Translate

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

VÁC THẬP GIÁ

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mà theo” (Mt 16,24).

Trong thời đại ngày nay, lời Chúa vẫn luôn vang dội vào trong tâm trí chúng ta, lời mời gọi của Đức Kitô thời xưa cho các môn đệ và cũng như cho chúng ta thời nay. Dù muốn dù không, cuộc đời đầy những thập giá: bệnh tật, đau khổ, khó khăn, thử thách, cám dỗ v.v…Đó là kiếp làm người. Cái khác biệt là sự TỰ NGUYỆN. Nhìn lên Chúa Kitô với niềm tin chúng ta nhận ra rằng Con Thiên Chúa tự nguyện vác khổ giá vì VÂNG PHỤC ý Chúa Cha. Ngài đã biến khổ giá thành phương thế cứu độ nhân loại. Ngài cho các môn đệ biết chương trình hành động của Ngài để MỜI GỌI họ và mời chúng ta cùng bước theo chân Ngài, ĐÓN NHẬN thập giá để cộng tác vào công trình cứu độ. Vậy phản ứng của tôi và bạn trước đau khổ của mình và của người thân là gì? Bất mãn hay nhẫn nại???

Lạy Chúa Cứu Thế của con, Chúa đã say mê vác thập giá trên đường khổ giá, xin cho con biết can đảm vác lấy thập giá của mình và cùng với Chúa và tha nhân tiến thẳng vào nơi hằng sống và xin Chúa giúp chúng con được “vác” lấy các thập giá trong tâm tình kết hợp cùng với Chúa Giêsu và liên đới với tất cả mọi người đau khổ trên toàn thế giới.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

KITÔ HỮU THẬT SỰ

Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông.”  (Mt 21, 30)

Ðức Giêsu cho chúng ta thấy hai hình ảnh tương phản nơi hai người con trong dụ ngôn, cũng như giữa người thu thuế, gái điếm và người biệt phái tự coi là công chính, đạo đức. Ðức Giêsu không có cái nhìn như con người chúng ta. Ngài yêu thương những người tội lỗi biết sám hối trở về. Chính vì vậy, Ðức Giêsu thường nói: "Ta không đến để kêu gọi những người công chính mà là người tội lỗi."

Lạy Chúa Giêsu, khốn cho chúng con, nếu chúng con cứ cho rằng mình là những người đạo đức và khinh chê những anh em tội lỗi, như thường bị xã hội lên án. Khốn cho chúng con, nếu hằng ngày chúng con vẫn xưng danh là Kitô hữu mà không biết góp phần xây dựng Nước Trời; khốn cho chúng con, nếu chúng con mau mắn thưa: Lạy Cha! mà chúng con không mang tình thương và bình an cho những anh em chung quanh. Xin giúp chúng con sống xứng đáng là những người Kitô hữu, là con cái Chúa.

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

CHÚA CHỊU CHẾT VÌ CHÚNG TA

Đức Giêsu nói với các môn đệ:”Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,44).

Ðức Giêsu báo trước Ngài sẽ bị nộp và bị giết, nhưng các môn đệ không hiểu vì còn quá bỡ ngỡ. Tại sao Ðức Giêsu là Ðấng uy quyền, làm được những phép lạ lớn lao như thế mà lại bị nộp cho người đời? Các môn đệ chỉ nhìn Ðức Giêsu với cái nhìn của con người. Họ nghĩ là Ðức Giêsu đến với một sứ mệnh chính trị: giải phóng Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, dành lại quyền cai trị... chứ chưa nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế đến đem ơn cứu độ, bằng con đường khổ giá.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin vào Chúa để được cứu độ. Xin cho chúng con hiểu được rằng vì tội lỗi nhân loại của chúng con, Chúa đã chịu khổ hình, bị đóng đinh để cứu chúng con. Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối và mau quay về với Chúa.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

ANH EM BẢO "CHÚA GIÊSU" LÀ AI?

Đức Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  (Lc 9,20).

Ngày xưa, Ðức Giêsu đã hỏi các môn đệ: Ngài là ai đối với họ. Chắc chắn hôm nay Ngài cũng đang đặt câu hỏi đó với mỗi người chúng ta. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ trả lời Ngài như thế nào? Chúng ta có tin rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa, là Ðấng làm chủ cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng sống cho Ngài và theo Ngài không? Ðức Giêsu có chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của ta không? Hay chỉ có vật chất, lợi lộc, hưởng thụ mới là điều quan trọng?

Lạy Chúa Giêsu, thế giới ngày nay đang đưa con người vào cuộc sống tiến bộ vượt bậc: giàu sang, văn minh, hưởng thụ, tiện nghi... thế nên, con người mải mê chạy theo nó và quên mất Chúa, loại Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Xin Chúa thức tỉnh và canh tân nhân loại chúng con. Chỉ có Chúa mới là hạnh phúc đích thực mà trần gian này không thể cho chúng con được. Xin cho cuộc sống của chúng con luôn hướng về Chúa trong tâm tình yêu mến, phụng sự và tín thác.

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

CHÚA GIÊSU LÀ AI?

Vua Hêrôđê nói: ‘Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?’ Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu (Lc 9,9).

Khi nghe biết những phép lạ, những việc làm đầy quyền năng của Ðức Giêsu. Hêrôđê đã tự đặt câu hỏi về Ngài “Ngài là ai?” Và ông đã tìm cách tiếp xúc với Ðức Giêsu để khám phá ra con người của Ngài.

Chúng ta là những người Kitô hữu, những người có đức tin. Vậy chúng ta có thái độ nào khi ngắm nhìn những kỳ công, sự hùng vĩ của vũ trụ, những phi thường nơi con người, những biến cố trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta có biết hướng về Chúa, kiếm tìm và ao ước gặp Chúa trong cuộc sống hay không?

Lạy Cha! Cha không là vị Thần bí ẩn. Cha đang hiện diện và đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Thế giới bao la xinh đẹp này là phản ánh vẻ huy hoàng tuyệt vời của Cha. Huyền nhiệm thâm sâu của con người là phản ánh vẻ kỳ diệu muôn mặt của Cha. Hình ảnh của Cha được ghi khắc mọi nơi trong vũ trụ, trong muôn loài. Xin Cha cho chúng con có đôi mắt đức tin trong sáng để chúng con luôn sống trong tâm tình tạ ơn. 

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

CỘNG TÁC VỚI CHÚA NHƯ THẾ NÀO?

Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo.” (Lc 9, 1-2)

Lời căn dặn của Ðức Giêsu, phải chăng muốn nói: Khi rao giảng phải bỏ hết những đồ dùng, kể cả lương thực? Thưa không, Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng: Với sứ mệnh loan báo Tin Mừng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ mình. Vì nếu bị những thứ đó chi phối, người tông đồ không đủ nghị lực và bất an. Không có sự bình an thanh thoát trong tâm hồn, thì không thể loan báo niềm vui. Chỉ trong sự từ bỏ và quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ cao trọng này.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thoát khỏi những mê hoặc lôi cuốn của thế gian. Xin đừng để tiền tài, danh vọng làm chúng con chóa mắt mà quên đi ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết hướng về Chúa, sống theo tinh thần của Chúa và giới thiệu Chúa cho anh chị em chúng con. Nhiệt tâm của Thánh Phaolô nhắc bảo chúng con: "Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng". Vâng, lạy Chúa, thật là bất hạnh cho chúng con, nếu chúng con lo lắng về những gì khác mà không thao thức cho Tin Mừng của Chúa được loan truyền.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA

“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Câu trả lời của Chúa gợi cho chúng ta cảm giác Chúa hững hờ với Mẹ Ngài và anh em của Ngài. 

Nhưng thực ra không phải vậy. Ðức Giêsu đang ca tụng Ðức Maria. Vì hơn ai hết, Mẹ là người luôn biết lắng nghe và thực hành ý Chúa một cách tuyệt đối. Ðiều Ðức Giêsu muốn nói với chúng ta: Chúng ta chỉ thực sự là anh em với Ngài, nghĩa là được chia sẻ sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc trong nhà Ngài, khi chúng ta biết lắng nghe và làm theo thánh ý của Thiên Chúa Cha. Tất cả những gì Thiên Chúa cho xảy đến trong cuộc đời chúng ta đều đã được an bài tốt đẹp, nếu chúng ta biết tin nhận và thi hành với tất cả lòng yêu mến, phó thác thì đó là một hạnh phúc lớn lao cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người thật hạnh phúc vì chúng con được làm con Chúa và được Lời Chúa dạy dỗ, dẫn dắt trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết lắng nghe và sống theo những điều Chúa dạy. Ði theo Lời Chúa, chúng con sẽ cảm được sự êm ái và được bảo đảm trước những gian nan thử thách, để có thể trở về Nhà Cha trong bình an và hân hoan.

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

ÁNH SÁNG “CHÚA”

“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (Lc 8,16).

Mỗi người Kitô hữu chính là ngọn đèn được Thiên Chúa thắp sáng. Chúng ta có bổn phận làm cho ánh sáng của Chúa ngày càng sáng hơn và chiếu tỏa ra cho anh em để họ cũng được hưởng ánh sáng ấy. Lời Chúa chính là ánh sáng hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa, biết để cho Lời Chúa chiếu soi những tối tăm của tội lỗi, của đam mê tham vọng trong con người của chúng ta, Lời Chúa sẽ biến chúng ta thành ánh sáng cho thế gian.

Lạy Chúa, ngọn đèn cháy sáng trong ngày rửa tội tượng trưng cho ánh sáng mà Chúa trao cho chúng con. Ðó là ánh sáng đức tin, và lời Chúa luôn soi dẫn cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết chiến đấu không ngừng với tội lỗi để duy trì ánh sáng mà Chúa đã thắp lên trong chúng con. Hầu chính chúng con và anh chị em chúng con cùng nhận biết Chúa.

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

VÀO LÀM TRONG VƯỜN NHO CỦA CHÚA

“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (Mt 20,4).

Hình ảnh người thợ làm vườn nho vào giờ thứ nhất, ngay từ tảng sáng, đó là những người biệt phái, người theo đạo gốc. Còn những người đến sau là dân ngoại, tân tòng. Chủ mời họ vào sau những người kia, nhưng cũng được trả công như những người trước. Chính vì tình thương của chủ đối với những người thợ đến sau mà chủ bị phản kháng. Thiên Chúa cũng yêu thương và mời gọi tất cả mọi người vào trong tình yêu của Ngài. Ðiều quan trọng đối với Thiên Chúa không phải là ta làm được nhiều hay ít, nhưng là tình yêu và thiện chí của ta như thế nào đối với Ngài.

Lạy Chúa, Chúa nhân từ và công bằng với hết mọi người. Xin cho chúng con sống trọn niềm tin yêu vào Chúa. Chúa luôn yêu thương và ban tràn đầy ơn lành cho chúng con. Chúa cũng không tính toán và không so đo. Vậy tại sao chúng con lại hay so đo và cứ thích thương lượng kèo nèo với Chúa? Tại sao chúng con cứ so sánh hoàn cảnh của mình với người anh em để rồi ghen tị, mặc cảm, tức giận...? Xin cho chúng con ý thức và sống cuộc đời đầy tràn niềm hân hoan, vì tin rằng Chúa luôn yêu thương và nhân hậu với chúng con.

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA

Sứ mạng trọng yếu của Chúa Giêsu- Ngôi Lời giáng thế, là rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, để Lời Chúa thấm sâu trong tâm hồn những người yêu mến, chuyên chú lắng nghe và từ đó trổ sinh mầm sống mới của Ân Thánh, chín mọng hoa trái của Thánh Thần.

Nhưng tuyệt đại đa số các thính giả, những người muốn đến với Chúa đều là những người bình dân, ít học, nên Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn cho người ta dễ hiểu những Chân Lý cao siêu của Nước Trời. Ngài thường lấy những ví dụ, những hình ảnh cụ thể, thường thấy trước mắt, những điều thuộc phương diện trần thế, để diễn-tả các Mầu Nhiệm siêu-nhiên.

Trong Tin Mừng Matthêô có 7 dụ ngôn, còn trong Tin Mừng Thánh Marcô có 4 dụ ngôn. Dụ ngôn Người Gieo Giống là dụ ngôn Chúa Giêsu nói về Lời Chúa làm cho linh hồn những ai yêu mến, nghiền gẫm ngày đêm thì từ tâm hồn họ, mầm mống của Ơn Cứu Độ sẽ nẩy mầm và sinh hoa kết trái Thánh Thiện. Trái lại, những ai thờ-ơ, không trân quý Lời của Chúa thì không sinh ích lợi chi cho tâm hồn, bị chim trời đến ăn mất hoặc bị ánh nắng mặt trời thiêu rụi, nên dù Lời Chúa có nẩy mầm đôi chút, nhưng liền bị thiêu cháy ngay!

Thật vậy, Thiên Chúa đã hứa cho những tâm hồn biết yêu quý, suy niệm và đem ra thực hành Lời Ngài chỉ dạy, chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt đẹp muôn vàn cho linh hồn. Trong sách Ngôn Sứ Is. 55:10-11, Chúa phán: “Như mưa sương từ trời rơi xuống không trở lên trời nữa, nhưng thấm sâu xuống lòng đất, làm cho đất phì-nhiêu, cây cối nẩy mầm, cho người gieo có hạt giống, con người có cơm bánh ăn, Cũng thế, Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả”

Lời Thiên Chúa trong toàn bộ Kinh Thánh là hạt giống cho linh hồn, ai càng yêu mến, càng trân quý, ấp ủ, nghiền gẫm Lời Chúa, thì linh hồn càng trổ sinh một Mùa Gặt Phong Nhiêu cho Nước Trời.

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

CÙNG RAO GIẢNG TIN MỪNG VỚI CHÚA

“Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc , rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh” (Lc 8,1-2).

Ðức Giêsu không ngừng thi hành sứ mệnh của mình. Ngài đi khắp làng mạc, thành phố để rao giảng Tin Mừng và quên cả mệt nhọc. Các môn đệ và các phụ nữ đi theo Ðức Giêsu cũng cộng tác với Ngài trong sứ mệnh ấy. Ðặc biệt tác giả Luca cho biết những người phụ nữ theo Chúa là những người đã được Chúa trừ quỷ và chữa lành bệnh. Họ lấy của cải mà giúp đỡ Chúa. Tất cả những ai được Thiên Chúa kêu gọi và ban ơn đều cùng với Ðức Giêsu để đi loan báo Tin Mừng cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, ngày nay còn biết bao nhiêu người chưa được đón nhận Chúa. Thế giới này còn nhiều nơi cần đến bước chân của Chúa. Giáo Hội và mỗi người chúng con có bổn phận tiếp nối con đường Chúa đi để đem ánh sáng cho cuộc đời. Xin cho chúng con biết tích cực, dùng tất cả các khả năng và ân lộc Chúa ban để đóng góp công cuộc loan báo Tin Mừng. Ðể tất cả mọi anh em chúng con được nhận biết Cha và cùng xum họp với nhau trong tình yêu thương của Cha.

YÊU MẾN NHIỀU VÌ ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU

Đoạn Tin Mừng (Lc 7, 36-50) trình thuật việc cô Mađalêna xức dầu thơm cho Đức Giêsu và lấy tóc mình mà lau. Sự trở lại của cô đã làm cho nhiều người kinh ngạc và hành động của cô cũng gây nên không ít sự tò mò cho mọi người xung quanh.

Mađalêna là một cô gái điếm chuyên nghề, nhưng cô đã được Đức Giêsu giải cứu khỏi cái chết trước sự hằm hằm của các người Biệt Phái khi họ dẫn giải cô đến để xin Đức Giêsu xét xử. Đức Giêsu đã giải thoát cô khỏi chết và phục hồi tinh thần cho cô bằng tình thương xót của Ngài. Vì thế, cuộc đời của Mađalêna đã thay đổi từ đó.

Nếu trước kia đôi mắt của cô là đôi mắt đa tình, thì nay đôi mắt đó đã đẫm lệ ăn năn.

Nếu trước kia mái tóc là vật để trang điểm thân xác và tạo sự chú ý của các chàng trai khát tình, thì giờ đây đã dùng để lau chân Chúa.

Nếu đôi môi là nơi diễn ra những nụ hôn nồng thắm phục vụ cho những cuộc ăn chơi trác táng, thì giờ đây cô đã dùng vào việc hôn chân Chúa.

Nếu trước kia dầu thơm là mồi câu khách làng chơi, thì giờ đây, cô đã dùng vào việc xức chân Chúa.

Tất cả những hành vi đó của cô đã biểu lộ một đức tin tuyệt đối và lòng yêu mến nồng nàn với Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát cô khỏi tội lỗi và khỏi chết.

Thật vậy, cuộc đời của mỗi con người đều có một quá khứ và tương lai, các thánh là những người cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó! Điển hình là Mađalêna, cuộc đời của ngài từ tội nhân trở thành thánh nhân nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Từ lòng bao dung tha thứ của Đức Giêsu, Mađalêna đã được phục hồi giá trị làm người và làm con Thiên Chúa. Bây giờ cô có quyền ra đi trong cuộc sống với một tâm hồn bình an vì đã yêu nhiều nên được tha nhiều.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa trong tâm tình thống hối ăn năn. Hãy tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa. Vì tội chúng ta có đỏ như son, có thẫm tựa vải điều, thì Thiên Chúa cũng tẩy cho trắng như bông, sạch như tuyết.

Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải quay trở về với Chúa trong sự khiêm tốn, ăn năn, tin tưởng. Tất cả được xây dựng trên lòng mến. Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi tội lỗi, và ban ơn giúp sức để chúng con được ơn trở về với Chúa cách trọn vẹn và trung thành như thánh nữ Mađalêna khi xưa.

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

HÃY TIN VÀO CHÚA...!

Chúng con cảm tạ Chúa đã sống thật đơn hèn để gần gũi với chúng con. Chúa đã mang lấy thân phận con người để sống hoà nhập với loài người chúng con. Chúa còn trở thành tấm bánh đơn sơ để trao ban chính sức sống thần linh của Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình cùa Chúa để chúng con luôn biết sống chân thành với nhau, và mặc lấy tâm tình trẻ thơ để sống khiêm tốn trước mặt Chúa.

Lạy Chúa, tuy mang danh là Kitô hữu, nhưng chúng con vẫn chưa đủ dứt khoát để dấn bước theo Chúa, chưa đủ xác tín vào lời Chúa. Chúng con chưa nhất quán trong đời sống hằng ngày với lời Chúa và lề luật của Chúa. Chúng con tin Chúa nhưng lại không dám sống theo những đòi buộc của đức tin. Chúng con mang danh là Kitô hữu nhưng lại không dám mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để sống với tha nhân. Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con sức mạnh của lòng tin, để chúng con can đảm làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen.

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

ĐỪNG CỨNG LÒNG TIN

“Ông Gioan đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: 'Ông ta bị quỷ ám.' Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: 'Đây là tay ăn nhậu'.” (Lc 7,33-34).

Ðức Giêsu phê phán về sự cứng lòng và kiêu ngạo của người Do Thái, đặc biệt là các kinh sư và Pharisêu. Họ luôn tìm cách để biện minh cho mình và trốn tránh sự thật. Gioan Tẩy Giả sống khắc khổ, họ bảo là bị qủy ám. Còn Ðức Giêsu sống giản dị, gần gũi, hòa đồng với dân, họ lại cho là một tay ăn nhậu, bê tha. Thế nhưng, trước sự hiện diện và hành động yêu thương của Ðức Giêsu, càng chứng tỏ cho thấy họ thật ngoan cố và ác tâm. Nếu chúng ta cứng lòng không tin vào Ðức Giêsu, chúng ta cũng sẽ không nhận ra Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng yếu đuối, cứng lòng trong niềm tin như những người Do Thái xưa. Ngày nay Chúa vẫn hiện diện và đang tích cực can thiệp vào lịch sử nhân loại, vào lịch sử cuộc đời chúng con. Chúa ban cho chúng con biết bao hồng ân. Thế nhưng chúng con vẫn không hài lòng, chúng con thường kêu ca than trách mọi chuyện. Xin cho chúng con biết nhìn ra những điểm tích cực trong cuộc sống. Và đó là dấu chứng của một tình yêu Thiên Chúa đang trào tràn trên chúng con. Amen.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

MẸ ĐỨNG KỀ THẬP GIÁ

Tin Mừng theo thánh Gio-an viết rằng trên Núi Sọ, “đứng kề thập giá Ðức Giê-su có thân mẫu Người” (Ga 19,25). Đôi khi chúng ta vẫn tự hỏi: Tại sao lại đứng mà không phải là ngồi? Lại càng không phải là nằm sóng soài hay lăn lộn giữa đất? Liệu rằng với trái tim của một người mẹ có thể đứng vững dưới cây thập giá trên đó con mình bị đóng đinh, thân mình nát tan, đang quặn đau từng hồi hay không?

Mẹ có thể than khóc. Mẹ có thể la hét. Mẹ có thể nguyền rửa kẻ giết con mình! Nhưng không. Mẹ đứng đó lặng yên. Mẹ đứng đó như lời ca từ của cha Kim Long đã viết: ‘Mẹ đứng đó khi trời đã tím mầu...; Mẹ đứng đó tâm hồn tê tái sầu..’. Mẹ đứng đó như một chứng nhân về cái chết cứu đời của Con yêu quý. Mẹ đứng đó trong nỗi đau xé nát con tìm như là sự thông phần đau khổ cùng Con. Vâng, mẹ đã thông phần cứu chuộc nhân loại qua cái chết của Con. Mẹ đã vượt qua đau thương để cùng con cứu đời. Nhưng, chúng ta tự hỏi: điều gì đã khiến Mẹ can đảm như thế? Bởi đâu Mẹ có thể đứng vững trước nỗi đau của Con cũng là của Mẹ? Có lẽ lý do duy nhất chính là lòng tin nơi Mẹ. Một lòng tin tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa có thể làm mọi sự mà Mẹ luôn đáp lại bằng hai tiếng xin vâng.

Có thể nói từ ngày truyền Tin, từ khi thưa Xin Vâng (Fiat) cho đến lúc đứng dưới chân Thập Giá, cuộc hành trình đức tin của Mẹ đã trải qua nhiều chặng, nhiều khúc, nhiều tình tiết, nhiều thử thách, đau khổ mà không phải lúc nào Mẹ cũng hiểu rõ và Mẹ đã không lường trước được. Lần giở lại Kinh Thánh ta thấy: Mới nhận lời sứ thần truyền tin chưa bao lâu, thử thách đã tới: Giu-se định tâm âm thầm rút lui. Ma-ri-a chẳng phân bua gì cả, tiếp tục phó mình cho Ðấng Toàn Năng. Cuộc đời Mẹ đầy thăng trầm. Có lẽ khó có ai chịu nhiều đau khổ bằng Mẹ. Khi mang thai bị nghi ngờ. Khi sinh con thì thiếu thốn tư bề. Rồi trốn chạy kẻ giết hài nhi. Khi lạc con 3 ngày nơi đền thờ. Khi con mình bị chống đối lòng Mẹ cũng hoang mang. Và có lẽ không nỗi đau khổ nào bằng việc an táng con yêu của mình.

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

THẬP GIÁ TRONG GIA ĐÌNH.

Thập giá ở rải rác khắp nơi, nơi bản thân từng người cũng như nơi cộng đồng, cách riêng nơi cộng đồng gia đình. Tôi muốn nói đến cộng đồng tình yêu hay là mái ấm gia đình.

Người ta yêu nhau, người ta xây dựng tổ ấm gia đình, nhưng dưới mái ấm ấy những người “yêu nhau” không thể tránh được những va chạm, những mối bất hòa bùng nổ hay ngấm ngầm khi phải chung đụng với nhau lâu dài trong đời sống vợ chồng. Ai mà không biết có những ông, những bà suốt ngày cứ cằn nhằn nhau, chê trách nhau, kể cả chửi bới “người mình yêu” từ nhà vọng ra vườn, từ sân vọng vào trong nhà. Người ta tìm ra được những câu chửi nhau thậm tệ, bởi móc cả từ ông bà tổ tiên ra để mà chửi cho đã cái miệng, như tôi đã nghe được ông chồng chửi vợ thật độc đáo : ”Tiên sư cha-con đĩ mẹ mày”!

Người ta coi nhau như Thánh giá, thánh giá này quá sức nặng, quá sức chịu đựng, làm cho nhiều người sống ngày nào là phải kéo lê đời mình ngày ấy. “Thánh giá” do “người yêu mình” tạo ra, làm cho cả hai (chứ không phải người “vác thánh gia” mà thôi) phải sống trong chán chường, đắng cay, chua chát. Gia đình do những người “yêu nhau” như thế quản lý, không còn là gia đình đúng nghĩa. Thay vì tổ ấm, gia đình trở thành nhà tù trói buộc, tra tấn nhau.

Ngày nay, người ta ly dị rất nhiều. Người ta ly dị như vậy có lẽ vì người ta không dám chấp nhận vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Nhiều người giữa đường đứt gánh vì họ sợ chịu khó, sợ thập giá. Càng sợ thập giá thì thập giá càng đè lên vai họ, họ không thể tránh được thập giá vì Chúa Giêsu đã nói: "Ngày nào có cái khó của ngày đó”.

Trong gia đình, Chúa muốn cho vợ chồng cùng chung vai sát cánh mà vác thập giá trong sự tin tưởng và phấn khởi. Chúa Giêsu cũng chỉ chiếm được vinh quang khi đã chết và sống lại. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng trong việc vác thập giá ấy không phải chỉ có hai vợ chồng vác mà còn thêm người thứ ba nữa, đó là Chúa Giêsu, Ngài không đi đàng trước mà chỉ đi phía sau mà hỗ trợ, Chúa cùng vác với vợ chồng, vợ chồng càng yếu, Chúa càng phải tiếp sức nhiều hơn.


Trong một bức ảnh, tôi thấy người ta vẽ hình hai vợ chồng đang gắng sức vác cây thập giá lên dốc, nhưng Chúa Giêsu đang đi đàng sau cùng vác đỡ để khuyến khích vợ chồng. Như vậy, cây thập giá của gia đình luôn phù hợp với sức chịu đựng của hai người. Không bao giờ Chúa trao cho cây thập giá nặng quá đâu. Hãy vui vẻ mà vác. Đừng bao giờ phàn nàn vì cây thập giá của mình nặng quá, muốn cho cây thập giá nhẹ hơn.

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

ĐÓN NHẬN THẬP GIÁ

Mỗi người chúng ta đang sống một cuộc đời cho chính mình. Mỗi người chúng ta đang đón nhận thập giá với thái độ khác nhau. Có người chấp nhận thập giá để đền tội. Có người chấp nhận thập giá vì lòng yêu mến tha nhân. Và cũng có người đang từ chối thập giá trong cuộc đời. Hạnh phúc hay đau khổ tuỳ thuộc vào việc chọn lựa sống của chúng ta. Nhưng dù con người có muốn hay không? Thập giá vẫn hiện diện. Thập giá của bổn phận. Thập giá của hy sinh từ bỏ những tham lam bất chính, những ham muốn tội lỗi, những ích kỷ tầm thường. Đón nhận thập giá sẽ mang lại cho ta tâm hồn bình an vì đã sống đúng với bổn phận làm người. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta đền bù những thiếu sót trong cuộc sống của mình và của tha nhân. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta tiến tới vinh quang phục sinh với Chúa trên thiên đàng.


Nguyện xin Chúa là Đấng đã vui lòng đón nhận thập giá vì chúng ta, nâng đỡ và giúp chúng ta vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Xin giúp chúng ta biết sống một cuộc đời hy sinh cao thượng để chúng ta không hối hận vì quá khứ, nhưng luôn bình an vì đã sống chu toàn bổn phận của mình với lòng mến Chúa, yêu người.

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

LÒNG TIN THẬT

“Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6,46). 

Tất cả lời giảng dạy và dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay (Lc 6, 43-49) nhấn mạnh đến tiêu chuẩn của một người môn đệ đích thực: không phải chỉ cần một lòng tin trên lý thuyết, trên môi miệng... Ðiều cần thiết nhất là phải thi hành ý Thiên Chúa, sống theo lời Ðức Giêsu dạy. Chúng ta không thể nói rằng mình tin yêu Chúa, mà cuộc sống chúng ta lại không theo giáo huấn của Ngài.

Mỗi tín hữu chúng ta cần xác tín: chỉ có Ðức Giêsu và ánh sáng Lời Ngài là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Ngoài Ðức Giêsu, không ai có thể cho chúng ta hạnh phúc đích thực.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con ai cũng tuyên xưng đức tin. Nhưng nhiều khi chúng con chỉ là những kẻ tin suông: nghĩ hay nói giỏi, đọc kinh nhiều. Còn việc sống theo Lời Chúa dạy thì chúng con chưa quan tâm. Xin giúp chúng con nhận ra những gì giả dối nơi con người mình, và biết khiêm tốn sửa đổi. Chỉ khi nào chúng con sống đức tin, chúng con mới làm cho người khác nhận ra và tin vào Chúa.

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

BIẾT MÌNH NHƯ THẾ NÀO


“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6,41).

Ðức Giêsu kêu gọi mọi người, nhất là những người có trách nhiệm, những bậc làm cha mẹ... phải sáng suốt và khôn ngoan khi sửa lỗi cho anh chị em, con cái mình. Chúng ta chỉ có khuynh hướng nhìn thấy lầm lỗi của tha nhân mà không biết nhận ra những khuyết điểm của mình. Nhiều khi chính những khuyết điểm ấy lại đang gây ảnh hưởng, gây gương mù, gương xấu cho anh chị em, con cái mình. Chúng ta hãy năng tự kiểm điểm theo mẫu gương duy nhất là Ðức Giêsu và lời dạy của Ngài để ta biết mình và biết cách hướng dẫn người khác.

Lạy Chúa, theo Lời Chúa dạy hôm nay, chắc có lẽ chúng con sẽ bị xét đoán thật nhiều vì lối sống thiếu bác ái và hay xét đoán anh chị em của chúng con. Xin cho chúng con luôn biết thưa với Chúa: xin cho con biết con. Chỉ khi nào chúng con biết Chúa thực, thì chúng con mới biết đích thực về anh chị em chúng con. Chúng con biết Chúa để yêu mến, biết mình để khiêm hạ, biết anh chị em con để yêu thương. Nếu khi nào chúng con biết sống như thế, thì lúc đó chúng con mới có bình an và hạnh phúc.

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

YÊU THƯƠNG LÀ CHO ĐI


Ðức Giêsu đã dạy chúng ta về lòng yêu thương vô vị lợi, tha thứ vô điều kiện và không xét đoán người khác. Trên thập giá, Chúa Giêsu xin Ðức Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình. Ðó là những việc thường trái với tính tự nhiên của con người. Nhưng Ðức Giêsu đã vượt thắng và muốn chúng ta đi trên con đường của Ngài là thương, và yêu thương tới cùng.

Lạy Chúa Giêsu, với con người đầy ích kỷ và hẹp hòi của chúng con, chúng con thấy thi hành những điều Chúa dạy thì như kẻ khờ khạo đối với người đời, nên chúng con cảm thấy không vui lòng. Xin cho chúng con biết nhìn vào mẫu gương khôn ngoan đích thực của chính Chúa. Chúa đã trở nên như đồ chúc dữ chỉ vì yêu thương. Nhìn gương Chúa và nghe lời Chúa dạy. Xin cho chúng con biết chọn phần khôn ngoan đích thực là sống như Chúa và làm theo Chúa. Trở nên giống Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được đón nhận hạnh phúc vĩnh cửu.

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI

“Phúc cho những kẻ nghèo khó……..Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”. (Lc 6, 20-26)

Ðức Giêsu nêu lên bốn mối phúc và bốn mối họa như một lời báo trước những duyệt xét của Ngài trong ngày cánh chung. Bốn mối phúc như là những đòi buộc của Chúa đối với các môn đệ chân chính. Bốn mối họa không phải là lời nguyền rủa nhưng là lời khuyến cáo và tha thiết kêu gọi thống hối ăn năn. Chúng ta đã sống thế nào trước lời nhắn nhủ chân chính của Chúa?


Cuộc sống đời này là chuẩn bị tiến bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Vũ trụ vạn vật được trao cho chúng con để chúng con quy về cùng đích là Thiên Chúa. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sử dụng chúng đúng cách để đạt được hạnh phúc đời sau. Xin giúp chúng con biết tháp nhập đời sống của chúng con vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, bằng đời sống yêu thương, quan tâm và chia sẻ với anh chị em, để cuộc sống của chúng con luôn là bài ca tôn vinh Thiên Chúa.

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

TÂM HỒN TRẺ THƠ

Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào. (Mc 10,15)

Vâng, đây mới là điều Đức Giêsu muốn nói: “tâm hồn trẻ thơ”.  Không phải chỉ có trẻ em mới được vào, còn người lớn thì không. Không phải vậy, mà là người có tâm hồn trẻ em, thì người ấy mới được vào Nước Trời. Như vậy, không cứ gì trẻ em, người lớn hay người già, muốn được vào Nước Trời thì người đó phải có tâm hồn của trẻ em.

Vậy tâm hồn trẻ em phải như thế nào? Đó là tâm hồn của người luôn có lòng biết ơn, luôn biết phó thác và luôn sống khiêm tốn.


Ta từng tự hào là ông, là bà, là cha mẹ, là thầy cô của trẻ em, nhưng ngày hôm nay ta phải học hỏi chúng. Ta cứ quan sát chúng sống hồn nhiên, ngây thơ như thế nào, để ta biết sống đúng với Thiên Chúa: cũng hồn nhiên, ngây thơ trong tình yêu của Thiên Chúa như vậy. Cuối cùng Đức Giêsu đã ôm lấy các em và đặt tay chúc lành cho chúng, thì chúng ta cũng được Chúa chúc lành như vậy vì chúng ta đã sống với một tâm hồn của trẻ thơ.

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

SINH NHẬT ĐỨC MẸ

Ngày mừng Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria cũng là dịp để chúng ta nhớ đến ngày sinh ra của mỗi người chúng ta, để chúng ta nhìn vào cuộc đời của chính mình, tự nói với chính mình : “Tôi đã mừng sinh nhật thứ bao nhiêu? Tôi đã sinh ra đời được bao nhiêu năm? Tôi đã sống thế nào trong những năm tháng vừa qua như những người con của Chúa, của Mẹ Maria trong việc thánh hoá bản thân, trong việc phục vụ gia đình, xã hội và Giáo Hội Chúa? Tôi đã chu toàn thế nào bổn phận của người chồng, người vợ, của người Cha, người Mẹ, của những người con hiếu thảo? Tôi đã sống thế nào để xứng đáng là những người đã được Chúa yêu thương, gọi và chọn vào hàng Giáo Phẩm, vào đời sống tu trì như những Linh mục, Tu sĩ nam, nữ ?


Xin Chúa thương thánh hóa đời sống mỗi người chúng ta, giúp chúng ta luôn biết noi gương đời sống của Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh là những Đấng đã luôn sống đẹp lòng Chúa, để chúng ta có thể sống một cuộc sống cao đẹp, biết quên mình, khiêm tốn phục vụ Chúa qua mọi người, nhất là những người đau khổ. Xin cho chúng ta luôn biết chung tay xây dựng gia đình, xã hội và thế giới, cũng như góp phần vào việc rao giảng Phúc Âm tình thương của Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ hàng ngày trong cuộc sống

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

SỬA LỖI CHO NHAU...!

Sửa lỗi nhau là một công việc hết sức tế nhị và khó khăn. May mắn cho chúng ta vì Chúa đã để lại cho chúng ta một cách sửa lỗi sao cho có hiệu quả. Chúng ta cần theo đúng những bước này mỗi khi phải sửa lỗi anh em.

Hai thái cực cần tránh trong việc sửa lỗi: Thái độ “xin cho hai chữ bình an” không giải quyết được vấn đề vì trước hay sau rồi cũng phải giải quyết. Thái độ này cũng bị luận tội bởi Thiên Chúa vì đã không chu tòan bổn phận của người canh gác. Ngược lại thái độ xét xử người khác từng ly từng tí và mọi nơi mọi lúc cũng không nên làm vì người được sửa sẽ nhàm chán và không muốn nghe.


Để việc sửa lỗi có hiệu quả đòi tất cả mọi người phải có tâm hồn yêu thương. Mục đích của việc sửa lỗi là để cứu vớt tội nhân, cho họ có cơ hội ăn năn trở lại, chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào khác.

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

THIÊN CHÚA LÀM CHỦ NGÀY SA-BÁT.

Đức Giêsu nói: “Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5).

Các người Pharisêu chất vấn Đức Giêsu về việc các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày sabát. Với họ, đây là việc không được phép làm vì vi phạm luật ngày sabát. Thực ra, luật ngày sabát không quy tội cho những hành động nhỏ nhặt như vậy. Những hành động này là do con người tự đưa ra khi giải thích luật. Tinh thần của luật là để giúp con người sống tốt trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.

Luật của Chúa là để giúp con người sống tốt hơn, là để phục vụ con người chứ không phải để giết chết. Xin cho chúng con đừng vì luật mà gây khó dễ cho nhau.

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

SỐNG THẬT…!

Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới  cũng không ăn với áo cũ” (Lc 5, 37).

Các Pharisêu và kinh sư trách các môn đệ của Đức Giêsu luôn ăn với uống. Đức Giêsu cho biết các môn đệ của Người không ăn chay là vì các ông đang sống trong thời ân phúc, thời của “chàng rể”. Đây không phải thời điểm để ăn chay mà là để vui hưởng Nước Thiên Chúa với sự hiện diện của Đức Giêsu.


Chúa nhắc chúng con phải sống phù hợp với thời điểm hiện tại. Hiện tại của chúng con là đã được tái sinh làm con Chúa trong Phép Rửa. Xin Chúa giúp chúng con sống xứng đáng với thực tại này.

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

VÂNG LỜI “THẦY”, CON THẢ LƯỚI!

Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5).

Ông Phêrô và các bạn đã vất vả suốt đêm nhưng không được gì, một hoàn cảnh thật đáng thương. Tuy thế ông còn dễ thương hơn nữa khi “vì lời Thầy” mà sẵn sàng thả lưới thêm một lần nữa, dù rất mệt. Thành quả của “lời Thầy” chắc chắn đã đẩy lui những mệt nhọc vất vả suốt đêm qua.

Cuộc sống sẽ thêm vất vả khó khăn nếu con quên Chúa. “Vì lời Chúa” lúc đầu xem ra có vẻ khó khăn nhưng thành quả gặt hái được chắc chắn sẽ quý giá hơn nhiều. Xin Chúa giúp con luôn ý thức điều đó để con luôn đặt đời mình dưới sánh sáng soi dẫn của Lời Chúa.

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC GIÊSU

Đức Giêsu nói: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa,  vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43).

Bài Tin Mừng (Lc 4, 38-44)  nói lên lòng thương xót của Ðức Giêsu với bà mẹ vợ của ông Simon và những người đau yếu khác. Tình thương bao la của Ðức Giêsu trải rộng tới hết mọi người, không phân biệt thân sơ, không phân biệt xa gần. Ðức Giêsu luôn tất bật với sứ vụ đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Thời giờ của Ngài dành hoàn toàn cho Cha và cho con người. Một tình thương cho đi và cho đến tận cùng.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mạc khải, là sự hiện diện của Thiên Chúa Cha ở giữa chúng con. Vì quá yêu thương chúng con, Chúa Cha đã sai Chúa đến với chúng con. Ðể qua Chúa, Chúa Cha tỏ lộ được tình yêu và chúng con cũng cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha đối với chúng con.

Lạy Cha, được Cha yêu thương, còn gì hạnh phúc, còn gì cao quý bằng! Xin cho chúng con cảm được niềm vui tràn đầy này, để cuộc đời chúng con luôn bình an, và chúng con lại tiếp tục trao ban tình yêu đến cho anh chị em chúng con. 

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

NGÔI LỜI

“Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy,vì lời của Người có uy quyền”  (Lc 4,32).

Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Người đến thế gian để nói lời của Thiên Chúa cho nhân loại. Do đó, lời của Người đầy uy quyền và có sức chữa lành chứ không phải như lời của các thầy luật sỹ hay kinh sư. Lời của Người có uy quyền trên bệnh tật, trên sự chết và trên cả thiên nhiên, một uy quyền đến từ Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Chúa đến để mở ra cho chúng con một con đường, tỏ cho chúng con biết sự thật về lòng thương xót Chúa hầu mang lại sự sống cho chúng con. Vậy mà chúng con vẫn còn thờ ơ với Người. Xin giúp chúng con biết lắng nghe theo Lời Chúa dạy bảo.