyên tắc suông, nhưng Ngài luôn luôn nói điều Ngài sống : “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”


****

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, làm người ai cũng mong có kẻ yêu người mến. Ai cũng mong trở thành người có danh có phận giữa đời. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá đòi hỏi nơi tha nhân, chúng con đòi được phục vụ, chúng con đòi quyền lợi, chúng con thường tham lam ích kỷ. Thế nên, người thương thì ít, kẻ ghét thì nhiều, Xin giúp chúng con biết sửa đổi cách nghĩ, cách hành động giống như Chúa đã nghĩ và hành động. Xin cho chúng con biết sống vì người khác. Xin giúp chúng con biết tìm niềm vui trong sự khiêm tốn phục vụ mọi người. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: người cao trọng không phải là kẻ có chức có quyền mà là người cống hiến cuộc đời để phục vụ tha nhân trong bổn phận của mình. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để sống hy sinh vì lợi ích của tha nhân. Amen.

VÌ CHÚA VÀ VÌ TIN MỪNG


Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. (Mc 10, 29-30)

Trong cả ba Tin Mừng nhất lãm, Đức Giê-su đều kể ra những gì mà Phê-rô và tất cả những ai đi theo Ngài đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái, ruộng đất. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô có ít nhất hai điểm nhấn khác biệt:

Đức Giê-su nói: “Bây giờ, ở đời này, lại không nhận được… gấp trăm”; và Ngài kể lại chính xác những gì người môn đệ đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người mẹ, con cái, ruộng đất. Trong các Tin Mừng khác, Đức Giê-su chỉ nói cách tổng quát rằng, người môn đệ sẽ nhận được hơn nhiều.

Và Người nói thêm: “cùng với sự ngược đãi”. Các tác giả Tin Mừng khác không kể lại chi tiết này.

Là người Ki-tô hữu, dù lứa tuổi nào, chúng ta đều được mời gọi đi theo Đức Ki-tô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trong đời sống hằng ngày, với ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Và để đi theo Đức Ki-tô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài, chúng ta được mời gọi từ bỏ; và những gì chúng ta được mời gọi từ bỏ lại những điều và những người rất thiết thân với chúng ta, như chính Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái và ruộng đất. Vậy thì, làm sao mà từ bỏ được? Và phải chăng đòi hỏi của Đức Giê-su là không hợp lí, không hợp tình, và nhất là không hợp với lẽ sống của con người? Vậy thì, chúng ta phải hiểu như thế nào với đòi hỏi quá triệt để này của Đức Giê-su, đến độ không thể chấp nhận được?

Vậy “từ bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Từ bỏ mà Chúa đòi hỏi, là từ bỏ quyền làm chủ người này trên người kia. Nếu không từ bỏ hiểu như trên, chúng ta sẽ coi những người thân yêu và những gì gắn liền với những người thân yêu, là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất nhau, đánh mất chính mình và đánh mất tất cả. Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chính là để yêu mến nhau như Chúa yêu mến chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” và nhận lại “gấp trăm” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những anh em cùng chia sẻ một đức tin và nhất là cùng một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời là hiệp thông và chia sẻ. Nhưng Đức Giêsu còn nói tới khả thể bách hại. Với những cơn bách hại, chúng ta có thể bị mất hết, bị tước đoạt, bị cắt đứt mọi tương quan, bị trắng tay, và mất cả sự sống của mình. Như tổ tiên của chúng ta trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã từng có kinh nghiệm. Bởi vì, tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta ở đời này chỉ là hình ảnh của sự sống hiệp thông và chia sẻ viên mãn được chính Đức Giê-su hứa ban ở đời sau: “và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

*******

Lạy Chúa, chúng con cũng muốn đi lại con đường Chúa đã đi. Con đường tuân phục thánh ý Chúa Cha. Con đường từ bỏ mình để vác thập giá hằng ngày theo Chúa. Con đường của hy sinh. Con đường dấn thân vì lợi ích tha nhân. Nhưng chúng con lại so đo tính toán. Chúng con cũng như thánh Phêrô, muốn làm một bài toán thật chắc chắn. Chúng con theo Chúa sẽ được gì? Chúng con sợ thiệt thòi. Chúng con sợ hy sinh. Xin Chúa hãy tha thứ những tính toán ích kỷ tầm thường nơi chúng con. Xin giúp chúng con biết trở nên giống Chúa trong yêu thương phục vụ mọi người một cách quảng đại bao dung. Xin cho chúng con dám đóng đinh cuộc đời mình trong hy sinh, bác ái, trong từ bỏ những thói hư tật xấu để chúng con trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa.

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

BÁN HẾT- CHO HẾT – VÀ THEO CHÚA


Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. (Mc 10, 21)

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Một anh thanh niên vội vã chạy đến, quỳ trước mặt Đức Giêsu, và hỏi Ngài như thế khi Ngài vừa lên đường. Rõ ràng anh đang háo hức và thao thức tìm kiếm một lối sống phù hợp ở đời này, để nhờ đó được hưởng hạnh phúc vững bền mãi mãi.

Thầy nhắc anh về những giới răn liên quan đến tha nhân. Đây là những điều anh đã biết, và hơn nữa, anh thú nhận mình đã giữ chúng từ khi còn nhỏ. Đúng là anh đã không làm hại gì đến tha nhân, nhưng anh còn thiếu một điều quan trọng, đó là từ bỏ những điều anh cho là quý giá với bản thân, để tiến đến điều khó từ bỏ hơn, là hủy mình ra như không mà phục vụ Thiên Chúa qua tha nhân, bằng cách là bán những gì mình có, cho người nghèo, rồi đến và theo Thầy Giêsu. Sau khi đã trở nên tay trắng, không còn gì để nương tựa, anh thanh niên sẽ có kho tàng trên trời.

Tiếc thay anh đã từ chối lời mời của vị Thầy có lòng mến anh, và đã chỉ cho anh điều phải làm. Lúc nãy anh chạy đến với Thầy, bây giờ anh lại bỏ đi. Lúc nãy anh háo hức, vui tươi, bây giờ anh sa sầm nét mặt. Anh không ngờ Thầy lại đòi hỏi tận căn đến thế. Anh mong sự sống vĩnh cửu, anh thích làm môn đệ Thầy Giêsu, nhưng anh lại không muốn bỏ chỗ dựa là của cải đời này.

********

Lạy Chúa Giêsu, giàu sang, danh vọng, khoái lạc, là những điều hấp dẫn chúng con. Chúng trói buộc chúng con, và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn. Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi bán tất cả những gì chúng con có, để mua được viên ngọc quý là Nước Trời. Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng trước những lời mời gọi của Chúa, không bao giờ ngoảnh mặ,t để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

HIỆP NHẤT TRONG THÁNH THẦN


Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. (Ga 20,23)

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, kỷ niệm việc Ngài được về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã trao ban cho các môn đệ sứ mạng rao giảng Tin mừng cho muôn dân để tiếp nối công việc cứu chuộc của Ngài. Sứ mạng này thật vinh dự nhưng cũng không kém phần khó khăn. Cảm thông được với sự giới hạn của thân phận các Tông đồ và của chúng ta, trước khi về trời, Ngài còn căn dặn các Tông đồ hãy ở lại Giêrusalem chờ đợi điều Ngài đã hứa trước kia: “Hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa… Ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”

Trong ngày lễ Hiện xuống hôm nay, chúng ta đặc biệt chú trọng đến ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta - tinh thần hiệp nhất thông qua việc quy tụ mọi dân tộc lại trong một cộng đoàn tức là Giáo hội. Ngài là hồn sống của Giáo hội và của từng người một.

Nhờ Chúa Thánh Thần mà các tông đồ đã tìm được tiếng nói chung với nhau. Khi phải quyết định một điều gì các ngài thường nói: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định”. Như thế, các ngài làm điều gì cũng dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần mang lại sự hiệp nhất nơi tông đồ đoàn.

Dưới mái nhà hay nơi hội đoàn có lẽ cũng cần phải làm việc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Không ai theo ý riêng mình, không ai áp đặt ý mình lên tập thể mà là để Chúa Thánh Thần dẫn dắt thì gia đình, cộng đoàn, chắc chắn sẽ có bình an. Vì Chúa Thánh Thần là thần chân lý sẽ dẫn con người tới sự thật. Chính Ngài sẽ giúp mỗi người sống theo sự thật, theo chân lý. Và như vậy niềm vui của sự bình an hiệp nhất sẽ đến với gia đình và cộng đoàn.


******


Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến đổi mới tâm hồn chúng con, giúp mỗi người tín hữu chúng con đều cảm nhận được tình yêu và hồng ân của Chúa Thánh Thần ban tặng như một đặc sủng Thánh Linh, từ đó hiệp nhất trong đa dạng, phong phú trong sứ vụ, trung thành với sứ mạng và ơn gọi của mình, để niềm vui Tin Mừng được lan tỏa tới mọi người, hầu trở nên những chứng tá sống động trong lòng Giáo Hội và giữa lòng trần thế hôm nay. Amen!

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

LỜI CHỨNG XÁC THỰC


Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. (Ga 21, 24)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài Đức Giêsu và Phêrô, còn có người môn đệ được Đức Giêsu thương mến.. Anh đã có mặt trong bữa Tiệc Ly cùng với Phêrô, và được Phêrô nhờ hỏi Thầy xem ai là kẻ phản bội (Ga 13, 23-25). Anh đã đưa Phêrô vào dinh thượng tế khi Đức Giêsu bị bắt (Ga 18, 15-16). Anh đã cùng với Phêrô chạy ra ngôi mộ trống lúc ban mai, nhưng anh chạy nhanh hơn, và tin trước Phêrô (Ga 20, 3-10). Khi Phêrô chối Thầy ba lần và không lộ diện nữa (Ga 18, 17-18. 25-27), thì anh là môn đệ duy nhất đứng gần thập giá Đức Giêsu, và được Ngài trao Thân Mẫu của mình để làm Mẹ của anh (Ga 19, 25-27). Trong lần Đức Giêsu tỏ mình bên bờ hồ Galilê, sau mẻ cá lạ (Ga 21, 4-7), anh là người đầu tiên nhận ra Thầy, và nói với Phêrô: “Chúa đó!” Có vẻ hình ảnh người môn đệ được Chúa thương nổi trội hơn Phêrô.

Suốt mùa Phục Sinh, Giáo Hội chọn đọc Tin Mừng theo thánh Gioan. Nhờ Ngài, chúng ta khám phá được sự sống và tình thương Thiên Chúa Cha ban cho thế giới và cho mỗi người, qua Chúa Giê-su Phục Sinh và Chúa Thánh Thần. Kinh nghiệm “được Chúa yêu và yêu Chúa hết lòng” giúp thánh Gioan làm chứng rằng Chúa Giê-su là con đường để đón nhận sự sống và tình thương. Ki-tô hữu cũng là người làm chứng về tình yêu Thiên Chúa, và kinh nghiệm theo Chúa như thánh Gioan, nhưng chúng ta đã tin Chúa và làm chứng cho sự hiện diện của Chúa được như Thánh Gioan chưa?

********

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, chúng con ý thức rằng lựa chọn theo Chúa thì dễ mà sống cho lựa chọn ấy lại rất khó. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần giúp gia đình chúng con biết chọn lựa theo Chúa và sống cho lựa chọn ấy trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Xin Chúa Ba Ngôi giúp chúng con yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

YÊU MẾN THẦY


Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy. (Ga 21,17b)

Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay diễn ra bên bờ hồ, một cái hồ mang nhiều tên gọi: hồ Galilê, hồ Ghennêxarét, hồ Tibêriát. Cái hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm giữa Thầy và trò, nơi đây tiếng gọi đầu tiên của Thầy Giêsu đã vang lên: "Hãy theo Thầy". Tiếng ấy đã khiến họ từ bỏ nghề sông nước để lên bờ, đi theo ông thợ mộc làng Nazareth. Sáng sớm hôm nay, trên hồ này họ đánh được mẻ cá lớn, nhờ một người lạ đứng trên bờ mà họ từ từ nhận ra là Thầy của mình. Bữa ăn sáng do Thầy chuẩn bị thật chu đáo, có bánh và cá, có cả đống than hồng hong ấm tình Thầy trò.

Nhớ ngày ấy, trong Vườn Cây Dầu, Phêrô đã rút gươm để bênh vực Chúa Giêsu, nhưng sau đó ông đã tỏ ra hèn nhát và đã phản bội Thầy mình. Lúc ấy, Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô, một cái nhìn trìu mến, cảm thông cho nỗi khiếp nhược của ông, làm òa vỡ trong ông niềm xót xa, ân hận. Ông đã hiểu trọn nghĩa hai chữ yêu thương. Hôm nay, bên đống than hồng, Thầy Giêsu cho Phêrô có cơ hội công khai bày tỏ tình yêu của mình, “Anh có yêu mến Thầy không ?”: ba lần Thầy Giêsu hỏi Phêrô như thế. “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”: ba lần Phêrô trả lời như thế. Ba lần chối Thầy như được xóa đi bởi ba lần tuyên xưng tình yêu.

Hôm nay đây, Chúa Giêsu Phục sinh cũng hỏi từng Kitô hữu: Con có mến Thầy không? Và Ngài chờ một câu trả lời trước khi trao sứ mạng.

Vậy, chúng ta được mời gọi lắng nghe Chúa hỏi riêng mỗi người chúng ta: “con có mến Thầy không?” Tùy vào lòng mến thẳm sâu người ấy dành cho mình mà Chúa cũng sẽ hỏi chừng ấy lần, cho đến khi người được hỏi nghe được tiếng Chúa đang mời gọi, hỏi thăm, và đáp trả cách rõ ràng dứt khoát. Ở đây, Chúa cần tuyên xưng lòng mến khởi đi từ kinh nghiệm sâu sa về tình yêu và lòng thương xót của Chúa, hơn là nói Người là ai, trên bình diện kiến thức – Chúa mới trao sứ mạng, mỗi người một sứ mạng. Bởi vì chúng ta chỉ có thể lãnh nhận và đảm nhận sứ mạng của Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa mà thôi, một tình yêu đã trải qua bao thăng trầm, một tình yêu chỉ biết cậy vào lòng thương xót của Chúa, như tình yêu của thánh Phê-rô.

****
Lạy Chúa, xin cũng dạy chúng con biết yêu Chúa, và yêu mọi người như Chúa yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con có một trái tim như Chúa để chúng con luôn đối xử tốt với nhau trong thân ái, trong yêu thương và kính trọng. Xin được nhờ những dấu chứng yêu thương đó mà chúng con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

NÊN MỘT TRONG CHÚA


Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. (Ga 17, 20-21)

Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện, nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta, những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước. Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài, được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b). Bây giờ, Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một: “để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Chúng ta được mời gọi ở trong nhau, khắng khít như Cha và Con. 

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn và trở ngại đủ loại, bên trong cũng như bên ngoài, trong những nỗ lực hằng ngày để trở nên hiệp nhất. Loài người chúng ta bị chi phối bởi ma quỉ - kẻ chuyên gây chia rẽ để rồi luôn có khuynh hướng nghi ngờ, ghen tị, chia rẽ, thậm chí loại trừ nhau, ngay trong lòng, ở mọi cấp độ tương quan : giữa các quốc gia, giữa các tôn giáo, giữa các nhóm, giữa các cá nhân. Sứ mạng của Đức Ki-tô là làm cho chúng ta trở nên một nghĩa là không còn sự phân biệt, khi nên một thì người khác cũng không khác biệt chúng ta mà ai cũng yêu chính mình, vì lợi ích mình trước nên dĩ nhiên nên một tức là chúng ta cũng có thể yêu tha nhân như chính mình, lúc đó không còn chia rẽ vì không ai chia rẽ bản thân mình và luôn mưu cầu cho bản thân được điều tốt đẹp ; và Ngài đã làm tất cả những gì có thể làm để thực hiện sứ mạng này :

- Để cho chúng ta trở nên một, Ngài cầu nguyện cho chúng ta và hơn nữa ban luôn cho chúng ta vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Ngài. Vinh quang ở đây không là gì khác hơn là phẩm giá làm con Thiên Chú, với ơn huệ sự sống và tình yêu viên mãn - một món quà quý giá tự trời cao.

- Để cho chúng ta trở nên một, Ngài yêu thương chúng ta đến cùng bằng cách trở nên một với chúng ta trước không chỉ qua việc hạ mình rửa chân mà còn là bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm Thập Giá, để Ngài ở đâu, chúng ta cũng ở đó với Ngài.

- Và để cho chúng ta trở nên một, Ngài mặc khải Danh Chúa Cha cho chúng ta, và chia sẻ Cha của Ngài cho chúng ta : “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em”, để tình Cha đã yêu thương Ngài ở trong chúng ta, và Ngài cũng ở trong chúng ta. Qua mặc khải, chúng ta biết mình bé mọn nhưng xứng đáng nhận những ân sủng thánh thiêng như đã đề cập đến trong đoạn Tin Mừng Mt (11,25).
Và sau cùng Ngài về với Chúa Cha, chính là để sai Thánh Thần đến hoạt động trong chúng ta và ở giữa chúng ta, nhằm nối kết chúng ta nên một bằng Lời nói, tình yêu, sự sống và sự thật của Đức Ki-tô, Đấng đón nhận tất cả từ Chúa Cha.

*******


Lạy Chúa Giêsu, nhờ Chúa mà chúng con được hợp nhất với nhau, được nhìn nhận nhau là anh em con một Cha trên trời. Xin Chúa gìn giữ sự hợp nhất nơi nhân loại chúng con. Sự hợp nhất không chỉ là hành vi cố nhịn nhục, nhịn nói những câu mất lòng nhau, hay cố nhịn tránh những va chạm mà còn ở chỗ can đảm sửa lỗi cho nhau trong yêu thương và ý muốn giúp tha nhân hoàn thiện hơn trong cách sống sao cho tốt Đạo đẹp đời. Sự hợp nhất mà Chúa muốn chúng con sống là tình yêu thương bao dung, để sẵn lòng tha thứ cho lầm lỗi của nhau. Một tình yêu khiêm cung tha thứ tất cả, nhịn nhục tất cả và trên hết là yêu thương vô vị lợi với hết mọi người. Một tình yêu có thể xóa tan mọi ngăn cách để sống hòa hợp với nhau trong tình tương thân tương ái. Xin giúp chúng con luôn hợp nhất để cùng nhau sống Lời Chúa, và làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen!

NÊN MỘT NHƯ CHÚA


Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. (Ga 17, 11b)

Trong lời nguyện của Đức Giê-su được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai, Đức Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài được nên một, nghĩa là được hiệp nhất; và khuôn mẫu của sự hiệp nhất, chính là sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế, chính trong mức độ trở nên một, chúng ta nên giống Thiên Chúa Ba Ngôi hơn bao giờ hết.

- Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11b)

- Và bài trong Tin Mừng ngày mai, lòng ước ao của Đức Giê-su cho các môn đệ được trở nên một càng lan rộng và mạnh mẽ hơn: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta”; “phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một”; và “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một.”

Nghe lời nguyện của Đức Giê-su ngỏ với Thiên Chúa Cha, chúng ta nhận ra rằng, Đức Giê-su làm tất cả mọi sự, trao ban tất cả mọi sự, tất cả những gì Ngài có, tất cả những gì Ngài là, tất cả những gì Ngài nhận được từ Thiên Chúa Cha, chính là để cho các môn đệ trở nên một. Điều này làm cho chúng ta nhận ra rằng, chúng ta không thể tự mình trở nên một được, nhưng chỉ có thể để cho Chúa làm cho chúng ta nên một trong tình yêu và ân sủng mà thôi. Nghĩa là:

- Để cho Đức Giê-su giữ gìn chúng ta trong Danh của Chúa Cha.

- Để cho Ngài canh giữ chúng ta khỏi Ác thần.

- Để cho Ngài truyền đạt cho chúng ta Lời Thiên Chúa; và Lời Thiên Chúa là Sự Thật có sức mạnh thanh tẩy và thánh hiến chúng ta.

Và Đức Giê-su còn làm hơn thế nữa: “Con xin thánh hiến chính mình con”. Trong bầu khí của bữa tiệc ly, Ngài thánh hiến chính mình, có nghĩa là Ngài yêu mến những người thuộc về Ngài đến cùng: “Anh em hãy rửa chân cho nhau như thầy rửa chân cho anh em”; “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”; và “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”


*****


Trong những ngày chuẩn bị mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy mở lòng ra, dành chỗ cho Chúa Thánh Thần ngự đến, để Ngài làm cho thành sự ước ao của Thiên Chúa, và cũng là ước ao cháy bỏng của Đức Ki-tô, đó là chúng ta được trở nên một, như Ba Ngôi là một.

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

THUỘC VỀ CHÚA CHA


“Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ vẫn còn ở trong thế gian” (Ga 17, 11a) : Khi nói câu này, hình như Chúa Giêsu thấy thương cho những người còn ở lại thế gian là chúng ta. Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế nào và thoát khỏi thế gian là thế nào nên Ngài mới thưa cùng Cha Ngài như vậy. Còn chúng ta, chúng ta chỉ biết có thế gian này cho nên chúng ta quyến luyến nó, chúng ta sợ phải mất nó, khi nghĩ đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng ta sợ hãi lo âu vì không biết nơi đến của chúng ta ngày mai ra sao.

Sau khi trình bày với Chúa Cha về hoàn cảnh tội nghiệp của chúng ta vì còn phải ở lại thế gian, Chúa Giêsu thưa tiếp: “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11b). Chúa Giêsu biết chúng ta phải gặp nhiều thứ nguy hiểm ở thế gian nên Ngài xin Chúa Cha giúp chúng ta đoàn kết hiệp nhất. Chúng ta đang phải đối phó nhiều thứ nguy hiểm đủ khiến Người Cha yêu thương của chúng ta lo lắng cho đàn con thơ dại chưa đủ sức chiến đấu của mình: nguy hiểm do ma quỷ quấy phá, nguy hiểm do những kẻ thù của Giáo Hội, nguy hiểm do những cám dỗ và cạm bẫy của người đời. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất với nhau thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau để thoát khỏi những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ thêm cho nhau, làm yếu sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Có thể thấy điều này qua những sự bất hòa, chia rẽ, thiếu bác ái đã, đang tồn tại trong cộng đoàn làm cho biết bao người phải chán nản không còn hăng say chu toàn nhiệm vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh...Lại nữa, điều quan trọng nhất chúng ta cần nhớ là: trong cuộc sống hàng ngày, cám dỗ bủa vây tứ phía, nếu không năng chạy đến cùng Cha chúng ta sẽ không có gì níu giữ lại và sa ngã là điều không thể tránh khỏi.


****

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã đi hết hành trình đời người trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa đã tôn vinh Chúa Cha qua ba mươi ba năm cuộc đời dương gian. Hôm nay, Chúa đã về trời để được Chúa Cha ân thưởng cho những việc làm của Chúa nơi dương gian. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Xin giúp chúng con biết tôn vinh Chúa Cha trong việc chu toàn bổn phận thờ phượng kính mến Chúa, trong việc ngoan ngoãn vâng lời bề trên, trong việc sống hoà thuận với mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn và Chúa đã cầu xin cho chúng con nên một như tình yêu Chúa Cha - Chúa Con - Chúa Thánh Thần. Ðức Giêsu là đầu, và mỗi người chúng con là chi thể không thể thiếu được trong nhiệm thể duy nhất là Giáo Hội của Chúa. Xin ban cho mỗi người chúng con biết khát khao tinh thần hiệp nhất và thao thức tìm xem Chúa muốn chúng con làm gì trong gia đình, trong giáo xứ và Giáo Hội để xây đắp tình hiệp nhất trong tình yêu Chúa Ba Ngôi. Amen.

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

CHÚA ĐÃ THẮNG THẾ GIAN


Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian (Ga 16,33)

Nếu chỉ chú ý phần đầu của Lời Chúa thì chúng ta sẽ lo sợ lắm. Chúng ta phải để ý cả phần sau của Lời Chúa nữa "Thầy đã thắng thế gian". Chắc chắn như thế, Chúa Giêsu đã bị biết bao gian nan khốn khó cùng một lúc đổ dồn lại tấn công Ngài, bao nhiêu kẻ thù liên minh lại để làm hại Ngài, đến nỗi Ngài phải bị chết, chết rất là đau đớn rất là nhục nhã. Có thể nói khi Ngài chết là Ngài gánh chịu tất cả mọi thứ gian nan khốn khó. Bởi vậy khi Ngài sống lại thì không phải Ngài chỉ chiến thắng một sự gian nan khốn khó nhưng là tất cả mọi gian nan khốn khó. Chiến thắng ấy không phải chỉ của riêng Ngài mà còn là bảo đảm cho chiến thắng của tất cả những ai theo Ngài. Nhưng để có thể đón nhận những gian nan khốn khó sẽ đến và để có thể vững tin vào chiến thắng, chúng ta phải “can đảm lên”.

Chúa Kitô chính là mặt trời, là ánh sáng đến trong thế gian để phá tan bóng tối của tội lỗi, của sự chết và những sợ hãi mà sự khốn khó đời người mang lại. Người là ánh sáng hy vọng cho những kẻ sầu khổ trong sự tối tăm của thất vọng. Trong những năm công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ Chúa Giêsu đã rảo bước khắp nơi để tìm kiếm các con chiên lạc, những người sống trong tối tăm của sầu khổ, những người tuy còn sống nhưng khác nào đã chết vì không còn hy vọng nữa, những kẻ lạc mất linh hồn vì xa lìa Thiên Chúa. Đó là hoàn cảnh bà góa thành Naim trước cái chết của người con trai duy nhất, của người bất toại đã 18 năm bên hồ ở thành Giêrusalem, của người mù thành Giêricô, của những người phong cùi bị mọi người xa tránh, của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình…và họ đã được Chúa là ánh sáng ban lại cho họ niềm vui và hy vọng. Chỉ mình Chúa Giê-su mới thắng nổi sự chết, mới đẩy lùi sự dữ. Thế nên, khi chúng ta sáp nhập vào Chúa chúng ta cũng nương tựa sức mạnh nơi Chúa để chiến thắng thế gian.

****


Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng thế gian. Chúa còn hứa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Đó là niềm vui và hạnh phúc cho chúng con, vì từ nay chúng con có Chúa bảo vệ, nâng đỡ và chở che. Chúng con xin tín thác vào Chúa như con thơ nép mình trong cánh tay mẹ hiền. Xin cho chúng con luôn biết can đảm đối diện với thập giá trong cuộc đời. Xin đừng để chúng con vì nhút nhát, biếng lười mà trốn tránh bổn phận hằng ngày. Xin ban ơn trợ giúp để chúng con thắng vượt những cám dỗ tội lỗi và biết đứng lên làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã.



Lạy Chúa, xin củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con bằng những ơn lành hồn xác, để mỗi ngày chúng con càng xác tín hơn về tình tình thương quan phòng của Chúa. Amen

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

SỨ MỆNH CHÚA TRAO


“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15)

Hôm nay Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm vinh quang Chúa lên trời. Thực sự , Chúa đã lên trời vinh quang ngự bên hữu Cha Ngài ngay khi sống lại mà ta không cảm nghiệm được. Ngày lễ hôm nay nhắc nhớ người tín hữu về sự kết thúc cuộc sống trần gian của Đức Giêsu trước sự chứng kiến của các môn đệ. Đức Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài rời bỏ chúng ta, trái lại, Ngài còn hiện diện hơn lúc nào hết giữa chúng ta ngay từ hôm nay như lời đã nói: “Thầy sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15). Đó không chỉ là lời căn dặn, là lời người ra đi, mà còn là mệnh lệnh – tức là điều phải thực hiện bằng mọi giá. Chỉ có một cách loan báo Tin mừng thích hợp với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, đó là loan báo bằng cách sống đời thường , vì các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Chúng ta không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một đời sống khác biệt. Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa dạy : “Anh em  đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”(Mt 10,8). Trong ngày lễ Thăng Thiên hôm nay, chúng ta hãy nhắc lại sứ mệnh loan báo Tin mừng của chúng ta. Chúa muốn Giáo hội và từng người chúng ta tiếp nối công việc cứu chuộc của Ngài. Chúng ta phải là cánh tay nối dài của Chúa, làm sao cho Tin mừng của Chúa phải được loan truyền cho đến tận cùng trái đất.

*****

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người được diễm phúc biết Chúa nhưng lại sống thờ ơ với Chúa. Xin cho mỗi người tín hữu chúng con biết ý thức về sứ vụ truyền giáo, và xin cho chúng con sống bí tích rửa tội một cách cụ thể trong niềm vui của cuộc sống hằng ngày. Amen!

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

XIN THEO THÁNH Ý CHÚA

Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy (Ga 16,23)

Bài Phúc Âm hôm nay mở đầu bằng hai chữ “Ngày ấy,…”, vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp: “Ngày ấy... chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”. Nhưng “ngày ấy” là ngày nào? Trước đoạn Phúc Âm hôm nay 6 câu, tức là thuộc đoạn Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu có nói: “Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng rồi ít lâu nữa chúng con sẽ lại thấy Thầy” (Ga 16,17). Vậy “ngày ấy” là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Và chính vì Thầy trò liên hệ thân thiết với nhau như thế nên mới có hệ quả tốt đẹp là “anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”

Vậy, khi Đức Giê-su mời gọi chúng ta xin: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”, với tư cách là người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta sẽ xin điều gì, để Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta và làm cho chúng ta ở trong niềm vui trọn vẹn, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ “sinh nhiều hoa trái”? Từ đó tôi hiểu rằng điều tốt đẹp nhất mà tôi sẽ được trong “ngày ấy” không phải là việc tôi xin gì và được gì, nhưng là việc tôi và Chúa Giêsu ở trong nhau và nên một với nhau, khiến tôi chỉ còn muốn những gì Chúa Giêsu muốn, và xin những gì Chúa Giêsu xin - mối liên kết mật thiết thiêng liêng, hơn cả cho và nhận đơn thuần.


*******


Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa hằng mong muốn chúng con luôn hợp nhất trong Chúa như cành liền cây để sinh hoa kết trái. Chúa muốn chia sẻ buồn vui với kiếp người chúng con. Chúa muốn là bạn đồng hành trong những tháng ngày lữ hành trần gian của chúng con. Xin giúp chúng con biết sống tâm tình tri ân cảm tạ ân tình mà Chúa luôn dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết tạ ơn Chúa khi chúng con gặp được những may mắn, những thành công, những niềm vui trong cuộc sống. Xin giúp chúng con biết chuyên chăm cầu nguyện và kết hợp với Chúa, để cuộc sống của chúng con thực sự có ý nghĩa. Xin củng cố niềm tin cho chúng con, để chúng con có thái độ đúng đắn khi chúng con cầu xin cùng Cha điều gì. Dù được hay không được, chúng con cũng biết khiêm tốn tạ ơn chứ không thất vọng hay oán trách. Amen.

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

TRỞ THÀNH NIỀM VUI


Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. (Ga 16, 20)

Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy. Khi sắp bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ: khóc lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua. Nhưng tâm trạng đó chỉ là tạm thời, niềm vui khi thấy Thầy phục sinh mới là điều còn mãi. 

Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy tin tưởng, hãy lạc quan vào cuộc sống. Dù cuộc sống có những sóng gió. Dù cuộc sống có đêm dài tăm tối, nhưng sau đêm dài là ánh bình minh, sau cơn mưa trời sẽ sáng, Chúa cũng đã bảo rằng: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đã đến giờ của mình; nhưng khi sinh rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã được sinh ra trong thế gian”. Cuộc đời người Ki-tô hữu không thiếu những thử thách, những gian truân. Chúa Giê-su cũng trải qua những cay đắng, Người phải qua thập giá để tiến tới vinh quang. Đó chính là con đường mà Chúa vẫn mời gọi chúng ta, con đường qua gian khổ tới vinh quang, con đường đòi hy sinh đi vào con đường hẹp để tới cõi sống đời đời.

********

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn con đường khổ giá và hy sinh để tôn vinh Thiên Chúa Cha và cứu độ trần gian. Chúa cũng dạy chúng con rằng: “qua đau khổ mới tiến tới vinh quang”. Xin cho chúng con biết dâng cho Chúa những hy sinh trong cuộc đời bác ái yêu thương mọi người. Xin cho chúng con biết rèn luyện mình trở nên người con ngoan của Chúa trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày và yêu mến vâng lời cha mẹ. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết từ bỏ những thói hư tật xấu để chúng con mãi xứng đáng là con của Chúa. Xin giúp chúng con sẵn lòng vác thập giá bổn phận hằng ngày với niềm yêu mến Chúa nồng nàn và yêu mến tha nhân như chính mình.


Lạy Chúa Giêsu, có những niềm vui Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay, có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại. Xin dạy chúng con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống, dù không phải tất cả đều màu hồng. Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương, và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.